LÊ MINH QUỐC: Nhật ký 18.9.2013


Đang trên đường đi làm, có cú điện thoại: “Q ơi! Phở”. Đến một lúc nào đó, ăn sáng luôn cần một, vài người bạn ngồi chung đấu láo, bông phèn vài câu. Đỡ buồn. Ngồi một mình? Cúi mặt xuống trang báo. Chán chết. Chán bởi tờ báo dày cui nhưng chưa xong bát phở đã có thể khép lại. Chỉ đọc loáng cái tít, cái tựa, nhảy cóc vài dòng. Hiểu na ná nội dung. Là xong. Xong một tờ báo. Xong thông tin cần biết của một ngày. Đã nghe nhiều người bạn la toáng lên: “Mỗi ngày mua một xấp báo mà chẳng biết đọc gì!”. Chẳng biết đọc gì? Quái, nghe lạ. Có thể do những chuyện mình quan tâm không xuất hiện trên mặt báo? Có thể do mình chẳng quan tâm gì đến cái sự đời nữa? Nếu thế, nếu chẳng quan tâm gì đến cái sự đời ấy là lúc tuổi già đang dần dà lướt đến. Do già nên lẩm cẩm tự hỏi người đàn bà góa chồng khi ăn một mình như y mỗi ngày sẽ thế nào?

Một mình một mâm cơm

Ngồi bên nào cũng lệch

Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền

Câu thơ của Hữu Thỉnh buồn rười rượi. Có những câu thơ vụt đến. Đọc một lần là nhớ. Chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền. Y chôn tuổi xuân ở đâu?

Ngược thì ngược xuôi thì xuôi

Trái đất chật hẹp tới lui mỗi ngày

Căn phòng rộng cỡ gang tay

Cớ sao ngày lại qua ngày rộng rinh?

Từ hoàng hôn đến bình minh

Tôi cô độc tựa vết đinh trên tường

Có thật vậy không? Viết xong câu thơ, y lại tự hỏi. Đêm qua đã ghé Nhà tang lễ TP.HCM thắp cho đồng nghiệp Hoàng Hoài Sơn nén nhang. Vĩnh biệt bạn mình. Cũng một kiếp người. Nơi này, không có nhà sư tụng kinh, không có bàn thờ Phật nên càng gợi lên cảm giác lạnh lẽo, buồn bã. Khâm phục Sơn ở chỗ vẫn tin mình sống, vẫn có thể giúp ích cho đời. Những ngày đối đầu thần chết, anh vẫn đứng ra làm ấn phẩm K+ Sức khỏe chuyên về bệnh ung thư. Trong đó có những bài của người này, người kia viết về kinh nghiệm chữa trị bằng thuốc Nam mà lành bệnh. Nhà thơ Hoàng Cát kể chuyện nhờ nước ép mãng cầu xiêm, ông trị hết bệnh ung thư hạch; GS Phùng Văn Bộ, từng dạy Đại học Đà Lạt chữa hết ung thư tuyến tiền liệt bằng cách nấu lá đu đủ, lá sả thay thức uống mỗi ngày. Có lẽ do “may thầy phước chủ”? Chẳng biết nữa.

Đã lâu lắm mới ghé lại Trường Đại học Sư phạm. Tham dự ra mắt sách của Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V. Khác với các lần trước, có tác phẩm tham dự lần này, nếu chất lượng tốt sẽ được xuất bản và nhận nhuận bút trước ngày công bố kết quả. Sáng nay, ra mắt 5 tác phẩm đầu tiên: truyện dài Anh đã đợi em, từng ngày (Nguyễn Thị Thanh Bình), truyện dài Hạt hòa bình (Minh Moon), tập truyện ngắn Ngôi nhà không cửa sổ (Khiêm Nhu), truyện dài Ở trọ Sài Gòn (Nguyễn Hoàng Vũ) và truyện dài Urem - Người đang mơ (Phạm Bá Diệp). Cuộc thi này do Hội Nhà văn TP.HCM, NXB Trẻ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức. Dự kiến được công bố vào ngày 2.9.2014.

Trường Sư phạm đã xây lại, tạo cảm giác thoáng đãng, rộng rãi hơn. Từ ngoài cổng đã thấy các thông tin về ra mắt sách. Có điều nhìn đi nhìn lại trong khán phòng vẫn những gương mặt quen thuộc. Vẫn nhà báo, nhà văn bạn hữu. Không có nhiều sinh viên tham dự. Ngạc nhiên quá chừng. Một sự kiện liên quan đến văn hóa đọc tổ chức ngay tại trường sao họ lại hờ hững thế kia? Nhiều sinh viên lững thững lơ thơ đi dạo trong sân trường; vẫn ngồi trên băng ghế chuyện trò không buồn ghé mắt đến. Chẳng hiểu vì sao nữa. Một câu hỏi vọng lên trong óc. Chợt buồn buồn.

Sức hấp dẫn nhà văn đã hết thời chăng?

Đọc lại báo chí miền Nam trước 1975, rõ ràng thời ấy nhà văn có uy lắm. Ngày 25.6.1962, danh ca Dalida đến Sài Gòn và ở tại khách sạn Caravellle, lầu 6, phòng 606. Trong cuộc trò chuyện thân mật đầu tiên với báo chí Sài Gòn, ban tổ chức còn mời cả nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, danh  ca Dalida: “Sinh ra ở Cairo, Ai Cập trong một gia đình gốc Ý, sau đó lại hoạt động nghệ thuật chủ yếu ở Pháp, Dalida có thể hát bằng hơn mười thứ tiếng khác nhau trong đó có rất nhiều bài đã trở thành bất hủ như Bambino, Besame Mucho, Paroles... Paroles... hay Le temps des fleurs”. Chi tiết này chưa chính xác, cuộc trò chuyện này báo Kịch Ảnh số 19 (7.7.1962) có chi tiết:

“Thấy cái pip của Mai Thảo tắt lửa, Dalida lấy bật lửa châm hộ.

Mai Thảo tinh nghịch:

- Cám ơn Dalida.

Dalida lắc đầu:

- Không! Tôi là Yolanda Gigliotti, sinh tại Serrastrara, Ý Đại Lợi.

Mai Thảo tiếp lời:

- Lớn lên tại Caire, Ai Cập, nghe lời đạo diễn điện ảnh De Gastyne, tới Paris định làm minh tinh điện ảnh, nhưng rốt cuộc thành ca sĩ”.

Vừa tìm thông tin trên goole về danh ca Dalida, được biết: “Đêm ngày mùng 2, rạng sáng ngày 3.5.1987, Dalida tự sát bằng thuốc an thần và qua đời tại nhà riêng trên phố Orchampt thuộc khu Montmartre, bà chỉ để lại một dòng trăng trối: “La vie m'est insupportable, pardonnez-moi - Tôi không thể chịu đựng cuộc sống thêm được nữa, hãy tha lỗi cho tôi”.

Chi tiết này cảm động. Phẩm chất của một nghệ sĩ đích thực đấy ư?

Đọc Nghiên cứu văn học (số 15 tháng 5.1972), có bài tường thuật nhà văn Duyên Anh đến nói chuyện  với sinh viên Đại học Văn khoa Sài Gòn vào lúc 15g30 ngày 6.3.1972. Cuộc trò chuyện kết thúc lúc 18g30 dù sinh viên vẫn còn hào hứng. Trước đó, GS Thanh Lãng cũng mời nhiều nhà văn khác đến trò chuyện ngoại khóa với sinh viên. Đọc tạp chí Văn số cuối cùng có chi tiết, khi trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) tổ chức húy nhật cụ, ban tổ chức đã  cất công vào Sài Gòn mời nhà văn ra tham dự. Thời đó, một giọng ca, một gương mặt diễn viên càng trở nên “sang trọng” hơn khi có bài nhận định của nhà văn, nhà thơ.

Bây giờ đã khác. Sự khác biệt này bình thường. Hào quang mỗi thời mỗi khác.

Thế kỷ trước, những nhà nho cấp tiến, tù chính trị vì chống phong kiến, đế quốc mà phải cơm Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La, Kon Tum... khi trở về đời thường được xã hội trọng vọng, kính nể. Vụ tranh luận Truyện Kiều thập niên 20 - 30 thế kỷ XX giữa Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng... chưa nói về lý lẽ mỗi bên nhưng ít nhiều dư luận vẫn có thiện cảm với các "ông Nghè" ăn cơm tù đã mòn răng; hoặc nhà thơ trào phúng Nguyễn Thiện Kế, anh rể thi sĩ Tản Đà sau khi Côn Đảo về lại được làng xã nể nang, kính trọng; bà con lui tới chăm nom, giúp đỡ để hào hứng nghe ông kể chuyện ngồi tù v.v... Ngay cả Đội Cấn vì cảm phục người tù ái quốc Lương Ngọc Quyến mà cùng tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 đấy chứ. Tóm lại, thời đó những ai làm "quốc sự", tham gia "hội kín" được xã hội nể trọng, tin cậy. Rồi như ta biết, giới trí thức trước 1975 tại miền Nam như nhà giáo, nhà văn cũng vậy. Bây giờ đã khác.câu thành ngữ mới: "Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm" đã cho thấy một thái độ. Hào quang mỗi thời mỗi khác. Bình thường thôi. Có điều, hiện nay vẫn có những nhà văn rất thu hút bạn đọc, nhưng các sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội lại ít thấy mời đến họ, chỉ rặt ca sĩ.

Hình ảnh hào nhoáng, âm thanh rôm rã, "chém gió" náo nhiệt mới là “điểm nhấn” của thời đại chăng?

 

L.M.Q

dalida

Danh ca Dalida qua báo chí Sài Gòn (1962)

vannghe-sai-gon

Nhà văn Sài Gòn tiếp danh ca Dalida tại KS Caravelle, (ảnh dưới cùng: từ phải nhà báo Quốc Phong, Dalida, nhà văn Mai Thảo, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment