LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 17.9.2013

 

Mấy hôm nay nằm đọc lại TTC, đọc lai rai chút đỉnh đặng viết tham luận chủ đề: “Sự đóng góp của TTC trong lãnh vực báo chí, văn học và hội họa trong 30 năm qua”. Sẽ tổ chức vào ngày 5.12.2013 tại báo TT. Cũng đọc luôn Thông báo Hán Nôm học năm 2010 - 2011. Bởi đang quan tâm về vụ tên húy của vua chúa Việt Nam nên đọc ngay bài khảo cứu của ông Nguyễn Khắc Bảo (Hội Ngôn ngữ học Việt Nam). Lâu nay, các nhà nghiên vẫn chưa có kết luận thống nhất thi hào dân tộc Nguyễn Du đã sáng tác Truyện Kiều vào năm nào? Ông Bảo tìm ra một bản Kiều Nôm cổ đã in những chữ phạm húy vua Gia Long vì dám dùng chữ "Chủng" (tên vua hồi nhỏ) để ghi âm chữ "Giống" trong câu Kiều 853 "Tuồng chi là giống hôi tanh" và câu 1728 "Diếc rằng: Những giống bơ thờ quen thân". Đã thế, còn phạm húy cả chữ Lan (tên mẹ cả của vua Gia Long) trong câu 1310 "Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa"; câu 1988 "So vào với thiếp Lan Đình nào thua". Từ đó, ông kết luận: "Chúng tôi tin rằng thời gian thích hợp nhất để Nguyễn Du viết Truyện Kiều là khoảng (1796-1801) tức vào thời Tây Sơn" (tr.37). Thú vị chưa? Thú vị quá nên đọc mải mê. Vì thế, nhận nhiều tin nhắn: “Nhật ký đâu anh?”.

Thì đây.

Những ngày hôm nay vẫn thế. Vẫn nhẹ nhàng trôi qua. Vẫn thói quen đã công thức. Đã lập trình. Vẫn giờ nào việc nấy. Đã lâu rồi không có niềm vui cho ngày cuối tuần. Một chỗ ngồi. Một rượu đỏ. Một không gian riêng biệt nhìn xuống dòng sông Sài Gòn. Sắp rồi. Thời gian qua nhanh. Sáng nay, trên đường vào cơ quan, nghĩ lẩn thẩn rằng, nếu ai làm một công trình nghiên cứu, đại loại, ở Việt Nam hiện nay một người gọi là trẻ khi họ ở độ tuổi nào?

Thời trước, 20 tuổi gọi trẻ, nay gọi trẻ con? Còn nhớ, hồi giữa tháng 8.1998 lúc diễn ra Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức, “nhà văn trẻ” được quy định là những ai sinh sau ngày 1.1.1963 - tính ra lứa tuổi trung bình là tuổi 35.

Trong văn học nghệ thuật thế kỷ trước, tinh hoa phát tiết ở lứa trẻ chắc nhiều hơn hiện nay chăng? Thử đưa ra vài ví dụ, tập thơ Từ ấy của Tố Hữu ấn hành năm 26 tuổi. Nhiều nhà phê bình cho rằng, Lửa thiêng là tập thơ toàn bích nhất của phong trào Thơ Mới, năm đó Huy Cận 21 tuổi. Những câu tuyệt bút: “Yêu là chết trong lòng một ít” trong tập Thơ thơ (1938), năm đó Xuân Diệu cũng mới 21 tuổi. Lỡ bước sang ngang  (1940) của Nguyễn Bính xuất bản năm 22 tuổi. Thế Lữ năm 28 tuổi đã có Mấy vần thơ (1935) và trở thành ngọn cờ đầu của phong trào Thơ mới. Anh Thơ có Bức tranh quê (1941)  lúc 20 tuổi, Chế Lan Viên với Điêu tàn (1937) lúc tròn I7 xuân…

Thời đó, họ trẻ hay già trước tuổi? Tập thơ Tiếng thu của Lưu Trong Lư in năm 1939, lúc đó ông mới 27 tuổi nhưng đã thấy:

Lòng anh đã rời rụng

Trên sông ngày tàn rơi

Năm 24 tuổi, Nguyễn Bính thở than:

Hai mươi bốn tuổi trên đầu

Hai mươi bốn tuổi qua cầu lệ rơi

Là xong hết nửa kiếp người

Là xong hết cả quãng đời thơ ngây...

Mới ngoài 20 nhưng họ đã thấy già lắm rồi, đã "nửa kiếp người"! Tương tự, Nam Cao năm 24 tuổi có truyện ngắn xuất sắc Chí phèo (1941), Nguyễn Công Hoan 20 tuổi có Kiếp hồng nhan, Nguyên Hồng 19 tuổi có Bỉ vỏ, Hoài Thanh 27 tuổi có Văn chương và hành động (viết chung với Lê Tràng Kiều và Lưu Trọng Lư) vừa in xong, bị tịch thu! Tô Hoài 21 tuổi có Dế mèn phiêu lưu ký hoặc Vũ Trọng Phụng chỉ sống 27 năm trên trần gian này nhưng đã tạo ra một sự nghiệp vững chắc là năm 19 tuổi đã có vở kịch gây chấn động dư luận Không một tiếng vang; năm 21 tuổi có phóng sự Cặm bẩy người v.v… hoặc Bùi Hiển năm 21 tuổi có Nằm vạ (1941)…

Thế hệ sau, có thể nhắc đến Anh Đức có Một chuyện ghi chép ở bệnh viện năm 24 tuổi, Nguyễn Khải có Xây dựng năm 21 tuổi, Vũ Tú Nam 21 tuổi có Bên đường 12, Nguyên Ngọc 23 tuổi có Đất nước đứng lên, Vũ Huy Tâm 25 tuổi có Vùng mỏ… Chúng ta có thể dẫn chứng thêm nhiều nữa để thấy rằng trước đây các tác gia Việt Nam thành danh rất sớm. Dù vẫn biết, không thể lấy tuổi tác để khẳng định giá trị tác phẩm nhưng quả thật thời đó người ta "thành danh" lúc còn rất trẻ. Không riêng gì văn học, các lãnh vực khác cũng thế.

Thế hệ đó “già trước tuổi” chăng?

Không, thế hệ đó “chín sớm”.

Thế hệ hiện nay đang “chín muộn”. Hiện nay, nhìn vào hệ thống chính quyền nhà nước, khó có thể tìm ra những người dưới 30 có thể giữ những vị trí chủ chốt. Trên những điễn đàn, hội nghị bàn chuyện tầm cỡ quốc gia đại sự cũng khó nhận thấy những gương mặt trẻ.

Chợt nghĩ lan man về trường hợp một nhóm bạn tuổi teen quỳ xuống, kính cẩn hôn chiếc ghế của ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi, trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội. Họ trẻ hay trẻ con? Chợt nghĩ lúc hàng ngàn các bạn trẻ rầm rộ, hào hứng, chen lấn, hò reo, căng băng ron tại sân bay, ầm ĩ chào đón Omar - một thanh niên không có tài năng gì ngoài biệt danh “trai đẹp”. Họ trẻ hay trẻ con? Chỉ có thể trả lời, họ “chín muộn”. Nói như thế không phải trách móc, cười ruồi cái trò nhố nhăng ấy vào mặt họ.

Không, trò bỉ ổi nhất của người lớn là đã lợi dụng tuổi trẻ. Thời buổi nào cũng vậy. Tuổi trẻ luôn cô đơn. Tuổi trẻ dễ bị khích động. Tuổi trẻ thèm đám đông. Tuổi trẻ có tâm lý bầy đàn. Vấn đề đặt ra người lớn có đủ tư cách, trách nhiệm, lòng tốt hướng dẫn tuổi trẻ? Đặt câu hỏi này, chẳng khác gì trong ngày nắng hạn ngồi ngáp dài, ủa sao chẳng thấy mưa? Cái gốc, cái cốt lõi nhất vẫn là hệ thống giáo dục. Hệ thống đó đào tạo tuổi trẻ theo mô hình, chiều hướng nào? Một câu hỏi ai cũng trả lời được nhưng rồi đâu lại vào đó. Nhà văn Hoàng Ngọc Hiến có câu nói cửa miệng rất trứ danh: “Cái nước mình nó thế”.

Mà có riêng gì lãnh vực giáo dục, ở đâu người ta cũng có thể thốt lên câu slogan của ông Hiến.

Thử nhìn qua một lãnh vực khác. Rằng, ròng rã mấy mươi năm nay, thiên hạ kêu trời, kêu trời như bộng bởi con cháu Tần Thủy Hoàng tung đòn quá độc. Tạm liệt kê: Chúng nó đổ xô tìm mua chuối với giá cao ngất ngưỡng nên cả huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) hè nhau đi trồng chuối! Đùng một cái đến mùa thu hoạch chúng nó mất hút con mẹ hàng lươn! Rồi thị trường dừa trái ở Bến Tre cũng được con cháu Sầm Nghi Đống thu mua tất tần tật khiến ngành chế biến dừa của ta có nguy cơ ngồi chơi xơi nước - vì thiếu nguyên liệu sản xuất! Đã thế, con cháu Tôn Sĩ Nghị còn lặn lội xuống tận Bạc Liêu ồ ạt thu mua tôm, kể cả tôm có bơm tạp chất cũng mua tuốt tuồn tuột! Chưa hết, hậu duệ Ô Mã Nhi còn mò đến Vĩnh Long thu mua khoai giá cao khiến nông dân bỏ lúa trồng khoai! Ố dào! Những chuyện này chẳng có gì mới! Trước đây, hậu duệ Hốt Tất Liệt cũng tìm mua những thứ còn oái oăm hơn như móng trâu, thớt gỗ nghiến, rễ hồi, rau ngô non… đã để lại biết bao bài học chua xót rồi! Mà dân mình có “rút kinh nghiệm” gì đâu! Mới đây, ngày 13.9.2013 báo Công lý - cơ quan ngôn luận của Tòa án Nhân dân Tối cao đăng phóng sự hiện nay ở Tây nguyên “Thương lái Trung Quốc lại giở trò ào ạt mua cột nhà, cọc rào, trụ tiêu của người dân”.

Đọc mà đau điếng!

Đau nhất là đất nước mình đã hoàn chỉnh hệ ban ngành, đoàn thể các cấp. Vậy tại sao không cơ quan chức năng nào có trách nhiệm và kịp thời giải thích, hướng dẫn người bà con nông dân cách đối phó? Thế vai trò đoàn thể ở đâu? Hỏi, bởi hệ thống đoàn thể của ta đã hoàn chỉnh, chằng chịt một mạng lưới chỉnh chu. Đâu ra đó. Này nhá, ở địa phương cấp thấp nhất có tổ dân phố, công an khu vực, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, chi bộ khu phố, tổ dân phòng... Vậy mà. Cái tặc lưỡi “vậy mà” này còn nhiều lắm lắm. Nhìn đâu cũng thấy. Cũng buồn. Chẳng giải thích, bàn luận nữa. Ai cũng biết tỏng cả rồi. Rồi lại ngó lên trời mà rằng: “Cái nước mình nó thế”.

 

TANDA

 

Nó thế! Nó thế! Khiếp! Nghe vô tích sự quá. Thôi thì, bàn qua chuyện thơ có vui hơn không? Chắc là vui. Tản Đà viết bài thơ Mậu Thìn xuân cảm vào sáng ngày mồng Một tết Mậu Thìn (1928) tại Xóm Gà (Gia Định - Sài Gòn). Bài thơ thất ngôn bát cú nhưng chỉ có 6 câu, không rõ vì sao Tản Đà lại bỏ khuyết:

Cuộc thế xoay quanh đất một hòn

Sông chưa cạn đó, núi chưa mòn

Dân hai nhăm triệu, ai người lớn?

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con

Cám cảnh khói mây mờ mặt biển

Lo đời sương tuyết bạc đầu non.

Nếu chọn lấy 2 câu hay nhất, ý nghĩa nhất thì chọn thế nào?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment