THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Mẹ - điều thiêng liêng

LÊ MINH QUỐC: Mẹ - điều thiêng liêng


Mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ

Gương mặt đăm chiêu ngay lúc thảnh thơi nằm

Hình dung gương mặt người mẹ, có lẽ ít ai nhớ lúc mẹ mình cười. Từ hàng ngàn năm nay, người phụ nữ ngay từ lúc sinh ra, không sống cho mình mà chính là sống cho người khác. Ngay từ lúc thò lò mũi xanh đã phải biết chăm sóc em, bếp núc đỡ đần cho mẹ phần nào. Ngày vui nhất, ngày lên xe hoa về nhà chồng lẽ ra phải rạng rỡ, reo vui, nhưng không, nhìn kỹ, dù miệng đang cười nhưng từ sâu thẳm của ánh mắt kia đã gợn lên sự âu lo, thắc thỏm. Dù theo chồng, nhưng trong lòng vẫn còn nghĩ đến trách nhiệm làm chị, làm em, làm con.

Nhà văn Thạch Lam viết không nhiều, nhưng truyện ngắn của ông, mỗi lần đọc lại ắt nhiều người rưng rưng bởi hình ảnh người mẹ đã trở thành biểu tượng của sự nhẫn nại, chịu thương chịu khó vô bờ bến. “Từ buổi sáng tinh sương, mùa nực cũng như mùa rét, bác ta đã phải trở dậy để đi làm mướn cho những người có ruộng trong làng. Những ngày có người mướn ấy, tuy bác phải làm vất vả, nhưng chắc chắn buổi tối được mấy bát gạo và mấy đồng xu về nuôi lũ con đói đợi ở nhà. Đó là những ngày sung sướng” (Nhà mẹ Lê). Nỗi sung sướng ấy giản dị mà cao thượng quá. Với người mẹ, con cái là tất cả, là niềm hy vọng, niềm vui lớn lao nhất. Nếu người chồng léng phéng với ai khác, năm thê bảy thiếp, họ có thể “dứt áo” ngay nhưng với con dù có hư hèn bao nhiêu thì vẫn là con của mẹ. Dù con lớn khôn, vợ con đùm đề, có là “ông này bà nọ” ngoài xã hội đi nữa nhưng trong mắt người mẹ vẫn chỉ là đứa trẻ, bé bỏng, khờ khạo cần “ghé mắt” đến.

Tôi đã chứng kiến nhiều hình ảnh cảm động, có những người con ở xa về, sau những lúc hàn huyên, người mẹ lại hỏi: “Con thích ăn gì, mẹ nấu”. Trong tâm trí của người mẹ nào cũng lo lắng miếng ăn giấc ngủ cho con, dù rằng sự lo lắng ấy không cần thiết. Thế nhưng, như một sự gắn kết thiêng liêng, tự trong lòng người mẹ vẫn đau đáu nghĩ đến. Tôi đã đọc đâu đó câu chuyện thật cảm động. Đêm nọ cậu con trai đi nhậu về say “quắc cần câu”, người ngợm ướt như chuột lột vì phải đội mưa, về đến nhà bỗng thèm một bát chè đậu đen, bảo vợ đi nấu. Vợ bực mình, mắng cho vài câu. Ngay lúc ấy, ở phòng bên bà mẹ già vẫn chưa ngủ, biết con đang thèm chè, bà lẳng lặng dậy, lục tìm đường đậu, nhóm lửa. Lúc ấy, bà mẹ chỉ nghĩ đến con, miễn nó hài lòng, sung sướng là vui. Rồi, dù yêu con đến tận cùng xương thịt nhưng khi Tổ quốc cần đến, các bà mẹ lại lặng lẽ tiễn con ra trận.

Lâu nay, công ơn người mẹ đã được đúc kết qua “cù lao chín chữ”, đó là sự nhọc nhằn sinh nở, nâng đỡ, vuốt ve, yêu thương, cho bú, nuôi dưỡng khôn lớn, dạy dỗ, săn sóc, dạy bảo nên người… Nhưng nào đã xong đâu, ngay cả khi con mình đã lập gia đình, có con cái thì người mẹ lại dành tình thương yêu đó cho cháu.

Khi đớn đau, tuyệt vọng nhất trong đời, ai lại không buột miệng gọi “mẹ ơi” bởi tin rằng, lúc ấy chỉ có mẹ mới có thể sẵn sàng hy sinh vì mình. Vâng, vì lẽ đó, tôi rất thích câu: “Thượng đế không có mặt khắp mọi nơi nên đã sinh ra các bà mẹ”. Nhân Ngày của Mẹ, đọc lại những câu thơ đã viết, tự dưng cảm động đến nao lòng:

“Đêm mẹ nằm co - ta nhớ cái cò gầy

Lặn lội bờ sông, đầu ghềnh, cuối bãi

Đêm mẹ nằm nghiêng - ta nhớ dòng suối chảy

Lặng lẽ trôi qua giữa náo động ồn ào…

Bất chợt ta nhìn hai hố mắt mẹ sâu

Đã thấy sự lo toan, buồn phiền, mệt mỏi

Mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ

Gương mặt đăm chiêu ngay lúc thảnh thơi nằm”.

 

L.M.Q
(nguồn: báo PNCN ngày 11.5.2014)

medieuthienglieng

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com