LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 8.9.2013

 

Văn hào Lỗ Tấn nói: “Trên trái đất ban đầu làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường đó thôi”. Nghề văn cũng vậy chăng? Hôm kia em Hiền ra đề bài "tập làm văn": “Nhân vụ trai đẹp bị trục xuất sắp sang Việt Nam, anh nghĩ xoay quanh việc này như thế nào? Gợi ý: Có câu gái ham tài trai ham sắc nhưng qua vụ trai đẹp bị trục xuất mới thấy gái cũng ham sắc lắm”. Lâu nay, y chỉ mê gái đẹp. Thấy là tít mắt. Vắt giò lên cổ chạy theo gái như thiêu thân lao vào ánh lửa. Nào có nghĩ đến chuyện gái mê trai đẹp. Trong đầu hoàn toàn không có ý tưởng gì. Vậy mà sáng nay ngồi vào bàn viết, rồi cũng đâu ra đó.

Ủa? Chữ ở đâu mà ngày nào cũng có thể viết?

Nghề viết cũng tựa như nông dân gieo hạt. Có hạt mẩy. Có hạt lép. Có hạt nằm im lìm dưới đất sâu, tự hoại. Có hạt nhú lên mầm xanh. Có lúc gieo xong thấp thỏm chờ mùa vàng thì bất ngờ lũ lụt, hạn hán ập tới trắng tay. Chẳng biết đâu mà lần. Mà cần gì phải biết. Mỗi ngày người nông dân lại vác cuốc ra đồng vui thú với công việc. Không nề hà. Không thở than:

Lòng khoẻ nhẹ anh dân quê sung sướng

Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng.

(Tố Hữu)

Có lần hỏi anh Huỳnh Bá Thành: “Nè anh Ớt, trong đời làm báo, lời khen nào khiến anh cảm động nhất?”. Anh cười khà khà. Mắt lúng liếng. Con mắt có đuôi.Đẹp trai ngời ngời: “Hồi mới vào nghề, có lần về quê ăn Tết, ba tao khen chữ ở đâu mà ngày nào cũng viết được?”. Anh trả lời thế nào? “Tau chỉ cười sung sướng thôi”. Anh Ba Ớt là dân Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Trong những ngày cuối đời, anh có ý nguyện muốn tạc tượng nghệ thuật bằng đá Non Nước. Một cách chơi tao nhã như trước đã vẽ. Tiếc anh mất sớm nên không thực hiện được.

Nhà văn Sơn Nam kể lúc vừa in xong tập truyện ngắn trứ danh Hương rừng Cà Mau: “Tôi gửi một quyển về cho bác Hai tôi, ông không biết đọc chữ Hán, chữ Quốc ngữ gì cả, nhờ đứa cháu ngoại đọc lại, năm ấy bác đã khoảng 90 tuổi. Đứa cháu ấy viết lá thư ngắn gửi lên Sài Gòn, tóm tắt ý kiến của bác tôi mà tôi vô cùng trân trọng: “Thằng này nói dóc nghe được quá. Nói dóc mà có căn cứ”. Phải rồi, truyện ngắn, truyện kể gì gì đó đều là loại hư cấu. Nhưng hư cấu phải có căn. Có căn tức là mang cốt lõi hiện thực. Lời nhận xét của bác Hai khiến tôi hãnh diện với thâm tâm mình”.

Nghề viết nó thế, đôi khi chỉ cần một người khen là đủ. Một bài thơ tình tặng người yêu, cô ta rưới lên nước hoa, đặt dưới gối nằm mỗi đêm, học thuộc từng chữ thì hạnh phúc quá đi chứ?

Người Việt Nam có thể thiếu nhiều thứ nhưng dứt khoát không thiếu thơ. Sở dĩ nói vậy, vì trong thời gian gần đây rộ lên quá nhiều vụ đạo thơ. Ngày trước, những kẻ háo danh nhưng bất tài chép nguyên si bài thơ, ký tên mình, gửi đăng các báo những mong kiếm được chút danh. Hư danh. Thời đó, làm như thế là được bởi các phương tiện truyền tin chưa phong phú, đa dạng như hiện nay. Ngày nay làm kiểu đó, chỉ cần vào goolge kiểm tra lòi ra ngay. Thế là dân đạo thơ đã đối phó bằng cách này: Không chép lại y chang mà chỉ dựa vào đó, sửa lại đôi từ, đổi tựa rồi dũng cảm ký tên mình. Chẳng ai có thể phát hiện, nếu không là tác giả.

