LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 22.9.2013

 

Có những lúc ban đầu định kế hoạch thế này, cuối cùng lại thế kia. Sáng nay, vẫn phở với T.H.Nhân. Trời mưa lất phất lơ phơ, tạo cảm giác phở ngon hơn mọi ngày. Hai anh em, mỗi người một xe sẽ đến khách sạn Rex tham dự công bố Giải thưởng Sách hay 2013. Trên đường đi, tạt ngang qua nhà thờ Đức Bà, xuôi về trung tâm Q.1. Chợt đổi ý. Bởi trời đổ mưa. Mưa nặng hạt như suối nguồn từ trời cao ập xuống. Một cảm giác mát lạnh. Mưa chạm vào mắt môi. Vui như trẻ con. Ngày chủ nhật. Đường phố vắng hơn mọi ngày. Tự nhiên trong lòng thấy vui. Những nam thanh nữ tú khoác vai nép mái hiên. Cười nói ồn ào. Ngược xuôi vẫn xe. Vẫn mưa. Không nhìn thấy một cái ô (dù) nào trong mưa. Ô hay, đã lâu mới thoát khỏi công việc, hiên ngang bước ra khỏi nhà vào ngày chủ nhật, vậy mà.

Vậy mà cái gì?

Vậy mà lại tiếp tục chui vào căn phòng máy lạnh với những lễ nghi, những chào hỏi, những bắt tay, những lời thăm hỏi. Những bức tường. Những trang sách. Những âm thanh đã nghe mỗi ngày. Những đau đáu phải suy nghĩ mỗi ngày. Ôi! Mệt. Lúc này, trời đang mưa. Mưa xanh. Mưa tím. Mưa hồng. Nhiều sắc màu. Những vòm cây xào xạc trên từng lá biếc. Lá nõn. Lá thơm. Và em đang thấp thoáng đâu đó trong trí nhớ của những ngày rượu đỏ sóng sánh ly pha lê trắng muốt ngón tay cầm thơm mùa mận chín.

Mỗi ngày một mới lạ thêm

Mặt trời lên đặng ngắm em mỗi ngày

Mỗi ngày ngày một ngày hai

Một tôi hai bóng bởi đầy bóng em

Ủa? Sao lại không tận hưởng lấy giây phút này? Tận hưởng bằng những vòng bánh xe lăn trên phố không định trước. Đi đâu về đâu trong sáng nay? Chẳng biết nữa. Nhưng ngay lúc này. Ngay bây giờ đang có giây phút thật sự bình yên. Tận hưởng đi. Cần gì phải đợi lúc “ngựa hồng đã mỏi vó” (Trịnh Công Sơn)? Đợi gì nữa? Chẳng lẽ đợi như lúc nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rời khỏi quan trường, trở về Huế mới có thể nhẹ nhàng thốt lên:

Bây giờ là lúc có thể chia tay với điện thoại để bàn, các vi-dít, nắm đấm mi-crô

Tự do lên mạng với đời sống, ăn ngủ với bụi đường

Một mình một ba-lô và xe đạp

Bây giờ gió gọi anh đi

Cần quái gì phải đợi đến ngày ấy. Nghĩ thế, thay vì vào Rex lại quay xe đi về hướng sông Sài Gòn. Đi chậm và nhìn mưa lướt qua mặt. Xòe tay lau mặt. Những giọt nước mưa ngọt lành. Vậy mà lâu nay đã quên. Đã xa. Thế là, cứ phóng xe đi trong mưa. Buổi sáng. Sáng đẹp như mơ. Không một ai nhắn tin. Không một ai gọi điện thoại. Chỉ có mưa réo gọi phải đi. Đi trong phố và nhớ một người. Một cảm giác của tuổi trẻ hừng hực men say của một ngày không bận rộn. Ngang qua khách sạn Continental sực nhớ ngày 20.9 tại đây có một sự kiện liên quan đến nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn:

 

ban-dong

 

Một tấm bảng đồng được gắn tại căn phòng 307, lầu 2 của khách sạn này. Nội dung dịch ra tiếng Việt (ảnh): “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Khách sạn Continental Sài Gòn, trước đây có tên gọi là Continental Palace, từng là trụ sở của các tạp chí danh tiếng Time và Newsweek. Với sứ mệnh là một nhà tình báo chiến lược, Tướng Phạm Xuân Ẩn, đã đi học báo chí ở Mỹ, và sau đó là nhà báo chính thức của hãng tin Reuters, Tạp chí Time và New York Herald Tribune, đã từng hoạt động tại đây cho đến ngày 30/4/1975”. Người biên soạn văn bản trên là nhà nghiên cứu người Mỹ Larry Berman, tác giả cuốn sách Điệp viên hoàn hảo X6.

Có lẽ chỉ dừng tại đó vẫn chưa đủ. Đừng quên một sự kiện khác cũng cần được lưu giữ lại, cũng tại lầu 2. Trong Du lịch của người câm, khi y sang Hà Lan, đến khách sạn De Wereld: “Một thói quen của sự liên tưởng đã khiến tôi sực nhớ về khách sạn Continental ở Sài Gòn. Nơi nhà văn tiến bộ Anh Graham Greene đã viết tác phẩm nổi tiếng The quiet American (Người Mỹ trầm lặng). Ông đã đến Việt Nam lần đầu khoảng năm 1942-1943, sau đó còn quay lại khoảng năm 1951 -1953. Thời gian này, ông đã ở khách sạn Continental và đã viết tác phẩm nổi tiếng trên tại phòng 214 (lầu 2). Căn phòng này được cấu trúc nằm ở góc nhìn ra Nhà hát Lớn và đường Đồng Khởi. Sau một phần tư thế kỷ viết The quiet American, ông đã phát biểu: “Tôi đã đến Việt Nam vì đã yêu đất nước đó. Tôi đã yêu ngay tức khắc từ khi đến đó lần đầu”. Vào khoảng thập niên 1960, nhiều người yêu thích tác phẩm này đã đến khách sạn Continental để đoán già đoán non ai là nguyên mẫu của nhân vật Phượng? Và gần đây, năm 2002, nó được Hãng phim Giải phóng hợp tác với nước ngoài dựng thành phim. Nếu khôn khéo, ta cũng có thể học tập được như người Hà Lan đang kinh doanh khách sạn De Wereld chăng? Bằng tư duy của nhà thơ, kẻ luôn thất bại trên thương trường, khó có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi trộm nghĩ nếu phục hồi nguyên trạng căn phòng mà nhà văn đã ở thì ít nhiều cũng đạt hiệu quả về quảng bá “thương hiệu” Continental và kinh doanh?”

Lan man thế thôi. Chẳng phải nghĩ gì thêm. Trời đang mưa. Hình ảnh những thanh niên khỏe khoắn trên đường phố đã gợi một tình cảm mới. Một hình ảnh mới. Mấy hôm nay, trên mạng truyền thông ồn ào về vụ Huyền Chip - một cô bé 21 tuổi đã vác ba lô lang thang qua nhiều nước. Và viết luôn tập sách Vác ba lô lên và đi. Hoan hô tuổi trẻ. Dám đi. Dám thể nghiệm cảm hứng đầu đời. Nhiều người nghi ngờ chuyện này không thể xẩy ra với một cô nhóc. Sau đó, cô có đưa ra vi - sa đã chứng minh đã đến 25 nước. Dám đi là “ngon” rồi. Cứ nhìn Tây ba lô đi, nghĩ gì? Khâm phục quá đi chứ. Chỉ vác ba lô, ít xu trong túi là họ lên đường. Hình ảnh tuổi trẻ đẹp nhất là lúc rồi khỏi mái ấm, lên đường. Đến một xứ sở mới và mở rộng một tầm nhìn. Nếu không có phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu khởi xướng, liệu trước 1945 có hình thành một thế hệ trí thức mới? Diễn thuyết chủ đề Lý tưởng của thanh niên An Nam đêm 15.10.1923 tại Sài Gòn, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, năm đó 25 tuổi đã kêu gọi: “Các bạn trẻ! Chúng ta hãy bỏ cha mẹ ra đi, phải xa lánh gia đình chúng ta, thoát khỏi xã hội chúng ta ngày nay, phải lìa xa xứ sở. Phải dấn thân vào cuộc sống đấu tranh, để khơi dậy nguồn sinh lực còn tồn đọng trong ta”. Đi là học. Đi để thấy nỗi nhục mình còn thua kém người ta. Đi để thắp lên một khát vọng lành mạnh cho cộng đồng mà Nguyễn An Ninh đã kỳ vọng: “Hãy tôn sùng những ai đã dùng tài năng hay thiên phú của mình mà tự nâng vị trí của dân tộc ta trên thế giới, và những ai đã đóng góp vào việc cải thiện điều kiện sống cho dân tộc chúng ta”. Lời kêu gọi này vẫn ý nghĩa thời sự đấy chứ? Ít ra, đối thoại với bạn trẻ có tư duy ấy vẫn hào hứng hơn. Bởi ở nhiều người trẻ hiện nay, phần lớn chỉ nghĩ rặt những tính toán cỏn con. Phải quan hệ thế này với anh  Ba này, ông Tư kia, cô Năm kìa, chú Sáu nọ. Phải tạm thời ngồi vị trí kia. Phải thế này, phải thế kia thì mới co thể leo lên vị trí nọ. Nghe rất mệt. Mệt với câu thành ngữ mới: "Mười năm phấn đấu không bằng cơ cấu một lần". Tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ, phương ngữ ra đời từ hiện thực xã hội, là kinh nghiệm sống mà nhân dân đã đúc kết lại và truyền từ đời này sang đời nọ. Đã "cơ cấu" thì những tiêu chí, nguyên tắc đặt ra trước đó không còn là yếu tố quyết định nữa.

Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp

Giấc mơ con đè nát cuộc đời con

Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp

Một mái nhà yêu rủ bóng xuống tâm hồn

(Chế Lan Viên)

Tư duy ấy, vẫn còn phổ biến? Nếu còn, khó có thể tin cậy và kỳ vọng một điều gì lớn lao hơn, ở những người trẻ tuổi. Mấy hôm nay, Sài Gòn mưa lớn. Kỳ lạ, nếu Sài Gòn mưa to gió lớn là nơi nào đó trên đất nước mình có bão. Vậy mà, dân Sài Gòn vẫn bình chân như vại. Ô hay! Vậy còn đâu tính cách của người Sài Gòn? Còn nhớ, trước đây chừng mươi năm tinh thần “lá lành đùm lá rách” trong mỗi người dân Sài Gòn mạnh mẽ, nhiệt tình, kịp thời hơn bây giờ nhiều lắm. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật. Trong đó, có một phần tích cực của báo chí. Báo chí kêu gọi xã hội đóng góp, rồi trực tiếp vận chuyển hàng hóa cứu trợ đến tận nơi. Từ vùng bão lụt, họ viết bài tường thuật. Những bài báo nóng hổi thông tin chân thực đã tác động ghê gớm đến tình cảm mỗi người. Qua đó, một nơi có lũ lụt thiên tai là cả nước biết, cả nước chung tay. Vẫn còn nhớ các chị, các mẹ tiểu thương chợ Bến Thành, Bà Chiểu, Tân Bình.... lũ lượt đến báo P.N đóng góp  gạo, mì tôm, quần áo cũ... rồi đóng góp cẩn thận cho anh em nhà báo trước lúc đến vùng bão lụt. Hình ảnh đẹp và cảm động của tình người "bầu ơi thương lấy bí cùng"...

Bây giờ đã khác.

Phải quy hàng cứu trợ về một đầu mối, sau đó người ta phân phát đi. Phân phát với suy nghĩ của một công chức làm tròn nhiệm vụ chứ không phải là sự dấn thân. Một bất cập hiển nhiên đã rõ: Không phải cơ quan nhà nước nào cũng có thể làm công tác từ thiện. Thời gian qua, đã có nhiều vụ việc đau lòng, chẳng hạn, gạo chở đến vùng cứu trợ nhưng lại không đến tay người dân. Gạo ẩm mốc chất đầy  trong kho! Vô lý chưa? Tàn nhẫn chưa? Rồi lại các lý trưởng, quan xã cắt xén hoặc chỉ ban phát cho ruột rà v.v… Nghe mà rầu thúi ruột.

Ngoài trời vẫn mưa.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment