BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: THIỆT THÀ NHƯ... BÌA SÁCH

LÊ MINH QUỐC: THIỆT THÀ NHƯ... BÌA SÁCH

 

Theo thông tin từ Ban tổ chức, Hội sách TP.HCM lần thứ VII sẽ diễn ra từ ngày 19.3.2012 đến 25.3.1912 TẠI Công viên Lê Văn Tám. Năm nay có gần 200 đơn vị tham gia với 500 gian hàng sách, 200.000 tên sách với hơn 20 triệu bản sách được trưng bày. Rõ ràng, mua sách vẫn còn là thú vui của nhiều người, cho dù các loại hình nghệ thuật nghe, nhìn đang đứng ở vị trí “thượng phong”. Chị Mai, một đồng nghiệp của tôi thỏ thẻ: “Em đi mua sách, nhất là lọai sách văn học nước ngoài, chỉ mới nhìn tựa sách là đã muốn rinh ngay quyển đó về nhà”.

Tại sao?

nguyenvanxuan

Một truyện ngắn của "nhà Quảng Nam học" Nguyễn Văn Xuân. Chỉ mang tính minh họa. Tư liệu L.M.Q

 

Chị cho biết, hình thức của những quyển sách đó rất phong phú, đầy ắp thông tin mà toàn là những thông tin “chết người”. Chẳng hạn, người ta không hề khiêm tốn khi tương ngay bìa 1: “All Time Best-selling Book”; “A Neuw York times Bestseller” v.v… hoặc những lời có cánh như “Cuốn sách hay nhất mọi thời đại, khám phá những giá trị vĩnh hằng”; “Một quyển sách lý tưởng dành cho các bạn đọc trẻ”; “Cuốn sách bán chạy nhất theo bình chọn của tạp chí” X hoặc Y nào đó v.v… Không những thế, những giải thưởng văn học (nếu có) mà sách này đoạt được thì cũng ghi tất! Nói thật, có nhiều giải thưởng xa lạ với bạn đọc VN nhưng thông tin như thế cũng gợi lên sự tò mò cần thiết. Thậm chí những lời phê bình khen ngợi cũng được in kèm theo v.v…

Điều này có nghĩa, người làm sách đã xác định giá trị của nó ngay từ khi người mua còn phân vân. Hỏi những anh em làm khâu mỹ thuật, họ cho biết, hầu như họ chỉ mô phỏng lại bìa của nguyên tác.

Trong khi đó, nhìn lại sách văn học VN ta thấy cách trình bày hiện nay còn quá đơn giản. Đại khái chỉ là tên tác giả, tựa và tên NXB một cách hết sức đơn điệu và máy móc. Nếu còn có thêm chăng, cũng chỉ vài dòng giới thiệu trích in ngoài bìa 4. Có phải do quan niệm, “hữu xạ tự nhiên hương” nên người làm sách VN không thể hiện “hoành tráng” lên chăng?  Dù gì đi nữa sự “khiêm tốn” này ít nhiều đã làm cho quyển sách không nổi bật trong sự lựa chọn. Nhất là trong thời buổi sách phát hành ngày một nhiều như hiện nay.

Trước đây, một nhà văn trẻ “mới toanh” đã tạo được ầm ĩ chỉ vì ngoài thông tin đơn điệu như trên đã mạnh dạn “chơi” thêm dòng chữ “Sách chỉ dành cho bạn đọc trên 18 tuổi”! Cuốn Sát thủ đầu mưng mủ, ngoài nội dung còn ấn tượng ngay ngoài bìa là dòng chữ “Khuyến cáo không đọc trong khi ăn uống”… Những “phá cách” như thế vẫn chưa nhiều trên trị trường!

Thời buổi này này, dù muốn hay không, tác động của quảng cáo, P.R vẫn góp phần lớn cho kế hoạch buôn  bán. Thật ra, những cách P.R cho sách thì trước đây người ta đã thực hiện một cách bài bản.

Tôi còn nhớ, trước năm 1975 với tác phẩm đầu tay của cây bút trẻ Nguyễn Thanh Trịnh (tức nhà văn Đoàn Thạch Biền hiện nay), ngoài bìa còn có một băng giấy đỏ kèm theo và in trang trọng dòng chữ “bảo chứng” của nhà văn nổi tiếng nhất miền Nam: “Trong những người trẻ viết cho tuổi mới lớn, tôi nghĩ, Nguyễn Thanh Trịnh là người viết hay nhất”. Lập tức, cuốn sách đã có một tầm vóc khác vì bạn đọc tin ở uy tín người viết lời giới thiệu đó.

Xa hơn nữa, khi tác phẩm thơ của Hàn Mặc Tử ra đời, tôi đã thấy người làm sách không ngần ngại khi quảng cáo “Những bài thơ chọn lọc của thi sĩ thiên tai đứng đầu trong thi ca hiện đại” v.v…

Về hình thức sách hiện nay rõ ràng kỹ nghệ in ấn của ta tân tiến hơn trước, giấy tốt hơn trước nhưng xem ra nghệ thuật trình bày bìa sách vẫn còn dậm chân tại chỗ. Với một quyển sách văn học VN, tại sao ta không đánh bóng tên tuổi nhà văn trên chính bìa sách của họ bằng nhưng thông tin như sách nước ngoài đã làm?

Đành rằng, chất lượng tác phẩm, thương hiệu nhà văn là quan trọng nhất nhưng cách quảng bá tác phẩm cũng không thể không thay đổi. Ít ra cái bìa sách cũng phải khác trước. Phải khác đi cái sự thật thà trong thời buổi mà nghệ thuật P.R đang xuất hiện mọi lúc mọi nơi.

LÊ VĂN NGHỆ

(nguồn: báo Phụ Nữ TP.HCM 3.2002) 

 

Chú thích:


Lê Văn Nghệ bút danh của Lê Minh Quốc

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com