Bức thư của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh gửi thầy Nam Sơn năm 1935. Ảnh: Ông An Kiều cung cấp.
Nam Sơn là nghệ danh của họa sư Nguyễn Vạn Thọ (1890-1973). Ý nghĩa chỉ đơn giản lấy từ câu “Thọ tỷ Nam sơn”. Nhưng khi tìm hiểu và trò chuyện thêm với ông An Kiều, con trai thứ của họa sư Nam Sơn vào dịp cuối năm Mậu Tuất, người viết thấy hiện lên một ngọn núi hội họa kỳ vĩ của nước Nam được ghi nhận từ đầu thế kỷ XX.
Bức tranh sơn dầu “Gia từ cận tượng” giành Huy chương Bạc (Médaille d'Argent) tại Pháp
năm 1932. Ảnh: Ông An Kiều cung cấp.
Sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương
Như mọi lần, trước cuộc trò chuyện, chúng tôi kính cẩn thắp hương trám lên bàn thờ tổ tiên của ông An Kiều. Trên bàn thờ có cả tượng họa sư V.Tardieu (1870-1937). Lần nói chuyện này, có cả chị Thanh Nga, Thạc sĩ trường Đại học Paris 11 (con gái thứ hai của ông An Kiều) và con trai Trọng Nghĩa mới từ Paris về.
Vào tuổi “bát tuần đại khánh”, ông An Kiều vẫn lanh lẹ, minh mẫn. Khi kể, ông thường đưa tài liệu và ảnh chụp minh chứng. Ông An Kiều mong các nhà báo, nhà nghiên cứu khi viết về Nam Sơn phải viết cho chính xác, cái gì chưa biết, chưa rõ phải hỏi. Có lẽ đây là thói quen của một người từng làm việc trong Ban lãnh đạo công ty điện lực Alstom (Pháp) tại Việt Nam?. Với công việc thường xuyên sang châu Âu, nên ông có điều kiện tìm hiểu, sưu tầm tư liệu liên quan đến cha mình. Hỗ trợ cho ông sang Pháp tìm kiếm tài liệu còn có em gái - họa sĩ Hoài An (con gái út họa sư), và hai con gái Thanh Hằng (con cả), chị Thanh Nga, cháu Thục Anh (con chị Hằng). Ngày 15/2/2001, chị Thanh Nga là người ghi hình cuộc tọa đàm về Nam Sơn tại báo Văn nghệ.
Câu chuyện bắt đầu từ sự kiện ngày 26/3/2018, bức tranh lụa “Thôn nữ Bắc Kỳ” được đấu giá tại Pháp với giá 205.000 euro (khoảng 6 tỷ VNĐ). Ngày 22/10/2018, bức tranh “Thiếu nữ cầm quạt” được bán với giá 440.000 euro, tính cả thuế là 565.000 euro (tương đương trên 15 tỷ đồng). Tranh của Nam Sơn sẽ ngày một tăng giá vì những tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp của họa sư chưa xuất hiện. Chị Thanh Nga nói: “Catalogue in hồi tháng 10/2018, nhà đấu giá Aguttes không giấu nổi mong muốn tìm kiếm tranh của các họa sĩ tên tuổi như: Nam Sơn, Lê Phổ, Inguimberty, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, Vũ Cao Đàm…”.
Nhấp ly café, ông An Kiều chỉ tay vào phiên bản bức tranh sơn dầu “Chân dung nhà Nho” Nam Sơn vẽ năm 1923 nói: “Anh nghĩ sao về bức tranh này”. Tôi đáp: “Thưa bác, vô giá vì nó là lịch sử”. Tranh vẽ chân dung nhà Nho Nguyễn Sĩ Đức. Cụ và nhà Nho Phạm Như Bình (người đặt nghệ danh Nam Sơn) dạy chữ Nho và hội họa cho Nam Sơn. Cùng với “Cô gái Bắc kỳ”, “Tĩnh vật” có thể coi đây là những sơn dầu đầu tiên của Việt Nam.
Năm 1926, Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh, đang theo học khóa 1 trường Mỹ thuật Đông Dương) đã xin phép giáo sư Nam Sơn sử dụng bức tranh để làm bìa cuốn Nho Phong. Ẩn ý bức tranh bị chính quyền phát hiện, nên Nam Sơn giấu bức tranh đi. Năm 2000, bức tranh được ông An Kiều cho công bố trên bìa tạp chí Mỹ thuật Việt Nam, gây kinh ngạc cho người xem.
“Chân dung nhà Nho” cũng gây sửng sốt với họa sĩ V. Tardieu. Năm 1921, sau khi nhận Giải thưởng mỹ thuật Đông Dương kèm điều kiện giải thưởng, V.Tardieu sang Đông Dương. Tại Hà Nội, V.Tardieu được đặt vẽ một bức tranh khổ lớn (80m²) cho giảng đường chính của Viện Đại học Đông Dương và trang trí cho cầu thang Thư viện (nay là Thư viện Quốc gia). Qua tình cờ và giới thiệu, V.Tardieu gặp Nam Sơn tại “Câu lạc bộ sinh viên An Nam” (Foyer des étudiants annamites” Phố Vọng Đức, Hà Nội) để nhờ phụ giúp. Được xem “Chân dung nhà Nho”, V. Tardieu rất nể trọng Nam Sơn và thay đổi cách nhìn về hội họa Đông Dương...
Nam Sơn nghĩ người Việt Nam, nếu được học hành sẽ tài giỏi không kém gì người Âu châu nên đề nghị cùng V.Tardieu xin mở trường dạy mỹ thuật ở Hà Nội. Bản đề cương được Nam Sơn viết ra. Nam Sơn kiên trì theo đuổi ý tưởng bị cho là ngông cuồng này và đã thành công.
Ngày 27/10/1924, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập trường Mỹ thuật Đông Dương. Để chuẩn bị, Nam Sơn cùng với Victor Tardieu sang Paris. Trong thời gian ở Pháp, Nam Sơn tu nghiệp tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris và trường Nghệ thuật Trang trí Quốc gia. Tại đây, ông kết bạn với họa sĩ Từ Bi Hồng và họa sĩ Foujita…
Nam Sơn được nhiều họa sĩ Pháp yêu mến. Danh họa Jean Pierre Laurens, Viện sĩ Hàn Lâm Mỹ thuật Pháp đã ký tặng cho Nam Sơn tấm palette pha màu đặc biệt khi tu nghiệp tại xưởng vẽ của mình. Thật bất ngờ, ông An Kiều bỗng lấy ra tấm palette đặc biệt. Kỷ vật này chỉ có 3 trong số 8 người con của họa sư được xem. Và học trò thì chưa ai biết. Chưa hết, ông An Kiều làm tôi sững sờ khi cho xem cuốn sổ của GS. Nam Sơn chấm điểm rất chi tiết, từ 1/4 đến 1/2 điểm theo thang điểm 20 khi dạy tại trường. Trong sổ, có tên các danh họa như Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn, Tôn Thất Đào, Trịnh Hữu Ngọc, Trần Hải Nhâm, Nguyễn Thị Khang... Cuốn sổ được giao riêng cho ông An Kiều…
Vậy mà, công lao “đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương” của Nam Sơn vẫn bị một số người bỏ qua do vọng ngoại? Do quyền lợi cá nhân của một họa sĩ muốn làm Hiệu trưởng trường mỹ thuật mà không được Nam Sơn giới thiệu khi Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên hỏi ý kiến? Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Ông An Kiều cười: Ai băn khoăn thì hãy tìm đọc cuốn Les Ecoles D’art de L’indochine (Những trường nghệ thuật Đông Dương) do Toàn quyền Đông Dương xuất bản tại Hà Nội năm 1937. Trang 16 sách có đoạn viết: “Việc dạy hình họa và trang trí do một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông Nam Sơn, là một trong hai người sáng lập trường Mỹ thuật Đông Dương”. Họa sư Nam Sơn cũng là người có tên trong sách “Souverains et notabilités d'Indochine” (Vua chúa và danh nhân Đông Dương) xuất bản năm 1943. Đến khi nước nhà giành được độc lập, họa sư Nam Sơn cũng là người đầu tiên được Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Vũ Đình Hòe xác nhận vị trí là Giáo sư Thượng hạng - hạng nhất (Quyết định ngày 1/12/1945).
