Hà Giang: trong - ngoài tầm pháo giặc
* Nhật ký 1984
30-5
Thị xã biên giới Hà Giang nằm giữa vòng tay của các xã thuộc huyện Vị Xuyên (nơi mà quân Trung Quốc đã bắn 20.000 quả đạn các loại, liên tục trong vòng hai tháng qua), tất nhiên như bao làng mạc, vùng đất khác của Vị Xuyên, thị xã xinh đẹp Hà Giang cũng đã bị đặt trong tầm pháo giặc. Rõ nét hơn là ngày 22-5 vừa qua, khung cảnh yên ắng của thị xã đã bị khuấy động bởi những tràng pháo lớn. “Thời chiến rồi mà!”. Câu nói được nhắc nhiều trên cửa miệng người Hà Giang, phản ánh tình hình căng thẳng hiện nay ở thị xã cách đường biên giới 18 cây số này.
Đập vào mắt tôi là những dòng chữ viết bằng sơn trên các bờ tường: “Quyết tâm bảo vệ từng tất đất của Tổ quốc”, “Giữ bí mật là yêu nước”.
Đó là những khẩu hiệu có đầy giá trị đích thực của một lời kêu gọi. Tôi chợt hiểu ra điều đó khi hỏi thăm đường đến một vài cơ quan trong thị xã. Một người có khuôn mặt lạ, nói tiếng khó nghe (đồng bào biên giới gần như không có dịp tiếp xúc với người miền Nam nên nghe không quen giọng miền Nam), lại đi hỏi thăm những cơ quan trọng yếu này nọ…, trách sao dân ở đây chẳng cảnh giác. Câu trả lời mà tôi nhận được thường là “Tôi không rõ” hoặc “Anh cứ đi đến đồn công an mà hỏi”.
Đúng là với Hà Giang, mùa hè 1984 là mùa hè chiến tranh.
31-5
Cũng bất ngờ và hèn hạ như bao đòn đánh lén khác, 14 giờ 15 phút ngày 22-5-1984, khi các em học sinh bậc phổ thông cơ sở vừa thi hết cấp xong và đang tỏa về trên các đường phố, thì những quả pháo 130 ly từ bên kia biên giới bắn sang bắt đầu nổ vang. Chín đợt pháo kéo dài năm tiếng đồng hồ liền. Pháo nổ trên đồi, dưới ven sông, trong khu sản xuất, bên trường học, nơi xóm nhà đông đúc… Quả là một sự bắn phá bừa bãi! Có thể nghĩ như cách nói của một anh lái xe vận tải mà tôi gặp bất chợt trong thị xã: “Cái bọn đó chỉ biết bắn cho sướng tay, mặc miểng văng trúng ai nấy chịu”?
Dưới chân một núi đá nhỏ của phường Yêu Biên, tôi lặng người đi khi nhìn thấy hầm tránh pháo của ba anh em: Thành, 10 tuổi học lớp bốn; Lan, 7 tuổi học lớp một và Thái mới rời bụng mẹ được hơn tám tháng. Hầm chỉ là một hốc đá nhỏ, thụt sâu, thông với bên ngoài bằng một miệng hang hẹp, cao khoảng 0,60 mét, rộng hơn một mét. Trong hang có lót mấy tàu lá dày (giống như lá môn) làm chỗ nằm, bên ngoài được che chắn thêm một bụi tre lớn. Vậy mà đạn pháo 130 ly của các tay súng Trung Quốc vẫn đến được, nổ cách hai mét, phạt gãy đúng 45 cây tre, hắt nhiều miểng đạn vào tổ chim non (trong lúc bố mẹ các em đều đi vắng). Miểng pháo cướp đi ngay tức khắc sự sống của hai em bé, mà đau đớn thay một em còn mới tập nói bập bỏm. Những cậu bé láng giềng của đôi vợ chồng giáo viên Phạm Hải (bố mẹ các em) nhớ mãi: Sau tiếng nổ, nghe tiếng Thành vừa khóc vừa la: “Mẹ thằng Trung Quốc, bắn chết ráo hai em tao rồi”.
Mọi người chạy ra vừa kịp thấy Thành đang chạy, ngã khuỵu xuống, đầu đầy máu…
… Một ngày, thời gian không đủ cho tôi đi thăm hết các nơi bị bắn phá mà Trung Quốc gọi là “mục tiêu quân sự” (!). Nhưng một ngày thừa đủ cho tôi cảm nhận rằng: hơn một tuần lễ đã trôi qua, nhưng âm vang và vết tích tội ác của chín đợt pháo vẫn còn ở lại mãi với người Hà Giang.
1-6
Biết tôi là người ở TP.HCM mới lên, cô tự vệ Nguyễn Thị Hương 20 tuổi, công nhân Xí nghiệp chè Hương giới thiệu về thị xã của mình: “Cái không khí trầm vắng chỉ mới có sau ngày 22-5 thôi. Chứ còn trước đây, sau giờ tan tầm thị xã đông vui hết ý. Để phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, tụi em phải gác lại mọi cuộc vui chơi. Như anh thấy đấy, thị xã đã cho sơ tán gần hết người già yếu và trẻ em. Những người còn ở lại như bọn em thì vừa làm việc, vừa luyện tập, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu…”.
Nếu đúng là những kẽ bên kia biên giới mang ảo tưởng dùng đạn pháo làm trì trệ sức sản xuất, làm nao núng, hoang mang tinh thần người lính, người dân Hà Giang thì chúng đã bị thất vọng lớn. Kết quả chúng nhận được hoàn toàn trái ngược với ý muốn. Ngay như trạm thủy điện 304 bị trúng đạn pháo hồi tháng tư, chỉ ngừng hoạt động vài ngày để sửa chữa, rồi lại tiếp tục cung cấp điện cho thị xã. Tại Xưởng chế biến bánh kẹo Hà Giang, nơi có khu nhà ở tập thể bị trúng hai quả đạn pháo, sản xuất vẫn được đẩy mạnh. Quản đốc Trần Quang Hảo sau khi đưa chúng tôi đi thăm khu vực sản xuất xong còn “khoe”: “14 giờ chiều qua, chúng tôi vừa giao nộp xong gần bảy tấn kẹo để đưa đến phục vụ các cháu nhân ngày Tết thiếu nhi…”.
Không những cố gắng duy trì sản xuất, các cơ sở còn sắp xếp, đưa người đi phục vụ chiến đấu. Lấy thí dụ ở Hợp tác xã dệt 3-2 thì rõ. Tháng 4 rồi, nhờ tổ chức sản xuất hợp lý, anh chị em xã viên dệt được 12.000 mét vải tà-pủ (trong khi cả quý 1 chỉ sản xuất được 14.000 mét). Tháng 5, hợp tác xã vừa đưa hơn 20 người đi phục vụ chiến đấu và năm người đi chiến đấu…
Xế trưa, nơi một quầy sách nhỏ bên bờ phải thị xã, tôi tình cờ biết thêm một chi tiết hay. Kim Nhung, cô bán sách có vóc người mảnh mai, khuôn mặt trắng trẻo không phải người ở thị xã mà là cán bộ dưới Tuyên Quang lên (Tuyên Quang là tỉnh lỵ của Hà Tuyên, cách Hà Giang hơn 160 cây số). Cô đoàn viên này cùng với chín bạn trẻ khác ở Tuyên Quang tình nguyện lên đây ngay sau ngày 22-5, làm thay công việc cho những người lớn tuổi, có con mọn vừa lui về tuyến sau. Trả lời câu hỏi đùa: “Nhung lên đây, không sợ pháo giặc nó xơi à”, Nhung cười nói “Lúc đầu sờ sợ, nhưng sau quen dần, có gì thì phóng xuống kia…”. Theo hướng tay chỉ của Nhung có một hố cá nhân nhỏ nằm khuất sau kệ sách. Những hố nhỏ như thế thậm chí cả hầm lớn nữa, tôi đã gặp nhiều trong các cửa hàng ăn uống, dưới các mái nhà dọc theo đường phố…
* Đối mặt với quân thù
So với nhiều đồng đội khác, binh nhất Nguyễn Văn Bộ còn tương đối trẻ: 21 tuổi đời và hai tuổi quân. Với bản tính rụt rè, suốt hai năm sống đời quân ngũ, Bộ không còn cái tên con gái nào khác để nhớ ngoài Thanh Thủy. Bước lớn dậy trong đời lính của Bộ đã được bắt đầu ở Thanh Thủy.
Buổi chiều 1-6, khi cùng tôi ngồi chờ xe đến đồn biên phòng Thanh Thủy, Bộ đã nhắc lại đợt “thử lửa” lớn đối với anh vừa qua. “Suốt một tháng rưởi, tính từ đầu tháng 4, ngày nào bọn Trung Quốc cũng bắn pháo vào đồn. Thú thật, một hai ngày đầu tôi cũng có sợ, nhưng sau quen không ngán nữa. Đến sáng sớm 30-4, sương mù còn chưa tan hết thì pháo đã nổ cấp tập vào các điểm tựa quanh đồn. Trong ánh lóe chớp của pháo vừa xé toạc cái nhập nhoạng của sương mù, chúng tôi nhìn thấy những tên lính Tàu ùn ùn tiến lên. Chúng đông thật, sau này tôi mới biết là cả một tiểu đoàn. Đông thế, nhưng từ sáng đến chiều bọn nó cũng chưa làm gì được chúng tôi…”. Rồi như một người lính dày dạn trận mạc, Bộ thản nhiên nhắc chuyện suýt tí nữa thì… mất chỗ đội mũ… “mảnh đạn chỉ hất văng cái nón sắt thôi!” Bộ cười giòn. Tôi hiểu người lính này đang cố nén sự xúc động lẫn niềm tự hào về trận đánh ác liệt mà anh được tham dự…
Cũng như Bộ, nhiều người lính trẻ biên phòng khác mà tôi đã gặp ở Hà Tuyên cũng có cái lối nói “không có gì mà ầm ĩ” về các trận chiến đấu căng thẳng diễn ra vừa qua trên các điểm tựa tiền tiêu. Phải bằng một sự lắng nghe tổng hợp, chúng ta mới có thể hình dung được phần nào sự gay go, ác liệt ẩn náu ở phía sau các giọng kể tỉnh rụi đó.
Áp lực “nhẹ ký” là những trận mưa pháo, cối 160 ly, 152 ly, hỏa tiễn H2, với đủ loại đạn như đạn nổ chụp, đạn phá đạn cháy, đạn xuyên. Tính riêng ở Núi Bạc (huyện Yên Minh), trong năm ngày, 4.000 quả đạn thi nhau cày xới một diện tích đất chưa tới 2.500 mét vuông. Áp lực “nặng ký” hơn kèm theo mưa pháo là các cuộc tiến công biển người với đủ kiểu chiến thuật thọc sâu, chia cắt, vu hồi, “mềm nắn, rắn buông”.
Có những trận đánh không cân sức đến quá mức tưởng tượng đã diễn ra. Điển hình ngày 30-4 như trên một điểm bốn tay súng biên phòng kết hợp với chín dân quân bẻ gãy năm đợt tấn công của một tiểu đoàn quân Trung Quốc, diệt ngót 100 tên địch. Người chỉ huy cuộc chiến đấu dũng cảm này là trung úy Trần Xuân Sánh, trợ lý tổng hợp của đồn Bạch Đích. Lý lịch của đoàn viên Sánh ghi rõ ngày sinh 16-10-1959, chưa tròn 25 tuổi.
Lính biên phòng muốn giữ vững biên giới phải được dân địa phương thương yêu, đùm bọc.
Mới 24 tuổi, Sùng Thèng Cò đã trở thành một đội trưởng đội vận động quần chúng xuất sắc của đồn 106, chỉ vì ngoài tiếng Mông của mình, anh còn chịu khó học thêm nhiều tiếng dân tộc khác. Bà con ở dọc đường biên của Hà Tuyên, từ Mèo Vạc đến Xín Mần cứ thấy lính đeo quân hàm xanh là tin, là thương, là quý. Mà không như thế sao được. Những anh lính trẻ đóng trong đồn nhưng thường xuyên lui tới với dân trong bản để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”.
Ngày hội, ngày mùa, bản làng cần gì, nói một tiếng, các anh sẵn sàng xắn cao tay áo lao vào giúp ngay. Bà con xã Thanh Thủy nhắc mãi chuyện đầu tháng tư, thấy thằng giặc pháo dã man vào xã, làm nhiều nhà bị cháy rụi, đám thanh niên trong đồn bảo nhau nhịn ăn, nhịn mặt, tiết kiệm tiền bạc giúp cho bà con được 60kg gạo, 10kg muối, bảy bộ quần áo, bảy chiếu, ba chăn và gần 700 đồng. Cái nghĩa cái tình đến thế, nên thằng thám báo có mò sang, dân chạy đi báo ngay; tụi giặc có đánh phá, dân lại giúp tải gạo, tải đạn cho các anh rảnh tay diệt giặc…
Tháng 6 này, trên quê hương Tân Trào, dòng sông Lô thêm đỏ ngầu vì mưa lũ, và mùa hè vẫn còn cháy bỏng vì kẻ địch vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu xâm lược của chúng. Những người lính trẻ mang quân hàm xanh lại ghìm chắc tay súng, vai sát vai dựng nên lũy thép, chở che cho từng tấc đất, ngọn cỏ, gốc cây, bờ suối của biên giới thiêng liêng.
* Đoạn dành riêng về các bà mẹ
Tất cả sự ngạc nhiên thích thú nơi tôi, trong buổi đầu bắt gặp một số quán nước chè (trà) có treo bảng “nước chè phục vụ bộ đội và dân công”, thật ra chỉ đáng là con số một trong một chuỗi số dài. Những câu chuyện tôi nghe đêm nay, đối với người Hà Giang không mới lạ, nhưng với tôi đó là những điều cần phải trân trọng ghi vào sổ tay.
Tuy có lệnh sơ tán, một số bà mẹ cứ nằng nặc xin ở lại thị xã. Đó là trường hợp của nhiều bà mẹ như mẹ Lã Thị Nga, 66 tuổi ở phường Trần Phú, mẹ Phạm Thị Mùi, 77 tuổi ở phường Nguyễn Trãi… Các mẹ ở lại với con em mình, không chỉ bằng sự động viên tinh thần, các mẹ mở quán nước chè, cháo đường phục vụ bộ đội, dân công là việc nhỏ. Sự chăm sóc, giúp đỡ anh em chiến sĩ của các mẹ nhiều vô kể. Những luống rau từ Hà Giang tìm lên điểm tựa góp phần nuôi quân là thành quả lao động của những tấm lưng còng, của những bàn tay, đôi chân già nua. Những người lính, những dân quân bị thương, nằm ở bệnh viện đã bao lần xúc động muốn rơi nước mắt khi được các mẹ - đôi khi các anh còn chưa kịp biết tên đút cháo, sữa, quạt mát, giăng mùng… Các mẹ lặng lẽ đóng góp hàng chục nghìn đồng để tăng thêm mức bồi dưỡng cho thương binh. Như mẹ Hiếu, mấy tháng liền tiện tặn sống dựa vào tiền nuôi heo, trồng rau, còn cả lương hơn hai quý mẹ góp vào chi hội ủng hộ chiến sĩ… Đã thế, các mẹ còn nhín thời gian tìm cách gần gũi, nhắc nhở, động viên các chiến sĩ lần đầu ra trận, truyền thêm sức mạnh cho các anh dũng cảm đối mặt kẻ thù…
Nằm trong tầm pháo kẻ thù, tất nhiên Hà Giang phải có thêm nhiều hầm hố, phải đưa những người không có sức lao động đi sơ tán để đỡ vướng víu, phải có thêm nhiều người mang súng đi trên đường phố…
Nhưng chắc chắn tinh thần và ý chí quyết chiến để bảo vệ thị xã thân yêu của dân, quân Hà Giang vẫn đứng ngoài và trên tầm pháo giặc. Đó là điều tôi muốn kể lại cho các bạn của tôi đang ở cách xa thị xã này hơn hai nghìn cây số.
L.Đ.T
(nguồn: báo Tuổi Trẻ ngày 9/6 & 12/6/84)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|