BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: Mùa lũ năm nay ở Sông Đà

LƯU ĐÌNH TRIỀU: Mùa lũ năm nay ở Sông Đà

 

Khi cơn lũ đầu tiên tràn về vào tháng sáu, mặt sông rộng ra, đôi bờ thêm xa cách.

Bên bờ phải, cuộc sống thị xã Hòa Bình vẫn đập với nhịp tim bình thường của nó. Các buổi chợ sớm mai ngập tràn sơ mi, áo cánh của người Kinh chen lẫn váy áo Mường sặc sỡ. Thỉnh thoảng lại điểm thêm vài chiếc “rốp” hoa của các cô gái Nga.

Bên bờ trái, những xe Benla, Kpađơ, máy xúc EKG, máy khoan CBY, BTC… càng tăng tốc. Công trường thủy điện Hòa bình vẫn hoạt động bốn kíp, 24 giờ khép kín. Không có ngày, không có đêm. Chỉ  có công việc và công việc.

Lũ mới về, nhưng chiến dịch 150 ngày đêm chống lũ đang bước vào giai đoạn cuối…

 

song-da

Sông Đà trên bản đồ Việt Nam (nguồn: wikipedia.org)

 

Vào tháng 1-1973, khi chặn dòng chảy chính lại, bắt nó chảy qua kênh bờ phải, con người đã giáng cú đấm đầu tiên xuống “con sông bất trị”. Nhưng đó là lúc sông Đà yếu nhất, lưu lượng trên dưới 1000m3/giây. Còn mùa lũ, như trong truyền thuyết, con thủy quái vươn dài, mở rộng cái lưỡi nước đỏ ngầu, lồng lộng đòi trả hận. Và để chiến thắng nó, các Sơn tinh thời đại đã “thức dậy, ra đi” thật sớm, ngay khi gió mùa đông bắc chưa ngừng thổi…

Dạo ấy con đập chắn ngang sông chỉ cao 16m. Mặc thời tiết khắc nghiệt, đập cứ cao dần lên. Trên công trình đập đá đổ, bình quân mỗi tháng có nửa triệu đất đá các loại đắp vào.

Hãy hình dung một miền đất nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá, cả ngày ngửa mặt đón cái nắng thiêu người. Gió lại hiếm hoi và thường mang hơi nóng hầm hập của núi đá vôi. Có một tuần lễ liền, nhiệt kế không chịu rời con số 40. Nhiệt độ đó, cộng thêm vài ba độ nóng của máy móc, của buồng lái, đủ trở thành ngọn lửa cặp kè bên hông người thợ. Những tấm áo ngày thêm bạc! Những nụ cười nhóp nhép mồ hôi! Làm việc cạnh dòng nước mênh mông mà người thợ lúc nào cũng có cảm giác khô khốc.

Về đêm, trời có dễ chịu hơn. Ngay cả khung cảnh chừng như cũng đổi khác. Đứng trên nhà điều độ ở độ cao 131 nhìn xuống, cả hiện trường là một trường quay khổng lồ. Trên mặt đập, từng đoàn xe nối đuôi nhau, dưới ánh sáng trắng của hai “mặt trời con” (hai chùm đèn Sênôn 120kw). Còn trên những đường dốc vòng vèo, ánh điện giăng lấp lánh như những vì sao lơ lửng. Càng về khuya, khí trời càng tuyệt diệu. Tuy nhiên, đó lại là mối đe dọa ngấm ngầm với những người thợ bằng những cơn ngủ gật. Hiểu ra rồi, càng thêm thương cuộc sống người thợ xây dựng thủy điện sông Đà. Cả ngày nghỉ ở nhà, trời oi bức, không ngủ được. Đêm đi kíp, làm việc thì không sao, nhưng ngừng tay là chẳng mấy chốc đã “thả hồn” về đến quê nhà. Nhưng chính những cơn lũ lụt hàng năm tác oai tác quái dưới đồng bằng có 55% lượng nước sông Đà góp vào. Mỗi thước đất đắp đập hôm nay, là để mẹ cha, anh chị, vợ con sớm khỏi phải “còng lưng gánh đất, mỏi tay đóng kè”.

Sau giữa tháng 7, cùng với cơn bão sổ, một cơn lũ lớn tràn về. Dòng sông đục ngầu. Đứng xa nhìn như một dãy bùn. Lại gần hơn, tuồng như từng mảng nước đang trôi. Ở kênh bờ phải, nước gầm gừ với lòng chảy mới, trút căm hờn vào vách núi đá. Dưới chân đập, nước reo sôi tung bọt trắng xóa. Với lưu lượng trên 20 ngàn m3/S, nước chảy nhanh đến chóng mặt.

Hung hãn đến thế, con thủy quái cũng không làm gì được bởi đập đã lên đến 43 mét và chiều rộng chân đập xuôi về phía hạ lưu gần 600 mét. Ở cao độ này, đập có thể chịu được lũ lớn có tần suất 1% (100 năm có một lần lũ với lưu lượng 21.500 m3/S).

Sẽ khó mà quên được những khó khăn về thiếu đầu xe chuyển vận, về thời tiết, về thực phẩm… Sẽ khó mà quên được những “tổn thương” do một vài hiện tượng tiêu cực gây ra như chấm công gian dối, dùng thủ thuật kỹ thuật để nghỉ ngơi trong giờ làm việc… Cần phải nhớ tất cả.

Nhớ để hiểu hêm ý nghĩa, giá trị của từng ngày đã sống. Nhờ để càng tự hào về việc kết thúc chiến dịch chống lũ, có gần 3.000 đoàn viên thanh niên được thưởng năng suất cao, chiếm 70% số người được thưởng.

Gần như khắp các đội quân của ngành nghề đều có những tập thể tiên tiến, những gương mặt tiêu biểu.

Và sẽ thật thiếu sót nếu quên những người bạn chí cốt, những người thầy tận tâm: Arơbe, Xecgây, thợ sửa xe Kpadơ và Benla, Tendelian Rômanôvic, chuyên gia đào tạo thợ lái Benla, Nhicôlai Verilô kỹ sư về động cơ, v.v…

Nghe nói về thành tích của những con người dũng cảm trên sông Đà, một công trình lớn thứ 19 của thế giới, tôi không thể nào không liên tưởng đến “Con người trở thành khổng lồ” của M. Ilin và E. Xêgan. Sau mỗi đợt chiến dịch, những nếp nghĩ, cách làm theo lối sản xuất nhỏ lụn tàn dần, tác phong công nghiệp hóa được nâng lên…

Mùa lũ này, gương mặt của thành phố mới có hơn hai vạn dân cũng thay đổi. Tôi nhớ lại lần lên đây đầu tiên, năm 1980. Hồi ấy, ngoại trừ hai ngôi nhà cao tầng ở văn phòng Tổng công ty là có dáng dấp thành phố, còn phần lớn vẫn đìu hiu như thuở là hai xã nhỏ Thịnh Lang, Hòa Bình. Nhưng bây giờ, ngoài hội trường  lớn, cửa hàng công nghệ phẩm đã có thêm nhà bưu điện 500 số, thư viện, cửa hàng ăn uống, thực phẩm, hàng loạt tiểu khu mới, một nhà hát ngoài trời xây dựng gần xong, v.v…

Chiều tối 21-7, theo chân anh Trần công Diễn, cán bộ Đoàn Tổng công ty, tôi được gia nhập vào cái sinh hoạt thường ngày ở một khu nhà dưới chân núi Đúng. Cũng như mọi nơi, ở đây vẫn có cái hạnh phúc ấm cúng lan tỏa trong các bữa cơm gia đình. Tiếng cười đùa, tiếng cha mẹ gọi con chen lẫn tiếng rađiô. Một giọng ca cải lương Nam bộ từ chiếc máy ghi âm nào đó vang lên bất chợt làm gợi nhớ về một khu xóm lao động đông đúc ở Sài-gòn. Có khác, ở đây còn nhiều nhà dành cho những người “mồ côi”. Họ đang ngồi tán gẫu, hoặc ôm đàn mơ màng hoặc đứng ở ban công đôi mắt nhìn xuống một Chi đội thiếu niên đang sinh hoạt dưới sân gạch… Thế còn cái “đề tài muôn thuở” ở đây ra sao? Cái thắc mắc ngấm ngầm của tôi được giải đáp. Chỉ với những ghế đá xếp dọc bờ sông, những thân cây chưa cao khỏi đầu người cũng đủmang lại những buổi hẹn hò, tình tự êm dịu.

Đặc biệt trên thành phố điện tương lai này, yêu nhau rồi cưới nhau chẳng phải đợi mùa như một số thành phố miền Bắc. Ngay trong những ngày chống lũ căng thẳng vẫn có các cô đi “chống lầy” một cách thanh thản.

Cũng trong buổi tối đi “tìm hiểu” thành phố mới, tôi đã bắt gặp một hình ảnh lý thú. Hơn 21 giờ rồi, mà trên vỉa hè trước công ty thi công cơ giới vẫn còn từng nhóm từng nhóm “họp tổ” quanh thau bia hơi với lạc rang đựng trên giấy báo. Bia từ Hà Nội về muộn, không đá, nhưng còn hơi lạnh, vẫn quyến rũ vô cùng. Đêm sáng trăng, gió thoảng mát, khói thuốc Sông Cầu phất phơ như những làn sương mỏng. Câu chuyện râm ran, đủ thứ chuyện trên công trên. Từ vụ nổ mìn cho đến chương trình biểu diễn của nhóm ca khúc chính trị Bộ ngoại thương, v.v… chuyện nào cũng nổ giòn.

Trên sông Đà có lưu hành một truyền thuyết: “Ngày xưa, ông Tùng gánh hai hòn núi bên hồ Đúng đi lấp sông Đà, trừ lũ cho nhân dân. Để ngăn cản việc làm đó, một con quỉ hiện ra hình người, nó là mẹ ông Tùng bị chết. Ông Tùng giật mình làm gãy đòn gánh. Sau biết bị lừa, ông giận dữ giậm chân thành hồ nước và để lại hai hòn núi Đúng ngày nay”. Truyền thuyết phải chăng gắn liền cái mơ ước chống lũ của nhân dân với nỗi căm tức vì phải bó tay thua cuộc trước thiên nhiên? Ở thập kỷ 80 này, mơ nước bao đời đó đang được thực hiện. Chống lũ - nhiệm vụ hàng đầu của công trình thủy điện Hòa Bình, trước cả việc làm ra điện!

Trên cửa ngõ dẫn vào Tây Bắc, những người thợ xây dựng vừa ghi thêm một bàn thắng có tính chất quyết định cho việc diệt lũ vào năm 1987. Từ đây đến đó, những sơn tinh thời đại sẽ và phải còn nhiều lần dốc hết trí lực của mình ra mới đánh gục được con sông Đà hung dữ. Như nghìn đời trước và sau, con người vẫn không ngừng khám phá, chinh phục thiên nhiên.

Chào tạm biệt sông Đà mùa lũ này, xin cho phép tôi được nhắc lại lời các bạn:

“CHÚNG TA CHINH PHỤC NGƯƠI,  HỠI SÔNG ĐÀ”.

 

L.Đ.T

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ chủ nhật 28/8/1983)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com