Bậc thầy mở đường
Nam Sơn luôn có những bước đi đầu tiên với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại, ví như: Năm 1930, tại Hà Nội, cuốn sách “La peinture chinoise” (Hội họa Trung Hoa) của Nam Sơn được nhà in Lê Văn Phúc xuất bản bằng tiếng Pháp là cuốn sách đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về mỹ thuật. Năm 1927, Nam Sơn là họa sĩ Việt Nam đầu tiên vẽ tranh khỏa thân. Ở thời điểm quan niệm Nho giáo còn nặng nề, Nam Sơn nghĩ ra cách vẽ đức Phật ngồi thiền, xung quanh là 7 con yêu tinh hóa thành những mỹ nữ khỏa thân để quyến rũ.
Ông An Kiều cầm tấm palette mà danh họa Jean Pierre Laurens tặng họa sư Nam Sơn trước ban thờ tổ tiên. Ảnh: Từ Khôi.
Năm 1938, Nam Sơn là họa sĩ đầu tiên vẽ người đàn ông ăn mày mù, nhìn vẫn hiên ngang, thần thái hơn tác phẩm “Em bé hành khất” của họa sĩ Tây Ban Nha Murillo thế kỷ 17.
Ở thể loại tranh lụa, Nam Sơn không những là người đầu tiên mà còn vẽ rất điêu luyện. “Về chợ” ra mắt năm 1927 đã được Tổng trưởng Dalimier mua. Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, học trò khóa 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương rất kính phục thầy Nam Sơn. Ngày 2/11/1935, từ Hà Tĩnh, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh viết thư gửi ra Hà Nội cho họa sư Nam Sơn có câu: “Rày tôi xin ở nhà làm peinture sur soie (tranh lụa, ông An Kiều dịch) như ông đã chỉ giáo ...”.
Nam Sơn cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên giành giải thưởng quốc tế. Năm 1932, triển lãm tại Cung điện lớn Grand Palais ở đường Champs Elysées (Pháp), bức tranh sơn dầu “Gia từ cận tượng” (vẽ thân mẫu Nguyễn Thị Lân, sáng tác năm 1930) đã giành Huy chương Bạc (Médaille d’Argent). Ông Sambuc – Chủ tịch những người Pháp ở Đông Dương mua luôn bức tranh. Một số người Pháp cũng mua mấy bức: Xuân du ngoạn cảnh đồ, Vị tế chi tiền…
Họa sư Nam Sơn (ngồi ngoài cùng bên phải) chụp ảnh với thầy trò trường Mỹ thuật Đông Dương. Ảnh: Ông An Kiều cung cấp.
Đến nay, có lẽ Nam Sơn là họa sĩ Việt Nam đầu tiên được Bộ Mỹ thuật Pháp mua tranh đưa vào Bảo tàng quốc gia Pháp năm 1930, mua ngay tại triển lãm ở Paris. Đó là tác phẩm mực nho “Hồng hà hữu ngạn mãi mại mễ xứ” (Chợ gạo bên sông Hồng).
Bức tranh khắc gỗ “Cò trắng và cá vàng” (1929), Nam Sơn đã được bằng khen ở triển lãm thủ đô Roma (Italia) năm 1932.
Với chất liệu phấn màu (pastel) Nam Sơn cũng là người đi đầu với tác phẩm “Chân dung cụ Hùng Ấm Tường” (1927).
Kỷ niệm với họa sĩ quốc tế
Năm 1941, họa sĩ Nhật Bản Foujita và một nhóm họa sĩ cách tân của Nhật (có họa sĩ Sekiguchi) sang Việt Nam triển lãm tranh. Foujita và Sekiguchi thường đến xưởng họa của Nam Sơn ở 68 Nguyễn Du, Hà Nội và nhờ họa sư Nam Sơn tìm người mẫu để vẽ. Các tranh chân dung của Nam Sơn được các họa sĩ Nhật đánh giá cao. Thời đó, có nhiều người mẫu rất đẹp, cả mặt lẫn thân hình, như các bà Dung, bà Đạt… Tại xưởng vẽ này, Foujita đã ký họa Nam Sơn.