Trước đó, anh Nguyễn Việt Chiến có bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển, sau Cao Phú Cường ở An Giang lại có bài thơ Tổ quốc tôi nhìn từ biển. So sánh cả hai bài, anh Chiến viết: “Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời” ; hoặc “Bao dáng núi còn mang hình góa phụ”, Cường đạo thành: “Máu xương đổ dằng dặc không thể đếm” ; hoặc “Núi mang hình góa phụ nhiều hơn” v.v… Đã thế, địa danh trong  thơ của anh Chiến là Cồn Cỏ, Lý Sơn, Hòn Mê thì Cường sửa thành Bạch Long Vỹ, Phú Quốc, Côn Đảo.

Nhảm nhí không thể tả.

Nghĩ cho cùng, chuyện làm thơ thời buổi này đã là việc làm nhảm nhí. Rất nhảm nhí, bởi nhà thơ chúng ta đang đứng bên lề của cuộc sống. Không thở cùng hơi thở cùng thập loại chúng sinh. Chúng ta đang lan man tìm cảm hứng đâu đó trên chín tầng mây xanh. Như kẻ mộng du. Như người ngớ ngẩn. Lẩm ca lẩm cẩm. Do đó, chẳng ai ngạc nhiên khi công chúng ngày càng xa lánh thơ. Hiện nay, không một nhà xuất bản nào dám bỏ vốn ra in thơ, chỉ tác giả tự làm lấy từ A đến Z. In xong chỉ tặng thôi à? Vì thế, mới có câu "Thơ tôi... biếu rất chạy". Các báo chính trị, xã hội hầu hết cắt phéng chuyên mục thơ. Chỉ vào dịp báo Xuân, báo Tết in dăm bài thơ cho vui trang báo. Thơ cũng tựa chậu hoa mai, lan, cúc, trúc chưng trong nhà dịp xuân. Có cũng được, không có cũng chẳng sao. Khi xem thơ xướng họa của các nhà thơ là ông hoàng bà chúa trong Thi xã Mặc Vân, Cao Bá Quát châm biếm:

Ngán cho cái mũi vô duyên

Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An

Đem thơ ví với mùi thuyền nước mắm Nghệ An nên nhiều người trong thi xã tức giận, cho rằng ông kiêu ngạo. Chẳng phải đâu. Thật ra, ông chỉ muốn cười cợt loại thơ thù tạc; thơ vịnh mây, nước, trăng, tuyết, hoa... Loại thơ chỉ miêu tả cảnh gió trăng phù phiếm không phản ánh được nguyện vọng, nỗi bức xúc của người dân. Cao tiên sinh đã nhận thức trước thế hệ chúng ta nhiều lắm. Sau gần ba năm bị giam cầm, cuối năm 1843, ông được triều đình tạm tha, nhưng bị chuyển vào Đà Nẵng, đi “dương trình hiệu lực” theo phái đoàn do Đào Trí Phú dẫn đầu sang Indonesia. Sang đó, nhìn thấy xứ người và nhìn lại xứ mình, Cao tiên sinh bật cười chua chát: “văn chương chỉ là thực ra chỉ là trò chơi con trẻ”. Còn sự tự vấn nào chua cay hơn:

Ngán cho mình đóng cửa nhai văn, nhẩm chữ bấy lâu rồi.

Sâu đo nọ, những đòi đo thế giới!

caobaquat

Bút tích Cao Bá Quát: " Thiên cơ sở chí, lạc bút định bất phi tưởng" (tứ thơ tự nhiên đã đến, hạ bút xuống không cần tốn công suy nghĩ) là câu Cao Bá Quát khen thủ khoa Nguyễn Hàm Ninh. (Tư liệu của Dương Tụ Quán cho nhà văn Trúc Khê mượn chụp lại và công bố trong tập Cao Bá Quát do Trúc Khê viết năm 1940).


Đừng nhìn đâu xa, biết bao giờ thế hệ nhà thơ chúng ta mới học tập được thái độ của chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền. Sau khi được đọc thơ văn cấp tiến như Bái thạch vi huynh (Phan Bộ Châu), Thiên hạ đại thế luận (Nguyễn Lộ Trạch), Lương Ngọc danh sơn (Huỳnh Thúc kháng - Trần Quý Cáp)…; những tân thư như Trung đông chiến kỷ, Dinh hoàn chí lược… Nguyễn Thượng Hiền đã đốt sạch thơ mà cụ đã viết trước đó:

Tập thơ chạm gọt bởi ham danh

Say đốt quách đi dạ cũng đành

Chưa dễ về sau lừa kẻ khác

Nhưng mà giữ mãi mệt thân mình

(Lê Thước - Vũ Đình Liên dịch)

Ấy mà thời buổi này còn đạo thơ của nhau là chuyện không thể hiểu nổi. Không tưởng tượng nổi.

Ngày hôm nay lại mưa. Sáng, phở; trưa, cơm; chiều lại phở. Một ngày lại đi qua. Còn mấy ngày nữa là đến tết Trung thu?

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment