LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 30.8.2013

 

May mà xem lại thư mời. Nếu không, chiều qua đã quên béng ngày họp mặt kỷ niệm lần thứ 38 ngày thành lập báo TT. Khoảng tháng 6.1989, ngay lúc ra trường y về tờ báo này cùng đợt với Binh Nguyên, Phan Tùng. Sau đó, về PN cho đến nay. Điều nhớ nhất ở TT, thời còn ở Lý Chính Thắng vẫn là thư viện. Có khá đầy đủ sách, tạp chí trước 1975. Người quản thủ thư viện ngày ấy là chú Dậu. Do có mối quan hệ khá thân tình, hầu như ngày nào cũng vào đó mượn sách. Có lẽ đây là cơ quan báo chí duy nhất vẫn giữ được nề nếp vào dịp thành lập báo là mời anh em cũ quay về lai rai, hàn huyên, tâm sự, gặp gỡ. Trong không khí ồn ào, vui vẻ, nhộn nhịp mọi người thưởng thức thực đơn như sau: “1. Ba món khai vị: Nem cuốn bía, lưỡi heo tô ti, slad trộn kiểu Thái; 2. Cá sapa đút lò, khoai tây; 3. Tôm hấp nước dừa; 4.  Vịt hầm khoai môn, bánh mì; 5. Lẫu hải sản, miến; 6. Tráng miệng, trái cây”. Kết thúc diễn văn chào mừng, TBT nhấn mạnh đến tờ TT là “Trẻ, đỏ, Sài Gòn”.

Định viết lại vài kỷ niệm với tờ TT. Mà thôi.

 

DSCN0437RR

Từ phải: Nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức, Trần Hữu Lục, Lê Minh Quốc, Thu An

DSCN0453RR

"Đôi bạn cùng tiến" nhà báo Nguyễn Đông Thức, Lê Minh Đức toe toét với song ca "Trả nợ tình xa"

DSCN0442RR

Nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa

DSCN0440RR

Từ phải: Nhà báo Trần Nhật Vy, Trần Ngọc Châu, nhạc sĩ, nhà báo Nguyễn Phú Yên

 

Thật lạ, ý kiến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phát biểu nhận xét về giọng hát của vài ca sĩ hàng đầu hiện nay, lập tức tạo nên sự trao đổi, tranh cãi ồn ào trong dư luận. Phở mỗi ngày, lại nghe bàn luận đến. Chế Lan Viên có câu thơ:

Quanh hồ Gươm không ai bàn chuyện vua Lê

Lòng ta đã thành rêu phong chuyện cũ

Có nhiều chuyện đáng bàn cãi, tranh luận vậy mà không mấy ai quan tâm đến. Chỉ tiếp nhận thông tin thờ ơ. Cứ như chuyện “trên trời dưới biển”. Biết thế nào được. Tùy mỗi người. Mỗi người đều có quyền quan tâm đến thông tin thiết thực của họ. Chẳng ai có thể ép ai. Y thích thông tin này:

Hiện nay, chúng ta đã có Dự án Danh tướng Việt Nam do Hội quán Di sản thực hiện, với sự giúp đỡ của Hội Sử học Việt Nam, Liên hiệp UNESCO Hà Nội - nhằm tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, đồng thời để người dân hiểu rõ hơn về chiến công của các danh tướng Việt Nam. Qua đó, cũng là một cách tích cực giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước.

Vào sáng ngày 24.8, Dự án Danh tướng Việt Nam đã chính thức công bố tại hội trường Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (số 28A Điện Biên Phủ, Q.Ba Đình, Hà Nội): 4 nhân vật lịch sử gồm Việt quốc công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ Đại tướng Võ Nguyên Giáp là danh tướng Việt Nam. Tạo hình của 4 nhân vật lịch sử này sẽ được thực hiện với nhiều kích thước khác nhau, có thể làm tượng trưng bày, quà tặng trang trọng với bạn bè quốc tế.

Có lẽ, danh sách Danh tướng Việt Nam chưa dừng ở đây. “Bốn ngàn năm ròng rã ngược xuôi / Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…” (P.D) còn nhiều, rất nhiều anh hùng khác xứng đáng được tôn vinh nữa. Chiến tranh có thể ngủ yên trong viện bảo tàng không? Không bao giờ. Đọc văn của “ông già Bến Tre” Trang Thế Hy, nhớ hoài đến một chi tiết có liên quan đến suy nghĩ về chiến tranh. Rất độc đáo. Truyện ngắn Vết thương thứ 13, qua nhân vật chị Châu, nhà văn Trang Thế Hy trình bày những suy tư về chiến tranh thật lạ. Khi có người tặng tác phẩm Giã từ vũ khí cùa Hemingway, chị Châu cho rằng dịch không đạt.

Vậy dịch thế nào cho đúng với tinh thần của tác phẩm?

Nhân vật xưng “tôi” đã “nói bừa cho xuôi:

- Vĩnh biệt chốn ba quân

Chị Châu lắc đầu vì “Có khá hơn chút đỉnh. Nhưng chốn ba quân nghe Hồ Biều Chánh quá, hơi xưa. Vĩnh biệt thì không ổn. Vĩnh biệt thường được dùng trong tình yêu nghĩa là miệng nói vĩnh biệt mà lòng còn bịn rịn. Nói với chiến tanh phải dứt khoát hơn, cộc cằn hơn. Phải nói như tạt nước sôi vào mặt một số người bị xu thế hòa bình lôi cuốn đành phải giả bộ ghét chiến tranh cho hợp trào lưu nhưng trong bụng vẫn còn ham chiến tranh để đem mạng sống của người khác đổi lấy huy chương đeo đầy ngực chơi…

Vậy chị Châu dịch thế nào?

Nhà văn Trang Thế Hy viết tiếp: "Theo tôi, phải dịch: "Nghỉ chơi với súng ống". Nói nghỉ chơi không nghiêm túc. Nó là ngôn ngữ của trẻ con ở lứa tuổi còn dành ăn, còn cà nanh tình thương của cha mẹ. Thời hạn nghỉ chơi của trẻ con rất phù du, giận đó rồi thương đó, đếm bằng giờ bằng phút, không phải bằng năm tháng. Nhưng cái quý là ở chất dứt khoát và quyết liệt của hai tiếng nghỉ chơi lúc nó được xướng lên. Những nhà văn ham văn chương thích những ngôn từ gợi cảm nhưng mơ hồ, đầy tráo trở kiểu như vĩnh biệt, giã từ nên nghe trẻ con nói mà học viết... Đáng lẽ tôi mượn lời của một ông già để nói đạt hơn nhưng tôi thích chữ nghĩa của trẻ thơ..."

Nghe vậy, nhân vật xưng “tôi” hấp tấp hỏi:

- Ông già nào vậy?

Chị Châu chậm rãi:

- Một ông già có trái tim vàng và bộ râu củ ấu tên là Gorky. Ổng nói "Làm chiến tranh bằng máu của người khác thì dễ thôi ". Đó không phải là những chữ. Đó là những thanh củi khô mà nặng, cạnh rất bén, phang vào mặt những thằng cha ham chiến tranh”.

Một truyện ngắn, chỉ cần một chi tiết hay, độc đáo là có thể “đứng” được.

Chiều hôm qua, vật lộn với từ “đũi”. Câu văn như sau: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh nặn những hòn bi bằng đất có lỗ ở giữa, phơi khô, xâu vào một cái đũi. Rồi ông làm nhiều xâu, buộc cạnh nhau thành một bàn tính. Bàn tính của ông đã thay thế cách tính quen thuộc mà dân gian lúc đó thường dùng là “bấm đốt ngón tay” hoặc dùng một sợi dây có những nút thắt làm công cụ tính toán. Đại loại như khi đi vay một đấu thóc, người ta thắt thêm một nút, khi trả được thì cởi nút ấy ra”.

Thử hỏi, “đũi” là gì? Tra lại từ điển gần đây không tìm thấy. Dễ hiểu thôi. Có những từ cổ đã mất. Lại có thêm những từ mới. Ngôn ngữ luôn vận động, từ đó, vốn từ tiếng Việt ngày càng đa dạng, phong phú hơn, có thể đáp ứng cho mọi sự diễn đạt. Cách nói của Sát thủ đầu mưng mủ là một ví dụ. Nếu phổ cập, sử dụng phổ biến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, ta sẽ có những câu thành ngữ mới. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật phát triển của ngôn ngữ. Chẳng hạn, Đã xấu mà lại còn xa, đã si đa còn xông pha hiến máu, Chết vì tình là cái chết bất thình lình, Cố quá thành quá cố, Đẹp trai nhưng “hai phai”, Đời rất dở cũng phải niềm nở, Đú kiểu rừng rú, Hồn nhiên như cô tiên, Nghèo vẫn phải cho Tèo đi học, Nhan sắc có hạn thủ đoạn vô biên, Phi công trẻ lái máy bay bà già, Sống đơn giản cho đời thanh thản, Thất bại vì ngại thành công, Thú vui tao nhã, giặt tả cho con, Vạn sự khởi đầu nan, gian nan bắt đầu nản, Xấu như kết cấu nó đẹp… Các câu này có thể trở thành thành ngữ mới không? Qua sàng lọc của thời gian, ta hãy chờ xem. Nhưng trước mắt, hãy tiếp nhận một cách nói, cách diễn đạt khác trước.

Thử hỏi, “đũi” là gì?

“Đũi”, Từ điển Việt - Bồ - La (1651) của Alexandre de Rhodes: “Lụa dệt bằng tơ cặn con tằm”, Đại Nam quốc âm tự vị  (1896) của Huình Tịnh Paulus Của: “Hàng to chỉ dệt bằng tơ kén đỏ, thường dùng mà may quần, bền hơn vải”. Cách giải thích này, rõ ràng “đũi” là một loại vải, hàng sợi. Đũi trong ngữ cảnh của đoạn văn trên lại khác. Việt Nam từ điển (1936) của Hội Khai trí Tiến đức giải thích: “Giá đóng nhiều tầng: Đũi cỗ, đũi tằm”. Vẫn còn thấy khó hiểu. Vậy phải giải thích ra làm sao?

Sáng nay, đã gần 9 giờ vẫn còn nghe tiếng gà gáy vọng đến. Gợi  lên một không gian thanh bình, yên ả giữa Sài Gòn náo nhiệt.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment