LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 4.9.2013

 

truonghansieuR

Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu (nguồn: internet)

 

Tưởng chừng đã trở thành một con người khác. Những ngày nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, y đáng khen thật. Ngoan quá, dễ thương quá, yêu quá. Chỉ nằm nhà, đọc sách và viết. Không bước chân ra khỏi ngõ. Không phải nghe tiếng xe máy rú xuyên qua tai như đại bác ầm ầm nã đạn. Không phải nghe tiếng gắt gỏng, cáu kỉnh như dùi đục chấm mắm cáy lúc kẹt xe giữa chiều nắng nhạt.

Y chỉ nằm nhà. Đọc sách. Cái thú đọc sách còn là đi đứng thong dong, nhắm mắt vớ tay lên kệ lấy bừa một quyển, gặp bất kể quyển nào là đọc. Không thích, lại rút ra quyển khác. Đọc nhảy cóc, đọc lơ mơ, đọc làng nhàng, đọc để mà đọc và không bị câu thúc bởi lý do gì. Khổ nhất, không thích mà phải đọc. Giết chết cảm hứng từ cái nhìn vào dòng chữ đầu tiên.

Có mấy vấn đề cần ghi lại:

Nhà văn hóa Trương Hán Siêu, người Ninh Bình, tác giả Bạch Đằng Giang phú - bài phú nổi tiếng nhất trong 13 bài phú của đời Trần. Sử sách không ghi năm sinh của cụ, chỉ biết cụ mất năm 1354. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, cụ là “môn khách” của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ chi tiết đó, ta suy ra, trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông, Trương Hán Siêu có tham gia. Thế nhưng tham gia ở mức độ nào, phải xem xét chu đáo. Lướt qua các trang web và nhiều tập sách khác, có tác giả cho rằng cụ là người hiến cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn kế sách "vườn không nhà trống”, lấy nhu thắng cương, lấy ít thắng nhiều…

Liệu có đáng tin không?

Đời người, tuổi thọ là bao nhiêu? Thì cứ cho là 90 xuân xanh. Nếu cụ thọ 90 xuân, ắt sinh năm 1264. Nói thì nói vậy, chứ hiếm có người thọ ở lứa tuổi đó. Giặc Nguyên Mông tấn công xuống nước ta lần thứ nhất vào năm 1258, lúc ấy cụ chưa ra đời; khi chúng tấn công lần thứ hai vào năm 1285, lúc ấy cụ 21 tuổi; khi kết thúc cuộc chiến vào năm 1288, cụ 24 tuổi. Từ đó, ta có thể suy luận kế sách trên không thể của cụ Trương Hán Siêu. Hơn nữa, các chính sử cũng không hề ghi chi tiết đó. Lâu nay, có những điều, người này viết thế, người kia đọc thế, chép lại thế thành ra như thế, cứ tin là thế. Mà chẳng mấy ai chịu khó suy xét là có hợp lý hay không?

Lại thêm chi tiết cần bàn, tác phẩm nào của cụ Trương Hán Siêu được khắc trên núi Non Nước ở Ninh Bình? Núi Non nước được cụ đổi tên Dục Thúy - “núi có hình con chim trả đang tắm gội”. Đọc Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình do Trương Đình Tưởng chủ biên (NXB Thế Giới - 2004): “Đặc biệt, ở sườn núi phía tây, bên phải lối lên núi, có khắc bài Dục Thúy linh sơn Linh tế tháp ký của Thái phó triều Trần Trương Hán Siêu” (tr.106). Thử hỏi, bài ký này dài cả ngàn chữ Hán, làm sao có thể khắc hết trên đá? Cái sự vô lý này sao chẳng ai nhận ra? Phân vân quá bèn đọc kỹ lại tác phẩm của cụ. Thì ra, cụ có cho khắc tác phẩm của mình trên sườn núi Dục Thúy nhưng đó là bài Dục Thúy sơn. Thơ 5 chữ, dài 8 câu - nguyên văn như sau:

Sắc núi vẫn xanh tươi

Sao người chậm về chơi

Lòng sông bóng tháp đẹp

Hang đá cảnh chùa vui

Từ cách xa đời tục

Mới hay điều thị phi

Năm hồ trời đất rộng

Bến cũ khi nào về

(Băng Thanh dịch)

Về cụ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, sử liệu cũng không thống nhất.  Cụ mất năm 1586, thọ 96 tuổi. Hơn một trăm năm sau, vào đời Lê, Tiến sĩ Vũ Khâm Lân khi soạn bài ký về thân thế, cuộc đời của cụ, có đoạn: “Tiên sinh là người tinh thông Thái cực, Lý số thấu triệt họa phúc, biết rõ dĩ vãng và tương lai, cả trăm đời sau chưa chắc đã có ai hơn được”. Đến nay, ta vẫn tin thế. Có điều chắc chắn Sấm Trạng Trình không phải của cụ. Chỉ do người đời sau bịa thêm vì mục đích chính trị của họ. Thói đời, người ta thường dựa vào uy tín của tiền nhân để bịa ra các chuyện có lợi cho mình, giai cấp mình rồi gán tất cho tiền nhân. Sấm Trạng Trình là trường hợp đó. Lâu nay có nhiều văn bản Sấm Trạng Trình nhưng mỗi bản mỗi phách. Giải thích, bàn luận cũng khác.

Sử có ghi, đại khái, sau khi Nguyễn Kim mất, lo sợ em vợ tranh giành quyền lực nên Trịnh Kiểm đã giết là Nguyễn Uông. Sợ mình rồi cũng bị anh rể ám hại nên năm 1558, Đoan quốc công Nguyễn Hoàng bèn sai người tìm hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm lối thoát thân. Cụ nhìn đàn kiến bò trên hòn non bộ và bảo: Hoành Sơn nhất đái, vại đại dung thân” (nghĩa: Một dãy Hoành Sơn kia có thể yên thân được muôn đời). Chuyện này chẳng thấy ai bàn cãi. Tin là thế. Sao không nghĩ rằng, một nhân vật lẫy lừng, uyên bác “thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung kiêm nhân sự” lại có thể nói một câu tưởng rằng chắc nịch nhưng thật ra rất sơ hở. Sơ hở bởi thấu hiếu Lý học, Kinh dịch chẳng lẽ nào cụ lại không thấy tính vận động của sự việc? Than ơi! Làm gì có sự “vạn đại” dưới gầm trời này? Vì thế, câu nói của cụ chỉ có thể “Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ  dung thân”. Người đời sau chỉnh sửa lại câu nói của tiền nhân đấy thôi.

Lạy trời cả cả gió nồm

Cho thuyền chúa Nguyễn giong buồm ra khơi

Câu ca dao này Từ điển wikipedia giải thích: “Ðược tin vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Ánh rất vui mừng, ông đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Tây Sơn. Dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ có nhiều quan chức người nước ngoài như Dayot (Ông Trí), Philippe Vannier (Ông Chấn), Guilloux, Laurent Barisy (Ông Mân), De Forcant (Ông Lăng), Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel (Ông Tín), Theodore Lebuen. Những quan chức nầy là những cố vấn kỹ thuật cho Nguyễn Vương trong lãnh vực quân sự, vũ khí, đấp thành, v.v... Năm Nhâm tý (1792) chúa Nguyễn tự thân đi đánh Qui Nhơn nhưng cũng không thành công.

Từ đấy hằng năm cứ đến mùa gió nồm Phúc Ánh cho quân tiến ra đánh các tỉnh miền Trung, khi gió bấc nổi lên ngài lại rút quân về Gia Định.

Người trong nước, mà chủ yếu là ở vùng Thuận - Quảng trông ngóng quân của chúa Nguyễn từ Gia Định ra đánh Tây Sơn nên thời bấy giờ có câu ca dao còn truyền tụng đến giờ:

Lạy trời cho cả gió nồm,

Để cho chúa Nguyễn kéo buồm thẳng ra.

Chiến dịch gió mùa đầu tiên, trong năm 1792, đưa đến một sự triệt hạ gần như hoàn toàn hải quân của Tây Sơn tại Thị Nại, hải cảng ở Qui Nhơn”.

Thử hỏi, có thật câu ca dao này thể hiện “Người trong nước mà chủ yếu là ở vùng Thuận - Quảng trông ngóng…”? Sao không đặt vấn đề có thể các nho sĩ phò chúa Nguyễn đã phao ra câu ấy? Chứ "người trong nước" nào ở đây? Nghĩ như thế, vì đã có hiện tượng là cũng câu ca dao, tục ngữ, đồng dao đó nhưng cách giải thích lại khác nhau về sự kiện lịch sử.  Hoặc cũng có thể câu đó đã có trước, hoặc có sau đã ám chỉ một sự việc khác nhưng có nhà viết sử vận dụng, cho nó ra đời trong thời điểm có thể phục vụ quan điểm chính trị của mình?

Cái thú đọc sách là chỗ đó. Cứ đọc lan man nhiều thông tin và tự mình tìm cho mình câu trả lời theo cách suy luận của mình. Đúng sai chưa rõ nhưng ít ra nói cũng buộc mình phải nghĩ ngợi đôi điều. Đọc sách mà nhất nhất tin vào sách, đừng đọc còn hơn. Đọc các sách viết về thú chơi đồ cổ, ta biết đầu thế kỷ XX khi đến kinh đô Huế, được tận mắt khảo sát, tìm hiểu đồ sứ men xanh trắng, học giả người Pháp Louis Chochod đã công bố bài khảo luận quan trọng. Trong đó, ông gọi các sản phẩm ấy là “Bleus de Hué”, về sau học giả Vương Hồng Sển là người đầu tiên chuyển ngữ thành “Đồ sứ men lam Huế”. Thuật ngữ này đã được giới chuyên môn công nhận và tồn tại đến nay.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có người chưa thuận tình, đó là ông Trần Đình Sơn. Dù là “học trò” của cụ Sển, từng được sư phụ chỉ giáo nhiều về chuyên môn từ lúc chập chững bước vào thú chơi đồ cổ, nhưng ông Sơn cũng mạnh dạn bộc bạch suy nghĩ: “Tuy nhiên càng về sau, cụm từ “Bleus de Hué” - Đồ sứ men lam Huế càng gây ra nhiều ngộ nhận”. Tại sao? Ông Sơn cho biết: “Xét cho cùng nó không thể diễn tả đầy đủ các chủng loại đồ sứ do người Việt gửi kiểu mẫu đặt làm ở nước ngoài dưới hai triều Lê - Nguyễn. Nhiều cuộc tranh luận khoa học diễn ra, giới nghiên cứu mong tìm một thuật ngữ mới có thể thay thế Đồ sứ men lam Huế”. Là một người đã say mê đồ cổ từ thuở mới lên mười, được tiếp cận nhiều hiện vật - nhất là từ đồ cổ quý giá của ông cố là Thượng thư bộ Hình của Triều Nguyễn và qua trao đổi với các “danh gia vọng tộc” ở Huế - ông Sơn cho rằng nên gọi các sản phẩm trên bằng thuật ngữ “đồ sứ kí kiểu”.

Thuật ngữ này, đến nay chưa thấy ai phản bác. Theo ông Sơn “Bởi vì nó có nội hàm chuẩn xác, do chính tiền nhân chúng ta, chủ sở hữu dòng đồ sứ độc đáo này đã khai sinh: đồ kiểu, đồ mẫu”. Nói một cách nôm na, các hãng đồ gốm nước ngoài (Trung Hoa, Pháp...) đã sản xuất theo “đơn đặt hàng” từ mẫu mã đến thiết kế của người vua chúa, quan đại thần... người Việt. Chính vì thế dù thực hiện ở nước ngoài nhưng nó vẫn mang cốt cách hồn Việt.

Tất nhiên, lập luận của ông Sơn về một thuật ngữ mới nhằm thay thế “Đồ sứ men lam Huế” phải được trình bày bằng một luận chứng khoa học. Nhưng trước hết tinh thần phản biện này rất đáng hoan nghênh. Nghĩ cho cùng, đây là đức tính rất cần thiết  không chỉ cho người làm công tác khoa học mà còn cho người đọc sách. Có phản biện, chúng ta mới có thể tiếp cận được với cốt lõi của sự vật, của hiện tượng đã và đang tồn tại.

Vừa đọc xong Thưởng ngoạn đồ sứ kí kiểu thời Nguyễn 1802- 1945 của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (NXB Văn Nghệ - 2009) liền vớ tay đọc Đạo Cao Đài & Victor Huygo (NXB Thời Đại - 2011) của Trần Thu Dung. Càng đọc càng ngạc nhiên bởi nhiều thông tin hết sức lý thú: "Sức mạnh của hội Tam Điểm qua việc chọn thờ V. Hugo thay biểu tượng đạo Phật chứng minh Cao Đài chịu sự lãnh đạo ngầm của hội Tam Điểm" (tr.153); "Đạo Cao Đài là một chi nhánh Tam Điểm bản địa biến tấu. Các thành viên Tam Điểm chính là một phần các chức sắc lớn Cao Đài đã mất, sử sách không dám ghi lại sự thật. Sau năm 1945, hội Tam Điểm gần như biến mất ở Đông Dương nên hậu thuẩn đằng sau Cao Đài đã mất" (tr.159). Lạ lùng chưa? Đọc thấy ngạc nhiên bởi mới tiếp cận thông tin này lần đầu mà bản thân có biết ất giáp gì về các tôn giáo đâu.

Đọc lan man trong mấy ngày nghỉ lễ vậy là đủ rồi.

Ủa, đọc thì đọc nhưng sao chẳng thấy Nhật ký? Thì còn phải viết bài kiếm sống nữa chứ. May quá, “việc gì làm được hôm nay, chớ để ngày mai”, nghĩ được vậy nên tập trung thời gian viết dứt điểm mười danh nhân cho Đông A vẽ truyện tranh dành cho các em thiếu nhi rồi. Thở phào nhẹ nhỏm. Bèn ra nhà may Thắng may hai cái quần tây mới. Vẫn còn nhiều nhưng cũng may thêm bởi nó thuộc loại vải mà mỗi lần mặc phải ủi. Ghét quá. Lại ghét luôn loại giày mỗi lần mang phải cúi xuống đánh xira, cột dây giày. Ghét khi gọi điện thoại mà nhá máy. Ghét nhắn tin mà không thấy trả lời. Ghét đang ăn sáng lại có người đứng sát rạt mời mua vé số. Ghét vừa vừa thôi. Ghét nhiều thứ quá thì chơi với ai?

Sáng nay, họp ra mắt tập sách Điệp viên hoàn hảo X6 - cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn - phóng viên Reuters, Time, New York Herald Tribune… & tướng tình báo chiến lược Việt Nam của  sử gia Larry Berman. Ông ưu ái dành cho Việt Nam xuất bản ấn phẩm tiếng Việt trước cả sách gốc tiếng Anh được xuất bản ở Mỹ. Ngồi cà phê với bạn thơ L.T. Nhơn, T.H. Nhân và các anh em nhà báo. Chiều nay mưa.

Chiều nay mưa, nhưng có lai rai gì để tự thưởng chăng? Bởi trong mấy nghỉ ngày lễ vừa qua y đáng khen thật. Ngoan quá, dễ thương quá, yêu quá.

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment