THƠ Tập thơ Lê Minh Quốc - YÊU EM, ĐÀ NẴNG

Lê Minh Quốc - YÊU EM, ĐÀ NẴNG

Mục lục
Lê Minh Quốc - YÊU EM, ĐÀ NẴNG
THAY LỜI TỰA
TẾT CỦA TUỔI THƠ (I)
GẶP LẠI ĐÀ NẲNG
THƠ TÌNH
SEN HỒNG
MỸ KHÊ VÀ EM
CUỐI NĂM VỀ QUÊ CŨ
QUÊ HƯƠNG
KÝ ỨC CỦA BÀN CHÂN
TRÒ CHUYỆN VỚI CHUỒN CHUỒN
CÀ PHÊ
VỀ ĐÀ NẴNG
MÙA XUÂN VỀ NHÀ CŨ
VỀ QUÊ ĂN TẾT (I)
NIỀM VUI
CHIỀU RA ĐỨNG NGÕ SAU
LỘC BIẾC
GỬI ĐÀ NẴNG (I)
CHIỀU XƯA
GỬI ĐÀ NẴNG (II)
ÁO ĐỎ
TỪ SÂN GA HÒA HƯNG ĐẾN ĐÀ NẴNG
QUÊ NHÀ
VỀ QUÊ
TIẾNG GÀ
THƠ TÌNH TRONG TRÍ NHỚ
GHI TRÊN SÓNG TIÊN SA
THƠ VIẾT TRÊN ĐƯỜNG TRIỆU NỮ VƯƠNG
NGŨ NGÔN BÀ NÀ
GIAO THỪA
GIAO MÙA
MAI XA ĐÀ NẴNG
TRONG CON MẮT CỦA ĐÊM
THẤT LẠC
GIẤC MƠ TUỔI NHỎ
LỜI TỪ BIỆT ĐÀ NẴNG
QUA BẾN ĐÒ XU
SAO KIM
THƠ CỦA MẸ
Tất cả các trang

LỜI THƯA

Tập thơ Yêu em, Đà Nẵng (NXB Trẻ) in và nộp lưu chiểu vào tháng 9.1999. Trước đây, trên báo Phụ Nữ số Xuân, tôi có viết bài tùy bút “Giếng nhà ông ngoại”, nay post lại để thấy được lý do ra đời của tập thơ này:

                                     7                                                                                   

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

http://www.leminhquoc.vn/lmq/tac-pham-du-luan/nhan-dinh/986-yeu-em-da-nang.html

 

  “Tuổi thơ của tôi có những vạt mây trắng. Mây bay trên trời xanh lồng lộng bây giờ đã chìm khuất đâu đó trong trí nhớ, nhưng vạt mây từng soi bóng dưới giếng chắc vẫn còn. Giếng nhà ông ngoại. Cái giếng cũ kỹ ấy là một thời kỷ niệm khó quên. Nước trong vắt. Mỗi chiều, bà con láng giềng thường đến múc nước. Tình làng nghĩa xóm thân mật và gần gũi lắm. Trong tôi vẫn còn nghe vọng lên âm thanh của những chiếc gầu va vào thành giếng. Âm thanh của tuổi thơ nhiều mộng mị xa vời.

Lớn lên, có lần đọc một khúc dân ca của người Kampuchia, tôi nghĩ, đã có những cuộc tình bên cạnh giếng. Tại sao? Vì biết đâu trong đám trai làng ngày ấy, chắc rằng đã có lúc, có người tần ngần nhìn xuống giếng sâu và thì thầm trong tâm tưởng:

Anh đi ra giếng một mình

Chiếc bóng dưới nước long lanh đâu rồi?

Chỉ nhìn thấy bóng em thôi

Lúc em tắm để quên nơi giếng này

Tôi tạm dịch như thế. Và thích tứ thơ này. Khi người con trai thất tình, không thấy bóng mình chỉ thấy hình bóng người yêu năm xưa. Dịu vợi đến ngậm ngùi đau đớn. Ấy là do tôi tưởng tượng, chứ cái giếng ngay trước nhà, làm gì có ai dám đứng tắm.

Lớn lên, đi xa nhưng mỗi lần nhớ về tuổi nhỏ, trong tôi vẫn luôn hiện lên hình ảnh cái giếng đó. Nếu biết nói, chắc nó sẽ kể cho tôi nghe nhiều thăng trầm năm tháng đã đi qua. Nó sẽ kể rằng, một ngày nọ, đã xa lắc xa lơ, khi trong nhà không còn một hạt gạo bỗng nhiên sáng mồng một Tết có người đến thật sớm. Đến “đạp đất” mừng tuổi ông bà ngoại tôi chăng? Không, họ đến để mượn chiếc đòn gánh. Mượn trong ngày đầu năm là điều tối kỵ. Mà lại mượn cái đòn gánh đã mòn trên vai mẹ tôi từng ngày kiếm sống. Lạ quá đi chứ? Nào ngờ đó là một phép lạ. Vì ra giêng ngày rộng tháng dài, bỗng gia đình ông bà ngoại tôi làm ăn phát đạt. Các cậu, dì mua may bán đắc đến diệu kỳ. Những tiệm vàng mang chữ “Vĩnh” như Vĩnh Châu, Vĩnh Phát, Vĩnh Thuận... lần lượt được khai trương - một thời lừng lẫy ở chợ Cồn. Chuyện này, mẹ tôi đã kể tôi nghe trong một ngày đứng bên thành giếng nhà ông ngoại.

Khi tôi đi bộ đội về, việc làm đầu tiên của tôi là lên lại nhà ông ngoại đề tìm lại ngày tháng tuổi thơ. Kỷ niệm tốt tươi nhất trong đời tôi vẫn là ngày mồng một Tết, anh em tôi mặc quần áo mới chúc ông bà sống lâu muôn tuổi, để rồi được dì, cậu, ba mẹ “lì xì” những đồng tiền mới đựng trong phong bì đỏ chói. Nhưng rồi, tôi bàng hoàng nhận ra cái giếng ngày cũ đã không còn. Ngày tháng cũ đã mất. Chính vì thế, trong tập thơ “Yêu em, Đà Nẵng” có một đoạn tôi viết “Em đi qua vườn bàn chân bước vội. Nén nhang thơm trên bàn thờ ông ngoại. Thơm hoài nỗi buồn về khuya... Quay về tuổi thơ không còn ai. Chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim  lăn dài”. Vì nhiều lý do, các dì, cậu đã bán một phần căn nhà cũ của ông bà ngoại và người mua đã lấp cái giếng ấy, lấy thêm đất dựng nhà. Kỷ niệm cũ của tôi đã chìm sâu dưới đất. Đã chìm sâu cả trò chơi của tuổi thơ “Nào oẳn tù tì! Cái gì? Cái kéo. Cũng kéo co nhau ngày Tết đến rồi. Nồi bánh chưng cười con chim le lưỡi. Chơi trò chơi nhỏ em gọi Tết ơi!”. Bây giờ cũng gọi Tết ơi! Nhưng lại thấy xa xăm quá đỗi...”.

Nay đọc lại tập thơ Yêu em, Đà Nẵng, tôi vẫn còn hình dung ra cái giếng cũ nhà ông ngoại, dù đã mất.

Vẫn hình dung ra những gương mặt tình cũ của mùa xanh trong trẻo phận người. Nay đã xa một tầm tay.

Kỷ niệm êm đềm đã mất.

 

LÊ MINH QUỐC

1.5.2012


 

THAY LỜI TỰA

(gửi A)

em chạy qua vườn bàn chân bé nhỏ

trong vườn lảnh lót tiếng chim reo

thuở ấy bình yên mà mỗi lần nhớ lại

buồn và tiếc nuối

ôi thời gian

đã chuốc chén rượu say mê man

tưởng tượng mộng mị chưa đi qua

làm sao giữ được?

bạn bè tuồi thơ nào còn có ai

đứa trúng đạn ở chiến trường Tây Nam

đứa vượt biên qua Mỹ

đứa kiếm sống sang Lào

lặng lẽ

lặng lẽ sống lặng lẽ yêu rồi sinh con đẻ cháu

tóc lặng lẽ bạc

tuổi bốn mươi làm sao tươi tắn nụ cười?

em đi qua vườn bàn chân bước vội

nén nhangtrên bàn thờ ông ngoại

thơm hoài mỗi nỗi buồn về khuya

có những lúc quay về đứng tần ngần

tìm đâu giọng nói ngày cũ

tìm đâu những con cá bơi hồn nhiên

tìm đâu cây ổi trĩu quả

tìm đâu hỡi tìm đâu?

em đi qua vườn bàn chân lặng lẽ

tuổi đã xa thơ ấu muôn trùng

đêm đốt  nến chiếc lồng đèn bánh ú

còn sáng nữa không?

năm tháng đã đổi thay tất cả

mái ngói rêu ẩm ướt

những con chim quay về úp mặt vào mưa

nghe những lời ru hời xa vắng

còn gì đâu

em đi qua vườn bàn chân đi mau

bao giờ quay trở lại?

ngày mồng một tết trước sân nhà ông ngoại

những đồng tiền mừng tuổi

còn thơm hoài trong ký ức

bây giờ cũng là những đồng tiền

đưa lên mũi ngửi

muốn nôn mửa

những đêm trăng ngồi chơi ngoài sân

nghe chuyện cổ tích

bây giờ ông bụt đi đâu rồi?

ngôi nhà vắng bạn bè đi vắng

quay về tuổi thơ không gặp ai

chỉ gặp trên mái ngói tiếng chim lăn dài

hàm răng nghiến chặt

em đi qua vuồn bàn chân dè dặt

bước khẽ thôi lá rụng buồn tênh

ngôi nhà mới mọc lên

ai cũng có một đời sống riêng

với nhiều lo toan với nhiều mệt mỏi

bão tuyết từng ngày dữ dội

muốn quay về cùng nắng ấm

vườn xưa còn đâu để quay về

nhắm mắt vẫn mơ thấy hình bóng cũ

tuổi thơ reo trong sân nhà ông ngoại

chỉ còn là thần thoại

tuổi 40

LÊ MINH QUỐC


 

TẾT CỦA TUỔI THƠ (I)


Tết đến lúc nào không biết nữa

Đêm tinh khôi em vừa chạy ra sân

Nồi bánh chưng cười trên bếp lửa

Những trò chơi rồng rắn dẻo bàn chân

 

Nào cầm tay nhau dung dăng dung dẻ

Dắt trẻ đi chơi đến cửa nhà trời

Con ngựa đứt cương ba vương ngũ đế

Chi chi chành chành đuổi muốn hụt hơi

 

Ông giẳng ông giăng xuống ăn cơm nếp

Ông giằng búi tóc ông khóc ông cười

Ông Nỉnh ông Ninh hàm râu cá chép

Chuồn chuổn chuồn chuồn cắn rốn biết bơi

 

Nồi đồng nấu ốc, nồi đất nấu ếch

Em đọc thật nhanh thì bị vấp hoài

Đếm một hai ba nu na nu nống

Súc sắc súc sẻ chờ mẹ cho khoai

 

Mít mật mít gai mười hai thứ mít

Nhà nào còn lửa mở cửa bước vào

Em tập tầm vông tay không tay có

Có gì? Có tán? Tán gì? Tán chầu?

 

Chầu gì? Chầu bụt! Kéo cưa lừa sẻ

Thợ khỏe cơm vua, thợ thua cơm làng

Cùng ếp nhong nhong đánh con ngựa gỗ

Chạy quanh sân nhà cất tiếng cười vang

 

Cùng nhịp bàn tay như tiếng sóng vỗ

Ra sức kéo gỗ hò uẩy dô ta

Con quạ lợp nhà mai em ngồi học

Trang vở điểm mười đỏ rực như hoa

 

Nào oẳn tù tì! Cái gì? cái kéo!

Cùng kéo co nhau ngày Tết đến rồi

Nối bánh chưng xanh con chim lè lưỡi

Chơi trò chơi nhỏ em gọi Tết ơi!

LÊ MINH QUỐC


 

GẶP LẠI ĐÀ NẲNG

 

Trên đường vàng, đỏ, tím, xanh

Mắt đen, tóc trắng, long lanh, bụi hồng

Bàn tay còn giữ gì không?

Đi trên phố tưởng bềnh bồng trên mây

 

Tôi đi tôi tưởng tôi bay

Ngồi trong nắng ngỡ nằm dài dưới mưa

Em từ trong cõi ngày xưa

Bước ra hiện tại lại chưa luân hồi

 

Tôi quỳ tôi tưởng tôi ngồi

Muốn lên tiếng nói nhưng lời trốn đâu?

Tâm linh nào ở phía sau

Đẩy tôi lên trước ngoái đầu chào lui?

 

Tôi buồn tôi tưởng tôi vui

Vừa tỉnh giấc nhắc ngủ vùi nữa đi

Tôi gặp tôi giữa chia ly

Bàn chân hội ngộ thầm thì tiễn đưa

 

Em từ trong cõi ngày xưa

Dẫm vào hiện tại lại mưa bất ngờ

Trên đường người ngợm như mơ

Bàn chân lững thững hững hờ âm dương


 

THƠ TÌNH

Trên từng chiếc lá nõn tôi nắn nót viết tên em bằng màu mực tím. Vòm cây xanh trước sân nhà tôi, chắc chắn chim chóc sẽ quay về hót vang. Âm thanh vỡ òa xuống trần gian rộn ràng như tiếng khánh. Tên em lấp lánh, mỗi sớm mai tôi thầm mong gió về chỉ hiu hiu thôi, chứ đừng có lạnh. Gió thổi lao xao vòm lá reo lên tên em. Ồ tên em về trong cõi nhớ. Từ đó tôi yêu chiếc lá non mềm.

Giữa bàn tay tôi chằng chịt đường chỉ tay, tôi rụt rè viết tên em. Khi xòe bàn tay tôi sẽ thấy em cười một hàm răng hạt lựu. Thỏ thẻ lời yêu như thuở mới hẹn hò. Khi khép bàn tay tôi thấy mình dũng cảm, vì phải chở che em bằng những ngón tay này.

Trong ngực tôi rộn ràng một trái tim đỏ thắm, tôi sẽ khắc tên em. Một sớm xuân qua trái tim tôi nó nhảy. Chắc lúc đó em sẽ cười và lắc lư bím tóc. Tôi sẽ làm thơ ca ngợi thiên nhiên hoa cỏ mọc. Mỗi bông hoa đỏ rực. Và suốt đời em ngủ sẽ bình yên - trái tim tôi vỗ về như tuổi trẻ.

Giữa mỗi dòng thơ, tôi đều ưu ái viết tên em. Thiên hạ đọc cũng không sao phát hiện. Em cứ yên tâm. Mỗi buổi sáng em có thể xoa lên môi một chút son và đặt lời tự tình trên miệng. Tôi sẽ giấu bài thơ trong túi áo của mình. Ồ tên em ngủ yên như con sâu nhỏ bé. Không một ai có thể biết chuyện này.

Tôi sẽ viết tên em bằng những mẫu tự như từng viên sỏi mà ngày   xưa tuổi nhỏ chơi ô quan. Những viên sỏi reo vang A, B, C, D xanh hồn lam tím đỏ. Tôi không biết vì sao răng em trắng, má em hồng và môi em đỏ. Em đã quyến rũ tôi. Tôi bắt đền em đầy.

LÊ MINH QUỐC


 

SEN HỒNG

Rét mướt gió và em

Hỡi trưa xưa Đà Nẵng

Tôi chào tôi đứng yên

Gót sen hồng áo trắng

Tôi chào những vòm cây

Reo xanh trong im lặng

Mai kia chim chóc về

Hót vang giữa trời nắng

Tôi chào Cổ viện Chàm

Từng giọt cà phê đắng

Rơi nhẹ trên môi cười

Đêm ai về thức trắng

Hỡi trưa xưa Đà Nẵng

Tôi đến để rồi đi

Đi qua những mùa Tết

Không kịp chào vu quy

Cầm tay ngày đầy gió

Hẹn hò mà làm chi

Ngoài thềm thêm rêu mọc

Che lại nụ cười hồng

Sao em còn ngờ nghệch

Đưa con, tôi ẳm bồng

Môi thiên thần ngọt sữa

Tôi có mà như không

Tôi không mà như có

Hôn em gót sen hồng

LÊ MINH QUỐC


 

MỸ KHÊ VÀ EM

 

tôi nằm dài trên bãi biển

như đứa trẻ nằm trong vòng tay người đàn bà

nghe sóng hát

biển dữ dội điên cuồng và náo nhiệt

không bằng em từng đêm làm xiếc

trên tình yêu của tôi

đưa nhau đến sóng vỗ trùng khơi

linh hồn đang bốc cháy

tôi nghe biển thét gào như em hoang dại

lúc hờn ghen

từ đó, tôi sợ hãi khi đứng trước biển đêm

tâm linh nhỏ nhoi biết lấy gì tự vệ?

tôi sợ hãi khi đứng trước em

sao em hồn nhiên và dịu dàng đến thế?

tôi tin trần gian này hữu hình thượng đế

lúc được quỳ tạ lỗi dưới chân em

lòng thanh thản sau lời tự thú

biển bây giờ sao rất đổi dịu êm?

biển sẽ là tôi nếu không giận dữ

em sẽ là tôi nếu chẳng hờn ghen

tôi sẽ là tôi nếu có lần lú lẩn

nhìn biển tương tư đôi mắt của em

giống như người đi trên biển lênh đênh

là lúc tôi yêu em

LÊ MINH QUỐC


 

CUỐI NĂM VỀ QUÊ CŨ

Cánh diều bay lên vòm trời thơ ấu

Tôi nằm trong cỏ ngát hương chiều

Trở về quê cũ nghe thấy dế gáy

Cuối năm tiếng gáy cũng đìu hiu

 

Em có còn gánh nước dưới sông

Nhớ đem về giùm tôi vầng trăng

Thả trôi sóng sánh trong thùng nước

Để hẹn hò nhau đêm cuối năm

 

Cuối năm lửa cháy hoài trong bếp

Nấu bánh chưng xanh đón giao thừa

Tôi nằm nghêu ngao như trẻ nhỏ

Dăm chiếc lá khô rụng cuối mùa

 

Em còn xõa tóc xuống bờ vai

Thấp thoáng ngoài sân chiếc bóng gầy

Thương em tảo tần như dáng mẹ

Sao tôi để vụt khỏi tầm tay?


