Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?

Mục lục
Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?
XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG
TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN ẤU THƠ Nguyễn Nhật Ánh*
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON
GẮN VĂN HÓA ĐỌC VỚI GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN VĂN ƠN, QUẬN 11, TP. HCM
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HÒA B – THỊ XÃ DĨ AN – TỈNH BÌNH DƯƠNG
MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM
DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HORIZON
CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ
HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HOÁ ĐỌC TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC EDU
TIẾT ĐỌC SÁCH THƯỜNG XUYÊN TẠI THƯ VIỆN, LỚP HỌC TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH LỢI ÍCH CỦA ĐỌC SÁCH VÀ PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ HỌC SINH
SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?
ĐỌC NHIỀU, ĐỌC RỘNG VÀ ĐỌC CÙNG NHAU BÀI HỌC TỪ SINGAPORE
Tất cả các trang

anh-nay-HOI-XBVN_THU-MOI-THAM-DU-TOA-DAM_08H00_19.04.2019_BAO-CHI

 

TẠI SAO TỔ CHỨC TOẠ ĐÀM “LÀM GÌ ĐỂ TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ?”

Lê Hoàng*

Như chúng ta đã biết, ngày 25/8/2004 Ban bí thư đã ban hành chỉ thị 42 về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, tại điểm 2.3 đã chỉ rõ: đến năm 2010, phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm.

Ngày 15/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 329 về Phê duyệt Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2020:

- Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; - Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí. Nhưng thực tế cho thấy gần 10 năm qua (2010-2019), chúng ta chưa thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 6 đầu sách / người / năm mà chỉ thị 42 của BBT đã đề ra, cũng như con số đáng buồn qua số liệu thống kê của Bộ Văn Hoá Thể Thao Du lịch về việc tiếp cận thư viện của người dân Việt Nam: tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ có 0,057 dân số, tương đương 564.133 người / 90 triệu dân (theo báo SGGP, ngày 20/5/2017). Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là học sinh sinh viên) sử dụng thư viện thì quả thật còn có sự chênh lệch quá lớn.

Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, chia trên 90 triệu dân, bình quân 4 đầu sách/người nhưng nếu phân tích sâu hơn thì số lượng sách giáo khoa, giáo trình là sách công cụ để học tập là trên 300.000.000 bản chiếm 80% trong tổng số 400 triệu bản trên. Số lượng học sinh cấp 1, 2, 3 có khoảng 22 triệu học sinh trên cả nước trên tổng số 90 triệu dân. Như vậy, số bản sách còn lại gần 100.000.000 bản dành cho trên 90 triệu dân sẽ phân bổ khoảng 1 đầu sách/người/năm.

Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi Khối Đông Nam Á có 3 nước, Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 (Malaysia 12 đầu sách / người / năm) và Indonesia đứng thứ 60. Một số thông tin rất đáng tham khảo từ ông Lý Trường Chiến – Giám đốc phía Nam của báo Dân trí trong bài “Giải pháp nâng cao văn hóa đọc”: Một khảo sát bỏ túi nhanh về thói quen đọc - với nhân viên và sinh viên (lứa tuổi 20 – 30):

* Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam - Trưởng văn phòng đại diện phía Nam

Phó Ban Tổ chức toạ đàm


- 70% cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm - 12% cho biết có đọc các sách, truyện khác ngoài chuyên môn - 80% không đọc sách 1 năm qua - 98% không đọc sách tuần qua

Qua lần chờ chuyến bay tại Việt Nam, tình cờ để ý ông nhận thấy: đếm nhanh với hơn 50 người trong đó có 8 người nước ngoài (6  u và 2 Á) thì 4 người  u và 2 người Á đều đọc sách, 2 người  u còn lại trò chuyện cùng nhau. Trong khi đếm hơn 40 người Việt thì chỉ có 3 người đọc báo, số còn lại lang thang chờ, ngủ, xem TV hay lơ đễnh, làm những chuyện cá nhân.

Quả thật “Văn Hoá Đọc” của người Việt Nam chúng ta là quá thấp. Nguyên nhân của nó mà ai cũng thấy chính là do đa số người Việt Nam chúng ta không có thói quen đọc sách, một thói quen chưa được tạo dựng từ khi họ còn bé.

Chính vì vậy, nhân dịp ngày sách Việt nam 21/4/2019, Sở TTTT TP. HCM - Hội Xuất Bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tại TP. HCM, Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc toạ đàm: “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ”, nhằm qua đó tìm kiếm các giải pháp khuyến khích hình thành thói quen đọc sách hữu ích cho trẻ em, học sinh ngay trong môi trường giáo dục và gia đình.

Có tất cả trên 20 tham luận tham gia cuộc toạ đàm này, đều cho thấy việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé là đi đúng vào mấu chốt của vấn đề phát triển văn hoá đọc hiện nay. Nếu chúng ta không tìm cách để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé, thì sau này khó mà tạo lập thói quen này. Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong bài tham luận gửi về cho ban tổ chức tạo đàm: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.

Về hoạt động của thư viện, nơi được mệnh danh là trái tim của trường học, nơi góp phần hình thành thói quen đọc sách của học sinh, một số thư viện mà Hội đến khảo sát thấy rằng có nhiều nỗ lực tự thân cũng như phối hợp với giáo viên bộ môn, có nhiều hoạt động đầy tính sáng tạo thu hút đông đảo các em, góp phần gieo sự đam mê và tình yêu với sách. Tuy nhiên, các tham luận cũng nêu vẫn còn nhiều khó khăn về sự quan tâm hạn chế hoạt động thư viện của các cấp lãnh đạo, về cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn sách bổ sung còn thiếu thốn..., và những nỗi niềm của người cán bộ thư viện về đời sống, chế độ chính sách còn nhiều khó khăn, chật vật không giữ chân người làm nghề ở lâu dài với ngành thư viện.

Bên cạnh hoạt động thư viện, tham luận của các trường nói về việc tổ chức tốt tiết đọc sách thường xuyên cho các em từ mẫu giáo, học sinh tiểu học, đến cấp 2,3. Các tiết đọc sách này hầu như không được Bộ, Sở bố trí vào khung giờ giảng dạy chính thức mà do các trường linh hoạt, vận dụng sắp xếp với nhiều khung giờ khác nhau, có trường dùng 30’ đầu giờ mỗi ngày tại lớp học, có trường sử dụng tiết tự học biến thành tiết đọc sách (2 tiết / tuần), tổ chức tiết đọc sách trong tiết Ngữ văn tại thư viện hay tại lớp học v.vv...

Rất đáng mừng khi có những phản hồi rất tích cực của học sinh từ các tiết đọc sách do các trường tổ chức. Các tham luận đều khẳng định chính từ các tiết đọc sách được tổ chức tốt là yếu tố quan trong góp phần hình thành thói quen đọc sách hữu ích cho trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, không như các nước phát triển trên thế giới hay trong khu vực như Singapore, Malaysia..., các nước đều có tiết đọc sách sách được bố trí trong khung giờ chính thức ở tất cả các trường, thì tại Việt Nam chúng ta, vì không được như vậy nên ngoài các trường có sự chủ động tự thân tổ chức tiết đọc sách như trên, thì đa số các trường tại thành phố và cả nước không có tiết đọc sách. Có phải chính đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ mà chúng ta đang quan tâm và là mục đích được đặt ra tại buổi toạ đàm này! Có một chuyên viên ngành thư viện đã thốt lên: “Trong nhà trường, ngoài các môn học theo qui định, học sinh được giáo dục thể chất qua môn thể dục, được giáo dục thẩm mỹ qua môn âm nhạc, hội họa... với những tiết học, giáo viên bộ môn được bố trí trong khung giờ chính thức của chương trình giảng dạy... Vậy việc đọc sách nhằm giáo dục trí chất và phẩm chất cho học sinh tại sao Bộ giáo dục và đào tạo lại không có khung giờ chính thức cho “môn thư viện”, hay “môn văn hoá đọc”, là điều mà các nước phát triển hay các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thực hiện từ lâu rồi?”

Hầu hết các tham luận đều thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước.

Ngoài ra, việc hình thành một danh mục sách khuyến đọc phù hợp cho từng độ tuổi, từng lớp học, việc đưa ra phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, tâm sự vui mừng của một bà mẹ đã giúp cho con hình thành và duy trì được thói quen đọc sách trong gia đình, những hoạt động thiện nguyện mang sách hay về cho học sinh tiểu học ở những vùng khó khăn xa xôi cũng là những tiếng nói góp phần làm cho bức tranh văn hoá đọc sáng lên trong cuộc toạ đàm này.

Chúng tôi muốn qua cuộc toạ đàm này tạo ra sự nhận thức đúng của toàn xã hội từ các bậc phụ huynh, cho đến các cơ quan, đơn vị ngành văn hoá, giáo dục... về tầm quan trọng của sự phát triển văn hoá đọc, từ đó có những chuyển biến thật sự với những nỗ lực cụ thể bằng những giải pháp thiết thực, cùng nhau giúp cho trẻ hình thành thói quen đọc sách, giúp cho sự phát triển văn hoá đọc cho cộng đồng trong tương lai.

Chúng tôi sẽ tập họp và kiến nghị với lãnh đạo Uỷ Ban Nhân Dân thành phố, Bộ Giáo dục đào tạo, cũng như các cơ quan chức năng có những biện pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại khó khăn hiện nay của ngành thư viện trường học, cũng như kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp tạo cho hoạt động văn hoá đọc trong nhà trường phát triển, với những biện pháp cụ thể như hình thành tiết đọc sách trong khung giờ giảng dạy chính thức của nhà trường, nhằm thiết thực hình thành thói quen đọc sách của học sinh từ khi còn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com