BÁO CHÍ Thư mục Lưu Đình Triều LƯU ĐÌNH TRIỀU: NHỔ CỎ DẠI, KHÔNG QUÊN TRỒNG HOA

LƯU ĐÌNH TRIỀU: NHỔ CỎ DẠI, KHÔNG QUÊN TRỒNG HOA

 

Ghi nhận từ Giải báo chí TPHCM lần thứ 26-2008:

NHỔ CỎ DẠI, KHÔNG QUÊN TRỒNG HOA

 

Lưu Đình Triều

(Thành viên Hội đồng giám khảo)

 

Căn phòng nhỏ yên ắng trên  lầu 1 trụ sở Hội nhà báo TP, sáng 9/6, trở nên rộn ràng. Sau gần ba tuần tự “tác chiến” - đọc chấm sơ bộ các tác phẩm dự thi (trừ bài của đơn vị mình), 7 thành viên Hội đồng giám khảo Giải báo chí TPHCM lần thứ 26 - 2008 đã  tụ về, làm nốt bước cuối cùng: chọn ra những tác phẩm xứng đáng để trao giải.

 

quoc-va-trieu-2

Từ trái: Nhà báo Lê Minh Quốc, Lưu Đình Triều, Thế Thanh, Xuân Thái tác nghiệp trong chương trình Duyên dáng Việt Nam của báo Thanh Niên tại Úc (2005)

 

 

“Nóng” như thế nào?

Các  năm trước , khi chấm đến bài nhóm 3 (tài liệu, điều tra , phóng sự ,ký sự báo chí), không khí tranh luận giữa các giám khảo bao giờ cũng nóng lên. Vì đây thường là nhóm thể hiện tính chiến đấu cao của nhà báo trong phản biện các vấn đề, trong phản ánh, góp phần đấu tranh chống những tiêu cực của xã hội. Năm nay thì không khí sôi động sớm bộc phát ngay từ  nhóm 2 (chính luận,bình luận, xã luận, chuyên luận .

Ghi nhận đầu tiên là số tác phẩm viết, bình về lĩnh vực kinh tế chiếm tỉ lệ áp đảo - trên 50%. Rõ ràng sức nóng về kinh tế trong đời sống đã được lan tỏa đúng mức trên trang báo. Một điều hợp lý ! - Nhà báo, tờ báo không thể đứng ngoài dòng chảy thời sự chủ lưu của cuộc sống. Phó TBT báo Pháp luật TP Mai Ngọc Phước phát hiện: Có báo hơi bị “lạm phát” khi gửi nhiều bài riêng lẻ về cùng một đề tài. Như Thời báo Kinh tế có 4 bài về lạm phát, 5 bài về hoạt động tổng công ty tập đoàn. Dù vậy, theo phân tích của một số  thành viên HĐGK, từng bài có góc cạnh khác nhau và cách thể hiện cũng khác nhau. Có bài mang tính cảnh báo phản biện cao như Khi tập đoàn thành lập ngân hàng,  hay Chọn voi trắng hay chọn trâu đen đã đặt vấn đề  rất sâu sắc về việc các tổng công ty nhà nước đua nhau thành lập tập đoàn..

Nóng hơn về lĩnh vực kinh tế - một cú bứt phá của mùa giải năm nay. Trong khi đó  sức nóng từ các bài viết về các lĩnh vực chính trị, xã hội, theo nhìn nhận của chính một  Phó TBT một tờ báo kinh tế là anh Trần Ngọc Châu, thì vẫn tiếp tục duy trì đầy đủ như các năm trước. Những chủ trương mới, những sự kiện, vụ việc làm xao động thậm chí chấn động  nhịp đời, giờ như những thước phim quay chậm, tái hiện khá đầy đủ qua từng bài viết dự thi .Điểm sơ qua  cũng thấy sự góp mặt gần như không thiếu  báo nào  ở TP.HCM: Ngổn ngang… thực hiện “Năm nếp sống văn minh đô thị “ (Sài Gòn Giải Phóng) ,Thuế lũy tiến nhà đất, Lao động Việt Nam ở Malaysia (Pháp luật TP.HCM); Chuyên đề Học phí: tăng bao nhiêu là vừa?, Những đường dây buôn vỉa hè (Người Lao Động) ; “Khai tử” xe ba gác , xích lô (Sài Gòn Tiếp Thị ); Hạt Nix kẽ giết người thầm lặng (Tuổi Trẻ), Mổ xẻ những vụ cướp tiệm vàng (Công an TP .HCM) ; Thị trường SIM số điện thoại di động sau ngày 1/1/2008 (Khoa học Phổ Thông)...

Trong những giờ phút phân tích, thảo luận của Hội đồng giám khảo , một số bài tỏa sức nóng đã được đánh giá cao  với sự nhất trí 100%. Một “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam “ (Tuổi Trẻ) càng như giục giã lòng yêu nước của bạn đọc. Một Không có tiêu chuẩn kép cho khủng bố (SGGP) rạch ròi, mạnh mẽ trong đấu tranh chống  tính chất hai mặt trước một vấn đề quốc tế…. Sức nóng lan tỏa nhiều và rộng, tính phản biện cao và tạo độ rung xã hội lớn gần như nghiêng nhiều về các đề tài liên quan đến xã hội -  dân sinh. Báo Pháp luật Tp có khá nhiều loạt bài như thế, được tác nghiệp khá công phu. Chỉ xin nhắc lại ở đây một số bài có giải cao: Triệt phá đường dây chăn dắt xin ăn, Hàng trăm công dân vô danh ở quận 1 TP.HCM…

Nếu để gọi là ghi nhận cho đầy đủ về độ nóng thì phải nhắc đến một ý kiến “tám” bên lề của hai thành viên Hội đồng giám khảo: dù có nhiều bài nóng trên các lĩnh vực nhưng sao thấy vẫn chưa “đã”,  vấn thiếu loạt bài “cực hot” như loạt bài về vụ điện kế điện tử năm nào.

