Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? - XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG

Mục lục
Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?
XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG
TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN ẤU THƠ Nguyễn Nhật Ánh*
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON
GẮN VĂN HÓA ĐỌC VỚI GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN VĂN ƠN, QUẬN 11, TP. HCM
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HÒA B – THỊ XÃ DĨ AN – TỈNH BÌNH DƯƠNG
MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM
DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HORIZON
CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ
HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HOÁ ĐỌC TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC EDU
TIẾT ĐỌC SÁCH THƯỜNG XUYÊN TẠI THƯ VIỆN, LỚP HỌC TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH LỢI ÍCH CỦA ĐỌC SÁCH VÀ PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ HỌC SINH
SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?
ĐỌC NHIỀU, ĐỌC RỘNG VÀ ĐỌC CÙNG NHAU BÀI HỌC TỪ SINGAPORE
Tất cả các trang


XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG

Nguyễn Thị Ngọc Minh*

Dẫn nhập Hành vi đọc là một hành vi mang tính xã hội, được hình thành do những ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Có rất nhiều yếu tố trong môi trường ảnh hưởng đến hành vi đọc của một con người: gia đình, nhà trường, truyền thông xã hội, các thiết chế xã hội khác như thư viện, nhà sách, nhà xuất bản... Trong đó, gia đình và nhà trường là những môi trường đầu tiên và quan trọng nhất đối với việc hình thành thói quen đọc của trẻ. Theo nhà phân tâm học người Áo S. Freud, sáu năm đầu tiên trong cuộc đời là giai đoạn quyết định nhân cách của một con người, do đó, những gì tác động đến con người trong giai đoạn ấu thơ này sẽ vĩnh viễn in dấu trong con người suốt thời kì trưởng thành.

Theo nhà giáo dục học người Ý Maria Montessori, sáu năm đầu tiên trong cuộc đời được coi là thời kì mẫn cảm của trẻ, thời kì mà trí tuệ của trẻ được ví như một miếng bọt biển có khả năng thẩm thấu vô hạn vô vàn những kích thích từ môi trường bên ngoài. Theo Glenn Doman, người khởi xướng tư tưởng giáo dục sớm, sự học hỏi của trẻ bắt đầu từ ngay khi đứa trẻ sinh ra, thậm chí sớm hơn, vào thời kì trẻ còn đang ở trong bụng mẹ. Theo nhà tâm lý giáo dục nổi tiếng Jean Piaget, trí thông minh của con người không phải là bất biến và quá trình phát triển nhận thức của trẻ là do sự phát triển nội tại của cơ thể và sự tương tác không ngừng với môi trường bên ngoài, trong đó những giai đoạn đầu tiên trong cuộc đời sẽ tạo nền tảng cho những giai đoạn tiếp theo. Những nghiên cứu khoa học này đều cho thấy sự ảnh hưởng to lớn của những môi trường đầu tiên đối với sự hình thành năng lực và nhân cách một con người.

Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội hiện nay, có một thực trạng rất đang lo ngại là sự suy giảm của văn hóa đọc ở trong chính những môi trường đầu tiên đó – gia đình và nhà trường, bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như sự thiếu hụt về thời gian chăm sóc con cái của cha mẹ, do áp lực ngày càng lớn của công việc, thói quen sử dụng smart phone và các thiết bị điện tử, sự quá tải của các hoạt động ở trường học dẫn đến việc thiếu hụt thời gian ưu tiên cho việc đọc, sự thiếu ý thức về tầm quan trọng của việc đọc đối với sự phát triển của trẻ,... Báo cáo của chúng tôi nhằm chỉ ra những cơ chế tâm lý của việc hình thành thói quen, các yếu tố tác động tới thói quen đọc cho trẻ trong gia đình và nhà trường và một số biện pháp để giúp các bố mẹ và thầy cô giáo có thể nuôi dưỡng và thúc đẩy thói quen đọc của trẻ.

*Giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội Sáng lập và điều hành dự án Phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra

1. Vai trò của thói quen và cơ chế hình thành thói quen đọc của trẻ trong gia đình

Trong Tâm lý học, thói quen (habit) được dùng để chỉ tiến trình mà trong đó các tình huống dẫn tới hành động một cách tự động, thông qua việc kích hoạt một loạt những hành vi có điều kiện bằng các kích thích lặp lại từ môi trường bên ngoài. Không giống với các hành vi có chủ ý khác, các thói quen thường vận hành một cách tự động, không qua sự kiểm soát của ý thức. Vì thế, thói quen có một sức mạnh vô cùng to lớn, giúp tiết kiệm năng lượng của não bộ và thậm chí còn đóng vai trò như một “bản chất thứ hai” của con người.

Tác giả Charles Duhigg trong cuốn Sức mạnh của thói quen cho rằng, thói quen được hình thành dựa trên một vòng lặp ba bước mà ông gọi là vòng lặp thói quen (habit formation loop), bao gồm: sự gợi ý, hành động và phần thưởng. Trong đó, “sự gợi ý như một nút bấm sẽ đưa não bộ vào trạng thái tự động và lựa chọn thói quen để sử dụng. Sau đó, một hoạt động có thể thuộc về thể chất, tinh thần hay cảm xúc diễn ra. Cuối cùng, phần thưởng xuất hiện sẽ giúp não bộ xác định vòng lặp đó có cần ghi nhớ để sử dụng sau này không”. Qua thời gian, vòng lặp đó trở nên tự động hóa và trở thành thói quen của con người1.

Charles Duhigg cũng chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sự gợi ý và phần thưởng. Ông phân tích thí nghiệm của Schultz về con khỉ Julio. Khi Julio đã có thói quen nhấn cần gạt (gợi ý) để có được nước quả (phần thưởng), não bộ của nó tiết ra một hoocmon hưng phấn làm con khỉ cảm thấy hạnh phúc. Ngược lại, khi không có nước quả, một mô hình mới hình thành trong não bộ của nó: sự thèm muốn. Khi chúng ta kết hợp gợi ý với phần thưởng nhất định, sự thèm khát thuộc về tiềm thức xuất hiện trong não và bắt đầu vòng lặp thói quen.

Thói quen đọc của trẻ, cũng như bất kì thói quen nào khác của con người, cũng được vận hành trên cơ chế này. Vòng lặp của thói quen đọc bắt đầu từ khi đứa trẻ tiếp xúc với một sự gợi ý từ môi trường (một cuốn sách hay mà chúng được bố mẹ hoặc thầy cô đọc cho nghe, một hiệu sách hấp dẫn kích thích sự tò mò, một câu hỏi hóc búa của thầy cô giáo khiến chúng buộc phải đọc sách để trả lời...), được tiếp diễn khi đứa trẻ bắt đầu thực hiện hành vi đọc, và được tiếp tục duy trì khi đứa trẻ nhận được một phần thưởng tinh thần hay vật chất từ hành động đọc của mình. Nếu quá trình này được lặp lại liên tục, nhiều lần, với một nhịp độ nhất định, nó sẽ dần hình thành nên thói quen đọc của trẻ. Và thói quen này khi đã ăn sâu vào tiềm thức, trở nên tự động hóa, thì sẽ trở thành một động lực bên trong, thôi thúc đứa trẻ đọc mà không cần tới bất cứ một sự ép buộc hay khích lệ nào.

Thói quen đọc được hình thành từ sớm trong gia đình và nhà trường sẽ có tác động rất sâu sắc tới sự phát triển của ngôn ngữ, trí tuệ và cảm xúc của trẻ trong quá trình phát triển sau này. Thí nghiệm của Nagy và Herman vào năm 1987 cho thấy, có một

1 Charlie Duhigg, Sức mạnh của thói quen, Nhà xuất bản Lao động xã hội, năm 2013.

Sự gợi ý

Phần Hành thưởng động Hình 1: mô hình vòng lặp thói quen của Charles Duhigg

mối liên hệ mật thiết giữa thời gian đọc của trẻ và lượng từ vựng cũng như kết quả học tập của chúng. Những đứa trẻ dành thời gian đọc trung bình 20 phút một ngày sẽ thu được 1.800.000 từ một năm và thường đạt kết quả loại A trong học tập, trong khi những đứa trẻ đọc trung bình 5 phút một ngày chỉ thu được 282.000 từ một năm và thường chỉ đạt kết quả học tập loại B. Những đứa trẻ chỉ đạt kết quả loại C trong học tập chỉ đọc trung bình một phút một ngày, và chỉ thu được một lượng từ vựng ít ỏi – 8000 từ một năm.

Giả thiết đầu vào của Stephen Kreshen cho rằng, năng lực ngôn ngữ của trẻ được quyết định bởi những gì mà trẻ nghe, xem, đọc, những thứ mà ông gọi là đầu vào (Input) của ngôn ngữ, trong đó, đọc là kênh quan trọng nhất. Nghiên cứu của Raymond Mar, một nhà tâm lý học của trường Đại học York, Canada và Keith Oatley, giáo sư danh dự ngành Tâm lý học nhận thức của trường Đại học Toronto chỉ ra, việc đọc, đặc biệt là đọc các tác phẩm văn chương hư cấu có khả năng làm gia tăng năng lực thấu cảm của con người, giúp con người hiểu hơn về chính mình cũng như về người khác, để từ đó có cách ứng xử tử tế hơn.

Nghiên cứu của Naomi Brown vào năm 2013-2015 trên 429 sinh viên thuộc 5 nước khác nhau đã chỉ ra rằng, 92% sinh viên tập trung hơn khi đọc sách giấy, trong khi đó họ có xu hướng nhảy cóc 27 lần một giờ khi đọc trên các thiết bị điện tử. Các nghiên cứu khoa học trên đã chỉ ra, việc đọc sách có tác dụng làm gia tăng khả năng ngôn ngữ và cải thiện kết quả học tập, phát triển năng lực thấu cảm và góp phần hình thành nhân cách, gia tăng năng lực tập trung và ghi nhớ của con người. Một đứa trẻ có thói quen đọc từ nhỏ cũng sẽ có kĩ năng đọc viết tốt và dễ dàng thích ứng với môi trường học đường, ham hiểu biết và có khả năng tự học tốt. Vì thế, việc xây dựng thói quen đọc trong gia đình là một công việc vô cùng quan trọng và cần thiết.

2. Xây dựng môi trường sẵn sàng cho việc đọc của trẻ trong gia đình và nhà trường

Như trên đã nói, yếu tố đầu tiên trong vòng lặp thói quen theo mô hình của Charles Duhigg là sự gợi ý. Trong vòng lặp hình thành nên thói quen đọc, sự gợi ý này chính là một môi trường khuyến khích việc đọc và sẵn sàng cho việc đọc của trẻ. Có rất nhiều cách thức khác nhau để có thể tạo nên một môi trường vẫy gọi để dẫn dắt hành vi đọc của trẻ, trong gia đình và nhà trường.

Thứ nhất, cần phải tạo nên một không gian đọc thân thiện trong gia đình và nhà trường. Không gian này cần được đặt ở vị trí trung tâm, gần với nơi trẻ thường xuyên qua lại và thuận tiện cho sự tiếp cận của trẻ (phòng khách, phòng học, phòng ngủ hay bất cứ nơi nào mà trẻ thường xuyên lui tới trong gia đình, vị trí trung tâm trong trường học, nơi gần gũi với các lớp học, nơi có thể nhận ra ngay khi trẻ bước chân vào trường học). Không gian đọc cần có ánh sáng hợp lý với thị giác của trẻ, tốt nhất là ánh sáng tự nhiên hoặc bóng đèn led, đèn sợi tóc..., đồng thời có không khí thoáng mát, giàu oxy, nhiệt độ vừa phải với cơ thể của trẻ (tránh ở nơi quá nóng bức hoặc có gió lùa). Không gian đọc cũng cần yên tĩnh, để trẻ không bị xao lãng bởi tiếng ồn và các hoạt động khác trong gia đình. Trong không gian đọc này, các gia đình và nhà trường có thể thiết kế những chỗ ngồi thoải mái, dễ chịu, bàn ghế có kích thước phù hợp, màu sắc và kiểu dáng hấp dẫn. Những họa tiết trang trí làm điểm nhấn cho không gian đọc cũng sẽ kích thích sự hứng thú và tò mò của trẻ.

Thứ hai, hệ thống sách cần được lựa chọn tỉ mỉ, kĩ lưỡng để phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ ở trong độ tuổi 0-3 tuổi, sách cần được làm bằng các chất liệu an toàn, bền chắc, có hình ảnh rõ nét, ít chi tiết, các màu sắc cơ bản (chủ yếu là màu của 7 sắc cầu vồng), có cấu trúc lặp đi lặp lại, giúp cho trẻ dễ dàng nắm bắt được nội dung cuốn sách, với số lượng từ ngữ không quá hai đến 3 câu một trang. Khi trẻ đã bắt đầu đọc một cách thành thạo, vào độ tuổi lớp 2-3, có thể giới thiệu cho trẻ những cuốn sách có dung lượng dưới 100 trang, nhiều hình ảnh minh họa và không quá 100 từ một trang, với những chủ đề quen thuộc, gần gũi với đời sống của trẻ. Sách cũng cần được trình bày và sắp đặt sao cho bìa hướng về phía ngoài, dễ lôi cuốn sự chú ý của trẻ. Giá sách nên có kích thước phù hợp với chiều cao và tầm với của trẻ. Ở các thư viện góc lớp, thư viện trường học, sách nên được sắp xếp và phân loại theo độ tuổi, theo thể loại, theo trình độ đọc hoặc theo chủ đề để giúp trẻ có thể dễ dàng lựa chọn những cuốn sách phù hợp nhất với mình. Những cuốn sách hay, hấp dẫn, phù hợp với lứa tuổi, được trình bày đẹp mắt chính là những “sự gợi ý”, giúp trẻ tò mò, có hứng thú với việc đọc.

Thứ ba, cần xây dựng một cộng đồng đọc xung quanh đứa trẻ. Con người nói chung và trẻ em nói riêng sẽ học một cách vô thức thông qua bắt chước. Vì thế, việc nhìn thấy những người xung quanh thường xuyên đọc, say mê với việc đọc cũng là một “sự gợi ý” để góp phần hình thành nên thói quen của trẻ. Bố mẹ có thể cùng con đọc sách vào một giờ nhất định trong ngày hoặc trong tuần, cho con đi đến các hiệu sách, thư viện, nơi con được chứng kiến rất nhiều người đang tập trung vào việc đọc, hoặc cho con tham gia vào các câu lạc bộ đọc sách gồm các bạn nhỏ cùng độ tuổi. Ở nhà trường, các thầy cô giáo cũng có thể tạo nên một môi trường đầy ắp sự gợi ý bằng cách: giao cho các học sinh lớn đọc sách cho các em bé mầm non hoặc mới vào lớp 1, trưng bày các bài viết hay, các poster giới thiệu sách trong các không gian mà trẻ thường xuyên qua lại, vinh danh những học sinh có thành tích đọc sách, tổ chức các buổi giao lưu với tác giả, tổ chức các cuộc thi đọc sách giữa các lớp... Tất cả những cách thức này đều có tác dụng kích thích trí tò mò và ham muốn đọc của trẻ.

Thứ tư, sự gợi ý và giới thiệu của bố mẹ và thầy cô về những cuốn sách hay sẽ góp phần kích thích sự tò mò và niềm yêu thích đọc của trẻ. Chỉ bằng một số cách đơn giản như chuyện trò với trẻ về cuốn sách mình đang đọc, cho con dự đoán hoặc tự đặt câu hỏi về một cuốn sách mới mua, đặt câu hỏi cho trẻ để trẻ chia sẻ về cuốn sách mà chúng đang đọc..., bố mẹ và thầy cô cũng có thể tạo nên một môi trường đầy vẫy gọi cho việc đọc của trẻ.

Trên thực tế, trong các gia đình và trường học ở thành phố, việc có một không gian đọc và việc trang bị sách trẻ không còn quá khó khăn. Tuy nhiên, việc sắp đặt sao cho tất cả những yếu tố đó trở thành một “sự gợi ý”, một sự sẵn sàng, một lời mời gọi đối với trẻ... lại đòi hỏi không phải chỉ là sự đầu tư về vật chất, mà rất cần sự đầu tư về thời gian, tâm huyết, công sức, dựa trên sự hiểu biết một cách sâu sắc về tâm lý của trẻ, về bản chất của việc đọc và giá trị của những cuốn sách.

3. Giúp việc đọc trở thành một hành động thường xuyên của trẻ trong gia đình và

nhà trường

Yếu tố thứ hai trong mô hình vòng lặp thói quen của Charles Duhigg là hành động. Trong việc hình thành thói quen đọc, việc lặp đi lặp lại hành động đọc vào một thời gian nhất định trong ngày và trong tuần chính là điều then chốt nhất. Trẻ cần có cơ hội được đọc, có thời gian để đọc và có sự hỗ trợ của bố mẹ và thầy cô để có thể duy trì việc đọc trong một thời gian đủ dài.

Để trẻ đọc sách, bố mẹ và thầy cô giáo cần dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày và trong tuần cho việc đọc. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, hai mươi phút trước giờ đi ngủ là khoảng thời gian lý tưởng dành cho đọc sách. Bởi việc đọc sách trước giờ đi ngủ có tác dụng thư giãn tương đương với việc đi dạo và tắm nước ấm vào buổi tối, giúp con người có thể bước vào giấc ngủ một cách dễ dàng. Ngoài ra, việc đọc trước giờ đi ngủ cũng giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn những thông tin chúng đọc, bởi các thông tin đó sẽ được não bộ tự động “ôn tập” lại trong lúc ngủ. Ngoài ra, đọc sách trước giờ đi ngủ cũng giúp trẻ tránh khỏi việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, những thiết bị phát ra ánh sáng xanh, kích thích thần kinh của trẻ, dễ gây nên sự căng thẳng, làm cản trở giấc ngủ của trẻ.

Bên cạnh đó, có thể khuyến khích con đọc ở mọi lúc, mọi nơi, bất cứ khi nào rỗi rãi như khi đang chờ tàu, chờ xe bus, chờ mẹ đến đón, trong giờ giải lao... bằng cách luôn mang theo một cuốn sách nhỏ. Ở trường học, bằng cách đưa sách vào từng lớp học thông qua tủ sách góc lớp, đặt tủ sách ngoài hành lang, thậm chí ngoài sân chơi, khuyến khích trẻ đọc trong giờ giải lao, trong lúc chờ ăn trưa, trong lúc chờ bố mẹ đến đón, đưa tiết đọc sách thành một hoạt động chính thức trong chương trình..., nhà trường cũng có thể dần dần biến việc đọc thành một thói quen của trẻ. Không thể có thói quen đọc nếu như trẻ không có một khoảnh khắc nào trong ngày và trong tuần dành cho việc đọc.

Sự hướng dẫn và hỗ trợ của bố mẹ và thầy cô cũng là yếu tố quan trọng giúp trẻ duy trì việc đọc. Bố mẹ có thể hướng dẫn và hỗ trợ trẻ đọc bằng các trò chơi như reading bingo, reading spinner, săn từ vựng, đi tìm kho báu, vòng quanh thế giới (có thể tham khảo trong cuốn sách Nuôi dưỡng một người đọc tí hon do Nhã Nam ấn hành2). Bố mẹ cũng có thể đặt ra các câu hỏi trước, trong và sau khi đọc, giúp con chiếm lĩnh thông tin một cách hiệu quả, và rèn thói quen biểu đạt những hiểu biết của mình bằng ngôn ngữ nói. Bố mẹ cũng có thể khuyến khích con viết lại những suy nghĩ của mình về cuốn sách trong nhật ký đọc sách...

Ở nhà trường, các thầy cô giáo cần dành thời gian hướng dẫn kĩ năng đọc cho trẻ, dạy trẻ những chiến lược đọc hiệu quả để có thể trở thành một người đọc thông minh như cách dự đoán, đặt câu hỏi trước và trong khi đọc, cách huy động tri thức nền, cách tóm tắt và sơ đồ hóa thông tin, cách suy luận và giải thích, các liên hệ để kết nối những thông tin trong cuốn sách với cuộc sống... Những hình thức hỗ trợ này khiến cho trẻ cảm thấy việc đọc không quá khó khăn, đồng thời giúp trẻ hình thành kĩ năng đọc hiểu văn bản.

2 Nguyễn Thị Ngọc Minh, Nuôi dưỡng một người đọc tí hon, Nhà xuất bản Thế giới, 2018.

Ngay cả trong khi không có nhiều thời gian dành cho việc đọc của trẻ, bố mẹ và thầy cô vẫn có thể hỗ trợ việc đọc của con bằng nhiều cách khác nhau như khuyến khích con điền vào sơ đồ K-W-L, trong đó ở cột K, con điền vào những thông tin mà con đã biết về cuốn sách, ở cột W, con sẽ ghi lại những điều con muốn biết trong cuốn sách, và ở cột L, con điền vào những điều con đã học được sau khi đọc xong cuốn sách. Tất cả những hoạt động này con có thể thực hiện hàng ngày, ở nhà và không cần có sự trợ giúp của bố mẹ và thầy cô.

4. Tạo động lực và ham muốn đọc bằng các phần thưởng

Yếu tố thứ ba trong mô hình vòng lặp thói quen của Charles Duhigg là phần thưởng. Tuy nhiên, phần thưởng ở đây không phải chỉ là những phần thưởng mang tính chất vật chất. Charles Duhigg nhắc đến một thứ phần thưởng của não bộ, tức là cảm giác thỏa mãn, hạnh phúc và thư giãn xuất hiện trong não bộ khi ta đạt tới một kết quả nào đó, do sự tăng lên về mặt sinh học của một số hoocmon tích cực trong cơ thể ví như endrophins. Chính sự ham muốn có được cảm giác thỏa mãn và hạnh phúc này sẽ là động cơ để thúc đẩy thói quen đọc của trẻ.

Có nhiều cách để tạo ra phần thưởng cho trẻ. Cách đơn giản nhất là ghi nhận sự nỗ lực của trẻ một cách kịp thời bằng những phản hồi tích cực, nhấn mạnh vào kết quả và sự tiến bộ mà trẻ đạt được trong việc đọc: “Hôm nay con đã đọc rất chăm chỉ, chỉ trong có một ngày mà con đã đọc được cả một cuốn sách dài 50 trang”. “Tuần này con đã làm rất tốt, con không chỉ đọc mà còn viết tóm tắt được về cuốn sách”. Những phản hồi tích cực này đáp ứng nhu cầu được tôn trọng của trẻ, giúp não bộ sản sinh ra những hoocmon tích cực, khơi dậy cảm giác tự tin, thỏa mãn, hạnh phúc nơi trẻ.

Các phụ huynh và thầy cô giáo cũng có thể khen thưởng bằng vật chất cho những thành tích đặc biệt của trẻ, ví dụ: “ba sẽ tặng con một cái giá sách mới vì con đã xếp đặt sách vở rất ngăn nắp sau khi đọc”, “mẹ sẽ tặng con một cuốn sổ thật đẹp vì con rất chăm ghi chép về những gì mình đọc được”, “mình sẽ cùng lên phố sách để mua sách vì con đã đọc rất nhiều trong tuần vừa qua”, “cô hứa sẽ tặng con một cuốn sách thật hay vì con đã đọc hết một cuốn sách thật dài và khó trong vòng một tuần”. Ngoài ra, phần thưởng có thể là một sự trao quyền: “Con đã đọc rất tốt, liệu con có thể đọc sách cho các em bé nghe hàng ngày giúp mẹ/ thầy cô được không”, “mẹ tin là con là người phù hợp nhất để đọc sách cho bà nội nghe hàng ngày”, “nếu muốn, con có thể mở một thư viện tại nhà và chính con là thủ thư cho thư viện ấy”. Trẻ sẽ cảm thấy tự hào về bản thân khi được trao quyền, và điều này cũng khuyến khích trẻ lặp lại những hành động tích cực để tiếp tục có được những cảm giác đó.

Ngoài những phần thưởng đến từ bên ngoài này, còn có những phần thưởng đến từ bên trong, khi trẻ cảm thấy thành công khi thực hiện một hoạt động khó khăn nào đó. Việc đọc xong một cuốn sách, hiểu được nội dung một cuốn sách khó, biết được kết thúc một cuốn sách hấp dẫn, viết xong một bài giới thiệu sách, trả lời được một câu hỏi của bố mẹ và thầy cô... cũng đem lại cho trẻ cảm giác tự hào và thỏa mãn, hạnh phúc ngay cả khi không nhận được bất cứ một sự ghi nhận nào từ môi trường bên ngoài. Các nhà tâm lý học tích cực đã chỉ ra, trải nghiệm dòng chảy (flow experience), một cảm giác hạnh phúc và tập trung cao độ sẽ xuất hiện khi con người đối diện với một nhiệm vụ khó hơn năng lực của mình một bậc, nhưng vẫn đủ khả năng thực hiện nó. Vì thế, hãy hướng dẫn trẻ chọn lựa những cuốn sách có độ khó phù hợp, thường là khó hơn trình độ đọc của trẻ một bậc, nhưng trẻ vẫn có thể chiếm lĩnh được

Nếu “những phần thưởng cho não bộ” này liên tục được lặp đi lặp lại, nó sẽ tạo ra cảm giác mong đợi thường xuyên, một sự thèm muốn ăn sâu vào trong vô thức tới nỗi chính trẻ cũng không nhận ra sự tồn tại và ảnh hưởng của nó. Đây chính là một cơ chế bên trong duy trì thói quen của trẻ, và ngược lại, khi thói quen đã hình thành, sự mong đợi đã được cài đặt trong tiềm thức, thì nó sẽ tự động phát huy tác dụng mà bất cứ một yếu tố nào bên ngoài môi trường cũng không thể gây ảnh hưởng đến trẻ được nữa. Những đứa trẻ say mê đọc sách đến quên hết mọi thứ xung quanh và tìm mọi cơ hội để đọc sách chính là những đứa trẻ đã được kích hoạt từ rất sớm sự mong đợi và thèm muốn này.

Tuy nhiên, cũng theo tác giả Charles Duhigg, sự gợi ý, hành động và phần thưởng, ba yếu tố quan trọng nhất trong vòng lặp đó chỉ có thể tạo thành thói quen khi chúng được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ và được lặp lại trong một thời gian dài, với một tần suất nhất định. Sự gợi ý tạo môi trường thuận lợi để khuyến khích trẻ đọc, nhưng nếu trẻ không cảm nhận được niềm vui, sự hạnh phúc mà phần thưởng của não bộ đem lại, thay vào đó là sự ép buộc của người lớn, thì thói quen đọc cũng không thể được hình thành.

Và ngược lại, dù trẻ có ham muốn đọc, yêu thích việc đọc, nhưng những điều kiện bên ngoài không kích thích và nuôi dưỡng được niềm ham thích ấy thì nó cũng sẽ sớm bị dập tắt. Mặt khác, nếu vòng tròn này không được lặp lại một cách thường xuyên, liên tục, khiến cho niềm ham muốn ăn sâu vào trong tiềm thức của trẻ, trở thành một động lực bên trong đủ lớn để thôi thúc trẻ, thì thói quen đọc cũng không thể được hình thành. Khi nắm vững cơ chế và những nguyên tắc cốt lõi này, bố mẹ và thầy cô giáo sẽ có thể chủ động tạo ra môi trường thuận lợi để dần xây dựng nên thói quen đọc của trẻ sao cho phù hợp nhất với điều kiện của gia đình và nhà trường cũng như sở thích, năng lực và mối quan tâm của trẻ.

Kết luận Trên thực tế, các gia đình và nhà trường Việt Nam đã bắt đầu chú ý hơn tới việc đọc của trẻ. Tuy nhiên, nếu thiếu hiểu biết một cách thật sự đầy đủ về những cơ chế ngầm ẩn bên trong của việc đọc, của việc hình thành thói quen đọc, chưa ý thức thật sâu sắc về vai trò của việc đọc đối với sự trưởng thành của trẻ trong tương lai thì các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cũng rất khó có thể có một cách tiếp cận khoa học và đúng đắn. Đôi khi, sự kì vọng và mong mỏi quá mức, đi kèm với sự thiếu hiểu biết về tâm lý của trẻ còn dẫn tới sự cưỡng bức của người lớn đối với trẻ, sự chống đối ngược trở lại của trẻ cũng như sự căng thẳng và xung đột trong gia đình và nhà trường. Vì thế, bên cạnh việc quan tâm và đầu tư vật chất, rất cần nâng cao nhận thức của các bậc làm cha mẹ cũng như các thầy cô giáo về văn hóa đọc.

Trong bất cứ thời đại nào thì gia đình cũng chính là nền tảng vững chắc nhất để trẻ có thể vững vàng bước đi trong cuộc đời, đồng thời là thành trì an toàn nhất để bảo vệ trẻ khỏi những cám dỗ trong cuộc sống và nhà trường cũng là môi trường quan trọng nhất để xây dựng cho trẻ những kĩ năng và kiến thức cần thiết nhất để trở thành một con người có khả năng thích ứng với cuộc sống. Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ trong gia đình và nhà trường cũng chính là việc tạo nên một khởi đầu tốt đẹp cũng như một sự phòng vệ lâu dài cho sự phát triển của trẻ trong suốt những năm tiếp theo của cuộc đời, trong một thế giới đang không ngừng thay đổi và quá nhiều bấp bênh, nguy hiểm như hiện nay.

Tài liệu tham khảo 1. Charles Duhigg, Sức mạnh của thói quen, Nhà xuất bản Lao động xã hội, 2013. 2. Maria Montessori, Sức mạnh thẩm thấu của tâm hồn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2015. 3. Nguyễn Thị Ngọc Minh, Nuôi dưỡng một người đọc tí hon, Nhà xuất bản Thế giới,

2018. 4. Nagy W., Herman P, Learning words from context. Reading Research Quarterly,

p.233-255, 1985. 5. Naomi Brown, Do students lost depth in digital reading?

http://theconversation.com/do-student-lose-depth-in-digital-reading-61897.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com