LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 14.9.2013

toa-dam

 

Như mọi ngày, sáng nay dậy sớm. Vẫn phở. Đã lâu lắm rồi mới trở về trường cũ. Nơi có nhiều kỷ niệm êm đềm thời sinh viên. Trường đã xây lại, từ lâu. Khác trước nhiều. Vẫn nhớ nơi ấy, thầy Hoàng Như Mai khi giảng bài phong cách hết sức nghệ sĩ, ngâm thơ oang oang,  các bạn sinh viên lớp khác ùa đến vây kín cửa sổ nghe thơ; thầy Lê Đình Kỵ luôn ăn mặc lôi thôi, có lúc cài nhầm nút áo, mang dép ngược, giảng bài rề rà, bù lại thầy viết cực hay; thầy Mai Cao Chương khi giảng bài thường nhìn lên trần nhà, cười tủm tủm một mình mà lần dạy nào cũng vậy. Có giai nhân nào lấp ló trên đó chăng? Lũ sinh viên ngơ ngác. Mãi sau này, thầy mới cho biết những lúc ấy thầy cười với... lũ thạch sùng!

Vẫn nhớ nơi ấy, khi thi ra trường môn tiếng Nga, y và Trương Nam Hương đã được cô Dung cho số điểm cao tuyệt đối. Vào môn thi vấn đáp, cô đọc một đoạn thơ bằng tiếng Nga và bảo dịch tại chỗ. Dù vểnh tai, căng tai nhưng chỉ đoán ra chữ đực, chữ cái, chữ tác, chữ tộ loáng thoáng hiểu đại khái nội dung. Thế là bèn láu cá dịch luôn qua tiếng Việt bằng thơ! Ra trường vài năm, mới biết tin cô Dung chuyển sang học tiếng Anh, bởi lúc ấy tiếng Nga đã lỗi thời.

Cảm giác của bất kỳ ai về lại trường cũ là trong lòng kỷ niệm dậy sóng.

Thoáng đó. Đã xa.

Sáng nay, trời mưa. Bước vào hội trường đã đông nghẹt người. Thật lạ, những cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học thường ít thấy anh em trẻ đang sáng tác, viết lách. Họ trốn biệt đâu mất. Chỉ gặp các giảng viên đại học, nhà báo, anh em sinh viên và độc giả ái mộ Bùi Giáng. Sức hút Bùi Giáng khủng khiếp, không còn một chỗ ngồi. Không khí trang trọng. Chủ tịch đoàn điều khiển Tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng là các nhà giáo, nhà nghiên cứu Võ Văn Sen, Đoàn Lê Giang và Bùi Văn Nam Sơn.

Ngoài hành lang là các tư liệu về Bùi Giáng do tộc Bùi cung cấp như sách, tranh, hình ảnh, thủ bút liên quan đến trung niên thi sĩ. Vào phút 89, vì một lý do “tế nhị” nên tập Kỷ yếu in các tham luận không thể đến tay người tham dự. Lý do gì thì tự đoán vậy. Hôm qua, L.K.T gọi điện thoại cho biết trong tuần lễ Liên hoan kịch Lưu Quang Vũ từ 9/9 đến 16/9 tại Hà Nội lẽ ra có cả phần hội thảo về dấu ấn của ông đối với nền kịch nước nhà, nhưng vào phút 89 lại hoãn.

Trước lúc chờ đến phiên phát biểu, lẻn xuống căn tin ngồi uống cà phê chung với nhà văn Vu Gia, họa sĩ Phạm Cung, bạn thơ Trần Hoàng Nhân. Đang vui vẻ, anh Đoàn Lê Giang vừa điện thoại, vừa nhắn tin phải về hội trường gấp. Khi được mời lên diễn đàn, y đã phát biểu ứng khẩu 5 ý chính đã tạo nên diện mạo của Bùi Giáng. Nhiều người khen hay, xác đáng. Có thể tóm tắt mấy ý chính:

 

1236771_497311567030754_237101321_n

Nhà thơ Lê Minh Quốc phát biểu

 

1. Về thi pháp, Bùi Giáng đã giải quyết xong vấn đề thơ có cần phải cách tân, hiện đại, hậu hiện đại hay không? Khi đọc thơ ông, ta thấy ông vẫn tuân thủ theo thể loại thơ truyền thống như lục bát, song thất lục bát, Đường luật… Với thể thơ cũ nhưng ông đã thổi vào đó hơi thở, linh hồn thời đại ông đang sống. Vậy vấn đề đặt ra cho thơ không phải hình thức thể hiện mà ở tính tư tưởng của nó.

2. Điều gì tạo nên hồn thơ của một thi sĩ nói chung? Có những người rất tỉnh nhưng làm thơ rất hay như Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu… Những “ẩn ngữ” của họ (nếu có), chúng ta có thể giải mã. Có những người vì khốc liệt của cuộc đời cũng làm thơ rất hay nhưng hồn thơ đó sáng tạo lạ lùng, khó có thể giải mã bởi đó là những “mật ngữ”. Ở Việt Nam chỉ có hai người là Hàn Mặc Tử và Bùi Giáng. Hàn Mặc Tử là do khốc liệt của bệnh nan y; ở Bùi Giáng là sự không tương thích giữa văn minh cơ khí hóa với đời sống nội tâm.

3. Đến nay, chúng ta vẫn chưa thể đánh giá hết đóng góp của Bùi Giáng về mặt triết học. Bởi ông có thể đọc từ nguyên bản nhiều tác phẩm triết học Đông - Tây; từ đó có một cái nhìn khác mọi người. Ai có thể đứng cao hơn Bùi Giáng về sự uyên bác này để có thể phê phán, tán đồng, chia sẻ những gì ông đã viết về triết học?

4. Qua Bùi Giáng, ông chứng minh tiếng Việt phong phú, đa dạng, linh diệu, giàu có. Cách sử dụng tiếng Việt của ông, qua thơ lục bát đã thể hiện điều đó rất rõ. Chẳng hạn: “Ngõ ban sơ hạnh ngân dài/ Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua/ Kể từ lạc bước chân ra/ Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn…”. Dù chưa hiểu nhưng âm vang câu thơ đã ta khiến hình dung được nhịp đi của sóng biển, của gió thổi dặm dài; hoặc vừa nghe tham luận của nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, ta nghĩ gì về câu thơ “Vườn hoa nụ đứng, nụ đằm”? Nghe cực kỳ thơ mộng, trang nhã nhưng nói lái thử xem?

5. Hơn ai hết Bùi Giáng (hoặc thiên hạ) đã tạo quanh ông quá nhiều giai thoại, huyền thoại tầng tầng lớp lớp.

Sáng nay, mới có dịp bù khú, chuyện trò với các bạn học cũ cùng khóa hoặc học trên vài năm, giờ đã làm thầy, giảng dạy tại trường. Cuộc sống chẳng biết đâu mà lần. Tiếng Việt khi nói “con cái” hoàn toàn khác “con với cái”. Lâu nay, thầy Võ Văn Nhơn vẫn là người sưu tập, phát hiện nhiều tác phẩm bị lãng quên của nhà văn V.B. Qua các công bố đó, tài năng Thương nhớ mười hai càng khẳng định hơn, rực rỡ hơn. Vậy mà, “Nản quá rồi Q ơi”. Ngạc nhiên quá, chưa chi mà bỏ cuộc à? “Ông con vòi tiền quá, lúc đòi tiền này lúc đòi tiền kia, chịu hết xiết. Dù sách in ra vẫn trả tác quyền đàng hoàng”. Đúng là “con với cái”, người này lúc mới từ HN vào định cư tại SG, y có gặp, dẫn đi gặp những nhà báo như anh Phan Kim Thịnh - chủ bút báo Văn Học xin các tư liệu về V.B. Lại nghe anh Vu Gia kể trường hợp khác, có trường hợp sinh viên nọ làm luận văn về nhà văn N.C.H do thầy Nguyễn Đăng Mạnh hướng dẫn. Khi đến gặp con gái nhà văn tìm hiểu, kiếm thêm tài liệu, người con dứt khoát không đồng ý chỉ vì lý do “người khác làm sao hiểu bố bằng con? Vì thế, tôi phải là... người hướng dẫn”.

Lạ lùng chưa?

Con cái tự hào về bố là đúng rồi, nhưng có những điều chưa chắc mình báo hiếu bố bằng việc làm của người khác. Còn nhớ, lúc cùng VTV lên nhà con gái nhà văn Hồ Biểu Chánh ở Gò Vấp, bà Hồ Thị Vân Anh có nói chi tiết: “Ba tôi thuở sinh thời dặn dò, sau này ai muốn in tác phẩm của ba thì cứ cho in để thiên hạ biết ba con là ai”. Rõ ràng, khi còn sống nhà văn Hồ Biểu Chánh không chăm bẳm vì nhuận bút. Thế nhưng, không phải vì thế, tái bản sách không trả nhuận bút cho con cái họ. Có điều, con cái phải tạo điều kiện hết mình cho người nghiên cứu chứ? Bởi họ đã làm cái việc lẽ ra con cái phải làm, nếu được hiểu là sự báo hiếu.

Trong những người con của nhà văn nổi tiếng, vẫn quý chị Lê Thị Giáng Vân, con gái út nhà văn Lê Văn Trương. Năm 1987, lần đầu tiên sau vài chục năm vắng bóng trên văn đàn, nhà văn Vũ Trọng Phụng được NXB Văn Học in Tuyển tập (3 tập). Bấy giờ là PV báo PN, y ngồi cạnh chị Lê Thị Giáng Vân, sát chị Vũ My Hằng - con gái nhà văn Vũ Trọng Phụng. Chị nói: “Chả biết bao giờ bố tôi mới được vinh dự như thế này?”. Nghe mà bùi ngùi cho “người hùng”của một thời đã chết trong nghèo túng. Mãi đến ngày 5.9.1995, tác phẩm Hận nghìn đời, Người anh cả, Hai đứa trẻ mồ côi, Trận đời, Đứa con hạnh phúc của Lê Văn Trương mới được NXB Trẻ tái bản lần đầu tiên. Lúc ấy, chị Vân có đọc bài thơ khiến ai nấy cảm động:

Con thương cha lắm cha ơi

“Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa”

Ba trăm tác phẩm của cha

Bao nhiêu tâm huyết, bao là mồ hôi

Bao nhiêu tình nghĩa với đời

Mà đời nỡ phụ cha tôi thế này

Con mong sao có một ngày

Truyện cha chép lại, làm say lòng người

Hương thơm, thơm ngát đất trời

Nghe trong hơi gió vẳng lời của cha

Nghĩ cũng lạ, có những lúc đi đường đường chính chính thì bị ách lại. Còi thổi ngay. Có thể phạt ngay thẻ đỏ, đuổi ra sân. Cũng có khi tự mình cẩn thận quá nên đành chấp nhận một vài tiểu tiết. Sáng nay, trên báo TN anh Giao Hưởng công bố đầy đủ một bài thơ của Bùi Giáng -  Người con gái mặc quần - mà khi in tập Rong rêu, người nhà của thi sĩ tạm gác lại "để việc kiểm duyệt được nhanh chóng". Vì bài thơ này phong cách rất Bùi Giáng nên chép lại làm tư liệu. Nguyên văn như sau, đã phục hồi đoạn cuối bị cắt, trước đó:

Người con gái hôm nay mặc quần đỏ

Vì hôm qua đã mặc quần đen

Đen và đỏ là hai màu rồi đó

Cũng như đời đường hai nẻo xuống lên

 

Người con gái hôm nay mặc quần trắng

Vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng

Hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn

Như núi rừng đều rất mực chênh vênh

 

Người con gái hôm nay mặc quần tím

Vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng

Vàng và tím là hai màu mím miệng

Mím môi cười và chúm chím nhe răng

 

Người con gái hôm nay mặc quần rách

Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành

Lành và rách đều vô cùng trong sạch

Bởi vì là lành rách cũng long lanh

 

Người con gái hôm nay xé toạc cái mảnh quần

Thành ra một nữ nhi không quần áo

Tất nhiên là tuyệt đối gái ở truồng

Truồng như nhộng và truồng như gái gái

Khắp năm châu bốn biển ngọn nguồn

Trần trụi khắp tân châu và cổ tái

Và bỗng nhiên - thập thành thành thục nữ thiên đường

Vậy đó, đôi lúc phải như thế. Phải đi ngoắc nghéo mới được việc. Ai cũng biết, tác phẩm của nhà văn V.P vẫn chưa được in lại, thế mà vẫn có đấy, thậm chí ngoài bìa còn in chân dung ông mà phát hành ngon ơ! Thôi thì cũng cám ơn người làm sách đã trong “cái khó ló cái khôn”. Nhờ vậy những tác phẩm hay của văn học miền Nam trước 1975 mới có thể tái bản dù núp dưới bút danh, chứ chưa thật “chính chủ”!

Ô hô!

L.M.Q


VÀI HÌNH ẢNH TẠI Tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng

 

DSCN0504RRRR

Tiểu sử Bùi Giáng (ảnh làm nền là Bùi Giáng thời trè, ảnh dưới là tranh Bùi Giáng vẽ)

BG-thoi-tre-R

Bùi Giáng thời trẻ

DSCN0514RRR

anh-nay-QR

chan-dung-1

BG-Thanh-tam-tuyen76

Bùi Giáng & Thanh Tâm Tuyền

BG-Van

Từ phải: Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Xuân Hoàng

Bui-gang-tcs

Trịnh Công Sơn & Bùi Giáng

Vu-hoang-cghuong

Vũ Hoàng Chương & Bùi Giáng

ve-dinh-cuong

Bùi Giáng vẽ Đinh Cường

ve-tcs

Bùi Giáng vẽ Trịnh Công Sơn

tuhoaR

Bùi Giáng tự họa

luu-niem

Từ trái: Anh Lê Nguyên Đại, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, Lê Minh Quốc, Bùi Văn Nam Sơn, đạo diễn Đào Bá Sơn gặp gỡ tại Tọa đàm khoa học về thi sĩ Bùi Giáng.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment