Những mẩu chuyện biên giới
Mùa tết ở bản Mù Cả…
Nếu không bận dự và báo cáo điển hình ở Hội nghị “Tuổi trẻ đoàn kết, xây dựng và bảo vệ biên giới phía Bắc” lần này ở thủ đô, có lẽ Khoáng Kà cũng đang cùng anh em chiến sĩ trong đồn và dân bản Mù Cả rộn rịp chuẩn bị đón những ngày vui nhất trong năm: ngày Tết của dân tộc Hà Nhì vào ngày 25 tháng 11 dương lịch. Tết của đồng bào Hà Nhì cũng có rượu thịt bánh cùng vui chơi và múa hát, đặc biệt là múa xòe. Suốt ba ngày Tết, thanh niên bản Mù Cả múa hát với nhau suốt ngày, suốt đêm quanh đống lửa bập bùng.
Đêm ở xã biên giới này thiếu cả ánh sáng đèn dầu, nhưng dưới ánh sáng của đuốc lồ ô, màu áo xanh của các chiến sĩ biên phòng hòa lẫn với màu sắc rực rỡ trên những tấm váy của các cô gái Hà Nhì trong điệu múa xòe duyên dáng. Họ múa và cùng hát say sưa những bài hát tự sáng tác ca ngợi cuộc sống mới của dân bản, tinh thần chiến đấu của đồng bào các dân tộc và chiến công của đồn Mù Cả anh hùng.
Bộ đội biên phòng làm gì cũng đều có thanh niên bản Mù Cả tham gia: cùng nhau khai hoang đất sản xuất cho đồng bào, đào mương và vận chuyển lương thực, vũ khí cho đồn biên phòng; vào rừng đốn gỗ về đóng bàn ghế để các em học sinh của trường phổ thông xã có bàn học, đóng giường cho trạm xá của xã…. Tháng 5 vừa qua, 120 thanh niên của hai chi đoàn thanh niên xã cùng với đoàn viên chi đoàn bộ đội biên phòng Mù Cả bằng dụng cụ tự chế đã đào một con đường lên chốt Nậm Lán. Đó là một con đường vắt qua một vách đá đứng mà trước kia chưa ai vượt qua. Chốt Nậm Lán chỉ cách đồn Mù Cả bốn kilômét nhưng muốn đến chốt phải đi bằng con đường vòng chạy quanh núi đá dài 12 cây số. Bây giờ con đường ấy đã được rút ngắn lại chỉ còn bằng một phần ba.
Bộ đội và thanh niên bản Mù Cả còn luôn sát cánh bên nhau để đánh trả và truy kích địch, bảo vệ bản làng. Trong một chuyến tuần tra trên sông, ba tay súng của chiến sĩ biên phòng cùng với hai tay súng dân quân và một tay súng công an của xã trên một chiếc xuồng của ta đã tiêu diệt tám tên trong số chín tên thám báo Trung Quốc khi chúng cho thuyền vào xâm phạm lãnh thổ của ta. Cả hai chiếc thuyền và toàn bộ vũ khí bị ta tịch thu làm tang vật…
* Phiên chợ “tìm bạn”
Ở các làng bản biên giới buổi chiều thứ bảy nào cũng náo nhiệt, rực rõ hẳn lên. Thanh niên nam, nữ của các dân tộc Tày, Nùng, Giấy, Dao, H’Mông… quần áo đủ các màu sắc đã được chải chuốt cẩn thận từ tuần lễ trước, vừa đi vừa nô đùa trò chuyện râm ran nhưng lúc nào cũng giữ cho quần áo sạch sẽ tinh tươm để đến phiên chợ “tìm bạn”.
Ngoài việc trao đổi mua bán, phiên chợ còn là dịp để bà con, đặc biệt là tuổi trẻ gặp gỡ nhau. Ở đó có những tiếng khèn, tiếng hát, trống sáo mèo… của gái trai đi “tìm bạn”. Chỉ cần nghe ai đó thổi khèn Mèo hay, hoặc múa khèn uyển chuyển hợp lòng là các cô gái để ý ngay. Nghe giọng thanh thanh trong điệu dân ca “gọi bạn” của nữ thanh niên người H’Mông, một anh bạn trẻ tuổi phải lòng sẽ “điệu” ngay về làm vợ.
Phiên chợ “tìm bạn” với những tiếng khèn tiếng hát “gọi người yêu” vọng đến những vách núi, nghe như đâu đâu cũng có hội.
Đấy là ngày hội truyền thống và giao lưu văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao biên giới phía Bắc. Nhưng xin bạn nhớ cho: phiên chợ được tổ chức ngay bên này dòng sông Nho Quế, sát cạnh đường biên giới dài 68km của 19 xã ở huyện Đồng Văn, và hai đỉnh cao 1949 và 1911 sừng sững. Địa thế hiểm nguy và trọng yếu, chỉ cần sơ hở một chút, bọn bành trướng có thể chiếm và khống chế toàn bộ khu vực vùng cao. Ở nơi này chỉ toàn một loại núi đá khô, với vài con đường để lấy nước.
Cuộc sống khó khăn, gian khổ, quanh năm chỉ trồng được mùa ngôi, lại vừa phải chống chọi với thiên nhiên, đồng thời phải cảnh giác và chống lại cuộc chiến tranh phá hoại nhiều mặt của bọn bành trướng Trung Quốc, 15 dân tộc anh em ở đây vẫn luôn đùm bọc nhau, vẫn rèn luyện tài nghệ văn hóa văn nghệ của mình để biểu diễn trong phiên chợ truyền thống.
* Chuyện đoàn kết
Trên biên giới phía Bắc, chưa bao giờ phong trào kết nghĩa “Tuổi trẻ dân quân một ý chí”, “Tuổi trẻ ba lực lượng một ý chí” lại rộng khắp và có chất lượng tốt như những năm gần đây. Nhờ đó tuổi trẻ các dân tộc có điều kiện gần gũi, hiểu truyền thống của nhau hơn, để yêu thương nhau hơn… Cũng nhờ có kết nghĩa mà lực lượng vũ trang đã vượt qua được nhiều khó khăn. Nếu không có thanh thiếu niên các dân tộc thì làm sao cùng lúc có thể dựng hàng trăm ngôi nhà, với có vạn cây tre, nghìn bó lá, phải chuyển hàng trăm chuyến tấn khí tày xây dựng trận địa, công sự, làm hàng chục cây số đường quân sự…?
Nhiều gương đẹp tiêu biểu như: em Triệu Thị Dài (dân tộc Dao) đi bộ hàng chục cây số từ bản Khuổi Xá xã Khánh Long đem đến tặng một trung đoàn năm chẩy gạo và tám chiếc lá dong ăn tết.
Cụ Hoàng Văn Sáo (Oác Khê, Lộc Bình) cho bộ đội tre, và 150 đại biểu năm xã cùng cao huyện Tràng Định đã đi bộ ba ngày mang ba tạ gạo, hai vạn lá dong, 70 con gà cho bộ đội ăn Tết. Nữ thanh niên huyện Văn Lãng, góp tiền mang những chiếc mũ bông cho bộ đội….
Phương châm “Trận địa là nhà, đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc anh em là ruột thịt” của chiến sĩ vũ trang vùng biên giới quả thật có một nội dung rất cụ thể, sinh động.
Sáu tỉnh biên giới phía Bắc
Tuyến biên giới của ta giáp Trung Quốc, dài 1.338km từ huyện Hải Ninh (Quảng Ninh) đến huyện Mường Tè (Lai Châu), bao gồm sáu tỉnh có diện tích 68.121km2 (1/5 diện tích cả nước) với hơn 3,6 triệu dân trong đó có gần hai triệu người thuộc hơn 30 dân tộc trong cộng đ ồng dân tộc Việt Nam.
Trong số sáu tỉnh thì Lai Châu và Hoàng Liên Sơn thuộc đọan biên giới Tây Bắc: Hà Tuyên Cao Bằng thuộc đoạn biên giới Việt Bắc và Lạng Sơn, Quảng Ninh thuộc đoạn biên giới Đông Bắc.
* Lai Châu nằm ở đầu nguồn sông Đà có đường ranh phía bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), diện tích 17.408km2, dân số khoảng hơn 300 nghìn người (thấp nhất toàn quốc). Tỉnh này xa trung tâm Hà Nội nhất: 550km. Địa hình Lai Châu rất hiểm trở, núi rừng chiếm đến 90 phần trăm diện tích. Thuộc địa phận Lai Châu có một vùng đất lẫy lừng trong lịch sử: Điện Biên. Điện Biên và những vùng đất khác của Lai Châu nay đã có nhiều thay đổi. Diện tích canh tác mở rộng hơn nghìn hecta. Từ chỗ mù chữ, nay đã có nhiều người tốt nghiệp đại học. Vùng rừng núi xa xôi này từng bắn rơi 14 máy bay Mỹ. Các chiến sĩ giữ chốt tiền tiêu ngày nay đã nêu khẩu hiệu: “Đồn biên phòng là danh dự Tổ quốc, quyết không để giặc Trung Quốc bước chân lên”.
* Hoàng Liên Sơn gồm tỉnh Lào Cai, Yên Bái cũ, diện tích 14.125km2, dân số 778 nghìn người. Có dãy Hoàng Liên Sơn và đỉnh Fansipan cao nhất nước ta (3.142 mét), có công trình thủy điện Thác Bà (công trình lớn bậc nhất miền Bắc), có khu nghỉ mát Sapa nổi tiếng đẹp. Giặc Trung Quốc khi rút chạy đã phá nát Sapa, đặt mìn phá sập đài liệt sĩ, đốt trụi hiệu sách nhân dân có hai vạn cuốn, các trường cấp 2, cấp 3, bệnh viện huyện Sapa. Tiểu đoàn 7 của ta đã tiêu diệt 870 tên địch ở đây.
* Hà Tuyên, diện tích 13.519km2, dân số 782.000 người. Có huyện Đồng Văn là phần đất xa nhất của Tổ quốc ở hướng bắc (đọc báo TT số 95) có sông Lô oai hùng trong kháng chiến chống Pháp. Phía nam Hà Tuyên là mảnh đất Tân Trào, thủ đô cách mạng thời tiền khởi nghĩa, nơi Bác Hồ cùng Trung ương Đảng họp Quốc dân đại hội phát động Cách mạng tháng Tám 1945. Lợi dụng đặc điểm ở Hà Tuyên, hai bên biên giới Việt-Trung đều có người Mèo sinh sống, Trung Quốc tìm mọi cách lôi kéo xúi giục nhưng vô hiệu.
*Cao Bằng, cái nôi của Cách mạng Việt Nam, có rừng Pác Bó nơi Bác Hồ về dựng nước năm 1941, có cao nguyên Nguyên Bình, là nơi ra đời đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944. Cao Bằng có hệ thống đường giao thông khá phát triển, có mỏ thiếc Tĩnh Túc. Thị xã Cao Bằng có nhiều cơ sở làm hàng mỹ nghệ bằng trúc xuất khẩu nổi tiếng.
* Lạng Sơn, gần Hà Nội nhất, là mũi tiến công chủ yếu của bọn bành trướng đầu năm 1979, có dòng sông Như Nguyệt ghi dấu chiến công Lý Thường Kiệt, có ải Chi Lăng nơi Liễu Thăng bị chém tụng đầu, có đồi Đồng Khê từng in hình ảnh Bác Hồ ngồi điều khiển trận địa trong chiến dịch biên giới. Lạng Sơn có nhiều khoáng sản: mỏ bôxít lộ thiên, mỏ phốt-phát… có diện tích canh tác 92.000 hecta trồng nhiều cây công nghiệp. Tinh dầu của cây hồi ở Lạng Sơn được nhiều nước ưa chuộng.
* Quảng Ninh là “ải địa đầu” mở ra mặt biển trên miền đông bắc, có vị trí chiến lược quan trọng. Khi giặc Mỹ đánh miền bắc bằng không quân, chúng đánh Quảng Ninh trước tiên (ngày 5-8-1964). Và sau khi ký hiệp định Pari (1973), chúng vẫn thả mìn phong tỏa vùng biển này. Quảng Ninh có vịnh Hạ Long, có thể coi là một kỳ quan của thế giới (đọc báo TT số 62), có sông Bạch Đằng lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến lần thứ ba chống Nguyên-Mông. Quảng Ninh có mỏ than lộ thiên lớn, chất lượng tốt, có trên hai trăm kilômét bờ biển. Tám mươi phần trăm đất đai của tỉnh là rừng núi là nơi tiêu diệt quân Trung Quốc khi chúng tấn công. Với than – vàng đen của công nghiệp - với bờ biển rừng núi, Quảng Ninh đang vươn lên thành tỉnh công nông ngư nghiệp, vững mạnh về quân sự.
Ba cô gái vùng cao biên giới
Có thể gọi Nguyễn Thị Xuân, Giàng Thị Điếng và Viên Thị Nhân - đại biểu của Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên - là những bông hoa của hội nghị này. Bởi trong số một trăm mấy mươi đại biểu chỉ có ba cô là gái và đều là cán bộ Đoàn của xã, huyện.
Với Nguyễn Thị Xuân, những ngày tháng 2-1979 thật khó quên. Khắp nơi vang dậy tiếng súng của bọn xâm lược. Những đồng chí, đồng đội ngã xuống. Xuân không còn nước mắt để khóc nữa mà chỉ còn căm hờn và hành động. Xuân có mặt ở khắp nơi, làm bất cứ việc gì: ch uyển đạn không biết mệt cho bộ đội ở tuyến trước đang chiến đấu, đưa thương binh về nơi an toàn… Và cầm cả súng, Xuân cũng lo giỏi và khỏe như người dân tộc, sát cánh bên đ ồng đội để bảo vệ cho từng tấc đất xã Bản Phiệt của mình.
Còn huyện Bắc Hà của Giàng Thị Điếng, đến hôm nay 64.000 gốc tre trồng trải dài trên tuyến biên giới đã mọc xum xuê. Tre để đánh dấu sự phân định rạch ròi trên tuyến biên giới. Tre để làm nhà cho chiến sĩ, để phục vụ chiến đấu… đó là kết quả của phong trào các vùng chiến đấu của tuổi trẻ huyện Bắc Hà. Người dân tộc H’Mông 25 truổi, Điếng có dáng nhỏ, thấp, nhưng đố bạn nào của miền xuôi dám thi tài với cô gái bản Mèo về tài trèo đèo lội suối. Có những cơ sở Đoàn phải đi bộ hàng ba bốn ngày đường mới tới vì không có phương tiện và không có đường đi. Vậy mà bốn đồng chí trong huynệ đoàn cũng đã củng cố được 51/57 Đoàn cơ sở vươn lên, vững mạnh, có nhiều phong trào kết nghĩa với bộ đội, với tuyến sau để làm thủy lợi, khai hoang.
Quê hương của Viên Thị Nhân thì nằm trọn dưới một thung lũng đẹp, cách thị xã Hà Giang 48km. Từ “Cổng trời Cán Tỷ” nhìn xuống, thị trấn của huyện Quảng Bạ được mệnh danh “thành phố nổi” với núi đồi, nhà san, nương ngô, ruộng bậc thang… Vậy mà Nhân đã phải học tập trong những ngày căng thẳng để có đủ trình độ cuối cấp, với lương khô, quần áo, thuốc men…. Vừa chuẩn bị tác chiến. Bây giờ là cán bộ ban trường học huyện đoàn Quảng Bạ, gần gũi với ngành giáo dục, Nhân vẫn thường ray rứt với việc học tập và sinh hoạt của các em. Quê Nhân, núi rừng trùng điệp, nhiều dân tộc ở rải rác như Tày, H’Mông, Dao… các em đi học xa hàng chục cây số qua đỉnh núi Tai Mèo, thiếu thốn dụng cụ học tập, thấy thế Nhân đang làm dự thảo tổ chức một lớp phụ trách cho các em ở trường phổ thông cơ sở, thống kê sĩ số học sinh, lập kế hoạch vận động bà con cho con em đến trường.
Cùng với Nhân có trên 3.000 lượt đoàn viên tình nguyện làm giáo viên xóa nạn mù chữ cho 19 ngàn đoàn viên, trong đó 70% là thanh thiếu niên.
(nguồn: Phòng tư liệu của báo Tuổi Trẻ công bố trên báo Tuổi Trẻ, 1984)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|