Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?

Mục lục
Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?
XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG
TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN ẤU THƠ Nguyễn Nhật Ánh*
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON
GẮN VĂN HÓA ĐỌC VỚI GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN VĂN ƠN, QUẬN 11, TP. HCM
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HÒA B – THỊ XÃ DĨ AN – TỈNH BÌNH DƯƠNG
MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM
DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HORIZON
CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ
HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HOÁ ĐỌC TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC EDU
TIẾT ĐỌC SÁCH THƯỜNG XUYÊN TẠI THƯ VIỆN, LỚP HỌC TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH LỢI ÍCH CỦA ĐỌC SÁCH VÀ PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ HỌC SINH
SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?
ĐỌC NHIỀU, ĐỌC RỘNG VÀ ĐỌC CÙNG NHAU BÀI HỌC TỪ SINGAPORE
Tất cả các trang

anh-nay-HOI-XBVN_THU-MOI-THAM-DU-TOA-DAM_08H00_19.04.2019_BAO-CHI

 

TẠI SAO TỔ CHỨC TOẠ ĐÀM “LÀM GÌ ĐỂ TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ?”

Lê Hoàng*

Như chúng ta đã biết, ngày 25/8/2004 Ban bí thư đã ban hành chỉ thị 42 về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, tại điểm 2.3 đã chỉ rõ: đến năm 2010, phấn đấu đưa sách về đến cấp huyện và đưa sách đến phần lớn các xã để đạt chỉ tiêu 6 bản sách/người/năm.

Ngày 15/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 329 về Phê duyệt Đề án phát triển văn hoá đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, đã đề ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2020:

- Phấn đấu 80% học sinh, sinh viên và người học khác tại các cơ sở giáo dục được tiếp cận, sử dụng thông tin, tri thức tại các thư viện công cộng, thư viện của các cơ sở giáo dục, văn hóa, khoa học; - Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%) có kỹ năng tiếp nhận và sử dụng thông tin, tri thức thông qua việc đọc để phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí. Nhưng thực tế cho thấy gần 10 năm qua (2010-2019), chúng ta chưa thực hiện hoàn thành chỉ tiêu 6 đầu sách / người / năm mà chỉ thị 42 của BBT đã đề ra, cũng như con số đáng buồn qua số liệu thống kê của Bộ Văn Hoá Thể Thao Du lịch về việc tiếp cận thư viện của người dân Việt Nam: tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ có 0,057 dân số, tương đương 564.133 người / 90 triệu dân (theo báo SGGP, ngày 20/5/2017). Nếu so với mục tiêu phấn đấu 85% người dân (trong đó 90% là học sinh sinh viên) sử dụng thư viện thì quả thật còn có sự chênh lệch quá lớn.

Theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách, chia trên 90 triệu dân, bình quân 4 đầu sách/người nhưng nếu phân tích sâu hơn thì số lượng sách giáo khoa, giáo trình là sách công cụ để học tập là trên 300.000.000 bản chiếm 80% trong tổng số 400 triệu bản trên. Số lượng học sinh cấp 1, 2, 3 có khoảng 22 triệu học sinh trên cả nước trên tổng số 90 triệu dân. Như vậy, số bản sách còn lại gần 100.000.000 bản dành cho trên 90 triệu dân sẽ phân bổ khoảng 1 đầu sách/người/năm.

Việt Nam hoàn toàn không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi Khối Đông Nam Á có 3 nước, Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 (Malaysia 12 đầu sách / người / năm) và Indonesia đứng thứ 60. Một số thông tin rất đáng tham khảo từ ông Lý Trường Chiến – Giám đốc phía Nam của báo Dân trí trong bài “Giải pháp nâng cao văn hóa đọc”: Một khảo sát bỏ túi nhanh về thói quen đọc - với nhân viên và sinh viên (lứa tuổi 20 – 30):

* Phó Chủ tịch Hội Xuất Bản Việt Nam - Trưởng văn phòng đại diện phía Nam

Phó Ban Tổ chức toạ đàm


- 70% cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo thêm - 12% cho biết có đọc các sách, truyện khác ngoài chuyên môn - 80% không đọc sách 1 năm qua - 98% không đọc sách tuần qua

Qua lần chờ chuyến bay tại Việt Nam, tình cờ để ý ông nhận thấy: đếm nhanh với hơn 50 người trong đó có 8 người nước ngoài (6  u và 2 Á) thì 4 người  u và 2 người Á đều đọc sách, 2 người  u còn lại trò chuyện cùng nhau. Trong khi đếm hơn 40 người Việt thì chỉ có 3 người đọc báo, số còn lại lang thang chờ, ngủ, xem TV hay lơ đễnh, làm những chuyện cá nhân.

Quả thật “Văn Hoá Đọc” của người Việt Nam chúng ta là quá thấp. Nguyên nhân của nó mà ai cũng thấy chính là do đa số người Việt Nam chúng ta không có thói quen đọc sách, một thói quen chưa được tạo dựng từ khi họ còn bé.

Chính vì vậy, nhân dịp ngày sách Việt nam 21/4/2019, Sở TTTT TP. HCM - Hội Xuất Bản Việt Nam - Văn phòng đại diện phía Nam tại TP. HCM, Báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc toạ đàm: “Làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ”, nhằm qua đó tìm kiếm các giải pháp khuyến khích hình thành thói quen đọc sách hữu ích cho trẻ em, học sinh ngay trong môi trường giáo dục và gia đình.

Có tất cả trên 20 tham luận tham gia cuộc toạ đàm này, đều cho thấy việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé là đi đúng vào mấu chốt của vấn đề phát triển văn hoá đọc hiện nay. Nếu chúng ta không tìm cách để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ từ tấm bé, thì sau này khó mà tạo lập thói quen này. Nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong bài tham luận gửi về cho ban tổ chức tạo đàm: “Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”.

Về hoạt động của thư viện, nơi được mệnh danh là trái tim của trường học, nơi góp phần hình thành thói quen đọc sách của học sinh, một số thư viện mà Hội đến khảo sát thấy rằng có nhiều nỗ lực tự thân cũng như phối hợp với giáo viên bộ môn, có nhiều hoạt động đầy tính sáng tạo thu hút đông đảo các em, góp phần gieo sự đam mê và tình yêu với sách. Tuy nhiên, các tham luận cũng nêu vẫn còn nhiều khó khăn về sự quan tâm hạn chế hoạt động thư viện của các cấp lãnh đạo, về cơ sở vật chất nghèo nàn, nguồn sách bổ sung còn thiếu thốn..., và những nỗi niềm của người cán bộ thư viện về đời sống, chế độ chính sách còn nhiều khó khăn, chật vật không giữ chân người làm nghề ở lâu dài với ngành thư viện.

Bên cạnh hoạt động thư viện, tham luận của các trường nói về việc tổ chức tốt tiết đọc sách thường xuyên cho các em từ mẫu giáo, học sinh tiểu học, đến cấp 2,3. Các tiết đọc sách này hầu như không được Bộ, Sở bố trí vào khung giờ giảng dạy chính thức mà do các trường linh hoạt, vận dụng sắp xếp với nhiều khung giờ khác nhau, có trường dùng 30’ đầu giờ mỗi ngày tại lớp học, có trường sử dụng tiết tự học biến thành tiết đọc sách (2 tiết / tuần), tổ chức tiết đọc sách trong tiết Ngữ văn tại thư viện hay tại lớp học v.vv...

Rất đáng mừng khi có những phản hồi rất tích cực của học sinh từ các tiết đọc sách do các trường tổ chức. Các tham luận đều khẳng định chính từ các tiết đọc sách được tổ chức tốt là yếu tố quan trong góp phần hình thành thói quen đọc sách hữu ích cho trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên, không như các nước phát triển trên thế giới hay trong khu vực như Singapore, Malaysia..., các nước đều có tiết đọc sách sách được bố trí trong khung giờ chính thức ở tất cả các trường, thì tại Việt Nam chúng ta, vì không được như vậy nên ngoài các trường có sự chủ động tự thân tổ chức tiết đọc sách như trên, thì đa số các trường tại thành phố và cả nước không có tiết đọc sách. Có phải chính đây là một trong những nguyên nhân chính cản trở việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ mà chúng ta đang quan tâm và là mục đích được đặt ra tại buổi toạ đàm này! Có một chuyên viên ngành thư viện đã thốt lên: “Trong nhà trường, ngoài các môn học theo qui định, học sinh được giáo dục thể chất qua môn thể dục, được giáo dục thẩm mỹ qua môn âm nhạc, hội họa... với những tiết học, giáo viên bộ môn được bố trí trong khung giờ chính thức của chương trình giảng dạy... Vậy việc đọc sách nhằm giáo dục trí chất và phẩm chất cho học sinh tại sao Bộ giáo dục và đào tạo lại không có khung giờ chính thức cho “môn thư viện”, hay “môn văn hoá đọc”, là điều mà các nước phát triển hay các nước trong khu vực Đông Nam Á đã thực hiện từ lâu rồi?”

Hầu hết các tham luận đều thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách chính thức áp dụng cho tất cả trường tiểu học phổ thông trên cả nước.

Ngoài ra, việc hình thành một danh mục sách khuyến đọc phù hợp cho từng độ tuổi, từng lớp học, việc đưa ra phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ, tâm sự vui mừng của một bà mẹ đã giúp cho con hình thành và duy trì được thói quen đọc sách trong gia đình, những hoạt động thiện nguyện mang sách hay về cho học sinh tiểu học ở những vùng khó khăn xa xôi cũng là những tiếng nói góp phần làm cho bức tranh văn hoá đọc sáng lên trong cuộc toạ đàm này.

Chúng tôi muốn qua cuộc toạ đàm này tạo ra sự nhận thức đúng của toàn xã hội từ các bậc phụ huynh, cho đến các cơ quan, đơn vị ngành văn hoá, giáo dục... về tầm quan trọng của sự phát triển văn hoá đọc, từ đó có những chuyển biến thật sự với những nỗ lực cụ thể bằng những giải pháp thiết thực, cùng nhau giúp cho trẻ hình thành thói quen đọc sách, giúp cho sự phát triển văn hoá đọc cho cộng đồng trong tương lai.

Chúng tôi sẽ tập họp và kiến nghị với lãnh đạo Uỷ Ban Nhân Dân thành phố, Bộ Giáo dục đào tạo, cũng như các cơ quan chức năng có những biện pháp tháo gỡ, khắc phục những tồn tại khó khăn hiện nay của ngành thư viện trường học, cũng như kiến nghị những cơ chế chính sách phù hợp tạo cho hoạt động văn hoá đọc trong nhà trường phát triển, với những biện pháp cụ thể như hình thành tiết đọc sách trong khung giờ giảng dạy chính thức của nhà trường, nhằm thiết thực hình thành thói quen đọc sách của học sinh từ khi còn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.



XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG

Nguyễn Thị Ngọc Minh*

Dẫn nhập Hành vi đọc là một hành vi mang tính xã hội, được hình thành do những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Có rất nhiều yếu tố trong môi trường ảnh hưởng đến hành vi đọc của một con người: gia đình, nhà trường, truyền thông xã hội, các thiết chế xã hội khác như thư viện, nhà sách, nhà xuất bản... Trong đó, gia đình và nhà trường là những môi trường đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc hình thành thói quen đọc của trẻ. Theo nhà phân tâm học người Áo S. Freud, sáu năm đầu tiên trong cuộc đời là giai đoạn quyết định nhân cách của một con người, do đó, những gì tác động đến con người trong giai đoạn ấu thơ này sẽ vĩnh viễn in dấu trong con người suốt thời kì trưởng thành.

Theo nhà giáo dục học người Ý Maria Montessori, sáu năm đầu tiên trong cuộc đời được coi là thời kì mẫn cảm của trẻ, thời kì mà trí tuệ của trẻ được ví như một miếng bọt biển có khả năng thẩm thấu vô hạn vô vàn những kích thích từ môi trường bên ngoài. Theo Glenn Doman, người khởi xướng tư tưởng giáo dục sớm, sự học hỏi của trẻ bắt đầu từ ngay khi đứa trẻ sinh ra, thậm chí sớm hơn, vào thời kì trẻ còn đang ở trong bụng mẹ. Theo nhà tâm lý giáo dục nổi tiếng Jean Piaget, trí thông minh của con người không phải là bất biến và quá trình phát triển nhận thức của trẻ là do sự phát triển nội tại của cơ thể và sự tương tác không ngừng với môi trường bên ngoài, trong đó những giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời sẽ tạo nền tảng cho những giai đoạn tiếp theo. Những nghiên cứu khoa học này đều cho thấy sự ảnh hưởng to lớn của những môi trường đầu tiên đối với sự hình thành năng lực và nhân cách một con người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, có một thực trạng rất đang lo ngại là sự suy giảm của văn hóa đọc ở trong chính những môi trường đầu tiên đó – gia đình và nhà trường, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như sự thiếu hụt về thời gian chăm sóc con cái của cha mẹ, do áp lực ngày càng lớn của công việc, thói quen sử dụng smart phone và các thiết bị điện tử, sự quá tải của các hoạt động ở trường học dẫn đến việc thiếu hụt thời gian ưu tiên cho việc đọc, sự thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc đọc đối với sự phát triển của trẻ,... Báo cáo của chúng tôi nhằm chỉ ra những cơ chế tâm lý của việc hình thành thói quen, các yếu tố tác động tới thói quen đọc cho trẻ trong gia đình và nhà trường và một số biện pháp để giúp các bố mẹ và thầy cô giáo có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy thói quen đọc của trẻ.

*Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội Sáng lập và điều hành dự án Phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra

1. Vai trò của thói quen và cơ chế hình thành thói quen đọc của trẻ trong gia đình

Trong Tâm lý học, thói quen (habit) được dùng để chỉ tiến trình mà trong đó các tình huống dẫn tới hành động một cách tự động, thông qua việc kích hoạt một loạt những hành vi có điều kiện bằng các kích thích lặp lại từ môi trường bên ngoài. Không giống với các hành vi có chủ ý khác, các thói quen thường vận hành một cách tự động, không qua sự kiểm soát của ý thức. Vì thế, thói quen có một sức mạnh vô cùng to lớn, giúp tiết kiệm năng lượng của não bộ và thậm chí còn đóng vai trò như một “bản chất thứ hai” của con người.

Tác giả Charles Duhigg trong cuốn Sức mạnh của thói quen cho rằng, thói quen được hình thành dựa trên một vòng lặp ba bước mà ông gọi là vòng lặp thói quen (habit formation loop), bao gồm: sự gợi ý, hành động và phần thưởng. Trong đó, “sự gợi ý như một nút bấm sẽ đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để sử dụng. Sau đó, một hoạt động có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc diễn ra. Cuối cùng, phần thưởng xuất hiện sẽ giúp não bộ xác định vòng lặp đó có cần ghi nhớ để sử dụng sau này không”. Qua thời gian, vòng lặp đó trở nên tự động hóa và trở thành thói quen của con người1.

Charles Duhigg cũng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sự gợi ý và phần thưởng. Ông phân tích thí nghiệm của Schultz về con khỉ Julio. Khi Julio đã có thói quen nhấn cần gạt (gợi ý) để có được nước quả (phần thưởng), não bộ của nó tiết ra một hoocmon hưng phấn làm con khỉ cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, khi không có nước quả, một mô hình mới hình thành trong não bộ của nó: sự thèm muốn. Khi chúng ta kết hợp gợi ý với phần thưởng nhất định, sự thèm khát thuộc về tiềm thức xuất hiện trong não và bắt đầu vòng lặp thói quen.

Thói quen đọc của trẻ, cũng như bất kì thói quen nào khác của con người, cũng được vận hành trên cơ chế này. Vòng lặp của thói quen đọc bắt đầu từ khi đứa trẻ tiếp xúc với một sự gợi ý từ môi trường (một cuốn sách hay mà chúng được bố mẹ hoặc thầy cô đọc cho nghe, một hiệu sách hấp dẫn kích thích sự tò mò, một câu hỏi hóc búa của thầy cô giáo khiến chúng buộc phải đọc sách để trả lời...), được tiếp diễn khi đứa trẻ bắt đầu thực hiện hành vi đọc, và được tiếp tục duy trì khi đứa trẻ nhận được một phần thưởng tinh thần hay vật chất từ hành động đọc của mình. Nếu quá trình này được lặp lại liên tục, nhiều lần, với một nhịp độ nhất định, nó sẽ dần hình thành nên thói quen đọc của trẻ. Và thói quen này khi đã ăn sâu vào tiềm thức, trở nên tự động hóa, thì sẽ trở thành một động lực bên trong, thôi thúc đứa trẻ đọc mà không cần tới bất cứ một sự ép buộc hay khích lệ nào.

Thói quen đọc được hình thành từ sớm trong gia đình và nhà trường sẽ có tác động rất sâu sắc tới sự phát triển của ngôn ngữ, trí tuệ và cảm xúc của trẻ trong quá trình phát triển sau này. Thí nghiệm của Nagy và Herman vào năm 1987 cho thấy, có một

1 Charlie Duhigg, Sức mạnh của thói quen, Nhà xuất bản Lao động xã hội, năm 2013.

Sự gợi ý

Phần Hành thưởng động Hình 1: mô hình vòng lặp thói quen của Charles Duhigg

mối liên hệ mật thiết giữa thời gian đọc của trẻ và lượng từ vựng cũng như kết quả học tập của chúng. Những đứa trẻ dành thời gian đọc trung bình 20 phút một ngày sẽ thu được 1.800.000 từ một năm và thường đạt kết quả loại A trong học tập, trong khi những đứa trẻ đọc trung bình 5 phút một ngày chỉ thu được 282.000 từ một năm và thường chỉ đạt kết quả học tập loại B. Những đứa trẻ chỉ đạt kết quả loại C trong học tập chỉ đọc trung bình một phút một ngày, và chỉ thu được một lượng từ vựng ít ỏi – 8000 từ một năm.

Giả thiết đầu vào của Stephen Kreshen cho rằng, năng lực ngôn ngữ của trẻ được quyết định bởi những gì mà trẻ nghe, xem, đọc, những thứ mà ông gọi là đầu vào (Input) của ngôn ngữ, trong đó, đọc là kênh quan trọng nhất. Nghiên cứu của Raymond Mar, một nhà tâm lý học của trường Đại học York, Canada và Keith Oatley, giáo sư danh dự ngành Tâm lý học nhận thức của trường Đại học Toronto chỉ ra, việc đọc, đặc biệt là đọc các tác phẩm văn chương hư cấu có khả năng làm gia tăng năng lực thấu cảm của con người, giúp con người hiểu hơn về chính mình cũng như về người khác, để từ đó có cách ứng xử tử tế hơn.

Nghiên cứu của Naomi Brown vào năm 2013-2015 trên 429 sinh viên thuộc 5 nước khác nhau đã chỉ ra rằng, 92% sinh viên tập trung hơn khi đọc sách giấy, trong khi đó họ có xu hướng nhảy cóc 27 lần một giờ khi đọc trên các thiết bị điện tử. Các nghiên cứu khoa học trên đã chỉ ra, việc đọc sách có tác dụng làm gia tăng khả năng ngôn ngữ và cải thiện kết quả học tập, phát triển năng lực thấu cảm và góp phần hình thành nhân cách, gia tăng năng lực tập trung và ghi nhớ của con người. Một đứa trẻ có thói quen đọc từ nhỏ cũng sẽ có kĩ năng đọc viết tốt và dễ dàng thích ứng với môi trường học đường, ham hiểu biết và có khả năng tự học tốt. Vì thế, việc xây dựng thói quen đọc trong gia đình là một công việc vô cùng quan trọng và cần thiết.

2. Xây dựng môi trường sẵn sàng cho việc đọc của trẻ trong gia đình và nhà trường

Như trên đã nói, yếu tố đầu tiên trong vòng lặp thói quen theo mô hình của Charles Duhigg là sự gợi ý. Trong vòng lặp hình thành nên thói quen đọc, sự gợi ý này chính là một môi trường khuyến khích việc đọc và sẵn sàng cho việc đọc của trẻ. Có rất nhiều cách thức khác nhau để có thể tạo nên một môi trường vẫy gọi để dẫn dắt hành vi đọc của trẻ, trong gia đình và nhà trường.

Thứ nhất, cần phải tạo nên một không gian đọc thân thiện trong gia đình và nhà trường. Không gian này cần được đặt ở vị trí trung tâm, gần với nơi trẻ thường xuyên qua lại và thuận tiện cho sự tiếp cận của trẻ (phòng khách, phòng học, phòng ngủ hay bất cứ nơi nào mà trẻ thường xuyên lui tới trong gia đình, vị trí trung tâm trong trường học, nơi gần gũi với các lớp học, nơi có thể nhận ra ngay khi trẻ bước chân vào trường học). Không gian đọc cần có ánh sáng hợp lý với thị giác của trẻ, tốt nhất là ánh sáng tự nhiên hoặc bóng đèn led, đèn sợi tóc..., đồng thời có không khí thoáng mát, giàu oxy, nhiệt độ vừa phải với cơ thể của trẻ (tránh ở nơi quá nóng bức hoặc có gió lùa). Không gian đọc cũng cần yên tĩnh, để trẻ không bị xao lãng bởi tiếng ồn và các hoạt động khác trong gia đình. Trong không gian đọc này, các gia đình và nhà trường có thể thiết kế những chỗ ngồi thoải mái, dễ chịu, bàn ghế có kích thước phù hợp, màu sắc và kiểu dáng hấp dẫn. Những họa tiết trang trí làm điểm nhấn cho không gian đọc cũng sẽ kích thích sự hứng thú và tò mò của trẻ.

Thứ hai, hệ thống sách cần được lựa chọn tỉ mỉ, kĩ lưỡng để phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ ở trong độ tuổi 0-3 tuổi, sách cần được làm bằng các chất liệu an toàn, bền chắc, có hình ảnh rõ nét, ít chi tiết, các màu sắc cơ bản (chủ yếu là màu của 7 sắc cầu vồng), có cấu trúc lặp đi lặp lại, giúp cho trẻ dễ dàng nắm bắt được nội dung cuốn sách, với số lượng từ ngữ không quá hai đến 3 câu một trang. Khi trẻ đã bắt đầu đọc một cách thành thạo, vào độ tuổi lớp 2-3, có thể giới thiệu cho trẻ những cuốn sách có dung lượng dưới 100 trang, nhiều hình ảnh minh họa và không quá 100 từ một trang, với những chủ đề quen thuộc, gần gũi với đời sống của trẻ. Sách cũng cần được trình bày và sắp đặt sao cho bìa hướng về phía ngoài, dễ lôi cuốn sự chú ý của trẻ. Giá sách nên có kích thước phù hợp với chiều cao và tầm với của trẻ. Ở các thư viện góc lớp, thư viện trường học, sách nên được sắp xếp và phân loại theo độ tuổi, theo thể loại, theo trình độ đọc hoặc theo chủ đề để giúp trẻ có thể dễ dàng lựa chọn những cuốn sách phù hợp nhất với mình. Những cuốn sách hay, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, được trình bày đẹp mắt chính là những “sự gợi ý”, giúp trẻ tò mò, có hứng thú với việc đọc.

Thứ ba, cần xây dựng một cộng đồng đọc xung quanh đứa trẻ. Con người nói chung và trẻ em nói riêng sẽ học một cách vô thức thông qua bắt chước. Vì thế, việc nhìn thấy những người xung quanh thường xuyên đọc, say mê với việc đọc cũng là một “sự gợi ý” để góp phần hình thành nên thói quen của trẻ. Bố mẹ có thể cùng con đọc sách vào một giờ nhất định trong ngày hoặc trong tuần, cho con đi đến các hiệu sách, thư viện, nơi con được chứng kiến rất nhiều người đang tập trung vào việc đọc, hoặc cho con tham gia vào các câu lạc bộ đọc sách gồm các bạn nhỏ cùng độ tuổi. Ở nhà trường, các thầy cô giáo cũng có thể tạo nên một môi trường đầy ắp sự gợi ý bằng cách: giao cho các học sinh lớn đọc sách cho các em bé mầm non hoặc mới vào lớp 1, trưng bày các bài viết hay, các poster giới thiệu sách trong các không gian mà trẻ thường xuyên qua lại, vinh danh những học sinh có thành tích đọc sách, tổ chức các buổi giao lưu với tác giả, tổ chức các cuộc thi đọc sách giữa các lớp... Tất cả những cách thức này đều có tác dụng kích thích trí tò mò và ham muốn đọc của trẻ.

Thứ tư, sự gợi ý và giới thiệu của bố mẹ và thầy cô về những cuốn sách hay sẽ góp phần kích thích sự tò mò và niềm yêu thích đọc của trẻ. Chỉ bằng một số cách đơn giản như chuyện trò với trẻ về cuốn sách mình đang đọc, cho con dự đoán hoặc tự đặt câu hỏi về một cuốn sách mới mua, đặt câu hỏi cho trẻ để trẻ chia sẻ về cuốn sách mà chúng đang đọc..., bố mẹ và thầy cô cũng có thể tạo nên một môi trường đầy vẫy gọi cho việc đọc của trẻ.

Trên thực tế, trong các gia đình và trường học ở thành phố, việc có một không gian đọc và việc trang bị sách trẻ không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, việc sắp đặt sao cho tất cả những yếu tố đó trở thành một “sự gợi ý”, một sự sẵn sàng, một lời mời gọi đối với trẻ... lại đòi hỏi không phải chỉ là sự đầu tư về vật chất, mà rất cần sự đầu tư về thời gian, tâm huyết, công sức, dựa trên sự hiểu biết một cách sâu sắc về tâm lý của trẻ, về bản chất của việc đọc và giá trị của những cuốn sách.

3. Giúp việc đọc trở thành một hành động thường xuyên của trẻ trong gia đình và

nhà trường

Yếu tố thứ hai trong mô hình vòng lặp thói quen của Charles Duhigg là hành động. Trong việc hình thành thói quen đọc, việc lặp đi lặp lại hành động đọc vào một thời gian nhất định trong ngày và trong tuần chính là điều then chốt nhất. Trẻ cần có cơ hội được đọc, có thời gian để đọc và có sự hỗ trợ của bố mẹ và thầy cô để có thể duy trì việc đọc trong một thời gian đủ dài.

Để trẻ đọc sách, bố mẹ và thầy cô giáo cần dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày và trong tuần cho việc đọc. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, hai mươi phút trước giờ đi ngủ là khoảng thời gian lý tưởng dành cho đọc sách. Bởi việc đọc sách trước giờ đi ngủ có tác dụng thư giãn tương đương với việc đi dạo và tắm nước ấm vào buổi tối, giúp con người có thể bước vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Ngoài ra, việc đọc trước giờ đi ngủ cũng giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn những thông tin chúng đọc, bởi các thông tin đó sẽ được não bộ tự động “ôn tập” lại trong lúc ngủ. Ngoài ra, đọc sách trước giờ đi ngủ cũng giúp trẻ tránh khỏi việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, những thiết bị phát ra ánh sáng xanh, kích thích thần kinh của trẻ, dễ gây nên sự căng thẳng, làm cản trở giấc ngủ của trẻ.

Bên cạnh đó, có thể khuyến khích con đọc ở mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào rỗi rãi như khi đang chờ tàu, chờ xe bus, chờ mẹ đến đón, trong giờ giải lao... bằng cách luôn mang theo một cuốn sách nhỏ. Ở trường học, bằng cách đưa sách vào từng lớp học thông qua tủ sách góc lớp, đặt tủ sách ngoài hành lang, thậm chí ngoài sân chơi, khuyến khích trẻ đọc trong giờ giải lao, trong lúc chờ ăn trưa, trong lúc chờ bố mẹ đến đón, đưa tiết đọc sách thành một hoạt động chính thức trong chương trình..., nhà trường cũng có thể dần dần biến việc đọc thành một thói quen của trẻ. Không thể có thói quen đọc nếu như trẻ không có một khoảnh khắc nào trong ngày và trong tuần dành cho việc đọc.

Sự hướng dẫn và hỗ trợ của bố mẹ và thầy cô cũng là yếu tố quan trọng giúp trẻ duy trì việc đọc. Bố mẹ có thể hướng dẫn và hỗ trợ trẻ đọc bằng các trò chơi như reading bingo, reading spinner, săn từ vựng, đi tìm kho báu, vòng quanh thế giới (có thể tham khảo trong cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon do Nhã Nam ấn hành2). Bố mẹ cũng có thể đặt ra các câu hỏi trước, trong và sau khi đọc, giúp con chiếm lĩnh thông tin một cách hiệu quả, và rèn thói quen biểu đạt những hiểu biết của mình bằng ngôn ngữ nói. Bố mẹ cũng có thể khuyến khích con viết lại những suy nghĩ của mình về cuốn sách trong nhật ký đọc sách...

Ở nhà trường, các thầy cô giáo cần dành thời gian hướng dẫn kĩ năng đọc cho trẻ, dạy trẻ những chiến lược đọc hiệu quả để có thể trở thành một người đọc thông minh như cách dự đoán, đặt câu hỏi trước và trong khi đọc, cách huy động tri thức nền, cách tóm tắt và sơ đồ hóa thông tin, cách suy luận và giải thích, các liên hệ để kết nối những thông tin trong cuốn sách với cuộc sống... Những hình thức hỗ trợ này khiến cho trẻ cảm thấy việc đọc không quá khó khăn, đồng thời giúp trẻ hình thành kĩ năng đọc hiểu văn bản.

2 Nguyễn Thị Ngọc Minh, Nuôi dưỡng một người đọc tí hon, Nhà xuất bản Thế giới, 2018.

Ngay cả trong khi không có nhiều thời gian dành cho việc đọc của trẻ, bố mẹ và thầy cô vẫn có thể hỗ trợ việc đọc của con bằng nhiều cách khác nhau như khuyến khích con điền vào sơ đồ K-W-L, trong đó ở cột K, con điền vào những thông tin mà con đã biết về cuốn sách, ở cột W, con sẽ ghi lại những điều con muốn biết trong cuốn sách, và ở cột L, con điền vào những điều con đã học được sau khi đọc xong cuốn sách. Tất cả những hoạt động này con có thể thực hiện hàng ngày, ở nhà và không cần có sự trợ giúp của bố mẹ và thầy cô.

4. Tạo động lực và ham muốn đọc bằng các phần thưởng

Yếu tố thứ ba trong mô hình vòng lặp thói quen của Charles Duhigg là phần thưởng. Tuy nhiên, phần thưởng ở đây không phải chỉ là những phần thưởng mang tính chất vật chất. Charles Duhigg nhắc đến một thứ phần thưởng của não bộ, tức là cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc và thư giãn xuất hiện trong não bộ khi ta đạt tới một kết quả nào đó, do sự tăng lên về mặt sinh học của một số hoocmon tích cực trong cơ thể ví như endrophins. Chính sự ham muốn có được cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc này sẽ là động cơ để thúc đẩy thói quen đọc của trẻ.

Có nhiều cách để tạo ra phần thưởng cho trẻ. Cách đơn giản nhất là ghi nhận sự nỗ lực của trẻ một cách kịp thời bằng những phản hồi tích cực, nhấn mạnh vào kết quả và sự tiến bộ mà trẻ đạt được trong việc đọc: “Hôm nay con đã đọc rất chăm chỉ, chỉ trong có một ngày mà con đã đọc được cả một cuốn sách dài 50 trang”. “Tuần này con đã làm rất tốt, con không chỉ đọc mà còn viết tóm tắt được về cuốn sách”. Những phản hồi tích cực này đáp ứng nhu cầu được tôn trọng của trẻ, giúp não bộ sản sinh ra những hoocmon tích cực, khơi dậy cảm giác tự tin, thỏa mãn, hạnh phúc nơi trẻ.

Các phụ huynh và thầy cô giáo cũng có thể khen thưởng bằng vật chất cho những thành tích đặc biệt của trẻ, ví dụ: “ba sẽ tặng con một cái giá sách mới vì con đã xếp đặt sách vở rất ngăn nắp sau khi đọc”, “mẹ sẽ tặng con một cuốn sổ thật đẹp vì con rất chăm ghi chép về những gì mình đọc được”, “mình sẽ cùng lên phố sách để mua sách vì con đã đọc rất nhiều trong tuần vừa qua”, “cô hứa sẽ tặng con một cuốn sách thật hay vì con đã đọc hết một cuốn sách thật dài và khó trong vòng một tuần”. Ngoài ra, phần thưởng có thể là một sự trao quyền: “Con đã đọc rất tốt, liệu con có thể đọc sách cho các em bé nghe hàng ngày giúp mẹ/ thầy cô được không”, “mẹ tin là con là người phù hợp nhất để đọc sách cho bà nội nghe hàng ngày”, “nếu muốn, con có thể mở một thư viện tại nhà và chính con là thủ thư cho thư viện ấy”. Trẻ sẽ cảm thấy tự hào về bản thân khi được trao quyền, và điều này cũng khuyến khích trẻ lặp lại những hành động tích cực để tiếp tục có được những cảm giác đó.

Ngoài những phần thưởng đến từ bên ngoài này, còn có những phần thưởng đến từ bên trong, khi trẻ cảm thấy thành công khi thực hiện một hoạt động khó khăn nào đó. Việc đọc xong một cuốn sách, hiểu được nội dung một cuốn sách khó, biết được kết thúc một cuốn sách hấp dẫn, viết xong một bài giới thiệu sách, trả lời được một câu hỏi của bố mẹ và thầy cô... cũng đem lại cho trẻ cảm giác tự hào và thỏa mãn, hạnh phúc ngay cả khi không nhận được bất cứ một sự ghi nhận nào từ môi trường bên ngoài. Các nhà tâm lý học tích cực đã chỉ ra, trải nghiệm dòng chảy (flow experience), một cảm giác hạnh phúc và tập trung cao độ sẽ xuất hiện khi con người đối diện với một nhiệm vụ khó hơn năng lực của mình một bậc, nhưng vẫn đủ khả năng thực hiện nó. Vì thế, hãy hướng dẫn trẻ chọn lựa những cuốn sách có độ khó phù hợp, thường là khó hơn trình độ đọc của trẻ một bậc, nhưng trẻ vẫn có thể chiếm lĩnh được

Nếu “những phần thưởng cho não bộ” này liên tục được lặp đi lặp lại, nó sẽ tạo ra cảm giác mong đợi thường xuyên, một sự thèm muốn ăn sâu vào trong vô thức tới nỗi chính trẻ cũng không nhận ra sự tồn tại và ảnh hưởng của nó. Đây chính là một cơ chế bên trong duy trì thói quen của trẻ, và ngược lại, khi thói quen đã hình thành, sự mong đợi đã được cài đặt trong tiềm thức, thì nó sẽ tự động phát huy tác dụng mà bất cứ một yếu tố nào bên ngoài môi trường cũng không thể gây ảnh hưởng đến trẻ được nữa. Những đứa trẻ say mê đọc sách đến quên hết mọi thứ xung quanh và tìm mọi cơ hội để đọc sách chính là những đứa trẻ đã được kích hoạt từ rất sớm sự mong đợi và thèm muốn này.

Tuy nhiên, cũng theo tác giả Charles Duhigg, sự gợi ý, hành động và phần thưởng, ba yếu tố quan trọng nhất trong vòng lặp đó chỉ có thể tạo thành thói quen khi chúng được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ và được lặp lại trong một thời gian dài, với một tần suất nhất định. Sự gợi ý tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích trẻ đọc, nhưng nếu trẻ không cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc mà phần thưởng của não bộ đem lại, thay vào đó là sự ép buộc của người lớn, thì thói quen đọc cũng không thể được hình thành.

Và ngược lại, dù trẻ có ham muốn đọc, yêu thích việc đọc, nhưng những điều kiện bên ngoài không kích thích và nuôi dưỡng được niềm ham thích ấy thì nó cũng sẽ sớm bị dập tắt. Mặt khác, nếu vòng tròn này không được lặp lại một cách thường xuyên, liên tục, khiến cho niềm ham muốn ăn sâu vào trong tiềm thức của trẻ, trở thành một động lực bên trong đủ lớn để thôi thúc trẻ, thì thói quen đọc cũng không thể được hình thành. Khi nắm vững cơ chế và những nguyên tắc cốt lõi này, bố mẹ và thầy cô giáo sẽ có thể chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để dần xây dựng nên thói quen đọc của trẻ sao cho phù hợp nhất với điều kiện của gia đình và nhà trường cũng như sở thích, năng lực và mối quan tâm của trẻ.

Kết luận Trên thực tế, các gia đình và nhà trường Việt Nam đã bắt đầu chú ý hơn tới việc đọc của trẻ. Tuy nhiên, nếu thiếu hiểu biết một cách thật sự đầy đủ về những cơ chế ngầm ẩn bên trong của việc đọc, của việc hình thành thói quen đọc, chưa ý thức thật sâu sắc về vai trò của việc đọc đối với sự trưởng thành của trẻ trong tương lai thì các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cũng rất khó có thể có một cách tiếp cận khoa học và đúng đắn. Đôi khi, sự kì vọng và mong mỏi quá mức, đi kèm với sự thiếu hiểu biết về tâm lý của trẻ còn dẫn tới sự cưỡng bức của người lớn đối với trẻ, sự chống đối ngược trở lại của trẻ cũng như sự căng thẳng và xung đột trong gia đình và nhà trường. Vì thế, bên cạnh việc quan tâm và đầu tư vật chất, rất cần nâng cao nhận thức của các bậc làm cha mẹ cũng như các thầy cô giáo về văn hóa đọc.

Trong bất cứ thời đại nào thì gia đình cũng chính là nền tảng vững chắc nhất để trẻ có thể vững vàng bước đi trong cuộc đời, đồng thời là thành trì an toàn nhất để bảo vệ trẻ khỏi những cám dỗ trong cuộc sống và nhà trường cũng là môi trường quan trọng nhất để xây dựng cho trẻ những kĩ năng và kiến thức cần thiết nhất để trở thành một con người có khả năng thích ứng với cuộc sống. Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ trong gia đình và nhà trường cũng chính là việc tạo nên một khởi đầu tốt đẹp cũng như một sự phòng vệ lâu dài cho sự phát triển của trẻ trong suốt những năm tiếp theo của cuộc đời, trong một thế giới đang không ngừng thay đổi và quá nhiều bấp bênh, nguy hiểm như hiện nay.

Tài liệu tham khảo 1. Charles Duhigg, Sức mạnh của thói quen, Nhà xuất bản Lao động xã hội, 2013. 2. Maria Montessori, Sức mạnh thẩm thấu của tâm hồn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2015. 3. Nguyễn Thị Ngọc Minh, Nuôi dưỡng một người đọc tí hon, Nhà xuất bản Thế giới,

2018. 4. Nagy W., Herman P, Learning words from context. Reading Research Quarterly,

p.233-255, 1985. 5. Naomi Brown, Do students lost depth in digital reading?

http://theconversation.com/do-student-lose-depth-in-digital-reading-61897.



TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN ẤU THƠ

Nguyễn Nhật Ánh*

Bao giờ cũng vậy, tôi luôn luôn bắt gặp mình cảm động khi trông thấy một em bé ngồi say sưa đọc sách. Em ngồi trên chiếc băng dài ở trạm chờ xe buýt, ngồi trên ghế đá trong công viên hay ngồi trong chiếc ghế nhựa mềm ở một quán cà phê lắp kính. Em bảy hoặc tám tuổi, luôn có người lớn đi kèm, nhưng trong khi bố mẹ hay anh chị ngồi tán gẫu bên tách cà phê hay đang đuổi theo một quả cầu lông trên bãi cỏ thì em ngồi đó, một mình một thế giới, soi mặt vào trang sách bằng vẻ hạnh phúc rạng ngời.

1. Tôi tin mọi trẻ em trên thế giới đều thích nghe kể chuyện. Tôi nhớ ở vào cái tuổi chưa biết đọc, anh em tôi mỗi tối trước khi đi ngủ đều chen chúc giành giật nhau để được nằm cạnh bà tôi. Chỉ để được là đứa nằm gần bà nhất khi bà kể chuyện. Cũng lạ, tiếng bà kể trong đêm nằm đâu nghe cũng rõ, nhưng đứa nào cũng thích được nằm cạnh bà, như thể chạm vào bà thì hình ảnh trong các câu chuyện sẽ lung linh hơn.

Ba tôi đi làm xa nên những câu chuyện đầu tiên tôi nghe được là từ bà tôi và chú tôi. Bà tôi kể tôi nghe chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt, Đôi hia bảy dặm... Chú tôi lại thích kể chuyện Tôn Ngộ Không, Na Tra và một số chuyện trong Nghìn lẻ một đêm như Aladin và cây đèn thần, Alibaba và bốn mươi tên cướp... Lúc đó, tôi ba, bốn tuổi, những câu chuyện đã vẽ ra trong trí óc non tơ như tờ giấy trắng của tôi những gam màu tuyệt đẹp. Chúng gieo vào đầu tôi những hình ảnh mới mẻ, một thế giới lấp lánh màu sắc, làm dậy lên những nỗi hồi hộp, lo lắng, mừng vui qua số phận gập ghềnh của cô Tấm, những kiếp nạn của thầy trò Đường Tăng.

2. Bà tôi và chú tôi kể mãi cũng hết chuyện. Từ khi nghe chú tôi mách những câu chuyện đó và vô số những câu chuyện tương tự được chứa trong các cuốn sách, tôi cố gắng học chữ để có thể tự mình khám phá thế giới kỳ diệu kia. Bảy tuổi, tôi mê mẩn với những cuốn Cái ấm đất, Ông đồ bể trong tủ sách Hồng do ba tôi mua về. Tám, chín tuổi, tôi đã mày mò đọc hết rương truyện Tàu của ông thợ hớt tóc trong làng. Rồi tôi tìm đến Vô gia đình của Hector Malot, Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo... Tôi khóc cười qua những trang sách, ngạc nhiên thấy mình trải qua những cảm xúc mà trên thực tế tôi chưa đủ lớn để trải nghiệm ngoài đời.

Sách, như vậy, đã bồi đắp tâm hồn, làm giàu có và làm trưởng thành tình cảm một đứa bé, mài sắc một cách tự nhiên các ý niệm đạo đức qua sự yêu ghét với người hiền kẻ ác và đặc biệt mở rộng đến vô biên bờ cõi của trí tưởng tượng.

Khi tôi học lớp chín, đã đọc được nhiều sách, tới lượt các đứa em nhỏ của tôi lại tranh nhau nằm gần tôi vào những buổi tối, nhao nhao: “Anh Hai kể chuyện đi, anh Hai!”

3. Thói quen đọc sách là sự nối dài thói quen nghe chuyện dưới hình thức chủ động, như vậy, đã hình thành một cách tự nhiên với một đứa trẻ. Đó là một hành vi, một nhu cầu như chạy nhảy, bơi lội, đùa nghịch, hát hò, vẽ vời. Nhưng hạt giống của thói quen đó phải được và phải có ai gieo trồng trong đầu đứa trẻ từ thuở ấu thơ. Bằng những câu chuyện kể. Bằng những cuốn sách làm quà. Để nhu cầu đọc sách nảy mầm và trở thành một khát khao tự nhiên, nhưng cỏ cây khát ánh sáng và khí trời.

Giúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ mười bốn, mười lăm tuổi trước nay chưa từng được nghe chuyện, chưa từng rờ tới sách, suốt ngày chỉ quen cắm mắt vào game trên máy tính, ép em đọc, vì những lý do cao cả “khám phá kho báu tri thức” hay “nâng cao văn hóa đọc” như người lớn vẫn hay nói là một việc quá muộn màng, vì vậy quá nhọc nhằn, giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không.

Trẻ em đến với sách trước hết vì niềm vui. Các em đọc sách là do thích thú chứ không phải do nghĩa vụ. Từ xưa, chúng ta vẫn nói “thú đọc sách” đó thôi. Nó cũng như thú câu cá, thú đánh cờ, thú chơi tem – hoàn toàn tự nguyện. Ngay cả khi lớn lên, đọc sách với tâm thế của nhà nghiên cứu thì trước khi khai quật các vỉa chữ bằng thao tác khoa học, tôi tin hình thức tiếp cận đầu tiên với sách của nhà nghiên cứu lỗi lạc đó vẫn là thái độ thích thú thơ trẻ của đứa bé năm xưa.

4. Em bé ngồi ở trạm chờ xe buýt, trên ghế đá trong công viên hay giữa quán cà phê lắp kính kia, em đến với sách hồn nhiên như đến với một người bạn. Người bạn đó đang thay thế ba mẹ, anh chị hay người bà, người chú của em để tiếp tục kể cho em những câu chuyện bất tận về tình yêu và cuộc sống. Đó là lý do tại sao trông em hạnh phúc, háo hức và tin cậy nhường kia.

Trong những buổi tặng chữ ký cho bạn đọc nhân dịp ra sách mới, tôi luôn xúc động khi nhìn thấy cảnh bà dắt cháu hay ba mẹ dắt con tới chỗ tôi ngồi. Hình ảnh đó khiến tôi nhớ đến bà tôi và chú tôi, những người đã in dấu lên trí não tôi thuở ban sơ bằng những câu chuyện đầu đời đẹp đẽ. Chính những người lớn tuyệt vời đó đã đắp nên con đường đầy hoa lá cho trẻ em đặt chân. Để rồi em lớn lên, đi đâu về đâu, quán xá, tàu xe, dọc lề đường gió bụi hay trong giờ nghỉ giữa sở làm, sách vẫn trong tay.

Em bé đó, hy vọng một ngày nào tất cả chúng ta sẽ bắt gặp trong chính nhà mình!



MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Trần Tiến Thành*

1. THỰC TRẠNG

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM (Sở GDĐT), năm học 2016 - 2017, cấp trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) trên địa bàn có: Bậc học Tổng số trường Tổng số học sinh Tổng số giáo viên

THCS 264 376.713 17.246 THPT 192 186.289 11.962 Cộng 456 563.002 29.208

Hiện nay, TP. HCM có số lượng trường lớp, giáo viên, học sinh động, nhiều loại hình trường (công lập, dân lập, trường có yếu tố nước ngoài...) nên việc tổ chức các hoạt động nhằm hình thành thói quen đọc sách vừa có yếu tố thuận lợi (sức lan tỏa, sự tác động lớn,...) vừa gặp nhiều khó khăn (cơ sở vật chất, môi trường học tập có sự chênh lệch, các hoạt động khó đáp ứng được các yêu cầu cụ thể phong phú của từng đơn vị, thiếu tính thống nhất trong thực hiện,...). Mặt khác TP. HCM là thành phố năng động, đang phấn đấu trở thành trung tâm giáo dục đào tạo chất lượng cao của khu vực; ngành giáo dục và đào tạo thành phố đặt ra yêu cầu cấp thiết về đổi mới phương pháp dạy học. Trong đó, năng lực tự học có được từ thói quen đọc sách là một năng lực quan trọng cần hình thành nơi học sinh.

Thực tế, chương trình học (của Bộ GDĐT) các khối lớp chưa có tiết/giờ đọc sách. Nội dung kiểm tra đánh giá, nội dung các môn học, đặc biệt là các môn học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, chưa gắn với hoạt động tự học, tự tìm tòi từ sách của học sinh. Thời khóa biểu với lịch học dày đặc cũng là một nguyên nhân dẫn đến thực trạng học sinh không có thời gian đọc sách. Các loại hình giải trí nghe, nhìn phát triển đầy hấp dẫn trong khi thư viện trường học chưa hấp dẫn, các hoạt động chưa phong phú cũng là nguyên nhân quan trọng khiến học sinh không tìm đến thư viện và ngày một thờ ơ với sách. Chưa có các yếu tố để hình thành thói quen đọc sách, thiếu môi trường hình thành văn hóa đọc, học sinh đứng trước nguy cơ không đọc sách, không hiểu được giá trị, vai trò của việc đọc sách đối với việc học và cuộc sống.

Trước yêu thực trạng đó, Sở GDĐT đã thực hiện một số giải pháp nhằm hình thành thói quen đọc sách cho học sinh bậc trung học. Từ đó hình thành văn hóa đọc cho học sinh.

*Phòng Giáo dục trung học – Sở Giáo Dục Đào tạo TP. HCM

2. MỘT SỐ GIẢI PHÁP 2.1 Định hướng các hoạt động thư viện nhằm hình thành thói quen đọc sách

Căn cứ vào Kế hoạch hoạt động thư viện trường học của Bộ Giáo dục và đào tạo, Sở GDĐT xây dựng kế hoạch hoạt động thư viện trường học của ngành Giáo dục trung học thành phố và triển khai kế hoạch tới các trường THPT và các quận, huyện. Phòng GDĐT và Ban Giám hiệu các trường THPT, THCS phải quan tâm, đầu tư, chỉ đạo tốt cho công tác Thư viện để các hoạt động thư viện đạt hiệu quả cao. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, đánh giá thư viện. Việc đánh giá, xếp loại thư viện khá chính xác, đúng yêu cầu theo các tiêu chí có tác dụng củng cố thư viện nhà trường, thúc đẩy các hoạt động của đội ngũ cán bộ thư viện, tạo điều kiện cho các trường nâng cao chất lượng dạy-học. Chú trọng các hoạt động sau:

Tăng cường bổ sung sách cho thư viện theo danh mục sách dùng cho Thư viện trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, ban hành; Xây dựng thư viện tiên tiến, hiện đại, đạt chuẩn quốc gia theo Quyết định 01/2003/QĐ/BGD&ĐT.

Phối hợp với Sở Thông Tin Truyền Thông TP. HCM, Thư viện Khoa học tổng hợp tổ chức các hoạt động nhằm phát triển thư viện trường học và văn hóa đọc trong nhà trường.

Khuyến khích các đơn vị tổ chức tiết/ giờ đọc sách; tổ chức giao lưu với các tác giả sách; đưa học sinh đến với Thư viện Tổng hợp thành phố, thực hiện các hoạt động tại đường sách thành phố; tổ chức ngày hội đọc sách, giới thiệu sách hay cho học sinh trong trường, ...

Quan niệm “Thư viện là trái tim của trường học”; thực hiện thư viện với kho sách mở, đầu sách phong phú, đa dạng; luôn chú ý đến nhu cầu của bạn đọc; ...

Xây dựng đội ngũ cộng tác viên thư viện là các em học sinh yêu sách, muốn lan tỏa thói quen đọc sách đến với các bạn và đến với cộng đồng dân cư, ...

Tổ bộ môn Ngữ văn xây dựng tiết học tại thư viện, giới thiệu, cung cấp danh mục sách hay cho thư viện, ...

Trong quá trình thực hiện, ở mỗi đơn vị trường học có thể bổ sung những công việc phát sinh theo điều kiện cụ thể của đơn vị, nhà trường.

2.2 Công tác bồi dưỡng cán bộ, giáo viên phụ trách thư viện

Sở GDĐT thường xuyên phối hợp với Thư viện Khoa học tổng hợp TP. HCM, Hội thư viện, tư liệu và thông tin khoa học, Công ty sách và thiết bị TP. HCM tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng các bộ, nhân viên, giáo viên phụ trách thư viện với các nội dung cơ bản Bồi dưỡng Nghiệp vụ Thư viện trường học và chuyên đề chuyên sâu về công tác thư viện như: Kĩ năng thu hút giáo viên và học sinh đến thư viện, Sức hấp dẫn của một thư viện, Tổ chức tiết học tại thư viện, ...

Các đợt tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên thư viện nhằm nâng cao chất lượng hệ thống thư viện trường học, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ và động viên, biểu dương những đóng góp của cán bộ, giáo viên thư viện.

2.3 Tổ chức các hoạt động nhằm hình thành thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong nhà trường

Các đơn vị cũng đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú đa dạng nhằm hình thành thói quen đọc sách cho học sinh như: giới thiệu sách hay, viết bài cảm nhận về sách, tiết học tại thư viện, ... Đặc biệt, Sở GDĐT đã tổ chức thành công Hội thi Lớn lên cùng sách. Hội thi được Sở GDĐT phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Ban quản lý đường sách và Thư viện Khoa học tổng hợp tổ chức. Hội thi đã được tổ chức lần thứ 4 với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Bước đầu, Hội thi đã có tác dụng đánh động trong học sinh ý nghĩa, vai trò của sách.

2.3.1 Mục đích hội thi - Hội thi “Lớn lên cùng sách” hướng đến sự trưởng thành của học sinh qua quá trình đọc sách; sự phát triển bền vững của thói quen đọc sách và kỹ năng đọc ở học sinh; sự lan tỏa của niềm đam mê đọc sách và văn hóa đọc trong môi trường học đường. Cụ thể:

- Đối với nhà trường: + Nhằm duy trì và phát triển thói quen đọc sách cho học sinh. Từ đó nâng cao chất lượng học tập trong nhà trường.

+ Phát huy chức năng, vai trò của thư viện trường học và vai trò, giá trị của sách đối với việc học tập.

- Đối với học sinh: + Giúp học sinh có được tình yêu và sự quan tâm đối với sách. Có phương pháp, kĩ năng đọc sách, có thói quen đọc sách mỗi ngày. Đưa việc đọc sách trở thành văn hóa đọc. + Qua quá trình đọc sách, học sinh có sự thay đổi tốt đẹp về tâm hồn, kiến thức, tư duy, kỹ năng sống; nâng cao tinh thần tự học, sáng tạo; biết vận dụng vào thực tiễn những kiến thức đã đọc.

2.3.2 Hình thức, nội dung hội thi Cấp quận, huyện Phòng GDĐT tổ chức Ngày hội đọc sách, Hội thi Lớn lên cùng sách hoặc các hình thức, nội dung khác phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị để lựa chọn 6 học sinh (3 học sinh khối 6-7; 3 học sinh khối 8-9) dự thi cấp thành phố. Một số gợi ý cho các hoạt động cấp quận, huyện:

+ Khuyến khích học sinh xây dựng kế hoạch đọc sách trong năm học 2018-2019 (thời gian đọc sách, nơi đọc sách, các sách sẽ đọc, vận dụng các biện pháp kỹ thuật để củng cố và đào sâu những nội dung đã đọc như: ghi chép, soạn tóm tắt, viết chú giải, trao đổi với bạn bè về nội dung đọc, ...).

+ Thực hiện các sản phẩm sáng tạo: Trong quá trình đọc sách, học sinh nảy sinh các ý tưởng, suy nghĩ sáng tạo và thực hiện các sản phẩm sáng tạo. Sản phẩm sáng tạo thể hiện sự tác động của việc đọc sách đối với bản thân học sinh. Học sinh có thể vẽ tranh, thiết kế tờ cổ động đọc sách; sáng tác một bài thơ, bài hát, truyện ngắn cổ động việc đọc sách; sáng tạo các hình thức phổ biến việc đọc sách (lập các trang web trao đổi sách hay, giới thiệu sách qua các trang mạng xã hội, ...); viết bài cảm nhận về quyển sách đã đọc có những tác động đối với bản thân, giúp cho bản thân có những thay đổi tốt đẹp (thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi; nâng cao kiến thức; rèn luyện kĩ năng; gợi sự sáng tạo, ...) hoặc sáng tạo một sản phẩm khoa học, kĩ thuật (kèm theo phần thuyết minh về sản phẩm: quyển sách đã tác động khiến em thực hiện sản phẩm, ý nghĩa của sản phẩm); ...

Cấp thành phố Tại Hội thi Lớn lên cùng sách cấp thành phố, các em sẽ tham gia các hoạt động sau: - Hoạt động 1: Học tập, trao đổi về các phương pháp, kĩ năng đọc sách; - Hoạt động 2: Làm bài trắc nghiệm về sách và phương pháp đọc sách, tham gia các trò chơi Ai đọc sách nhanh hơn? Ai đọc nhiều sách hơn? Ai đọc sách hiệu quả hơn? (30 điểm) - Hoạt động 3: Thực hiện sản phẩm sáng tạo sau khi đọc sách, Ban tổ chức sẽ cung cấp các vật dụng, văn phòng phẩm và một quyển sách, một bài viết hoặc một đoạn trích, ... để học sinh đọc lấy ý tưởng, cảm hứng sáng tạo. Sau đó các em được tự do lựa chọn một trong 5 hoạt động sáng tạo sau để thực hiện: sáng tác truyện, thơ; vẽ tranh, vẽ biểu tượng, xé giấy dán tranh; thuyết minh về quyển sách vừa đọc; diễn kịch, sáng tác bài hát và hát; kết nối với tài liệu, văn bản khác để viết bài văn nghị luận. (40 điểm) - Hoạt động 4: Thuyết minh, thể hiện các sản phẩm sáng tạo và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. (30 điểm) - Lưu ý: Hoạt động 1 là hoạt động tập thể, các hoạt động còn lại là hoạt động cá nhân. Một số hình ảnh hoạt động của Hội thi:

Học sinh tham gia Hội thi

Một số sản phẩm sáng tạo của học sinh

3. KIẾN NGHỊ

Để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh trung học, các giải pháp cần phải được thực hiện đồng bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng chương trình học có tiết/giờ đọc sách; nội dung học tạp gắn với việc tự học, tự tìm hiểu kiến thức từ sách. Sở GDĐT TP. HCM cần tăng cường xây dựng các thư viện hiện đại và đẩy mạnh các hoạt động. Các trường THCS, THPT chủ động tổ chức các hoạt động nhằm hình thành thói quen đọc sách cho học sinh. Các tổ chức chính trị, xã hội, các đơn vị kinh tế cùng đồng hành với ngành giáo dục trong các hoạt động cụ thể như tuyên truyền về giá trị của sách và ý nghĩa của việc đọc sách; vận động mỗi gia đình xây dựng tủ sách và góc đọc sách cho con em; cùng phối hợp tổ chức ngày hội đọc sách và các hội thi nhằm hình thành văn hóa đọc, ...



HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON

ThS. Lê Thị Liên*

1. Lời mở đầu

Văn hào người Nga M. Go-rơ-ki nói: "Sách mở rộng trước mắt tôi một chân trời mới". Sách chứa đựng rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú. Đọc sách là một biện pháp tự học hữu hiệu nhất, thiết thực nhất và ai cũng có thể làm được. Rèn luyện thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn bởi sách là người bạn gần gũi, hữu ích nhất giúp mỗi người chúng ta nâng cao tri thức, tầm hiểu biết, góp phần tự hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên, văn hóa đọc ở Việt Nam đang dần “nhạt phai”. Người đọc, nhất là trẻ em có xu hướng “lười đọc”, đọc ít, đọc nhanh. Tâm lý chung của họ là ngại đọc sách dày, ngại đọc sách in, ngại đọc sách về vấn đề lý luận – ngại đọc vì không có thời gian. Bên cạnh đó cách mà thế hệ trẻ hướng đến đó là các kiểu đọc mới, phương thức tiếp nhận phù hợp hơn trong thời đại cuộc sống số và công nghệ 4.0.

Hình thành thói quen đọc sách cho người lớn đã khó, nuôi dưỡng tình yêu đọc sách với những đứa trẻ còn chưa biết chữ lại càng khó hơn, điều này đòi hỏi sự kiên trì, linh hoạt và cả một nghệ thuật của nhà giáo dục cũng như gia đình. Bởi đối với trẻ nhỏ bạn không thể giảng giải lý thuyết cho chúng về tầm quan trọng của sách trong cuộc sống, lại càng không thể bắt trẻ đọc sách như một quy định trong trường mầm non. Thói quen đọc sách phải được hình thành từ niềm yêu thích và sự hứng thú với những trang sách qua hình ảnh sinh động, nội dung hấp dẫn đến cách mà giáo viên truyền cảm hứng khi đọc sách cho trẻ mỗi ngày.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến cách thức mà giáo viên ở dưới trường mầm non nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của những đứa trẻ từ khi chúng mới 12 tháng tuổi đến khi chúng có thể tự tin để tự đọc cuốn sách mà mình thích. Đó là hành trình hạnh phúc đáng tự hào trên con đường đồng hành với trẻ khám phá thế giới.

2. Thực trạng việc đọc sách của trẻ ở các trường mầm non

Nếu như những câu chuyện cổ tích, những bài ca dao, tục ngữ, thơ ca được ví như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồm ngây thơ của trẻ. Thì sách chính là người bạn hiệu quả để truyền tải các thông điệp đó đến với trẻ hàng ngày.

Việc tổ chức cho trẻ đọc sách ở trường mầm non là nội dung quan trọng được quy định trong khung chương trình giáo dục, được thể hiện dưới hình thức giờ đọc sách ở phòng thư viện, góc đọc sách trong mỗi lớp và việc cô đọc sách cho trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, việc đọc sách của trẻ trong trường mầm non còn mang tính hình thức, làm cho có, cho đủ theo yêu cầu của khung chương trình mà chưa thực sự mang lại giá trị cho trẻ. Đã gọi là đọc sách thì trẻ cần phải học từ những thói quen đơn giản nhất như:

*Công ty Cổ Phần giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu)

 - Sách được phân loại theo nội dung và thể loại nên lấy ở đâu thì phải được đặt về đúng vị trí đó sau khi đọc xong. - Trước khi học đọc thì phải học cách lật mở đúng cách, đọc từ trên xuống, trái qua phải và phải biết cách giữ sách sao cho khỏi bị quăn mép, khỏi bị rách. - Việc đọc được nội dung gì không quan trọng bằng thái độ trân trọng với những cuốn

sách đó. - Đọc sách với trẻ nhỏ không đơn thuần chỉ là ngồi xem mấy bức hình bắt mắt mà còn là cơ hội để trẻ tăng lượng từ vựng, phát triển ngôn ngữ mạch lạc, khả năng ghi nhớ và năng lực diễn đạt.

Vì vậy, để đạt được điều trên thì người giáo viên cần phải kiên nhẫn hướng dẫn, quan sát và điều chỉnh quá trình đọc sách của trẻ. Không nên chỉ tập trung vào việc đọc sách cho trẻ nghe một cách thụ động, cũng không nên thả mặc trẻ tự đọc sách dẫn đến cảm giác nhàm chán sau một vài lần đọc. Đó cũng chính là lý do vì sao mà sách ở các phòng thư viện hoặc các góc đọc sách trong lớp thường bị rách, rơi rụng, vẽ bậy hoặc để lộn xộn không theo một quy định nhất định. Bởi với trẻ, nếu một cuốn sách chỉ có giá trị để xem tranh vẽ trong đó thì chỉ cần một lần là nhàm chán và khi bị nhốt trong phòng thư viện 45 phút thì chắc chắn là chúng sẽ biến sách thành một mớ giấy lộn và thích thú với trò chơi tô màu trên đó. Do đó, nếu giáo viên không giúp trẻ hiểu và cảm nhận rằng sách chính là người bạn giàu tri thức cần được tôn trọng, giữ gìn thì việc đọc sách sẽ không khác gì so với việc chơi với một món đồ chơi nhàm chán.

Hiểu được rằng, đọc sách ở trường mầm non không đơn giản chỉ là xếp lịch để trẻ dùng hết thời gian trong phòng thư viện, không chỉ dừng ở việc trẻ coi cuốn sách là một món đồ chơi có nhiều hình ảnh bắt mắt mà điều quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng được tình yêu và hứng thú đọc sách cũng như có được các kỹ năng cần thiết trong văn hóa đọc để tạo nền tảng cho thói quen sau này của mỗi một con người.

3. Những kinh nghiệm trên hành trình nuôi dưỡng tình yêu với sách cho học sinh bậc mầm non tại các trường mầm non của Hệ thống Giáo dục TTC 3.1. Đọc sách gắn liền với các dự án học tập theo phương pháp giáo dục sớm (Glenn doman; Montessori)

Ở trường mầm non, các dự án học tập được thay đổi linh hoạt và rất hấp dẫn với trẻ như: mùa hè năm châu; sự kỳ diệu của cơ thể; những người yêu thương; ước mở của bé; những người bạn trên mọi nẻo đường; khám phá vũ trụ và các hành tinh; thảm thực vật; muôn màu kỳ thú; ...Với mỗi dự án giáo viên sẽ thiết kế các bộ Flashcard bao gồm có thẻ hình và thẻ từ gắn với từng bài học.

Đồng thời, thông qua phương pháp giáo dục sớm Glenn doman và quá trình làm việc với các giáo cụ của Montessori trẻ sẽ nhớ và tiếp thu được một lượng vốn từ mới phong phú gần gũi theo chủ đề đang học. Tiếp theo trẻ sẽ tìm thấy những từ đã học ở trong các cuốn sách được cô chuẩn bị phù hợp với lứa tuổi, với những câu chuyện gần gũi, đơn giản, hấp dẫn. Đây là cách giúp trẻ biết đọc sớm mà không phải vất vả ép trẻ học các từ mới theo kiểu học chính tả theo phương pháp truyền thống.

Cuối mỗi dự án có thể tổ chức cuộc thi “Bé thiết kế bìa sách” hoặc cùng trẻ viết sách theo chủ đề tự chọn (có hình ảnh minh họa) để giúp trẻ thể hiện sự sáng tạo và giúp trẻ hứng thú hơn đối với việc đọc sách. Sản phẩm của bé sẽ được trưng bày trong buổi tổng kết dự án.

3.2. Trẻ đọc sách theo mô hình cây sách “My reading tree”

Trước hết sách được sắp xếp ngăn nắp, bắt mắt theo từng lĩnh vực khác nhau như: thực hành cuộc sống; toán và ngôn ngữ; văn hóa – khoa học; tự nhiên, xã hội và phù hợp với nội dung của các dự án trẻ đang học ở trường.

Phòng đọc sách cần có không gian thoải mái, thuận tiện, thoáng mát, đủ ánh sáng và yên tĩnh cho trẻ có tâm thế tốt nhất trong quá trình đọc sách. Kệ sách và sách đầy đủ các thể loại, bao gồm sách tiếng Anh và tiếng Việt; Ký hiệu sách (bằng chữ viết tắt, màu sắc, hình dạng); Cây “Reading tree”; Hình ảnh bìa sách thu nhỏ. Các bước thực hiện theo mô hình cây sách “My reading tree” - Giáo viên cho trẻ chọn sách muốn đọc (chọn hình ảnh bìa sách trong album). - Cho trẻ cầm thẻ sách, đến kệ lấy sách đúng theo kí hiệu, tên sách và hình ảnh trên thẻ. - Trẻ mang sách về bàn hoặc vị trí bé thích để đọc. - Sau khi trẻ đọc, giáo viên hướng dẫn trẻ cầm thẻ sách dán lên cây Reading tree để có thể theo dõi trẻ đã đọc được những sách nào, đã đọc được bao nhiêu cuốn sách, thể loại sách nào được trẻ yêu thích nhất... - Khuyến khích trẻ kể lại một câu chuyện hoặc nội dung nào đó mà trẻ thích trong những cuốn sách mà trẻ đã đọc được cho các bạn cùng nghe (trẻ kể lại bằng ngôn ngữ của trẻ).

3.3. Triển khai chương trình “Đọc sách cùng con” đối với phụ huynh

Nếu như các trường hiện nay đều dừng lại ở việc là động viên, khuyến khích phụ huynh cùng đọc sách với con ở nhà thì điều đó sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và nhận thức của mỗi ba mẹ. Để việc đọc sách trở thành hoạt động thường nhật của mỗi gia đình thì cần có cách để gắn kết phụ huynh tham gia một cách tích cực, thường xuyên và tự nguyện.

Các hoạt động gắn kết với phụ huynh trong chương trình “Đọc sách cùng con” theo các bước sau:

- Gửi thư ngỏ cho phụ huynh “Kingdergarten Reading” để hướng dẫn phụ huynh về việc cho trẻ đọc sách ở nhà. - Giáo viên gửi cho phụ huynh tờ giấy in màu rất cẩn thận “My reading log”

- Khuyến khích phụ huynh dành thời gian đọc sách cùng trẻ mỗi ngày. - Sau khi đọc xong một quyển sách nào đó, phụ huynh điền thông tin: Tên sách, tên tác giả, ngày tháng... giúp trẻ. Trẻ tự tô màu vào cột “How do you feel” (Nếu trẻ cảm thấy cuốn sách đó hay, hấp dẫn thì tô màu vào hình mặt cười; nếu trẻ không thích thì tô màu vào hình mặt mếu; nếu trẻ thấy bình thường thì tô màu vào hình còn lại. - Nếu trẻ tự đọc thì đánh dấu vào ô Student read, nếu ba mẹ đọc cho trẻ nghe thì đánh dấu vào ô Parent read. Sau đó phụ huynh kí tên và cất giữ để gửi lại cho cô cuối tháng. Giáo viên khuyến khích trẻ kể lại một câu chuyện hoặc nội dung nào đó mà trẻ thích trong những cuốn sách mà trẻ đã đọc được ở nhà cho các bạn cùng nghe theo ngôn ngữ riêng của trẻ. Cuối tháng hoặc khi kết thúc dự án, phụ huynh cho bé mang tờ “My reading log” đã ghi chép lại quá trình đọc sách của bé ở nhà lên cho giáo viên, giáo viên tổng kết với số sách trên cây “My reading tree” và có thể tặng quà hoặc sách cho những bé đọc được nhiều sách nhất để khích lệ trẻ và những bạn trong lớp. 3.4. Xây dựng môi trường đọc sách mở

Đối với trẻ mầm non việc xây dựng một không gian đọc sách tiện lợi, yên tĩnh và thoải mái rất quan trọng. Bởi vậy, nếu giáo viên cứ đóng khung tất cả các cuốn sách ở trên kệ thì sẽ khó thu hút trẻ tìm đến với sự hứng thú bền vững. Ở trường mầm non, sách phải được đặt ở nhiều nơi khác nhau, trong không gian mở, trong tầm quan sát và sử dụng của trẻ. Nếu có thể thì thư viện sách nên gần gũi với thiên nhiên, chan hòa cùng cuộc sống và trở thành món ăn tình thần hiện hữu trong từng góc học tập, nơi sinh hoạt của trẻ.

4. Kết luận:

Nuôi dưỡng tình yêu sách của học sinh bậc mầm non là một hành trình ươm mầm hạnh phúc và giá trị cho cuộc sống. Thói quen đọc sách được hình thành từ khi còn bé sẽ là nền tảng vững chắc cho kỹ năng tìm kiếm thông tin của thời đại công nghệ số trong tương lai. Tuy nhiên, việc đọc sách với trẻ nhỏ phải được bắt đầu từ sự hứng thú và tâm thế sẵn sàng, tự nguyện. Thể loại sách đa dạng, gần gũi với các dự án học tập, hình thức tổ chức đa dạng trong không gian mở hấp dẫn và thoải mái. Đồng thời đòi hỏi người giáo viên phải là một tấm gương về tinh thần ham đọc sách, là người truyền cảm hứng đến với trẻ và biến những cuốn sách thực sự trở thành người bạn của trẻ ở trường mầm non.



GẮN VĂN HÓA ĐỌC VỚI GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN VĂN ƠN, QUẬN 11, TP. HCM

Đỗ Thị Hoàng Mai*

Là người thầy trên bục giảng, tôi đau đáu một điều: - Tại sao học sinh ngày nay ít thích đọc sách hơn thế hệ chúng tôi ngày trước? - Tại sao giới trẻ có thể cầm điện thoại hàng giờ mặc cha mẹ ông bà khuyên nhủ, rầy la vẫn không rời mắt? - Thấy cái xấu không bất bình, nhìn cái đẹp không ngưỡng mộ? - Sự thờ ơ này hoàn toàn do các em hay chính chúng ta những người lớn vô tình đẩy chúng đến? - Liệu chúng ta đã đưa các em đến con đường nhanh nhất để chiếm lĩnh kiến thức, cảm thụ vẻ đẹp nhân văn của cuộc sống? - Bài học ở lớp có đủ trang bị kiến thức cho các em không? Thời gian còn lại các em sẽ làm gì? Đọc sách, chơi game, lên mạng, xem ti vi hay ngoài giờ học các em hối hả học thêm ngoại ngữ, vi tính, võ và vô vàn thứ khác nữa...

Niềm vui khi biết được cái mới, cái đẹp, cái nhân văn mà con chữ mang lại thật xa lạ với các em. Ở lớp 3, chỉ có 3 tiết Tập đọc, kể chuyện/ tuần quá ít ỏi, thời gian ấy chỉ đủ cung cấp vốn từ cần thiết trong làm văn, viết câu. Muốn các em cảm thụ khám phá thế giới xung quanh thì sách báo là phương tiện cung cấp tốt nhất, nhanh nhất, thông dụng nhất, rẻ tiền nhất vì có thể mượn bạn, mượn thư viện... Tự đọc sách còn giúp các em tự lĩnh hội các môn khoa học tự nhiên, lập luận logic.

Lứa tuổi từ 3 đến 9 tuổi, các em còn là tờ giấy trắng, là thời điểm tốt nhất để cảm thụ những tinh túy của nhân loại qua lời kể chuyện của cha mẹ ông, bà, thầy cô. Bằng chứng là ở lớp tăng cường tiếng Anh, các em say mê đọc và tự đọc chiếm 40% (ba mẹ quan tâm việc đọc sách của con) trong khi lớp một buổi thì tỷ lệ đọc sách chỉ 10%. Vậy sao chúng ta không tận dụng ưu điểm này để truyền thụ lòng yêu sách, học và làm theo sách đến các em. Gia đình và nhà trường làm gì để giành lại niềm vui cho con em mình trước những cám dỗ của công nghệ giải trí hiện nay. Làm sao để thu hút các em đến với sách hơn game, facebook, zalo, tivi v.v...

Qua thời gian tiếp xúc dạy dỗ các em hàng ngày tôi nhận ra nhiều sự khác biệt giữa những em tự đọc sách với những em không say mê đọc (chỉ đọc khi cô giáo giao bài tập). Say mê đọc sách các em viết văn lưu loát hơn, nhiều ý văn hay và sáng tạo hơn. Vận dụng tốt những bài đạo đức đã được học ở lớp. Ví dụ: Trong bài văn kể chuyện biểu diễn nghệ thuật, những em thích đọc sách biết cảm ơn nghệ sĩ xiếc đã huấn luyện những con thú hung dữ trở nên thuần phục để cho chúng em những tiết mục hấp dẫn.

*Giáo viên chủ nhiệm lớp 3, Trường Trần Văn Ơn, Quận 11

Say mê đọc sách, các em tự tin và phát biểu sâu sắc hơn. Như sau bài học “Câu chuyện quả táo” chia táo thành 3 phần nhưng các em phát biểu cần chia thành 4 phần để mời Bác gấu vì đã giúp chúng mình hiểu lẽ công bằng.

Đọc sách giúp các em biết quan tâm đến bạn bè, cộng đồng tốt hơn. Trong lần học chung với lớp bạn thì em học sinh lớp một buổi nhận xét rằng: “con quý các bạn lớp Tăng cường tiếng Anh vì các bạn biết giữ im lặng khi học, biết hỏi thăm ân cần khi có bạn té. Còn lớp mình thì xúm lại cười thôi!”

Say mê đọc, các em tự tìm tòi, khám phá điều hay, lẽ phải quanh mình. Trong một lần sinh hoạt lớp, tổng kết những điều hay từ sách có em đã kể lại câu chuyện “Khoảnh khắc thay đổi cuộc đời” của một cô bé. Nhờ mất chiếc điện thoại em mới nhận ra những điều tốt đẹp sẵn có quanh mình (Báo Tuổi Trẻ). Chính tôi cũng xúc động vì mình không phải là giáo viên hướng dẫn học sinh xem chương trình này mà chính học sinh giới thiệu với học sinh.

Xã hội hóa việc đọc là việc làm cần thiết để chạy đua với công nghệ giải trí có kĩ xảo vượt bậc hiện nay. Lòng yêu trẻ của một giáo viên tiểu học như tôi thấy rằng:

- Ông bà, cha mẹ hãy hỗ trợ việc đọc cho con em mình từ tấm bé. - Ở lứa tuổi tiểu học, các em chỉ nên sử dụng điện thoại, ipad khi có người lớn cạnh

bên hướng dẫn xem những chương trình hữu ích. - Mỗi tuần nên có một tiết đọc sách, giáo viên sẽ có thời gian khen ngợi những câu trả lời xuất sắc và giao tiếp những câu hỏi về nhà kích thích sự tìm hiểu của các em (lớp 3,4,5). - Tùy vào quỹ phụ huynh của lớp mà lập tủ sách mini dành cho các em hoàn thành bài nhanh (trong khi chờ các bạn hoàn thành chậm). Xem trọng người quản lí thư viện như một giáo viên hướng dẫn đọc. Niềm vui trọn vẹn khi đươc phụ huynh học sinh hỗ trợ một phần thu nhập cho người đồng hành cùng các em đọc sách. - Gia đình và nhà trường chung tay bổ sung sách mới để cuốn hút các em vào thư

viện đọc sách. Chỉ có người lớn chúng ta mới giúp được các em có thói quen đọc sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong xã hội. “Người lớn ơi, hãy vào cuộc!”.



PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HÒA B – THỊ XÃ DĨ AN – TỈNH BÌNH DƯƠNG

Phạm Thị Chinh*

1. Đặc điểm tình hình 1.1. Thuận lợi - Trường Tiểu học Đông Hòa B được thành lập từ ngày 6/12/2016. Trường được tách ra từ trường Tiểu học Đông Hòa, thuộc phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. - Tổng số học sinh gần 1200 em với 24 lớp. Đội ngũ giáo viên có tâm huyết, yêu trẻ và

luôn cố gắng vì mục tiêu sứ mệnh của mình. - Cơ sở vật chất khang trang, môi trường học tập xanh sạch đẹp. - Sự phối hợp và hỗ trợ của cha mẹ học sinh rất tích cực. Đồng hành với nhà trường trong mọi hoạt động giáo dục con em ở trường và ở nhà. 1.2. Khó khăn - Trường học mới xây dựng nên mọi trang thiết bị phương tiện dạy chưa được trang bị đầy đủ. Thư viện trường hoàn toàn không có gì từ khi thành lập trường. Chỉ có phòng, tủ và một số thiết bị đựng dụng cụ của thư viện. Chưa có đầu sách nào kể cả sách giáo khoa. - Thói quen đọc sách của giáo viên nhân viên nhà trường chưa thực sự tốt. Giáo viên chưa thực sự quan tâm việc rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh và cho bản thân mình. - Khảo sát về thói quen đọc sách của học sinh, cho thấy chưa đạt được 10% trong tổng số học sinh toàn trường. Rất nhiều em hoàn toàn chưa làm quen với sách. Hầu hết sách của các em đọc là những quyển truyện tranh mà nội dung thì không thể kiểm soát được hết. - Phương tiện giải trí và kênh thông tin các em thường xuyên xem đó là tivi, mạng, truyện tranh.

2. Thực trạng

Bản thân tôi là từ nhỏ không có thói quen đọc sách, mặc dù một số sách trong tiềm thức tuổi thơ tôi vẫn luôn có như Kính Vạn Hoa, Dế mèn phiêu lưu ký... nhưng đó chỉ là được nhìn hoặc xem lén của một vài đứa bạn. Thói quen đọc sách thời đó thật xa xỉ với học sinh nông thôn như tôi. Khi trở thành giáo viên và cán bộ quản lý, tôi được hiểu biết và làm quen với sách. Đến với sách thật tình cờ, ban đầu chỉ là nghiên cứu tài liệu, lâu dần càng được tiếp cận và làm quen với sách tôi càng nhận thấy chân trời rộng lớn mở ra trước mắt, thấy được sách có giá trị đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, cung cấp nguồn tri thức vô hạn cho mọi người. Tìm hiểu việc đọc sách của các nước phát triển, tôi thấy họ đã thực hiện rất lâu và thói quen này đã ăn sâu vào trong tiềm thức họ, đặc biệt là người Do Thái...

* Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Hoà B, thị xã Dĩ An, Tỉnh Bình Dương


Thế còn học sinh của mình thế nào, thói quen ấy được bao nhiêu phần trăm trong số 1200 học sinh học tại trường. Tôi tiến hành cho khảo sát thói quen đọc sách trong học sinh toàn trường. Kết quả đa số học sinh đọc truyện tranh, giải trí bằng ti vi điện thoại. Thói quen đọc sách của gia đình rất ít. Thói quen đi nhà sách mua sách hầu như ít có. Chỉ đến nhà sách đọc truyện tranh, mua dụng cụ học tập, đồ chơi, sách giáo khoa...chưa từng tham gia các hoạt động về sách.

Qua khảo sát trên, tôi giật mình với thực trạng đáng buồn về văn hóa đọc của học sinh, ngoài một số các em chỉ thích đọc truyện tranh, còn hầu hết các em chưa có thói quen đọc sách tốt.

Xuất phát từ thực trạng trên bản thân tôi thấy cần phải bắt tay vào việc phát triển văn hoá đọc trên phạm vi toàn trường, để từ đó có thể hình thành thói quen đọc sách tốt cho học sinh.

Khi đã xác định mục đích và tầm quan trọng của việc hình thành thói quen đọc sách cho học sinh – một thói quen phải trãi qua một quá trình rèn luyện khó khăn mới có thể có được, nên tôi đã động viện đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường quyết tâm, nỗ lực, với ý thức trách nhiệm cao nhất để đạt được mục tiêu đề ra.

3. Giải pháp thực hiện 3.1. Tìm nguồn sách cho thư viện

- Vai trò của thư viện vô cùng lớn trong việc thực hiên mục tiêu đề ta, thế nhưng thư viện chỉ có nhân viên còn đầu sách thì hoàn toàn không có. - Nên ngay năm đầu tiên thành lập trường (6/12/2016), nhà trường đã lập tờ trình xin thư viện Dĩ An tặng sách cũng như cung cấp nguồn sách cho thư viện trường. - Vận động cha mẹ học sinh và học sinh tặng sách cho thư viện. - Ban Giám hiệu và nhân viên thư viện trực tiếp liên hệ một số nhà sách để tìm mua đầu sách. Kết quả ban đầu: Thư viện Dĩ An hỗ trợ 40 đầu sách sách có nhiều chủ đề và phù hợp với lứa tuổi tiểu học. Trường mua được 200 đầu sách bao gồm sách tham khảo cho thầy cô và một ít sách dành cho học sinh (do kinh phí chỉ khoảng hơn 10 triệu). Đối với sách do cha mẹ học sinh (CMHS) và học sinh tặng 100% là truyện tranh, sau khi đọc duyệt chỉ dùng được một số ít truyện tranh đó cho nhà trường (chiếm 5% tổng số sách được tặng).

Qua sự giới thiệu, trường liên hệ chương trình Tủ Sách Nhân Ái tại TP. HCM để xin sách. Lần đầu tiếp xúc với các đầu sách bên chương trình, tôi như mở được nút thắt tại đây. Bởi toàn bộ sách của chương trình được chọn lọc thật kĩ về nội dung và được tổng hợp phân loại theo từng độ tuổi, đủ các thể loại đề tài giáo dục lịch sử, khoa học, kỹ năng... Mỗi tủ sách có khoảng 70-100 quyển, trị giá 1 tủ sách tầm gần 2 triệu, tuy nhiên nhờ có chế độ chiết khấu từ nhà xuất bản nên chỉ còn 1.200.000đ/tủ sách. Tủ sách Nhân Ái là chương trình vì cộng đồng, vì sự phát triển văn hoá đọc cho trẻ em, học sinh, nên họ tập hợp được các doanh nghiệp tài trợ tặng sách cho những vùng còn khó khăn trên khắp đất nước. Đến nay chương trình tặng được 51 tỉnh thành với hơn 6.000 tủ sách (mỗi tủ sách tương đương 80-100 quyển).

Tôi trực tiếp làm việc với người sáng lập chương trình là anh Nguyễn Anh Tuấn, xuất phát từ niềm tha thiết phát triển văn hoá đọc và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh của trường chúng tôi, nên chương trình đã đồng ý tài trợ 17 tủ sách tương đương gần 1.360 quyển sách.

Sau đó để tăng cường đủ nguồn sách cho học sinh, tôi tổ chức họp vận động phụ huynh toàn trường, nói cho họ hiểu sự cần thiết xây dựng thói quen đọc sách tốt cho học sinh toàn trường và kêu gọi sự đóng góp từ họ. Hầu hết phụ huynh nồng nhiệt ủng hộ lời kêu gọi nầy nên ngay từ lần đầu phát động trường đã nhận được tiền đóng góp để trang bị lần một 24 tủ sách (1.560 quyển), lần hai 34 tủ sách (2.130 quyển) đến nay trường đã có hơn 5.000 quyển sách (bao gồm hơn 1000 sách dành cho giáo viên và gần 4.000 đầu sách cho học sinh gồm đủ thể loại).

Toàn bộ đầu sách đều được ban giám hiệu, giáo viên từng khối và thư viện xem duyệt nội dung với qui trình chặt chẻ trước khi nhập kho vào thư viện.

3.2. Lập kế hoạch phát triển văn hoá đọc và hình thành thói quen đọc sách 3.2.1. Đối với giáo viên

Để thực hiện được kế hoạch này cần phải có sự đóng góp tích cực của giáo viên nhân viên nhà trường. Bởi trẻ em chịu sự ảnh hưởng và tác động của người lớn đặc biệt là thầy cô giáo. Nếu không sẽ không có tác dụng và chỉ là mang tính hình thức ép buộc.

Tôi mở câu lạc độ đọc sách cho giáo viên, tuyên truyền đến giáo viên vai trò và tầm quan trọng của việc hình thành thói quen đọc cho học sinh. Giáo viên phải hiểu được mục đích của việc làm tốt đẹp nầy thì kế hoạch mới thành công được.

Thời gian đầu tôi khuyến khích thi đua trong giáo viên, nhân viên nhà trường, mỗi tháng giới thiệu 1 quyển sách, kỳ họp hội đồng sẽ chia sẻ về quyển sách của thầy cô. Ban đầu là gượng ép và có khi đọc không xong một quyển, nhưng lâu dần giáo viên cảm thấy “Ôi sách là nguồn tài nguyên vô tận và giúp tâm hồn ta mở rộng hơn nhiều, những giá trị nhân văn được tác giả đúc kết lại trong quyển sách có khi phải đánh đổi cả cuộc đời, nhưng với độc giả thì họ đọc chỉ vài ngày, vài tháng để hiểu giá trị mà người viết mang lại”. Nhận thức của giáo viên về tầm quan trọng của tính giáo dục và quá trình rèn thói quen đọc sách cho học sinh vô cùng cần thiết.

Tổ chức tập huấn cho giáo viên về kỹ năng tổ chức tiết đọc sách. Ban đầu giáo viên họ ái ngại vì họ sẽ làm thêm việc. Tuy nhiên dần dần họ hiểu cần phải thay đổi và phải giúp cho học sinh, trong đó có cả chính con em họ cần phải được rèn luyện thói quan đọc sách.

3.2.2. Đối với Phụ huynh

Tổ chức tuyên truyền cho phụ huynh học sinh (PHHS) vào các buổi họp cha mẹ học sinh tại trường. Vai trò của phụ huynh rất lớn trong quá trình hình thành thói quen đọc sách cho các em. Bởi việc đọc của các em chỉ diễn ra với thời gian ít ở trường vì các em phải tham gia rất nhiều hoạt động học tập khác, nên các em phải đọc sách thêm thời gian ở nhà. Do vậy việc hình thành thói quen hữu ích nầy cần đến sự quan tâm phối hợp tốt giữa nhà trường và gia đình.

Phụ huynh cần hiểu được giá trị của thói quen đọc sách nơi con em họ để hạn chế việc xem quá nhiều tivi và mạng mà những nội dung các em xem ít khi được cha mẹ quan tâm kiểm duyệt nội dung.

Cần giúp cho cha mẹ học sinh hiểu và chọn lọc đầu sách của con em mình đọc, bởi phần đông các em đều đọc truyện tranh và đâu phải truyện tranh nào cũng mang tính giáo dục, hạn chế đến mức tối đa những đầu sách không phù hợp với trẻ.

3.2.3. Đối với học sinh

Khi đã có đầy đủ nguồn sách phù hợp, nhà trường lên kế hoạch triển khai thực hiện ngay từ năm học 2016 – 2017, lúc đầu chỉ khuyến khích các em tự nguyện tham gia đọc tại thư viện. Sách không chỉ có trong thư viện mà còn đưa tận tới lớp học, ra ngoài sân trường hành lang, để các em có thể đọc vào giờ nghỉ trưa, giờ giải lao. Tuy nhiên số liệu thống kê cuối năm cho thấy trẻ đọc sách chưa cao, ý thức đọc sách chưa có, chỉ có vài chục em đến và đọc.

Năm học 2017 – 2018:

Từ thực trạng đó nhà trường triển khai kế hoạch thực hiện bắt buộc chứ không để tự nguyện nữa. Trường lên kế hoạch mỗi lớp sẽ có 1 tiết đọc sách khoảng 35 phút/1tuần vào chiều thứ sáu hàng tuần. Trường tổ chức mời các chuyên gia về để tập huấn hướng dẫn tiết đọc sách cho học sinh. Tuy nhiên với thời lượng 1 tuần 1 tiết 35 phút là quá ít và không phải giáo viên nào cũng tham gia đủ 100%. Khi kiểm tra thực tế thì thấy hầu hết giáo viên đã dùng tiết đọc sách này cho việc học văn hóa vì lý giải học môn học chưa xong cần phải thêm thời gian để dạy thêm. Cuối năm khảo sát chất lượng đọc sách nơi các em thấy chưa đạt hiệu quả, số lượng sách đọc của các em chưa đạt bình quân 1 quyển/tháng hoặc như một năm được vài quyển...

Năm học 2018 – 2019, trường xác định tăng số lượng thời gian đọc sách bắt buộc nhưng khung giờ đọc không ảnh hưởng đến quá trình học. Thông thường buổi sáng học sinh có 15 phút tập thể dục. Trường dời thời gian tập thể dục vào sau thời gian ra chơi buổi sáng các em sẽ tập thể dục.

Nhận thấy 30 phút đầu tiên trong ngày là thời gian lý tưởng nhất, lúc này các em chưa phải chịu áp lực học hành của cả ngày, thời điểm tâm trí em yên tĩnh nhất, thuận lợi cho sự lãnh hội và tập trung cao độ cho việc đọc sách, giáo viên không lấn chiếm dạy học vào khung thời gian này. Do vậy 30 phút đầu tiên trong ngày từ 7h00 đến 7h30 hàng ngày được nhà trường quyết định dành cho việc đọc sách của các em.

Vận dụng 30 phút đầu tiên cho các em đọc sách hằng ngày là nhằm mục đích rèn thói quen đọc cho các em. Còn lại, nhà trường khuyến khích việc đọc thêm ở nhà, trong lớp, đọc vào thời gian rỗi, thư giãn. Bước đầu đã tạo cho các em thói quen đọc sách, khơi gợi niềm đam mê, sự yêu thích sách. Từ đó nâng cao dần ý thức đọc cho các em.

Với 30 phút trên lớp được chia ra 2 phần. Phần 1: 20 phút đầu các em tự đọc sách, đọc theo đầu sách của các em yêu thích. 10 phút còn lại các em chia sẻ nội dung quyển sách với các bạn, cùng các bạn trình bày và đặt câu hỏi liên quan đến sách dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Sau khi đọc xong mỗi quyển sách, học sinh đều phải ghi vào phiếu nhật ký đọc sách. Mỗi phiếu được nhà trường phát về cho học sinh cập nhật ghi cảm nghĩ của em về quyển sách em đã đọc. 1. Tạo động lực rèn thói quen đọc sách

Trẻ em đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học rất thích được khuyến kích động viên. Để đạt được hiệu quả cần có sự động viên khích lệ. Động viên khích lệ sẽ tạo động lực tích cực đến mỗi cá nhân các em, tác động tích cực vào hoạt động cá nhân và hình thành ý thức. Từ đó trường luôn đề ra kế hoạch thực hiện tạo động lực để phát triển rèn thói quen đọc sách của trẻ.

Trường tạo một tủ quà thưởng. Tích điểm A của việc đọc sách để đổi lấy quà thưởng. Tủ quà thưởng bao gồm đồ chơi, quà bánh, đồ dùng học tập... Cứ 10 điểm A trở lên học sinh có thể lựa chọn món quà yêu thích trong tủ quà thưởng.

Trường quy định mỗi em học sinh hoàn thành phiếu nhật ký đọc sách (mỗi phiếu 40 quyển sách) có giáo viên hoặc CMHS ký xác nhận vào phiếu sẽ được 20 điểm A.

Ngoài ra để khuyến khích học sinh đọc những tác phẩm văn học phù hợp với độ tuổi. Cứ mỗi tác phẩm văn học đọc xong em được tặng 5 điểm A.

Hàng tuần khuyến khích phòng trào chia sẻ sách. Mỗi em khi chia sẻ sách trước lớp được tặng 2 điểm A.

Thứ hai hàng tuần trường đều dành hoạt động 10 phút đầu tuần để chia sẻ sách. Học sinh lên chia sẻ sách trước toàn trường được tặng 5 điểm A.

Mỗi quyển sách khuyến khích học sinh đặt câu hỏi và câu trả lời liên quan đến quyển sách em đọc. Mỗi quyển đăt 1 đến 2 câu hỏi và gửi về ngân hàng câu hỏi về sách cho thư viện được tặng 2 điểm A.

Trường xây dựng 1 “cây sách xanh”. Mỗi học sinh ghi tên một quyển sách có cảm nhận đều được tặng 2 điểm A. Hàng tháng tổng kết nếu em nào ghi cảm nhận nhiều nhất trên cây sách được tặng 5 điểm A.

Khuyến khích đọc ở khắp nơi trong nhà trường, vào giờ chơi trường tổ chức cho các em đọc sách ở sảnh trường, hành lang, lan can, khu vực học sinh tập trung chơi nhất. Tạo thêm không gian đọc sách và tổ chức các hoạt động xung quanh kích khích việc đọc sách để lôi cuốn ngày càng nhiều các em thực sự đến với không gian sách của nhà trường. 2. Tổ chức các hội thi khuyến đọc

Nhằm đánh giá hoạt động khuyến đọc của nhà trường. Thư viện trường tổ chức nhiều hội thi liên quan đến sách, tạo sân chơi bổ ích cho các em để khuyến khích thói quen đọc sách.

Hàng năm trường cập nhật ngân hàng câu hỏi của học sinh từ các quyển sách của nhà trường để tổ chức hội thi “Khám phá thế giới sách”. Mục đích rèn luyện cho các em đặt vấn đề của mỗi quyển sách bằng hệ thống câu hỏi. Câu hỏi được vào ngân hàng đề của trường. Hàng năm lấy ngân hàng đề đó tổ chức cho các em thi.

Thi hùng biện Em làm gì để khuyến kích bạn đọc sách. Mỗi học sinh giam gia đưa ra một số nội dung để giúp bạn mình tạo được thói quen đọc sách...

Thi chia sẻ sách. Mỗi học sinh sẽ lên chia sẻ câu chuyện của quyển sách mình đọc và truyền thông điệp thông qua quyển sách đó.

3. Kết quả

Giáo viên đã nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của thói quen đọc sách nơi học sinh. Do vậy giáo viên rất tích cực hợp tác với nhà trường trong việc giáo dục rèn luyện thói quen cho học sinh. Giáo viên nhờ đọc sách cũng đã điều chỉnh hành vi của mình, có sự nhận thức đúng đắn hơn trong giáo dục học sinh qua những đầu sách đã đọc.

Đối với học sinh tuy mới hai năm thực hiện nhưng đã có chuyển biến tích cực. Hàng ngày các em đến với thư viện nhiều hơn, tham gia tích cực hoạt động đọc sách trong lớp, thư viện. Thời gian rỗi các em đọc sách nhiều hơn, và từng bước hạn chế hết mức truyện tranh trong tủ sách của các em.

Giá trị bản thân của học sinh có chuyển biến rõ rệt. Thái độ hành vi, cách cư xử của học sinh hòa nhã thân thiện hơn. Giảm bớt những vấn đề bạo hành học sinh với học sinh. Nhận thức của các em chuyển biến rõ rệt qua phản ảnh của giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh.

Về nhà biết yêu thương anh chị em, phụ cha mẹ những việc vừa sức và sống chan hòa yêu thương.

Bớt tính kiêu căng háo thắng (chuyển biến ở 1 số học sinh nghịch phá) và không còn đánh bạn trong nhà trường.

Trường tham gia thi Đại sứ văn hóa đọc và thư viện trường em cả giáo viên và học sinh đều đạt giải cao. Nhất nhì ba đều có của học sinh và giáo viên trường, nhất toàn đoàn và 2 giải đặc biệt về hoạt động thư viện.

4. Kiến nghị

Hoạt động phát triển văn hoá đọc và hình thành thói quen đọc sách đối với học sinh phổ thông hiện nay vô cùng quan trọng. Tầm quan trọng của việc đọc sách đối với học sinh phổ thông ngoài giúp trí não phát triển, sự cân bằng trí tuệ, giúp em khai hoang kiến thức mà con bồi dưỡng tâm hồn, giúp các em giảm căng thẳng sau giờ học, giải trí lành mạnh, nâng cao ý thức, cải thiện hành vi ứng xử và quan trọng hơn sách là kho tàng kiến thức vô giá mà nhân loại để lại cho đời sau. Mỗi quyển sách mang lại giá trị to lớn cho người đọc. Đọc sách để sống tốt hơn, điều chỉnh hành vi và được học tập kiến thức vô tận mà không một phương tiện giải trí nào mang lại được cho học sinh phổ thông bằng sách.

Thế nhưng việc hình thành thói quen đọc sách đã và đang thực hiện như thế nào trên bình diện chung? Chủ yếu do nhận thức của hiệu trưởng và làm đơn lẻ bộc phát. Ngay bản thân thường Tiểu học Đông Hòa B, chúng tôi hoàn toàn tự mày mò nghiên cứu và từng bước đưa vào giáo dục cho học sinh như hoạt động chính khóa bắt buộc đối với học sinh.

Lứa học sinh này của trường tôi sau một niên khóa tôi cam đoan ít nhất sẽ hình thành thói quen đọc sách được 70-80% tỉ lệ học sinh toàn trường. Tuy nhiên thói quen ấy nếu không được tiếp tục rèn luyện và kế thừa thì liệu có được duy trì đến bao lâu?

Điều quan ngại của chúng tôi là chương trình giáo dục phổ thông mới chuẩn bị thực hiện vào năm 2020 hoàn toàn không đề cập đến phát triển văn hóa đọc đưa vào bắt buộc trong trường phổ thông.

Văn hóa đọc hiện nay phó mặc cho thư viện. Thư viện thực hiện được bao nhiêu thì được. Nhà trường không chú ý đến và chỉ chú trọng đến công tác giáo dục chuyên môn.

Chính vì vậy tôi có một số đề xuất kiến nghị đến Bộ giáo dục các vấn đề sau; 1. Hình thành thói quen đọc sách cho học sinh phổ thông cần phải được đưa vào khung giờ chính khóa bắt buộc như các môn học khác. Phải có quy định yêu cầu hoạt động này thực hiện hàng ngày, hàng tuần từ lớp 1 đến lớp 12. 2. Nhân viên thư viện trường cần phải được đào tạo chính quy. Vì một số nhân viên

thư viện do giáo viên bộ môn đảm nhận. 3. Phòng thư viện cần thiết kế đầy đủ trang thiết bị, nguồn sách đảm bảo nhu cầu đọc, tra cứu tài liệu của giáo viên và học sinh (thực tiễn thư viện rất sơ sài và chưa thực sự được quan tâm). 4. Ban hành danh mục sách dành cho từng lứa tuổi học sinh để nhà trường căn cứ vào đó để trang bị sách cho thư viện. Đa số mua theo cảm tính cá nhân và đôi lúc thể loại không phù hợp.



MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM

Trần Thụy Ngọc Trân*

Sách là thành tựu của nền văn minh, là sản phẩm độc đáo của trí tuệ con người. Một nhà văn Pháp có nhận định “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. Marxim Gorki có nói “Sách mở ra cho tôi những chân trời mới”. Đọc sách không chỉ có tác dụng mở mang kiến thức, nâng cao nhận thức, hiểu biết về các lĩnh vực tự nhiên, khoa học, xã hội mà còn có tác dụng rất lớn trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Thông qua những trang sách, nhất là sách văn học, tâm hồn bạn đọc được tưới tắm nguồn nước mát lành, chẳng những gột rửa bao toan tính, muộn phiền, sân si trong cuộc sống mà còn được bồi đắp những tình cảm cao đẹp có tác dụng hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ. Vì lẽ đó, để hình thành ở con trẻ một thế giới nội tâm phong phú góp phần kiến tạo nên diện mạo của một con người thiện lành, không có phương pháp nào hiệu quả hơn là thu hút học sinh đến với Thư viện vì “Thư viện là một kho thuốc bổ tâm hồn”.

