Nhìn ảnh chị Quyên tay nách con 15 tháng tuổi, đứng thẫn thờ bên cạnh đứa con lớn 12 tuổi trước bàn thờ chồng nghi ngút khói hương, lòng người đọc nào không dậy lên xót xa, thương tiếc. Không xót xa sao được khi cái chết của chồng chị trung úy Nguyễn Văn Ngữ, đội cảnh sát giao thông số 1, Hà Nội - là một cái chết trẻ và diễn ra ngay vào lúc mọi người đang sum họp, vui chơi, ăn uống trong ngày tết…
Tôi cứ nghĩ quẩn quanh về điều không vui ấy. Vì, giá mà anh Ngữ có một sự chọn lựa khác thì tai họa đâu có giáng xuống gia đình anh. Trên đường đến điểm trực giao thông, tối mồng hai tết, khi nhìn thấy hơn chục tên côn đồ cầm dao chém một anh xích lô cùng một khách qua đường, anh Ngữ vẫn có thể chạy đến một đồn công an gfần đấy hoặc gọi điện cho công an hình sự đến giải quyết được chứ? Nhưng không, anh lao vào đối đầu với bọn sói dữ đang say rượu và cả say máu…
Dẫu sao trong nỗi đau xót từ sự hi sinh của anh, tôi cũng tìm thấy được chút an ủi nhỏ nhoi nhưng quí giá: thì ra một lần nữa, cuộc sống đã chứng tỏ là vẫn luôn có người sẵn sàng xả thân vì sự yên bình của cộng đồng, của xã hội. Trước anh Ngữ, là Nguyễn Thái Thanh Hải - phường đội phó phường 13, quận 6, TPHCM – đã hi sinh khi can thiệp vụ côn đồ cầm lựu đạn đe dọa người lương thiện tháng 9-1995. Trước nữa là đại úy Đỗ Kim Thành - công an Vĩnh Phú - đã đắm mình giữa dòng nước mùa đông giá buốt cuối năm 1994, bơi đuổi theo thuyền bọn xấu và bị chúng dùng bình acqui kích điện, thả xuống nước giết anh…
“Con người không những chỉ biết sống cho mình mà còn phải biết sống vì người khác, vì cộng đồng… Bao đời, trong xã hội vẫn luôn vang lên những lời kêu gọi tương tự. Và thực tế ngoài những trường hợp hi sinh trên, còn có không ít người, từ nhóm năm chàng trai tự nguyện đi bắt cướp (Tuổi Trẻ 8-2-1996), cho đến việc dũng cảm đuổi bắt tên cướp xe taxi chiều mồng hai tết của anh Nguyễn Văn Lộc – bảo vệ bến xe miền Đông… Họ đã hành động vì lương tâm, vì trách nhiệm công dân. Khi chấp nhận xả thân, những người sống đẹp đời mình, trong lúc ấy, chỉ nghĩ đơn giản như lời tâm sự của thượng úy Lê Văn Cảnh – công an phường 5, quận 8, bị bắn trọng thương khi chận đầu xe của ba tên côn đồ “Tôi nghĩ phải ngăn chặn chúng ngay, nếu không chúng sẽ gây phiền phức cho những người khác”. Xả thân mình vì mọi người, không cần báo đáp, tri ân là cách nghĩ của những “hiệp sĩ thời đại”. Về phía mình, lẽ nào xã hội chỉ biết kêu gọi và đòi hỏi?
Với trường anh Ngữ, anh Thành, xã-hội đã có câu trả lời thỏa đáng. Đích thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Thế Duyệt, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã đến thăm, an ủi động viên vợ con anh Ngữ. Sở Giao thông công chánh Hà Nội và báo An Ninh Thủ Đô nhận đỡ đầu hai con anh Ngữ đến năm 18 tuổi. Báo chí khắp nơi đã dành nhiều bài viết ngợi khen và đồng đội đã mở đợt học tập tấm gương của hai anh, v.v…
Tất cả việc làm đó, thật sự là một sự tôn vinh xứng đáng, hợp lý và hợp lòng người. Nhưng lẽ nào sự tôn vinh dành cho những người xả thân ấy chỉ được thực hiện khi họ không còn tồn tại trên cõi đời này? Tôn vinh không chỉ là sự bù đắp cho bản thân và gia đình của những người dám xả thân, mà còn mang tác động dẫn truyền, tiếp thêm sức sống cho bao người đang thầm lặng muốn sống đẹp đời mình. Một bạn đồng nghiệp của tôi đã từng nảy ra ý nghĩ có một loại huy chương xã hội dành riêng tặng cho những “hiệp sĩ thời đại” giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha. Kèm theo đó, tùy mức độ mà chính quyền, đoàn thể, địa phương sẽ có sự khen thưởng vật chất đi kèm. Họ đã xả thân vì xã hội. Xã hội ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng kịp thời cho họ. Đó là sự công bằng không hề làm giảm sút ý nghĩa của việc xả thân, mà ngược lại…
L.Đ.T
(nguồn: Tuổi Trẻ chủ nhật 3.3.1996)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|