 

QUÊ HƯƠNG

Mùa ngọt trên môi em

Dẫn tôi về Đà Nẵng

Mưa lạnh buốt phố đêm

Giao thừa hoa cỏ đắng

Ngồi giữa ngã tư đường

Chợ Cồn tô cháo trắng

Con cá bống kho tiêu

Khói ấm nồng nước mắm

Tôi dịu dàng hôn em

Sương mờ hoa cúc trắng

Run rẩy dưới hiên người

Bàn tay còn im lặng

Tiễn chào tối ba mươi

Gió về trên môi ấm

Chao ôi dưới sông Hàn

Sóng vỗ bờ Đà Nẵng

Mùa ngọt trên môi em

Dẫn tôi về nguyên đán

Bất chợt một nhành mai

Huy hoàng như ánh sáng

Ngồi xuống ngã tư đường

Chợ Cồn tô cháo trắng

Ngon như là quê hương

24.11.1986

LÊ MINH QUỐC


 

KÝ ỨC CỦA BÀN CHÂN

1.

những giọt mưa nhọn hoắt quất vào mặt tôi

lằn roi tơi tả

tôi phóng xe chạy điên cuồng

hàng cây xanh run trong cơn giông

nhào té xuống lề đường

trên núi cao có một người ngồi hát

điệu blue đen trần tục

trong rừng sâu có con suối đang nằm

vặn mình hát bằng trong trẻo mưa nguồn

vỗ về trí nhớ những ngày qua

thuở tóc còn xanh

đêm ngủ không nhắm mắt

có ước mơ như chiếc bong bóng

thả vút lên trời đen

bây giờ ngoài hồ bát ngát hoa em

đường đi chẳng đưa nhau về đâu

em có nhớ trước sân nhà tháng chạp

khói bếp cay nồng hai con mắt

mơ ngày Tết yên vui

cầm trên tay bông hoa vạn thọ

nghe gió hát trên đèo Hải Vân

chuyến xe lửa xuyên qua ngọn núi

tôi chất đầy toa tàu hình bóng cũ

lưu ý trong đó có đôi mắt em

từng nhìn lên trời cao và hát

chẳng rõ vì sao đêm nay

tôi phóng xe đua với những trụ điện

ngọn đèn thủy tinh vàng úa sương khói

mọi ngã đường chẳng biết đi về đâu

đêm nay có người ngồi trên núi

hai bàn tay siết chặt vào nhau

2.

ngồi yên giữa cõi vô cùng

thắp ánh sáng lên vòm cây

sông Hàn kêu vang

Đà Nẵng ơi!

bao giờ bàn chân đi lang thang

đếm từng viên gạch trên phố

ký ức màu rêu xám

con chim ngủ trên nón nhà thờ Con Gà

đêm nay giật mình tỉnh giấc

gió từ phía bờ sông thổi lên

tôi che tay thắp điếu thuốc lá

đi co ro dưới mái hiên ẩm ướt

mắt ngước lên trời chào đón thiên thần

chỉ gặp cơn mưa dội xuống

nhòe nhoẹt cả giấc mơ

cây phượng năm xưa đã héo

tôi biết đi đâu trú mưa

bông hoa đỏ rực rụng đầm đìa trên cỏ

con ngựa lên bước vào phố

buồn gì mà hí vang?

tôi bảo nó đừng lồng lộn lên như vậy

hãy đứng yên đón chờ trên trời cao

điệu thánh ca nõn nà rơi đầy mặt đất

xoa dịu nỗi hân hoan

rồi như trẻ thơ tôi chào đón Tết

hai bàn tay đầy ắp cúc hoa vàng

3.

Đà Nẵng, nơi ấy có quá nhiều mây trắng

phiêu du trong trí nhớ

ngọn đèn hột vịt nhỏ như hai con mắt

thắp sáng mỗi đêm chờ tôi về

nhưng gió rét ngút ngàn

thổi tắt

đêm nay trên đường Triệu Nữ Vương

tôi dẫn người yêu đi chơi

ngôi sao trên đỉnh trời xa lắc

rơi dầy trong túi áo

tôi tặng em ngày đầu năm

này cầm nhẹ nhàng và đặt vào trong mắt

đừng để ngôi sao tan thành nước mắt

nghe em

đêm nay đi trên Đà Nẵng

đường vắng không một bóng cây

tôi thấy người đứng vui như ngày hội

vỗ tay nhau và hát

sương bay mờ mờ ngã tư Chợ Cồn

chẳng nhìn rõ mặt ai cả

tôi cũng chẳng nhìn thấy tôi

buồn quá quay về nhà

uống một ly cà phê đen

dỗ dành tâm linh tỉnh táo để đi vào giấc ngủ

trong sự im lặng

những con gà đã gáy vang

ồ Tết đã đến

tôi thấy tôi nằm ngủ giữa hoa vàng

9.10.1997

LÊ MINH QUỐC



 

TRÒ CHUYỆN VỚI CHUỒN CHUỒN

thức dậy vào lúc năm giờ sáng

chợt sửng sốt thấy trong buồng tắm

chú chuồn chuồn kim

bay lững lờ trên gạch tráng men

hai cánh mỏng như sương

hiền lành như kỷ niệm

mày bay đi đâu?

gương soi loáng thoáng khéo trợt chân

mày bay đi đâu?

coi chừng vòi nước nóng

tuổi nhỏ quay về trên đôi cánh mỏng

ngày xưa đồng quê cỏ ngập chỗ nằm

cánh chuồn chuồn kim bầu trời xanh thắm

vang vọng tiếng cười từ cõi xa xăm

xuôi ngược thị thành lơ láo áo cơm

lặn ngụp giữa dòng đời chảy xiết

chú chuồn chuồn kim từ đâu quay về

nhắc nhở tôi đừng quên ngày xưa tinh khiết

cỏ non thơm trên bến sông quê nhà

thuở em ngoan mỗi chiều gánh nước

có vầng trăng sóng sánh

lời tự tình quê mùa như ngô khoai

tôi lớn lên rướm máu những đòn roi

quất tơi tả vào tâm linh

tưởng chừng như ngã quỵ

chao ôi chú chuồn chuồn kim quái quỷ

sao mày biết tao nơi đây mà lại đến tìm?

Đà Nẵng - Sài Gòn một ngàn cây số

gặp nhau rồi sao cứ lặng im?

lững thững trên gạch tráng men

đôi cánh hiền lành như sương mỏng

tôi vội vã mở vòi nước nóng

rửa sạch cát bụi nhầy nhụa tâm hồn

đứng huýt sáo trong buồng tắm

thấy lòng vui như gặp buổi tân hôn

LÊ MINH QUỐC


 

CÀ PHÊ

(tặng Đoàn Thạch Biền)

 

Trở về quê, thức dậy buổi sáng tinh mơ

Sương lãng đãng ngọn núi Sơn Trà

Gió lẳng lơ hàng cây khuynh diệp

Sông Hàn reo êm ái như thơ

 

Tôi ra đường hai tay đút túi

Bước co ro thèm ly cà phê đen

Đừng hút thuốc để trong veo lá phổi

Đi thật nhanh đến trước cổng nhà quen

 

Ngôi nhà đó có một người con gái

Đứng bên trong cửa sổ mím môi chào

Khẽ gật đầu: “Gió nhiều sợ lạnh

Áo ấm đâu sao không chịu mặc vào?”

 

Hoa khế rụng tím mặt đường ý tứ

Cầm tay nhau ấm áp khói lên xanh

Sương lơ đễnh vẫn còn bay cuống quýt

Đà Nẵng ơi! Sao em quá hiền lành?

 

Chọn mỗi chỗ dưới vòm cây khuất gió

Ngồi bên nhau chẳng nói một câu gì

Tay trong tay. Mắt nhìn vào mắt

Giọt cà phê run rẩy ở trong ly….

LÊ MINH QUỐC


 

VỀ ĐÀ NẴNG

 

đi trên đường phố

mỗi viên gạch xanh rêu như gọi tên tôi

dưới gót giày

sao linh hồn tôi không nhập vào cây

kiên nhẫn đứng chào hai mùa mưa nắng?

sao tôi còn tồn tại nơi đây

không tan ra giữa muôn trùng im lặng?

sao tôi không hóa thành mây

bay phiêu lãng dưới vòm trời Đà Nẵng?

sao tôi không hóa thân làm cơn sóng

tan trong hư vô réo gọi bến sông Hàn?

tôi thầm mong từng đêm rét cóng

được hóa thành cây bạch đàn

run lên tiếng hát

những con phố ngày xưa đã khác

chẳng ai nhận ra tôi

sao em không còn đặt trên môi

những âm thanh Quốc ơi

tôi già nua mà phố xá bình minh như trẻ nhỏ

mơ hồ nghe trong gió

ai đó

gọi tên tôi

dưới gót giày

LÊ MINH QUỐC


 

MÙA XUÂN VỀ NHÀ CŨ

Trở về dưới mái nhà xưa

Chưa kịp chợp mắt cũng vừa chim bao

Tôi hiền như khói thuốc lào

Tan trong nhà cũ tôi chào tôi đây

 

Chào tôi nguyên vẹn chân tay

Mắt môi miệng mũi mặt mày còn tươi

Quay lui vui tuổi lên mười

Bỗng tôi xa lạ mấy mươi tuổi mình

 

Đèn soi trên vách lặng thinh

Giữa khuya sao ánh bình minh chói ngời

Tôi nhìn tôi khép nép ngồi

Trên thềm rêu mọc học bài dưới trăng

 

Ai lướt thướt bước trước sân

Không ai. Chỉ có bàn chân dế mèn

Vào phòng chào bức tường quen

Bàn tay tôi vịn nám đen đến giờ

 

Cúi đầu chào những giấc mơ

Tôi về nhà cũ không ngờ gặp tôi

Gặp lại thơ ấu mừng vui

Cớ sao giọt lệ ngọt bùi ứa ra?

LÊ MINH QUỐC


 

VỀ QUÊ ĂN TẾT (I)

 

Chuyến tàu lướt trong đêm

Đi về miền xa lắc

Tôi dỗ tôi ngủ yên

Mưa khuya còn dè dặt

Bước xuống một sân ga

Lạnh run từng chân tóc

Tôi gặp lại quê nhà

Như chạm vào gió lốc

Trái tim bỗng run lên

Từng âm thanh khô khốc

Vòm cây ngủ ven đường

Thở thì thào mệt nhọc

Đi trên con đường quen

Thấy nhói trong lồng ngực

Người tình cũ lãng quên

Chập chờn trên ký ức

Hàng rào trước nhà em

Lẻ loi hoàng hoa cúc

Đà Nẵng đêm cuối năm

Sương lờ mờ trước mặt

Con đường Triệu Nữ Vương

Có tôi đang dè dặt

Trở về trên quê hương

Chân đi không chạm đất…

LÊ MINH QUỐC


 

NIỀM VUI

vào lúc năm giờ chiều

bóng hoàng hôn chập chờn trên vòm cây lặng gió

người đàn ông rất đỗi cô đơn

hắn mong thời gian trôi nhanh hơn

hắn chờ thời gian đi chậm lại

hắn cảm nhận cuộc đời trống trải

chẳng ra làm sao!

sự tồn tại của hắn cũng tào lao

như dòng tin tìm trẻ lạc in trên trang quảng cáo

hắn tự thú khi trái tim mỏi mệt

nhịp đập buồn tênh

mọi con đường đều dài rộng mông mênh

không có chỗ để nghỉ chân

tất cả đều xa lạ

hắn xa lạ chính hắn

thấy bóng mình ngã sóng soài giữa nắng

giật thót tim

đi trong dòng đời sợ hãi sự bình yên

sợ thấy mọi người mà mọi người không nhìn thấy hắn

đâu rồi giàn hoa thiên lý

đâu rồi chiếc xích-đu

đâu rồi ngôi nhà

đâu rồi trẻ thơ đùa khóc ê a

hắn chẳng rõ

vào lúc năm giờ chiều

hắn cảm nhận sự quạnh hiu

đơn độc như vũng nước

ai đó tạt ngang qua vỉa hè

LÊ MINH QUỐC


 

CHIỀU RA ĐỨNG NGÕ SAU

Mẹ đã đi về quê

Căn nhà như sững lại

Ngày hai buổi con chờ

Như ngây mà như dại

Ghế bàn cũng rộng thênh

Một mình con ngồi lại

Trên bếp ngọn lửa hồng

Suốt một ngày tắt mãi

Những buổi trưa đi về

“Mẹ ơi! Mẹ mở cửa!”

Bây giờ con gọi ai

Đành gọi mẹ lần nữa

Những buổi sáng con đi

Làm sao còn thưa gởi?

Những đêm khuya con về

Chẳng còn ai ngồi đợi

Mẹ lên tàu về quê

Ngót một ngàn cây số

Nhưng con vẫn thấy gần

Trong chiêm bao còn nhớ

Suốt một ngày con mớ

Nghe tiếng mẹ cười giòn

Dăm ba ngày nửa tháng

Mẹ lại vào với con

12.10.1998

LÊ MINH QUỐC


 

LỘC BIẾC

 

chiều không gió cũng không mưa

trong lòng buồn vui không rõ rệt

tết

đi lại những con đường tuổi thơ

sương khói bay lờ mờ

rất tiếc không còn ai đứng đợi

để bàn chân bước vội

rất tiếc không có ai mong

để đi nhanh hơn lúc trời sẫm tối

chỉ có tiếng sóng dưới sông Hàn

chậm chạp và mệt mỏi

thì thầm trong tâm tưởng vọng lên tiếng nói

vổ về tôi

chiều mồng mười hay đêm tối ba mươi

tôi chẳng nhớ mà cần gì phải nhớ

Đà Nẵng nhập vào tôi và tan ra qua hơi thở

tan ra qua mạch máu

tan ra qua tiếng kêu run rẩy đôi môi

em chính là sự sống của tôi

Đà Nẵng

chiều không gió không mưa và không nắng

có tôi đặt tiếng cười

trên nhành lộc biếc

7.2.1999

LÊ MINH QUỐC


 

GỬI ĐÀ NẴNG (I)

tôi không phải Lorka

khi chết được chôn với cây đàn

tôi chỉ ao ước sau khi nhắm mắt

thân thể đốt cháy thành tro than

đem vung vãi khắp con đường Đà Nẵng

ngày mai cây cối sẽ mọc lên

che rợp mát những tà áo trắng

tôi thèm uống hết tiếng chim ngân

thèm rướn người lên ôm lấy trời xanh

thèm hóa thành giọt nước

lẫn chìm vào cội nguồn Thu Bồn

ngày rong chơi Sài Gòn

đêm nằm ngủ thả hồn về Đà Nẵng

tôi mơ thấy Ngũ Hành Sơn

trên đỉnh trời muôn đời nhà sư ngồi gõ mõ

lâu lắm mơ về thành phố cũ

lạc lõng mình tôi

lạ lẫm đất trời

sao trở về quê như người lạ

quê mẹ lại là khách của tôi?

tôi mơ tri kỷ dăm ly rượu

chật chội áo cơm một chỗ nằm

bạn bè đơn độc con mắt trắng

ai cười nhọn hoắt vết dao đâm?

Hoàng ơi! Nhắm mắt là tôi mơ thấy em

những hẹn hò sóng biển lênh đênh

cuộc tình của một thời ngây dại

có còn quay trở lại?

xin đừng quên tôi

hỡi thành phố lạ lùng như huyền thoại:

bất cứ ai hẹn hò trước cổng trường

sẽ đều biết làm thơ để tặng người thương

hỡi Hiền, Chiến, Lâm, Hùng, Vũ, Bảo...

hỡi quán cà phê xin dành chỗ tôi ngồi

em có những đêm mưa ướt áo

lời tự tình còn nóng bỏng trên môi?

xin đừng quên tôi

hỡi biển bờ giữ dùm trên cát trắng

những dấu chân tôi đừng cuốn ra khơi

còn mẹ già đêm nay khóc cười thầm lặng

mỗi giọt lệ cay đắng

mỗi nụ cười yên vui

đang đau nhói tim tôi

hỡi ngôi trường, hỡi kỉ niệm... mà thôi

có Đà Nẵng là tôi bất tử

sống từng ngày

yêu từng đêm

là tôi đang hít thở

với vòm trời Đà Nẵng tận chiêm bao

1990

LÊ MINH QUỐC


 

CHIỀU XƯA

Chiều xanh nhợt nhạt như vệt son trên mắt em. Vòm cây xanh ho lao nên lao đao lá rụng. Em xanh như dòng sông Seine chảy qua giấc mơ của những gã làm thơ. Bài thơ viết trên bao thuốc Jet cũng nát nhầu và xanh như mặt mày thi sĩ. Em hãy cúi xuống hôn tôi bằng đôi môi của mùa thu quyến rũ. Tiếng cười em gió cuốn về đâu? Tôi thèm soi gương và lấy kéo cắt râu. Gương soi của em là dòng sông xanh biếc. Sông hiền lành chẳng chìm đắm tôi đâu.

Chiều dần trôi trên phím dương cầm âm thầm từng giây từng phút. Từng buổi chiều tôi ngồi bên em nghe âm nhạc xanh như khói thuốc. Đà Nẵng hiền lành và bẽn lẽn như¬ một nàng dâu. Tôi sẽ bay lên trời dự dám cưới. Chăn gối với các vì sao.

Chiều xưa như chiều xanh. Em ngồi bên tôi e dè tình tự. Rụt rè ân ái. Nhân chứng là dòng sông Danube khơi nguồn từ tiếng khóc một người con gái. Chiều xanh lẳng lơ như bài thơ vụng dại. Xin em đừng ngần ngại xé vụn gió thổi bay. Tôi giữ lại giữa mười ngón tay - điều thánh thiện lẫn điều phạm tội. Chiều xanh như¬ linh hồn thèm được cứu rỗi. Yêu em.

Đà Nẵng xanh như không dám xanh hơn. Gió lướt thướt xanh một dung nhan thơm như hoa thược dược. Tôi chưa hôn em sao khát đắng chiêm bao. Ba trăm sáu mươi lăm buổi chiều giống hệt nhau thôi. Tôi sợ hãi những chiều xanh chật hẹp. May mà giữa trần gian này còn có em dỗ dành tôi bằng cái nhìn khép nép. Tà áo em xanh khép lại buổi chiều xanh. Và chiều xưa muôn thuở vẫn còn xanh.

LÊ MINH QUỐC


 

GỬI ĐÀ NẴNG (II)

 

Đà Nẵng, tôi thèm hôn em ngay giữa bến xe

gió xoáy bụi mịt mờ

đứa con xa quê từng đêm nằm nhớ

thèm trong mơ được thấy quê nhà

những con đường chật hẹp

vang vọng còi tàu ở sân ga

tôi uống cà phê với người em môi đỏ

uống cạn từng hơi thở

mỗi lúc chia tay

những mái ngói phơi trong nắng mai

chim chóc bay về làm tổ

hót ríu ran vườn cây nhà ông ngoại

ngày giỗ chạp mẹ tôi về lại

thắp nén nhang thơm ngát tuổi thơ tôi

Đà Nẵng như một làn roi

quất vào trí nhớ những vết hằn đau điếng

mười tám tuổi ngậm nỗi buồn trong miệng

làm hành trang xuôi ngược vào đời

đứa vào Phú Ninh, đứa xuống An Điềm

đứa đạp xe thồ, đứa nửa tỉnh nửa điên

đứa lên rừng cầm súng

người tình dại dột đã vượt biên

Đà Nẵng ơi đừng xốc tung dĩ vãng

thời gian là tiếng thở dài ngao ngán

những vòm cây rợp bóng mát tôi qua

không còn ai bình thản đứng đọc thơ

xe chạy ầm ầm rú ga như nhả đạn

bắn vào ngực tôi

người tình cũ đã có chồng tay bồng tay bế

xin nâng niu vệt son đỏ trên môi

bãi bờ Mỹ Khê từng đêm gió lộng

tâm hồn tôi ngu ngơ căng ra làm mặt trống

nghìn năm sóng vỗ âm vang

bến thơ tôi chính là bến sông Hàn

một đời mẹ chỉ đi từ nhà đến chợ

bà ngoại bán thuốc rê  Cẩm Lệ

Ơ chợ Cồn

thời gian ơi đừng xốc tung dĩ vãng

tôi yêu Đà Nẵng

như mẹ yêu con, như vợ yêu chồng

như tôi yêu em từ thuở mới lọt lòng

LÊ MINH QUỐC


 

ÁO ĐỎ

 

đi qua vườn cũ chẳng gặp nàng

chỉ có tiếng chim rêu rực rỡ

như tà áo lụa đỏ

vắt ngang qua thời gian

tôi đi

linh hồn bay qua vườn trái chín

chỉ gặp tiếng chim kêu bịn rịn

đôi hài xanh

nét mày xanh

tôi đi

dìu kỷ niệm trôi là những âm thanh

trong khu vườn cũ

chỉ gặp tiếng chim khàn khàn như cơn ho của người mất ngủ

chẳng bao giờ gặp chiếc lá non tơ

như đôi mắt ngọt ngào của nàng

như đôi môi quyến rũ của nàng

tôi đi làn gió mênh mang

thổi ký ức bay về đâu đó

chiều nay ngờ nghệch như trẻ nhỏ

đi qua vườn cũ chẳng gặp nàng

tôi ngồi bệt xuống đất nhặt lấy âm thanh

của lũ chim đang kêu vang

rực rỡ như một tà áo đỏ

LÊ MINH QUỐC


 

TỪ SÂN GA HÒA HƯNG ĐẾN ĐÀ NẴNG

 

Còi tàu léo nhéo réo vang

Chiều lên trên bóng sóng vàng hoàng hôn

Bàn chân tôi thả đi rong

Trở về quê cũ lại mong giang hồ

 

Tôi cầm dăm xác ve khô

Nghe vang vọng giọng mơ hồ tiễn đưa

Từng dòng mùa hạ như mưa

Rơi trên mí mắt sao chưa mỉm cười?

 

Em đừng ném nhánh hoa tươi

Sân ga bụi bặm chân người xéo qua

Sẽ làm đau buốt hồn hoa

Từng đêm réo gọi người xa trở về

 

Nếu tin xin chớ rủ rê

Nắng nằng nặng lặng bốn bề bấp bênh

Không gian đang ngã vào đêm

Ai cười lỏn lẻn mà quên giã từ?

 

Đường ray đay nghiến ngất ngư

Toa tàu nghiêng ngửa tựa như phút này

Tôi thèm được nắm bàn tay

Níu em thơ dại lại ngày sắp xa...

1994

LÊ MINH QUỐC


 

QUÊ NHÀ

Xa quê hương gặp đồng hương

Mắt đen. Răng trắng. Má hường. Môi thơm

Ngồi gần. Gần nữa. Gần hơn

Chiêm ngưỡng nhan sắc rạ rơm quê nhà

 

Bóng hình này giống người ta

Nhưng kìa giọng nói như là giọng tôi

Hồn quê đặt ở trên môi

Tưởng nghìn cây số xa xôi vọng về

 

Mơ hồ một bến sông quê

Long lanh mắt biếc xuôi về xốn xang

Chạm vào sợi tóc mơn man

Vuốt ve bồ kết nhẹ nhàng thơm lâu

 

Quê nhà ở tận đâu đâu

Gặp đồng hương nhớ nôn nao quê nhà

Ở gần đây chứ đâu xa

Nghe giọng nói gặp quê nhà vậy thôi

LÊ MINH QUỐC


 

VỀ QUÊ

xộc vào mũi tôi một mùi biển mặn

lúc bước xuống sân bay

tôi thấy tôi nhỏ nhắn tựa con trai

lăn xuống biển

uống ngụm nước trong veo vào trong miệng

thấy mình như con cá đang bơi

dưới vòm trời

Đà Nẵng

mơ thấy Sơn Trà mây trắng

dẫn tôi bay

thấy sông Hàn run rẩy những vòm cây

hát lời tình yêu thuở mười bảy tuổi

thấy Ngũ Hành Sơn vươn năm ngón tay

chập chờn gió thổi

bước xuống sân bay không cần gì phải vội

không cần taxi huyên náo

không cần mobile phone

không cần gì cả

chỉ cần một mùi biển mặn

xộc vào mũi

Đà Nẵng của tôi và tôi là Đà Nẵng

giống hệt nhau

21.5.1999

LÊ MINH QUỐC


 

TIẾNG GÀ

Tưởng chừng như trên vòm xanh xa tít

Ai gọi tôi bằng những tiếng ru hời

Tôi ngơ ngác. Bỗng giật mình hoảng hốt

Chợt nghe ran gà gáy phía chân trời

 

Ơi âm vang của một thời tuổi nhỏ

Vọng về tôi xao xác gió thu phai

Thuở quê mùa chưa một lần vấp ngã

Tôi còn thơm như nắng đẹp trong ngày

 

Năm tháng qua. Sa đà vào kinh ngiệm

Tôi lãng quên âm điệu tiếng gà

Âm thanh ấy dại khờ trong trẻo quá

Đêm thị thành lăn lắc bóng quê xa

 

Chẳng biết rõ lòng vui hay buồn bã

Suốt nửa đời lăn lộn cõi người ta

Chợt chiêm nghiệm một điều thiêng liêng quá

Nghe gà gáy ran tôi lại nhớ quê nhà

LÊ MINH QUỐC


 

THƠ TÌNH TRONG TRÍ NHỚ

(tặng Lê Minh Tuấn, em trai út)

 

trong hơi thở của tôi còn mang âm hưởng

dòng sông Hàn biếc xanh

nên mỗi lần cúi xuống hôn em

những nụ hôn sẽ ngọt

nên dù xa quê nhưng những lời chim hót

vẫn còn ấm trong giọng nói của tôi

gió núi Sơn Trà là đà trên môi

tôi biết hát trước khi tập nói

tôi biết yêu trong lần nhìn lá mới

của vòm cây đang reo

Đà Nẵng là nguồn nước trong veo

chảy qua từng mạch máu

tôi đi giang hồ từ năm mười sáu

còn quay đầu nhìn lại Ngũ Hành Sơn

còn giữ giữa ngực vệt hoàng hôn

của ngày xa Đà Nẵng

còn giữ trong mơ những vùng cát trắng

dù bữa cơm chưa độn sắn, khoai lang

nhưng tôi yêu em như gió núi ngang tàng

chân bước chưa qua mà tình đã hái

môi thâm khô nhưng dịu dàng biết mấy

lúc tình tự với em

sông Hàn còn ru tôi nhịp sóng vỗ từng đêm

trong hư vô mộng mị

nên tôi thành gã làm thơ đãng trí

sống nơi này mà hồn gửi nơi kia...

LÊ MINH QUỐC


 

GHI TRÊN SÓNG TIÊN SA

 

chỉ một lần và chỉ một lần

tôi có mặt

ba vạn sáu ngàn ngày trên mặt đất

rồi sau này sẽ mất

trong cát bụi muôn trùng

chẳng ai nhớ cũng chẳng ai quên

mây còn bay rông rênh

chim vẫn hót bồng bềnh

sông vẫn trôi dập duềnh

thời gian không tuổi tên

tôi chỉ đến một lần

chưa kịp đặt chân

lên trái đất

mà đã vội bay về cao ngất

trời xanh

sao lại sợ giọt sương long lanh

trên cỏ thơm trước sân nhà mỗi sáng

sao lại sợ nhành lộc ngyên đán

mọc trên tay đứa trẻ hồn nhiên

sao một mình trong chiều bình yên

tâm hồn tôi run sợ?

chỉ một lần

vâng, chỉ mỗi một lần hít thở

rồi trôi vào Lãng Quên

tôi sợ gì không tuổi với không tên

LÊ MINH QUỐC


 

THƠ VIẾT TRÊN ĐƯỜNG TRIỆU NỮ VƯƠNG

 

GỬI BẾN SÔNG HÀN

Tôi gieo cảm hứng xuống sông

Ai đi gánh nước thong dong trong chiều

Vớt giùm một tiếng chim kêu

Lẫn trong bóng nước rải đều vào thơ

 

NHỚ QUÊ

Chưa về tắm biển quê hương

Nghe tiếng sóng bóng trùng dương chập chùng

Xa quê giấc ngủ ung dung

Chợt nghe sóng dội tận cùng chiêm bao

 

HỒNG NHAN

Một mai tôi sống ai còn nhớ

Lăn xuống hồng nhan cái bụi trần

Lặn trong vô tận ngày sau cũng

Đột ngột đi về hai bước chân

 

TRƯA NẮNG

Áo đỏ người đi đem lửa theo

Thắp sáng hồn tôi dẫu bọt bèo

Trưa nắng chang chang là rét quá

Làm sao sưởi ấm tiếng chin reo?

 

TRÒN MÉO

Trái đất hình vuông hay hình tròn

Làm sao thấu hiểu hết càn khôn

Vuông, tròn hay méo đều vô nghỉa

Khi chưa kịp sống đã hoàng hôn

 

NGẪU NHIÊN

Lặng lẽ đi qua cõi đời này

Bàn tay vừa chạm nắng ban mai

Không kịp bình tâm mà níu giữ

Tóc đã bạc rồi mây trắng bay

 

QUÀ TẶNG

Ngoài sân nửa đêm hoa đã cúc

Thiếu nữ đi qua gót vẫn sen

Tôi vội bước ra. Và nhặt lấy

Làn hương trinh bạch tặng cho em

 

DỌN LÒNG

Bỏ ngoài tai chuyện tầm phào

Những lời lớn búa to đao chán phèo

Dọn lòng chờ tiếng chim gieo

Rơi đều xuống đất mọc đều như cây

 

GIỌT SƯƠNG

Hồng lệ đầm đìa mí mắt em

Là giọt sương trên cánh hoa sen

Nghìn năm soi mặt tôi nhìn thấy

Tiền kiếp tôi là nhan sắc em

 

MÊ NGỘ

Mê là ngộ cõi chiêm bao

Ngộ là mê giữa ba đào tử sinh

Sương gieo ngọn cỏ bình minh

Trong giây phút đã hữu hình thiên thu

 

NGỘ MÊ

Nếu không thấy rõ chân tâm

Kinh rơi xuống đất bến lầm cõi mê

Nắng xuân thong thả bước về

Trong chớp mắt đã hẹn thề hoàng hôn

 

NGẪU NHIÊN

Vui nỗi gì mà phải hôn em

Mắt nhắm hờ mà mơ tưởng sông Sein

Quỷ quái quá có nơi chưa đến

Ám ảnh hoài trí nhớ khó quên

 

NGẨU DUYÊN

Hay hớm gì phải siết lấy em

Ngực nóng run mà lòng lạnh như kem

Cúi xuống hôn nhau mà nghẹt thở

Nhưng chẳng bao giờ nhớ được tên

LÊ MINH QUỐC


 

NGŨ NGÔN BÀ NÀ

Đi chơi núi Bà Nà

Ngày đầu xuân Kỷ Mão

Chân chếnh choáng trên mây

Níu cỏ cây đàm đạo

Nửa tỉnh lại nửa say

Dẫn núi đồi đi dạo

Khúc khuỷu dốc với đèo

Vực sâu run mắt ngó

Suối thét gầm đầu non

Thác từ trên trời đổ

Vượn hú cõi càn khôn

Âm với dương tri ngộ

Ta bay lên trời chơi

Thấy trần gian cũng nhỏ

Những biệt thự trầm ngâm

Sắc rêu xanh đang thở

Mơ hồ nhan sắc xưa

Hương phất phơ trong gió

Lò sưởi vẫn còn đây

Thấp thoáng reo lửa đỏ

Ta lạc bước trong rừng

Ngút ngàn lau với cỏ

Ta lạc từ luân hồi

Mây trên đầu trắng xóa

Trái tim đang lạnh run

Ta ném trên gành đá

Ôi! Bà Nà! Bà Nà!

Trời mưa như không dứt

Ôi! Mây mù! Mây mù!

Ùn ùn trong khoảnh khắc

Dạo chơi hoài trên mây

Còn nhớ về trái đất

Được sinh làm phận trai

Nếu Bà Nà chưa tới

Làm sao dám xưng tên

Vỗ ngực trai Đà Nẵng?

Ta đứng trong im lặng

Vọc xuống hai bàn tay

Vốc lên chùm mây trắng...

LÊ MINH QUỐC


 

GIAO THỪA

Như một con cá đang bơi

Tôi đi xuông phố rong chơi một ngày

Tâm hồn nhẹ nhỏm như mây

Làm con cá lội sông dài thảnh thơi

Muốn nhìn thấy cá đang bơi

Hãy quên dòng nước ngược xuôi một dòng

Tôi nhìn tôi đang bước thong dong

Khi quên tôi có mặt trong cõi đời

LÊ MINH QUỐC


 

GIAO MÙA

Nằm trên rơm rạ dịu dàng

Hôn khe khẽ nhé nhẹ nhàng từ tâm

Gió xuân uyển chuyển ngoài sân

Sương mềm mại hương tần ngần thoáng qua

Nằm yên trên cỏ quê nhà

Lắng nghe cá quẩy như là dưới ao

Nghìn xưa chưa gặp nghìn au

Âm dương giao cảm nôn nao giao mùa

LÊ MINH QUỐC


 

MAI XA ĐÀ NẴNG

(tặng Tân và Tiến)

chỉ còn lại đêm nay nghe gà gáy vọng qua sông

sao thấy buồn như nghe thơ cổ điển?

xin em cứ nhìn tôi cười lúng liếng

rướn tay chèo theo ngọn gió đầu năm

 

sông Hàn muôn đời lấp lánh tiếng chim ngân

tôi chưa dám nhảy xuống sông giặt áo

có phải không gian mênh mang màu huyền ảo

nên tôi tần ngần như tỉnh như say?

 

tiếng em cười rúc rích núp sau vai

sông lao xao nhịp chèo mạnh khỏe

tôi nhảy tắm giữa vầng trăng vàng chóe

uống ngụm nước sông mát rượi trong lòng

 

chợt nghe tiếng gà vọng lại thong dong

tôi xao xuyến ngày mai xa Đà Nẵng

xin giữ lại vầng trăng tĩnh lặng

soi bóng đò về trên sông nước tuổi thơ

 

xin được lỡ lời buột miệng nói bâng quơ:

chỉ một điều riêng tôi biết trước

xa Đà Nẵng thì tôi còn sống được

nhưng một đời chỉ sống nửa trái tim

1989

LÊ MINH QUỐC


 

TRONG CON MẮT CỦA ĐÊM

1.

người du mục huýt sáo trên đồng cỏ

chiều tàn tạ dưới chân

từng vạt nắng hấp hối

ngày sắp hết hay một đời sắp hết

tôi vục mặt xuống vũng nước đầy lá mục

uống từng ngụm thanh khiết

dẫu có mùi vị của bùn nhão nhoẹt

cũng chẳng sao

con ngựa già khấp khểnh non cao

cất tiếng hí vang về cội nguồn đã lạc

tôi đặt vào giữa ngực

bông hoa cầm chướng màu đen

thay thế trái tim ẩm mục

2.

đường đi mông lung không một bóng người

sao không đưa tôi về Đà Nẵng?

đêm đã đến trong tiếng gió thở dài

ngày xưa tôi mới mười bảy tuổi

đi dọc đường có gió nhọn như gai

đâm vào mười ngón tay

bây giờ còn run lẩy bẩy

ngồi tựa bóng vào hoàng hôn

tiễn một ngày mệt lã

tôi đi nhặt cỏ khô vấn điếu thuốc lá

ngậm trên môi và đốt cháy

khói bay vòng vèo lên trời

có gặp linh hồn tôi không?

xin hãy đưa nhau đến đó

suốt một đời tôi vẫn hoài trông

3.

quái lạ, gặp Đà Nẵng là tôi mộng mị

như con cá nhảy từ suối này qua sông khác

tưởng sẽ ngồi chung với những thiên thần

nhưng ngoãnh lại thấy mình tóc bạc

tội nghiệp chưa?

tôi phá bĩnh tôi là cứ phỉnh lừa

rằng ba tôi vẫn trăm năm như thế

nhưng chỉ có hồn ma bóng quế

đi về trên trang thơ

những ngọn gió hư vô

ù ù thổi qua

một mình tôi làm sao chống chọi?

con gà trống vỗ cánh trong đêm tối

kiêu hãnh gáy ò ó o

vục mặt xuống ngã tư đường tôi ngáy khò khò

làm sao biết cửa trời đã mở

chạy hụt hơi đến hồi tắt thở

mới chạm được trời xanh

lúc ấy tôi càng hoảng sợ

không thấy gì ngoài bóng cây đổ dài trên phố

chiều nay mưa rồi chiều mốt cũng mưa

tôi dang tay ném viên sỏi nhỏ

vào tấm gương rực đỏ

phía chân trời

mảnh vụn tan ra tôi xếp lại thành lời

xếp từng mẫu tự

nối đuôi nhau hóa ra dòng chữ

như ngàn triệu năm xưa

từ quê nhà xao xác tiếng gà trưa

vẫn còn trong vũ trụ

căn nhà tuổi thơ vỗ về tôi yên tâm nằm ngủ

nhủ thầm rằng đừng hoang phí niềm vui

4.

tôi hí vang một bài kinh thánh

những kẻ yêu nhau sẽ biết đường tìm về nước trời

nếu tôi điên cuồng như vó ngựa bất kham

xin hãy lấy tình yêu buột chân tôi lại

tôi sẽ trở nên hiền lành như mây trời lơ đễnh

rong chơi trên mái tóc người tình

đôi lúc tôi thèm đi rong quá đỗi

một sớm mai kia nhảy lên xe đò tốc hành

trả tiền vé bằng những vần thơ

để tài xế đưa tôi lên trên núi

bàn chân dẫm mỏm đá lởm chởm

rướm máu dọc đường về

mỗi giọt máu rơi xuống trái đất

sẽ nở ra một đóa hồng

sẽ mở ra bát ngát dòng sông

tôi là người mơ ước rất viễn vông

đôi khi thức dậy ước gì mình mọc cánh

như một loài chim

vút bay lên trời xanh

đưa người yêu đi đến cõi địa đàng

tha hồ hít thở

mùi vị trong lành

tội nghiệp tôi như một bóng cây xanh

ngày từng ngày héo úa

khói xe lam, xe dream, xe đò, xe cộ

nhả khói vây quanh những ngã tư đường

tôi đứng như một người ho lao

nói cũng khói mà thở ra cũng khói

khói động cơ ô nhiễm môi trường

chỉ còn lại những câu thơ trắng toát

như là sương mỏng rất là sương

5.

có thể một nhày kia

tôi vùng dậy khỏi giường chạy ra giữa phố

tâm sự với hàng cây trụ điện

rằng đã có lần tôi quỳ lạy Sạc-lô:

chàng từng dạy tôi: “đừng sợ sống”

vâng, đó là lúc đắm chìm trong mơ mộng

trong hư vô tôi gặp tôi rét cóng

đi trong trần gian mà réo gọi mưa về

những cơn mưa nồng nàn như ngọn lửa

rồi từng đêm gõ cửa

vào giấc mơ

tìm người bạn mới

6.

bạn của tôi là con mèo cái

đêm khuya đi lang thang trên mái nhà

nó nhủ với tôi rằng mày nên nhắm mắt

dẫn giấc ngủ về

đó là lúc chập choạng cơn mê

cơn ác mộng ùa về trên da thịt

tôi nghe văng vẳng từ xa tiếng khóc trẻ thơ

đồ rê son fa mi

mà mọi âm thanh từ cây đàn ghi-ta

không thể nào sánh nổi

âm thanh ấy ám ảnh và vang dội

trong trí nhớ của tôi

có bao giờ bạn nghe tiếng hét của sóng khơi

hoặc tiếng gầm của một loài sư tử

hoặc tiếng cựa mình của đại ngàn

hoặc tiếng than van của muôn trùng ngôn ngữ

sẽ không đủ sức gây bàng hoàng

bằng tiếng khóc của trẻ thơ giữa khuya hiu quạnh

nó là những vết dao sắc cạnh

cứa vào mạch máu tôi

ầm ầm như thác lũ cuốn trôi

mọi cản trở chàng ràng trên mặt đất

con mèo cái đã dạy cho tôi bài học này

vào lúc nó trèo lên cành cây

với hy vọng bấu lấy mặt trời

giữa đêm đen mưa gió

7.

có những lúc đi chơi về khuya

tôi không biết thả bước chân đến đâu

hoặc về đâu trong khối vuông Đà Nẵng

ngọn đèn đường vàng vọt như màu thuốc sốt rét

xám ngoét

lẫn trong sương bay

lúc ấy tôi tin có tôi hạnh ngộ

từ muôn trùng tiến kiếp trở về đây

xòe ra hai bàn tay

vuốt ve những viên gạch trên phố

mày còn nhớ tao những duyên cùng nợ

không đủ sức chống chọi với thời gian

đã trở nên rêu phong

hằn vết hoài nghi trong kỷ niệm

ngọn đèn đường vàng như con mắt tím

hay là em đang nhìn xuống tôi?

mờ mịt và lẻ loi

dẫn tôi đi qua con đường có xe lửa chạy

nghe gió hư không hiện hữu trong đời

nghe tôi làm thơ trên mùa lá rụng

nghe ve kêu náo nức những mùa thi

nghe đến tận cùng con đường sẽ đến

là quay về nơi xuất phát chân đi

8.

cần quái gì một chút hư danh

được nổi danh lừng danh trên đường phố

một triệu nhà thơ cũng không bằng ngọn gió

khiêu vũ trên vòm cây

tôi kiếp trước và kiếp này là gió

đi qua trái đất rất vô danh

đi qua cơn điên bằng những bước chân

chậm rãi và vội vã

tôi sợ hãi đêm đen người đi chen như cá

đi hụt hơi

đi như bơi

chẳng biết đi đâu mà sắp hết nửa đời

râu sắp mọc tôi sắp già và sắp

trong lồng ngực ngọn nến nào đang thắp

một đức tin

trong trí nhớ đâu đó có tiếng chim

lanh lảnh hót

cần quái gì suy tư về cái chết

như triết gia

cần quái gì chui tọt ở trong nhà

tìm không khí trên những tờ sách nát

tôi là gió và gió thì phải hát

9.

một ngày bắt đầu là lúc đêm sắp hết

tôi hân hoan đi giữa dòng người

cầm con dao rạch từng mảng đêm

dày đặc

để tìm ra gương mặt

những người tình

các em cười lấp lánh ánh bình minh

tôi trinh bạch chịu làm sao vết cắn

nhức nhối và hoài nghi

thong thả đến và lén lút ra đi

em chẳng để gì ngoài vài lời hứa hẹn

ngoài dăm đám mây bay

ôi những đám mây thời cổ điển

đến thời tôi tích điện

nổ vang trời

tôi cứ đi giữa cõi con người

tìm ngọn lửa hồng hoang lang thang qua sóng sông Hàn

đã thất lạc

tìm danh vọng là ném mình vào canh bạc

thua đến nhẵn tay

tôi hồn nhiên mộng du trên những đường ray

xe lửa chạy xe lửa dừng xin em đừng đưa tiễn

ngày đã hết và đêm thêm xao xuyến

Đà Nẵng ơi

tôi cúi xuống hôn em

lúc bấy giờ chỉ mới tám giờ đêm

cớ sao em lại khóc?

LÊ MINH QUỐC


 

THẤT LẠC

(tặng Nguyễn Đình Xê)

Trên tà áo của em - tôi đã thấy một chùm hoa cúc

Vàng tinh khôi hò hẹn buổi ban đầu

Ðêm nay ngủ chắc rằng em sẽ nhớ

Hoa cúc em cầm đã thất lạc nơi đâu?

 

Ðã thất lạc lúc mà tôi cúi xuống

Hôn bâng quơ trên mái tóc... bâng quơ

Em run rẩy nghe chập chùng sóng nước

Sông Hàn xanh ray rứt vỗ đôi bờ

 

Thôi đừng trách sao tôi liều lĩnh

Ví hoa cúc vàng như những ngọn sao đêm

Và gió thổi chùm cúc thành sương khói

Lãng đãng bay trong giấc ngủ của em

 

Ðó là lúc mà tôi tìm mãi mãi

Một mùi hương nguyên vẹn buổi ban đầu

Ðêm nay ngủ rồi sau này cũng vậy

Tôi sẽ hỏi rằng: Hoa cúc lạc về đâu?

LÊ MINH QUỐC


 

GIẤC MƠ TUỔI NHỎ

như một kẻ mộng du đi qua cuộc đời này

tôi bắt đầu một ngày

bằng cách đi tắm, rửa mặt, rửa tay

để đón nhận tiếng chim reo gieo trên mái ngói

trong một mùa nắng mới

dẫn tôi về miền Trung

Đà Nẵng mang hình giọt lệ rưng rưng

trên mí mắt em

để suốt đời tôi sẽ không quên

chiều mưa nào em đã khóc

biển Mỹ Khê mặn như nước mắt

trong trí nhớ tương tư

tôi đọc diễn văn ca ngợi mùa thu

gặp Đà Nẵng là tôi thèm đi học

thèm được nghe tiếng đàn dương cầm

và em trở thành cô bé tuổi mười lăm

cùng tôi làm đám cưới

gió Ngũ Hành Sơn thổi bay tóc rối

trên vòm cây bạch đàn

em cùng tôi sẽ nhảy tango ngay dưới cột đèn vàng

giữa ngã tư đường phố

sóng biển ru lênh đênh trong trí nhớ

tuổi thơ qua mau như gió thổi rông rênh

Đà Nẵng mang hình gương mặt của em

jiền lành thành đôn hậu

nhẫn nại tại thủy chung

đêm hôm qua tôi trở về miền Trung

bằng giấc mơ của kẻ mộng du

đi qua trần gian lang thang giữa hai hàng chữ viết

thơ tôi còn vẹn nguyên trên lá biếc

tặng em

có những điều cố nhớ lại mau quên…

1992

LÊ MINH QUỐC


 

LỜI TỪ BIỆT ĐÀ NẴNG

buổi sáng có mưa bay ngang ngôi nhà cũ

người tình phụ đôi mắt đen

gió lạnh làn da cong cóng lên

đang mỉm cười trong gió

váy mỏng phất phơ đôi hài màu đỏ

ném xuống dòng sông

nước cuốn trôi đi

tôi lại nhặt về

đời sống qua mau như một chuyến xe

đang lùi về dĩ vãng

nàng khoe hàm răng ánh sáng

cắn vào miệng mắt môi

tình mặn mà như ma mộng mị

rủ tôi bước vào nhà

hát karaoke

ru con nàng thiên thần trong nôi nằm ngủ

tôi tưởng tượng như hoa đang nở

thơm ngát tâm linh tôi

lạy trời thời gian ngừng trôi

và mưa cứ rơi

để tôi yên tâm trong nhà nàng nhớ lại

vâng, ngày xưa thuở mười lăm, mười bảy

trên môi tôi nguyên vẹn nụ hôn nàng

LÊ MINH QUỐC


 

QUA BẾN ĐÒ XU

Đi qua bến lú

Chợt nhớ nụ cười

Em còn trẻ quá

Nụ tình đang tươi

Nếu tôi nhắm mắt

Sao thấy được người

Phấn son áo lụa

Da thịt trắng ngời

Tôi thèm được cắn

Son đỏ trên môi

Em cười sặc sụa

Dòng dòng lệ rơi

Tôi qua bến lú

Tìm chỗ nghỉ ngơi

Linh hồn tan rã

Bay về muôn nơi

Đâu Đà Nẵng gió

Cuốn tiền kiếp trôi

Đâu Thu Bồn nọ

Cuộn xong luân hồi

Đâu người tình nhỏ

Ngồi  cạnh bên tôi

Trăm năm qua hết

Sao mắt em môi

Còn nồng nàn quá

Thơm tho rất lạ

Nhan sắc tinh khôi

Bến lú đi ngược

Chiếc hồn về xuôi

Tôi dù ngoái lại

Không thể quay lui

Làm sao em hỡi

Trong đất ngủ vùi

Tôi dù mở mắt

Cũng thấy tối thui

Đi qua bến lú

Chợt nhớ cuộc đời

LÊ MINH QUỐC


 

SAO KIM

đi vào trong giấc ngủ

tìm kiếm một thế giới khác

có tôi làm con ve sầu

ngủ quên trên ban-công

buổi sáng khi nàng vừa thức dậy

tôi sẽ kêu vang

như tiếng chuông nhà thờ trong sương mai

gọi nàng dậy đi lễ

con đường mát lạnh cỏ xanh

nàng hiểu ý tôi nên sẽ đi chậm rãi

khoát thêm chiếc áo len

trên đỉnh trời ngọn sao Kim

vẫn lấp lánh

nàng nhỏ nhắn nguyện cầu

từng âm thanh trong trẻo tiếng dương cầm

buổi sớm mai những nhành lộc biếc

mọc trên tay hân hoan

tôi đi vào một thế giới khác

hiền lành như ve sầu

nằm ngủ yên trong sách mới

nếu một ngày kia

nàng thức dậy thấy trên giối

một xác ve khô

thì tên tôi xin nàng hãy gọi…

LÊ MINH QUỐC


 

THƠ CỦA MẸ

 

Mẹ đã đi chợ về

Hồng tươi con cá quẫy

Như câu thơ ngũ ngôn

Nhịp nhàng và mềm mại

Kìa bài thơ thất ngôn

Là chùm đào trĩu trái

Tôi cầm đưa môi hôn

Nhớ quê nhà xa ngái

Kìa thơ tình cỏ dại

Là những bó rau xanh

Nằm trên bàn tay mẹ

Lem luốc bụi thị thành

Kìa vần thơ lục bát

Là những ký gạo ngon

Hạt ngọc từ xứ Quảng

Phiêu lạc đến Sài Gòn

Kìa bài thơ tứ tuyệt

Là nước mắm đậm đà

Từng giọt thơm điếc mũi

Sực nhớ lắm quê nhà

Mỗi ngày mẹ đi chợ

Đem về vô số thơ

Qua bài tay nội trợ

Cưu mang con từng giờ

Từng ngày trôi mải miết

Sống trọn vẹn với thơ

Nhưng thơ con  bất lực

Dù nuôi mẹ trong mơ

Trăm năm như chớp mắt

Mẹ đã đi chợ về

LÊ MINH QUỐC

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com