BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Vài kỷ niệm với Tập san Áo Trắng - * Một ngọn nến hồng cho áo trắng

LÊ MINH QUỐC: Vài kỷ niệm với Tập san Áo Trắng - * Một ngọn nến hồng cho áo trắng

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: Vài kỷ niệm với Tập san Áo Trắng
* Một ngọn nến hồng cho áo trắng
* Áo Trắng một lần nhớ lại
Tất cả các trang

 

Một ngọn nến hồng cho áo trắng

Một buổi sáng. Vòm trời Sài Gòn mươn mướt như đôi mắt tiểu thư sắp khóc. Mưa rất nhẹ và nắng rất mỏng. Tình cờ gặp nhau trước cổng nhà xuất bản Trẻ, anh Lê Hoàng bảo tôi: “Viết gì cho Áo Trắng chưa? Áo Trắng sắp thôi nôi. Một tuổi rồi”. Ba trăm sáu mươi lăm ngày đã trôi qua rồi sao? Bất chợt tôi lại nhớ đến câu thơ của Baudelaire:

Nhớ lại đi, thời gian là con bạc tham lam

Thắng mọi ván mà chẳng thèm gian giảo

Nhớ lại đi. Ôi chao! Kỷ niệm như tơ chùng. Trong tâm tưởng. Trong đời sống. Một lúc nào đó sợi tơ sẽ căng lên và rung những âm thanh và bật lên tiếng nói. Về một ngày đã qua. Ngày sinh nhật Áo Trắng. Lúc đó, Nhà xuất bản Trẻ còn nằm trên đường Thái Văn Lung. Bạn bè gặp nhau là sà vào quán nước dừa. Nói đủ thứ chuyện. Từ địa ngục đến thiên đường. Từ cây kim đến người ngoài vũ trụ. Những câu chuyện lếu láo đậm đặc màu sắc văn nghệ. Nhưng có một lần, nhà văn Đoàn Thạch Biền nói với tôi một cách nghiêm chỉnh: “Nhà xuất bản Trẻ sắp ra tờ Áo Trắng. Tuyển tập thơ văn dành cho tuổi học trò, cậu viết bài đi”.

Và tôi viết.

Truyện ngắn “Bắt trộm tại ký túc xá” in vào số 1 bên cạnh những sáng tác ưng ý nhất của bạn bè. Cũng tại quán nước dừa này, tôi dẫn Đoàn Vị Thượng đến gặp anh Lê Hoàng để đăng ký bản thảo viết cho Áo Trắng. Sự hào phóng ứng với tiền nhuận bút đã trở thành một động lực để Thượng viết truyện dài đầu tay “Chuyện tình chim trắng” cũng có nghĩa là mở cho tôi một hướng đi mới. Hướng đi sẽ không có sự phản trắc.

 

quoc_trao_giai

Nhà thơ Lê Minh Quốc - thành viên Ban Giám khảo Cuộc thi thơ Bút Mới tại Lễ trao giải thơ lần 9 (2012)

 

Sau khi ra được vài số thì Nhà xuất bản Trẻ chuyển về đường Lý Chính Thắng. Chỗ gặp gỡ của anh em bấy giờ là quán cà phê Chiều Tím. Tại đây, tôi đã gặp những cậu học trò “Áo Trắng đơn sơ, mộng trắng trong” như bước ra từ thơ Huy Cận tìm đến Áo Trắng để gửi bài vở. Mới đó thôi. Vậy mà đã một năm. Bây giờ lật lại những tờ báo cũ tôi vẫn như còn thấy mới tinh khôi. Mới nhất, nhiều nhất vẫn là những sáng tác của lứa tuổi học trò chập chững lần đầu đến với văn chương. Họ đến từ nhiều nơi. Có lần nhận được lá thư độc giả từ Đông Hà (Quảng Trị) tôi thấy anh Hoàng Phủ Ngọc Phan cười rất hồn nhiên: “Rứa là Áo Trắng đã đến quê tôi”. Nụ cười ngây thơ chứ không khinh bạc như khi ký tên Hoàng Thiếu Phủ.

Trong những lần họp mặt bạn đọc Áo Trắng, tôi nhớ bao giờ ĐTB cũng nói nửa đùa nửa thật: “Nhà xuất bản quy định đến dự là phải mặc áo trắng. Cấm mặc áo sọc dưa”… Nói đùa thôi. Đùa mà thật. Lứa tuổi học trò trắng như một tờ giấy mới để những người làm văn chương mộng mị viết những gì thật nhất của mình. Nơi đó không có sự sọc dưa. Và phản trắc.

Mới đó thôi. Đã một năm rồi.

Ông Cao Bá Quát đã từng kêu lên: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy”. Chứ huống hồ gì một năm. Nhưng một năm qua Áo Trắng vẫn giữ được màu áo trắng. Đó là điều đáng quý nhất để tự động viên nhau. Đi tớp nắng ấm chói chang lực lưỡng của những người viết về lứa tuổi thơ mộng nhất một đời người. Đi tới và thắp lên một ngọn nến. Một lời chúc mừng. Bây giờ và mãi mãi.

 Lê Minh Quốc

(nguồn: Áo Trắng - 1991)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com