BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Không “hố sâu thực sự”

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Không “hố sâu thực sự”

 

TT - LTS: “Không ai có thể đi đến tương lai một cách vững chắc nếu không hiểu trung thực về quá khứ, nhất là một quá khứ mà chúng ta can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm” (sách Bên thắng cuộc - Huy Đức). “Mấy lời của tác giả” như là một hứa hẹn với người đọc về tính trung thực trong góc nhìn quá khứ. Nhiều sự kiện, nhân vật - dù nhỏ hay lớn - khi được tác giả đề cập đều trở thành những mắt xích có dụng ý kết hợp thành “chuỗi dẫn chứng khách quan”.

Thế nhưng chẳng bao lâu sau khi phát hành (tháng 12-2012, dưới dạng điện tử và giấy từ nước ngoài), một số ý kiến đã vạch ra những điều chưa đúng, không đầy đủ, méo mó bản chất. “Chuỗi mắt xích” dẫn chứng đã bị sứt mẻ, có đoạn bị đứt rời.

Để góp thêm cái nhìn về tính trung thực của quyển sách, Tuổi Trẻ giới thiệu bài viết của một nhân vật được đề cập trong sách. Anh cũng là người trong cuộc mà theo ý tác giả là đã “can dự và có phần cộng đồng trách nhiệm”.


khongho_sau_LDT

Một số bài báo của tác giả Lưu Đình Triều đăng trên Tuổi Trẻ tháng 12-2004

 

Không “hố sâu thực sự”

 

“Xin chào thiếu úy Việt Nam cộng hòa! He he”. Bất ngờ nhận được dòng tin nhắn lạ lẫm như trêu đùa, tôi thắc mắc: chuyện gì đây và ý gì đây?”... Câu trả lời được tìm thấy sau đó, khi có một email lạ xuất hiện trong hộp thư đến. Đó là bài viết đề cập đến tôi và liên quan cả ba tôi, được trích từ quyển sách Bên thắng cuộc của Huy Đức và đặt một cái tựa riêng: Vừa cay đắng khóc.

Tôi đọc và cảm giác lúc ấy là buồn rười rượi.

Chợt nhớ cách đây vài năm, có lần Huy Đức đến tòa soạn Tuổi Trẻ gặp tôi và báo anh đang viết hồi ký cho ông Võ Văn Kiệt. Anh muốn hỏi chuyện của tôi để dùng minh họa cho một số chủ trương chính sách những năm đầu mới giải phóng... Vì sao câu chuyện riêng tư nhằm “phục vụ” cho hồi ký ấy nay lại xuất hiện trong hồi ức và ghi chép của anh?

Thắc mắc đó bật lên rồi cũng chìm ngay trong cảm nhận - một cảm nhận thật sự là “vừa buồn vừa cay đắng”. Cảm nhận như vậy, đơn giản chỉ vì Huy Đức đã viết không đầy đủ, nên làm sai lệch bản chất. Anh đã “vẽ” ra một “hố sâu thực sự” giữa hai cha con và cả gia đình tôi nữa. Sự việc còn cay đắng hơn là qua đó hiện lên hình ảnh của một người cha không có tình cảm, tình người ngay với chính đứa con trai duy nhất của mình.

Huy Đức à, ba tôi mất cách đây ba mươi năm, nói theo dân gian là đã mồ yên mả đẹp rồi, thế mà...

Thật ra, những gì về trường hợp của tôi, nhất là về quan hệ cha con tôi từ buổi đầu hội ngộ cho đến khi tôi mon men vào con đường làm báo, đều đã được viết hoặc kể (trả lời phỏng vấn) tương đối đầy đủ trong một số bài viết trên Tuổi Trẻ cùng vài tờ báo, tạp chí. Gần đây, một số bài viết đó được tập hợp lại dưới tên tạm gọi là "Tự truyện"  trên www.leminhquoc.vn.

Từng là đồng nghiệp với nhau lúc ở Tuổi Trẻ, Huy Đức hẳn đã nghe, đã hiểu rõ trường hợp của tôi, kể cả mối quan hệ của cha con tôi. Huy Đức cũng từng ghé nhà ba má tôi ở Hà Nội, khi tôi đang ở đấy. Thật đáng tiếc, Huy Đức đã sử dụng một số thông tin từ những gì anh nghe, từ những gì tôi viết, nhưng anh lại không trích dẫn đầy đủ. Vì thế đã làm cho người đọc ngộ nhận và làm thương tổn tôi cùng gia đình.

Anh viết về thời gian tôi đi “học tập cải tạo” như sau (nguyên văn): “Chỉ huy trại khi ấy cũng biết Lưu Đình Triều là con cán bộ cao cấp nên chủ động gửi thư cho ông Lưu Quý Kỳ, nói: “Chúng tôi biết anh, nếu được, anh lên trại chúng ta nói chuyện về cháu”. Ông Lưu Quý Kỳ có lên nhưng thay vì gặp con và bảo lãnh, ông chỉ viết thư khuyên con “cố gắng học tập tốt”. Lưu Đình Triều nhớ lại: Tôi vừa đọc thư ba tôi vừa xé và vừa cay đắng khóc...”.

Nếu trung thực và làm hết trách nhiệm của một nhà báo thì đoạn viết trên của Huy Đức không chỉ dừng ở đó mà phải “xử lý” đầy đủ thông tin. Như tôi từng kể trong tuần báo Thế Giới & Hội Nhập 27-4 và 4-5-2010) “lúc ấy: “Tôi giận, thầm trách ba tôi đã không thương tôi, lại bỏ tôi “bơ vơ” như thuở nào... Tôi đã xé lá thư ấy để rồi mãi sau này mới cảm nhận ra rằng đó là một cách thương con, rèn con của riêng ba tôi”. Khi nhắc lại chi tiết này một cách lấp lửng, rõ ràng nhằm đạt mục đích gì thì chính Huy Đức biết rõ hơn ai hết.

Đã thế, sau khi trích đoạn tôi viết về những giờ phút đầu tiên cha con gặp lại, Huy Đức tự rút ra một kết luận chắc như đinh đóng cột (nguyên văn): “Nhưng trong ngày gặp lại, Lưu Đình Triều đã cảm nhận được “hố sâu ngăn cách”. Có thật sự đúng như vậy không? Ngay trong chính bài viết của tôi mà Huy Đức trích lại (Cuộc chia ly cho ngày thống nhất, kỳ II: Cuộc đoàn tụ một nửa, Tuổi Trẻ 3-12-2004), tôi đã kể rằng sau đó tôi xuống ở với ba tôi mấy ngày liền. Trong thời gian này, cha con đã nằm bên nhau tâm sự, để rồi tôi nhớ mãi lời khuyên nhủ của một người cha thương yêu và gửi gắm hi vọng vào con: "Thôi, thương ba, thương má, từ rày về sau con cố ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức lối sống, chuộc lại lỗi lầm...".

Vâng, sự trích đoạn tới đâu là quyền chủ quan của người viết, nhưng nếu trung thực và để đúng bản chất sự việc thì Huy Đức không thể “cắt cúp” theo chủ kiến của mình mà bỏ qua ý trong đoạn kết của bài viết, ghi nhận tâm trạng của tôi - một thiếu úy chế độ cũ phải đi học tập cải tạo vào lúc ấy: “Dẫu sao mặc lòng, tôi tự nhủ mình cần phải thẳng thắn đối mặt với thực tế khi bước vào khúc quanh của đời mình dù có bằng bước chân cô đơn. Cái cảm giác cô đơn ấy, mãi đến hai năm sau tôi mới thật sự giũ bỏ khi ngồi quây quần vui vẻ với cả nhà, có cả Thu Hà vừa đi học ở Bulgaria trở về. Sâu xa hơn là sự đoàn tụ toàn vẹn như lời thư ba viết mà tôi đã dần cảm nhận ra sau đó và tự gọi tên theo cách của tôi: Sự đoàn tụ phần hồn. Đó là một tối tháng 8-1978, cả người tôi nổi đầy gai ốc khi đưa tay thề nguyện dưới lá cờ Đoàn. Vâng, tôi đã đặt được bước chân đầu tiên của mình lên dấu chân mà ba má tôi đã đi”.

Huy Đức à! “Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Tôi tin Huy Đức cũng biết điều này. Thế nhưng, với tôi (và còn ai nữa?) tại sao anh lại “va vấp” một cách đáng tiếc như thế? Và chính vì vậy, tôi phải nói với anh rằng không có hố sâu thực sự, không hề có!

 

Lưu Đình Triều

(nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/530640/khong-ho-sau-thuc-su.html)

 

Ba mẹ anh Lưu Đình Triều là cán bộ cách mạng, đi tập kết năm 1954, gửi lại anh và người chị cho bà ngoại nuôi dưỡng.

Năm 1972, khi đang học đại học luật, anh bị “tổng động viên” vào lính. Sau ngày giải phóng, gặp lại ba xong, như bao sĩ quan chế độ cũ khác, anh đi học tập cải tạo.

Trở về, anh làm nhân viên ở Sở Công nghiệp TP.HCM, Xí nghiệp Sắt tráng men. Vài năm sau đó anh dự thi vào đại học báo chí và trúng tuyển ra Hà Nội học.

Từ năm 1984 anh làm việc tại báo Tuổi Trẻ cho đến nay ở các vị trí phóng viên, trưởng ban, thư ký tòa soạn, tổng thư ký tòa soạn... Trong nghề báo, anh từng được phân công đi tác nghiệp khắp các vùng miền trong nước và cả ở nước ngoài. Anh đã xuất bản được hai tập sách Bật một que diêm(2009) và Tổ quốc không có nơi xa (2011).

TS

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com