BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vài kỷ niệm với Tập san Áo Trắng - * Áo Trắng một lần nhớ lại

LÊ MINH QUỐC: Vài kỷ niệm với Tập san Áo Trắng - * Áo Trắng một lần nhớ lại

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Vài kỷ niệm với Tập san Áo Trắng
* Một ngọn nến hồng cho áo trắng
* Áo Trắng một lần nhớ lại
Tất cả các trang

 

 

Áo Trắng một lần nhớ lại

Trời chiều. Những vòm cây đậm bóng mát, trên đó chắc hẳn cũng có những chú chim sẻ rủ nhau về tình tự. Để thả xuống dòng đời tiếng hót trong veo. Để nhà văn Tình nhỏ làm sao quên cao hứng đọc hai câu thơ lục bát:

Tôi về lắng cả buổi chiều

Nghe chim ăn trái rụng đều như kinh

Để nhà thơ Bụi Phấn Đoàn Vị Thượng ngồi thả người ra sau chiếc ghế bố của quán dừa xiêm trước cổng NXB Trẻ, khẽ khàng ngâm:

Tôi không buồn những buổi chiều

Vì tôi đã có rất nhiều ban mai


thuong

Nhà thơ Đoàn Vị Thượng - thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi thơ Bút Mới phát biểu tại Lễ trao giải thơ lần 9 (2012)

 

Chắc hẳn không phải thơ của anh Biền và của Thượng. Đôi khi có những câu thơ vụt bay qua trí nhớ. Đôi khi có những khoảng thời gian khó phai trong ký ức. Thuở ấy, NXB Trẻ còn nằm trên đường Thái Văn Lung (nay là đường Alexandre de Rhodes, Q.1). Có những người bước ra từ câu thơ của Hồ Dzếnh:

Chân ắt hẳn không cần đất đến

Lạc giữa trần gian bước hững hờ

Họ không bước đi mà ngồi lại trên những chiếc bố đặt phía trước NXB để thông báo cho nhau “thời sự văn chương”. Đấy là thời điểm mà NXB Trẻ chủ trương Tuyển tập và Tủ sách Áo Trắng.

Chúng tôi háo hức muốn có một “cái gì đó” để góp mặt. Tôi đã bắt tay vào viết truyện dài đầu tiên Sân trường kỷ niệm  trước lúc in thành sách tôi có trích một chương đưa cho anh Biền. Đọc xong, thấy khoái, anh Biền cho in vào Tuyển tập Áo Trắng số 1 với tựa: “Bắt trộm ở ký túc xá”. Còn nhớ, lúc đó Thượng viết truyện dài Tóc em còn thả mùa đi học. Nếu tôi nhớ không lầm thì anh Nguyễn Thái Dương cũng có đăng ký với NXB Trẻ tựa truyện Tiếng guốc huyên náo cuối sân trường. Nhưng rồi nó chỉ mãi mãi là… câu thơ! Lúc ấy anh Biền viết Tình nhỏ làm sao quên và bắt đầu gắn bó cuộc đời mình vào những tơ vương mềm mại của tà áo trắng.

Lúc ấy, có một người không viết cho Áo Trắng nhưng cũng thường lui tới ngồi trên chiếc ghế bố với chúng tôi là trung niên thi sĩ Bùi Giáng. Thấy ông ăn mặc bê bối và có những tích cách khác thường nên chị Định - bảo vệ của NXB Trẻ đã tăng cường… cảnh giác! Thế là với bản lĩnh của một người đàn ông lịch lãm và tài hoa, thi sĩ đã bước qua quầy sách của anh Lê Nguyên Đại, xin tờ giấy trắng, mượn cây bút rồi hý hoáy viết đùa rằng:

Muôn lời thâm tạ chị Hai

Người còn thì của lai rai vẫn còn

Nhờ vậy, sau này chị Định nhìn ông với con mắt có cảm tình hơn. Bây giờ thi sĩ Bùi Giáng đã về cõi trời. Nhưng chị Định vẫn còn. Tuyển tập Áo Trắng vẫn còn. Chín năm rồi còn gì.

Nhắc đến Áo Trắng, không thể quên người đẹp Tóc Mây. Người đó là ai mà đã khiến cho không ít tu mi nam tử gửi thư về… tán tỉnh? Có lẽ đó là người nhận được nhiều thư nhất vì chị làm công tác bạn đọc. Bao nhiêu văn nhân tài tử đến tìm, nhưng rồi ai nấy đều thất vọng. Bởi lẽ đó là nhà thơ Phạm Thanh Chương! Mày râu sạch sẽ, áo quần bảnh bao. Chín năm rồi chàng vẫn ngồi ở chiếc ghế đó và chưa hề được… lên chức! Đường hoạn lộ như vậy cũng là bền. Chín năm trời rồi còn gì. Áo Trắng đã có một lực lượng viết mới và phát hành rộng rãi trong cả nước. Tuổi thọ của nó chắc sẽ còn dài.

 

Lê Minh Quốc

(nguồn: Áo Trắng) 

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com