BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc

Mục lục
LƯU ĐÌNH TRIỀU: Bút ký biên giới phía Bắc
* Qua những bản làng chiến đấu
* Hà Giang: trong - ngoài tầm pháo giặc
* Pháo đài Trà Cổ
* Những mẩu chuyện biên giới
* Biên giới... xin đừng quên
Tất cả các trang

 

Những bài bút ký hừng hực không khí thời sự của một thời, vẫn chưa cũ, bởi đọc lại ta cảm nhận như mới ngày hôm qua, thậm chí cũng tâm thế Hôm nay của những con người ở biên giới phía Bắc "súng lúc nào cũng bên lưng" như nhà báo Lưu Đình Triều đã ghi nhận từ năm 1982.


quanhung-ban-lang-chien-dau

 

Những bài  viết này, sau đó, nhà báo Lưu Đình Triều có tuyển chọn in trong những tập sách của anh đã xuất bản  anh như  Tổ quốc không có ở nơi xa (NXB Trẻ). Khi post lại những bài viết này của anh, tôi còn sử dụng Những mẫu chuyện ở biên giới do Phòng Tư liệu báo Tuổi trẻ thực hiện - nhằm giúp bạn đọc của thế hệ hôm nay có thể hình dung dung được không khí thời sự của thập niên 80 thế kỷ XX.

Thời ấy, nhà báo Lưu Đình Triều đi nhiều và viết khỏe. Mỗi bài ký của anh đã thoát ra ngoài lối ghi chép đơn điệu mà còn lắng đọng trong đó là những tâm tư, chia sẻ và "nhập cuộc" của một nhà báo. Có thể nói, đến nay, chưa một tỉnh, thành nào trên trên đất nước ta mà anh chưa đặt chân đến. Mới đây, tháng 4. 2013, anh có chuyến đi Cao Bằng trong chương trình "Tháng 3 biên giới" của báo Tuổi Trẻ, đó là địa danh cuối cùng trên bản đồ Việt Nam mà anh đã đến.

Nay tôi post lại những bài bút ký của anh đã in trên báo Tuổi Trẻ từ cuối năm 1982. Có thể ghi nhận, đây là một trong những thông tin, tài liệu chân thực khi chúng nhìn lại cuộc kháng chiến chống xăm lăng năm 1979. Và tôi, tôi rất thích câu nói của đồng bào mình ở biên giới phía Bắc mà nhà báo Lưu Đình Triều đã ghi trong bút ký của anh: "Lá chuối không bao giờ thành lụa, bọn phản động Trung Quốc không bao giờ tốt với mình”.

L.M.Q

IV.2013


 

Qua những bản làng chiến đấu


* Những máng nước dưới chân núi Mẫu Sơn

Xã Yên Khoái (Lộc Bình - Lạng Sơn) sát biên giới Việt -Trung, nằm dưới chân núi Mẫu Sơn, quê hương của những quả đào to bằng nắm tay giòn, thơm, ngọt nổi tiếng của Lạng Sơn, của những sợi thuốc lá vàng óng. Nhưng ở hội nghị “Tuổi trẻ đoàn kết xây dựng và bảo vệ biên giới phia Bắc”, người ta lại chú ý đến Yên Khoái vì một lẽ khác: đó là chuyện làm thủy lợi.

Trước đây, xã có tổng số diện tích canh tác 567 hecta, 636 trâu bò; sau cuộc chiến tranh tháng 2-1979, bị giặc bành trướng Bắc Kinh phá hủy, phải bỏ hoang dọc đường biên giới 217 hecta, cả xã chỉ còn trông chờ vào khoảng đất còn lại. Trâu bò bị chúng cướp lùa về Trung Quốc 450 con, xã thiếu sức kéo trầm trọng. Giặc còn phá hoại tài sản nhân dân gây thiệt hại hàng triệu đồng. Mức ăn của bà con từ 19kg/tháng chỉ còn 9kg… Đất thì ít, dân bản làng thì đông, làm sao giải quyết đời sống cho bà con? Không còn cách nào khác là phải thâm canh tăng vụ. Vậy là tuổi trẻ trong toàn xã đã xung kích lao vào khâu “đầu mối” này. Từ 1980 đến nay xã đã xây dựng được bốn công trình dẫn nước tưới tiêu. Nhờ vậy thêm 100 hecta nữa được tưới tiêu, phần lớn ruộng đã làm hai vụ.

Đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên: nếu sau chiến tranh mức ăn chỉ 9kg thì năm 1980 tăng lên 13kg, năm 1981 là 15kg và nay là 19kg.

Anh Chu Văn Hầu - bí thư Xã đoàn Yên Khoái còn sôi nổi kể thêm với các bạn ở hội nghị:

- Công trình thứ tư của chúng tôi sắp xong, đó là công trình cho thôn Long Đầu, đắp đập đưa nước từ lưng núi Mẫu Sơn về. Vậy là chúng tôi đã làm được hơn 50.000 mét máng, mương dẫn nước. Nhờ thủy lợi, dân xã lại no”.

 

Bát Đại Sơn, xã anh hùng

Quê hương Bát Đại Sơn (Quảng Ba - Hà Tuyên) của Phan Chỉn Dìn có núi cao vòi vọi, có rừng sâu, và có 7km đường biên giới với xã Pà Pũ, huyện Mà Lỳ Pố (Vân Nam) bằng con sông Nậm Rào uốn khúc quanh xã.

Từ lâu bà con xã Bát Đại Sơn hiểu rằng tuy chung một dòng sông nhưng cái bụng người bên kia khác người bên nầy, nên người Dao cũng như người H’Mông đã luôn cảnh giác, súng lúc nào cũng bên lưng.

Lúc đó là tháng 2-1979, cả xã đi sản xuất chỉ có bố Dìn ở nhà, thì một em bé chăn trâu phát hiện bọn Trung Quốc súng ống đầy đủ, hùng hổ tràn sang cột mốc số 6… Bố Dìn bảo em bé báo cho Dìn biết để đưa bà con xã viên sơ tán, còn ông cùng với Dìn và Thảo Mí Chính vào công sự chiến đấu.

Đạn thì còn nhiều, nhưng các đồng chí trong nhóm quân dân đi lấy lương thực chưa về. Súng K44 của bố Dìn bị hóc, không bắn được. Nhưng Dìn vẫn bình tĩnh: “Mình phải chiến đấu để bảo vệ đất mình, không để cho chúng cướp phá điên cuồng”. Hai bố con, người quan sát, người bắn hạ tại chỗ hai tên giặc và làm nhiều khác bị thương. Khi các đơn vị vũ trang đến, bọn chúng bắn vãi lung tung và hốt hoảng rút lui.

Lần khác, ba anh em Tần Sẻo Ngãi, Tần Sẻo Kính và Tần Sẻo Châu lên nương trồng ngô cho hợp tác xã lúc trời còn sớm đã bị một trung đội Trung Quốc tập kích bất ngờ, bắn Ngãi rơi xuống sông chết. Châu và Kính bị thương. Nhưng Kính đã nhanh nhẹn nhịn đau bắn chết ba tên xâm lược và hai tên khác bị thương.

Tần Chỉn Dung trong khi lấy củi đã phát hiện và bắt được một thám báo mang dao, súng, bản đồ của xã, lương khô và cả thuốc độc. Nhiều tên khác đã bị bà con phát hiện và giao cho đội dân quân của đoàn thanh niên xã. Anh Thèo Mã Sự, Giàng Mì De, em Giàng Mí Lự 11 tuổi còn bắt được bằng hoa và truyền đơn mà bọn Trung Quốc thả theo dòng sông, đem đến nộp cho Phan Chính Dìn.

Xã đã tổ chức tốt phong trào an ninh bảo vệ xóm làng, kết hợp với đơn vị bộ đội bảo vệ chặt chẽ tuyến biên giới, giáo dục cho thanh niên và bà con trong xã thấy được âm mưu của kẻ thù, không buôn bán, trao đổi, nhận hàng của địch, nhiều thanh niên có tinh thần cảnh giác cao đã bắt được thám báo Trung Quốc. Xã Bát Đại Sơn được tuyên dương là xã anh hùng, đoàn xã được tặng cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”. Riêng Dìn - bí thư chi đoàn xã - dân tộc Dao, 24 tuổi cũng đã nhận một huy chương khen thưởng.

 

Quảng Đức canh gác, bắn súng giỏi

“Vua người Dao là ở Trung Quốc, do đó dân tộc Dao phải sang Trung Quốc mới làm ăn được”. Bọn xấu tuyên truyền rêu rao như thế ở xã Quảng Đức (huyện Quảng Hà - tỉnh Quảng Ninh) – một xã có 90% là người Dao. Kèm theo luận điệu xằng bậy đó, nhiều “chợ âm, chợ dương” mọc lên trên 20km đường biên giới, chợ bán phích nước, vải mộc, chỉ kâhu, nước hoa, v.v… với giá rẻ mạt nhằm gạ gẫm, lôi cuốn bà con đi buôn, gây rối loạn sản xuất, v.v…

Hiểu được âm mưu sâu độc đó, Trương Dùng Ớn, bí thư xã đoàn, cùng với các bạn của mình ngày đêm đi vận động, chỉ cho bà con thấy cái đúng cái sai. Sau nhiều lần theo dõi, phát hiện ra có 11 người còn thường xuyên lui tới đất Trung Quốc, xã đoàn cùng thanh niên tìm mọi cách để thức tỉnh họ, đồng thời lập trạm kiểm tra để cắt đứt đường đi. Dần dần số bà con đó thấy cái sai của mình, sửa chữa nhiều. Đặc biệt có Tưởng Dùng Bình là một thanh niên xấu nhưng sau lần tự kiểm điểm đã sửa chữa và trở thành một nhân viên tốt của hợp tác xã mua bán Quảng Đức.

Xã đoàn còn phối hợp với bộ đội biên phòng đào mương dẫn nước vào ruộng, vận động bà con học tập người kinh chăm sóc lúa bằng phân chuồng, phun thuốc trừ sâu… Vụ mùa này năm suất lúa Quảng Đức đạt hơn hai tấn/hecta. Kết quả đó làm bà con càngtin chắc “Cái đất Quảng Đức đúng là đất của mình, không nên bỏ nó mà đi”. Bà con còn nhắc: “Lá chuối không bao giờ thành lụa, bọn phản động Trung Quốc không bao giờ tốt với mình”.

“Cái đất là của mình, vậy phải lo gìn giữ nó!”. Anh em thanh niên nói vào tai nhau như thế, 13 tổ an ninh được thành lập ở 13 khe bản. Thằng thám báo nào mò sang, hệ thống mỏ báo động liên hoàn khua vang, và không đầy năm phút sau, tổ thanh niên xung kích cơ động đã bắt đầu truy bắt thám báo rồi. Để thằng thám báo không sang được, mà lũ giặc cướp Trung Quốc cũng không dám bén mảng, thanh niên Quảng Đức cố gắng bắn thật trúng cái hồng tâm trong những lần tập bắn. Đợt kiểm tra vừa rồi 95% bắn đạt yêu cầu và 65% đạt khá giỏi. Tới đợt khám nghĩa vụ, không ai nhắc ai, 100% thanh niên đều đi khám vì “trốn thì xấu cái mặt thằng giặc nó cười cho”.

Ngồi rù rì tâm sự với tôi trong hội trường Bộ tư lệnh biên phòng, Trương Dùng Ớn thường nhắc lại câu nói: “Thằng giặc có lẽ nó biết thanh niên Quảng Đức bây giờ canh gác, bắn súng giỏi nên bớt mò sang tuyên truyền, kích động phá rối”.

Bích Triều

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 28.11.1982)


 

Hà Giang: trong - ngoài tầm pháo giặc

 

* Nhật ký 1984

30-5

Thị xã biên giới Hà Giang nằm giữa vòng tay của các xã thuộc huyện Vị Xuyên (nơi mà quân Trung Quốc đã bắn 20.000 quả đạn các loại, liên tục trong vòng hai tháng qua), tất nhiên như bao làng mạc, vùng đất khác của Vị Xuyên, thị xã xinh đẹp Hà Giang cũng đã bị đặt trong tầm pháo giặc. Rõ nét hơn là ngày 22-5 vừa qua, khung cảnh yên ắng của thị xã đã bị khuấy động bởi những tràng pháo lớn. “Thời chiến rồi mà!”. Câu nói được nhắc nhiều trên cửa miệng người Hà Giang, phản ánh tình hình căng thẳng hiện nay ở thị xã cách đường biên giới 18 cây số này.

Đập vào mắt tôi là những dòng chữ viết bằng sơn trên các bờ tường: “Quyết tâm bảo vệ từng tất đất của Tổ quốc”, “Giữ bí mật là yêu nước”.

Đó là những khẩu hiệu có đầy giá trị đích thực của một lời kêu gọi. Tôi chợt hiểu ra điều đó khi hỏi thăm đường đến một vài cơ quan trong thị xã. Một người có khuôn mặt lạ, nói tiếng khó nghe (đồng bào biên giới gần như không có dịp tiếp xúc với người miền Nam nên nghe không quen giọng miền Nam), lại đi hỏi thăm những cơ quan trọng yếu này nọ…, trách sao dân ở đây chẳng cảnh giác. Câu trả lời mà tôi nhận được thường là “Tôi không rõ” hoặc “Anh cứ đi đến đồn công an mà hỏi”.

Đúng là với Hà Giang, mùa hè 1984 là mùa hè chiến tranh.

 

31-5

Cũng bất ngờ và hèn hạ như bao đòn đánh lén khác, 14 giờ 15 phút ngày 22-5-1984, khi các em học sinh bậc phổ thông cơ sở vừa thi hết cấp xong và đang tỏa về trên các đường phố, thì những quả pháo 130 ly từ bên kia biên giới bắn sang bắt đầu nổ vang. Chín đợt pháo kéo dài năm tiếng đồng hồ liền. Pháo nổ trên đồi, dưới ven sông, trong khu sản xuất, bên trường học, nơi xóm nhà đông đúc… Quả là một sự bắn phá bừa bãi! Có thể nghĩ như cách nói của một anh lái xe vận tải mà tôi gặp bất chợt trong thị xã: “Cái bọn đó chỉ biết bắn cho sướng tay, mặc miểng văng trúng ai nấy chịu”?

Dưới chân một núi đá nhỏ của phường Yêu Biên, tôi lặng người đi khi nhìn thấy hầm tránh pháo của ba anh em: Thành, 10 tuổi học lớp bốn; Lan, 7 tuổi học lớp một và Thái mới rời bụng mẹ được hơn tám tháng. Hầm chỉ là một hốc đá nhỏ, thụt sâu, thông với bên ngoài bằng một miệng hang hẹp, cao khoảng 0,60 mét, rộng hơn một mét. Trong hang có lót mấy tàu lá dày (giống như lá môn) làm chỗ nằm, bên ngoài được che chắn thêm một bụi tre lớn. Vậy mà đạn pháo 130 ly của các tay súng Trung Quốc vẫn đến được, nổ cách hai mét, phạt gãy đúng 45 cây tre, hắt nhiều miểng đạn vào tổ chim non (trong lúc bố mẹ các em đều đi vắng). Miểng pháo cướp đi ngay tức khắc sự sống của hai em bé, mà đau đớn thay một em còn mới tập nói bập bỏm. Những cậu bé láng giềng của đôi vợ chồng giáo viên Phạm Hải (bố mẹ các em) nhớ mãi: Sau tiếng nổ, nghe tiếng Thành vừa khóc vừa la: “Mẹ thằng Trung Quốc, bắn chết ráo hai em tao rồi”.

Mọi người chạy ra vừa kịp thấy Thành đang chạy, ngã khuỵu xuống, đầu đầy máu…

… Một ngày, thời gian không đủ cho tôi đi thăm hết các nơi bị bắn phá mà Trung Quốc gọi là “mục tiêu quân sự” (!). Nhưng một ngày thừa đủ cho tôi cảm nhận rằng: hơn một tuần lễ đã trôi qua, nhưng âm vang và vết tích tội ác của chín đợt pháo vẫn còn ở lại mãi với người Hà Giang.

 

1-6

Biết tôi là người ở TP.HCM mới lên, cô tự vệ Nguyễn Thị Hương 20 tuổi, công nhân Xí nghiệp chè Hương giới thiệu về thị xã của mình: “Cái không khí trầm vắng chỉ mới có sau ngày 22-5 thôi. Chứ còn trước đây, sau giờ tan tầm thị xã đông vui hết ý. Để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, tụi em phải gác lại mọi cuộc vui chơi. Như anh thấy đấy, thị xã đã cho sơ tán gần hết người già yếu và trẻ em. Những người còn ở lại như bọn em thì vừa làm việc, vừa luyện tập, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu…”.

Nếu đúng là những kẽ bên kia biên giới mang ảo tưởng dùng đạn pháo làm trì trệ sức sản xuất, làm nao núng, hoang mang tinh thần người lính, người dân Hà Giang thì chúng đã bị thất vọng lớn. Kết quả chúng nhận được hoàn toàn trái ngược với ý muốn. Ngay như trạm thủy điện 304 bị trúng đạn pháo hồi tháng tư, chỉ ngừng hoạt động vài ngày để sửa chữa, rồi lại tiếp tục cung cấp điện cho thị xã. Tại Xưởng chế biến bánh kẹo Hà Giang, nơi có khu nhà ở tập thể bị trúng hai quả đạn pháo, sản xuất vẫn được đẩy mạnh. Quản đốc Trần Quang Hảo sau khi đưa chúng tôi đi thăm khu vực sản xuất xong còn “khoe”: “14 giờ chiều qua, chúng tôi vừa giao nộp xong gần bảy tấn kẹo để đưa đến phục vụ các cháu nhân ngày Tết thiếu nhi…”.

Không những cố gắng duy trì sản xuất, các cơ sở còn sắp xếp, đưa người đi phục vụ chiến đấu. Lấy thí dụ ở Hợp tác xã dệt 3-2 thì rõ. Tháng 4 rồi, nhờ tổ chức sản xuất hợp lý, anh chị em xã viên dệt được 12.000 mét vải tà-pủ (trong khi cả quý 1 chỉ sản xuất được 14.000 mét). Tháng 5, hợp tác xã vừa đưa hơn 20 người đi phục vụ chiến đấu và năm người đi chiến đấu…

Xế trưa, nơi một quầy sách nhỏ bên bờ phải thị xã, tôi tình cờ biết thêm một chi tiết hay. Kim Nhung, cô bán sách có vóc người mảnh mai, khuôn mặt trắng trẻo không phải người ở thị xã mà là cán bộ dưới Tuyên Quang lên (Tuyên Quang là tỉnh lỵ của Hà Tuyên, cách Hà Giang hơn 160 cây số). Cô đoàn viên này cùng với chín bạn trẻ khác ở Tuyên Quang tình nguyện lên đây ngay sau ngày 22-5, làm thay công việc cho những người lớn tuổi, có con mọn vừa lui về tuyến sau. Trả lời câu hỏi đùa: “Nhung lên đây, không sợ pháo giặc nó xơi à”, Nhung cười nói “Lúc đầu sờ sợ, nhưng sau quen dần, có gì thì phóng xuống kia…”. Theo hướng tay chỉ của Nhung có một hố cá nhân nhỏ nằm khuất sau kệ sách. Những hố nhỏ như thế thậm chí cả hầm lớn nữa, tôi đã gặp nhiều trong các cửa hàng ăn uống, dưới các mái nhà dọc theo đường phố…

* Đối mặt với quân thù

So với nhiều đồng đội khác, binh nhất Nguyễn Văn Bộ còn tương đối trẻ: 21 tuổi đời và hai tuổi quân. Với bản tính rụt rè, suốt hai năm sống đời quân ngũ, Bộ không còn cái tên con gái nào khác để nhớ ngoài Thanh Thủy. Bước lớn dậy trong đời lính của Bộ đã được bắt đầu ở Thanh Thủy.

Buổi chiều 1-6, khi cùng tôi ngồi chờ xe đến đồn biên phòng Thanh Thủy, Bộ đã nhắc lại đợt “thử lửa” lớn đối với anh vừa qua. “Suốt một tháng rưởi, tính từ đầu tháng 4, ngày nào bọn Trung Quốc cũng bắn pháo vào đồn. Thú thật, một hai ngày đầu tôi cũng có sợ, nhưng sau quen không ngán nữa. Đến sáng sớm 30-4, sương mù còn chưa tan hết thì pháo đã nổ cấp tập vào các điểm tựa quanh đồn. Trong ánh lóe chớp của pháo vừa xé toạc cái nhập nhoạng của sương mù, chúng tôi nhìn thấy những tên lính Tàu ùn ùn tiến lên. Chúng đông thật, sau này tôi mới biết là cả một tiểu đoàn. Đông thế, nhưng từ sáng đến chiều bọn nó cũng chưa làm gì được chúng tôi…”. Rồi như một người lính dày dạn trận mạc, Bộ thản nhiên nhắc chuyện suýt tí nữa thì… mất chỗ đội mũ… “mảnh đạn chỉ hất văng cái nón sắt thôi!” Bộ cười giòn. Tôi hiểu người lính này đang cố nén sự xúc động lẫn niềm tự hào về trận đánh ác liệt mà anh được tham dự…

Cũng như Bộ, nhiều người lính trẻ biên phòng khác mà tôi đã gặp ở Hà Tuyên cũng có cái lối nói “không có gì mà ầm ĩ” về các trận chiến đấu căng thẳng diễn ra vừa qua trên các điểm tựa tiền tiêu. Phải bằng một sự lắng nghe tổng hợp, chúng ta mới có thể hình dung được phần nào sự gay go, ác liệt ẩn náu ở phía sau các giọng kể tỉnh rụi đó.

Áp lực “nhẹ ký” là những trận mưa pháo, cối 160 ly, 152 ly, hỏa tiễn H2, với đủ loại đạn như đạn nổ chụp, đạn phá đạn cháy, đạn xuyên. Tính riêng ở Núi Bạc (huyện Yên Minh), trong năm ngày, 4.000 quả đạn thi nhau cày xới một diện tích đất chưa tới 2.500 mét vuông. Áp lực “nặng ký” hơn kèm theo mưa pháo là các cuộc tiến công biển người với đủ kiểu chiến thuật thọc sâu, chia cắt, vu hồi, “mềm nắn, rắn buông”.

Có những trận đánh không cân sức đến quá mức tưởng tượng đã diễn ra. Điển hình ngày 30-4 như trên một điểm bốn tay súng biên phòng kết hợp với chín dân quân bẻ gãy năm đợt tấn công của một tiểu đoàn quân Trung Quốc, diệt ngót 100 tên địch. Người chỉ huy cuộc chiến đấu dũng cảm này là trung úy Trần Xuân Sánh, trợ lý tổng hợp của đồn Bạch Đích. Lý lịch của đoàn viên Sánh ghi rõ ngày sinh 16-10-1959, chưa tròn 25 tuổi.

Lính biên phòng muốn giữ vững biên giới phải được dân địa phương thương yêu, đùm bọc.

Mới 24 tuổi, Sùng Thèng Cò đã trở thành một đội trưởng đội vận động quần chúng xuất sắc của đồn 106, chỉ vì ngoài tiếng Mông của mình, anh còn chịu khó học thêm nhiều tiếng dân tộc khác. Bà con ở dọc đường biên của Hà Tuyên, từ Mèo Vạc đến Xín Mần cứ thấy lính đeo quân hàm xanh là tin, là thương, là quý. Mà không như thế sao được. Những anh lính trẻ đóng trong đồn nhưng thường xuyên lui tới với dân trong bản để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”.

Ngày hội, ngày mùa, bản làng cần gì, nói một tiếng, các anh sẵn sàng xắn cao tay áo lao vào giúp ngay. Bà con xã Thanh Thủy nhắc mãi chuyện đầu tháng tư, thấy thằng giặc pháo dã man vào xã, làm nhiều nhà bị cháy rụi, đám thanh niên trong đồn bảo nhau nhịn ăn, nhịn mặt, tiết kiệm tiền bạc giúp cho bà con được 60kg gạo, 10kg muối, bảy bộ quần áo, bảy chiếu, ba chăn và gần 700 đồng. Cái nghĩa cái tình đến thế, nên thằng thám báo có mò sang, dân chạy đi báo ngay; tụi giặc có đánh phá, dân lại giúp tải gạo, tải đạn cho các anh rảnh tay diệt giặc…

Tháng 6 này, trên quê hương Tân Trào, dòng sông Lô thêm đỏ ngầu vì mưa lũ, và mùa hè vẫn còn cháy bỏng vì kẻ địch vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược của chúng. Những người lính trẻ mang quân hàm xanh lại ghìm chắc tay súng, vai sát vai dựng nên lũy thép, chở che cho từng tấc đất, ngọn cỏ, gốc cây, bờ suối của biên giới thiêng liêng.

 

* Đoạn dành riêng về các bà mẹ

Tất cả sự ngạc nhiên thích thú nơi tôi, trong buổi đầu bắt gặp một số quán nước chè (trà) có treo bảng “nước chè phục vụ bộ đội và dân công”, thật ra chỉ đáng là con số một trong một chuỗi số dài. Những câu chuyện tôi nghe đêm nay, đối với người Hà Giang không mới lạ, nhưng với tôi đó là những điều cần phải trân trọng ghi vào sổ tay.

Tuy có lệnh sơ tán, một số bà mẹ cứ nằng nặc xin ở lại thị xã. Đó là trường hợp của nhiều bà mẹ như mẹ Lã Thị Nga, 66 tuổi ở phường Trần Phú, mẹ Phạm Thị Mùi, 77 tuổi ở phường Nguyễn Trãi… Các mẹ ở lại với con em mình, không chỉ bằng sự động viên tinh thần, các mẹ mở quán nước chè, cháo đường phục vụ bộ đội, dân công là việc nhỏ. Sự chăm sóc, giúp đỡ anh em chiến sĩ của các mẹ nhiều vô kể. Những luống rau từ Hà Giang tìm lên điểm tựa góp phần nuôi quân là thành quả lao động của những tấm lưng còng, của những bàn tay, đôi chân già nua. Những người lính, những dân quân bị thương, nằm ở bệnh viện đã bao lần xúc động muốn rơi nước mắt khi được các mẹ - đôi khi các anh còn chưa kịp biết tên đút cháo, sữa, quạt mát, giăng mùng… Các mẹ lặng lẽ đóng góp hàng chục nghìn đồng để tăng thêm mức bồi dưỡng cho thương binh. Như mẹ Hiếu, mấy tháng liền tiện tặn sống dựa vào tiền nuôi heo, trồng rau, còn cả lương hơn hai quý mẹ góp vào chi hội ủng hộ chiến sĩ… Đã thế, các mẹ còn nhín thời gian tìm cách gần gũi, nhắc nhở, động viên các chiến sĩ lần đầu ra trận, truyền thêm sức mạnh cho các anh dũng cảm đối mặt kẻ thù…

Nằm trong tầm pháo kẻ thù, tất nhiên Hà Giang phải có thêm nhiều hầm hố, phải đưa những người không có sức lao động đi sơ tán để đỡ vướng víu, phải có thêm nhiều người mang súng đi trên đường phố…

Nhưng chắc chắn tinh thần và ý chí quyết chiến để bảo vệ thị xã thân yêu của dân, quân Hà Giang vẫn đứng ngoài và trên tầm pháo giặc. Đó là điều tôi muốn kể lại cho các bạn của tôi đang ở cách xa thị xã này hơn hai nghìn cây số.

 

L.Đ.T

(nguồn: báo Tuổi Trẻ ngày 9/6 & 12/6/84)


 

Pháo đài Trà Cổ

 

Dù đã chuẩn bị tinh thần trước một đêm, tôi cũng không kềm được sự nôn nóng khi ngồi lên chiếc Uoat chạy ra Trà Cổ. Trà Cổ, cái bãi biển nức tiếng “nhan sắc” ở miền đông bắc của Tổ quốc! Đối với một người ở tận miền Nam xa xôi, được đến thăm Trà Cổ vào thời bình đã là chuyện khó, huống gì trong lúc tình hình biên giới đang căng thẳng. Bởi thế tránh sao trong lòng tôi ngọn lửa nôn nóng vẫn cứ âm ĩ cháy.

Vượt qua dốc 67, cách thị trấn Hải Ninh ( tỉnh Quảng Ninh) hơn cây số, xe bắt đầu chạy song song với một dãi đồi núi san sát nhau. Anh Sáng, cán bộ của huyện đi cùng, chỉ cho chúng tôi thấy một mỏm núi nhô cao nhất và cho biết đó là điểm cao 264 - nơi đặt đài quan sát của địch. Trong hai tháng 4 và 5 vừa qua, chính “đôi mắt cú vọ 264” hợp cùng lô cốt bắn tỉa - một ngôi nhà bốn tầng bằng đá hoa cương nằm sát đường biên, đã biến đầu con đường đi đến Trà Cổ thành trung tâm hứng chịu đạn pháo, đạn bắn thẳng. Rời khỏi khúc đường nguy hiểm đó, vượt qua sông Ka Long, xe bắt đầu đi vào thị trấn Móng Cái cũ.

Chính ở nơi đây, tháng 8-1978 đã diễn ra cuộc đấu tranh gay go, căng thẳng giữa cán bộ ta và địch tại cửa khẩu ở cầu Bắc Luân. Còn giờ đây, qua bao năm tháng chịu sự phá hoại nhiều mặt của những bàn tay nhám nhúa ở phía bên kia cầu, cái khu phố sầm uất ngày nào, chỉ còn lại những xác nhà đổ nát nằm lẫn bên những bụi cỏ lau um tùm. Đã thế trong hai ngày 16, 17-4 rồi, khu vực này còn bị bắn phá và nả cối vào. Dọc theo hai bên đường từ Móng Cái đến Trà Cổ, vốn hiếm hoi xe cộ qua lại, những cánh đồng vẫn nở rộ lúa chiêm xuân. Trong giọng tiếc nuối, anh Sáng cho biết: “Nếu không bị chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn Trung Quốc, chúng tôi sẽ tráng nhựa con đường này để tiện phục vụ cho khách đi du lịch. Năm 1960, chúng tôi đã làm xong con đê ngầm vắt qua lạch biển, biển đảo Trà Cổ thành một bán đảo “đậu” sát bên mỏm Góp của đất liền rồi đấy chứ…”.

Xe giảm dần tốc độ khi bắt đầu đi vào xã. Và bất chợt, chiếc xe rẽ ngoặt, để rồi hiện ra trước mặt chúng tôi một mặt biển mênh mông, bát ngát. Trong cảm giác lâng lâng, say men sung sướng khi được tận mắt biết thêm một miền đất đẹp của Tổ quốc, chúng tôi chạy ngay ra bãi biển. Ấn tượng ghi nhận đầu tiên là bãi biển này na ná giống bãi Sau ở Vũng Tàu: sạch và thoáng. Có khác chăng, bãi dài hơn, uốn cong hơn, và ở trước mặt, chếch về phía phải có thêm đảo Vĩnh Thực che chắn, tạo cho dáng biển có phần xinh đẹp hơn bãi Sau. Chỉ tiếc rằng, dọc trên bờ biển, trơ ra những cây phi lao khẳng khiu, đen xạm và những ngôi nhà đang trong quá trình sụp đổ.

Người dân Trà Cổ chính gốc mà tôi được làm quen đầu tiên là anh lính trẻ Đoàn Xuân Hiền, 22 tuổi. Qua câu chuyện trao đổi ngắn ngủi. Hiền cố “bào chữ”: “Trước kia phi lao mọc dày san sát, đẹp lắm. Những tòa nhà của bên Du lịch và Công đoàn rất khang trang, thanh lịch chứ không như bây giờ đâu”… Rồi trong niềm say mê về một quá khứ yên lành, Hiền tiếp: “Thuở nhỏ, lúc thủy triều xuống tôi thường đi bắt cua, lượm sò huyết, ngán (một loại sò đặc sản của vùng biển Quảng Ninh) hay theo thuyền đi buông lưới ngoài khơi…”. Không riêng gì Hiền, cái âm vang quá khứ dịu êm luôn lắng đọng trong lòng dân Trà Cổ. Nhiều người còn nhớ rõ, năm 1961, Bác Hồ kính yêu đã đến thăm làng biển này, đã khuyên dân làng cố làm sao mau chóng biến đảo Trà Cổ thành đảo du lịch là tốt nhất. Lời dặn dò của Bác tạo nên một ước mơ lớn cho đảo: “Ngoài khơi xa dập dìu tàu thuyền đi đánh bắt hải sản, trên bờ tấp nập du khách trong và ngoài nước”.

Dù ở Trà Cổ chưa xảy ra những trận đánh lớn, nhưng mặt trận Trà Cổ vẫn gay go, nóng bỏng bởi các cuộc chiến đấu nhiều hình nhiều vẽ. Lợi dụng chung nhau một dòng sông, một cửa biển, vào thời gian đầu, kẻ thù đã lập những chợ trời trên sông, dùng hàng hóa mua chuộc những phần tử xấu, hư hỏng làm tay sai cho chúng, đưa nội gián đi tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của chính phủ ta, rồi kích động gây bạo loạn, tổ chức các đợt lấn chiếm trên sông, trên biển, tung thám báo qua xâm nhập, dò la, hoạt động tình báo…

Đối phó vơi tình hình đó, dân và quân ở Trà Cổ phải bố trí tại nơi ăn chốn ở, chỗ lao động sản xuất và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Những hàng chông mọc lên trên cát, những hầm hào khoét sâu vào đất… Dần dần, những cụm chiến đấu của dân và quân được dựng lên khắp nơi trong xã. Và như thế, bộ mặt Trà Cổ phải biến đổi nhiều.

Đi dọc theo con đường dài mấy cây số, từ Trà Cổ lên các điểm tựa phía trước, chúng tôi thấy cỏ dại, lau sậy đang bủa vây các ngôi nhà vô chủ. Đặc biệt, nhà thờ Tràng Lô - một trong những nhà thờ lớn của tỉnh Quảng Ninh, giờ chỉ giữ được cái vỏ ngoài cũ kỹ mang những đường nét đẹp của một kiểu kiến trúc xưa, còn bên trong trống trải. Sống ở cái thôn giáp biển này, chịu không nổi sự quấy phá thường xuyên của địch và để đảm bảo an toàn cho tính mệnh, tài sản của mình, giáo dân đã phải rời bỏ nơi lễ Chúa lui vào sinh sống, thờ cúng phía sau. Còn lại đây, trên mảnh đất này, những chiến sĩ, những họng súng chờ trừng trị đích đáng những kẻ ngoại xâm.

Dựa vào thời tiết xấu, nhiều sương mù, tầm quan sát của địch bị hạn chế, chúng tôi men dần ra ngã ba chỗ sông Bắc Luân đổ ra biển. Nơi đây có tên gọi là mỏm Sa Vĩ - đuôi cát nhưng lại là đầu của dãy đất chữ S. Cách chỗ chúng tôi đứng vài trăm mét, phao sắt số 3, một cột đường biên trên biển - đang bềnh bồng theo sóng nước. Với những người dân Trà Cổ yêu chuộng hòa bình, đất nước VN kéo về hướng đông bắc đến phao số 3 là hết. Nhưng với những cái bụng đại hán, lãnh thổ Trung Quốc xuôi hướng đông nam lại không chịu dừng nơi đó. Vì vậy cột mốc trên biển này trở thành chứng tích của bao vụ lấn chiếm.

Đứng bên này, nhìn qua màn sương, chúng tôi thấy mờ mờ một khối đen sù sì, to lớn. Đó là quân cảng Đầu Ruồi. Xuất phát từ hang ổ này, những thuyền buồm, thuyền mảng, được vũ trang hẳn hoi đã vượt qua phao số 3, xâm nhập hải phận của ta, vừa đánh bắt hải sản, vừa thăm dò tình hình. Các chiến sĩ trên chốt kể lại, những ngày thời tiết tốt, chúng dẫn sang đến ba, bốn mươi thuyền. Tất nhiên, trong trường hợp đó, các chiến sĩ của ta phải ra tay mạnh mẽ  mới tống cổ được các “vị khách không mời mà đến”. Gần đây hơn, đêm 6-4-1984, lợi dụng tối trời, một chiếc thuyền địch trang bị súng 12,7 ly đi sâu vào phía trong, cách mỏm Sa Vĩ gần một cây số. Nhưng cuối cùng chúng vẫn bị những đôi mắt tinh tường của các chiến sĩ ta phát hiện và bị đánh đuổi ngay tức khắc.

Ngay trong những ngày mưa bão như hôm nay, mặc những con sóng nổi cơn thịnh nộ cùng gió biển, tổ phối hợp dân quân và bộ đội vẫn thực hiện tuần tra trên biển. Lặng lẽ từng người một, những dấu chân nối nhau in rồi xóa, rồi lại in trên cát ướt. Như bao người trẻ tuổi khác, những chàng trai mặc quân phục, những cô gái tóc dài đến tận lưng kia nào có muốn dạo chơi trên biển kiểu người trước, người sau, giữ khoảng cách nhất định, mắt chăm chú, quan sát. Sống ở một góc biển đẹp như làng Trà Cổ này họ cũng thích có những lúc rảnh rỗi, tay trong tay sánh đôi bước chậm trên nền cát mịn.

Song như ước mơ lớn của toàn xã, cái ước mơ nhỏ bé này cũng không còn thực hiện được một khi kẻ thù chưa từ bỏ mộng bành trướng của chúng. Vậy thì đừng trách sao những đôi mắt đó lại rực lửa căm thù, những đôi tay lại ưa thích vót thêm chông, đào thêm hầm, hào, những ngón tay không ngại ngần xiết vào cò súng... Từ những con người như thế, một pháo đài sản xuất, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm được dựng lên trên Trà Cổ.

Đành phải tạm gác lại ước mơ xưa. Trà Cổ đã, đang và sẽ thực hiện tốt mong muốn mới của mình: làm một lá chắn vững chắc che chở cho góc biển nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

 

L.Đ.T

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 23/61984)


 

Những mẩu chuyện biên giới

 

Mùa tết ở bản Mù Cả…

Nếu không bận dự và báo cáo điển hình ở Hội nghị “Tuổi trẻ đoàn kết, xây dựng và bảo vệ biên giới phía Bắc” lần này ở thủ đô, có lẽ Khoáng Kà cũng đang cùng anh em chiến sĩ trong đồn và dân bản Mù Cả rộn rịp chuẩn bị đón những ngày vui nhất trong năm: ngày Tết của dân tộc Hà Nhì vào ngày 25 tháng 11 dương lịch. Tết của đồng bào Hà Nhì cũng có rượu thịt bánh cùng vui chơi và múa hát, đặc biệt là múa xòe. Suốt ba ngày Tết, thanh niên bản Mù Cả múa hát với nhau suốt ngày, suốt đêm quanh đống lửa bập bùng.

Đêm ở xã biên giới này thiếu cả ánh sáng đèn dầu, nhưng dưới ánh sáng của đuốc lồ ô, màu áo xanh của các chiến sĩ biên phòng hòa lẫn với màu sắc rực rỡ trên những tấm váy của các cô gái Hà Nhì trong điệu múa xòe duyên dáng. Họ múa và cùng hát say sưa những bài hát tự sáng tác ca ngợi cuộc sống mới của dân bản, tinh thần chiến đấu của đồng bào các dân tộc và chiến công của đồn Mù Cả anh hùng.

Bộ đội biên phòng làm gì cũng đều có thanh niên bản Mù Cả tham gia: cùng nhau khai hoang đất sản xuất cho đồng bào, đào mương và vận chuyển lương thực, vũ khí cho đồn biên phòng; vào rừng đốn gỗ về đóng bàn ghế để các em học sinh của trường phổ thông xã có bàn học, đóng giường cho trạm xá của xã…. Tháng 5 vừa qua, 120 thanh niên của hai chi đoàn thanh niên xã cùng với đoàn viên chi đoàn bộ đội biên phòng Mù Cả bằng dụng cụ tự chế đã đào một con đường lên chốt Nậm Lán. Đó là một con đường vắt qua một vách đá đứng mà trước kia chưa ai vượt qua. Chốt Nậm Lán chỉ cách đồn Mù Cả bốn kilômét nhưng muốn đến chốt phải đi bằng con đường vòng chạy quanh núi đá dài 12 cây số. Bây giờ con đường ấy đã được rút ngắn lại chỉ còn bằng một phần ba.

Bộ đội và thanh niên bản Mù Cả còn luôn sát cánh bên nhau để đánh trả và truy kích địch, bảo vệ bản làng. Trong một chuyến tuần tra trên sông, ba tay súng của chiến sĩ biên phòng cùng với hai tay súng dân quân và một tay súng công an của xã trên một chiếc xuồng của ta đã tiêu diệt tám tên trong số chín tên thám báo Trung Quốc khi chúng cho thuyền vào xâm phạm lãnh thổ của ta. Cả hai chiếc thuyền và toàn bộ vũ khí bị ta tịch thu làm tang vật…

 

* Phiên chợ “tìm bạn”

Ở các làng bản biên giới buổi chiều thứ bảy nào cũng náo nhiệt, rực rõ hẳn lên. Thanh niên nam, nữ của các dân tộc Tày, Nùng, Giấy, Dao, H’Mông… quần áo đủ các màu sắc đã được chải chuốt cẩn thận từ tuần lễ trước, vừa đi vừa nô đùa trò chuyện râm ran nhưng lúc nào cũng giữ cho quần áo sạch sẽ tinh tươm để đến phiên chợ “tìm bạn”.

Ngoài việc trao đổi mua bán, phiên chợ còn là dịp để bà con, đặc biệt là tuổi trẻ gặp gỡ nhau. Ở đó có những tiếng khèn, tiếng hát, trống sáo mèo… của gái trai đi “tìm bạn”. Chỉ cần nghe ai đó thổi khèn Mèo hay, hoặc múa khèn uyển chuyển hợp lòng là các cô gái để ý ngay. Nghe giọng thanh thanh trong điệu dân ca “gọi bạn” của nữ thanh niên người H’Mông, một anh bạn trẻ tuổi phải lòng sẽ “điệu” ngay về làm vợ.

Phiên chợ “tìm bạn” với những tiếng khèn tiếng hát “gọi người yêu” vọng đến những vách núi, nghe như đâu đâu cũng có hội.

Đấy là ngày hội truyền thống và giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao biên giới phía Bắc. Nhưng xin bạn nhớ cho: phiên chợ được tổ chức ngay bên này dòng sông Nho Quế, sát cạnh đường biên giới dài 68km của 19 xã ở huyện Đồng Văn, và hai đỉnh cao 1949 và 1911 sừng sững. Địa thế hiểm nguy và trọng yếu, chỉ cần sơ hở một chút, bọn bành trướng có thể chiếm và khống chế toàn bộ khu vực vùng cao. Ở nơi này chỉ toàn một loại núi đá khô, với vài con đường để lấy nước.

Cuộc sống khó khăn, gian khổ, quanh năm chỉ trồng được mùa ngôi, lại vừa phải chống chọi với thiên nhiên, đồng thời phải cảnh giác và chống lại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng Trung Quốc, 15 dân tộc anh em ở đây vẫn luôn đùm bọc nhau, vẫn rèn luyện tài nghệ văn hóa văn nghệ của mình để biểu diễn trong phiên chợ truyền thống.

 

* Chuyện đoàn kết

Trên biên giới phía Bắc, chưa bao giờ phong trào kết nghĩa “Tuổi trẻ dân quân một ý chí”, “Tuổi trẻ ba lực lượng một ý chí” lại rộng khắp và có chất lượng tốt như những năm gần đây. Nhờ đó tuổi trẻ các dân tộc có điều kiện gần gũi, hiểu truyền thống của nhau hơn, để yêu thương nhau hơn… Cũng nhờ có kết nghĩa mà lực lượng vũ trang đã vượt qua được nhiều khó khăn. Nếu không có thanh thiếu niên các dân tộc thì làm sao cùng lúc có thể dựng hàng trăm ngôi nhà, với có vạn cây tre, nghìn bó lá, phải chuyển hàng trăm chuyến tấn khí tày xây dựng trận địa, công sự, làm hàng chục cây số đường quân sự…?

Nhiều gương đẹp tiêu biểu như: em Triệu Thị Dài (dân tộc Dao) đi bộ hàng chục cây số từ bản Khuổi Xá xã Khánh Long đem đến tặng một trung đoàn năm chẩy gạo và tám chiếc lá dong ăn tết.

Cụ Hoàng Văn Sáo (Oác Khê, Lộc Bình) cho bộ đội tre, và 150 đại biểu năm xã cùng cao huyện Tràng Định đã đi bộ ba ngày mang ba tạ gạo, hai vạn lá dong, 70 con gà cho bộ đội ăn Tết. Nữ thanh niên huyện Văn Lãng, góp tiền mang những chiếc mũ bông cho bộ đội….

Phương châm “Trận địa là nhà, đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt” của chiến sĩ vũ trang vùng biên giới quả thật có một nội dung rất cụ thể, sinh động.

 

Sáu tỉnh biên giới phía Bắc

Tuyến biên giới của ta giáp Trung Quốc, dài 1.338km từ huyện Hải Ninh (Quảng Ninh) đến huyện Mường Tè (Lai Châu), bao gồm sáu tỉnh có diện tích 68.121km2 (1/5 diện tích cả nước) với hơn 3,6 triệu dân trong đó có gần hai triệu người thuộc hơn 30 dân tộc trong cộng đ ồng dân tộc Việt Nam.

Trong số sáu tỉnh thì Lai Châu và Hoàng Liên Sơn thuộc đọan biên giới Tây Bắc: Hà Tuyên Cao Bằng thuộc đoạn biên giới Việt Bắc và Lạng Sơn, Quảng Ninh thuộc đoạn biên giới Đông Bắc.

* Lai Châu nằm ở đầu nguồn sông Đà có đường ranh phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), diện tích 17.408km2, dân số khoảng hơn 300 nghìn người (thấp nhất toàn quốc). Tỉnh này xa trung tâm Hà Nội nhất: 550km. Địa hình Lai Châu rất hiểm trở, núi rừng chiếm đến 90 phần trăm diện tích. Thuộc địa phận Lai Châu có một vùng đất lẫy lừng trong lịch sử: Điện Biên. Điện Biên và những vùng đất khác của Lai Châu nay đã có nhiều thay đổi. Diện tích canh tác mở rộng hơn nghìn hecta. Từ chỗ mù chữ, nay đã có nhiều người tốt nghiệp đại học. Vùng rừng núi xa xôi này từng bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Các chiến sĩ giữ chốt tiền tiêu ngày nay đã nêu khẩu hiệu: “Đồn biên phòng là danh dự Tổ quốc, quyết không để giặc Trung Quốc bước chân lên”.

* Hoàng Liên Sơn gồm tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũ, diện tích 14.125km2, dân số 778 nghìn người. Có dãy Hoàng Liên Sơn và đỉnh Fansipan cao nhất nước ta (3.142 mét), có công trình thủy điện Thác Bà (công trình lớn bậc nhất miền Bắc), có khu nghỉ mát Sapa nổi tiếng đẹp. Giặc Trung Quốc khi rút chạy đã phá nát Sapa, đặt mìn phá sập đài liệt sĩ, đốt trụi hiệu sách nhân dân có hai vạn cuốn, các trường cấp 2, cấp 3, bệnh viện huyện Sapa. Tiểu đoàn 7 của ta đã tiêu diệt 870 tên địch ở đây.

* Hà Tuyên, diện tích 13.519km2, dân số 782.000 người. Có  huyện Đồng Văn là phần đất xa nhất của Tổ quốc ở hướng bắc (đọc báo TT số 95) có sông Lô oai hùng trong kháng chiến chống Pháp. Phía nam Hà Tuyên là mảnh đất Tân Trào, thủ đô cách mạng thời tiền khởi nghĩa, nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng họp Quốc dân đại hội phát động Cách mạng tháng Tám 1945. Lợi dụng đặc điểm ở Hà Tuyên, hai bên biên giới Việt-Trung đều có người Mèo sinh sống, Trung Quốc tìm mọi cách lôi kéo xúi giục nhưng vô hiệu.

*Cao Bằng, cái nôi của Cách mạng Việt Nam, có rừng Pác Bó nơi Bác Hồ về dựng nước năm 1941, có cao nguyên Nguyên Bình, là nơi ra đời đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944. Cao Bằng có hệ thống đường giao thông khá phát triển, có mỏ thiếc Tĩnh Túc. Thị xã Cao Bằng có nhiều cơ sở làm hàng mỹ nghệ bằng trúc xuất khẩu nổi tiếng.

* Lạng Sơn, gần Hà Nội nhất, là mũi tiến công chủ yếu của bọn bành trướng đầu năm 1979, có dòng sông Như Nguyệt ghi dấu chiến công Lý Thường Kiệt, có ải Chi Lăng nơi Liễu Thăng bị chém tụng đầu, có đồi Đồng Khê từng in hình ảnh Bác Hồ ngồi điều khiển trận địa trong chiến dịch biên giới. Lạng Sơn có nhiều khoáng sản: mỏ bôxít lộ thiên, mỏ phốt-phát… có diện tích canh tác 92.000 hecta trồng nhiều cây công nghiệp. Tinh dầu của cây hồi ở Lạng Sơn được nhiều nước ưa chuộng.

* Quảng Ninh là “ải địa đầu” mở ra mặt biển trên miền đông bắc, có vị trí chiến lược quan trọng. Khi giặc Mỹ đánh miền bắc bằng không quân, chúng đánh Quảng Ninh trước tiên (ngày 5-8-1964). Và sau khi ký hiệp định Pari (1973), chúng vẫn thả mìn phong tỏa vùng biển này. Quảng Ninh có vịnh Hạ Long, có thể coi là một kỳ quan của thế giới (đọc báo TT số 62), có sông Bạch Đằng lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ ba chống Nguyên-Mông. Quảng Ninh có mỏ than lộ thiên lớn, chất lượng tốt, có trên hai trăm kilômét bờ biển. Tám mươi phần trăm đất đai của tỉnh là rừng núi là nơi tiêu diệt quân Trung Quốc khi chúng tấn công. Với than – vàng đen của công nghiệp -  với bờ biển rừng núi, Quảng Ninh đang vươn lên thành tỉnh công nông ngư nghiệp, vững mạnh về quân sự.

 

Ba cô gái vùng cao biên giới

Có thể gọi Nguyễn Thị Xuân, Giàng Thị Điếng và Viên Thị Nhân - đại biểu của Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên - là những bông hoa của hội nghị này. Bởi trong số một trăm mấy mươi đại biểu chỉ có ba cô là gái và đều là cán bộ Đoàn của xã, huyện.

Với Nguyễn Thị Xuân, những ngày tháng 2-1979 thật khó quên. Khắp nơi vang dậy tiếng súng của bọn xâm lược. Những đồng chí, đồng đội ngã xuống. Xuân không còn nước mắt để khóc nữa mà chỉ còn căm hờn và hành động. Xuân có mặt ở khắp nơi, làm bất cứ việc gì: ch uyển đạn không biết mệt cho bộ đội ở tuyến trước đang chiến đấu, đưa thương binh về nơi an toàn… Và cầm cả súng, Xuân cũng lo giỏi và khỏe như người dân tộc, sát cánh bên đ ồng đội để bảo vệ cho từng tấc đất xã Bản Phiệt của mình.

Còn huyện Bắc Hà của Giàng Thị Điếng, đến hôm nay 64.000 gốc tre trồng trải dài trên tuyến biên giới đã  mọc xum xuê. Tre để đánh dấu sự phân định rạch ròi trên tuyến biên giới. Tre để làm nhà cho chiến sĩ, để phục vụ chiến đấu… đó là kết quả của phong trào các vùng chiến đấu của tuổi trẻ huyện Bắc Hà. Người dân tộc H’Mông 25 truổi, Điếng có dáng nhỏ, thấp, nhưng đố bạn nào của miền xuôi dám thi tài với cô gái bản Mèo về tài trèo đèo lội suối. Có những cơ sở Đoàn phải đi bộ hàng ba bốn ngày đường mới tới vì không có phương tiện và không có đường đi. Vậy mà bốn đồng chí trong huynệ đoàn cũng đã củng cố được 51/57 Đoàn cơ sở vươn lên, vững mạnh, có nhiều phong trào kết nghĩa với bộ đội, với tuyến sau để làm thủy lợi, khai hoang.

Quê hương của Viên Thị Nhân thì nằm trọn dưới một thung lũng đẹp, cách thị xã Hà Giang 48km. Từ “Cổng trời Cán Tỷ” nhìn xuống, thị trấn của huyện Quảng Bạ được mệnh danh “thành phố nổi” với núi đồi, nhà san, nương ngô, ruộng bậc thang… Vậy mà Nhân đã phải học tập trong những ngày căng thẳng để có đủ trình độ cuối cấp, với lương khô, quần áo, thuốc men…. Vừa chuẩn bị tác chiến. Bây giờ là cán bộ ban trường học huyện đoàn Quảng Bạ, gần gũi với ngành giáo dục, Nhân vẫn thường ray rứt với việc học tập và sinh hoạt của các em. Quê Nhân, núi rừng trùng điệp, nhiều dân tộc ở rải rác như Tày, H’Mông, Dao… các em đi học xa hàng chục cây số qua đỉnh núi Tai Mèo, thiếu thốn dụng cụ học tập, thấy thế Nhân đang làm dự thảo tổ chức một lớp phụ trách cho các em ở trường phổ thông cơ sở, thống kê sĩ số học sinh, lập kế hoạch vận động bà con cho con em đến trường.

Cùng với Nhân có trên 3.000 lượt đoàn viên tình nguyện làm giáo viên xóa nạn mù chữ cho 19 ngàn đoàn viên, trong đó 70% là thanh thiếu niên.

(nguồn: Phòng tư liệu của báo Tuổi Trẻ công bố trên báo Tuổi Trẻ, 1984)



Biên giới... xin đừng quên


TT - Cô Ba? Một phụ nữ xinh đẹp giỏi giang tựa như Cô Ba xà phòng nổi tiếng thời trước ở miền Nam? Cô Ba liên quan gì đến người "con gái Pa Kô con cháu Bác Hồ / dù gian khổ vượt núi băng rừng?"...

Câu hỏi cứ lờn vờn trong đầu theo nhịp lắc lư của chiếc xe trên con đường dốc núi dựng đứng, lắm đèo và vô số cua tay áo. Chính trị viên đồn biên phòng Cô Ba, rồi chủ tịch UBND xã Cô Ba (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) đều “chịu”! Địa danh này có lâu lắm rồi và chẳng nghe dính dáng tới nhân vật nào cả.

 

don-bien-phong-Co-ba

Nhà báo Lưu Đình Triều tại đồn biên phòng Cô Ba (Cao Bằng) vào tháng 3.2013


Mà thôi xin gác chuyện gốc tích qua một bên để ngắm nhìn một Cô Ba xinh đẹp từ trên độ cao khoảng 1.000m, giữa chập chùng mây mờ sương, giữa xanh ngát núi rừng. Cô Ba tươi mát nhưng cuộc sống quạnh hiu. Dõi mắt tìm mãi mới nhìn thấy lác đác vài mái nhà, chòi tre nứa. Cả xã có trên 3.000 người mà chia nhau ra ở rải rác trên 70km2, khuất sau các vách núi nên chẳng trách sao Cô Ba vắng vẻ đến thế.

Phân trường Lũng Vầy nằm gần UBND xã nhất có bốn lớp: 1, 2, 3 và mầm non. Theo lời anh chủ tịch UBND xã, trường thuộc loại khang trang trong những điểm trường của địa phương.

Khang trang là thế này sao? Khi cổng trường chỉ là hai cây gỗ tròn nhỏ dựng đứng, để bảng tên trường viết nguệch ngoạc bằng sơn đỏ vắt ngang. Bước qua cổng càng thêm xót xa. Sân trường chỉ rộng chừng vài chục mét vuông, không tường rào che chắn, chỉ chục bước chân là đã đến... mép vực sâu.

Nhưng ấn tượng nhất là lớp mầm non mà mới nhìn bên ngoài thôi đã thấy nhói lòng! Những mảnh gỗ ghép liền nhau, qua mưa nắng, cong vẹo, gợi nhớ một nhà kho ở vùng đồng bằng.

Mái nhà lợp tấm fibro ximăng lỗ chỗ vết thủng. Một cô giáo cho biết đó là hậu quả của trận mưa đá hồi đầu tháng 4. Lớp học được buộc níu bằng đủ loại dây để tránh sụp đổ bất ngờ. Bước vào lớp cứ như bước vào xó bếp của một mái nhà người dân tộc thiểu số. Cây đà ngang to đùng phơi bày trọn vẹn thân gỗ, chẳng có mảnh ván, vải che phủ. Vài mảnh nilông hai, ba sắc màu, bấu víu lẫn nhau để tạo thành vách phòng học.

Gần 20 em ngồi quây quần trên những chiếc ghế nhỏ. Mỗi em một kiểu “thời trang“, từ những tấm áo mùa đông cho đến những chiếc quần mùa hè, xanh vàng đỏ tím đủ kiểu. Chắc ai cho gì mặc nấy. Mặc triền miên ngày này sang tháng nọ nên phần lớn áo quần đều lấm lem bụi núi đồi.

Các đàn anh đàn chị lớp 1, 2, 3 ăn mặc cũng chẳng hơn gì đàn em. Thậm chí có em lớp 3 mặc áo carô xanh chuyển màu đến đen xám, chỉ còn đúng hai nút trên, phơi bày lồ lộ phần bụng cũng thâm xám... Một bộ đồng phục học trò, như các bạn đồng trang lứa ở nhiều nơi, có lẽ vẫn là một điều không mơ thấy nổi.

Biên giới! Những trưa nắng gắt ở Hà Giang, Điện Biên Phủ, những chiều tà lạnh lẽo ở Quảng Ninh, Lào Cai, tôi đã tích cóp được biết bao nhiêu hình ảnh của sự khó khổ ở các học trò vùng biên. Có hình ảnh được ghi nhớ mới đây, có hình ảnh diễn ra cách nay gần 30 năm. Tưởng đã quen, đã chai...

Thế mà lần chạm ngõ Cao Bằng, giáp mặt Cô Ba vào cuối tháng 4 lòng vẫn quay quắt trước những hình ảnh khó khổ của các em. Chương trình “Tháng 3 biên giới” do Tuổi Trẻ phát động, đóng góp được hơn 5 tỉ đồng để tạo ra vài trăm suất học bổng, vài phòng học... hẳn rồi cũng sẽ lọt thỏm giữa chập chùng rừng núi.

Làm sao tháng nào năm nào cũng mãi mãi là Tháng 3 biên giới? Mặc cho những con đường đến trường dù vẫn lượn lờ quanh co, nhưng làm sao điều kiện sinh hoạt, học tập của các em không còn “gập ghềnh” như những năm tháng đã qua?

Tự nhủ lòng: nhớ về biên giới, xin đừng quên câu hỏi này!

LƯU ĐÌNH TRIỀU


trieu-bien-gioi-2

Lớp Mầm Non của Phân hiệu Lũng Vầy

trieu-bien-gioi-3

Đại diện báo Tuổi Trẻ ( nhà báo Lưu Đình Triều) tặng sổ tiết kiệm (10 triệu đồng/sổ) cho các cựu chiến binh Pò Hèn, ( Quảng Ninh)gồm ông Ngô Văn Mịch, Bùi Văn Thung và Phạm Văn Điển (thứ 1, 3 và 4 tính từ trái qua) - Ảnh: Đ.BÌNH


(nguồn: báo Tuổi Trẻ ngày 5.5.2013)


 


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com