Sau khi uống cạn ly bia Vạn Lực ở 51 Trần Hưng Đạo - Hội nhạc sĩ VN - anh Nguyễn Thụy Kha bảo tôi: “Bọn mình ghé sang thăm cụ Hồ Dzếnh nhé”. Lời đề nghị ấy đã làm tôi hoàn toàn vui sướng. Trong trí nhớ của tôi đã hiện lên hình ảnh một nhà thơ nổi tiếng từ thời “tiền chiến” với tập thơ Quê ngoại và những tập truyện ngắn, dài như tập Chân trời cũ… Con người mang hai dòng máu Hoa - Việt ấy là ai? Là một người như thế nào mà đã viết những vần thơ rất bay bướm.
Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời hết vui khi đã vẹn câu thề.
Tuổi thanh xuân của tôi đã chép những vần thơ của ông trong trí nhớ. Và tôi đã quên. Và tôi lại nhớ. Có lẽ, niềm hạnh phúc nhất của người nghệ sĩ là một khi thiên hạ đau khổ, bất hạnh giữa trần gian này lại bấu víu vào thơ ca của mình để mà yêu, mà sống. Với Hồ Dzếnh, tôi cũng đã có những lần bấu víu vào thơ của ông để tâm hồn vơi nhẹ nỗi nhọc nhằn, đau khổ. Từ đó, tôi biết rằng: Vào một buổi chiều rất lạnh trên một dòng sông nào đó ở miền Bắc, một người đàn ông Trung Hoa tha hương đã làm quen với cô lái đò người Việt. Ba mươi Tết họ đã gặp gỡ nhau rất tình cờ. Và yêu nhau. Mối tình hiu quạnh ấy đã để lại cho chúng ta bây giờ một thi sĩ Hồ Dzếnh.
Nghe người bạn thơ đề nghị đến thăm ông, thì tôi rất vui. Nguyễn Thụy Kha và tôi đã đến nhà ông vào lúc đúng Ngọ. Phía trước là quầy bán sách báo đã đóng cửa nghỉ trưa, có cẩn thận ghi dòng chữ “Giờ nghỉ trưa xin đừng gọi cửa”. Mặc dù biết như vậy nhưng chúng tôi vẫn gọi. Con trai của nhà thơ đã dẫn chúng tôi vào ngõ sau. Leo lên những bậc cầu thang thì tôi gặp ông. Ô! Nhà thơ mà tôi đã từng mến yêu là đây sao? Với gương mặt nhăn nheo, bình dị trong bộ quần áo mặc ở nhà, tôi đã thất vọng vì không tìm thấy được nét phong trần, gió bụi của những vần thơ:
Tôi là người lữ khách
Màu chiều khó làm khuây
Ngỡ lòng mình là rừng
Ngỡ hồn mình là mây
Nhớ nhà châm điếu thuốc
Khói huyền bay lên cây
Lời thơ đó đã được Dương Thiệu Tước phổ nhạc quyến rũ, lãng mạn bao nhiêu thì trước mặt tôi là một ông già móm hiền lành làm tôi hụt hẫng bấy nhiêu. Sau lời giới thiệu của Nguyễn Thụy Kha thì ông đã đưa tay nắm lấy tay tôi. Bàn tay lạnh và gầy. Chúng tôi đã ngồi nói chuyện với nhau về thơ ca. Điều làm tôi kinh ngạc là ý kiến đánh giá của ông về phong trào Thơ mới hoàn toàn khác hẳn những điều mà chúng tôi đã đọc, đã nghe trước đây.
Đây là ý kiến của nhà thơ Hồ Dzếnh: “Tôi khác hẳn mọi người về nhận định này. Thơ bây giờ hay, đúng là thơ mới. Chớ không phải như phong trào Thơ mới trước đây. Vì sao ấy à? Thơ mới ngày ấy kể cả những đại biểu tiên phong nhất cũng cố gắng gỡ ra khỏi từ ngữ chứ không gỡ khỏi tư tưởng. Ngày xưa phong trào Thơ mới với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Xuân Diệu... làm cho từ ngữ trong sáng lên, đẹp lên chứ tư tưởng chưa chắc đã mới lắm. Còn bây giờ họ - là thơ mới - nói thẳng tư tưởng của họ”.
Phát biểu của ông đã mở cho tôi thấy phía sau một thân thể già nua, lọm khọm ấy là một tâm hồn tha thiết với thơ biết bao nhiêu. Tôi còn nhớ là đã đọc được những câu thơ mà ông đã viết từ thời tiền chiến như một bộc bạch tâm sự:
Đừng mơ ước cả thiên đàng
Hãy xin lấy nửa tấc vườn vắng hoa
Ngôi nhà của ông nằm ngay mặt phố ồn ào, không có vườn để trồng hoa cỏ vui với tuổi già, nhưng điều làm tôi yên tâm là ông vẫn còn viết được những vần thơ thỉnh thoảng vẫn góp mặt trên báo chí. Anh Nguyễn Thụy Kha bảo tôi: “Cụ Dzếnh và những bài thơ của từ thời ấy, đáng quý như vàng. Tuổi già như lá, chẳng biết rụng lúc nào”.
Tôi giật mình chợt nhớ đến những Anh Thơ, Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Văn Cừ và những ai nữa? Con số rất ít ỏi không đủ đếm trên mười đầu ngón tay. Họ là những đại biểu cuối cùng của một thế hệ thi ca đã qua. Thời gian trôi qua với bao nhiêu biến động nhưng tâm hồn họ vẫn nguyên vẹn niềm yêu thơ như buổi ban đầu. Chỉ riêng điều đó thì họ cũng đã đáng yêu đáng trân trọng biết dường nào!
L.M.Q
(nguồn: báo Vũng Tàu chủ nhật 7.4.1991)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|