 

Tôn vinh cái đẹp

Dự buổi chấm chung khảo của Hội đồng, vừa xem qua danh sách các tác phẩm dự thi, chủ tịch Hội Nhà báo TP Hằng Nga hỏi ngay: "Có bài Ước mơ của Thúy không?". Đây là loạt bài trên Tuổi Trẻ nói về niềm tin và nghị lực của Lê Thanh Thúy, cô gái trẻ vượt lên nỗi đau của bản thân (bệnh ung thư) để chia sẽ, cùng xã hội chăm lo cho  những trẻ em đồng bệnh khác. Anh Lâm Anh Hải, thư ký của Hội đồng cho biết loạt bài về Thúy đã đoạt giải A nhân tố mới của Hội nhà báo trước đây…

Dường như hiểu được mối quan tâm của chủ tịch Hội về trách nhiệm của nhà báo, trước những cái đẹp của cuộc sống, một giám khảo nói ngay rằng  cuộc thi cũng có nhiều tác phẩm về nhân tố mới, về những con người với việc làm cụ thể đóng góp vào hành trình phát triển đất nước. Một trong những tác phẩm đó đã được trình làng đầu tiên trong nhóm 1 (Tin - Ảnh báo chí). Khác với những bức  ảnh về bão lụt khác, thường phản ánh sự giận dữ của thiên nhiên, nỗi đau của nạn nhân…, bức ảnh “Bò” vào ốc đảo Nậm Giải (Hữu Khá - Pháp luật TP) ghi nhận nổ lực cứu dân thoát đói của chính quyền tỉnh Nghệ An. Trận lũ quét lịch sử đã làm cô lập xã Nậm Giải, không phương tiện nào có thể tiếp cận được kể cả xe lội nước của quân đội. Lãnh đạo tỉnh đã dẫn một đoàn cứu trợ khẩn cấp lội bộ hàng chục km đường rừng, vượt đèo cao băng suối sâu, giữa lúc nước lũ chảy xiết để mang hàng cứu đói đến cho dân. Trong tình hình  bệnh quan liêu vẫn còn phổ biến, nhiều địa phương vẫn còn cách làm việc “trên mây”, thì bức ảnh này, như Chủ tịch Hội đồng giám khảo Dương Trọng Dật nhận xét, đã toát lên tinh thần chủ động,sự chăm lo tích cực cho người dân -  một nét đẹp trong đời sống hành chính …

Còn nhiều nét đẹp khác ở những góc độ khác nhau đã được các nhà báo phản ánh như một sự chia sẽ, một cách tôn vinh và sâu xa hơn là  ước muốn nhân rộng những nét đẹp đó ra trong cuộc sống. Có câu chuyện  mang tính tích cực trên con đường phát triển được Hội đồng đánh giá  tốt  như “Bỏ tiền mở cảng”  (Dương Thế Hùng - Tuổi Trẻ), Tinh hoa guốc mộc (Trần Thế - Thương Mại)… Có những nhân vật âm thầm, lặng lẽ vượt lên chính mình để góp phần làm cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn lên. Như Ngọc ‘Hâm”  một người “nông dân thứ thiệt” (cách gọi của nhóm tác giả- Ban chuyên đề HTV) chỉ học hết lớp 12 đã có hàng loạt những phát minh sáng chế liên quan đến đời sống bà con quanh mình mà bằng sáng chế về Trồng cây không tưới nước là một dẫn chứng …

Dẫu người trong nhà với nhau,song cũng phải “khoe” một chút là có một số nét đẹp do chính những người làm báo trực tiếp làm ra thông qua các công trình tập thể, để góp sức hổ trợ vượt khó hay giải tỏa những trăn trỡ, bức xúc của bạn đọc, của người dân. Đó là  “Alô chúng tôi nghe” của Ban thời sự - Đài Tiếng nói nhân dân TP), là  Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2008 của Nhóm tác giả Tuổi Trẻ, là Tình yêu Ếch con của Nhóm tác giả Khăn quàng đỏ - Mực tím, là  Mùa xuân biên giới Chi hội Nhà báo và Đoàn cơ sở báo Sài gòn Giải phóng...

Ngày kỷ niệm nghề nghiệp năm nay: Hàng chục cá nhân,nhóm nhà báo tôn vinh cái đẹp cùng bước lên bục nhận giải với các nhà báo đấu tranh chống cái xấu, cái chưa hay. Điều này thêm một lần nữa chứng minh Hội Nhà báo TP luôn kiên trì đeo bám hai chủ đề lớn của giải : “Phản ánh biểu dương những nhân tố mới ,  điển hình tiên tiến …” và “Tiếp tục phản ánh cuộc đấu tranh chống tiêu cực , tham nhũng, lãng phí của công ,văn hóa độc hại  và các tệ nạn xã hội…”. Vâng, có lẽ chuyện vừa nhổ cỏ dại, vừa  trồng hoa sẽ còn là gánh nặng vinh quang lâu dài của những người cầm bút.

L.Đ.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com