CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT Đinh Thiện Lý
A. MỤC TIÊU:
Cũng như nhiều quốc gia, tại Việt Nam, sự bùng nổ về hệ thống mạng internet toàn cầu đem đến nhiều lợi ích, mở rộng cánh cổng đến với kho tri thức của nhân loại. Đồng thời, điều này cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến Văn hóa đọc, đặc biệt là trong giới trẻ. Cụ thể như sau:
- Lệch lạc về văn hóa: Rất nhiều tài liệu không có chất lượng, sai lệch về các giá trị tràn đầy trên mạng. Người đọc, đặc biệt là học sinh, nếu không có khả năng thẩm định và chọn lọc sẽ dễ có nhận thức sai lệch, hình thành ý thức và hành vi xấu. - Thui chột kỹ năng đọc hiểu: Lượng thông tin quá nhiều làm cho người đọc dễ có xu hướng chỉ chọn đọc những bài viết ngắn, những ý kiến của các người dùng khác mà ít chịu khó tìm hiểu thông tin chính thống, đi đến tận nguồn ngọn của vấn đề. Ngoài ra, việc giảng dạy kỹ năng đọc hiểu cho học sinh cũng chưa được chú trọng trong nhà trường. - Hai vấn đề trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến dân trí và có thể kéo lùi sự phát
triển của dân tộc. Từ thực trạng trên, Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý, ngay từ những ngày đầu thành lập, đã chú trọng đến việc gìn giữ và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Nhà trường có chiến lược cụ thể cho hoạt động này, với những mục tiêu:
1. Xây dựng thói quen đọc sách cho toàn bộ học sinh; 2. Rèn luyện phương pháp, kỹ năng đọc hiểu. Từ đó, giúp học sinh có khả
năng tự học suốt đời; 3. Tạo cơ hội để học sinh chia sẻ, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến cộng
đồng; 4. Tạo cơ hội cho học sinh thể hiện sự hiểu biết về các tác phẩm và khả năng
sáng tạo thông qua các sản phẩm nghệ thuật; 5. Nâng cao nhận thức đạo đức xã hội cho học sinh.
B. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, trường Đinh Thiện Lý đã xây dựng nhiều hoạt động với những yêu cầu, kế hoạch, cụ thể như:
I. Xây dựng thói quen đọc sách cho toàn bộ học sinh 1. Tiết đọc sách đầu ngày: a. Thời gian: Từ 07:20 – 07:35 từ thứ Ba đến thứ Sáu hàng tuần b. Nội dung: Giáo viên chủ nhiệm và học sinh toàn trường cùng đọc sách và chia sẻ thông điệp từ sách.
c. Nguồn sách: Mỗi lớp trang bị một tủ sách tại lớp, nguồn sách do Thư viện trường trao tặng, do giáo viên và học sinh đóng góp hoặc đem theo.
d. Qui định: Biên bản chia sẻ sách được gởi về Thư viện hàng tháng; thể loại sách được qui định và kiểm soát để bảo đảm học sinh được đọc các cuốn sách chất lượng, nghiêm túc.
2. Đọc tài liệu, sách tham khảo của các bộ môn a. Thời gian: Học sinh chủ động đọc sách trong suốt năm học b. Nội dung: Từ đầu năm học, các giáo viên bộ môn cung cấp danh sách các tựa sách, tài liệu tham khảo và yêu cầu học sinh đọc.
c. Nguồn sách: Học sinh mượn sách từ Thư viện hoặc tự trang bị. d. Qui định: Số lượng sách, tài liệu của từng bộ môn là từ 1-2 cuốn; học sinh sẽ tham gia một buổi kiểm tra khả năng đọc hiểu các bộ sách này vào cuối năm học.
II. Rèn luyện phương pháp và kỹ năng đọc hiểu Giảng dạy bộ môn Đọc và Diễn đạt: a. Thời gian: 01 tiết/tuần. b. Nội dung: Chương trình do nhà trường biên soạn, tập trung vào rèn luyện kỹ năng đọc hiểu theo chuẩn PISA, và hỗ trợ phát triển các kỹ năng nghe, nói, viết.
c. Giáo viên giảng dạy: Là giáo viên nhóm Văn đã được tập huấn về kỹ năng giảng dạy đọc hiểu.
d. Qui định: Là một môn học chính thức, có đánh giá và ghi nhận kết quả rèn luyện của học sinh.
III. Khảo sát kỹ năng đọc hiểu của học sinh: 1. Bổ sung câu hỏi đọc hiểu trong đề kiểm tra tập trung a. Thời gian: 02 kỳ kiểm tra tập trung học kỳ b. Nội dung: Đề kiểm tra tập trung các bộ môn xã hội của tất cả các khối lớp sẽ có một phần kiểm tra kỹ năng đọc hiểu của học sinh, tỉ lệ điểm chiếm từ 15% - 20%.
2. Khảo sát kỹ năng đọc hiểu của học sinh a. Thời gian: Cuối năm học b. Nội dung: 100% học sinh từ khối 6 – khối 11 tham gia bài khảo sát kỹ năng đọc hiểu. Bài khảo sát gồm 02 phần, phần 1 là các câu hỏi do nhà trường biên soạn theo chuẩn PISA, phần 2 là bài thi quốc tế chuẩn PISA.
IV. Khuyến khích đọc và chia sẻ sách 1. Cuộc thi ‘Lớn lên cùng sách’ cấp trường a. Thời gian: Học kỳ 1 hàng năm, dành cho cá nhân b. Nội dung: 100% học sinh cấp THCS tham gia; có 04 vòng thi gồm Sơ loại cấp lớp, Sơ loại cấp trường, Bán kết và Chung kết; học sinh có nhiệm vụ trình bày kế hoạch đọc sách, chế tạo một sản phẩm sáng tạo từ việc đọc sách, và thuyết trình về sản phẩm đó.
c. Nguồn sách: Học sinh mượn sách từ Thư viện hoặc tự trang bị d. Qui định: Những học sinh đạt giải của vòng chung kết sẽ được tham gia một khóa bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng đọc, kỹ năng thuyết trình để tham gia vòng chung kết cuộc thi ‘Lớn lên cùng sách’ cấp Quận và Thành phố.
2. Cuộc thi “Sách và Sáng tạo” a. Thời gian: Học kỳ 2 hàng năm, dành cho các nhóm b. Nội dung: Học sinh từ khối 6 – khối 12 tự thành lập nhóm và đăng ký tham gia cuộc thi; có 02 vòng thi Sơ loại và Chung kết; học sinh có nhiệm vụ chọn 1 cuốn sách và rút ra thông điệp của cuốn sách đó, sau đó thể hiện thông điệp này qua một sản phẩm sáng tạo thuộc các lĩnh vực mà các em yêu thích (mĩ thuật, nghệ thuật biểu diễn, dựng phim, thiết kế trò chơi, ...); Ban cố vấn gồm các thầy cô bộ môn sẽ tư vấn thêm cho học sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm.
c. Nguồn sách: Học sinh mượn sách từ Thư viện hoặc tự trang bị d. Qui định: Tất cả các ý tưởng đều là của học sinh, Ban cố vấn đóng vai trò khơi gợi, khuyến khích và động viên học sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm.
3. Các hoạt động triển lãm sách theo chủ đề a. Thời gian: 04 lần trong năm học b. Nội dung: Học sinh tham quan tìm hiểu về các tựa sách theo chủ đề, tham gia các hoạt động đố vui về sách được triển lãm, và chia sẻ cảm xúc bản thân
c. Nguồn sách: Thư viện d. Qui định: Học sinh tất cả các lớp đều được tham gia theo lịch V. Đào tạo học sinh thực hiện các công tác liên quan đến văn hóa đọc 1. Tổ chức mạng lưới Cán sự Thư viện a. Thời gian: Hoạt động trong suốt năm học b. Nội dung: Mỗi lớp sẽ cử ra 1 học sinh làm cán sự Thư viện; có nhiệm vụ quản lí tủ sách của lớp, nhận và thực hiện các công việc được giao và báo cáo tình hình hoạt động hàng tháng cho Thư viện Trường. 2. Thành lập Câu lạc bộ Thư viện a. Thời gian: Hoạt động trong suốt năm học b. Nội dung: Học sinh yêu thích công tác Thư viện chủ động đăng ký tham gia và được hướng dẫn các kỹ năng tìm sách, xếp sách, phân loại sách, thực hiện thuyết trình sách, viết bài cảm nhận, thiết kế áp phích – trang trí cho các hoạt động của Thư viện
C. NHÌN NHẬN - ĐÁNH GIÁ
Việc hình thành, duy trì một thói quen tốt cho học sinh luôn là một thử thách với các nhà giáo dục, nhất là những thói quen thoạt nhìn có phần đi ngược với xu thế của thời đại luôn muốn mọi thứ “nhanh, gọn, lẹ” và đề cao giá trị của công nghệ. Dù vậy, những thành quả bước đầu của trường Đinh Thiện Lý trong suốt mười một năm qua cũng là minh chứng cho việc chỉ cần có định hướng đúng đắn, sự kiên định và không ngừng có những cải tiến, nâng cao chất lượng trong quá trình thực hiện thì mục tiêu giáo dục cũng sẽ dần trở thành hiện thực.
Mười một năm hoạt động cũng là mười một năm các thế hệ học sinh trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý được hướng dẫn, rèn luyện thói quen đọc sách và ba năm được giảng dạy chuyên sâu về kỹ năng đọc hiểu theo chuẩn PISA. Phần thưởng cho những nỗ lực của thầy và trò là những tiết đọc sách đầu giờ say mê, những sản phẩm sáng tạo độc đáo, những bài thuyết trình sách chất lượng, những con số thống kê khả quan về kỹ năng đọc hiểu của học sinh. Hình ảnh học sinh, thầy cô tranh thủ đọc sách không chỉ trong khung giờ bắt buộc mà còn cả khi rảnh rỗi không còn là hình ảnh cá biệt tại trường.
Cũng nhờ định hướng và sự kiên trì thực hiện này, nhà trường gần như không gặp trở ngại lớn nào khi ngày càng áp dụng mạnh mẽ hơn cách đánh giá các môn học theo hướng vận dụng thực tế, thông qua việc cung cấp các dữ liệu cho học sinh và các em phải có khả năng đọc hiểu tốt để có thể xử lý và thực hiện yêu cầu của đề bài. Đây cũng là định hướng mà Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục đang chỉ đạo và chú trọng hiện nay. Đặc biệt, phần thưởng quan trọng hơn nhiều là kỹ năng tự học suốt đời của học sinh và nền tảng nhận thức xã hội, văn hóa, văn minh của các em đã được khơi nguồn và hun đúc từ những trang sách đẹp. Chúng tôi tin rằng đây cũng là yếu tố góp phần lý giải sự vững vàng, tự tin và khả năng thích ứng tốt của các thế hệ học sinh trường Đinh Thiện Lý ở các môi trường học tập ở các bậc học cao hơn trong cũng như ngoài nước.
Trong giai đoạn tiếp theo, dựa trên thói quen đọc sách và kỹ năng đọc hiểu của học sinh, kết hợp với việc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, nhà trường sẽ tối ưu hóa thời gian để đẩy mạnh chất lượng đào tạo thông qua hình thức dạy học phân hóa.
D. KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ
Duy trì và phát triển văn hóa đọc của một xã hội cần được bắt nguồn từ lứa tuổi nhỏ nhất và là nhiệm vụ của cả gia đình lẫn nhà trường và xã hội. Tại trường học, học sinh cần được rèn luyện hai điều quan trọng là thói quen đọc sách và kỹ năng đọc hiểu. Để phát triển vững chắc thì điều này cần được thực hiện có chiến lược và kế hoạch thực hiện đồng bộ ở các cấp.
Chúng tôi mong rằng cùng với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới với những định hướng rõ ràng, phù hợp về những năng lực cần có cho người học, Bộ Giáo dục sẽ có những hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá, tiêu chí đánh giá các trường... để việc đọc sách, phát triển kỹ năng đọc hiểu sẽ trở thành hoạt động không thể thiếu trong nhà trường. Có như thế, các trường sẽ có thêm động lực để dành ưu tiên nhất định cho hoạt động quan trọng nhưng không dễ thực hiện này.
Ngoài nỗ lực của ngành giáo dục, để đọc sách trở thành thói quen của trẻ, xã hội cũng cần có những tác động tích cực đến các bậc phụ huynh. Chúng tôi mong rằng hội các nhà xuất bản, các phương tiện truyền thông sẽ có thêm sáng kiến như chia sẻ những cách làm hay, những ích lợi của sách, tạo ra nhiều hoạt động cộng đồng để khơi dậy văn hóa đọc, đặc biệt tại các gia đình trẻ. Nếu các bậc phụ huynh nhận thấy rõ lợi ích của việc đọc sách đủ lớn, họ mới có thể kiên trì tập luyện thói quen này cho con em.
Muốn phát triển văn hóa đọc và hình thành lại thói quen đọc sách đã đến lúc chính quyền các cấp cũng cần chú ý đến việc đầu tư cho hệ thống thư viện, một hình ảnh không thể thiếu với một xã hội gắn liền với sự hiện đại và phát triển. Hiện nay, việc đọc sách gần như tùy thuộc vào quan điểm và ngân quỹ của mỗi gia đình, chứ không phải từ việc cung cấp sách rất dễ dàng và thuận tiện, phong phú từ hệ thống thư viện trong nhà trường và đặc biệt tại các địa phương. Nếu chúng ta có thể khôi phục hình ảnh của các thư viện trước đây và nâng tầm với bộ mặt mới, đa dạng, thú vị, phong phú hơn để việc sách xuất hiện và đến với mọi người không tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người, mỗi gia đình thì việc đọc sách cũng sẽ dễ dàng hình thành hơn cho con trẻ tại mỗi gia đình và mỗi trường học.
Chúng tôi mong và tin rằng sự đồng lòng của tất cả các bên sẽ giúp cho việc hình thành thói quen quan trọng này cho đại đa số trẻ em Việt Nam nhanh chóng trở thành hiện thực. Chúng tôi tin rằng khi hình thành thói quen đọc cho trẻ cũng chính là cách chúng ta đang tiếp cho các em thêm khả năng tự thích ứng, tự học hỏi và nhờ vậy có thể thích nghi tốt hơn trước một thế giới biến động không ngừng trong hôm nay và ngày mai.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|