BÁO CHÍ Lê Minh Quốc viết LÊ MINH QUỐC: Ngẫu hứng và thực tế; thực tế và tư liệu

LÊ MINH QUỐC: Ngẫu hứng và thực tế; thực tế và tư liệu

 

 

1.

Ngày nay, người ta coi trọng nghề báo lẫn nhà báo và trong nhiều năm qua, khoa Báo chí của các trường Đại học vẫn có số thí sinh nộp đơn dự thi nhiều nhất. Nhưng thuở nghề báo mới đi những bước chập chững vào xã hội Việt Nam thì thiên hạ do không hiểu về nghề nên có những đánh giá rất... lạ lùng! Ở đây chúng tôi chỉ xin trích dẫn hai mẫu hồi ký của hai nhà báo kỳ cựu trong làng báo Việt Nam.

 

2R

 

Nhà báo Vũ Bằng - có kể lại lúc bấy giờ nghề báo bị mọi người nhìn nhận: “Trời ơi là trời, làm cái nghề gì, chớ lại đi làm báo! Điều ấy, mẹ tôi, chị tôi, em tôi không thể nào quan niệm nổi. Riêng đối với mẹ tôi nếu ở đời có nghề gì xấu nhất, tồi bại nhất, bất nhân bạc ác nhất thì nhất định đó là nghề làm báo. Mẹ tôi bảo: “-Tôi xin anh thương tôi, đừng có bao giờ làm nghề ấy, vì phúc đức nhà ta không được bao nhiêu đâu”;“Theo nhận thức của mẹ tôi, nghề báo là một nghề bạc bẽo, không nuôi sống được người làm nghề; nhưng cái ấy cũng chưa quan hệ bằng sự: làm báo là chửi bới người ta, là đào cha bới ông cha người ta lên và làm một cái gì tổn thất âm đức của ông cha mình. Ác lắm, không thể nào chịu được”. Còn nhà báo Tam Lang thì cho biết bố của ông quở trách: “Báo với bổ gì, báo hại, báo cô cha mẹ, rồi ra vô nghề nghiệp, bố mẹ già thì chết, cũng đến cùng liếm lá đầu chợ, dở ông, dở thằng...".

Không cần bình luận, ta cũng biết quan niệm phổ biến trên của thời đó đến nay đã không còn hợp thời. Điều căn bản làm thay đổi quan niệm ấy là do chính đạo đức, sứ mạng của nhà báo trong nhiều thập kỷ qua đã chứng minh được vai trò của người cầm bút chân chính khi họ phán xét một vấn đề nào đó trước công luận... Ở đây, yếu tố đạo đức của nhà báo vẫn đặt lên hàng đầu, vẫn là bài học thời sự và không bao giờ lỗi thời, nếu không, mọi người vẫn tiếp tục giữ quan niệm trên và mỉa mai rằng: “Nhà báo nói láo ăn tiền” là vậy! Nhưng bên cạnh yếu tố đạo đức, đối với một nhà báo chuyên nghiệp còn phải trang bị thêm thực tế và tư liệu...

Lâu nay, người ta vẫn thường quan niệm nhà báo trong lãnh vực văn hóa văn nghệ khi thể hiện bài viết chỉ cần có phong cách (style) ngẫu hứng để tạo ra một bản sắc riêng là đủ. Nhưng thật ra muốn ngẫu hứng như thế nào thì cũng bắt đầu từ nền tảng của thực tế, không thể ngồi trong phòng nghe kể lại một chương trình văn nghệ mà viết bài tường thuật! Nói điều này, nhiều người sẽ cho rằng... “quá đáng vì làm gì có chuyện như thế!”. Vậy mà có đấy, trong nhiều năm được phân công theo dõi một lãnh vực quen thuộc, một nhà báo “lão luyện” có khi chỉ cần cầm trên tay tờ chương trình là có thể viết xong một bài báo đầy đủ thông tin, cho dù ngày ấy họ không đặt chân đến nhà hát. Vì tất cả mọi diễn biến trong một chương trình như thế nào thì họ đã hình dung ra trong đầu, ví dụ như phần ca sĩ nào hát thì họ căn cứ theo tờ chương trình mà “tán” ra thêm. Chẳng hạn, với ca khúc X. ca sĩ Y lần này thể hiện mền mại hơn, giọng ca cao vút hơn và v.v... Tất nhiên, những bài báo vô thưởng vô phạt ấy “sạch nước cản” nhưng chỉ có xác chữ chứ không có hồn chữ vì không có không khí của sự nhận từ thực tế.

Những bài báo như thế không thiếu trên báo chí Việt Nam hiện nay.

Xin nhắc lại, muốn ngẫu hứng như thế nào thì cũng từ thực tế, cho dù ở một nhà báo viết văn hóa nghệ thuật thì sự ngẫu hứng rất cần thiết. Không giống như đồng nghiệp viết kinh tế, chính trị, xã hội... chỉ cần nắm đúng thông tin - thì nhà báo viết văn hóa văn nghệ còn phải thổi cả cái hồn của mình vào bài báo bằng tất cả sự ngẫu hứng. Và không chỉ có thế, họ còn  phải có kiến thức để nêu lên suy nghĩ, chính kiến riêng của mình. Chính lúc đưa cái hồn của mình vào từng con chữ thì mới tạo ra phong cách riêng; và chỉ khi đưa ra chính kiến riêng thì bài báo mới thật sự có một giá trị nhất định. Quan niệm này, có người phản bác rằng: “Viết báo là viết cho đại đa số công chúng, ai đọc cũng hiểu, ai cũng nắm bắt được thông tin cốt lõi, chứ có phải viết văn đâu mà cần những thứ đó?”.

Như thế là nhầm.

Độc giả đọc bài viết văn hóa nghệ thuật không giống như đọc bài của các lãnh vực khác là để nắm thông tin mà họ cần cả phong cách riêng của người viết. Thử đọc lại những bài báo đã in trên báo chí trước đây, tại sao ta vẫn thích khi mà giá trị thông tin không còn cần thiết? Tôi sực nhớ lại tác phẩm phóng sự Trước vành móng ngựa của nhà báo Hoàng Đạo đã in từng kỳ trên báo, rồi sau này in thành sách đã phát hành cách chúng ta mấy mươi năm nhưng sao nay đạo lại vẫn thấy thích? Thích là vì phong cách viết của nhà báo đó tạo ra một sắc thái riêng không nhầm lẫn với ai khác. Trong khi đó, những bài báo tương tự trong các chuyên mục như “ký sự tòa án” viết về sự kiện mới diễn ra ngày hôm nay nhưng nay đọc lại đã thấy cũ mềm?

Vậy hóa ra, nhà báo trong lãnh vực viết văn hóa nghệ thuật còn phải là một nhà văn nữa sao?

Theo ghi nhận riêng của chúng tôi: Hầu như các nhà văn Việt Nam xưa nay đều sống bằng nghề viết báo và các nhà báo tiếng tăm nhất của nước ta phần lớn đều là những nhà văn. Giữa hai nghề này không có gì mâu thẫu với nhau - khi nhà văn đi viết báo, làm báo thì họ đã đem chất văn học vào báo chí, nhờ vậy trang báo tươi mát và đậm đà hơn. Bên cạnh đó, khi nhà văn lăn xả vào cuộc sống với tư cách nhà báo thì họ tích lũy được những vốn sống cần thiết để sau này xây dựng tác phẩm văn học. Mối quan hệ giữa hai nghề này có một làn ranh sát mí, khó phân biệt.

Thiết nghĩ, nếu có ai bỏ công sức để nghiên cứu vấn đề trên thì sẽ có một công trình khoa học rất thú vị để từ đó, có thể rút ra những nhận xét về đặc tính của báo chí Việt Nam; hoặc tác động của báo chí đối với nền văn học nước nhà... Chưa đặt ra vấn đề lớn như thế, nhưng tôi tin rằng khi nghiên cứu mối quan hệ trên thì trước mắt ta sẽ thấy mối quan hệ giữa thực tế và ngẫu hứng gắn bó biết chừng nào.

 

2.

Không chỉ đi thực tế và viết bằng ngẫu hứng của riêng mình, nhà báo viết lãnh vực văn hoá nghệ thuật còn phải làm công tác tư liệu. Thoạt nghe thì thấy buồn cười. Phần trên thì người viết bài này gần như đứng từ một góc độ cho rằng, nhà báo viết văn hóa nghệ thuật cần có tư duy nhà văn và bây giờ, lại cho rằng, phải có tư duy của một nhà nghiên cứu nữa chứ?

Buồn cười thật!

Cho dù có buồn cười thì sự việc vẫn phải diễn ra như thế, nếu ta muốn trở thành một nhà báo chuyên nghiệp.

Trước đây vài năm trong thị trường chữ nghĩa nước ta rộ lên những cây nữ. Tên tuổi lạ hoắc, nhưng lại có nhiều tác phẩm dầy cộm và được mọi người tìm đọc! Với một nhà báo chuyên theo dõi về lãnh vực văn hóa nghệ thuật thì quả là hiện tượng đáng lưu ý. Tôi tìm đọc thì thấy văn phong trong đó và cốt truyện dường như  được viết... cách đây mấy mươi năm. Thế là tôi bỏ công đi điều tra. Một người làm sách tư nhân cho biết, các tác giả đó đã lấy truyện in trước 1975, đổi tên nhân vật, sửa đổi một vài chi tiết nhỏ, ký tên mình rồi bán bản thảo cho đầu nậu sách. Biết thì biết như thế nhưng lấy gì để chứng minh sự đạo văn trắng trợn này?

Như thế một trong những việc làm đầu tiên của tôi là phải vào thư viện tìm đọc lại những truyện in đó. Nhưng trước đây thị trường miền Nam đã in cả một rừng tiểu thuyết thì phải chọn đọc như thế nào? Như thế, đứng trước tình hình này muốn giải quyết vấn đề không chỉ đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức nhất định mà còn phải cần sự hỗ trợ của công tác tư liệu. Tư liệu đã sắp xếp từ nhiều năm qua giúp cho tôi hình dung ra “lịch trình tiến hóa” của tiểu thuyết miền Nam và phân loại ra các tác gia nào chuyên viết loại tiểu thuyết có cốt truyện tình ái tay ba, tay tư tương tự như thế? Thời gian đọc đã giúp tôi phát hiện ra là các “tác giả” đó đã lấy lại truyện của Chu Tử, Nhã Ca.. .đem in và ký tên mình, cho dù họ khôn khéo cắt xén, bổ sung...

Lập tức bài báo được công bố trên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh, nhưng ở bài một chỉ báo động hiện tượng trên và dự kiến bài hai sẽ đưa ra chứng cớ so sánh. Tôi phân ra hai bài để hấp dẫn bạn đọc và (nói thật) cũng để có hai lần nhuận bút cho bõ công đeo đuổi theo vụ nầy!

Nhưng dự định nhiều khi không diễn ra suôn sẻ như thế. Mới ngay sau bài một, tôi bị kiện vì nhà báo đã “bôi nhọ” danh dự của các “nhà văn” này, rằng chính họ đã viết, đã được nhà xuất bản biên tập, cho dù có trùng lặp từ cốt truyện đến câu văn chỉ là sự ngẫu nhiên v.v...

Trong trường hợp này, các “nhà văn” trên vì lợi nhuận và thậm chí vì kiện tụng mà để sách bán chạy thì họ sẽ “níu áo” nhà báo đến cùng.

Cách khôn ngoan nhất là tạm ngưng tấn công vào “nhà văn” mà phải biết “truy người có tóc chứ ai nắm kẻ trọc đầu”. Từ TP. Hồ Chí Minh, tôi phóng xe về Long An - nơi cấp giấy phép in các “tác phẩm” này. Tại Nhà xuất bản, tôi đề nghị cho xem bản giám định tác phẩm này của Biên tập viên, rồi bản thảo của “nhà văn” đó, họ nói đã đưa qua nhà in. Tôi đến nhà in thì tất nhiên để đối phó, bản thảo đã phi tang nên họ không đưa ra được. Và qua đó, tôi còn truy được các tác phẩm trên là do đầu nậu nào in, theo hợp đồng nào có đúng thủ tục hay không v.v... Việc làm này thật ra chỉ là một động tác cần thiết để kéo người có trách nhiệm vào cuộc và dứt khoát những người có chức có quyền ấy vì “có tóc” và vì nhiều lý do khác, họ sẽ không dám “cương” với nhà báo như các “nhà văn” vô danh kia.

Như thế, việc ai đạo văn ai có đúng hay không thì bài báo thứ hai chưa nêu ra như cuối bài một như đã hẹn với độc giả mà tôi kịp thời đặt vấn đề với giám đốc xuất bản về quy định trong xuất bản. Điều này rất quan trọng vì nó báo cho công luận biết việc in các tác phẩm này đã diễn ra không đúng theo luật định. Thì cho dù nội dung bài một đúng sai thế nào chưa biết, chứ việc in ấn không đúng Luật Xuất bản là đã diễn ra sờ sờ. Như thế trước mắt, nhà báo đã tạo được những tiếng nói đồng tình từ góc độ bạn đọc và chắc chắn là Cục Xuất bản cũng không thể không quan tâm.

Từ hậu thuẫn này, qua bài ba tôi tung ra “ách chủ bài” là căn cứ vào tác phẩm đã in và đối chiếu với tác phẩm còn lưu trữ tại Thư viện để so sánh. Đòn quyết định cuối cùng đã đánh gục đối phương và tạo tiếng vang tốt trong dư luận. Sau loạt bài báo này hiện tượng trên đã chấm dứt hẳn.

Kinh nghiệm của vụ này là gì? Ngay từ bước đầu phải làm tốt công tác chuẩn bị tư liệu và dứt khoát phải được Ban biên tập thông qua, đồng tình và chia sẻ với ý đồ của phóng viên- để trong quá trình thực hiện nếu không diễn ra như dự kiến ban đầu thì vẫn được Ban biên tập ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để làm rõ chân lý.

 

3.

Xin trở lại với chuyện ngẫu hứng của nhà báo viết văn hóa văn nghệ. Tôi nghĩ người ngẫu hứng nhất trong làng báo Việt Nam là thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Những khi cao hứng, ông viết báo như múa bút trên trang giấy. Nhưng không phải lúc nào cũng sẵn hứng nên lắm khi báo đã lên khuôn mà vẫn chưa có bài của ông. Có lần tòa soạn Đông Pháp thời báo của chủ báo Diệp Văn Kỳ sai người đến Xóm Gà, nơi ông ở để lấy bài, thi sĩ ngồi ngất ngưởng bên chai rượu quát to: “Làm thơ đâu phải bổ củi mà có ngay được!”. Ấy là câu nói nổi tiếng của thi sĩ Tản Đà mà ta thấy rõ ràng, tính cách ngẫu hứng ấy hoàn toàn không phù hợp với nghề báo chút nào cả, nhưng với Tản Đà thì thật đáng yêu lắm vì đó là... Tản Đà - nhà báo đã chủ trương tờ báo chuyên về văn học đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam: tờ An Nam tạp chí, số đầu tiên ra ngày 1.7.1926.  Còn chúng ta, những người trần mắt thịt thì không thể.

Qua kinh nghiệm của những năm tháng chuyên viết về văn hóa văn nghệ, tội nhận thấy khó có sự phân biệt rạch ròi giữa cảm xúc ngẫu hứng và quan sát thực tế; giữa chất liệu thu nhặt từ thực tế và làm công tác tư liệu để nâng trọng lượng cho bài báo. Tất cả đều không có ranh giới rõ rệt.

 

Lê Minh Quốc

(Viết năm 2000)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com