LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 5.9.2013


DSCN0482tang-nghia

Tranh Lê Minh Quốc đã tặng bạn Đà Nẵng

 

Nếu nhớ không nhầm, làm sao mà nhầm, mà nếu có nhầm thì cũng chẳng sao. Nho lâm ngoại sử của nhà văn Ngô Kính Tử viết từ đời nhà Thanh, trong đó có mẩu chuyện buồn cười. Đọc lâu quá, chỉ nhớ loáng thoáng: Ngày nọ, chàng thư sinh mặt trắng đi xem kết quả thi. Hắn ta mừng rú lên khi thấy tên trên bảng vàng. Mừng quá hóa ngây. Vui quá hóa dại. Chẳng thể nào trở lại bình thường. Suốt ngày cười cười, nói nói như mê như tỉnh. Chữa trị bằng cách nào? Có người bất ngờ vung tay tát một cú thật mạnh. Tát ngay vào mặt. Đau điếng. Hắn ta giật mình. Tỉnh mộng.

Ngày nay, còn có những kẻ như thế không? Nếu còn chẳng việc gì phải thô bạo, chỉ cần đọc cho hắn ta nghe thông tin này. Lập tức, hắn dựng tóc gáy. Gào lên ba tiếng khóc hu hu. Hết đờ đẫn ngay lập tức. Bởi hắn sốc.

Cú sốc này cũng tựa như bậc sư sãi đáng kính suốt một đời chay tịnh, tham thiền nhập định chỉ còn một giây nữa bước lên cõi thiên đàng thì đột ngột có thằng cha căng chú kiết cà chớn níu áo nhét vào mồm cày tơ bảy món.

Cú sốc này cũng tựa như Hồ Tôn Hiến: "Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trong vào" bèn hào phóng ký tặng hồn ma Đạm Tiên cái Huân chương bắc đẩu bội tinh, những tưởng sẽ được nghe lời nịnh nọt hót líu lo đến gẫy lưỡi, nào ngờ nàng ném trả vào mặt ngay thiên thanh bạch nhật.

Cú sốc này cũng tựa như lâu nay trên vĩa hè hằng ngày  vẫn đi thong dong, vui vẻ huýt  sáo, bước đi mát cả chân bỗng một sáng thức dậy đã thấy người ta đào bới lung tung lên để thay gạch mới.

Cú sốc này cũng tựa như trước phút bỏ phiếu bầu nhân sự nhiệm kỳ năm năm bỗng có lá đơn nặc danh tố cáo thời ở tù Côn Đảo đã có lần chào cờ quốc gia, sự việc hư thực ra sao nhưng tạm thời gạch khỏi danh sách ứng cử  để "hạ hồi phân giải". Nhiệm kỳ sau thì... đến tuổi nghỉ hưu.

Cú sốc này cũng tựa như ngày đẹp trời, đôi bên hồ hởi phấn phởi tổ chức đám cưới linh đình, trong cái đầu đứng đắn của chú rể chỉ chắc mẩm, nghĩ ngợi, tơ tưởng đến giây phút: "Xắn tay mở khoá động đào/  Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai" thì than ôi vào phút 89 mới hay cô dâu đã quất mã truy phong "mất hút con mẹ hàng lươn" đâu từ đời tám hoánh.

Tóm lại, khỏi dài dòng thêm. Cú sốc này quá nặng: Báo TT& VH cuối tuần ngày 6.9.2013 cho biết: “Đứng đầu top lương khủng ở TP.HCM sau đợt thanh tra liên ngành là Giám đốc Công ty Thoát nước đô thị với mức lương 2,6 tỷ đồng/ năm (hơn 280 triệu tháng). Xếp thứ hai là Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP.HCM, với 2,2 tỷ đồng. Giám đốc hai Công ty khác, Công ty giao thông Sài Gòn và Công viên cây xanh cũng nhận lương xấp xỉ 1 tỷ đồng / năm. Cả 4 công ty nói trên đều là công ty công ích (vốn 100% của Nhà nước)”.

Bình luận cái tin này như thế nào? Chắc chắn các bà, các mẹ nông dân quê mùa, thất học chỉ cần mắng một câu: “Trời đất! Ăn chi mà đoản hậu”. Vậy là đủ. Đủ sức nặng khái quát mọi điều. Cần gì mỏi miệng dông dài.

Ngày trước, Tổng đốc Hoàng Diệu ra Hà Nội làm quan, nhân có người về quê, ông gửi cho mẹ một vóc lụa quý. Nhận quà của con, mẹ ông trả lại và gửi kèm theo cây nhành dâu, ta hiểu tượng trưng cho ngọn roi. Ý bà mẹ muốn con liêm khiết, đừng nhận quà cáp của dân, đừng thu vén riêng tư mà hãy dốc lòng vì việc nước. Những bà mẹ này thời đại nào cũng có. Có điều, thời buổi này sử lý như vậy ắt khó. Chỉ còn cách tự giữ mình. Khi làm việc gì, nghĩ đến những mối quan hệ ruột rà, bạn hữu, láng giềng nữa. Đạo Phật có cái hay là ghìm được lòng tham của con người qua triết lý kiếp sau. Kiếp này thất đức, kiếp sau trả giá. Mà nói gì cho xa, cha ông ta cũng bảo: "Đời cha ăn mặn, đời con khát nước". Ý thức ấy cũng giúp ta sống tốt hơn. Chẳng rõ, suy nghĩ thế này có đúng không, nhiều người nghĩ rằng, khi ngồi cái ghế ấy, vị trí ấy không khác gì đang sống trong tư thế "hốt hụi chót". Vì thế, bằng mọi cách phải thu vét tất tần tật cho bằng được, bằng mọi giá. Bất kể ngày sau thế nào. Đồng lương của các quan trên, so với nhân viên dưới quyền thì không thể chấp nhận về đạo lý, tình người với người trong một môi trường chung. Bạn của y là cựu binh, từng sống ở K, sau khi phục viên vào Sài Gòn làm "thợ đụng" nghĩa là "đụng gì làm nấy". Hắn bảo, mỗi sáng mà đi ăn tô phở đặc biệt là mất trắng một ngày công. Ngậm ngùi quá đỗi. Bán sức lao động mỗi ngày phải nhịn ăn nhịn mặc nhưng sống nhẹ nhàng, đơn giản là đồng tiền ấy sạch.

Đồng tiền có mùi không? Chắc chắn là có. Có đi chợ mới thấy thương những người mẹ, người vợ mỗi ngày lo cho chồng con. Họ tần ngần trước rau, cá, thịt… cân nhắc từng xu. Bất kỳ đồng tiền nào kiếm được từ sức lao động lương thiện cũng đều đầm đìa mồ hôi. Nặng trĩu sự nhọc nhằn chịu thương chịu khó. Trang viết của nhà văn cũng đầm đìa mồ hôi. Hôm qua đọc trên báo TN cái tin này: “Tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh vừa được NXB Dasanbooks phát hành tại Hàn Quốc. Bản dịch tiếng Hàn do dịch giả Jeong Hae Yeong thực hiện.

Ông Jeong tốt nghiệp cao học chuyên ngành dịch thuật tại Đại học Ehwa và đã dịch nhiều tác phẩm nổi tiếng sang tiếng Hàn. Trong phần giới thiệu, NXB Dasanbooks nhận định về Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ: “Cuốn sách này tặng cho người lớn những ký ức ấm áp của tuổi thơ và tặng cho trẻ em niềm vui được xem những dòng nhật ký thú vị của người bạn cùng tuổi mình”.

Trước đây, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ từng được tiến sĩ Montira Rato dịch sang tiếng Thái Lan và được NXB Nanmeebooks xuất bản năm 2010. Tại Việt Nam, ước tính đến nay tác phẩm này đã phát hành được khoảng 200.000 bản và luôn nằm trong danh sách best-seller hằng năm kể từ khi ra mắt năm 2008”.

Chúc mừng bạn mình. Chúc mừng những ai chí thú với công việc và đạt được hiệu quả. Vậy là vui. Một tác phẩm văn học in đến 200 ngàn bản là một số lượng khủng khiếp. Chỉ có thể là Nguyễn Nhật Ánh. Thời bao cấp in bằng tiền Nhà nước, nhắm mắt mà in, in không cần phải bán, in theo chỉ tiêu, kế hoạch gì gì đi nữa người ta cũng không thể dám vung tay đến số lượng đó. Nay sách in không phải "tình cho không biếu không", hoặc chất kho cân ký lô mà để phục vụ nhu cầu bạn đọc thì quả một kỷ lục khó ai có thể sánh nổi. Tuy nhiên nhuận bút đó, hỡi ôi, cũng ít hơn cái loại lương khủng vừa nêu trên. Mà so sánh làm gì? Người dân cần lao cật lực kiếm ra một xu cũng giá trị hơn một triệu của kẻ há mồm ra chờ thiên hạ nhét tiền vào mồm. Một xu đó chắc chắn sạch sẽ. Lương thiện. Vì sạch sẽ và lương thiện nên nó giá trị gấp triệu lần những đồng tiền do cơ chế mà có. Quái lạ, cái cơ chế gì mà sự phân biệt giàu nghèo đã có một khoảng cách quá xa. Đôi khi có những lúc để dễ dàng sống, người ta phải cố tình nhắm mắt mà đi. Đi không mở mắt. Vẫn đi. Tai vẫn nghe nhưng lại điếc. Ngày xưa có câu “mũ ni che tai” cũng nằm trong cái ý này. Ông nội của cố Tổng bí thư Trường Chinh là nhà sử học uyên bác, Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 - 1910) có viết bài thơ:

Cứ nghĩ là quan đã bảnh sao?

Yêu nhau một giống nghĩa đồng bào.

Bới lông tìm vết, lòng không nỡ,

Giục bị xui nguyên, tội xiết bao.

Dấu đỏ lòe dân, trò lính tệ,

Môi thâm hớt nhảm, lối cường hào.

Kiếm ăn không phải mình không thạo,

Bắt nạt dân đen, có lẽ nào!

Bắt nạt dân đen để moi tiền. Nghề làm quan đó sao? Nghe chua chát. Thô bỉ. Kẻ sĩ ngày trước ra làm quan không sợ nghèo, chỉ lấy lý tưởng "trí quân trạch dân" (vừa giúp vua, vừa làm cho dân được nhờ). Họ nghĩ rằng, “Lợi lộc làm người ta u mê, của cải khiến người ta sa ngã” (Ngô Thì Sỹ). Làm quan thời buổi này lấy lý tưởng gì tiến thân? Có lần cụ Đặng Xuân Bảng nói với vợ:“Các nhà quan để của cho con, con không chịu học, chỉ tiêu xài phung phí, mấy lúc mà hết. Xưa tôi có ông bạn quanh nhà lát toàn cối đá, đến cả bờ ao, lòng ao cũng lát toàn cối đá. Ông ta bảo: “Để ruộng về sau dễ bán cả mẫu, để cối đá thì phải bán dần từng cái một, lâu dài hơn”. Gần đây hỏi  thăm thì đã bán cối đá gần hết! Lại có quan khác làm nhà gỗ mà đầu xà cột đều đóng chốt sắt nối nhau, để cho khó dở ra mà bán. Nay con cháu cũng bán cả nhà lẫn đất rồi”. Câu chuyện vẫn còn ý nghĩa thời sự, cụ đang nói với thế hệ chúng ta đấy thôi.

Sáng nay, đã viết xong bài cho M.T. Viết vì thích câu: "Hãy gõ, cửa sẽ mở"  theo gợi ý của Thư ký tòa soạn M. Phương. Chiều qua lai rai với Nghĩa - bạn học từ tiểu học ở Đà Nẵng. Tặng bạn bức tranh. Mấy chục năm, đã hơn nửa kiếp người vẫn còn nhớ ngày tháng học trò. Trường Tây Hồ nằm trên đường Phan Thanh Giản, trước đó tên gọi là Rue Barisy, nay là Hoàng Văn Thụ. Nghĩa là em rể của nhà văn Đ.T.B. Đã nhận được hợp đồng của quán cơm Nụ cười. Ở đó, hai ngàn đồng cho một suất ăn dành cho người nghèo. Đem tranh đến đó trưng bày cùng vài anh em khác, họ sẽ mời các vị có tấm lòng hảo tâm mua tranh, lấy tiền đó làm từ thiện. Không mấy hào hứng. Liệu tranh có bán được không? Chiều nay, làm việc với VTC về chương trình sắp quay vào sáng thứ bảy này. Cũng cuộc trò chuyện xoay quanh về tình yêu. Họ đề nghị, chỉ cần nghe anh kể chuyện tình của anh là hấp dẫn rồi. Trời, có ai lại đem chuyện riêng tư kể oang oang cho đầu làng cuối xóm? Chẳng dại.

Ngày tháng vẫn trôi đi. Ghi lại câu “ranh ngôn” (chứ không phải “danh ngôn") vừa đọc trên Facebook: “Người ta hay dùng số tiền mình có để xác định giá trị vật chất và vị trí xã hội. Mình thấy ngược lại, khi không có tiền mà vẫn được quan tâm săn đón mới thật là giàu có đỉnh cao.

Sau khi than xài hết tiền không còn tiền mua vé về Saigon, mình đã được bạn ấy lập tức gửi sang một cái vé one way để dzìa.

Nhưng nếu đó là vé round trip thì mới thật là đỉnh của đỉnh”.

Bình luận gì không?

Thưa, không ạ.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment