BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LÊ MINH QUỐC: Đưa nhà báo LƯU QUÝ KỲ về Đất

LÊ MINH QUỐC: Đưa nhà báo LƯU QUÝ KỲ về Đất


1.

Dù đã có những tàng đá đè nặng xuống mí mắt, nhưng tôi cũng phải thức dậy. Mắt cay xè. Hơi thở vẫn còn nồng men rượu. Không gian trong một căn phòng nằm dọc sông Sài Gòn vẫn còn phảng phất dịu nhẹ sự điệu đà lụa mỏng và son phấn ngon tươi. Tiếng chuông trong điện thoại đã réo ầm ĩ. Thúc giục. Phải dậy thôi. Không thể nấn ná, dù chỉ một phút. Một tin nhắn đêm qua, sực nhớ như in trong óc: “Mai, 6g30 làm lễ ở chùa Bửu Đà (419 Cách mạng tháng Tám). 7g di chuyển lên Nghĩa trang Thành phố ở Thủ Đức. Cố gắng đi nhé. Lưu Đình Triều.

 

luu-qu-ky-bac-ho

Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhà báo Lưu Quý Kỳ tại Phủ Chủ tịch, khoảng năm 1968 (trích từ phim tư tiệu của Đài Truyền hình Nhật Bản)

 

Trên đời, có những lời đã hứa, ta có thể quên. Nhưng với người cõi âm thì không thể. Đó là ngày di chuyển hài cốt của nhà báo Lưu Quý Kỳ. Ngày Chủ nhật, 21.4.2013. Và tôi đã có mặt. Từ trong tiềm thức, tôi luôn tin giữa Âm và Dương có một sự liên hệ vô hình. Lần nọ, anh Phạm Minh Thuận - con trai của nhà văn Phạm Tường Hạnh - kể tôi rằng, đại khái, trong chuyến phát hành sách ngoài Hà Nội, anh hứa sẽ đưa đoàn đi thăm Nghĩa trang Trường Sơn. Rồi công việc bề bộn khiến anh quên béng. Không hiểu sao, trên đường về, đoàn ô tô của Fahasa liên tục gặp sự cố, chuyện chưa hề có bao giờ. Quái thế nhỉ? Ngẫm nghĩ một lát, anh sực nhớ lại lời hứa của mình. Và cho quay xe lại. Từ đó, mọi việc êm xuôi.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

Ngày chị Lê Thị Ái của tôi mất. Chúng tôi quyết định không thông báo cho mẹ tôi biết. Giữa khuya nghe tin dữ, mẹ sẽ trằn trọc khó ngủ. Không ngờ, sáng hôm sau, tôi thức dậy sớm, mới 5 giờ sáng đã thấy mẹ tôi ngồi và buộc miệng hỏi ngay: “Con Ái chết rồi à?”. Tôi kinh ngạc, làm sao mẹ tôi có thể biết? Làm sao có thể biết? Thì đây: “Đêm qua, không biết reng mà tau chẽng ngủ được. Cứ nhắm mét lơ mơ làn màng là nghe con Ái gụa: “Mẹ ơi! Mẹ về với con!”. Nghe tiếng gọi khẩn thiết ấy như xa như gần, như mơ như thật, mẹ tôi không thể ngủ yên và thao thức đến sáng. Quả nhiên, chị Ái tôi đã chết đúng vào thời điểm mà mẹ chập chờn mộng mị…

Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

Ngày ba tôi mất, tôi đang ở Sài Gòn. Nghe tin ba bệnh nặng, tôi đã mua vé máy bay về về sớm. Lúc ấy, chỉ có thể lấy vé vào ngay mai, dù đã có giấy giới thiệu của Báo Phụ Nữ TP.HCM gửi đến Vietnam Airlines (thời bao cấp mà). Đột nhiên, đêm ấy, cổ họng của tôi đột ngột đau buốt. Căn bệnh khiến ba tôi mất là ung thư vòm họng. Khi tôi về đến Đà Nẵng, chẳng còn thấy đau cổ họng nữa.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

 

2.


Và sáng qua, lúc tôi đến chùa Bửu Đà, may quá, vẫn còn kịp thời gian. Sân chùa vắng. Bước vào trong, nhà báo Lưu Đình Triều đang chuyển hài cốt ra xe. Hài cốt được đựng trong chiếc hòm nhỏ và gợi lên sự thành kính, thiêng liêng. Trong quan niệm của người Việt, tôi nghĩ, với người đã mất, ta hỏa táng rồi đưa lên chùa thờ phượng; hoặc đưa vào Đất cũng có ý nghĩa như nhau, miễn là từ lòng thành. Thành tâm. Biết là vậy, nhưng thật ra bao giờ chúng ta cũng muốn người thân của mình được nằm trong Đất. Từ cát bụi trở về cát bụi. Một Sự sống ra đời và Tan biến đi. Chẳng còn gì hiện hữu lại trong cõi trần gian này. “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Cái tinh thần của người mất, nếu Hiện hữu mới là còn.

 

luu-qu-k--1

Nhà báo Lưu Đình Triều giữ lấy hài cốt của thân phụ Lưu Quý Kỳ, từ chùa lên Nghĩa trang Thành phố

 

Trong suy nghĩ tích cực ấy, nhà báo Lưu Quý Kỳ là còn. Ông còn để lại những tác phẩm của mình - một chủ đề đồng hành cùng tâm thức của dân tộc ròng rã suốt hai mươi năm (1954 - 1975) là niềm tin của Thống nhất, không còn ngày Bắc đêm Nam, không còn cái Vĩ tuyến 17 kia như lưỡi dao cắt ngang qua máu thịt đồng bào của ngày thương đêm nhớ.

Nhớ ông, hậu thế lấy tên Lưu Quý Kỳ đặt tên đường ở nơi ông sinh ra: Quảng Nam; nơi ông đã nằm yên nghỉ cuối cùng: Sài Gòn - TP.HCM.

Trước ngày đưa hài cốt của ông lên Nghĩa trang, gia đình anh Triều có sang Quận 8, chụp ảnh lưu niệm dưới bảng tên đường Lưu Quý Kỳ. Con đường này nằm trên địa bàn phường 10, Q.8, từ bến Ba Đình đến đường Hưng Phú dài khoảng 110 mét, lộ giới 16 m. Tra lại từ điển tên đường phố, tôi biết, đường này trước đây gọi đường lộ 20, từ ngày 13.7.1999, UBND TP.HCM đặt tên đường Lưu Quý Kỳ.

Năm nhà văn Vũ Trọng Phụng mất,mới 28 tuổi, đồng nghiệp Ngô Tất Tố bảo, “Vậy là thọ”. Nghe thấy lạ, sau tôi mới hiểu ra, nói như thế bởi ông Phụng còn lưu lại tác phẩm cho đời sau. Trường hợp của Ông Kỳ cũng không khác. Sự Hiện hữu của ông vẫn còn đồng hành trong Hiện tại của chúng ta đấy thôi. Anh Triều thủ thỉ: “Đường Lưu Quý Kỳ nhà cửa mọc lên như nấm, chen chúc, xô bồ”. Tôi nghe vậy mà mừng. Ấy mới là cái cõi nhân sinh mà chúng ta đang bươn chải hằng ngày với mọi hỉ nộ ái ố. Cái cõi nhân sinh này, ngay từ thuở hồng hoang đã là thế, nếu ta xem lại thần thoại Hy Lạp. Đó là ngày thần Epiméthée vì dại gái mà mở chiếc hộp bí mật của thần Zeus. Từ khi mở nắp hộp ấy, lập tức một đám mây mang đầy tội lỗi, xấu xa, ganh ghét, “chém gió”, ti tiện… đã bao trùm lấy mặt đất. Từ đó, chúng ta sống với thế giới ô trọc này. Còn người đã khuất lại khác. Họ sống với một thế giới khác. Ngạn ngữ Do Thái có câu “Con người suy nghĩ, Thượng đế thì cười”. Vâng, người đã khuất, sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ cần lao trong cộng đồng, khi về cõi trên (nếu có cõi ấy) thì họ mỉm cười thanh thản.

 

3.

 

Khi đến Nghĩa trang, con cháu họ Lưu quay quần bên huyệt mới đào và nghe nhà sư đọc kinh. Huyệt mới, đào nhỏ thôi, chỉ cần đặt vừa vặn cái hòm có hài cốt trong đó. Bốn góc huyệt có thắp bốn nén nhang. Nhang khói lặng lẽ và thảnh thơi bay lên trời xanh. Lễ bái nào cũng phải có vái nén nhang, tôi hiểu, đó là sự liên hệ giữa Âm và Dương. Hiện tại và Quá khứ. Tiếng kinh cầu của nhà sư vẫn đều đặn. Tôi lắng nghe và biết rằng, đó là Kinh Tiếp dẫn. Không nghiên cứu sâu về nghi thức tôn giáo, nhưng tôi hiểu ấy là nguyện cầu Đức Phật đưa người quá cố theo chân Phật về cõi Niết bàn. Sực nhớ, bà Đạm Phương Nữ sử - bà nội của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, trước lúc mất cũng được nhà sư đọc cho nghe Kinh Tiếp dẫn, và bà vô ưu lịm dần trong tiếng kinh để bước sang thế giới khác. Một thế giới mà trước lúc mất nhà thơ Chế Lan Viên tự sự:

Anh không ở lại yêu hoa mãi được

Thiêu xong, anh về các trời khác cũng đầy hoa

Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó!

Ở đó có tình yêu không nhỉ? Chắng ai có thể biết được. Mà thôi, nghĩ gì cho sâu xa. Cứ sống và cứ yêu lấy trần gian này. Từ đó, tình yêu mới kết thành hoa trái. Nhìn những gương mặt của dòng tộc Lưu, họ hàng của nhà báo Lưu Quý Kỳ, tôi càng xác tín điều ấy. Lắng nghe trong lời kinh của nhà sư, tôi nghe nhắc đến:

 

luu-quy-ky-2

Dòng họ Lưu lúc làm lễ hạ huyệt của nhà báo Lưu Quý Kỳ

 

“Lưu Đình Triều, trưởng nam; Nguyễn Minh Hương, dâu trưởng; Lưu Triều Nam, đích tôn; Lưu Nguyễn Hà Châu, cháu gái nội; Lưu Lựu Hà, trưởng nữ (và chồng); Lưu Thu Hà, thứ nữ (và chồng); Lưu Tuyết Hà, thứ nữ và chồng…”. Và tiếp tục: “Hiệp toàn gia quyền cầu siêu: Cụ ông Lưu Quý Kỳ, sanh Kỷ mùi (1919), thọ 64 tuổi; mất: 12 tháng 6 Nhâm Tuất (1982); cụ bà Bùi Thị Lựu, sanh Mậu Thìn (1928), thọ: 70 tuổi; mất 16 tháng 6 Đinh Tỵ (1997)…”. Những thông tin này, bất kỳ một gia đình nào cũng vậy. Với trường hợp nhà báo Lưu Quý Kỳ, nếu có khác, là những thông tin này:

“Từ năm 1937, tham gia cách mạng. Ông công tác trải qua các ban, ngành: Trợ lý Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Thơ ký Hội nhà báo Việt Nam, Vụ trưởng Vụ báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng.

Những lúc là Tổng Thư ký tòa soạn cho các báo Đảng, và viết nhiều dưới các bút hiệu: Thanh Vệ, Phác Căn, Lưu Quang Khải… ông tích cực hoạt động khiến anh em đều nể phục.

Thoát ly gia đình để phục vụ cách mạng từ tháng 8.1937, đến lúc cuối đời, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận văn hóa, báo chí.

Những tác phẩm của ông được hoan nghênh: Nước về biển cả, Công chúng mới, Bài thơ Nam bộ, Miền Nam yêu quý, Tác phong văn nghệ nhân dân, Thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam bộ, Phút im lặng…” (Đường phố Thành phố Hồ Chí Minh - NXB Văn hóa thông tin - 2001, tr. 303).

Ít ai biết, vợ của nhà báo Lưu Quý Kỳ cũng là nhà báo. Bà có Thẻ Nhà báo hẳn hòi đấy nhé, trước lúc nghỉ hưu, bà làm biên tập viên của tập san nội bộ của Đài Truyền hình Việt Nam. Có thể ghi nhận bản tin này là "tiền thân" của tạp chí Truyền hình VTV hiện nay. 

 

luu-quy-ky-4

Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa...

 

Sau lời kinh siêu thoát đều đặn vang lên, có hai tay nhà đòn nhẹ nhàng đặt hòm xuống huyệt. Và nhà sư tiếp tục thắp nhang "làm phép". Trước lúc người thân lấp đất, ai đó đã dặt xuống một nhành hoa cúc. Màu vàng thanh thoát ấy khiến lòng ta ấm áp. Trong tôi bỗng nhiên vọng lại câu thơ của Tế Hanh: "Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa...".

 

chau-Luu-quy-ky-1

Từ phải: Lưu Triều Nam - cháu đích tôn nhà báo Lưu Quý Kỳ quan sát lúc hài cốt của ông nội được đưa vào huyệt mộ

 

4.

 

Đến lúc bước lên xe quay về, cơn say trong tôi vẫn còn dùng dằng và chưa tan đi. Chúng tôi ngồi ăn trưa tại một nhà hàng trên đường Trần Não. Vườn rộng. Thoáng và đầy gió. Lúc ấy, trời giăng giăng mưa. Từng hạt phất phơ dịu nhẹ. Tôi cả mừng mà nghĩ thầm, vậy là lòng thành của gia tộc bạn mình - nhà báo Lưu Đình Triều đã được chứng giám. Bởi trong quan niệm “duy tâm” của người Việt, lúc hạ huyệt, đám cưới, khai trương, mở hàng… nghĩa là Khởi đầu cho một việc hệ trọng nào đó, nếu trời mưa ắt có điềm lành.

 

luu-qyu-ky-5

"Hóa vàng" cho người đã khuất và lễ "làm phép" trong nghi thức hạ huyệt của người Việt

 

Có lần nhà thơ Trần Mạnh Hảo nói với tôi, đại khái, khi qua Liên Xô, nếu quan sát các tượng đài, ta sẽ thấy rằng: Tượng các nhà chính trị, chính khách thường ngửa mặt lên trời, tay vung lên trời như đang kêu gọi, hiệu triệu gì đó; còn tượng các văn nghệ sĩ thường cúi xuống đất, nặng trĩu suy tư…

Còn tôi, tôi đã từng quan sát những gì đề trên bia mộ của văn nghệ sĩ đã mất. Với nhà văn Hồ Biểu Chánh là tựa các tác phẩm của ông; nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao… cũng vậy. Với nhà báo, nhà văn Lưu Quý Kỳ thì trên bia, con cháu sẽ ghi những gì, tôi không rõ nữa.

Có một điều, với tôi, dù là người đã khuất có nổi tiếng hay không thì mỗi cuộc đời ấy đã một tiểu thuyết. Bước vào nghĩa trang, ta đã bước vào trong một thư viện.

Với tôi, cuộc đời của nhà báo Lưu Qúy Kỳ là một tác phẩm hay bởi bản thân “tác phẩm” ấy đã sống có ích với cộng đồng.

Khi sống, ai lại không phấn đấu như thế?

 

L.M.Q

(22.IV.2013)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com