Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? - SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Mục lục
Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?
XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG
TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN ẤU THƠ Nguyễn Nhật Ánh*
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON
GẮN VĂN HÓA ĐỌC VỚI GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN VĂN ƠN, QUẬN 11, TP. HCM
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HÒA B – THỊ XÃ DĨ AN – TỈNH BÌNH DƯƠNG
MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM
DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HORIZON
CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ
HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HOÁ ĐỌC TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC EDU
TIẾT ĐỌC SÁCH THƯỜNG XUYÊN TẠI THƯ VIỆN, LỚP HỌC TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH LỢI ÍCH CỦA ĐỌC SÁCH VÀ PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ HỌC SINH
SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?
ĐỌC NHIỀU, ĐỌC RỘNG VÀ ĐỌC CÙNG NHAU BÀI HỌC TỪ SINGAPORE
Tất cả các trang

*Nguyên phóng viên thường trú tại Singapore của báo Tuổi Trẻ từ năm 2016-2019). Hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Singapore.


SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Nguyễn Tri Anh (Lê Nam)*

Con trai tôi tên Nguyễn Tri Hà Quang, sinh năm 2010, đang học lớp 3 (P3GR), liên tục trong ba năm Quang là học sinh người Việt Nam duy nhất trong khối lớp 3 ở trường tiểu học Farrer Park. Hai năm lớp 1 và 2 cháu luôn là học sinh nằm trong top 3 của lớp và được tuyên dương trước toàn trường. Gia đình luôn bên cạnh

Hồi ở Việt Nam đến 3 tuổi Quang mới đi học mẫu giáo nhưng khi đó cháu cũng đã đọc được tiếng Việt mà không phát ráp vần. Tết thiếu nhi 1/6/2013, Quang đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ chơi và đã làm các đồng nghiệp của bố ngạc nhiên khi có thể đọc tất cả tít lớn của trang 1 báo Tuổi Trẻ. Khi còn nhỏ trong các đồ chơi mua về chúng tôi (ông bà và bố mẹ) nhận thấy Quang có xu hướng thích chơi các chữ nhiều màu, đặc biệt là loại mềm có thể gắn cả vào bồn tắm, các flash card có chữ... chúng tôi chủ động chỉ cho con thêm các chữ cái, cách ráp vần... mọi chuyện nhẹ nhàng như chơi với con.

Từ khi cháu tự đọc được chữ tiếng Việt, Quang có thói quen tìm đọc bất cứ cái gì có thể đọc được. Cũng như phần lớn mọi người chúng tôi chọn các clip dạy tiếng Anh trên Youtube cho Quang xem (vài ba lần trong ngày, mỗi lần chỉ 2-3 clip, tổng thời gian chỉ khoảng 15 phút) và cung cấp cho Quang sách để con đọc. Đến năm hơn 4 tuổi, chúng tôi cho cháu đi học tiếng Anh dành cho trẻ em ở Trung tâm ILA. Với khả năng đọc trước các bạn cùng tuổi nên kỳ kiểm tra đầu vào Quang được chọn nhảy 2 lớp. Trong quá trình học trong khóa, cháu tiếp tục nhảy lớp thêm 2 lần nữa, mỗi lần 1-2 lớp, cho đến khi đi sang Singapore cùng bố mẹ thì Quang đã có lưng vốn tiếng Anh của trẻ em, một chút tiếng Hoa và khả năng nghe nói đọc viết tiếng Việt của trẻ em lớp 1. Đến nay cháu có thể nghe nói đọc viết được ba ngôn ngữ: Việt-Anh-Hoa tương tương nhau.

Theo dõi Quang thì thấy con có những giai đoạn đặc biệt quan tâm đến những chủ đề khác nhau, chúng tôi chủ động khuyến khích cung cấp sách và cho con cơ hội tiếp cận với các chủ đề đó trong khả năng tốt nhất của gia đình có thể, để con có thêm hứng thú tìm tòi thông tin và đọc thêm sách.

Hồi mới biết đọc Quang rất thích đọc về Hệ ngân hà (Galaxy), hành tinh sau đó là Khủng long. Chúng tôi tìm mua tất cả các sách liên quan bằng tiếng Anh và tiếng Việt cho con đọc. Quang gần như thuộc nằm lòng các thông tin về hành tinh, kích thước... và gần như lúc nào cũng nói về Hệ Ngân hà. Khi đưa các con sang Mỹ chơi, chúng tôi lái xe đưa con đến Trung tâm vũ trụ NASA (bang California) để Quang tận mắt nhìn thấy một phần những gì con đã đọc: tàu vũ trụ, đá từ mặt trăng, bộ đồ nhà du hành... các nghiên cứu của NASA, đưa con vào công viên quốc gia Yosemite xem các hóa thạch gỗ, rừng nguyên sinh, sông băng (Glacier)... để con cảm nhận một phần thiên nhiên mà con đã được đọc.

