LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 23.9.2013


Quái quỷ. Sắc màu quái quỷ. Như bỡn. Như đùa.

Tự nhiên thèm vẽ.

Trưa. Mưa tầm tã. Như từ trời, thác trút. Như từ trời, vỡ đê. Ngoài sân ngập nước. Nghe đâu quê nhà có bão. Ngồi trong nhà, ngước ra sân, ngó lên tường, lật ngửa hai lòng bàn tay, nhìn săm soi bỗng từ trong ngực dội lên một cảm hứng muốn vẽ quá chừng.

Lâu quá đã quên béng đi những cọ, sơn dầu, toan trắng. Quên cảm giác của người chuẩn bị lao xuống biển dù trong ý thức hoàn toàn không có một khái niệm gì về hình khối, màu sắc. Một cảm phiêu du bồng bềnh thử thách lòng gan dạ của gã làm xiếc trên chiếc đu bay không có bảo hộ. Cảm giác ấy khó có thể tìm được khi làm thơ. Cảm giác mới mẻ. Lạ lùng. Bồn chồn. Chỉ một cú nhíu mày, nghiến răng, tay cầm chặt cọ. Hồi hộp thở. Dứt khoát thở. Và quyết liệt ném xuống toan trắng trinh nữ kia những vệt màu bất chợt. Nỗi sung sướng vỡ òa ra. Thở phào nhẹ nhỏm. Như vừa nhắm mắt, lấy trớn, lấy toàn bộ sức lực để lao qua vực thẳm.

Hú vía, đã qua được bờ này.

Vẽ đi.

Ông bà mình nói: “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Nhờ có thời gian dài ngao du, đàn đúm với các anh chị họa sĩ - nhất là với Suối Hoa, con gái nhà thơ Huyền Kiêu nên từ tăm tối về hội họa cũng dần dần “sáng” ra đôi chút. Thấy họ vẽ, y cũng vẽ. Và dần dà đâm ra thích sắc màu. Vẽ như điên và cũng triển lãm chung với họ. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có thế mạnh riêng. Hội họa, là một cuộc thể nghiệm mới mà cảm xúc thơ khó có thể đem đến. Trước toan và màu, y luôn là đứa trẻ con giàu cảm xúc. Như người mù tập đi. Như đứa trẻ tập nói. Chỉ “vọc” màu sắc theo cảm nhận và hài lòng với nó.

Chơi thôi.

Chơi trong cảm giác của một người sắp lao xuống biển. Các kỹ thuật, ý tưởng chỉ  zéro nên vẽ hoàn toàn theo cảm xúc. Theo ngẫu hứng. Theo sắc màu thay đổi thiên biến vạn hóa mà bức tranh ấy rốt cuộc sẽ ra sao, như thế nào. Chẳng biết nữa. Vẽ là một cách giải bày cảm xúc. Không nhằm một toan tính gì khác. Những bức tranh trên tường đã lần lượt ra đi. Hầu hết tặng bạn bè. Họa sĩ Việt Nam nhiều người vẽ đẹp. Rất đẹp. Thế nhưng vẫn chưa có nhiều tập sách của họ viết cảm nhận về hội họa, có chăng chỉ của các danh họa Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn. Chỉ có thế? Hay còn nữa mà thư viện của y không lưu giữ được? Những tập sách này đọc lôi cuốn, ngày đọc nhẩn nha vài trang, thấy thích. Thích bởi dấu ấn cá nhân, suy tư cá nhân về hội họa, không rập khuôn theo nguyên lý, nguyên tắc của sáo mòn lý luận. Thêm một quyển sách cũng viết cực kỳ hấp dẫn: Tiếp xúc với nghệ thuật của Thái Bá Vân. Thích bởi văn phong bay bướm khi trình bày một vấn đề thuộc về lý luận. Sự uyên bác về chuyên môn được ông trình bày dễ hiểu, rõ ràng. Quái, có nhiều người lại thích diễn đạt sự dễ hiểu, rõ ràng bằng câu cú rất tù mù rối rắm. Cứ như đánh đố người đọc. Thái Bá Vân không thế. Phải còn lâu lắm, nền mỹ thuật nước nhà mới có một Thái Bá Vân nữa. Nhìn ra ngoài trời vẫn lai rai mưa. Sao không lật hú họa lật vài trang? Thử đọc:

“Lịch sử và lịch sử nghệ thuật rất khác nhau ở một điểm là: lịch sử nghiên cứu và phán xét cái gì đã qua, còn lịch sử nghệ thuật thì nghiên cứu và phán xét cái gì còn ở lại.

Trên bàn viết của lịch sử là những con người, những triều đại, những nền văn minh đã đi. Nhưng trên bàn viết của lịch sử nghệ thuật là một đời sống thẩm mỹ còn lại. Nền văn minh nguyên thủy trồng lúa nước đã đi qua, nhưng nghệ thuật Đông Sơn thì vẫn còn đấy. Chế độ phong kiến đã chết, nhưng tranh làng Hồ và điêu khắc đình làng vẫn thờ.

Đó là cánh cửa ưu quyền mở cho các nhà lịch sử nghệ thuật, không phải để nhìn các tác phẩm như người ta nhìn ra hoa cỏ và mộ chí ở nghĩa trang mà là để vin vào Cái Đẹp, do con người làm ra, rồi vui vẻ đứng lên, bước tiếp vào cuộc sống”.

"Bước tiếp vào cuộc sống". Đúng thế, mọi giá trị, mọi lý luận từ cổ xưa, từ truyền thống đến hiện đại nếu không phục vụ cho cuộc sống hiện tại thì chẳng là gì. Tổng thống Mỹ Abraham Linconln đã nói được câu này, ghê gớm làm sao cho một tư duy đã nhìn ra quy luật của biện chứng: “Những giáo lý của thời quá khứ phẳng lặng không còn thích hợp với hiện tại đầy giông tố nữa. Chúng ta phải suy nghĩ và hành động theo một lối mới”.

Đêm. Mưa rả rích. Một cảm giác quạnh hiu. Đơn độc. Vùi đầu vào trang sách mãi cũng chán. Gấp sách. Và vẽ. Một không gian riêng biệt tạo dựng dưới mái nhà. Ở đó, có một gã mù đang lao nhanh trên đường cao tốc. Đang rú ga. Phóng xe bạt mạng ngoài xa lộ. Có một tay mơ dù không biết bơi nhưng dám cắm đầu xuống vực sâu đang cuồn cuộn sóng dữ. Y vẽ. Những màu sắc ném tung tóe lên toan. Những nhát cọ lướt ngon. Những đường bay sắc lẹm. Y vẽ. Như học tập đứa trẻ đứng trên đỉnh núi cất lên tiếng hú u oa của thuở mới lọt lòng. Như bắt chước đứa trẻ lang thang cỏ nội hương đồng thả vút cánh diều giữa chiều giông bão. Vẽ là một cách giết thời gian nhanh nhất. Cảm hứng tràn trề ùa đến. Dẫn đi. Đi đâu? Chẳng rõ. Mà cần gì phải nghĩ ngợi. Vẽ là dành toàn tâm toàn ý trong phạm vi khung vải đang đặt trên giá, đang phơi bày dưới nền nhà.

Nhà thơ, nhà văn viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ (1948-1986) đã có lần tâm sự, đại khái: “Khi viết đến vở kịch thứ mười thì tôi đã nắm gọn trong tay mọi kỹ thuật, kỹ xảo để xây dựng hoàn chỉnh một vở kịch. Nhưng khi đã viết đến bài thơ thứ một trăm thì tôi vẫn không biết phải mở đầu và kết thúc như thế nào hoặc đánh giá thế nào là một bài thơ hay”. Vẽ cũng vậy thôi. Khó có thể nói trước sẽ vẽ cái gì. Vẽ thế nào. Đang muốn vẽ A, dần dà lại ngược qua B và cuối cùng đến xuôi tận Z. Cảm giác lúc buông cọ? Thở phào. Nhẹ nhỏm. Tưởng chừng vừa đội đá vá trời. Sống sót sau cuộc lữ hành vượt qua sa mạc. Lúc ấy, rông rênh. Rã rệu. Như với một người đàn bà. Ân ái với hoa. Làm tình với lửa. Vừa xong. Hồn chưa kịp về với xác. Thân xác rỗng không.

Hồn thơ gió cuốn bay vèo

Lấm lem cát bụi lộn lèo bến sông

Tưởng chừng bắt gặp hư không

Tâm thần vắt kiệt từng dòng phun ra

Chập chờn rờn rợn thịt da

Như xuân nữ hóa đàn bà phút giây

Hồn thơ cầm gọn trong tay

Mở ra đã thấy hao gầy nhân duyên

Vậy đó, sau vài giờ đồng hồ ngồi vẽ tưởng đã có thể ngủ yên với tranh đã vẽ. Nhắm mắt lại. Định tâm. Thở sâu. Chỉ một giây sau, mở mắt. Con mắt ném ngay cái nhìn vào bức tranh. Đột nhiên cười ngặt ngẽo: “Ủa? Ròng rã cả đêm chỉ thế này ư?”. Tranh xấu không thể tưởng. Xấu đến độ ma chê quỷ hờn. Không một chút bối rối. Xóa toẹt. Không nương tay. Không thương tiếc. Lại vẽ. Lại quay về điểm xuất phát. Đi lại những bước đầu tiên. Cảm hứng vẫn tươi ngon như lúc ban dầu. Y vẽ. Vẽ theo gì mình thích. Kinh tởm nhất vẫn là tranh sao chép. Dù có chép đúng y chang từng hạt bụi, từng sợi ánh sáng, từng mảng linh hồn nhưng vẫn vô hồn. Thích xem một bức tranh của đứa trẻ mẫu giáo hơn là nhìn bản sao cả một kiệt tác. Ai cũng vẽ được, nếu muốn, nếu ý thức rằng, tự mình nghĩ đẹp là đẹp chứ không kỳ vọng người khác cũng nhìn thấy đẹp như con mắt của mình đã thấy đẹp.

Có lẽ Tản Đà là nhà thơ trước nhất đã vẽ tranh. Trên báo Tao Đàn in năm 1939, nhà văn Nguyễn Công Hoa có kể câu chuyện xẩy ra vào khoảng năm 1913 hay 1914 gì đó nhân có cuộc “đấu xảo” tổ chức tại Hà Nội, thi sĩ Thề non nước đã dùng mực nho vẽ trên giấy tàu bạch một cành lan và trên có con cóc. Phía dưới bức tranh này có đề ba câu thơ lâm li:

Con cóc mà đậu cành lan

Cành ngô con phượng thế gian đã thường

Có ai thương cóc thì thương

Cha đẻ Kép Tư Bền kể tiếp: “Cửa nhà đấu xảo mở, tôi hăm hở tối nào cũng chen vào. Tôi sục sạo hết sức mà không thấy bức vẽ con cóc cành lan đâu cả. Sau hết, đến lần thứ tư, tôi mới tình cờ tìm ra. Mà không phải tôi nhận được nó vì thấy tranh con cóc cành lan, nhưng là do mấy câu thơ lục bát tôi thuộc lòng. Người ta bày nó ở một xó, xó tối, hình như ở chỗ để cất những cái bẩn đi cho khuất vậy. Bức tranh ấy có đóng khung, lồng kính, treo ở tường, nhưng hai cái đinh đỡ dưới thì tụt một. Tôi ngắm mãi mà không tài nào nhận ra đâu là cóc, đâu là lan, vì nó chỉ nhòe nhoẹt những mực chỗ thẫm chổ nhạt. Kết cục sự ngắm nghía là tôi không thể nhịn cười được”.

Đúng thế, xem tranh của nhiều nhà thơ mê mải vẽ, biết đâu cũng có nhiều người “không thể nhịn cười được”. Mà cũng chẳng sao. Vẽ để thỏa mãn một nhu cầu tự thân. Cho mình. Chính mình. Chứ không vì ai khác. Vậy tại sao lại bị chi phối bởi khen chê của người khác? Đêm qua, ngốn hết một đêm dài vào tranh vẽ. Rồi hài lòng. Cẩn thận treo lên tường. Tranh đẹp quá. Vì thế, giấc ngủ nhiều mộng đẹp. Cỡ các danh họa cũng chỉ vẽ đến thế. Kiêu căng chưa? Tự mãn chưa? Tự mình khen mình cho nó sướng bởi cả đêm vật lộn hùng hục với màu sắc đến đứ đừ đư thân xác. Mình khen mình là sự tỉnh táo, khó chết. Dễ chết nhất là sự ngộ độc bởi lời khen vô tội vạ của kẻ khác.

Sáng nay, trước lúc xuống giường, đã nghĩ bước chân đầu tiên trong ngày là đến xem lại bức tranh đã vẽ. Đã vẽ đêm qua. Ắt hài lòng. Ắt toe toét cười. Sung sướng. Vẽ tranh còn có cái thú đó. Thích xem lại tranh vừa vẽ xong. Mỗi lần xem, tự mình gật gù. Ngó tới, ngắm lui. Chà, nét vẽ thần sầu quỷ khốc. Sáng nay, sẽ có cảm giác ấy đấy chứ? Thật không? Vừa ngước nhìn tranh bỗng một tiếng nói dội đến: “Ủa? Ròng rã cả đêm chỉ thế này ư?”. Thất vọng não nùng. Cảm hứng tụt dốc. Bong bóng xì hơi. Chìm nghỉm. Thẩn thờ. Chỉ giây lát thôi. Lại vẽ. Ngốn mất luôn cả buổi sáng đầu tuần.

Quái quỷ. Sắc màu quái quỷ. Như bỡn. Như đùa.

 

ngnanamao-maio

 

Đến cơ quan họp thi đua quý. Tranh thủ đọc mấy tờ báo. Thời sự văn hóa, hầu như báo nào cũng đưa tin về Giải thưởng Sách hay 2013 do Viện IRED và một nhóm trí thức tổ chức. Nhìn chung chỉ có tờ TT&VH, nhà báo Trần Hoàng Nhân phản biện: “Nhiều băn khoăn về giải Sách hay”. Có chi tiết cần chú ý: “Nhìn vào danh sách những cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ đoạt giải thưởng này sẽ thấy đa phần là sách dịch. Có thể kể ở lĩnh vực “nghiên cứu” có cuốn: Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 do Nguyễn Nghị dịch của tác giả nước ngoài; lĩnh vực “giáo dục” có: 7 tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai do Nguyễn Hồi Thủ dịch; lĩnh vực “kinh tế” có Tại sao các quốc gia thất bại do một nhóm dịch giả tiến hành…; Tệ hại hơn, trong các mùa giải trước, ở lĩnh vực “quản trị”, nhận giải cũng toàn sách dịch, lần này là cuốn Chiến lược đại dương xanh do Phương Thúy dịch…

Điều đáng nói là tất cả các cuốn sách dịch vừa nêu đều là sách cũ được in bằng tiếng Việt từ nhiều năm trước khi nhận giải thưởng Sách hay 2013. Ngay cả các cuốn sách do người Việt viết cũng là sách cũ. Ví dụ: Thần, Người và Đất Việt của nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường do NXB Văn hóa Thông tin in nhiều năm trước đây; hay như cuốn truyện thiếu nhi Những giọt mực của nhà văn Lê Tất Điều do NXB Văn hóa Văn nghệ và Phương Nam Book liên kết ấn hành cũng là quá cũ…

Mọi giá trị đã được khẳng định qua thời gian thì mặc nhiên tồn tại và hiển nhiên được con người đón nhận bất kể thăng trầm số phận của tác phẩm đó. Nhưng như đã nói ở trên, các tác phẩm được nhận giải Sách hay trong các mùa giải qua đều là những cuốn sách đã khẳng định giá trị qua thời gian. Như vậy, đến hơn một thập kỷ thứ nhất của thế kỷ 21, thêm một giải thưởng cho các giá trị đã xác định theo thời gian để làm gì nữa?”. Và đúng như bài báo này nhận xét: “Những cuốn sách đã khẳng định giá trị thời gian hay thời cuộc của mình, thì cuốn sách đó đã làm xong số phận của mình rồi!”

Sự phản biện này không thừa.

Lẽ ra Giải thưởng Sách hay 2013, phải là sách ấn hành trong năm đó? Nếu lựa chọn những giá trị cũ, liệu có là tác động tích cực tạo "cú hích” kịp thời cho ngành xuất bản?  Mà thôi, ban giám khảo nào, ban tổ chức nào thì sẽ có kết quả đó. Nếu y, chắc chắn trong danh sách phải có cuốn này, cuốn kia, chẳng hạn Ngàn năm áo mũ (NXN Trí Thức) của Trần Quang Đức - một công trình nghiên cứu công phu và đầy tham vọng với mục đích dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian trong khoảng một nghìn năm từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945). Nói như thế, để thấy cuộc thi nào, cuộc trao giải nào cũng vậy. Chỉ có tính tương đối. Vấn đề là nhìn vào mục đích của nó. Mục đích của trao giải Sách hay hằng năm này rất cần biểu dương bởi từ đó, chắc chắn sẽ góp phần khơi dậy văn hóa đọc. Vậy tốt quá.

Chiều nay làm gì?

Y hỏi y nhưng chưa nghe câu trả lời.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment