LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 13.9.2013


Có những ngày không muốn viết bất kỳ một chữ nào. Như ngày hôm qua. Rã rời. Mệt mỏi. Ngao ngán. Thói quen lướt web mỗi sáng bị khựng lại. Cái tin vụ nổ súng ở UBND Thái Bình đã trở thành đề tài sôi nổi của nhiều người. Sau khi xả súng, thủ phạm cũng tự liểu số phận. Người anh trai thủ phạm cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến hành động mang súng vào trụ sở UBND TP bắn người của em tôi (Đặng Ngọc Viết - PV) là xuất phát từ sự bức xúc quá lâu về vấn đề giải tỏa, đền bù đất của gia đình" (báo T.N 12.9).

Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn chưa có kết luận chính thức. Mà dù có thế nào, trước hết không thể đổ lỗi cho người dân. Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chẳng có ai điên rồ chống lại bộ máy hành chánh của Nhà nước, nếu họ không bị đẩy vào tận chân tường. Đọc lại sử Việt Nam, hầu hết các cuộc khởi nghĩa nông dân cũng chính từ sự thúc ép, cưỡng đoạt đất đai, sưu cao thuế nặng. “Hôn nhân - điền thổ, vạn cổ chi thù”. Mối thù truyền kiếp, chỉ có thể trả bằng máu. Không ý thức lời dặn dò của người xưa ắt phải trả giá.

Ông Nguyễn Trường Tộ từ nửa cuối thế kỷ XX đã nhìn ra mối quan hệ giữa dân và quan lại: “Tôi thấy các quan ở kinh thành bận rộn công việc không kể ngày đêm. Thế mà các quan ở phủ huyện thì nhàn rỗi đàn ca xướng vọng. Hễ đi đâu thì tờ trát đi trước, bắt dân chầu chực nghinh đón. Như thế thì làm sao đi vào trong dân gian để tìm hiểu những uẩn khúc của họ được? Làm quan có đức độ, biết khéo giáo hóa dân chúng, là phải đi vi hành trong dân gian, nhưng giản dị dễ dàng cho dân... Còn quan viên ta ngày nay ngồi giữa công đường, ngoài cái án thư bàn độc ra, không còn biết việc gì khác. Những công việc như phong tục dân gian tốt xấu thế nào, đất đai hoang phế ra sao, lúa thóc phải tích lũy thế nào, rừng rú ao đầm phải giới hạn đến đâu, tất cả phó mặc cho mây bay nước chảy, không cần biết đến…

Người làm quan thời nay ngoài các công vụ tầm thường chỉ thấy bọn văn nho ra vào tâng bốc lẫn nhau, bọn phú hào chầu chực để mượn uy cậy thế mà thôi. Có ai thanh liêm siêng năng thì họ chế nhạo rằng: “Đồ làm bộ để được tiếng tốt để cầu địa vị cao. Ta thì ba lần làm quan ba lần bị truất cũng chẳng nghĩa lý gì!” Đó là nói những phường quan lại xấu xa kém cỏi. Quan trên cách xa muôn dặm làm sao biết được sự tình. Như vậy mà phần đông cứ bảo là chính lệnh trong sáng dân chúng yên hòa. Cho nên bọn giặc cướp lén lút hoành hành, qua lại thông báo cho nhau còn nhanh chóng hơn là việc nước mà Triều đình không hề hay biết cũng phải!

Nếu Triều đình tìm được người nào có lòng ngay thực vượt hơn thường tình xin phái họ ra Bắc kỳ và vào Gia Định giả làm dân thường thăm dò dân chúng mới thấy những lời nói của tôi không phải là vu cáo mà còn thấy rõ ở phủ huyện còn trăm phần tệ độc tôn chưa dám nói ra” (Tế cấp bát điều luận).

Ôn cố tri tân vẫn là công việc của người học sử. Thời nhỏ đọc truyện cổ tích, đứa trẻ nào cũng mừng rỡ khi nhân vật đại hiệp mình yêu quý bị đẩy vào hoàn cảnh bức bách, bị mưu toan ám hại bỗng dưng nhà vua vi hành nắm rõ trắng đen rồi phán xử công bằng. Cũng như lúc người tốt gặp hoạn nạn, đơn thân độc mã lại có bà Tiên, ông Bụt hiện ra. Sướng quá. Vỗ đùi cái đét. Chà, phải thế chứ! Khát vọng ấy ngàn đời, thời đại nào, dân tộc nào cũng có. Mà nghĩ cho cùng cũng là một cách tự mình lừa mị, phỉnh phờ chính mình đấy thôi. Thời trước ở Quảng Nam có câu ca dao như vầy:

Trách lòng quan huyện Hà Đông

Xử vị lòng chồng hai bảy mười ba

Không nghe tan cửa hại nhà

Nghe thời hai bảy mười ba cực lòng

Hà Đông này không thuộc địa danh “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” trong thơ Nguyên Sa. Hà Đông tức thành phố Tam Kỳ. Năm 1803, vua Gia Long lập dinh Quảng Nam gồm 2 phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn gồm 2 huyện: Diên Khánh  và Hòa Vang; phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện: Duy Xuyên, Lễ Dương và Hà Đông. Năm 1906, huyện Hà Đông nâng thành phủ, đổi tên phủ Tam Kỳ. Ai cũng biết 2 x 7=14, nhưng theo quan huyện Hà Đông lại “hai bảy mười ba”.

Dân đen nào chịu cho xiết?

Đọc thông tin mỗi ngày là cần thiết. Tuy nhiên có những lúc đọc xong bèn tần ngần tự hỏi: “Viết gì nữa?”. Y nhếch mép cười khinh bỉ y: “Ô hay, từng ngày kiếm sống bằng nghề viết báo mà lại nói thế ư?”. Biết trả lời thế nào? Y biết y quá mà. Yếu bóng vía. Sợ bóng sợ gió. An phận thủ thường. Gió chiều nào theo chiều ấy. Tâm hồn y thơ thẩn trên mây. Khi gặp những vấn đề gay cấn quá, luôn né tránh, quay mặt nhìn chỗ khác. Quay mặt vào trang sách cũ. Giấy nát, chữ mờ. Như một cách lãng quên hiện thực. Để vui sống từng ngày. Để có thể bia rượu tèm nhem. Để ngong ngóng theo bước chân lướt qua trên đường dài vạn trùng gái đẹp.

Có thú vị hơn không?

Lúc ấy, vừa đắm đuối gái đẹp lại vừa chúi mũi cổ thư. Có lần, y đọc lại tờ Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tờ báo này, ban đầu cụ Huỳnh dự tính lấy tên Trung Thanh (tiếng nói ngay thẳng, trung thực); chưa ưng ý lắm, cụ đổi Dân Thanh (tiếng nói của dân). Cũng còn phân vân. Hỏi ý kiến cụ Phan Bội Châu. Sau một hồi ngẫm nghĩ, cụ Phan bảo cụ Huỳnh: “Đã làm báo quốc ngữ thì để Tiếng Dân không rõ ràng hơn sao?”. Từ đó Tiếng Dân ra đời, ngày 10.8.1927. Quan điểm làm báo của cụ Huỳnh: “Vì rằng ta không có quyền tự do nói những điều nên nói, mà ta lại có quyền tự do không nói những cái không nên nói” (Tiếng Dân số 175, 1.5.1929)

Năm kia viết Hỏi đáp Non nước xứ Quảng, đã in 4 tập, lúc bắt tay viết tập 5 lại biết được một vài thông tin tiêu cực, nhố nhăng của quan chức từ quê nhà. Chán. Không viết nữa. Hình ảnh hoa mộng giữ gìn bấy lâu trong ký ức bỗng tan tác. Não nùng. Xóa nhòe. Cảm hứng tàn lụi theo. Ngao ngán. Bèn bỏ luôn. Mãi sau mới có thể bổ sung, cấu trúc lại Người Quảng Nam. Năm nọ viết Kể chuyện danh nhân Việt Nam, sách phát hành hàng tuần, đang viết hăng, rồi cũng khựng lại bởi nhận ra khoảng cách quá xa giữa quá khứ với hiện thực. Hết hứng thú. Viết không thật những gì đã nghĩ trong đầu, viết làm gì?

Trong bàn nhậu là lúc con người ta nói thật, ít ra cũng thật hơn lúc phát biểu công khai trong các cuộc họp. Tưởng chừng có hai con người trong một thân xác. Dám nói thật đã khó, dám nghe nói thật còn khó hơn. Nhà canh tân Phạm Phú Thứ có lần do nói thật nên đang “lên voi” đã “xuống chó”. Chuyện rằng, năm 1849 cụ được điều về Viện Tập hiền, ở Tòa Kinh diên. Trong một ngày mùa đông rét mướt, vua Tự Đức nghỉ thiết triều, cụ nghĩ rằng, nhà vua mới lên ngôi chấp chính thì phải sửa đổi cái tính lười biếng ấy, liền viết sớ dâng lên. Đọc sớ, vua Tự Đức đùng đùng nổi giận bèn hạ lệnh cho đình thần nghị tội! Từ một người ở “phòng nghe giảng sách của vua”, cụ bị giáng làm người “chạy trạm về việc canh nông”! Lúc nổi nóng, vua Tự Đức đã quyết định như vậy, chắc ngài không ngờ  hàng trăm năm sau vẫn còn bia miệng. Sống trời đời thật khó, sau khi đã vùi nông ba tấc chắc gì đã yên thân? Vậy sống như thế nào? Muôn đời vẫn là bài học đời người. Bài học vở lòng này từ lúc lọt lòng mẹ đến khi về cát bụi còn phải học từng ngày.

Còn mấy ngày nữa đến rằm tháng tám? Mua một hộp bánh tặng nàng. Cô bán hàng rầu rĩ, chẳng thấy người ta chen lấn mua như trước, cả ngày chỉ loe ngoe vài mống! “Chắc thiên hạ họ đợi đến gần ngày mới mua?”. “Không, thời gian này mua biếu xén, mua ăn, bánh mới chất lượng. Đợi lúc các quày thông báo giảm đến 30%, “mua 1 tặng 1” thì đừng vội tin! Chẳng hạ giá gì, tiền nào của đó”.  Ngẫm một lúc khen người bán hàng thật thà.

Đã nhận thư cám ơn của báo Pháp luật nhân kỷ niệm 23 năm ngày thành lập báo. Nhanh ghê. Nhớ thời anh Nam Đồng về làm TBT, có viết bài thơ tặng, chỉ nhớ mỗi đầu: “Từ nay sung sướng làm chồng công an”. Viết thế, bởi báo C.A nếu đưa tin về các vụ án, tất nhiên báo P.L cũng vậy nhưng phải có sự phân tích trên cơ sở pháp lý, bởi tờ báo này thuộc ngành tư pháp. Chỉ nhận được thư cám ơn, chẳng thấy mời liên hoan lai rai như mọi năm. Có lẽ do chủ trương chung phải tiết kiệm chăng? Đã nhận được khoảng chừng năm tập thơ mới ấn hành, thư mời ra mắt sách của một chuyên gia kinh tế, tọa đàm thi sĩ Bùi Giáng, trao giải kỷ lục về văn hóa, công bố kết quả Giải thưởng Sách hay 2013. Cuối tuần này, tuần tới nhiều cuộc phải rời khỏi nhà vào ngày thứ bảy và chủ nhật.

Chiều hôm qua bên quán cơm Nụ Cười đã đến nhận mấy bức tranh rồi. Sẽ bán làm từ thiện. Như vậy phòng tranh này có các bạn bè: nhà văn Mường Mán, nhà thơ Lê Thị Kim, Bùi Chí Vinh, Đỗ Trung Quân và y. Chẳng rõ có thể bán được không? Vì thế, chẳng hào hứng lắm. Mà thôi, có chỗ treo tranh cho người nghèo ăn một suất cơm chỉ 2 ngàn đồng ngắm nghía vui mắt. Nếu cái sự ngắm ấy khiến họ ăn ngon miệng hơn thì cũng hữu ích.

 

DSCN0497R

DSCN0494R

DSCN0499r

DSCN0495R

DSCN0488R

 

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment