Môi trường văn hóa nào cho giới trẻ trong thời hội nhập toàn cầu, báo chí truyền thông đóng vai trò gì trong định hình môi trường ấy là những dấu hỏi lớn được đặt ra trong buổi tọa đàm tại báo Tuổi Trẻ ngày 15-1- 2013. Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ (http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/530059/bao-chi-dinh-huong-va-dan-dat-gioi-tre.html):
"Nhà báo Lưu Đình Triều, báo Tuổi Trẻ, khẳng định Tuổi Trẻ đã có diễn đàn về việc thanh niên tham gia phát triển văn hóa dân tộc từ trước khi nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) ra đời. Xác định con người chính là cái gốc để xây dựng nền văn hóa VN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nên “Tuổi Trẻ vẫn đang góp phần phát hiện, giới thiệu hình ảnh mới chứ không dám gọi là hình mẫu của những thanh niên trong giai đoạn mới từ nhịp sống đời thường, cụ thể” - ông Triều nói. Tuy vậy, nhà báo Lưu Đình Triều nhìn nhận dù có tạo ra được “những cú đấm nghề nghiệp” có dấu ấn với bạn đọc nhưng vẫn chưa đủ".
Nhiều bạn trẻ đã say mê đọc những quyển sách trưng bày tại buổi tọa đàm “Vai trò của báo chí, truyền thông, xuất bản của Đoàn trong xây dựng môi trường văn hóa cho giới trẻ” sáng 15-1 - Ảnh: Thanh Đạm (nguồn: TTO)
Sau đây là toàn văn tham luận của nhà báo Lưu Đình Triều:
Góp phần xây dựng một lớp thanh niên sống đẹp giữa đời thường
Nhìn lại 15 năm qua, bình quân mỗi năm báo Tuổi Trẻ có trên dưới 100 tin, bài gắn với chủ đề lớn “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Bên cạnh đó, việc Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn mới là nội dung mà Tuổi Trẻ chuyển tải một cách đậm đà và xuyên suốt nhất. Bởi một điều đơn giản Con người chính là cái gốc để có thể xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. Con người mà Tuổi Trẻ chủ yếu hướng đến trên mặt báo xuyên suốt hàng chục năm qua chính là thanh niên - đối tượng trung tâm của tờ báo .
Gần đây một câu hỏi được đặt ra : có hình mẫu nào cho người thanh niên trong giai đọan hiện nay? Với vai trò và trách nhiệm của một tờ báo Đoàn, Tuổi Trẻ đã và vẫn đang góp phần đi tìm lời đáp cho câu hỏi trên, thông qua việc phát hiện, giới thiệu hình ảnh mới - chứ chưa dám gọi là hình mẫu, của những thanh niên trong giai đoạn hiện nay từ trong nhịp sống gần gũi, đời thường. Hình ảnh mới này là sự kế tục những nét đẹp truyền thống dân tộc kết hợp với những đòi hỏi trong thời hội nhập mà cao nhất là trí tuệ, công nghệ, hoạt động cộng đồng.
Theo cách quen gọi lâu nay của xã hội thì con người đó là là những “người tốt việc tốt” những gương điển hình, những thanh niên tiên tiến. Còn cụ thể hơn, sinh động hơn, chính là hình ảnh những người trẻ có ý chí vượt khó cùng khát vọng “đổi đời” - cho cá nhân, gia đình rồi đất nước, song không quên gắn bó chia sẻ với cộng đồng. Đó còn là những người trẻ không chỉ có tri thức mà cả tính nhân văn; có lối sống trung thực đi kèm với ý thức pháp luật; có lòng nhân ái nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh với người xấu, kẻ ác…
Thực tế hiện nay, phát hiện và tìm kiếm hình ảnh mới của những thanh niên tạm gọi là "Sống đẹp giữa đời thường" vừa dễ vừa khó. Dễ là tại các hội nghị, liên hoan tổng kết, các đơn vị, đoàn thể, địa phương… luôn sẵn sàng giới thiệu cho nhà báo những tấm gương mới. Khó là bản thân tấm gương đó có thật sự thuyết phục để đủ sức tỏa sáng, thu hút nhiều mắt nhìn trông vào và làm theo không? Khó còn là ở cách thể hiện thu hút của người viết và rộng hơn một chút là cách ‘truyền dẫn, quảng bá” của các phương tiện truyền thông.
Những năm gần đây, không chỉ dừng ở bài viết mà khi có nhân vật, câu chuyện hay thì báo Tuổi Trẻ tạo ra tuyến bài dài hơi, đồng thời tổ chức các hoạt động ngoài mặt báo, thậm chí có khi đẩy thành một chiến dịch truyền thông góp phần nâng cao hiệu quả hiệu quả loại bài này. Có thể dẫn ra một số cách làm tiêu biểu từ hai nhân vật của quá khứ và đương đại là liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và công dân trẻ Lê Thanh Thúy.
Sau khi trích đăng giới thiệu nhật ký của chị Trâm ( năm 2005), báo đã tìm kiếm thêm thông tin từ những người cùng thời với chị ở Việt Nam và cả ở Mỹ - nơi quyển nhật ký được lưu giữ. Từ đó loạt bài viết về chị cuộc đời chị Trâm cũng như số phận quyển nhật ký xuất hiện. Một chương trình giao lưu nghệ thuật mang tên Ngọn lửa tuổi trẻ được lồng trong hoạt động Đêm trắng, có xếp hạc, thắp nến, diễn ra ngoài trời , thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham dự, được VTV truyền hình trực tiếp trên cả nước và được ghi nhận phản ánh lại trên báo ngày hôm sau. Cách làm này đã được một nhà giáo ở Học viện Báo chí & Tuyên truyền ghi nhận như một bài học về nghiệp vụ trong truyền dẫn về lý tưởng sống của thanh niên.
Với câu chuyện của Công dân trẻ Lê Thanh Thúy - một cô gái trẻ bị ung thư nhưng vẫn cố vượt qua đớn đau để tìm cách giúp đỡ các trẻ em cùng cảnh ngộ như mình, từ những bài viết ban đầu (năm 2008), báo đã vận động sự đóng góp từ đông đảo bạn đọc để cùng Thanh Thúy tổ chức chăm lo cho các trẻ có hoàn cảnh tương tự. Khi Thanh Thúy mất đi, loạt bài Viết tiếp Ước mơ của Thúy ra đời vừa cổ vũ, vừa truyền dẫn một tình cảm trong sáng hướng về cộng đồng trong giới trẻ. Nhiều bạn trẻ đã đồng cảm, chia sẻ với ước mơ của Thúy bằng cách tham gia vào CLB Hoa hướng dương để thường xuyên lui tới chăm sóc trẻ ung thư máu. Sở GD - ĐT TP.HCM đã phối hợp với Tuổi Trẻ để đưa Ước mơ của Thúy thành một sinh hoạt dưới cờ của các trường phổ thông. Đến giờ, những công việc nhằm chia sẻ, chăm sóc các trẻ em mắc bệnh ung thư vẫn được duy trì. Hàng năm, Tuổi Trẻ lại tổ chức Ngày hội Hoa hướng dương ở Hà Nội và TP.HCM như một cách nuôi dưỡng và phát triển lối sống giàu lòng nhân ái….
Cũng liên quan đến cách làm góp phần xây dựng người thanh niên sống có lý tưởng, có khát vọng , Tuổi Trẻ còn tổ chức nhiều loại hình hoạt động khác như các hành trình về nguồn Ngọn lửa tuổi trẻ ở Cao Bằng, ở Hà Tỉnh, ở Bến Tre; hay để tôn vinh tấm gương trẻ có hành động dũng cảm, từ những năm 90, báo đã tổ chức giải thưởng mang tên “Bạn đồng hành quanh tôi”…
Năm năm trở lại đây khi thực hiện Cuộc vận động “ Tuổi Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “, Tuổi Trẻ đã tập trung sâu đậm cho tuyến “Người tốt việc tốt theo gương Bác”. Với chuyên mục “Theo gương Bác” định kỳ hàng tuần trên báo ngày và làm như một chuyên trang trên Tuổi Trẻ Online, chúng tôi đã tìm kiếm, giới thiệu những tấm gương cá nhân, tập thể với nỗ lực cải tiến công việc hàng ngày hay nghiên cứu ứng dụng nhiều công trình khoa học mới trong cuộc sống hay có hoạt động xã hội đầy tình người… Đây cũng là một sự gắn kết và tiếp nối thiết thực trong việc góp phần xây dựng hình ảnh người thanh niên mới trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn lại cuộc hành trình miệt mài nhằm góp phần xây dựng hình ảnh người thanh niên mới, chúng tôi phải thừa nhận rằng mình có tạo ra những cú đấm nghề nghiệp” tạo ấn tượng với bạn đọc - nhưng chưa đủ! Trong đời sống hiện nay lối sống đẹp vẫn dạt dào như một dòng chảy âm thầm. Trong khi việc xấu, cái ác thì cứ lồ lộ và dễ thu hút sự tò mò, tính “buôn chuyện” của nhiều người. Vì vậy cái dễ và khó trong nhiệm vụ này vẫn là một đòi hỏi cao và thậm chí như là một thách thức với đội ngũ Tuổi Trẻ.
Chúng tôi luôn ghi nhớ điều đó, để nhắc nhau rèn luyện nâng cao chất lượng tay nghề, trong tổ chức những bàn tròn nghiệp vụ viết về nhân vật, ký chân dung sao cho có ấn tượng... Chúng tôi cũng sẽ không quên những bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức các phương thức hoạt động đi kèm sao cho có hiệu quả nhất Chúng tôi cũng tiếp tục tổ chức các cuộc thi để chính những bạn đọc trẻ cùng tìm kiếm, giới thiệu và nếu có khả năng sẽ trực tiếp viết về hình ảnh sống đẹp ở quanh mình…
Điều quan trọng nữa là xây dựng cái tâm, sự đồng cảm của người viết với những tấm gương thì mới đáp ứng được yêu cầu cao nhất trong hành trình tìm kiếm và dẫn truyền hình ảnh những tấm gương sống đẹp.
Lưu Đình Triều
Cùng một chủ đề:
< Lùi | Tiếp theo > |
---|