BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Tao ngộ văn hóa châu Á

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Tao ngộ văn hóa châu Á

 

Cùng với hàng ngàn du khách Nhật, tôi và đạo diễn Việt Cường (Đài truyền hình TPHCM) đặt chân xuống phi trường Okinawa lúc 10 giờ 30 ngày 10-2-1996. Mùa xuân ở hòn đảo du lịch nổi tiếng của nước Nhật thời tiết thật dễ chịu. Trời lạnh khô, trên dưới 10 độ C.

 

TAO-NGO-VAN-HOA-CHAU-A

 

Nhìn từ xa, toàn bộ khu vực Trung tâm hội nghị Okinawa với đường kiến trúc cong lượn nổi lên như một con đại bàng đang vỗ cánh. Trên một mô đất cao, bảy lá cờ tươi thắm sắc màu, phất phơi trong gió, nói lên sự có mặt của Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam tại Liên hoan Văn hóa châu Á.

Đi vào nhà hát, đến khu triển lãm, đập vào mắt chúng tôi là chiếc đầu rồng đỏ chói - biểu tượng gần gũi với truyền thống văn hóa của các nước châu Á.

Từ gần mười năm qua, Liên hoan Văn hóa châu Á được tổ chức đều đặn mỗi năm trên hòn đảo này. Thoạt đầu, nó chỉ gói gọn trong giao lưu âm nhạc (kiểu như Liên hoan âm nhạc châu Á tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình năm qua). Lần này, âm nhạc - một biểu hiện của tâm hồn văn hóa - vẫn là “cái đinh” của liên hoan. Sáu ca nhạc sĩ, tất cả đều còn rất trẻ, đã luân phiên hát, múa trong suốt ba giờ đồng hồ. Riêng Siu Blach, ca sĩ Việt Nam (người dân tộc ở Kontum) với chất giọng cao, khỏe đã góp cùng bè bạn hai bài ca Nhịp chiêng buôn KorsirEm muốn sống bên anh trọn đời. Ngoài phần biểu diễn chính thức trong nhà hát, một số ban nhạc đã chơi một cách sôi nổi, những tiết mục đậm đà màu sắc dân tộc ngay trong khu vực triển lãm.

Năm trước, liên hoan đã bắt đầu mở rộng nội dung. Những gian hàng của từng quốc gia đã giới thiệu và bán các sản phẩm đủ loại. Từ những mặt hàng thông dụng như quần áo, giày dép, đồ chơi… cho đến những sản phẩm đặc trưng của mỗi nước như bình gốm, nhạc cụ tre nứa, các tượng gỗ chạm trổ tinh xảo… Điều bất ngờ là ngay trong ngày đầu tiên, mấy trăm chiếc giỏ cói VN đã bán sạch. Chưa đủ sức chen chân nổi ở các mặt hàng công nghệ cao, thì với sản phẩm thủ công, ta vẫn có thể tạo ra sức thu hút không kém gì bè bạn.

Do điều kiện đi lại khó khăn, việc giới thiệu các món ăn -  văn hóa ẩm thực - hãy còn ít ỏi. Chủ yếu là các hàng quán của Nhật rực rỡ trong ánh đèn lồng. Bỏ ra khoảng 50.000 đồng VN, tôi mua tô mì Nhật để biết thêm hương vị của đất nước bạn. Thêm một ly bia giá cũng cỡ 50.000 đồng VN, rồi ra giữa sảnh xem đầu bếp các nước trổ tài.

Chưa tròn 48 giờ cho cuộc tao ngộ văn hóa châu Á. Thật ngắn ngủi. Nhưng như Naomi Cécila Taira - cô bạn sinh viên Nhật từng sống ở Peru - thừa nhận: “Đây là cơ hội tốt cho người Nhật hiểu thêm văn hóa dân tộc của các nước khác”. Chắc hẳn đó cũng là suy nghĩ của các khách mời Hàn Quốc, Thái Lan… và cả sáu đại diện Việt Nam có mặt ở liên hoan. Ngay tại Okinawa này, nơi hàng chục năm qua vẫn tồn tại những căn cứ Mỹ và tất yếu dẫn đến sự du nhập của lối sống Mỹ thì cuộc trưng bày giới thiệu văn hóa châu Á lại càng mang ý nghĩa sâu sắc hơn.

L.Đ.T

(ngồn: báo Tuổi trẻ 3/3.1996)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com