TỰ TRUYỆN của nhà báo LƯU ĐÌNH TRIỀU được nhiều người quan tâm, bởi số phận của anh là một trong những trường hợp tiêu biểu của thân phận trong cuộc chiến vừa qua.
Trong quá trình sưu tập tư liệu, chúng tôi đã tìm được bài viết ký tên Hữu Hiệp (in báo Tuổi trẻ số ra ngày 26.8.1999) - ghi lại lời kể của nhà báo Lưu Đình Triều ngày tháng anh "học tập cải tạo". Qua đó, ta thấy hiện lên hình ảnh "anh quản giáo". Có thể, từ nhân vật Lợi này (tất nhiên còn nhiều yếu tố khác nữa) đã góp phần thay đổi nhận thức của anh. Tôi nghĩ, chung quanh ta vẫn còn có nhiều người tốt, dù họ đứng ở chiến tuyến nào. Có điều bây giờ, đi tìm người tốt như nhân vật Lợi - anh quản giáo sao mà khó quá chăng? Tôi post lại bài viết này, nhằm góp phần cho thấy sự thay đổi ở nhà báo Lưu Đình Triều - một cá nhân trong hàng vạn cá nhân có số phận như anh đã thay đổi suy nghĩ như thế nào, từ đâu...
L.M.Q
(IV.2013)
Lần gặp anh đầu tiên, tôi ngạc nhiên: sĩ quan Việt cộng sao mà hiền và lờ đờ quá! Có lẽ do bề ngoài của anh - người gầy nhom lọt thỏm trong bộ quân phục bạc mùa, rộng thùng thình; mặt mai mái và cặp mắt một mí nhỏ xíu. Song tối đó lúc họp tổ, chúng tôi, anh lại rất khác, vẫn giọng nói trọ trẹ nhưng lời lẽ chắc nịch, rắn rỏi: “Dù động cơ có khác nhau, các anh vẫn là sĩ quan ngụy, là người có tội với nước với dân. Lần học tập cải tạo này là cơ hội cho các anh làm lại cuộc đời…” Đêm, nằm bên nhau trên sạp, thằng Trường, bạn thời sinh viên và bị tổng động viên vào lính cùng lúc với tôi, thì thầm: “Ông Lợi coi vậy chứ không hiền đâu. Nói chuyện mà như không hé môi, răng cứ sít vào nhau là ghê lắm đấy!”. Có lẽ Trường nói đúng. Mấy ngày sau đó ai mà 5 giờ sáng chưa chịu dậy xếp gọn mùng chiếu hoặc lên lớp học chính trị mà mắt nhắm mắt mở đều bị anh Lợi xạc tới bến”. Chỉ riêng chú Trung - người lớn tuổi nhất trong tổ - lại khẳng định: “Cha Lợi đó tốt bụng”. Đấy là do cái hôm chú bị sốt không lên lớp được, nằm ở phòng anh Lợi đã đến hỏi han rồi đi xin thuốc, và lúc tối khuya anh còn ghé chỗ chú nằm, đặt tay lên trán chú xem bớt nóng chưa.
Anh Lợi lớn hơn cánh trẻ chúng tôi chừng vài tuổi, biết cách nói chuyện, lại chẳng ra vẻ người chiến thắng được dịp trừng phạt kẻ thua trận nên chỉ sau vài tuần cánh lính gốc sinh viên thôi dị ứng với anh. Có tối, chúng tôi ngồi bên anh để nghe đủ thứ chuyện trên đời. Chuyện học sinh miền Bắc tìm mọi cách vào bộ đội, vượt Trường Sơn. Chuyện lần đầu anh về phép, đi xem phim cùng cô bạn gái, mới cầm tay cô mà người đã nóng ran… những lúc ấy anh thật gần gũi.