Sang Singapore được hơn 1 năm, tôi bắt đầu dạy cháu học cờ vua đồng thời mua sách học đánh cờ vua (tiếng Anh, tiếng Việt) cho cháu tự đọc. Một thời gian ngắn sau, tôi đã không thể đánh thắng cháu như trước. Tôi tìm thầy dạy cho Quang, mỗi tuần 90 phút. Quang đọc liên tục các sách dạy đánh cờ, các thế cờ... rồi tham gia thi Giải cờ vua. Sau khi học đến tháng thứ năm, Quang tham gia giải cờ vua Queenstown CC Chess Club Championship 2018 lần thứ 41 đứng hạng 6 giải U8, Quang sau đó cũng tham gia vài giải nữa cũng có vài giải trong top 6. Giai đoạn này cháu chỉ đọc toàn các sách về cờ vua bằng tiếng Anh-Việt do thầy tặng, bố mẹ mua và mượn của bạn.

Hơn một năm nay Quang chuyển sang thích bóng đá. Trong danh mục sách đọc trên website myon.com.sg (một website đọc sách mà trường bắt buộc phải đọc) có đến hơn 60% danh mục sách Quang đọc là thể thao. Tôi khuyến khích con bằng việc cùng chơi và chỉ con các kỹ thuật bóng đá, cùng con xem các trận đấu bóng đá và đưa con vào sân bóng để xem một trận đấu thật sự. Quang đã được vào sân Hàng Đẫy (Hà Nội) xem trận Việt Nam thắng Campuchia 3-0 trong giải AFF Cup (9/2018), vào sân Jalan Besar (Singapore) xem trận Hà Nội FC hòa với Tampanies Rover (1-1) hồi tháng 3/2019 vòng loại AFC Cup 2019... Giờ thì Quang là fan ruột của Barcelona, thuộc rất nhiều thông về bóng đá, về các câu lạc bộ, giải đấu bóng...

Lần nào nghỉ hè về Việt Nam, chúng tôi cũng mua theo một số đầu sách tiếng Việt để sẵn ở nhà cho các cháu đọc. Đi đâu nhìn thấy sách hay, phù hợp chúng tôi đều mua về cho con. Lần mua nhiều nhất là chuyến đi từ Mỹ về Singapore hè năm 2018, chúng tôi đã mua gần 40kg sách từ một buổi bán sách từ thiện (sách trẻ em còn mới, được bán nửa giá hoặc bán tượng trưng). Sáng sớm đó, chúng tôi lái xe đến sớm nhất và xếp hàng đầu tiên. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ lựa sách, chúng tôi đã khệ nệ mang ra được cơ man nào là sách cho các con.

Hằng ngày nếu không quá bận rộn công việc, buổi tối, cả bốn chúng tôi cùng đọc sách và tài liệu. Chúng tôi hạn chế sử dụng điện thoại và máy tính trong thời gian các con đọc sách hoặc cùng các con nói chuyện về một ngày học ở trường. Bốn thành viên, mỗi người một cuốn, thời gian đọc tùy nhưng cũng ít nhất 20 phút. Khi đi máy bay các con luôn tự có thói quen mang theo sách để đọc và giết thời gian.

Thói quen đọc sách của Hà Quang cũng làm một hình mẫu cho em gái Hà Minh hơn 4 tuổi, bắt chước theo. Dù chỉ mới nhận ra mặt chữ tiếng Anh, một vài nét chữ tiếng Hoa và mặt chữ tiếng Việt nhưng Minh cũng hay ngồi lấy sách của mình ra xem trong lúc anh Hai đọc sách. Đồng thời đề nghị bố hoặc mẹ, và cả anh đọc sách cho mình nghe.

Tầm quan trọng của nhà trường

• Dần thiết lập thói quen đọc sách cho trẻ trong thời gian học ở trường. Hồi lớp 1 và lớp 2, ở trường tiểu học Farrer Park Hà Quang và các học sinh buộc phải hoàn tất reading log (tạm hiểu tờ giấy mà học sinh sẽ ghi thông tin các cuốn sách đã đọc: bao gồm tên sách, tác giả, số lượng trang, ngày bắt đầu đọc, ngày kết thúc...) trong một học kỳ (ở Singapore một năm học có bốn học kỳ). Một reading log tối đa 25 cuốn. Khi nào đọc xong 25 cuốn sách học sinh sẽ nộp lại cho cô giáo và đề nghị đọc thêm sách hoặc thôi. Cô sẽ tìm trên mạng cuốn sách này và kiểm tra ngẫu nhiên với học sinh về nội dung các cuốn sách mà con đã đọc.

• Trong tuần trường sẽ chọn những ngày riêng dành để tất cả các thành viên trong lớp đều cùng nhau đọc sách. Ngày thứ hai cô giáo đọc cho cả lớp nghe một cuốn sách nào đó. Thứ ba, thứ tư, thứ năm các bạn sẽ cùng đọc cho nhau nghe cuốn sách mà mình thích cho cả lớp nghe và viết cảm tưởng về cuốn sách, điều mình cảm nhận từ cuốn sách đó cho các bạn và cô giáo.

• Thư viện trường cung cấp vô cùng đa dạng sách cho học sinh theo sở thích và điều bắt buộc là trong cặp các học sinh luôn có ít nhất một cuốn sách để đọc mỗi khi rảnh ở trường. Mỗi sáng trước khi chào cờ, hát quốc ca, khi học sinh chưa được phép vào lớp, các học sinh ngồi ở căntin, hành lang trường tay mở sách đọc. Hình ảnh học sinh trong thời gian nghỉ giải lao tay cầm cuốn sách nhỏ... không hiếm thấy trong sân trường. Học sinh đọc sách và yêu thích nhân vật nào đó trong cuốn sách sẽ được thầy cô, phụ huynh hỗ trợ để học sinh hóa trang thành nhân vật đó và cùng các bạn tham gia sự kiện Character Day (tạm hiểu là ngày của các Nhân vật) ở lớp và của cả trường. Ngày đó ở sân trường và lớp như một sân khấu kịch với vô vàn nhân vật với biết bao trang phục (mua hoặc tự sáng tạo từ vật liệu). Các nhân vật phải trình diễn và trình bày về đặc điểm đặc biệt của nhân vật mà mình chọn hóa trang.

• Toàn bộ học sinh của trường được chia thành 4 nhà: nhà chim ưng, chim cắt, nhà chim bói cá, nhà đại bàng. Các học sinh trong lớp cũng được chia nhau vào một trong bốn nhà này. Các học sinh buộc phải mượn sách từ thư viện, đọc được số lượng sách nhất định sẽ được cộng một số điểm nhất định cho nhà mà mình là thành viên. Vừa buộc phải mượn và đọc một số lượng sách thì học sinh mượn nhiều hơn sẽ được khuyến khích. Một cuốn sách mỗi học sinh sẽ được cộng 0,5 điểm cho nhà mình là thành viên. Điểm đọc sách sẽ là thi đua cho toàn trường trong cả năm. Cá nhân các học sinh đọc nhiều sách cũng được giáo viên và trường tuyên dương trước lớp, trước toàn trường và có quà tặng.

• Ở Singapore một năm học bắt đầu từ 2/1 hằng năm và có bốn học kỳ, có hai kỳ nghỉ ngắn 10 ngày và hai kỳ nghỉ dài 5 tuần. Giữa các kỳ nghỉ ngắn học sinh phải đọc ít nhất 10 quyển sách, kỳ nghỉ dài phải đọc ít nhất 25 quyển sách và phải làm reading journal (nhật ký đọc sách: bao gồm tên sách, tác giả, số lượng trang, ngày bắt đầu đọc, ngày kết thúc...)

• Đến lớp 3, Quang được trường yêu cầu sử dụng iPad cho các hoạt động làm bài tập, học và đọc sách. Việc tương tác với iPad chiếm 55-60% tổng số thời gian và khối lượng bài tập, sách đọc của Quang trong năm. Phụ huynh sẽ được trường cấp cho một phần mềm (do trường trả tiền mua) để kiểm soát việc sử dụng iPad này của con trong việc sử dụng và có thể can thiệp bất cứ lúc nào. Trong các trang web, phần mềm ứng dụng thì Quang hay đọc trên website myon.com.sg. Cô giáo và phụ huynh cũng có thể kiểm tra đầu sách, số lượng sách, thời gian đọc, số trang mà con mình đã đọc trong ngày, tuần, tháng... trên myon.com.sg. Chẳng hạn tháng 3/2019, Quang có tổng thời gian đọc trên myon.com.sg là 141 phút, 45 cuốn sách và 839 trang, trong đó gần 70% là thể thao, chưa kể những cuốn sách mượn từ thư viện trường và từ tủ sách ở nhà mà chúng tôi mua. Ngay thời điểm 17:52 phút chiều ngày 5/4/2019, website myon.com.sg cho biết có 90 cuốn sách đang đọc tại thời điểm đó, mới có năm ngày của tháng 4/2019, mà đã có 1.148.200 cuốn sách được các học sinh toàn Singapore đọc với tổng cộng 260.197 giờ đọc.

Ảnh chụp màn hình phần mềm đọc sách myon.com.sg

• Ở một số trường tiểu học mà chúng tôi đã từng đến, việc khuyến khích đọc sách trở thành những khẩu hiệu, tranh vẽ trên tường... ở các cầu thang, nơi các học sinh dễ nhìn thấy. Có những trường còn để các bảng tuyên dương học sinh đã đọc nhiều sách trong tháng, kèm thông báo quà tặng của nhà trường.

• Singapore xếp thứ nhất trong chương trình 2015 về Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment (Pisa) về khả năng đọc sách, tuy nhiêu quốc gia này còn có thể làm nhiều hơn để giúp những học sinh có trình độ thấp học đọc - và có thể đọc tốt. Trong khi năm 2011 các học sinh lớp 4 của Singapore chỉ chiếm vị trí thứ 4 trong cuộc thi quốc tế về khả năng đọc tốt của học sinh trong tổng số 45 hệ thống giáo dục tham gia. Năm 2018 các học sinh lớp 4 của Singapore leo lên vị trí thứ hai trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, về mức độ học sinh đọc tốt trong cuộc thi tương tự.

• Báo Straits Times (nhật báo tiếng Anh lớn nhất của Singapore) cho biết trong các cuộc phỏng vấn của Nhóm học thuật và ngôn ngữ tiếng Anh thuộc Viện Giáo dục Quốc gia, Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University) thực hiện, các học sinh đến từ những gia đình không thích đọc cho biết việc giáo viên đọc hoặc nhìn thấy những người khác đọc sách đã khuyến khích những học sinh này đọc sách ở trường tiểu học.

• Theo các chuyên gia giáo dục Singapore, ba yếu tố rất quan trọng để khuyến khích việc đọc ở trường là:

- Thứ nhất, điều quan trọng là nhà trường phải tập trung vào việc đọc, khuyến khích các em tham gia đọc để tìm thấy niềm vui và không chỉ đọc vì thành tích. Rất nhiều các học sinh được khảo sát cho biết rằng họ rất thích đọc vì đọc là niềm vui hơn là vì lý do đọc để hiểu biết điều gì đó. Để rèn luyện thói quen đọc sách, học sinh cần xem việc đọc là một điều gì đó thú vị. Nếu họ thấy việc đọc là thú vị, họ sẽ dành nhiều tham gia vào việc đọc nhiều hơn, dẫn đến tăng khả năng thành thạo trong việc chọn lựa sách đọc và thành thục trong việc đọc sách. - Thứ hai, thời gian cần được dành riêng cho việc đọc và các hoạt động liên quan đến việc đọc ở trường, cho dù trong giờ tập hợp buổi sáng hay trong giờ học. Trong hai nghiên cứu triển khai ở các trường khác nhau cho thấy một số học sinh khẳng định đọc hàng ngày vì trường đã tạo ra một môi trường im lặng kéo dài trong suốt buổi sáng trước giờ chào cờ. Trong khi ở trường không tạo một khoảng không gian và thời gian cố định yên tĩnh cho việc đọc thì học sinh có trình độ đọc thấp hơn hẳn. - Cuối cùng, thư viện trường học nên được tích hợp vào chiến lược đọc của trường. Cuộc khảo sát cho thấy trong khi hầu hết học sinh thích đọc ở nhà, thì nhiều sinh viên tham gia khảo sát thích đọc ở trường hơn ở nhà. Điều này có thể là do họ thiếu môi trường gia đình thuận lợi để đọc.

Hệ thống thư viện quốc gia ở Singapore (Có tổng cộng 22 thư viện trên toàn quốc) cũng hỗ trợ rất nhiều việc đọc sách của trẻ em. Ngoài việc có khu vực riêng với nhiều đầu sách bày trí đẹp, bắt mắt ngay tại tầng 1 (Các khu vực đọc của người lớn ở tầng trên).

Các thư viện này luôn có chương trình đọc sách cho trẻ em vào cuối tuần và kêu gọi tình nguyện viên tham gia chương trình này. Tuy nhiên trong hơn 3 năm sinh sống và làm việc ở đây, gia đình chúng tôi dù đã liên tục email xin đăng ký làm tình nguyện viên đọc sách cho trẻ em nhưng chương trình luôn trong tình trạng “fully book”.

Học sinh, chỉ cần thẻ học sinh (thẻ tích hợp để mượn sách, đi xe buýt, tàu điện ngầm...) chỉ cần đăng ký khá đơn giản và scan thẻ trước máy có thể mượn sách về nhà đọc khá dễ dàng.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com