Ảnh phụ nữ Sài Gòn chụp thời người dân còn kiêng từ húy "dám", phải nói thành "diếm"
Không có thời gian và cũng không thật hào hứng lắm, nếu bỏ công sức tìm hiểu tên họ, bút danh, bút hiệu, tên đệm, miếu hiệu… của người Việt chắc lý thú. Nói thế, bởi đang đọc Nhân danh học Việt Nam (NXB Trẻ) của PGS - TS Lê Trung Hoa. Thật ra cuốn này, lần đầu tiên in năm 1992 có tựa Họ và tên người Việt Nam. Từ 1992 đến 2013, in lại vẫn không bổ sung gì đáng kể. Nghiêm túc nhận xét, cũng là một đóng góp tuy nhiên vẫn còn sơ sài, sơ lược, đọc không “đã” lắm. Lẽ ra tác giả còn có thể viết kỹ hơn, chu đáo hơn, đầy đủ hơn nữa. Kể ra cũng tiếc.
Tư duy của người Việt nhìn chung là ít chịu làm cái gì cho đến nơi đến chốn. Ra ngô ra khoai. Ra tấm ra miếng. Loại sách công cụ “khuôn vàng thước ngọc” dành cho người nghiên cứu đến nay vẫn chưa nhiều. Chẳng rõ các lãnh vực khác thì sao, bên văn học nghệ thuật khi cần tra cứu một thông tin “chuẩn không cần chỉnh”, sẽ tìm ở đâu? Có lẽ, thời điểm này vẫn là bộ Từ điển văn học (bộ mới) - nhiều tác giả - NXB Thế giới (2004). Thế nhưng trong đó vẫn có một vài chi tiết sai và nhất là vẫn thiếu sót không ít cây bút trước 1974 tại miền Nam. Xin nhắc lại dù muốn dù không, dòng văn học ấy cũng không thể chối bỏ, nó đã là một bộ phận hữu cơ dựng lên diện mạo văn học nước nhà trong một giai đoạn nhất định. Bỏ đi là bỏ làm sao?
Viết sai chính tả phổ biến ở nhiều người, có thể lấy đâu làm chuẩn. Tất nhiên phải Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học, nhưng hàng loạt từ mới du nhập vào lời ăn tiếng nói vẫn chưa cập nhật hóa. Rồi đọc thơ văn cổ, gặp nhiều từ cổ, tra cứu ở đâu? Ví dụ, “Triều đình ai có dám he/ Thấy thì lét mắt, gặp thì bá vương” (Thiên Nam ngữ lục), “Cho nên áo ức kén mùi/ Đỉnh ngoài đường đáp chơi bời ngâm thơ” (Truyền kỳ mạn lục) v.v…Tạm hiểu: He: Nói hay làm một điều gì đó; lét: tái xanh; áo ức: bất đắc chí; đỉnh: đủng đỉnh… Hoặc các chức vụ, tước thời trước, hiểu ra làm sao với Tả giáng nghị đại phu, Tham tri chính sự, Hành khiển, Thái sư, Thái phó v.v… Ai có thể giải thích giùm? Không ai giải thích giùm thì dựa vào sách nào tra cứu một cách hệ thống, đầy đủ?
Đành chịu.
Nếu có ai cắc cớ hỏi, vì sao giai đoạn biến động đánh nhau ì sèo giữa nhà Lê, nhà Mạc và họ Trịnh, sử gọi “Nam triều - Bắc triều”? Vì sao gọi “Đàng Trong - Đàng Ngoài”; “Nam Hà - Bắc Hà” v.v… người hiếu học có thể tra cứu ở tập sách nào? Rồi địa chí từng vùng miền, chẳng hạn, đến Huế, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Lạt, Cà Mau… quyển sách “gối đầu giường” nào có thể giúp ta hiểu rõ địa phương đó từ lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán, các tên con đường thay đổi qua năm tháng, ăn uống, sinh hoạt, giải trí, đặc sản ẩm thực…?
Rõ ràng, loại sách “công cụ” ấy ta vẫn còn thiếu nhiều lắm.
Có phải điều đó cũng phản ánh tư duy người Việt chăng? Cái gì cũng làm qua loa, đại khái, không dám đi đến cùng sự việc. Ở Sài Gòn có những thợ sửa ổ khóa thuộc loại siêu việt, bất kỳ ổ khóa nào họ cũng có thể sử lý ráo trọi. Khâm phục quá, bèn hỏi, thế ông có truyền nghề lại cho con không? Nghe câu trả lời mà giật mình, không, cái nghề này hèn kém, thu nhập ít nên khuyên nó kiếm nghề khác mau có tiền, lại có tiền nhiều hơn. Xem những bộ phim truyền hình, kinh ngạc quá, ở châu Âu đến nay vẫn còn những dòng họ, từ nhiều đời chỉ làm một nghề duy nhất: nghề làm nút chai rượu vang! Chính ngành nghề cha truyền con nối, trải qua nhiều đời vẫn giữ uy tính như lúc mới khởi nghiệp nên sản phẩm đó mặc nhiên trở thành “thương hiệu”. Người Việt có thương hiệu gì tồn tại hàng trăm năm, chỉ cần nhắc đến tên đã tạo ra sự tin cậy?
Một thời vang Đà Lạt được ưa chuộng, nay làm giả tràn lan, đứng trước quầy hàng rượu vang dù mua tại Đà Lạt nhưng cũng bị hố như con cá ngố! Chả cá Lã Vọng ngon không? Ngon chứ sao không? Ở Sài Gòn ngày trước có quán ở trong hẻm khu phía sau chợ Tân Định, cực ngon, do ăn nhiều nên biết ông chủ quán thời mới giải phóng làm báo SGGP, sau nghỉ về mở quán. Quán ngon nên đông khách. Đến lúc nhà nước mở đường xá rộng rãi, xây nhà mấy tầng cũng để mở quán. Chỉ tồn tại vài năm là tự động đóng cửa bởi con cháu làm ăn chất lượng thua xa thời ông bố! Dân Việt Nam khoái rượu. Sành rượu. Thế mà rượu Việt cũng không có “thương hiệu” nào. Các loại trứ danh như Làng Vân (Bắc Giang), Bàu Đá (Bình Định), Gò Đen (Long An), Phú Lễ (Bến Tre), Xuân Thạnh (Trà Vinh), Làng Chuồn (Huế), Kim Long (Quảng Trị)… dù mua chính nơi địa phương đó sản xuất cũng bị nhầm như thường! May quá là may, trí tuệ của các bậc làm văn hóa rất đáng kính, uyên bác kia đang lao tâm khổ tứ ngày đêm loay hoay đi tìm cái gọi “quốc hoa”, chứ đi tìm “quốc tửu” chỉ có nước bí rị!
Chiều nay mưa một trận thật lớn. Ngắm mưa sướng hơn. Chỉ thèm có một chai vang đỏ khề khà chút đỉnh cảm nhận trời đất, thiên nhiên lúc nào cũng thanh tân, tươi mới dậy thì. Dù hạnh phúc, dù bất hạnh, vẻ đẹp của thiên nhiên vẫn an ủi tâm hồn con người thủy chung nhất.
Trở lại với tên họ người Việt nữa không? Không.
Chỉ liệt kê ra vài tên húy của vua chúa người Việt thôi. Đánh giá chuyện này ra sao? Xin được học hỏi các nhà nghiên cứu chuyên sâu ngôn ngữ học, văn hóa. Nay, ngồi ngắm mưa và liệt kê thử xem sao những từ nào bị biến âm bởi quyền lực của nhà vua? Thì đây, kính/ kiếng; thành/ thiềng; câm/ kim; chu/ châu; hoàng/ huỳnh; nguyên/ ngươn; phúc/ phước; tùng/ tòng; thật/ thực; hoa/ huê; miên/ mân; khâu/ kỳ; hương/ nhang; minh/ miêng; nguyệt/ ngoạt; tự/ tợ; đảm/ đởm; thụy/ thoại; hồng/ hường; nhậm/ nhiệm; ánh/ yếng; vũ/ võ; dao/ diêu; đào/ điều; hành/ hiềng… À quên, trong Sài Gòn tạp pín lù, cụ Vương Hồng Sển có cho biết trong dân gian ở Nam bộ những năm 20 thế kỷ XX còn kiêng kỵ chữ “dám” nữa, phải nói trại thành "diếm", bởi "trùng âm với “giám, thái giám” đụng đến cái tiểu tật hay ẩn tật của ngài Tả quân họ Lê” (tr.49). Thế mới biết uy quyền của ngài Lê Văn Duyệt thời ấy kinh khiếp biết chừng nào. Không rõ, tại sao con đầu lòng trong nhà, ngoài Bắc gọi "Cả" trong khi đó, Trung Nam lại gọi theo theo tứ tự "Hai"? Có phải do kiêng tên ông Bá - đa - lộc (Avêque d'Adran) thường dược gọi Cha Cả?
Cái sự kiêng khem này chắc chắn còn nữa, ai biết bổ sung thêm.
Đọc Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, ta thấy đời vua Tự Đức 1850 có quy định, chỉ lướt qua mấy điểm chính: Những chữ húy (tên vua) theo lệ phải đổi dùng chữ khác, kẻ nào phạm đến thì đánh 100 trượng, nếu kẻ ấy là bậc cử nhân hay tú tài phải xóa tên ở sổ thi đỗ. Những chữ quốc húy mà lệ dạy phải bớt nét lại quên không bớt nét, cùng những chữ đồng âm mà lệ dạy phải đổi dùng chữ khác lại quên cứ viết thẳng chữ ấy ra đều được chiếu theo luật phạm vào chữ húy, kẻ ấy bị đánh 90 trượng v.v.. Do năm 1877, một số cử nhân thi Hội (theo thứ tự thi Hương, thi Hội, thi Đình) nhiều người phạm chữ húy “Tuyền” - tên vua Thiệu Trị nên bộ Lễ nhà Nguyễn phải bàn cách sử lý. Họ ra văn bản có nhiều điều khoản quy định khốc liệt hơn. Sai phạm trên sử lý như sau: Các ông cử nhân đó bị giảm một đẳng, đánh 90 trượng, có phẩm trật thì giáng 3 cấp đổi đi nơi xa, không có phẩm trật thì cho nộp tiền chuộc tội.
Khắt khe quá nên ông Trần Tế Xương “thi không ăn ớt thế mà cay”. À, nhờ thi rớt nên nền văn học nước nhà mới có ông Tú Xương:
Ông Nghè, ông Thám vô mây khói
Đứng lại văn chương một Tú tài
Năm 1841, Cao Bá Quát về Bộ Lễ ít lâu, ông được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Nhận thấy nhiều bài thi khá nhưng lại phạm quy trường thi vì các lỗi lặt vặt, sơ xuất nhỏ. Do không muốn người có tài bị đánh rớt, ông bàn với người bạn là Phan Nhạ lấy son hòa với muội đèn chữa lại. Chẳng may thiện ý này bị phát giác, Cao Bá Quát bị tống vào ngục. Vua Thiệu Trị giảm tội ông từ trảm quyết xuống giảo giam hậu. Giảo giam hậu nghĩa là tội nhân lẽ ra bị thắt cổ chết nhưng giảm việc thi hành, giam lại đợi lệnh.
Mà thôi, không nhắc lại nữa, trời đã sắp tạnh mưa. Chỉ biết rằng, chúng ta đã một Cao Bá Quát lừng lẫy từ sự ngiệp thơ đến tư cách làn người:
Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Mười năm giao thiệp tìm gươm báu
Một đời chỉ cúi trước hoa mai)
Kẻ sĩ thời click chuột có còn giữ được phẩm chất ấy không?
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|