Với tôi, anh Lợi tiếp xúc, chuyện trò động viên nhiều hơn một số bạn khác. Có lẽ do anh xem hồ sơ, biết ba má tôi là dân tập kết (tôi được để lại cho bà ngoại nuôi). Một buổi trưa, sau giờ cơm anh kêu riêng tôi ra và đưa một lá thư: “Sáng nay bố anh lên làm việc với trại. Chúng tôi hỏi có cần gặp anh không, ông nói thôi, để nó tập trung học tập và gửi lại thư này”. Nghe thế tôi đã buồn và sau đó khi một mình ngồi đọc thư, tôi càng thêm tủi, giận. Ba đã vào tận đây mà không thăm tôi, lại còn viết thư “lên lớp” tôi: “Con tội lỗi nhiều, giờ phải cố học tập, cải tạo sửa mình…” Tôi nghĩ lan man, nhớ tới cái thời mới lớn như con thuyền không hướng, cặp bè cặp bạn đi đánh bài, ăn cắp trái cây… Lúc đó sao ba tôi không ở đây mà dạy dỗ, uốn nắn tôi như chú tôi phải từ miền Trung vào chấn chỉnh tôi kịp thời. Vậy mà giờ đây… Và chẳng suy nghĩ gì nữa, tôi xé toạc lá thư. Ngờ đâu anh Lợi vẫn đi theo tôi nãy giờ. Như đọc được ý nghĩ của tôi, anh nói: “Đừng giận bố anh làm gì.Ông thương anh, làm thế cốt chỉ muốn anh sớm nên người. Xé thư bố là bất hiếu đấy!”
Sau ba tháng trại được thăm nuôi. Suốt một tuần lễ cứ như ngày hội. Ai cũng vui ra mặt, chỉ trừ tôi, kẻ được gọi đùa “con bà phước”. Hết thời gian thăm, gửi quà, một sáng tôi đang trồng rau ngoài vườn, thằng Trường từ đâu hộc tốc chạy đến: “Chị mày lên kìa!”. Tôi lao ra phía cổng, đứng sát hàng rào dõi mắt nhìn: chị tôi đứng bên kia đường cùng một cô bé khoảng 13-14 tuổi mà linh tính báo tôi biết đấy là đứa em sinh ở miền Bắc của mình. Chẳng kịp nhìn lâu, cảnh vệ đã khoát tay kêu chị tôi về đi vì đã hết hạn thăm nuôi. Tôi vào, ngồi thừ bên cửa sổ thẫn thờ. Bất ngờ anh Lợi xuất hiện bảo tôi theo anh ra cổng. Sau một lúc lời qua tiếng lại, có khi hơi lớn giọng mà tôi nghe loáng thoáng “có gì tôi chịu trách nhiệm”, anh đưa tôi ra khỏi cổng. Em gái tôi ào tới ôm tôi, kêu hai tiếng “anh Hai” rồi khóc òa. Bà tôi lặng lẽ lấy khăn ra chậm nước mắt trên khuôn mặt già nua. Tôi cũng rưng rưng. Chuyện trò đâu chừng 10 phút, anh Lợi chào bà và bảo tôi đi vào. Bấy giờ không hiểu nghĩ sao em gái tôi níu chặt tay anh Lợi, giọng van lơn, lặp đi lặp lại: “Chú đừng phạt anh Hai cháu nhé”. Anh Lợi mím môi, gật đầu, quay mặt đi, nhưng tôi cũng kịp nhìn thấy mắt anh đỏ hoe…
Sau buổi ấy, trại viên chúng tôi chỉ còn gặp anh đôi ba lần rồi thôi. Có người bảo anh Lợi bị kỷ luật, phải chuyển trại khác. Người thì nói anh ấy hết hạn, về quê…
Hơn 20 năm đã trôi qua từ thời ấy. Hiểu một cách nào đó, với tình thương cộng sự nghiêm khắc của cha, với lo toan và chăm sóc của mẹ cùng em, tôi đã thật sự đổi đời. Theo thời gian cha mất, mẹ cũng qua đời. Chỉ còn lại mong ước của hai ông bà mà tôi chưa thể có được: trở thành đảng viên tiếp nối truyền thống gia đình. Dẫu sao mặc lòng, tôi biết rằng từ ấy đến nay chưa lúc nào tôi bước chệch khỏi hướng con đường mà mấy chục năm ba mẹ tôi từng đi bằng cả cuộc đời. Thêm một điều nữa, tôi hiểu mình chưa bao giờ quên được người đã mở lối, dìu dắt từng bước chân chập chững của tôi trên con đường ấy. Đó chính là anh - người quản giáo của đời tôi.
Hữu Hiệp
(nguồn: báo Tuổi trẻ 26.8.1999)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|