Vì lẽ đó, việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường thực sự có một ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người Việt Nam nói chung và học sinh nói riêng thường ít hoặc lười đọc sách. Các thống kê cho thấy trung bình mỗi người Việt hàng năm đọc chưa quá 1 cuốn sách và chi phí dùng để trang bị các đầu sách làm phong phú đời sống tâm hồn lại chiếm một tỉ lệ ít ỏi trong cơ cấu chi tiêu của cá nhân, gia đình. Mặt khác, xã hội phát triển ngày một hiện đại. Nếu như vài thập kỷ trước, trẻ em thế hệ 7X, 8X trở về trước, do hoàn cảnh kinh tế, xã hội nên chỉ có sách là người bạn tinh thần, là hình thức giải trí duy nhất. Nhiều tác phẩm kinh điển đã trở thành sách gối đầu giường của thế hệ trẻ khi đó như Thép đã tôi thế ấy, Tấm lòng vàng,... Hiện nay, tình hình đã có thay đổi. Sự phát triển của khoa học công nghệ đã đặt con trẻ giữa một rừng, một thế giới phong phú các hình thức giải trí: mạng xã hội, games online, phim ảnh,...

Các phương tiện nghe nhìn càng tỏ ra ưu thế và được trẻ sử dụng như một phương tiện giải trí ngày càng trở nên quen thuộc. Không quá xa lạ nếu như ta bắt gặp một đứa trẻ say sưa cắm cúi với smartphone, iPhone, iPad để lên mạng, chơi game, xem phim trực tuyến. Nhiều trẻ bị chứng cuồng công nghệ và chiếc điện thoại di động thông minh trở thành vật bất ly thân, không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Bên cạnh những ích lợi không thể phủ nhận từ thế giới công nghệ số vẫn còn có rất nhiều tác hại trước mắt cũng như về lâu dài đối với sự phát triển nhận thức và nhân cách của con trẻ. Vậy làm thế nào để nâng cao văn hóa đọc, nhất là trong thế giới học đường trong tình hình hiện nay. Câu hỏi này là niềm băn khoăn, trăn trở chung của tất cả chúng ta, của những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục, xuất bản.

*Giáo viên bộ môn Ngữ văn – GV trường THCS Nguyễn Hiền Quận 7, TP. HCM


Xuất phát từ thực tế đó, từ năm học 2017-2018 trường THCS Nguyễn Hiền đã xây dựng kế hoạch xây dựng và phát triển thư viện thành “Trái tim của nhà trường”. Trường tạo mọi điều kiện cho nhân viên quản thư học tập nâng cao trình độ, đầu tư nhiều kinh phí trang trí thư viện bằng những hình thức sinh động, thu hút học sinh, trang bị các đầu sách mới, đa dạng hóa hoạt động giới thiệu sách. Đặc biệt, sự phối hợp của Tổ Ngữ văn tổ chức các tiết đọc sách cho học sinh các khối lớp được xem là một nét mới, một hoạt động nổi bật khơi gợi hứng thú cho học sinh tìm đến với thư viện, góp phần hình thành niềm đam mê và rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh nhà trường.

Trong 2 năm học vừa qua, từ đầu năm học, cô Tổ trưởng chuyên môn đã chủ trì buổi thảo luận xây dựng kế hoạch thực hiện tiết đọc sách. Các giáo viên trong Tổ cùng bàn bạc, sắp xếp để lên lịch tổ chức tiết đọc sách tại Thư viện trong tiết Ngữ văn nhằm đảm bảo cho học sinh ở tất cả các lớp đều có được 01 tiết đến với thư viện để đọc sách trong tháng. Đây là một hoạt động trải nghiệm mới mẻ, đưa tiết học ra ngoài không gian lớp học, đa dạng hóa hoạt động học tập, phong phú kiến thức tiếp nhận ngoài sách giáo khoa.

Để có thể tổ chức tiết đọc sách, giáo viên Tổ đã chủ động phối hợp Thư viện chọn lọc những đầu sách định hướng cho học sinh đọc trong giờ. Lựa chọn của chúng tôi là các tác phẩm văn học có trích đoạn được học trong chương trình (Dế Mèn phiêu lưu kí, Quê nội,...), các loại sách như Hạt giống tâm hồn, Tủ sách Sống đẹp, Quà tặng cuộc sống, Những tâm hồn cao thượng..., những đầu sách mà chỉ nghe đến tên thôi, chúng ta hình dung được nội dung và giá trị giáo dục, dưỡng nuôi tâm hồn, nhân cách.

Sau khi điều động học sinh, ổn định chỗ ngồi đọc sách của các em trong thư viện, giáo viên hướng dẫn học sinh chọn sách, đọc sách. Thao tác đầu tiên là ghi lại tên đầu sách, tác giả, quan sát phần Mục lục để có cái nhìn tổng quan về bố cục, các chương, đoạn, tên các câu chuyện trong sách. Trong thời lượng 45 phút, học sinh không thể nào đọc hết một quyển sách một cách thấu đáo, vừa đọc, vừa chiêm nghiệm nên giáo viên không yêu cầu học sinh đọc nhanh mà lựa chọn từ 1 đến 3 câu chuyện để đọc. Các em vừa đọc, vừa ghi lại tóm tắt nội dung, những tình tiết nổi bật trong truyện. Bài tập về nhà giao cho các em là từ những ghi chép đó, học sinh viết bài văn nêu cảm nhận, suy nghĩ, những chiêm nghiệm những bài học rút ra từ các câu chuyện được đọc hoặc những điều tâm đắc từ câu chuyện.

Giáo viên sẽ có ghi nhận, góp ý những bài cảm nhận tốt, chọn ra trong mỗi tổ những bài cảm nhận nổi bật. Học sinh trong tổ được định hướng cùng xem lại câu chuyện đó, cùng trao đổi, bàn bạc, làm phong phú thêm cảm nhận về câu chuyện. Các em phân công nhau tổng hợp ý kiến, viết lại thành một bài cảm nhận hoàn thiện, trang trí thật bắt mắt, có tính thẩm mĩ tạo thành sản phẩm để lưu giữ, trưng bày trong tiết học, trong thư viện nhà trường. Các câu chuyện hay, các bài cảm nhận sâu sắc được chọn lọc để thể hiện cho học sinh toàn trường nghe trong giờ sinh hoạt dưới cờ mỗi tháng một lần. Đây là một quy trình tổ chức viết cảm nhận, bài thu hoạch sau tiết đọc sách theo hướng đa dạng hóa các hoạt động học tập của học sinh. Qua đó, học sinh được rèn luyện tư duy độc lập cũng như kĩ năng hoạt động nhóm, tương tác với các bạn cũng như góp phần phát huy năng khiếu thẩm mĩ thông qua việc trang trí sản phẩm - bài cảm nhận - của Tổ.

Việc tổ chức tiết cảm nhận đọc sách cũng theo hướng mở, xây dựng tiết học ngoài không gian lớp học. Học sinh sẽ được xuống sân trường, ngồi thành vòng tròn, sinh hoạt văn nghệ, trò chơi tập thể, cùng chia sẻ, lắng nghe các câu chuyện, các bài bình sách, tham gia đóng góp ý kiến, nêu lên suy nghĩ của bản thân về các câu chuyện đã đọc.

Thực tế cho thấy học sinh vô cùng tâm đắc, thú vị với tiết đọc sách và cảm nhận về sách. Các em được thay đổi không gian và hình thức học tập, có sự chủ động, tự do lựa chọn các đầu sách phù hợp với hứng thú, trình độ tiếp nhận của bản thân. Được lắng nghe, chia sẻ các câu chuyện, các bài học, các kinh nghiệm ứng xử qua các câu chuyện, vốn sống, sự hiểu biết của học sinh vì thế không ngừng được tăng lên.

“Văn học là nhân học”. Dạy Văn trước hết và trên hết là dạy tâm hồn, dạy cách làm người. Vì vậy giáo dục tư tưởng tình cảm thường được thực hiện trong các giờ dạy học Đọc – Hiểu văn bản qua lời bình giảng của giáo viên. Suy cho cùng đó cũng là một hình thức truyền giảng một chiều, phần nào có tính chủ quan, khiên cưỡng. Nội dung giáo dục tư tưởng tình cảm không thể thiếu nhưng cũng thực hiện ở một mức độ, một liều lượng vừa phải trong cơ cấu bài giảng nên thường chưa sâu sắc, lắng đọng. Học sinh có thể nghe qua, thấy hay nhưng rồi sẽ quên do thiếu sự thẩm thấu.

Với tiết đọc sách, điều này được giải quyết một cách đơn giản mà mang lại hiệu quả không ngờ. Nếu như các tác phẩm trong sách giáo khoa thường thiên về tính chất văn học sử, khuôn sáo, hàn lâm kiến thức thì các câu chuyện được đọc có tính chất tươi mới, gần gũi với đời thường, ăm ắp chất liệu cuộc sống. Từ những câu chuyện ngắn gọn, bình dị trong đời thường, trong mối quan hệ xã hội giữa người với người, học sinh sẽ có cảm giác gần gũi, quen thuộc, dễ tiếp nhận, dễ thẩm thấu các bài học giáo dục toát ra từ câu chuyện qua việc chiêm nghiệm cảm nhận của bản thân, những trao đổi với bạn bè, sự định hướng dẫn dắt của các thầy cô. Các câu chuyện được đọc mang tính giáo dục, các em được bổ sung một cách tự nhiên những bài học cuộc sống để ứng dụng vào thực tế và ngày càng hoàn thiện bản thân bằng những suy nghĩ tích cực, những ứng xử đúng mực, nhân văn. Đó là tác dụng quan trọng của việc thực hiện tiết đọc sách mà giáo viên và học sinh đều cảm nhận được.

Học sinh Trung học cơ sở, đặc biệt là các em đầu cấp, bên cạnh tư duy trừu tượng đang được hình thành, củng cố, tư duy trực quan sinh động vẫn là chủ đạo trong quá trình nhận thức của học sinh. Vì vậy, các em thường có khuynh hướng chọn đọc tranh truyện (Conan, Doraemon...). Ở giai đoạn này, giáo viên cần kiên nhẫn định hướng cho học sinh chuyển dần từ việc đọc sách từ kênh hình sang kênh chữ. Đầu tiên, giáo viên cần giúp học sinh lựa chọn các đầu sách, các câu chuyện ngắn gọn, nội dung đơn giản rồi dần dần khuyến khích các em đọc những tác phẩm văn học, những quyển sách dày hơn, nội dung phong phú nâng cao hơn. Công việc này đòi hỏi giáo viên phải nâng cao năng lực giải nghĩa từ, sẵn sàng giúp các em nắm bắt nghĩa của các từ khó, các từ mà học sinh chưa rõ về nghĩa. Qua đó học sinh được phát huy trí tưởng tượng phong phú, góp phần củng cố và phát triển tư duy trừu tượng. Thông qua đọc sách, và được các cô giải nghĩa từ khó, vốn từ vựng của học sinh không ngừng được tích lũy, các em học được các cách diễn dạt mới. Thông qua các tiết cảm nhận, bình sách, kỹ năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói, thuyết trình của học sinh cũng được rèn luyện. Thực sự, đọc sách

không chỉ phát huy tác dụng tích cực đến đời sống tâm hồn mà còn góp phần không nhỏ trong sự phát triển tư duy, ngôn ngữ ở trẻ. Những tác dụng tích cực này những hình thức giải trí hiện đại không thể nào có được hoặc thay thế được. Đó là bằng chứng thực tế về vai trò và tác dụng giáo dục lớn lao của sách trong đời sống học đường.

Hiệu quả từ việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường cũng được thực tế kiểm chứng. Trường THCS Nguyễn Hiền tiền thân là trường bán công; thành phần gia đình học sinh đa số là con em của người lao động nghèo, lao động phổ thông, buôn bán nhỏ lẻ, dân nhập cư. Vì vất vả mưu sinh cuộc sống, phụ huynh ít hoặc không có điều kiện quan tâm, giáo dục học sinh. Do đó, công tác giáo dục ý thức kỉ luật, đạo đức, tác phong học sinh của tập thể sư phạm gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2015 trở về trước, năm nào Hội đồng kỉ luật nhà trường cũng có vài phiên họp xem xét, xử lý các vụ việc tiêu cực trong học sinh.

Từ khi thực hiện tiết đọc sách, mọi việc dần chuyển biến theo hướng tích cực hơn. “Mưa dầm thấm lâu”, một việc làm tổ chức thường xuyên đã mang lại lợi ích thiết thực. Thông qua các câu chuyện, các bài bình sách, học sinh được trải nghiệm cụ thể các tình huống thường gặp trong cuộc sống qua các trang sách. Từ đó các em học được cách ứng xử kiềm chế hơn, suy nghĩ và hành động tích cực hơn. Điều đó phát huy tác dụng làm giảm các vụ việc đáng tiếc giữa học sinh với nhau. Hai năm học gần đây, chất lượng hạnh kiểm học sinh có tín hiệu đáng mừng: tăng tỷ lệ xếp loại hạnh kiểm Khá – Tốt, giảm tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm trung bình, không có học sinh yếu kém. Số vụ việc tiêu cực trong học sinh giảm. Hội đồng Kỉ luật không nhóm họp để xử lý kỉ luật học sinh. Cố nhiên, kết quả trên là sự phối hợp liên tục và đều tay của các lực lượng giáo dục, các phương pháp giáo dục nhưng trong đó cũng có phần không nhỏ từ những tiết đọc sách, cảm nhận, bình sách của tổ Ngữ văn.

Ở góc độ chuyên môn, qua khảo sát và kết quả các bài kiểm tra, học sinh đã có vốn từ phong phú hơn, diễn đạt trôi chảy, mạch lạc hơn trong văn viết và bước đầu tự tin thể hiện qua kĩ năng nói. Những câu chuyện trong cuộc sống mang đến vốn sống, sự cảm nhận phong phú cho các em. Đây là chất liệu quí giá để học sinh khối 8, 9 thực hành các dạng bài nghị luận xã hội với các dẫn chứng, các câu danh ngôn được trích dẫn từ sách. Đúng như Thi thánh Đỗ Phủ nhận định “Đọc sách muôn vạn quyển, hạ bút như có thần”. Phải chăng các tiết đọc sách góp phần nâng cao chất lượng bộ môn?

Trước kết quả khả quan bước đầu, chúng tôi luôn trăn trở làm sao tiếp tục duy trì, làm mới, tạo hứng thú cho học sinh qua các tiết đọc sách tại Thư viện để hoạt động này phát huy những tác dụng tích cực trong việc giáo dục. Phương hướng của Tổ Ngữ văn trường Nguyễn Hiền là tiếp tục rà soát, đề xuất trang bị các đầu sách mới, gần gũi với thị hiếu học sinh. Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động đọc, bình sách như kể chuyện, vẽ tranh, xây dựng tiểu phẩm từ các câu chuyện được đọc, hoặc tưởng tượng, sáng tạo kết thúc mới cho câu chuyện, tổ chức Trại sáng tác khuyến khích những tác phẩm đầu tay của học sinh.

Đến đây, tôi xin thay mặt cho tập thể các cô giáo tổ Ngữ văn và Hội đồng Sư phạm nhà trường chân thành gửi lời cảm ơn đến Ban Tổ chức Toạ đàm. Đây là duyên may để chúng tôi được gặp gỡ, sẻ chia kinh nghiệm mà quan trọng hơn là được học hỏi, tham khảo các cách làm thực tế từ các đơn vị bạn để góp phần làm phong phú thêm hoạt động đọc sách ở trường THCS. Qua đó góp phần hình thành và rèn luyện thói quen đọc sách trong học sinh nhằm thúc đẩy quá trình giáo dục- tự giáo dục trong mỗi con người để hoàn thiện bản thân và cùng nhau chung tay xây dựng.



DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HORIZON

Nguyễn Thị Ngọc Diệp*

Qua nhiều năm trong nghề dạy học ở bộ môn Ngữ văn, cũng là hành trình của một người mẹ nuôi con khôn lớn, tôi thấu hiểu vai trò của sách trong sự trưởng thành và định hình nhân cách của mỗi đứa trẻ.

Con trẻ khi được cha mẹ, ông bà cho tiếp xúc sớm với sách sẽ phát triển ngôn ngữ và nhận thức thế giới xung quanh tốt hơn. Khi đến trường học, trẻ đọc lưu loát, viết văn không phạm lỗi sai chính tả, ngữ pháp, ngôn từ phong phú và sớm hiểu biết so với bạn bè cùng trang lứa. Sách gieo giấc mơ đẹp cho tuổi thơ. Thực tế chứng minh, nhiều bạn trẻ lớn khôn tìm ra con đường mình đi trong tương lai từ những trang sách các em đã đọc. Sách góp phần cùng cha mẹ, thầy cô trong hành trình đó.

Tôi đồng tình câu nói của nguyên tổng thống Brack Obama trong ngày hội sách ở nước Mỹ: “Trong thời kỳ bình minh của thế kỷ 21, thời kỳ tri thức thực sự là sức mạnh mở ra những cánh cửa dẫn đến cơ hôi và sự thành đạt, trách nhiệm của chúng ta dưới vai trò các bậc cha mẹ, các thủ thư, các nhà giáo, các chính khách và các công dân là gầy dựng cho con cháu chúng ta tình yêu đọc sách để chúng có cơ hội thực hiện giấc mơ của mình”. I. Thực trạng của văn hóa đọc hiện nay

Thế mà, một thực trạng khiến những ai quan tâm đến giáo dục đều phải trăn trở. Văn hóa đọc của học sinh chưa được quan tâm đúng mức từ gia đình đến trường học và cả xã hội.

Trong gia đình: vì bận rộn mưu sinh và nếp quen của cả xã hội, hiếm có bậc cha mẹ nào gầy dựng thói quen đọc sách cho con trẻ. Tivi, phim ảnh và các phương tiện công nghệ là người bạn hữu hiệu nhất tuổi ấu thơ đã hình thành trong trẻ thói quen nghe nhìn và ngại ngùng trước việc mở trang sách để đọc.

Trong trường học: nhà quản lý giáo dục các cấp học phổ thông chỉ chú trọng tỷ lệ lên lớp, kết quả của các kỳ thi... Thầy cô giáo tập trung mọi nguồn lực cho việc hoàn thành chương trình và kế hoạch năm học. Học sinh chỉ thuần túy học, đọc sách giáo khoa, thuộc lòng đề cương của thầy cô... và mất quá nhiều thời gian đi học thêm cho cuộc đua điểm số. Điểm số để vượt qua các kỳ thi cuối cấp, thi đại học đã vắt kiệt sức con trẻ khiến chúng không còn thời gian đến với sách. Riêng đề thi môn Văn và các môn học ở trường phổ thông chỉ ở cấp độ tái hiện kiến thức sách giáo khoa nên cả thầy cô và học sinh bỏ trống ý thức mở rộng muôn mặt kiến thức từ sách. Một sự thật trong trường học là ngay cả thầy cô giáo cũng rất ít người có thói quen đọc sách.

Trong đời sống: xã hội thời kỳ đổi mới vội vã với xa lộ thông tin và nhan nhản tin xấu có tác dụng ngược với tuổi trẻ. Chưa kể sách là món hàng với giá bán khá cao cũng là một cản trở.

*Tổ trưởng tổ tiếng Việt trường Song ngữ Quốc tế Horizon


Đó là một vấn nạn trong thời đại bùng nổ công nghệ. Nếu chúng ta không kịp thời gieo trồng, gầy dựng thói quen đọc sách cho lớp trẻ sẽ tác động đến một thế hệ và ảnh hửởng nhiều đến sự vững bền văn hóa dân tộc.

Một số thông tin rất đáng tham khảo từ ông Lý Trường Chiến – Giám Đốc phía Nam của báo Dân trí trong bài “Giải pháp nâng cao văn hóa đọc”. Một “khảo sát bỏ túi” nhanh về thói quen đọc và nội dung đọc.

Với nhân viên và sinh viên (lứa tuổi 20 – 30)

▪ 70% cho biết chỉ học chứ không đọc tham khảo

▪ 12% cho biết có đọc các sách ngoài chuyên môn

▪ 80% không đọc sách 1 năm qua

▪ 98% không đọc sách tuần qua

▪ 100% nói gần như chẳng để ý đến thơ

▪ Một số có đọc thì tiếp nhận rất hời hợt và thiếu phản biện, thiếu tư duy, tiếp nhận thông tin đơn chiều kiểu đọc tiểu thuyết chỉ thấy anh này yêu chị kia, chị kia yêu anh nọ, các câu chuyện tình tay ba, tay tư,... mà không hề nhận được tính logic của cuộc sống qua nhân cách, thái độ, hành xử và diễn biến tâm lý, các kết cuộc của nhân vật”...

II. Dự án lớn lên cùng sách ở trường Song ngữ Quốc tế HORIZON

Chúng tôi luôn trăn trở và mong muốn lan tỏa văn hóa đọc trong đời sống học đường, tìm mọi cách gầy dựng. Hưởng ứng cuộc thi “Lớn lên cùng sách” do Sở Giáo dục đề ra từ năm học 2015- 2016, với tư cách là tổ trưởng tổ Tiếng Việt ở trường Song ngữ Quốc tế HORIZON, tôi và các giáo viên được sự hỗ trợ của Ban Giám hiệu đã thực hiện dự án cùng tên.

Mô tả: DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH - Sứ mệnh của dự án là giúp học sinh

• Hình thành thói quen đọc sách

• Tự tin, thân thiện, có kiến thức, biết cách trình bày quan điểm

• Vốn từ ngữ phong phú, sử dụng từ ngữ linh hoạt trong hoạt động giao tiếp

• Nâng cao khả năng tưởng tượng, sáng tạo

• Góp phần tích lũy kiến thức xã hôi phong phú

• Chung tay với xã hôi lan tỏa văn hóa đọc - Tầm nhìn của dự án

• Đây là dự án thực hiện xuyên suốt các bậc học của trường từ lớp 1 đến lớp 12

• Dự án là hoạt động đổi mới giảng dạy môn Văn ở trường Song Ngữ Quốc Tế Horizon

• Tổ chức hiệu quả hoạt động đọc sách tại trường nhằm lan tỏa văn hóa đọc đến gia đình và xã hội - Giá trị cốt lõi của dự án

• Dự án là tâm huyết của đội ngũ giáo viên tiếng Việt ở trường Song Ngữ Quốc Tế Horizon mong muốn trẻ lớn khôn từ văn hóa đọc.

• Hướng đến xây dựng một lớp trẻ tự tin, độc lập, tự chủ, bao dung, công bằng, lương thiện làm người và đón nhận thách thức. - Các hoạt động của dự án

• Đọc sách: xây kế hoạch đọc sách hàng tuần và trong suốt năm học. Đọc trong giờ học, ở thư viện, ở nhà và thường xuyên. Đồng hành cùng phần mềm MyOn- đọc sách Anh ngữ do trường cung cấp nhằm gieo thói quen đọc sách cho học sinh.

• Học Văn: giúp học sinh nâng cao kỹ năng đọc, nghe, nói, viết, góp phần học tốt môn Văn, tự tin thể hiện bản thân trong hành trình học tập trưởng thành.

• Trải nghiệm: hoạt động trải nghiệm từ các chương trình ngoại khóa trong và ngoài trường học. - Nội dung thực hiện * KHỐI TIỂU HỌC (Một vài gợi ý) – Tùy vào đối tượng từng lớp học để có lựa chọn thích hợp:

- Lớp 1: Sách - Kỹ năng đời sống và thế giới quanh em. - Lớp 2: Sách - Những điều em yêu thích. - Lớp 3: Sách - Những thông điệp kỳ diệu. - Lớp 4: Sách - Những khám phá kỳ thú. - Lớp 5: Sách - Hành trình từ đọc đến viết văn. * KHỐI THCS VÀ THPT

- Đọc, thu nhỏ và phóng to câu chuyện. - Hành trình khám phá nhận vật, ghi nhận lời văn hay, đẹp, sáng tạo. - Tìm hiểu thông điệp nhà văn. - Thuyết trình sách. - Kết nối sách với đời sống. - Nhật ký đọc sách và tập san những bài viết hay.

III. CÁCH THỨC THỰC HIỆN & KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. CÁCH THỨC THỰC HIỆN

• KHỐI TIỂU HỌC: - Làm quen với sách, nghe và đọc sách cùng cô - Nhập vai kể chuyện sáng tạo. - Vẽ tranh sáng tạo từ sách. - Khám phá thế giới theo chủ đề sách. - Tiệc vui đọc sách

• KHỐI THCS & THPT - Sắp xếp chương trình Ngữ văn của bộ giáo dục bằng cách hoán đổi tiết luyện

tập nói và viết, tiết đọc thêm để có 1 tuần/1 tiết đọc sách suốt năm học. - Giáo viên dạy Văn kết hợp với thư viện và phụ huynh giới thiệu sách. Học

sinh đọc sách trên lớp, trong thư viện, ở nhà...có nhật ký đọc sách - Thuyết trình sách bằng nhiều hình thức: hóa thân kể lại truyện sách, thuyết trình bằng PowerPoint, diễn kịch, vẽ tranh, sáng tác truyện, thơ... Bài thuyết


trình được ghi điểm. Tùy theo mức độ để được tính điểm hệ số 1 hoặc 2 theo quy định. - Tổ chức Hội thi thuyết trình sách hàng năm với nhiều hoạt động như thi

Thuyết trình, thi viết chữ đẹp, vẽ bìa sách, giao lưu sách v.v...

2. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

- Học sinh hứng thú đến giờ đọc sách trong thư viện hoặc ngay trong lớp học. - Học sinh thay đổi thói quen đọc - từ đọc truyện tranh hoặc các loại tạp chí sang truyện chữ, từ không đọc đến dần hình thành thói quen đọc. Học sinh đã biết dành tiền mua sách, đến hội sách, nhà sách và chuyền tay nhau đọc những cuốn sách hay như: Chiến binh cầu vồng, Chuyện nhỏ trong thế giới lớn, Không gia đình, Tuổi thơ dữ dội, Cánh buồm đỏ thắm, Tuyển tập kính vạn hoa và nhiều đầu sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh... Nhà giả kim, Con mèo dạy hải âu bay, Một lít nước mắt... Tôi, Tương lai & Thế giới, Bạn tài giỏi tôi cũng thế, Tư duy cá mập, Ai đã lấy miếng phomat của tôi... và nhiều thể loại sách của nhiều nền văn hóa khác nhau...

Sách tiếng Việt, sách tiếng Anh, học sinh đọc sách tiếng Việt nhưng thuyết trình bằng tiếng Anh... - Học sinh tự tin thể hiện, nói và viết lưu loát, nhiều em có những chuyển biến trong nhận thức. Nhân vật trong nhiều cuốn sách là tấm gương để các em có ước mơ và cố gắng theo đuổi. - Đặc biệt ở trường Quốc Tế một số em có vấn đề về ngôn ngữ và thể chất nhưng đọc sách đã giúp các em tự tin, biết khám phá bản thân để hội nhập tốt môi trường học tập. - Phụ huynh đã đồng hành cùng con và rất vui khi con đã đọc sách, ít chơi Game và vui hơn khi đến với con trong “Ngày hội đọc sách” của học sinh Tiểu học và “Cuộc thi thuyết trình sách” của khối THCS & THPT... IV. LỜI KẾT: Tất cả những việc chúng tôi đã làm rất khiêm tốn giữa mênh mông biển cả của văn hóa đọc, xin được chia sẻ để góp phần cùng mọi người lan tỏa văn hóa đọc trong trường học, rộng hơn trong cộng đồng. Bởi như nguyên tổng thống Barack Obama cũng đã từng nhắc nhở thầy cô giáo ở nước Mỹ: “Nếu bạn dẫn dụ được đứa trẻ đến với bậc thềm mầu nhiệm ấy, bậc thềm dẫn vào thư viện, bạn sẽ làm thay đổi nó theo một hướng tích cực. Mãi mãi!”



CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT  Đinh Thiện Lý

A. MỤC TIÊU:

Cũng như nhiều quốc gia, tại Việt Nam, sự bùng nổ về hệ thống mạng internet toàn cầu đem đến nhiều lợi ích, mở rộng cánh cổng đến với kho tri thức của nhân loại. Đồng thời, điều này cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực đến Văn hóa đọc, đặc biệt là trong giới trẻ. Cụ thể như sau:

- Lệch lạc về văn hóa: Rất nhiều tài liệu không có chất lượng, sai lệch về các giá trị tràn đầy trên mạng. Người đọc, đặc biệt là học sinh, nếu không có khả năng thẩm định và chọn lọc sẽ dễ có nhận thức sai lệch, hình thành ý thức và hành vi xấu. - Thui chột kỹ năng đọc hiểu: Lượng thông tin quá nhiều làm cho người đọc dễ có xu hướng chỉ chọn đọc những bài viết ngắn, những ý kiến của các người dùng khác mà ít chịu khó tìm hiểu thông tin chính thống, đi đến tận nguồn ngọn của vấn đề. Ngoài ra, việc giảng dạy kỹ năng đọc hiểu cho học sinh cũng chưa được chú trọng trong nhà trường. - Hai vấn đề trên sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến dân trí và có thể kéo lùi sự phát

triển của dân tộc. Từ thực trạng trên, Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý, ngay từ những ngày đầu thành lập, đã chú trọng đến việc gìn giữ và phát triển văn hóa đọc cho học sinh. Nhà trường có chiến lược cụ thể cho hoạt động này, với những mục tiêu:

1. Xây dựng thói quen đọc sách cho toàn bộ học sinh; 2. Rèn luyện phương pháp, kỹ năng đọc hiểu. Từ đó, giúp học sinh có khả

năng tự học suốt đời; 3. Tạo cơ hội để học sinh chia sẻ, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến cộng

đồng; 4. Tạo cơ hội cho học sinh thể hiện sự hiểu biết về các tác phẩm và khả năng

sáng tạo thông qua các sản phẩm nghệ thuật; 5. Nâng cao nhận thức đạo đức xã hội cho học sinh.

B. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, trường Đinh Thiện Lý đã xây dựng nhiều hoạt động với những yêu cầu, kế hoạch, cụ thể như:

I. Xây dựng thói quen đọc sách cho toàn bộ học sinh 1. Tiết đọc sách đầu ngày: a. Thời gian: Từ 07:20 – 07:35 từ thứ Ba đến thứ Sáu hàng tuần b. Nội dung: Giáo viên chủ nhiệm và học sinh toàn trường cùng đọc sách và chia sẻ thông điệp từ sách.

c. Nguồn sách: Mỗi lớp trang bị một tủ sách tại lớp, nguồn sách do Thư viện trường trao tặng, do giáo viên và học sinh đóng góp hoặc đem theo.

d. Qui định: Biên bản chia sẻ sách được gởi về Thư viện hàng tháng; thể loại sách được qui định và kiểm soát để bảo đảm học sinh được đọc các cuốn sách chất lượng, nghiêm túc.

2. Đọc tài liệu, sách tham khảo của các bộ môn a. Thời gian: Học sinh chủ động đọc sách trong suốt năm học b. Nội dung: Từ đầu năm học, các giáo viên bộ môn cung cấp danh sách các tựa sách, tài liệu tham khảo và yêu cầu học sinh đọc.

c. Nguồn sách: Học sinh mượn sách từ Thư viện hoặc tự trang bị. d. Qui định: Số lượng sách, tài liệu của từng bộ môn là từ 1-2 cuốn; học sinh sẽ tham gia một buổi kiểm tra khả năng đọc hiểu các bộ sách này vào cuối năm học.

II. Rèn luyện phương pháp và kỹ năng đọc hiểu Giảng dạy bộ môn Đọc và Diễn đạt: a. Thời gian: 01 tiết/tuần. b. Nội dung: Chương trình do nhà trường biên soạn, tập trung vào rèn luyện kỹ năng đọc hiểu theo chuẩn PISA, và hỗ trợ phát triển các kỹ năng nghe, nói, viết.

c. Giáo viên giảng dạy: Là giáo viên nhóm Văn đã được tập huấn về kỹ năng giảng dạy đọc hiểu.

d. Qui định: Là một môn học chính thức, có đánh giá và ghi nhận kết quả rèn luyện của học sinh.

III. Khảo sát kỹ năng đọc hiểu của học sinh: 1. Bổ sung câu hỏi đọc hiểu trong đề kiểm tra tập trung a. Thời gian: 02 kỳ kiểm tra tập trung học kỳ b. Nội dung: Đề kiểm tra tập trung các bộ môn xã hội của tất cả các khối lớp sẽ có một phần kiểm tra kỹ năng đọc hiểu của học sinh, tỉ lệ điểm chiếm từ 15% - 20%.

2. Khảo sát kỹ năng đọc hiểu của học sinh a. Thời gian: Cuối năm học b. Nội dung: 100% học sinh từ khối 6 – khối 11 tham gia bài khảo sát kỹ năng đọc hiểu. Bài khảo sát gồm 02 phần, phần 1 là các câu hỏi do nhà trường biên soạn theo chuẩn PISA, phần 2 là bài thi quốc tế chuẩn PISA.

IV. Khuyến khích đọc và chia sẻ sách 1. Cuộc thi ‘Lớn lên cùng sách’ cấp trường a. Thời gian: Học kỳ 1 hàng năm, dành cho cá nhân b. Nội dung: 100% học sinh cấp THCS tham gia; có 04 vòng thi gồm Sơ loại cấp lớp, Sơ loại cấp trường, Bán kết và Chung kết; học sinh có nhiệm vụ trình bày kế hoạch đọc sách, chế tạo một sản phẩm sáng tạo từ việc đọc sách, và thuyết trình về sản phẩm đó.

c. Nguồn sách: Học sinh mượn sách từ Thư viện hoặc tự trang bị d. Qui định: Những học sinh đạt giải của vòng chung kết sẽ được tham gia một khóa bồi dưỡng ngắn hạn về kỹ năng đọc, kỹ năng thuyết trình để tham gia vòng chung kết cuộc thi ‘Lớn lên cùng sách’ cấp Quận và Thành phố.

2. Cuộc thi “Sách và Sáng tạo” a. Thời gian: Học kỳ 2 hàng năm, dành cho các nhóm b. Nội dung: Học sinh từ khối 6 – khối 12 tự thành lập nhóm và đăng ký tham gia cuộc thi; có 02 vòng thi Sơ loại và Chung kết; học sinh có nhiệm vụ chọn 1 cuốn sách và rút ra thông điệp của cuốn sách đó, sau đó thể hiện thông điệp này qua một sản phẩm sáng tạo thuộc các lĩnh vực mà các em yêu thích (mĩ thuật, nghệ thuật biểu diễn, dựng phim, thiết kế trò chơi, ...); Ban cố vấn gồm các thầy cô bộ môn sẽ tư vấn thêm cho học sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm.

c. Nguồn sách: Học sinh mượn sách từ Thư viện hoặc tự trang bị d. Qui định: Tất cả các ý tưởng đều là của học sinh, Ban cố vấn đóng vai trò khơi gợi, khuyến khích và động viên học sinh trong quá trình thực hiện sản phẩm.

3. Các hoạt động triển lãm sách theo chủ đề a. Thời gian: 04 lần trong năm học b. Nội dung: Học sinh tham quan tìm hiểu về các tựa sách theo chủ đề, tham gia các hoạt động đố vui về sách được triển lãm, và chia sẻ cảm xúc bản thân

c. Nguồn sách: Thư viện d. Qui định: Học sinh tất cả các lớp đều được tham gia theo lịch V. Đào tạo học sinh thực hiện các công tác liên quan đến văn hóa đọc 1. Tổ chức mạng lưới Cán sự Thư viện a. Thời gian: Hoạt động trong suốt năm học b. Nội dung: Mỗi lớp sẽ cử ra 1 học sinh làm cán sự Thư viện; có nhiệm vụ quản lí tủ sách của lớp, nhận và thực hiện các công việc được giao và báo cáo tình hình hoạt động hàng tháng cho Thư viện Trường. 2. Thành lập Câu lạc bộ Thư viện a. Thời gian: Hoạt động trong suốt năm học b. Nội dung: Học sinh yêu thích công tác Thư viện chủ động đăng ký tham gia và được hướng dẫn các kỹ năng tìm sách, xếp sách, phân loại sách, thực hiện thuyết trình sách, viết bài cảm nhận, thiết kế áp phích – trang trí cho các hoạt động của Thư viện

C. NHÌN NHẬN - ĐÁNH GIÁ

Việc hình thành, duy trì một thói quen tốt cho học sinh luôn là một thử thách với các nhà giáo dục, nhất là những thói quen thoạt nhìn có phần đi ngược với xu thế của thời đại luôn muốn mọi thứ “nhanh, gọn, lẹ” và đề cao giá trị của công nghệ. Dù vậy, những thành quả bước đầu của trường Đinh Thiện Lý trong suốt mười một năm qua cũng là minh chứng cho việc chỉ cần có định hướng đúng đắn, sự kiên định và không ngừng có những cải tiến, nâng cao chất lượng trong quá trình thực hiện thì mục tiêu giáo dục cũng sẽ dần trở thành hiện thực.

Mười một năm hoạt động cũng là mười một năm các thế hệ học sinh trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý được hướng dẫn, rèn luyện thói quen đọc sách và ba năm được giảng dạy chuyên sâu về kỹ năng đọc hiểu theo chuẩn PISA. Phần thưởng cho những nỗ lực của thầy và trò là những tiết đọc sách đầu giờ say mê, những sản phẩm sáng tạo độc đáo, những bài thuyết trình sách chất lượng, những con số thống kê khả quan về kỹ năng đọc hiểu của học sinh. Hình ảnh học sinh, thầy cô tranh thủ đọc sách không chỉ trong khung giờ bắt buộc mà còn cả khi rảnh rỗi không còn là hình ảnh cá biệt tại trường.

Cũng nhờ định hướng và sự kiên trì thực hiện này, nhà trường gần như không gặp trở ngại lớn nào khi ngày càng áp dụng mạnh mẽ hơn cách đánh giá các môn học theo hướng vận dụng thực tế, thông qua việc cung cấp các dữ liệu cho học sinh và các em phải có khả năng đọc hiểu tốt để có thể xử lý và thực hiện yêu cầu của đề bài. Đây cũng là định hướng mà Bộ Giáo dục và Sở Giáo dục đang chỉ đạo và chú trọng hiện nay. Đặc biệt, phần thưởng quan trọng hơn nhiều là kỹ năng tự học suốt đời của học sinh và nền tảng nhận thức xã hội, văn hóa, văn minh của các em đã được khơi nguồn và hun đúc từ những trang sách đẹp. Chúng tôi tin rằng đây cũng là yếu tố góp phần lý giải sự vững vàng, tự tin và khả năng thích ứng tốt của các thế hệ học sinh trường Đinh Thiện Lý ở các môi trường học tập ở các bậc học cao hơn trong cũng như ngoài nước.

Trong giai đoạn tiếp theo, dựa trên thói quen đọc sách và kỹ năng đọc hiểu của học sinh, kết hợp với việc đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin, nhà trường sẽ tối ưu hóa thời gian để đẩy mạnh chất lượng đào tạo thông qua hình thức dạy học phân hóa.

D. KẾT LUẬN - KIẾN NGHỊ

Duy trì và phát triển văn hóa đọc của một xã hội cần được bắt nguồn từ lứa tuổi nhỏ nhất và là nhiệm vụ của cả gia đình lẫn nhà trường và xã hội. Tại trường học, học sinh cần được rèn luyện hai điều quan trọng là thói quen đọc sách và kỹ năng đọc hiểu. Để phát triển vững chắc thì điều này cần được thực hiện có chiến lược và kế hoạch thực hiện đồng bộ ở các cấp.

Chúng tôi mong rằng cùng với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới với những định hướng rõ ràng, phù hợp về những năng lực cần có cho người học, Bộ Giáo dục sẽ có những hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá, tiêu chí đánh giá các trường... để việc đọc sách, phát triển kỹ năng đọc hiểu sẽ trở thành hoạt động không thể thiếu trong nhà trường. Có như thế, các trường sẽ có thêm động lực để dành ưu tiên nhất định cho hoạt động quan trọng nhưng không dễ thực hiện này.

Ngoài nỗ lực của ngành giáo dục, để đọc sách trở thành thói quen của trẻ, xã hội cũng cần có những tác động tích cực đến các bậc phụ huynh. Chúng tôi mong rằng hội các nhà xuất bản, các phương tiện truyền thông sẽ có thêm sáng kiến như chia sẻ những cách làm hay, những ích lợi của sách, tạo ra nhiều hoạt động cộng đồng để khơi dậy văn hóa đọc, đặc biệt tại các gia đình trẻ. Nếu các bậc phụ huynh nhận thấy rõ lợi ích của việc đọc sách đủ lớn, họ mới có thể kiên trì tập luyện thói quen này cho con em.

Muốn phát triển văn hóa đọc và hình thành lại thói quen đọc sách đã đến lúc chính quyền các cấp cũng cần chú ý đến việc đầu tư cho hệ thống thư viện, một hình ảnh không thể thiếu với một xã hội gắn liền với sự hiện đại và phát triển. Hiện nay, việc đọc sách gần như tùy thuộc vào quan điểm và ngân quỹ của mỗi gia đình, chứ không phải từ việc cung cấp sách rất dễ dàng và thuận tiện, phong phú từ hệ thống thư viện trong nhà trường và đặc biệt tại các địa phương. Nếu chúng ta có thể khôi phục hình ảnh của các thư viện trước đây và nâng tầm với bộ mặt mới, đa dạng, thú vị, phong phú hơn để việc sách xuất hiện và đến với mọi người không tùy thuộc vào khả năng tài chính của mỗi người, mỗi gia đình thì việc đọc sách cũng sẽ dễ dàng hình thành hơn cho con trẻ tại mỗi gia đình và mỗi trường học.

Chúng tôi mong và tin rằng sự đồng lòng của tất cả các bên sẽ giúp cho việc hình thành thói quen quan trọng này cho đại đa số trẻ em Việt Nam nhanh chóng trở thành hiện thực. Chúng tôi tin rằng khi hình thành thói quen đọc cho trẻ cũng chính là cách chúng ta đang tiếp cho các em thêm khả năng tự thích ứng, tự học hỏi và nhờ vậy có thể thích nghi tốt hơn trước một thế giới biến động không ngừng trong hôm nay và ngày mai.



HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HOÁ ĐỌC TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC EDU

Lê Trà My *

1. LỜI MỞ ĐẦU:

Trong những năm gần đây, với sự bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn, con người có điều kiện tiếp xúc với đa dạng kênh thông tin từ truyền hình, phim ảnh, internet... và những kênh thông tin này đang dần dần lấn lướt việc đọc sách bởi sự hấp dẫn, đa dạng. Đặc biệt là đối với giới trẻ, họ bị hấp dẫn bởi thông tin từ mạng xã hội, từ các kênh truyền thông hơn là các tri thức trong sách vở. Tại Việt Nam, quá nhiều người trẻ luôn bận rộn với smartphone hoặc máy tính, thì việc tìm những sự tốt đẹp cho sự phát triển bản thân hay sự thư giãn từ một cuốn sách đã trở thành điều xa xỉ.

*Phó Hiệu Trưởng Trường TTC School Saigon

Văn hóa đọc là thái độ và cách ứng xử với tri thức sách vở. Ai cũng biết sách là một sản phẩm của xã hội, là một công cụ để tích lũy và truyền bá tri thức từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chúng ta cũng đã quá quen thuộc với câu nói nổi tiếng của nhà văn M. Gorki: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”.

Với quan điểm Sách hay như người bạn, người thầy kích thích sự tò mò và tìm hiểu thế giới xung quanh, qua đó, giúp trau dồi tri thức, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp trong tương lai. Tại các ngôi trường trong Hệ thống Giáo dục TTC, văn hóa đọc được lồng ghép ngay trong chương trình học và qua các hoạt động như cảm nhận về sách, hội sách, giới thiệu sách hay... cũng như việc đồng hành cùng các hoạt động thiện nguyện về sách với mong muốn trao yêu thương đến với các em học sinh tiểu học thông qua những trang sách cũng như lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng.

2. HÌNH THÀNH VĂN HÓA ĐỌC MỖI NGÀY TẠI TẤT CẢ CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC

Việc học tập, tra cứu kiến thức bộ môn và cuộc sống thường nhật qua kênh sách bằng hình thức đọc tuy là phương pháp truyền thống nhưng không bao giờ cũ đối với người học. Trong thực tế, nhiều trường học mong muốn đưa văn hóa đọc đến gần với học sinh, song chưa có định hướng cụ thể về cách triển khai và cơ sở vật chất, kinh phí chưa đáp ứng được nhu cầu. Thấy rõ được khó khăn đó, TTC Edu đã có những biện pháp và định hướng cụ thể, lấy “Văn hoá đọc” trở thành một trong những văn hoá đặc trưng và nổi bật của Hệ thống Giáo dục TTC nói chung và các trường phổ thông TTC School nói riêng:

2.1. Xây dựng khung chương trình đọc sách bắt buộc: TTC School luôn cân nhắc và phát triển văn hoá đọc tốt hơn cho thế hệ trẻ: Khi chưa trở thành quy định bắt buộc, học sinh không thể duy trì thói quen đọc sách suốt ba cấp học. Vấn đề không phải theo phong trào, nhìn về lâu dài, sách là phương tiện cơ bản phục vụ cho xã hội học tập, học tập suốt đời, bồi dưỡng con người toàn diện.

• Xây dựng khung chương trình định hướng cho việc đọc sách của học sinh trong toàn hệ thống: Để đội ngũ giáo viên cùng chung tay, góp sức trong việc làm cho học sinh thay đổi nhận thức về vai trò quan trọng của việc đọc, bước đầu là hình thành thói quen và hướng đến xây dựng văn hoá đọc.

• Chăm chút không gian đọc: xác định không gian đọc là yếu tố quyết định đến tâm lý “thích đọc” của học sinh, Hệ thống các trường TTC School đầu tư ngân sách rất lớn cho việc cải tạo và xây dựng không gian thư viện, đa dạng đầu sách, nguồn sách. Ngân sách đầu tư cho việc mua sách chiếm tỉ lệ lớn trong tổng ngân sách của mỗi trường.

• Các hoạt động lan tỏa văn hóa đọc: - Tổ chức mỗi ngày có 15 phút đọc truyện qua hệ thống âm thanh của nhà trường.

Mỗi tuần có 1 giờ giới thiệu sách hay. - Mỗi tháng có 1 buổi kể chuyện về đọc sách. - Nhắc đến việc đọc sách mọi lúc mọi nơi trong trường. - Khuyến khích đi nhà sách ít nhất 1 lần/tháng và mua ít nhất 1 cuốn sách hay mình thích.

- Đọc ít nhất 1 cuốn sách mỗi tuần. - Luyện tập thói quen tặng sách hay cho người thân và cho trẻ em. - Mỗi tuần 1 thành viên trong lớp nói về 1 cuốn sách mình tâm đắc - Thay vì tặng quà, thầy cô chuyển qua tặng “sách hay” mỗi tháng khi học sinh làm được điều tốt. 2.2. TTC School tổ chức các phong trào và cuộc thi về sách Tổ chức tốt các sinh họat thiết thực, sống động tại TTC School cũng là một hình thức thu hút học sinh gắn với văn hoá đọc, đặc biệt là vai trò của các quản thủ tại thư viện.

• Giới thiệu sách và giao lưu với các nhà văn: - Nhận thức rõ việc muốn học sinh đọc sách tốt thì phải chú trọng chọn những cuốn sách hay, sống động để giới thiệu với các em vào các tối thứ 2 hàng tuần trong suốt năm học. - Xây dựng đội ngũ vệ tinh là các học sinh yêu thích đọc sách làm công tác giới thiệu và khuyến khích lan tỏa văn hóa đọc.

• Tổ chức thi tìm câu hay trong sách: Để khuyến khích các học sinh đọc nhiều, tại các trường TTC School 2 lần/tháng tổ chức thi giới thiệu những đoạn văn hay, đặc sắc trong cuốn sách học sinh đã đọc. Việc này lúc đầu học sinh chỉ đọc lướt và tìm cho có lệ nhưng càng về càng đọc kỹ hơn và tìm được những đoạn thật sự hay, dí dỏm.

• Tổ chức thi cảm nhận sách, làm sản phẩm học tập từ sách: Thường niên TTC School tổ chức cho HS thi cảm nhận, làm mô hình, làm bookmark... cũng là một hình thức động viên các em đọc sách.

TTC School chú trọng đến tuần lễ đọc, mang sách đến cho học sinh những trang sách đầy hấp dẫn, trở thành sự kiện truyền thống được mong đợi của trường vào mỗi năm.

• Khuyến khích học sinh tiểu học đọc truyện chữ Hướng dẫn đọc theo lứa tuổi phù hợp với phát triển tâm sinh lý, sở thích. Mỗi tuần, học sinh tiểu học đều có giờ thư viện, tại đây học sinh chọn sách yêu thích để đọc và ghi lại trong Reading Book hoặc nghe thầy cô đọc sách và cùng nhau thảo luận, chuyện trò.

• Đối với học sinh trung học giờ thư viện tổ chức từ đầu năm học: - Chọn sách, đọc sách, thảo luận - Đi bảo tàng để đọc và học từ lịch sử. - Tổ chức buổi trình diễn báo cáo với những sản phẩm phong phú: một sáng tác, bộ phim ngắn, bài thuyết trình hùng biện về nhân vật, tác giả hay tác phẩm mình ưa thích. - Mỗi năm nội dung lại được cập nhật và đổi mới tùy theo chính sự trưởng thành của các em sau chuyến du hành từ trang sách.

3. VĂN HÓA ĐỌC TẠI TRƯỜNG TH-THCS-THPT T N PHÚ (NGÔI TRƯỜNG CỦA HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC)

Với định hướng chung của TTC Edu, trong nhiều năm học qua, Trường TH- THCS-THPT Tân Phú (Quận Tân Phú TP. HCM) luôn xác định phát triển văn hóa đọc là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác giáo dục của nhà trường. Theo đó, mục tiêu đưa sách đến gần học sinh, cán bộ nhân viên giáo viên (CBNVGV) hướng đến phát triển Văn hoá đọc được cụ thể hoá bằng những hành động cụ thể và hiệu quả: - Học sinh có 20 phút đầu giờ cố định dành riêng cho việc đọc sách. Trong khoảng thời gian này, các em sẽ chìm đắm trong không gian riêng với những quyển sách mình yêu thích, hoặc khi có những cuốn sách hay, ý nghĩa, thầy cô sẽ cho cả lớp cùng đọc chung và nêu cảm nhận chung về quyển sách đó. Giáo viên chủ nhiệm dựa vào sở thích và đặc thù riêng của mỗi lớp sẽ có nhiều hình thức đọc khác nhau: đọc sách theo nhóm, đọc trước lớp và đọc cá nhân...

- Thư viện nhà trường mở cửa từ 6h45 sáng đến 20h tất cả các ngày trong tuần. Với hơn 8.444 đầu sách khác nhau, phục vụ tối đa nhu cầu của bạn đọc, không gian mở giúp học sinh tự chọn sách đọc tại chỗ hoặc có thể mượn bất kỳ thời điểm nào. - Trạm đọc, góc thư viện xanh được Nhà trường phát triển khắp mọi nơi trong khuôn viên, từ trong mỗi lớp học, mỗi phòng nội trú cho đến từng hành lang các lầu đều bố trí các kệ sách, bàn đọc. Ở các trạm đọc, góc thư viện xanh này, các em sẽ tự tay trang trí những câu châm ngôn, danh ngôn, những câu nói nổi tiếng để lan toả niềm đam mê đọc sách. Nơi đây, còn là nơi cho các em thư giãn sau giờ học với những tạp chí, sách báo mà lứa tuổi các em yêu thích: Hoa học trò, Mực tím, Báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ...

Không gian đọc “Mở” thoải mái, tiện nghi tại các trường trong hệ thống

- Đặc biệt, trong 3 năm qua, mô hình thư viện mini tại lớp cũng là một điểm nhấn được nhà trường đầu tư và phát triển mạnh. Sách từ thư viện được đưa về các lớp theo định mức tối thiểu 1 quyển/ học sinh, các em được chọn những quyển sách các em yêu thích từ thư viện để mang về lớp.

Thư viện mini được phát triển ở mỗi lớp học

- Khuyến khích học sinh đóng góp những quyển sách của cá nhân cho tủ sách của lớp thêm phong phú. Trên mỗi phòng nội trú, nhà trường đã trang bị các kệ sách mini và phát động phong trào đọc sách, xây dựng tủ sách phòng nội trú. Tổng đầu sách học sinh tự đóng góp đến thời điểm hiện tại lên đến 1.930 đầu sách. Luân phiên cứ mỗi tháng 1 đến 2 lần, sách sẽ được điều chuyển giữa các lớp, các phòng nội trú để đầu sách của các em được thêm đa dạng và phong phú. - Việc giáo dục tinh thần “Quý sách, trân trọng sách” thông qua việc tự bảo quản các kệ sách, săn sóc các không gian đọc cũng là định hướng của Nhà trường trong công tác giáo dục học sinh. - Hoạt động giới thiệu sách mới, lan toả văn hoá đọc: “đọc để nhớ, đọc để học tập và đọc để trải nghiệm” là thông điệp mà nhà trường muốn gửi đến cho từng học sinh. Ngay từ đầu năm học, các em có những buổi sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn ngữ văn để được hướng dẫn về kĩ năng xây dựng kế hoạch đọc sách, kĩ năng đọc sách hiệu quả, kĩ năng chọn sách và cả kĩ năng ghi chép, viết lại cảm xúc và cảm nhận của mình về những đoạn văn, những câu nói hay từ những trang sách các em đọc.

- Mỗi học sinh sẽ tự trang bị một quyển sổ tay hoặc đơn giản là 1 cuốn tập để làm Nhật ký đọc sách, ghi lại những cảm nhận, cảm xúc, hoặc đơn giản là những câu nói hay, những đoạn văn các em yêu thích vào cuốn sổ này bằng những cách rất riêng như: vẽ tranh tái hiện nhân vật, sơ đồ tư duy, quy trình... Cầm những cuốn nhật ký đọc sách (NKĐS) của các em là như đến với cả một thế giới rất riêng, nhiều cảm xúc. - Năm học 2019 – 2020, trường phát triển “CLB Sách và hành động”, đây là nơi gặp gỡ của các học sinh yêu thích đọc sách và nhằm hỗ trợ thư viện trong công tác giới thiệu sách toàn trường và tìm kiếm, lựa chọn những cuốn sách hay và định kỳ.

- Xây dựng và phát triển Văn hóa đọc trong toàn thể CBNVGV – mỗi thầy cô là một tấm gương cho học sinh trong việc đọc, giờ đọc sách, cô trò cùng đọc, trong các bài học có những quyển sách tham khảo hay thầy cô hướng dẫn cho học sinh tìm đọc để bổ sung và mở rộng thêm kiến thức cho bản thân, rèn luyện từ việc đọc hướng tới việc tự học, tự nghiên cứu. - Trong những năm học vừa qua, Nhà trường tổ chức các hội thi liên quan đến việc đọc sách như “NGÀY HỘI SÁCH TẠI CÁC TRƯỜNG”, Cuộc thi “LỚN LÊN CÙNG SÁCH”, cuộc thi TRANG TRÍ VÀ X Y DỰNG THƯ VIỆN MINI lớp em – THƯ VIỆN MIN phòng nội trú... Thông qua các hoạt động này, vừa sân chơi bổ ích, kịp thời động viên nêu gương tốt các cá nhân, tập thể học sinh, đồng thời qua đó giúp cho Ban giám hiệu trường đánh giá được hiệu quả của kế hoạch hình thành thói quen ĐỌC SÁCH và xây dựng “VĂN HOÁ ĐỌC” tại trường.

- Ông Ngô Vĩnh Trường – Hiệu trưởng chia sẻ: “Không nên đóng khung kính, bỏ tủ những cuốn sách hay để giữ cho nó mới mà hãy để cho các em đọc, sách càng nhanh cũ thì chứng tỏ càng được các em yêu thích, và khi các em thích thì cuốn sách ấy sẽ mãi mới, mãi còn”.

3. TTC Edu đồng hành cùng hoạt động vì cộng đồng – “Dự án sách hay cho học sinh Tiểu học”

Nhằm lan toả thông điệp về ý nghĩa của việc đọc sách, TTC Edu phát triển dự án “Sách hay dành cho học sinh tiểu học”. Đây là dự án hướng đến đối tượng học sinh tiểu học trên địa bàn khắp cả nước. Các đầu sách được chọn lọc với nội dung đa dạng, phong phú. Tính đến nay, dự án đã triển khai và thực hiện thành công tại 34 huyện của 13 tỉnh thành với số lượng 718 trường tiểu học. Không chỉ mang đến 5.589 đầu sách truyện, tạp chí bổ ích, Ban dự án cũng đã chia sẻ với các Hiệu trưởng và nhân viên thư viện trường những cách thức để sách đến với học sinh một cách hiệu quả. Tất cả nhằm tạo nên những nền tảng quan trọng để xây dựng văn hóa đọc, từ đó, nuôi dưỡng ước mơ, tìm tòi, khám phá, không ngừng học hỏi,... cho học sinh.

4. KẾT LUẬN

Muốn nâng cao văn hóa đọc, trước hết phải xây dựng văn hóa đọc và xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc đó chính là bắt đầu từ việc hình thành thói quen đọc sách. Việc xây dựng này xin đừng chỉ giao trách nhiệm cho giới trẻ, mà là của cả một thế hệ trẻ. Hãy nhìn nhận một cách công bằng rằng việc xây dựng văn hóa đọc phải là ý thức chung của toàn xã hội, với mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi thế hệ, mỗi đơn vị cơ quan, mỗi chính quyền, mỗi thời đại.

Tại mỗi gia đình, bố mẹ mua sách về đọc cho con nghe, dần dần tự tập cho con thói quen đọc sách thì đứa trẻ sẽ lớn dần thì sở thích đọc sách được bồi dưỡng và phát triển theo năm tháng.

Tại nhà trường tiếp tục hướng dẫn cho trẻ tiếp cận với văn hóa đọc qua những biện pháp sau: tập cho chúng ý thức đọc hàng ngày; xác định và phân loại cho trẻ về mục đích đọc (theo nhu cầu, sở thích, hay phong trào, hay cần nâng cao kiến thức đi học, hoặc do tò mò muốn tìm kiểu thêm...). Thầy cô khuyến khích các em đọc thêm các giáo trình, sách tham khảo mở rộng kiến thức, tiến tới hình thành tinh thần tự học, tự nghiên cứu.

Qua 3 năm triển khai và thực hiện, “Đọc sách” đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của Hệ thống Giáo dục TTC Edu và đạt được những kết quả khả quan. Trong thời gian tới, TTC Edu vẫn tiếp tục thực hiện theo định hướng chung, mỗi trường sẽ có những giải pháp sáng tạo, thiết thựchơn nữa để mục tiêu “VĂN HOÁ ĐỌC” của nhà trường sớm đạt được.


TIẾT ĐỌC SÁCH THƯỜNG XUYÊN TẠI THƯ VIỆN, LỚP HỌC TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH LỢI ÍCH CỦA ĐỌC SÁCH VÀ PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ HỌC SINH

Huỳnh Thị Thanh Thuý - Đặng Nguyên Đức *

Tiết đọc sách đầu giờ tại lớp – nhà trường dành hẳn 20’ đầu giờ các ngày, học sinh ngồi tại lớp đọc sách, thư viện mini tại lớp do thư viện trung tâm cung cấp hoặc sách được phụ huynh, học sinh góp cho thư viện mini của lớp.

Mỗi bạn tự chọn cho mình quyển sách yêu thích, mặc dù là cấp tiểu học, nhưng việc hình thành thói quen đọc sách 30’ mỗi ngày, học sinh đã đọc được nhiều sách hơn, đa số đã đọc được sách nhiều chữ, ít hình hơn (TH Đông Hòa B, Bình Dương)

Việc đọc sách đầu giờ được lặp lại đều đặn mỗi ngày, tạo thành nếp, thói quen trước khi bắt đầu môn học đầu tiên, học sinh tự đọc dưới sự giám sát của giáo viên

*Cán bộ văn phòng Hội Xuất bản phía Nam

Đọc sách buổi sáng, khi tâm hồn con trẻ chưa bị chi phối bởi các hoạt động khác trong ngày, mỗi ngày một chút, hình thành thói quen và sự say mê đối với sách 30’ đầu giờ mỗi ngày dành cho việc đọc sách tại trường TH Đông Hòa B. Sau khi đọc xong một quyển sách hoặc tâm đắt với một câu chuyện trong sách, học sinh xung phong chia sẻ và giới thiệu để các bạn cùng tìm đọc

Bạn Vân Anh, học sinh lớp 4, giới thiệu về quyển sách “Ratatouille – Chú chuột đầu bếp”, con thích quyển sách này vì con ước mơ trở thành đầu bếp giỏi.

15’ đọc sách đầu ngày tại trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý, Quận 7

Trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý, Quận 7, nhà trường cũng dành 15’ đầu giờ để học sinh tập trung đọc sách trước khi bắt đầu tiết học ngày mới. Thói quen hình thành từ bé và phải được gìn giữ thường xuyên, đó là nguyên do tại trường Đinh Thiện Lý (cấp 2, 3) vẫn duy trì mô hình này, áp dụng từ khi thành lập đến nay.

Tiết đọc sách tại lớp (40’/tiết)

Đọc sách, thuyết trình trong tiết đọc sách tại lớp, các em lần lượt chia sẻ về quyển sách đã đọc trong tuần, theo chủ đề giáo viên đặt ra trong tuần trước: học sinh được giao nhiệm vụ về nhà đọc sách, đến tiết đọc, học sinh lên chia sẻ theo các câu hỏi gợi ý mà giáo viên đề ra như: (1) giới thiệu về tác giả, tác phẩm; (2) vì sao em lại chọn tác phẩm này để đọc; (3) em muốn chia sẻ điều gì qua các câu chuyện từ sách đã đọc; (4) các trích dẫn hay trong sách mà em ấn tượng, vì sao; (5) em có điểm nào không đồng ý với tác phẩm không; (6) em muốn nhắn nhủ gì với các bạn sau khi đọc quyển sách này?...

Học sinh lớp 6 đang thuyết trình về quyển sách mình đã đọc, các bạn học đặt câu hỏi, phản biện tại Trường song ngữ quốc tế Horizon, Quận 2

Em thích đọc quyển sách nào nhất? Em hãy chia sẻ cùng bạn điều tâm đắt nhất? Em học được bài học gì từ câu chuyện?

Tiết đọc sách tại trường TH Hùng Vương, Quận 5 Đọc sách tại lớp: học sinh tự do lựa chọn những quyển sách yêu thích, từ 20’ – 30’ học sinh dành thời gian để tập trung đọc sách, thời gian còn lại sẻ chia cùng bạn bè, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người hướng dẫn, điều phối cả lớp tập trung vào câu chuyện bạn kể để đưa ra các câu hỏi, nhận định và bài học rút ra từ sách.

Học sinh lớp 1, dù con chưa biết được hết mặt chữ, nhưng con vẫn thích hình ảnh và đánh vần, sách cho học sinh lớp 1 có độ dày vừa phải, chữ lớn, màu sắc, hình ảnh đẹp mắt.

(Trường TH Hùng Vương, Quận 5)

Tiết đọc hiểu, mỗi tuần 1 tiết tại trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (ngoài 20’ đọc sách đầu ngày) nhằm rèn luyện kỹ năng đọc hiểu: giáo viên chủ nhiệm/ bộ môn trích dẫn một câu chuyện, dẫn dắt để học sinh đọc, chia nhóm, hướng dẫn học sinh sắm vai nhân vật để đọc cho cả lớp cùng nghe, sau đó cho bài tập phân tích từng nhân vật và nhận định của học sinh về câu chuyện, nhân vật, bài học, sau đó, học sinh sẽ viết một đoạn tiểu luận ngắn về câu chuyện thông qua tiết đọc hiểu. Các câu chuyện được giáo viên dùng giảng dạy không trùng lặp lại các câu chuyện của sách giáo khoa.

Tiết đọc tại thư viện kết hợp dạy và học thông qua sách với cán bộ thư viện

Hằng tháng, mỗi lớp đều có tiết đọc tại thư viện (chủ yếu tập trung ở các bộ môn như Ngữ văn, Anh văn, Địa lý, Lịch sử, ...) thầy cô bộ môn phối hợp nguồn sách ở thư viện tổ chức tiết đọc tại thư viện, phòng đọc. Trong tiết đọc, giáo viên yêu cầu học sinh tìm hiểu, đọc sách, tra cứu và tìm kiếm dữ liệu từ sách thư viện cung cấp các thông tin liên quan đến môn học, hoặc yêu cầu học sinh đọc sách và ghi lại những cảm nhận của mình về tiết đọc.

Tiết đọc tại phòng đọc, trường THCS Nguyễn Hiền, Quận 7

PHẢN HỒI TÍCH CỰC CỦA HỌC SINH

Nhà văn Ngụ ngôn lừng danh Aesop đã nói: Từng chút từng chút một là bí quyết thành công. Và để khiến trẻ yêu thích sách, đọc sách và phát triển bản thân, chúng ta cũng phải đi từng bước, từng bước một mới có thể nhìn thấy được kết quả. Bằng sự nỗ lực, tận tâm của nhà trường, cán bộ thư viện các trường qua một thời gian dài hoạt động để tạo thói quen đọc sách cho học sinh; những quả ngọt đầu tiên đã kết trái.

Nhưng điều chúng ta thấy rõ nhất chính là sự thay đổi về hành vi của các bạn học sinh từ những sinh hoạt hàng ngày: các bạn lễ phép, cư xử với nhau thân thiện,.. cho đến thái độ với việc đọc sách: quan tâm đến giờ đọc sách hơn, các bạn xung quanh đọc sách gì, sự lựa chọn với các đầu sách: nhiều bạn bắt đầu lựa chọn đọc các tựa sách có kênh chữ nhiều hơn, các tác phẩm kinh điển thay vì truyện tranh như trước kia.

1. Không còn sợ thư viện

Có phải chăng có một căn bệnh khó chữa ở học sinh Việt Nam hiện nay đó là căn bệnh “sợ thư viện”, nhưng ở những trường mà đoàn tham quan của Hội Xuất bản Việt Nam – Văn phòng đại diện phía Nam đến thăm thì lại khác. Thư viện là một nơi thật thân thiện với các bạn học sinh, là nơi mà các bạn và thầy cô có thể cùng sinh hoạt.

Từ bao giờ, thư viện Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q8) lại là nơi chốn để thầy trò cùng sinh hoạt. - Đến thư viện, không hẳn chỉ là để mượn sách, các bạn học sinh còn đến đây để tham gia những hoạt động tập thể.

Các bạn nhỏ lớp 1 trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q1) đến thư viện để tham gia câu lạc bộ láp ráp, nhìn những gương mặt hồ hởi khi đến thư viện, nhiều người trong chúng tôi không khỏi vui mừng

Thư viện cũng trở nên là nơi yên tĩnh để học tập của các bạn học sinh Trường THCS Tùng Thiện Vương (Q8)

2. Không còn “Sợ” Sách

Chúng ta hãy thử tưởng tượng vào những giờ đọc sách, nhưng sách các em chọn lại là những quyển truyện tranh chỉ mang tính chất giải trí thì như thế nào? Đó chính là tình trạng chung trong những ngày đầu tiên các trường tổ chức cho các em đọc sách.

Đến nay, có những trường đã thực hiện đến năm thứ 4 – 5 công tác khuyến đọc cho các em, nhiều em học sinh ngay từ cấp lớp tiểu học đã lựa chọn cho mình những tác phẩm sách có giá trị và sẵn sàng chia sẻ niềm yêu thích đó với các bạn của mình khi có cơ hội.

Bạn Phương Nghi (lớp 4) – trường tiểu học Hùng Vương (Q5) chia sẻ cuốn “10 vạn câu hỏi vì sao” đến với các bạn trong lớp vì tựa sách giải thích cho bạn được nhiều điều trong cuộc sống.

Bạn Đạt (lớp 1) – Trưởng tiểu học Hùng Vương tuy đọc còn rất chậm và phải đánh vần từng chữ nhưng Đạt vẫn chọn một tựa sách với kênh chữ nhiều vì Đạt rất thích đọc sách.

Chẳng còn cần phải bắt buộc, cũng chẳng gò bó gì trong cái cách các bạn nhỏ trường THCS Tùng Thiện Vương (Q8) thưởng thức những tựa sách trong giờ ra chơi.

Bạn Vân Anh – Lớp 4 trường Tiểu học Đông Hòa B (Bình Dương) chia sẻ về ước mơ đầu bếp sau khi đọc tựa sách Ratatouille (Chú chuột đầu bếp).

Tình yêu sách ở nơi các bạn học sinh trở nên ngày một lớn hơn, sự đầu tư cho sách cũng lớn hơn và các bạn sẵn sàng để thể hiện quan điểm của mình về cuốn sách. Tạo lập cho mình tuy duy phản biện, phát triển.

Các bạn học sinh trường Song ngữ Quốc tế Horizon đầu tư hẳn bài trình chiếu điện tử để giới thiệu về tựa sách mình đọc

Tự tin với bài thuyết trình và sẵn sàng trả lời những câu hỏi “hóc búa” của các bạn trường Song ngữ Quốc tế Horizon

Việc đọc nhiều sách, các bạn học sinh trao dồi thật nhiều vốn từ, kèm theo đó là phát triển tư duy logic. Các bạn tự tin hơn, thuyết phục hơn khi nói chuyện, viết lách.

3. Sách thay đổi hành vi

“Sách là người bạn, nhưng cũng chính là người thầy”; chúng tôi có thể thấy sự rõ rệt trong hành vi và thái độ của các bạn học sinh có đọc sách và những bạn học sinh ít đọc sách hơn.

Với những bạn đọc sách, gương mặt của các bạn thể hiện sự thoải mái, cách nói chuyện cũng nhẹ nhàng và mạch lạc hơn, các bạn biết nhiều hơn nhưng cũng khiêm tốn hơn; thưa gửi cũng rất rõ ràng.

Đi qua hành lang trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (Q7) là chúng tôi “ngập trong cơn mưa lời chào” của các bạn học sinh nơi đây. Khuôn mặt đầy sức sống của các bạn khiến chúng tôi có thật nhiều năng lượng.

“Sự tiếp đón nồng hậu” của các bạn học sinh trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q1) với đoàn đến tham quan lớp học.

Đồng thời, tự giác và trách nhiệm,... những phẩm chất tốt cũng đã xuất hiện ở các bạn học sinh; tự giác đặt lại sách ở vị trí cũ, sắp xếp dày dép thật ngăn nắp khi sử dụng thư viện cũng là hành động đẹp của các em.

Nhìn những hình ảnh này, ít ai nghĩ các bạn mới là học sinh tiểu học. Hình ảnh tại thư viện trường tiểu học Trần Văn Ơn (Q11).

Các bạn học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q1) đã tự giác đặt lại những tựa sách về đúng vị trí sau khi đọc xong.

4. Các hoạt động về Sách được các bạn học sinh quan tâm

Tuy việc viết cảm nhận về sách là không bắt buộc đối với các em học sinh, nhưng thư viện các trường đã nhận được những bài cảm nhận thật dài, tuy câu văn vẫn còn lủng cũng nhưng lại đong đầy những cảm xúc muốn chia sẻ niềm vui khi đọc sách, tham gia những tiết đọc sách tại trường.

Chia sẻ cảm nhận trực tiếp sau khi đọc sách là việc làm thường xuyên của các bạn “Cây tri thức” – với những quả ngọt là tên tựa sách các bạn học sinh trường THCS Nguyễn Hiền (Q7).

Những cảm nhận sách với trang trí là nội dung trong sách của nhóm bạn học sinh trường THCS Nguyễn Hiền

Các tựa sách các em đọc ngày một nhiều lên, đó là niềm vui không siết của thầy cô tận tâm với văn hóa đọc.

Ngoài ra, các cuộc thi, các dự án cũng được các bạn học sinh chú ý tham gia rất nhiệt tình. Sản phẩm của các bạn học sinh trường THCS – THPT Đinh Thiện Lý (Q7) trong sự án “16 tôi kể” là những cuốn sách độc bản được các bạn tham gia từ khâu bản thảo đến việc in ấn và trang trí. Nhìn những cuốn sách đầy chuyên nghiệp như vậy không ai có thể nghĩ đây là sản phẩm của các bạn học sinh. Hoặc sản phẩm dự án “Em là phóng viên” của các bạn học sinh trường THCS Nguyễn Hiền (Q7) với chủ đề tôn vinh phụ nữ trong ngày 08.03...

10 LÝ DO CHÚNG TA NÊN ĐỌC SÁCH MỖI NGÀY

Việc đọc sách không chỉ là giải trí, nó mở ra cho tâm trí chúng ta rất nhiều khả năng tiềm tàng. Dưới đây là 10 lợi ích mang lại khi bạn chỉ cần đọc một vài trang sách mỗi ngày.

1. Giảm stress: Một cuốn tiểu thuyết hay có thể khiến bạn như đang được sống trong thế giới khác và đó là một liệu pháp hoàn hảo khi bị quá tải vì căng thẳng.

2. Mở rộng vốn từ: Đây là một trong những lợi ích rõ ràng nhất của việc đọc, giúp bạn trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu bạn đang cố gắng tìm những từ ngữ gây ấn tượng trong giao tiếp thì hãy đọc nhiều hơn nữa. Vốn từ phong phú sẽ làm bạn trở nên tự tin hơn và giúp ích cho sự nghiệp của bạn. Việc đọc cũng giúp bạn hiểu tốt hơn về mọi thứ khi nghe người khác nói. Bạn sẽ học ngoại ngữ tốt hơn bằng cách đọc sách.

3. Thấu hiểu người khác hơn: Đọc về những trải nghiệm và khó khăn của người khác cũng có thể làm bạn trở thành người có hiểu biết hơn, tâm rộng mở với người khác hơn. Con người thường dễ dàng phán xét những việc làm của người khác khi không thực sự hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Khi bạn đọc nhiều, bạn sẽ hiểu thêm nhiều kiểu người khác nhau, những hoàn cảnh khác nhau và dễ dàng cảm thông với người khác.

4. Nuôi dưỡng ước mơ: Sách sẽ là người bạn đồng hành tốt nhất của bạn. Đọc những cuốn sách tích cực sẽ tạo động lực cho bạn nuôi dưỡng ước mơ, tìm lại được ước mơ, có nhiều người đã vượt qua khó khăn để đến thành công như thế nào.

5. Mở rộng kiến thức: Mỗi cuốn sách bạn đọc ít hay nhiều cũng sẽ cung cấp cho bạn kiến thức mà có thể sau này bạn sẽ cần đến. Ngay cả khi bạn đọc 1 cuốn sách ít hấp dẫn thì nó cũng chứa đựng những kiến thức mà bạn sẽ sử dụng vào một thời điểm nào đó. Đó là lý do tại sao bạn thường nghe nhiều người hay nói” Tôi đã từng đọc điều này ở đâu đó rồi”.

6. Cải thiện khả năng tập trung: Sự tập trung rất quan trọng trong công việc, nếu mất đi sự tập trung bạn sẽ không hoàn thành được tốt việc gì cả. Trong thời đại bùng nổ công nghệ, có quá nhiều thứ cám dỗ khiến khả năng tập trung của con ngươi suy giảm dần. Khi đọc một cuốn sách, bạn phải tập trung vào các từ trong đó, hiểu được ý nghĩa của câu chữ cho đến khi hoàn toàn nhập tâm, việc này sẽ giúp bạn chú ý vào việc mình đang làm. Nếu thói quen này được duy trì thì khả năng tập trung của bạn với những việc khác sẽ tốt hơn.

7. Giúp bạn ngủ ngon hơn: Nếu bạn có thói quen đọc một vài trang sách trước khi đi ngủ thì bạn sẽ thấy ngủ ngon hơn. Đọc sách để thư giãn chuẩn bị cho giấc ngủ tốt hơn nhiều so với việc xem tivi hay nhìn vào màn hình máy tính, bởi vì các thiết bị điện tử có thể tác động đến thần kinh, dẫn đến mất ngủ. Vì vậy, bạn nên chọn cho mình những cuốn sách nhẹ nhàng, dễ hiểu để đọc vào buổi tối.

8. Nâng cao kỹ năng viết: Đọc sách không chỉ giúp cải thiện vốn từ mà còn nâng cao kỹ năng viết. Bạn lựa chọn những tác giả yêu thích đọc nhiều lần và bắt chước cách hành văn của họ, dần dần bạn sẽ tạo ra được phong cách viết của bản thân. trong công việc, viết tốt hơn cũng sẽ giúp bạn thăng tiến hơn.

9. Kích thích trí não: Việc đọc sẽ làm tế bào não hoạt động liên tục và giúp ngăn ngừa sự khởi phát của bệnh mất trí nhớ khi chúng ta già đi. Bộ não cũng giống như các bộ phận khác trên cơ thể, khi càng luyện tập nhiều thì càng khoẻ mạnh và làm việc hiệu quả hơn.

10. Là loại hình giải trí ít tốn kém: Bạn sẵn sàng bỏ ra một số tiền không nhỏ để đi xem phim hay xem ca nhạc nhưng chỉ có giá trị giải trí trong vài giờ. Chi phí để mua một cuốn sách đôi khi có thể đắt một chút nhưng giá trị mà nó mang lại thì vẫn rẻ hơn nhiều so với số tiền bỏ ra vì kiến thức sách mang lại bạn sẽ mang theo suốt đời. Vậy tại sao chúng ta không chọn đầu tư cho mình những cuốn sách hay và tạo ra thói quen đọc sách mỗi ngày ngay từ bây giờ?

Bài: Sưu tầm Internet


*Nguyên phóng viên thường trú tại Singapore của báo Tuổi Trẻ từ năm 2016-2019). Hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Singapore.


SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?

Nguyễn Tri Anh (Lê Nam)*

Con trai tôi tên Nguyễn Tri Hà Quang, sinh năm 2010, đang học lớp 3 (P3GR), liên tục trong ba năm Quang là học sinh người Việt Nam duy nhất trong khối lớp 3 ở trường tiểu học Farrer Park. Hai năm lớp 1 và 2 cháu luôn là học sinh nằm trong top 3 của lớp và được tuyên dương trước toàn trường. Gia đình luôn bên cạnh

Hồi ở Việt Nam đến 3 tuổi Quang mới đi học mẫu giáo nhưng khi đó cháu cũng đã đọc được tiếng Việt mà không phát ráp vần. Tết thiếu nhi 1/6/2013, Quang đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ chơi và đã làm các đồng nghiệp của bố ngạc nhiên khi có thể đọc tất cả tít lớn của trang 1 báo Tuổi Trẻ. Khi còn nhỏ trong các đồ chơi mua về chúng tôi (ông bà và bố mẹ) nhận thấy Quang có xu hướng thích chơi các chữ nhiều màu, đặc biệt là loại mềm có thể gắn cả vào bồn tắm, các flash card có chữ... chúng tôi chủ động chỉ cho con thêm các chữ cái, cách ráp vần... mọi chuyện nhẹ nhàng như chơi với con.

Từ khi cháu tự đọc được chữ tiếng Việt, Quang có thói quen tìm đọc bất cứ cái gì có thể đọc được. Cũng như phần lớn mọi người chúng tôi chọn các clip dạy tiếng Anh trên Youtube cho Quang xem (vài ba lần trong ngày, mỗi lần chỉ 2-3 clip, tổng thời gian chỉ khoảng 15 phút) và cung cấp cho Quang sách để con đọc. Đến năm hơn 4 tuổi, chúng tôi cho cháu đi học tiếng Anh dành cho trẻ em ở Trung tâm ILA. Với khả năng đọc trước các bạn cùng tuổi nên kỳ kiểm tra đầu vào Quang được chọn nhảy 2 lớp. Trong quá trình học trong khóa, cháu tiếp tục nhảy lớp thêm 2 lần nữa, mỗi lần 1-2 lớp, cho đến khi đi sang Singapore cùng bố mẹ thì Quang đã có lưng vốn tiếng Anh của trẻ em, một chút tiếng Hoa và khả năng nghe nói đọc viết tiếng Việt của trẻ em lớp 1. Đến nay cháu có thể nghe nói đọc viết được ba ngôn ngữ: Việt-Anh-Hoa tương tương nhau.

Theo dõi Quang thì thấy con có những giai đoạn đặc biệt quan tâm đến những chủ đề khác nhau, chúng tôi chủ động khuyến khích cung cấp sách và cho con cơ hội tiếp cận với các chủ đề đó trong khả năng tốt nhất của gia đình có thể, để con có thêm hứng thú tìm tòi thông tin và đọc thêm sách.

Hồi mới biết đọc Quang rất thích đọc về Hệ ngân hà (Galaxy), hành tinh sau đó là Khủng long. Chúng tôi tìm mua tất cả các sách liên quan bằng tiếng Anh và tiếng Việt cho con đọc. Quang gần như thuộc nằm lòng các thông tin về hành tinh, kích thước... và gần như lúc nào cũng nói về Hệ Ngân hà. Khi đưa các con sang Mỹ chơi, chúng tôi lái xe đưa con đến Trung tâm vũ trụ NASA (bang California) để Quang tận mắt nhìn thấy một phần những gì con đã đọc: tàu vũ trụ, đá từ mặt trăng, bộ đồ nhà du hành... các nghiên cứu của NASA, đưa con vào công viên quốc gia Yosemite xem các hóa thạch gỗ, rừng nguyên sinh, sông băng (Glacier)... để con cảm nhận một phần thiên nhiên mà con đã được đọc.

Sang Singapore được hơn 1 năm, tôi bắt đầu dạy cháu học cờ vua đồng thời mua sách học đánh cờ vua (tiếng Anh, tiếng Việt) cho cháu tự đọc. Một thời gian ngắn sau, tôi đã không thể đánh thắng cháu như trước. Tôi tìm thầy dạy cho Quang, mỗi tuần 90 phút. Quang đọc liên tục các sách dạy đánh cờ, các thế cờ... rồi tham gia thi Giải cờ vua. Sau khi học đến tháng thứ năm, Quang tham gia giải cờ vua Queenstown CC Chess Club Championship 2018 lần thứ 41 đứng hạng 6 giải U8, Quang sau đó cũng tham gia vài giải nữa cũng có vài giải trong top 6. Giai đoạn này cháu chỉ đọc toàn các sách về cờ vua bằng tiếng Anh-Việt do thầy tặng, bố mẹ mua và mượn của bạn.

Hơn một năm nay Quang chuyển sang thích bóng đá. Trong danh mục sách đọc trên website myon.com.sg (một website đọc sách mà trường bắt buộc phải đọc) có đến hơn 60% danh mục sách Quang đọc là thể thao. Tôi khuyến khích con bằng việc cùng chơi và chỉ con các kỹ thuật bóng đá, cùng con xem các trận đấu bóng đá và đưa con vào sân bóng để xem một trận đấu thật sự. Quang đã được vào sân Hàng Đẫy (Hà Nội) xem trận Việt Nam thắng Campuchia 3-0 trong giải AFF Cup (9/2018), vào sân Jalan Besar (Singapore) xem trận Hà Nội FC hòa với Tampanies Rover (1-1) hồi tháng 3/2019 vòng loại AFC Cup 2019... Giờ thì Quang là fan ruột của Barcelona, thuộc rất nhiều thông về bóng đá, về các câu lạc bộ, giải đấu bóng...

Lần nào nghỉ hè về Việt Nam, chúng tôi cũng mua theo một số đầu sách tiếng Việt để sẵn ở nhà cho các cháu đọc. Đi đâu nhìn thấy sách hay, phù hợp chúng tôi đều mua về cho con. Lần mua nhiều nhất là chuyến đi từ Mỹ về Singapore hè năm 2018, chúng tôi đã mua gần 40kg sách từ một buổi bán sách từ thiện (sách trẻ em còn mới, được bán nửa giá hoặc bán tượng trưng). Sáng sớm đó, chúng tôi lái xe đến sớm nhất và xếp hàng đầu tiên. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ lựa sách, chúng tôi đã khệ nệ mang ra được cơ man nào là sách cho các con.

Hằng ngày nếu không quá bận rộn công việc, buổi tối, cả bốn chúng tôi cùng đọc sách và tài liệu. Chúng tôi hạn chế sử dụng điện thoại và máy tính trong thời gian các con đọc sách hoặc cùng các con nói chuyện về một ngày học ở trường. Bốn thành viên, mỗi người một cuốn, thời gian đọc tùy nhưng cũng ít nhất 20 phút. Khi đi máy bay các con luôn tự có thói quen mang theo sách để đọc và giết thời gian.

Thói quen đọc sách của Hà Quang cũng làm một hình mẫu cho em gái Hà Minh hơn 4 tuổi, bắt chước theo. Dù chỉ mới nhận ra mặt chữ tiếng Anh, một vài nét chữ tiếng Hoa và mặt chữ tiếng Việt nhưng Minh cũng hay ngồi lấy sách của mình ra xem trong lúc anh Hai đọc sách. Đồng thời đề nghị bố hoặc mẹ, và cả anh đọc sách cho mình nghe.

Tầm quan trọng của nhà trường

• Dần thiết lập thói quen đọc sách cho trẻ trong thời gian học ở trường. Hồi lớp 1 và lớp 2, ở trường tiểu học Farrer Park Hà Quang và các học sinh buộc phải hoàn tất reading log (tạm hiểu tờ giấy mà học sinh sẽ ghi thông tin các cuốn sách đã đọc: bao gồm tên sách, tác giả, số lượng trang, ngày bắt đầu đọc, ngày kết thúc...) trong một học kỳ (ở Singapore một năm học có bốn học kỳ). Một reading log tối đa 25 cuốn. Khi nào đọc xong 25 cuốn sách học sinh sẽ nộp lại cho cô giáo và đề nghị đọc thêm sách hoặc thôi. Cô sẽ tìm trên mạng cuốn sách này và kiểm tra ngẫu nhiên với học sinh về nội dung các cuốn sách mà con đã đọc.

• Trong tuần trường sẽ chọn những ngày riêng dành để tất cả các thành viên trong lớp đều cùng nhau đọc sách. Ngày thứ hai cô giáo đọc cho cả lớp nghe một cuốn sách nào đó. Thứ ba, thứ tư, thứ năm các bạn sẽ cùng đọc cho nhau nghe cuốn sách mà mình thích cho cả lớp nghe và viết cảm tưởng về cuốn sách, điều mình cảm nhận từ cuốn sách đó cho các bạn và cô giáo.

• Thư viện trường cung cấp vô cùng đa dạng sách cho học sinh theo sở thích và điều bắt buộc là trong cặp các học sinh luôn có ít nhất một cuốn sách để đọc mỗi khi rảnh ở trường. Mỗi sáng trước khi chào cờ, hát quốc ca, khi học sinh chưa được phép vào lớp, các học sinh ngồi ở căntin, hành lang trường tay mở sách đọc. Hình ảnh học sinh trong thời gian nghỉ giải lao tay cầm cuốn sách nhỏ... không hiếm thấy trong sân trường. Học sinh đọc sách và yêu thích nhân vật nào đó trong cuốn sách sẽ được thầy cô, phụ huynh hỗ trợ để học sinh hóa trang thành nhân vật đó và cùng các bạn tham gia sự kiện Character Day (tạm hiểu là ngày của các Nhân vật) ở lớp và của cả trường. Ngày đó ở sân trường và lớp như một sân khấu kịch với vô vàn nhân vật với biết bao trang phục (mua hoặc tự sáng tạo từ vật liệu). Các nhân vật phải trình diễn và trình bày về đặc điểm đặc biệt của nhân vật mà mình chọn hóa trang.

• Toàn bộ học sinh của trường được chia thành 4 nhà: nhà chim ưng, chim cắt, nhà chim bói cá, nhà đại bàng. Các học sinh trong lớp cũng được chia nhau vào một trong bốn nhà này. Các học sinh buộc phải mượn sách từ thư viện, đọc được số lượng sách nhất định sẽ được cộng một số điểm nhất định cho nhà mà mình là thành viên. Vừa buộc phải mượn và đọc một số lượng sách thì học sinh mượn nhiều hơn sẽ được khuyến khích. Một cuốn sách mỗi học sinh sẽ được cộng 0,5 điểm cho nhà mình là thành viên. Điểm đọc sách sẽ là thi đua cho toàn trường trong cả năm. Cá nhân các học sinh đọc nhiều sách cũng được giáo viên và trường tuyên dương trước lớp, trước toàn trường và có quà tặng.

• Ở Singapore một năm học bắt đầu từ 2/1 hằng năm và có bốn học kỳ, có hai kỳ nghỉ ngắn 10 ngày và hai kỳ nghỉ dài 5 tuần. Giữa các kỳ nghỉ ngắn học sinh phải đọc ít nhất 10 quyển sách, kỳ nghỉ dài phải đọc ít nhất 25 quyển sách và phải làm reading journal (nhật ký đọc sách: bao gồm tên sách, tác giả, số lượng trang, ngày bắt đầu đọc, ngày kết thúc...)

• Đến lớp 3, Quang được trường yêu cầu sử dụng iPad cho các hoạt động làm bài tập, học và đọc sách. Việc tương tác với iPad chiếm 55-60% tổng số thời gian và khối lượng bài tập, sách đọc của Quang trong năm. Phụ huynh sẽ được trường cấp cho một phần mềm (do trường trả tiền mua) để kiểm soát việc sử dụng iPad này của con trong việc sử dụng và có thể can thiệp bất cứ lúc nào. Trong các trang web, phần mềm ứng dụng thì Quang hay đọc trên website myon.com.sg. Cô giáo và phụ huynh cũng có thể kiểm tra đầu sách, số lượng sách, thời gian đọc, số trang mà con mình đã đọc trong ngày, tuần, tháng... trên myon.com.sg. Chẳng hạn tháng 3/2019, Quang có tổng thời gian đọc trên myon.com.sg là 141 phút, 45 cuốn sách và 839 trang, trong đó gần 70% là thể thao, chưa kể những cuốn sách mượn từ thư viện trường và từ tủ sách ở nhà mà chúng tôi mua. Ngay thời điểm 17:52 phút chiều ngày 5/4/2019, website myon.com.sg cho biết có 90 cuốn sách đang đọc tại thời điểm đó, mới có năm ngày của tháng 4/2019, mà đã có 1.148.200 cuốn sách được các học sinh toàn Singapore đọc với tổng cộng 260.197 giờ đọc.

Ảnh chụp màn hình phần mềm đọc sách myon.com.sg

• Ở một số trường tiểu học mà chúng tôi đã từng đến, việc khuyến khích đọc sách trở thành những khẩu hiệu, tranh vẽ trên tường... ở các cầu thang, nơi các học sinh dễ nhìn thấy. Có những trường còn để các bảng tuyên dương học sinh đã đọc nhiều sách trong tháng, kèm thông báo quà tặng của nhà trường.

• Singapore xếp thứ nhất trong chương trình 2015 về Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment (Pisa) về khả năng đọc sách, tuy nhiêu quốc gia này còn có thể làm nhiều hơn để giúp những học sinh có trình độ thấp học đọc - và có thể đọc tốt. Trong khi năm 2011 các học sinh lớp 4 của Singapore chỉ chiếm vị trí thứ 4 trong cuộc thi quốc tế về khả năng đọc tốt của học sinh trong tổng số 45 hệ thống giáo dục tham gia. Năm 2018 các học sinh lớp 4 của Singapore leo lên vị trí thứ hai trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, về mức độ học sinh đọc tốt trong cuộc thi tương tự.

• Báo Straits Times (nhật báo tiếng Anh lớn nhất của Singapore) cho biết trong các cuộc phỏng vấn của Nhóm học thuật và ngôn ngữ tiếng Anh thuộc Viện Giáo dục Quốc gia, Đại học Công nghệ Nanyang (Nanyang Technological University) thực hiện, các học sinh đến từ những gia đình không thích đọc cho biết việc giáo viên đọc hoặc nhìn thấy những người khác đọc sách đã khuyến khích những học sinh này đọc sách ở trường tiểu học.

• Theo các chuyên gia giáo dục Singapore, ba yếu tố rất quan trọng để khuyến khích việc đọc ở trường là:

- Thứ nhất, điều quan trọng là nhà trường phải tập trung vào việc đọc, khuyến khích các em tham gia đọc để tìm thấy niềm vui và không chỉ đọc vì thành tích. Rất nhiều các học sinh được khảo sát cho biết rằng họ rất thích đọc vì đọc là niềm vui hơn là vì lý do đọc để hiểu biết điều gì đó. Để rèn luyện thói quen đọc sách, học sinh cần xem việc đọc là một điều gì đó thú vị. Nếu họ thấy việc đọc là thú vị, họ sẽ dành nhiều tham gia vào việc đọc nhiều hơn, dẫn đến tăng khả năng thành thạo trong việc chọn lựa sách đọc và thành thục trong việc đọc sách. - Thứ hai, thời gian cần được dành riêng cho việc đọc và các hoạt động liên quan đến việc đọc ở trường, cho dù trong giờ tập hợp buổi sáng hay trong giờ học. Trong hai nghiên cứu triển khai ở các trường khác nhau cho thấy một số học sinh khẳng định đọc hàng ngày vì trường đã tạo ra một môi trường im lặng kéo dài trong suốt buổi sáng trước giờ chào cờ. Trong khi ở trường không tạo một khoảng không gian và thời gian cố định yên tĩnh cho việc đọc thì học sinh có trình độ đọc thấp hơn hẳn. - Cuối cùng, thư viện trường học nên được tích hợp vào chiến lược đọc của trường. Cuộc khảo sát cho thấy trong khi hầu hết học sinh thích đọc ở nhà, thì nhiều sinh viên tham gia khảo sát thích đọc ở trường hơn ở nhà. Điều này có thể là do họ thiếu môi trường gia đình thuận lợi để đọc.

Hệ thống thư viện quốc gia ở Singapore (Có tổng cộng 22 thư viện trên toàn quốc) cũng hỗ trợ rất nhiều việc đọc sách của trẻ em. Ngoài việc có khu vực riêng với nhiều đầu sách bày trí đẹp, bắt mắt ngay tại tầng 1 (Các khu vực đọc của người lớn ở tầng trên).

Các thư viện này luôn có chương trình đọc sách cho trẻ em vào cuối tuần và kêu gọi tình nguyện viên tham gia chương trình này. Tuy nhiên trong hơn 3 năm sinh sống và làm việc ở đây, gia đình chúng tôi dù đã liên tục email xin đăng ký làm tình nguyện viên đọc sách cho trẻ em nhưng chương trình luôn trong tình trạng “fully book”.

Học sinh, chỉ cần thẻ học sinh (thẻ tích hợp để mượn sách, đi xe buýt, tàu điện ngầm...) chỉ cần đăng ký khá đơn giản và scan thẻ trước máy có thể mượn sách về nhà đọc khá dễ dàng.


ĐỌC NHIỀU, ĐỌC RỘNG VÀ ĐỌC CÙNG NHAU BÀI HỌC TỪ SINGAPORE

Nguyễn Thanh Tuấn *

Là xã hội coi “Học tập suốt đời” là phương châm phát triển nhân lực, Singapore chú trọng rất sớm vào việc tìm hiểu và thúc đẩy văn hóa đọc/ kỹ năng đọc trong hệ thống giáo dục. Từ 1983, Bộ Giáo dục Singapore đã có dự án nghiên cứu chi tiết về kỹ năng đọc - hoàn tất bởi nhà nghiên cứu Ng Seok Moi vào năm 1987. Kết quả của nghiên cứu này dần được áp dụng vào chương trình dạy đọc REAP cho các lớp cấp I từ 1985.

Tới giữa những năm 2000, Singapore tiếp tục có những chương trình nghiên cứu về việc cải thiện kỹ năng đọc cũng như xây dựng tình yêu với sách từ sớm cho trẻ. Vào năm 2010, Chương trình Chiến lược về dạy và đọc tiếng Anh (Stellar) dạy về ngữ pháp, từ vựng cho trẻ chủ yếu trên các cuốn truyện và câu chữ viết của trẻ thay vì dựa vào sách giáo khoa như trước. Đây được coi là một trong những thay đổi lớn trong việc dạy kỹ năng đọc ở Singapore.

Nghiên cứu của tổ chức IEA về Tiến bộ đọc quốc tế (PIRLS) năm 2001 đánh giá học sinh Singapore nhìn chung có kỹ năng đọc tốt hơn các nước có điều kiện tương đương và không có tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Với những học sinh Singapore nói tiếng Anh ở nhà, nhờ rèn việc đọc, kỹ năng tiếng Anh của học sinh Singapore thậm chí tốt hơn cả những nước nói tiếng Anh như Canada hay New Zealand. Năm 2016, Singapore đứng thứ nhì thế giới trong cuộc kiểm tra của PIRL (sau Nga, trên Phần Lan) về kỹ năng đọc.

Giờ đọc sách của trẻ trong trường cấp 1 ở Singapore. Ảnh: Straitstimes. “Silent reading” trước giờ học, đọc sách mỗi lúc rảnh

Mấu chốt của văn hóa đọc thành công ở Singapore tôi nghĩ xuất phát nhiều từ trường học – đặc biệt là từ việc dạy rất sớm kỹ năng đọc và tình yêu với sách cho trẻ.

*Thư ký tòa soạn báo Zing.vn

Ở hầu hết các trường cấp 1, giờ học hàng ngày các trẻ luôn bắt đầu bằng việc tập trung vào hội trường để “silent reading” (đọc trong im lặng) trong 15 phút trước khi chào cờ và vào lớp. Các bé từ lớp 3, lớp 4 thì bắt đầu được hướng dẫn đọc báo để tiếp cận tin tức hàng ngày. Nhiều trẻ vào lớp 1, lớp 2 đã đọc được Harry Porter bản chữ (đây là cuốn khó, không phải dễ đọc – NV). Có những bé lớp 2 đã bắt đầu nghiền ngẫm về Explore Mummy (khám phá về xácướp) hay các cuộc phiêu lưu “The Complete Adventures of Charlie and Mr. Willy Wonka” của Roald Dahl. Có bé mới học lớp 3 mà đã bắt đầu đọc kịch Shakespeare, vốn khó ngay kể cả với sinh viên đại học.

Các phụ huynh mà tôi trao đổi ở Singapore cho biết việc bé thích đọc sách hay không một phần lớn là do cha mẹ nữa – cha mẹ biết cách tạo niềm vui cho trẻ trong việc đọc rất quan trọng (hoặc dành thời gian hàng ngày đọc với trẻ, tạo không gian nhiều sách ngay tại gia đình,...).

Các thầy cô ở trường hàng tuần dẫn các bé vào thư viện để hướng dẫn lựa sách để đọc, hướng dẫn các bạn tìm sách thích hợp. Các bé đọc xong thì khuyến khích các bé viết cảm nhận, suy nghĩ về các câu chuyện đó.

TS. Lê Hồng Hiệp làm tại Singapore nói con anh lên lớp 3 không còn silent reading nhưng trường yêu cầu bé ngày nào cũng phải mang một cuốn sách theo đểbất cứ lúc nào cần tập trung hoặc không có việc gì làm thì lôi sách ra đọc. Kỹ năng đọc của bé rất tốt nên dù chỉ mới lớp 3, bé chỉ cần 1-2 ngày là đọc xong một cuốn sách dày cộp. Việc học đọc của các bạn trẻ bắt đầu rất sớm. Phần lớn 4-5 tuổi đã thuộc bảng chữ và có thể đọc được. Đương nhiên trong xã hội Singapore thì anh Hiệp sẽ phàn nàn là quá cạnh tranh và con anh ít thời gian để chơi.

Với từng độ tuổi, trường sẽ đưa ra danh sách sách đọc hàng năm cho các cháu - nhưng rất khuyến khích đọc sách mà các cháu thích. Các trường hàng tháng thường có các hội chợ sách nhỏ để phụ huynh có thể dẫn học sinh tới coi và mua sách.

Trong trường cũng có thư viện, các bé có thể đăng ký mượn hoặc mua sách. Một điểm nữa là thư viện và hiệu sách ở Singapore thường rất thân thiện với trẻ em và những người tới tiệm nên phần lớn cha mẹ cuối tuần đều dẫn con đi tiệm sách.

Một số trường thường cắt những tin tức quan trọng dán lên tường cho các em đọc nên nhiều bé thích xem tin tức và đọc báo từ nhỏ. Sau khi đọc xong các bé lên lớp có thể thảo luận được với thầy cô và bạn bè. Ở trường cũng hướng dẫn các em rất nhiều về các nhân vật lịch sử.

Lúc lớp mẫu giáo và lớp 1 sẽ có giờ story time để: (1) cô và các bé cùng đọc sách; (2) một bạn/cô đọc truyện to trước cả lớp. Lớn lên chút thì các bé sẽ đọc và tới giờ học thì sẽ kể lại câu chuyện. Và giờ Story time của bé ngày nào cũng có khi lớp mẫu giáo và lớp 1. Lớn lên, các bé sẽ tự đọc sách.

Tại các trường, các giáo viên thường xuyên tìm các cách mới để thúc đẩy trẻ yêu thích môn đọc. Các bé lớp 1 mà học yếu có thể sẽ được một bạn lớp lớn hơn kèm/hướng dẫn và giải thích câu chữ để giúp bé tiến bộ. Phong trào “Read More, Read Widely”

Gần đây nhất, phong trào đọc toàn quốc của Singapore (National Reading Movement) được bắt đầu từ 2016 và sẽ thực hiện trong 5 năm với mục tiêu giúp người

(nguồn: BỘ PHẬN SỰ KIỆN ĐƯỜNG SÁCH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - 2019)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com