Nói đến nhà thơ Nguyễn Đình, hình như không gây sự chú ý với bạn đọc trẻ. Mới đây, có cậu thanh niên hỏi về chú. Cậu ấy nói: “Muốn tìm tác phẩm của nhà thơ Nguyễn Đình mà chẳng biết tìm ở đâu!”. Tôi đã hứa sẽ giúp. Tôi lên mạng tìm hoài, nhưng không có tên và tác phẩm nào của chú cả, thật tiếc! Trong lời đề tựa của một tập thơ cho ba tôi - nhà thơ Yến Lan, nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Có nhiều lý do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng. Nếu không ai nhắc đến, chỉ ra, gọi tên, tán dương thì nó bị vùi lấp đi, đầu là trong im lặng mà sau là sự lãng quên” .
Không lẽ, người ta đã vội quên nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình rồi sao?
Từ trái: Nhà thơ Nguyễn Đình, Yến Lan, Mịch Quang và Lâm Huy Nhuận - con trai Yến Lan
Qua trang mạng của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trong Tạo tôi được biết thêm: Nhà thơ Nguyễn Đình được độc giả yêu thích qua những bài thơ trào phúng. Thế nên ông trở thành đối tượng để các nhà văn đùa tếu. Một hôm, nhà văn Xuân Thiều ra một vế đối cho anh em bạn văn:
Nguyễn Đình thi với Nguyễn Đình Thi
Mãi một thời gian dài, khi nhà thơ Thanh Tịnh biết chuyện, ông mới có vế đối thật sự hoàn thiện:
Trần Thanh địch cùng Trần Thanh Địch
Trần Thanh và Trần Thanh Địch đều là hai nhà văn nổi tiếng. Ai cũng khen Xuân Thiều và Thanh Tịnh đã có một câu đối để đời! Trên văn đàn có thể ít người biết và nhớ đến nhà thơ Nguyễn Đình, nhưng người nào đã sống cạnh nhà, hay đã tiếp xúc với chú thì không ai có thể quên được một nhà thơ mà có cái “tâm bằng ba chữ tài” ấy được. Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ nhớ lại: “Nhiều năm rồi mà tôi vẫn còn nhớ điệp khúc: “Nhà 96 các cháu rất ngoan/ mỗi khi lên cầu thang thì đi nhẹ bước/ khi xuống bếp lấy nước thì không làm bẩn nhà/ ấy thế mới gọi là/ là các cháu ngoan/ ấy thế mới gọi là/ là các cháu ngoan”. Bài hát này khi đi biểu diễn văn nghệ ở khu phố đã giành được giải nhất. Bọn trẻ trong khu nhà tập thể hễ đứa nào có chút năng khiếu ca nhạc đều trở thành hạt nhân văn nghệ của trường, của lớp vì được toàn các nhạc sĩ tên tuổi “hòa âm luyện giọng”.
Nhà thơ trào phúng Nguyễn Đình, tác giả nhiều bài thơ châm biếm đả kích cũng là người rất tâm lý. Văn nghệ sĩ thường làm việc đêm, ban ngày muốn nghỉ ngơi thì trẻ con lại thường đùa nghịch ồn ào. Bảo thế nào bọn chúng cũng không nghe, càng mắng mỏ, dọa nạt chúng càng làm ồn. Nhiều khi chuyện trẻ con đã làm mất lòng người lớn. Nhà thơ Nguyễn Đình đã nghĩ ra cách giáo dục bằng “văn học nghệ thuật”. Ông viết lên tấm bảng to trên tường nhà mình, câu chuyện Bác Hồ đã nhấc cái chuông treo trên cầu thang để giữ giấc ngủ cho người cần vụ. Kết thúc chuyện ông làm mấy câu thơ: “Quỳ gối nâng chuông cho khỏi động/ Tấm gương cao cả vạn đời soi/ Cháu ngoan của Bác Hồ ơi/ Nhẹ chân khẽ tiếng cho người nghỉ trưa/ Mồm la chân cứ nhảy bừa/ Làm người rức óc Bác ưa không nào?”. Vậy là lũ trẻ con trở nên ngoan hiền đến bất ngờ!
Nhà thơ Nguyễn Đình rất tài làm thơ ứng khẩu kiểu “Bút Tre”. Mỗi khi làm bích báo nộp ở lớp, khi nào bí quá chúng tôi lại phải nhờ đến ông, thù lao trả bằng cách… nhổ tóc bạc. Ông cũng hay bị được trở thành nhân vật chính trong các bài thơ sáng tác tập thể truyền miệng theo kiểu văn học dân gian. Mọi người trong khu nhà vẫn nhớ bài thơ vui do nhà thơ Vĩnh Mai và Xuân Quỳnh “tức cảnh” sáng tác trong một vài phút.
Cuộc đời sao khéo phất phơ
Ăn cơm tập thể ngâm thơ Nguyễn Đình
Cơm tập thể thiu thiu, thiếu thiếu
Thơ Nguyễn Đình thẹo thẹo, cầy cầy
Cơm kia cùng với thơ này
Cuộc đời như thể đi đày Côn Lôn!
Nghe Xuân Quỳnh đọc bài thơ kèm theo tiếng cười tinh nghịch, ông không giận mà còn cười khoái trí và khen: “Khá đấy”. Còn với gia đình tôi, chú Nguyễn Đình là người bạn thủy chung, trước sau như một. Trong hành xử, chú không bao giờ so đo, tính toán, luôn làm những điều gì tốt nhất cho bạn, nhận về mình phần thiệt thòi. Theo ba tôi nhận xét; chú là người suy nghĩ sâu sắc, nhạy cảm với mọi vấn đề. Hồi còn ở trong Nam, quê chú tận Hội An, nhưng vào thành phố Nha Trang dạy học. Ở đây, chú hay tới nhà bác Quách Tấn - đây là “điểm hẹn văn hóa” của trí thức trẻ, là nơi giao lưu, sinh hoạt nghiên cứu, vịnh thơ Đường; nơi gặp gỡ các khách yêu thơ v.v…
Ba tôi thường vào nhà bác Tấn để cùng học làm thơ Đường, nghiên cứu thơ Pháp với bác. Rồi, gặp và quen thân chú Nguyễn Đình. Bác Tấn thấy chú Đình là người có học vấn nhưng sống giản dị, dễ gần nên đã tác hợp với các bạn trong “Tứ Hữu Bàn Thành”. Tuy không phải là thành viên của nhóm “Tứ Linh”, nhưng chú Đình có công không nhỏ trong việc quảng bá thơ Hàn Mặc Tử với khách thơ ở khu vực miền Trung. Hàn Mặc Tử mất sớm, trách nhiệm nhóm phải quảng bá rộng rãi thơ ông ở Nha Trang và Qui Nhơn.
Trong khi bác Tấn soạn về thân thế, sự nghiệp văn chương thì chú Nguyễn Đình được phân công đọc kỹ thơ Hàn để chuẩn bị diễn thuyết trước công chúng cho trôi chảy. Chú đã hoàn thành mỹ mản công việc. Kết quả rất khả quan, bác Tấn ưng bụng, nói:“Những bài của Chế Lan Viên, Yến Lan và tôi đã soạn đều giao cho Đình để Đình thay chúng tôi nói về sự nghiệp của Tử; còn chúng tôi phân công nhau đọc thơ. Chế đọc thơ Pháp, Lan đọc thơ Việt, tôi đọc thơ chữ Hán, rồi truyền cho nhau những “cái hay” đã tìm được ở trong thơ Hàn, còn Đình đóng vai trò dự thính…Đình làm việc gì cũng chỉnh chu…”.
Lúc nhỏ, tôi rất quí chú Đình, chú là kho chuyện tiếu lâm của chị em tôi. Với người lớn, chú hay kể về ma quỉ; nghe sợ đến dựng tóc gáy. Vậy mà tôi khoái nghe lõm thứ chuyện này mới lạ chứ. Nghe nhiều đến độ thành bệnh “sợ ma” mãn tính! Tập kết ra Bắc, chú không dạy học mà làm nhà thơ trào phúng. Tôi chưa thuộc câu thơ nào của chú, mà chú đã đi xa! Đời chú sao ngắn ngủi đến thế! hưởng dương chỉ đến tuổi 57 (1918-1975) là dừng!
Tại sao tôi nói chú Nguyễn Đình là người sống trọn tình, trọng nghĩa, có trước có sau. Bùi ngùi nhớ lại những năm tháng ở Hà Nội, khi phong trào chống người tham gia trong nhóm Nhân văn giai phẩm lên đỉnh điểm, đã làm tan tác tình bạn của ba tôi và nhiều người; vì sợ vạ lây nên hầu như tránh né gặp ba tôi vì sợ bị liên lụy. Nhưng chú Nguyễn Đình vẫn là người bạn đến nhà thăm hỏi ba tôi tiếp tục tranh luận về nghệ thuật hội họa, phim ảnh, thơ phú… Mỗi lần chú Đình đến nhà là chị em chúng tôi, lúc đó đã lớn cả rồi được ngồi xa xa để nghe chú kể chuyện hài bằng chất giọng châm biếm duyên dáng, thâm nho như xưa, không có gì thay đổi cả.
Một hôm, đến thăm bạn (ông này làm ở Bộ Nội vụ) thấy có 3, 4 tập thơ “Giọt trăng”; tác giả là Quách Tấn, gửi cho em trai Quách Tạo. Dấu Bưu điện Sài Gòn - Paris và Paris - Hà Nội. Dấu bưu điện ghi rõ ngày gửi đã lâu, sao vẫn còn nằm ở đây?! Sao chưa đến tay anh Tạo? Thoáng qua, chú Nguyễn Đình hiểu ra: Đây là thơ của Quách Tấn - nhà thơ đang phục vụ cho “chế độ ngụy quyền miền Nam ”. Bỗng chú nghĩ ra cách để giúp bác Quách Tạo. Chú năn nỉ mượn tập thơ về nhà xem, rồi, cả đêm hôm đó, chú thức trắng để vẻ, chép sao y bản chính. Sáng hôm sau, chú vui vẻ đem tặng bác Quách Tạo. Bác Tạo cầm tập thơ của người anh ruột lòng mừng khôn xiết! Bác Tạo lại mang đến khoe với ba tôi. Hai người cầm tập thơ giấu giếm rất tội nghiệp, sau chui vào buồng ngủ của ba má tôi, thận trọng lật từng trang xem. Vì nghe nói, tập thơ có 7 bài khóc con chết trận. Sợ nội dung bôi nhọ chế độ XHCN miền Bắc, làm liên lụy đến những người có quan hệ thân thích đang sống ở miền Bắc gặp họa. song le, đọc đến từ trang đầu, đến trang cuối, hai người thở phào nhẹ nhõm. Bài thơ nào trong đó, cũng toát lên lòng yêu nước, yêu dân tộc. Bác Tấn chỉ diễn tả tâm trạng của người cha mất con:
Rủi gặp thời vô đạo
Đừng nên sanh con trai
Lớn lên tay cầm súng
Giết người phục vụ ai?
Ngày tôi lấy chồng, ba tôi mượn Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) tổ chức. Bạn của ba đến dự có các chú: Nguyễn Đình, Trinh Đường, Tế Hanh, vợ chồng chú Nguyễn Thành Long, vợ chồng chú Phạm Hổ, vợ chồng chú Vương Linh, bác Khương Hữu Dụng, vợ chồng bác Minh Vĩ… và một số nhà thơ trẻ cùng làm cơ quan ba đến chia vui. Bạn bè, cơ quan tôi ở xa nên chỉ cử đại diện. Trong bữa tiệc, vì nghe nói toàn nhà văn, nhà thơ, và có mặt 2 vị Anh hùng Lao động (một là anh hùng Hồ Giáo) nên không ai dám nói lời chúc phúc vì sợ “múa rìu qua mắt thợ”. Thấy vậy, tôi “tự cứu mình” bằng cách xin hát tặng cho ngày vui của mình bài hát tựa đề “Mẹ ơi con muốn lấy chồng” nhạc, lời của Indonesia. Bài hát có đoạn: “Em đã yêu một anh chàng trong cuộc vui này. Chàng thật xinh trai, nước da chàng ngâm ngâm đen. Càng nhìn càng yêu, nhưng cố nén trong lòng … Em nói với mẹ chính con cũng muốn lấy chồng, để dự đám cưới thấy vui là vui trong lòng. Mẹ ơi! thế đến bao giờ con lấy chồng, chỉ sợ có ai đón biết mình muốn lấy chồng!”
Mấy hôm sau chú Đình đến nhà, thấy tôi còn ở đó, chú nhìn tôi vẻ hóm hỉnh, rồi như reo lên: “Aí cha cha! nhà Yến Lan có cô con gái rất dũng cảm trên phương diện tình yêu mà bấy lâu nay chẳng ai ngờ!”. Sau câu nói đùa của chú, không chỉ tôi mà những ai có mặt lúc ấy, đều đớ người, nghệch mặt ra, chẳng hiểu mô tê chi. Chú lại nói tiếp: “Con Bích nhà anh khá thật! khá dũng cảm! khá mạnh mẽ, khá kiên cường! Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ, có lẽ lần đầu tiên tôi thấy cô dâu tự hát tặng cho mình. Mà dũng cảm ở chỗ là dám tuyên bố với cả Hội Nhà văn Việt Nam, rằng “Mẹ ơi! con muốn lấy chồng”. Chà chà! quá dũng cảm…!” Chú vừa nhìn tôi, vừa tặc tặc lưỡi ra điều khâm phục hết cỡ. Tới lúc này mọi người mới vỡ nhẽ ra. Ba má tôi thì cười hịch hịch, còn tôi thì thẹn nóng cả mặt.
Mà chuyện hát tặng cho ngày vui của mình chỉ hiếm ở thời đó, chứ giờ thì không còn lạ với ai nữa rồi! Từ đó, mỗi lần gặp tôi là chú lại trêu “Cô gái dũng cảm nhất nước ta trong lĩnh vực tình yêu đây rồi!”.
Đấy, chú Nguyễn Đình là người như thế, sao tôi có thể quên được nhỉ.
L.B.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|