Lưu bút của Lê Minh Quốc thời sinh viên (niên khóa 1983 - 1987)
Thời nhỏ đi học, có thầy cô giáo rèn học trò bằng cách bảo phải viết nhật ký mỗi ngày. Cũng là một cách tập viết văn. Những cuốn vở ngày xa xưa đó, nếu nay đọc lại ắt thú vị. Mấy ai còn giữ? Nhạc sĩ Thanh Sơn viết ca khúc Lưu bút ngày xanh, nghe lại thấy rầu rĩ quá. Ca khúc Họp mặt lần cuối của Hàn Sinh cũng não nùng không kém: “Ve kêu gọi hè sang/ Phượng về khơi niềm nhớ/ Giây phút chia tay là đây/ Chép cho ai bài thơ/ Lưu bút thư sinh mình ghi/ Chiếc hình kỷ niệm hôm nay/ Phượng vẫn rơi xác phượng tả tơi/ Nghe tiếng ve, réo gọi hồn tôi…”. Những giọt âm nhạc rơi xuống vạt nắng sáng nay len vào bàn phím và buồn. Ngày trước đi lại khó khăn, thông tin liên lạc ít ỏi nên nẩy sinh tình cảm bùi ngùi lúc chia tay là lẽ tất nhiên. Buồn nhưng qua đó cũng gợi lên tình bạn ngày cùng trường chung lớp.
Ngày trước, “một ngày nên nghĩa, chuyến đò nên quen”. Nay khác hẳn. Con người có nhiều mối quan hệ hơn nhưng rồi lúc nào cũng cô đơn. Có những lúc tần ngần, tẩn ngẩn cầm điện thoại, ngó vào bàn phím với hàng ngàn con số nhưng cuối cùng chẳng biết gọi ai. Lẻ loi. Đơn độc. Quan hệ người thành thị gắn kết theo kiểu loang rộng nhưng không có chiều sâu. Lại có người đưa vài cảm nghĩ gì đó lên facebook, không thấy ai like bèn "sì trét" luôn! Họ buồn bởi nghĩ rằng chẳng được ai quan tâm, dẫu thừa biết sự chia sẻ ấy là ảo. Con người ngày càng lạc lõng trong một thế giới đông đúc, hàng tỉ con người nhưng tìm được một sự đồng cảm chẳng dễ dàng. Điều này lý giải vì sao có những người bịa ra và ném trên mạng xã hội thông tin thật giật gân. Để làm gì? Để mong nhận được thật nhiều like như một sự an ủi là người khác có quan tâm đến. Lấy cái ảo để làm niềm vui thật trong đời. Tội nghiệp con người hiện đại chưa?
Đã con người thì lúc nào cũng tội nghiệp. Ngày trước, trên đường xa vạn dặm, đi sứ chẳng hạn, cũng là một nỗi buồn ghê gớm. Thường là gia đình, vợ con lấy ngày họ rời nhà làm ngày giỗ, nếu sau này không về. Còn người đi luôn tin mình sẽ về nên dọc đường có nhiều lễ tế. Và cũng tin rằng, có như thế chuyến đi, về suôn sẻ hơn. Lẩn thẩn đọc lại Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú biết thêm một vài phong tục của người Việt xưa.
Trước lúc đi, nhà vua truyền cho nha Phủ doãn dựng một cái đình ở bến Đông Tân để đến ngày khởi hành các quan triều thần hội tiễn. Bến Đông Tân ở đâu? Tra lại Sổ tay địa danh Việt Nam của Đinh Xuân Vịnh, thì ra đó là bến Đông Bộ Đầu, tức bến sông Hồng. Trên đường đi sứ sang Trung Quốc, sứ đoàn của ta tế cáo dọc đường như sau: Tế thần Hà bá thủy quan ở bến Nhị Hà: 1 lợn con giá 8 tiền, xôi một mâm giá 3 tiền, vàng bạc giấy và hương rượu giá 3 tiền; Tế cung miếu: trâu 6 con, giá mỗi con 4 quan và tiền cau hương rượu 6 tiền, xôi 6 mâm, giá mỗi mâm 1 tiền, vàng bạc giấy 6 mâm, giá mỗi mâm 1 tiền; Tế đền Lý bát vị (đền thờ tám vị vua nhà Lý ở Từ Sơn - Bắc Ninh): trâu 1 con giá 4 quan, xôi 1 mâm giá 3 tiền, vàng bạc giấy và hương rượu cộng 2 tiền; Tế đền Cần Dinh (thuộc phủ Lạng Giang): trâu 1 con giá 4 quan, xôi 1 mâm giá 3 tiền, vàng giấy và hương rượu giá 2 tiền; Tế đền thần ở Quỷ môn quan (thuộc Lạng Sơn), đền Trung Vũ, đền Bờ Long (đền thờ thần núi ở cửa nam tỉnh thành Lạng Sơn), đền Bờ Duy (thờ thần núi ở Đồng Đăng - Lạng Sơn): lễ vật như đã tế ở đền Cần Dinh. Khi về, sứ bộ ta cũng tế như vậy.
Ngày nay, một bước ra máy bay, nháy mắt đến nơi rồi. Chẳng việc gì phải tế như xưa. Duy chỉ cuộc đưa tiễn này là còn có tế: Tiễn đưa người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng. Khi đưa xe tang sắp vào đến địa phận sẽ an táng người đã khuất, tất cả dừng lại và làm lễ "tế đầu trung". Ta có thể hiểu nôm na là lễ báo cáo với sơn thần, thổ địa cho người đã khuất được "định cư" tại vùng đất mới. Trước 1945, ở Quảng Nam khi có người đi xa, gia đình thường làm một mâm cáo gia tiên, thông báo ông bà biết đặng phù hộ người đi thượng lộ bình an. Tuy nhiên, cũng có khi cúng trước do chọn được ngày tốt chẳng hạn, dù hôm ấy người trong nhà chưa đi. Dù chưa đi nhưng phải đem va ly, hành lý sang gửi nhờ nhà hàng xóm, xem như người đó đã đi đúng ngày.
Loay hoay một chút, mới viết đến đây đã đến giờ đi làm. Chiều viết tiếp.
Viết tiếp vào buổi chiều: Có lẽ, bước sang thế kỷ XXI, sẽ có lúc giới học thuật nước nhà phải mất thời gian để làm lại công việc của thế kỷ XX. Nguyên do cũng do lối chép sử của ta vẫn không thoát được cách ghi chép hàng trăm năm trước. Ý kiến của sử gia Trần Trọng Kim đã cảnh báo nhưng nào có thay đổi: “Nước Việt ta khởi đầu có sử từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ 13. Từ đó trở đi, nhà nào lên làm vua cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu, nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.
Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện quan hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên chế, vẫn cho việc nhà vua là việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy”.
Đúng quá! “Nhà làm sử lại là người làm quan” mấu chốt là ở đó. Làm sao có thể khách quan? Đã thế người ta nhầm lẫn, cố tình nhầm lẫn: Sử của một tổ chức chính trị không phải là sử của một dân tộc và ngược lại. Sự nhập nhằng này xét cho cùng không phải tư duy của người nghiên cứu khoa học.
Chiều nay mưa tầm tã. Lật lại quyển Lưu bút của thời sinh viên, ngày 1.71984. Đọc thoáng thoáng, thấy hiện lên những gương mặt bạn bè. Đây là bài thơ của bạn thơ Trương Nam Hương thời sinh viên đã viết trong Lưu bút. Chép lại như một tài liệu:
Chút riêng tư
Tao lại viết những vần thơ cho mi
Thi sĩ của tình yêu, thi sĩ của những cuộc tình có chiều thành đạt
Ai biết trước ngày mai dòng đời đổi khác
Mi đến nơi nào? Tao sẽ lại về đâu?
Tao viết dòng thơ kỷ niệm mai sau
Lượm lặt đôi câu chẳng ra đầu ra cuối
Dẫu ý nghĩ nhanh hơn ngòi bút vội
Cũng chẳng bao giờ viết trọn khúc thơ thơ
Không biết mi răng, chớ tao chẳng bao giờ
Quên những ngày “hành quân” vất vả
Có lúc phủ phê, có khi đói lả
Trong đường tình không một chút dừng chân
Tao với mi đây - đó, xa - gần
Yêu cả những người hơn mình ngoài chục tuổi
Ta yêu ma soeur bởi lòng không gian dối
Trong tình yêu đâu có buổi hoàng hôn
Tình bạn đôi ta giữa mất và còn
Tao thấy nó gần nhau mi ạ
Tao không muốn quen đỡ buồn trong khuây khỏa
Sống trọn nghĩa tình, ta nâng bước nhau đi
Như sáng sớm mai về Thủ Đức để thi
Bụng đói, thương nhau, xoay tua điếu thuốc
Bốn bàn chân cùng đạp xe lên dốc
Những lúc buồn tao khẽ đọc thơ yêu
Rạp Văn Hoa… mi có nhớ buổi chiều
Không đủ tiền vào coi phim Hòn Đất
Con “xích thố” nhà mình đôi khi phải dắt
Tao động viên mình, mi cũng động viên tao
Có lúc tao vui nói chuyện ào ào
Có lúc mi buôn lặng im không nói
Dĩ nhiên một phần sáng nay mi đói
Nhưng thương nhiều vẫn cắn nhau đau
Công viên Sài Gòn họ mua cái ôm nhau
Tao với mi thì vào mua cuộc sống
Nghề nghiệp mình cần hiểu sâu, hiểu rộng
Thấy chớ đừng… ta nhắc nhở giùm nhau
Cuộc sống phô bày đôi lúc thấy mà đau
Mi chợt hỏi tao: Nghèo chính là cái nhục?
Có đồng tiền họ mua tình, hạnh phúc?
Tao chẳng trả lời ừ có, hoặc ừ không!
Beautiful Sunday trước Đại Đồng
Tao với mi đến chờ em Ngọc Tuyết
Sao tao nghèo mà tình yêu vẫn tuyệt?
Giản dị tao mời em uống quán bình dân
Tao thấy tụi mình đời là bốn mùa xuân
Dẫu đôi lúc úa mùa đông đôi chút
Đời tao, mi sẽ không là ngõ cụt
Lộng gió tâm hồn trên xa lộ thênh thang
Có phải bây giờ mùa hạ đã sang
Sao chằng thấy ve kêu, phượng nở
Kỷ niệm đi vào nỗi nhớ
Tặng bạn đời, bạn thơ nghèo khó nhà Lê
Kể cũng lạ, thời sinh viên gắn với Trương Nam Hương như hình với bóng; sau này là Đoàn Vị Thượng. Thuở còn ở trọ, thỉnh thoảng vẫn ngủ ở nhà cha mẹ của Thượng. Rồi dần dà, anh em lại ít gặp nhau. Hôm trước ở Đất Phương Nam tình cờ gặp lại Thượng. Cũng lúc mưa. Gặp lại vẫn thân thiết tình bạn của ngày mới ra trường. Thượng bảo: “Tôi ganh tỵ với Đoàn Tuấn quá?”. Tại sao? “Tại sau này ông thân với Đoàn Tuấn nhiều hơn tôi”.
Cảm động quá. Biết trả lời thế nào?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|