Biên giới... xin đừng quên
TT - Cô Ba? Một phụ nữ xinh đẹp giỏi giang tựa như Cô Ba xà phòng nổi tiếng thời trước ở miền Nam? Cô Ba liên quan gì đến người "con gái Pa Kô con cháu Bác Hồ / dù gian khổ vượt núi băng rừng?"...
Câu hỏi cứ lờn vờn trong đầu theo nhịp lắc lư của chiếc xe trên con đường dốc núi dựng đứng, lắm đèo và vô số cua tay áo. Chính trị viên đồn biên phòng Cô Ba, rồi chủ tịch UBND xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) đều “chịu”! Địa danh này có lâu lắm rồi và chẳng nghe dính dáng tới nhân vật nào cả.
Nhà báo Lưu Đình Triều tại đồn biên phòng Cô Ba (Cao Bằng) vào tháng 3.2013
Mà thôi xin gác chuyện gốc tích qua một bên để ngắm nhìn một Cô Ba xinh đẹp từ trên độ cao khoảng 1.000m, giữa chập chùng mây mờ sương, giữa xanh ngát núi rừng. Cô Ba tươi mát nhưng cuộc sống quạnh hiu. Dõi mắt tìm mãi mới nhìn thấy lác đác vài mái nhà, chòi tre nứa. Cả xã có trên 3.000 người mà chia nhau ra ở rải rác trên 70km2, khuất sau các vách núi nên chẳng trách sao Cô Ba vắng vẻ đến thế.
Phân trường Lũng Vầy nằm gần UBND xã nhất có bốn lớp: 1, 2, 3 và mầm non. Theo lời anh chủ tịch UBND xã, trường thuộc loại khang trang trong những điểm trường của địa phương.
Khang trang là thế này sao? Khi cổng trường chỉ là hai cây gỗ tròn nhỏ dựng đứng, để bảng tên trường viết nguệch ngoạc bằng sơn đỏ vắt ngang. Bước qua cổng càng thêm xót xa. Sân trường chỉ rộng chừng vài chục mét vuông, không tường rào che chắn, chỉ chục bước chân là đã đến... mép vực sâu.
Nhưng ấn tượng nhất là lớp mầm non mà mới nhìn bên ngoài thôi đã thấy nhói lòng! Những mảnh gỗ ghép liền nhau, qua mưa nắng, cong vẹo, gợi nhớ một nhà kho ở vùng đồng bằng.
Mái nhà lợp tấm fibro ximăng lỗ chỗ vết thủng. Một cô giáo cho biết đó là hậu quả của trận mưa đá hồi đầu tháng 4. Lớp học được buộc níu bằng đủ loại dây để tránh sụp đổ bất ngờ. Bước vào lớp cứ như bước vào xó bếp của một mái nhà người dân tộc thiểu số. Cây đà ngang to đùng phơi bày trọn vẹn thân gỗ, chẳng có mảnh ván, vải che phủ. Vài mảnh nilông hai, ba sắc màu, bấu víu lẫn nhau để tạo thành vách phòng học.
Gần 20 em ngồi quây quần trên những chiếc ghế nhỏ. Mỗi em một kiểu “thời trang“, từ những tấm áo mùa đông cho đến những chiếc quần mùa hè, xanh vàng đỏ tím đủ kiểu. Chắc ai cho gì mặc nấy. Mặc triền miên ngày này sang tháng nọ nên phần lớn áo quần đều lấm lem bụi núi đồi.
Các đàn anh đàn chị lớp 1, 2, 3 ăn mặc cũng chẳng hơn gì đàn em. Thậm chí có em lớp 3 mặc áo carô xanh chuyển màu đến đen xám, chỉ còn đúng hai nút trên, phơi bày lồ lộ phần bụng cũng thâm xám... Một bộ đồng phục học trò, như các bạn đồng trang lứa ở nhiều nơi, có lẽ vẫn là một điều không mơ thấy nổi.
Biên giới! Những trưa nắng gắt ở Hà Giang, Điện Biên Phủ, những chiều tà lạnh lẽo ở Quảng Ninh, Lào Cai, tôi đã tích cóp được biết bao nhiêu hình ảnh của sự khó khổ ở các học trò vùng biên. Có hình ảnh được ghi nhớ mới đây, có hình ảnh diễn ra cách nay gần 30 năm. Tưởng đã quen, đã chai...
Thế mà lần chạm ngõ Cao Bằng, giáp mặt Cô Ba vào cuối tháng 4 lòng vẫn quay quắt trước những hình ảnh khó khổ của các em. Chương trình “Tháng 3 biên giới” do Tuổi Trẻ phát động, đóng góp được hơn 5 tỉ đồng để tạo ra vài trăm suất học bổng, vài phòng học... hẳn rồi cũng sẽ lọt thỏm giữa chập chùng rừng núi.
Làm sao tháng nào năm nào cũng mãi mãi là Tháng 3 biên giới? Mặc cho những con đường đến trường dù vẫn lượn lờ quanh co, nhưng làm sao điều kiện sinh hoạt, học tập của các em không còn “gập ghềnh” như những năm tháng đã qua?
Tự nhủ lòng: nhớ về biên giới, xin đừng quên câu hỏi này!
LƯU ĐÌNH TRIỀU
Lớp Mầm Non của Phân hiệu Lũng Vầy
Đại diện báo Tuổi Trẻ ( nhà báo Lưu Đình Triều) tặng sổ tiết kiệm (10 triệu đồng/sổ) cho các cựu chiến binh Pò Hèn, ( Quảng Ninh)gồm ông Ngô Văn Mịch, Bùi Văn Thung và Phạm Văn Điển (thứ 1, 3 và 4 tính từ trái qua) - Ảnh: Đ.BÌNH
(nguồn: báo Tuổi Trẻ ngày 5.5.2013)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|