Cụ Nguyễn Thị Lân (ngồi) và vợ chồng họa sư Nam Sơn,Lương Thị Phương Thảo năm 1951. Ảnh: Ông An Kiều cung cấp.
Năm 1943, cơ quan văn hóa Nhật Bản mời Nam Sơn đem các tác phẩm mỹ thuật sang Nhật triển lãm trong 3 tháng. Cùng đi có học trò Lương Xuân Nhị, chuyên tranh lụa và Nguyễn Văn Tỵ, chuyên tranh sơn mài. Tại thủ đô Tokyo, họa sư Nam Sơn được mời sáng tác ngay tại chỗ 4 tác phẩm hội họa để các họa sĩ Nhật Bản học hỏi cách sử dụng họa cụ và họ đã quay phim làm tư liệu giảng dạy cho sinh viên. Khi vẽ tại công viên ở Nara, có đàn nai chạy lại gần xem Nam Sơn vẽ. Có con còn liếm vào bức tranh. Rồi mỗi buổi sáng thức dậy ở khách sạn, mở cửa ra đã có người tới chào, đặt tập giấy và cúi đầu rất lễ phép, nói tiếng Nhật, ra hiệu ngỏ ý xin họa sư vài nét bút…
Với gia đình họa sĩ Trung Hoa Từ Bi Hồng, Nam Sơn từng mong có ngày tới thăm bạn theo lời mời mà không thành. Năm 2000, ông An Kiều tới Bảo tàng Từ Bi Hồng ở Bắc Kinh đáp lễ và được gặp họa sĩ Liêu Tĩnh Văn vợ họa sĩ Từ Bi Hồng.
Bức thư của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh gửi thầy Nam Sơn năm 1935. Ảnh: Ông An Kiều cung cấp.
Gia tài hội họa
Ít ai được xem các tranh khỏa thân bằng sơn dầu và pastel của Nam Sơn, kể cả các con của cụ. Nên việc làm giả tranh của họa sư rất khó. Nam Sơn cũng dặn con những “đánh dấu” riêng để phân biệt. Ông An Kiều kể: “Gần đây, ở Paris xuất bản cuốn sách hội họa của một Việt kiều có in tranh khắc gỗ 7 màu “Cò trắng và cá vàng” nhưng chữ ký bằng 3 chữ nho lại như vạch bằng que trong khi cụ Nam Sơn thường ký bằng bút lông, nét rất đẹp”.
Các con gái của Nam Sơn rất đẹp, giống mẹ (cụ Lương Thị Phương Thảo người làng Lai Xá), nhưng Nam Sơn chỉ vẽ chân dung con gái út Hoài An. Trong cuộc đời, Nam Sơn luôn day dứt không vẽ được chân dung người vợ tảo tần, luôn giúp ông và gia đình trong mọi việc, dù đã có rất nhiều phác thảo. Chỉ vì bà Thảo đột ngột qua đời năm 1969.
Ở với cha mấy chục năm, là người con duy nhất bên cha lúc hấp hối (ngày 23 tháng Chạp năm 1973), được cha ký thác trách nhiệm, ông An Kiều mời các anh chị em tới họp ngay bàn công việc, chia thừa kế. Lúc đó chỉ có 7 người, thiếu bà Trâm (con thứ 3 họa sư) vì bà xa gia đình từ lâu, bặt tin. Mọi người nói không nên cho bà Trâm nhưng ông An Kiều bảo vẫn chia, kể cả phần tài sản nhà 68 Nguyễn Du để bà Trâm và con cháu không tủi thân. Sau năm 1975, ông An Kiều vào Sài Gòn trao tận tay bà Trâm tác phẩm của cha gồm: Tranh sơn dầu “Tĩnh vật”, hai tranh chân dung bằng chì màu, một tranh sơn thủy theo lối Á Đông vẽ sanguine (chì son), một bản nháp tranh khắc gỗ 7 màu “Cò trắng cá vàng” không có chữ ký cụ Nam Sơn vì in hỏng. Cùng một số tranh Trung Hoa cổ được chia cho 8 người con trong bộ sưu tập của họa sư. Ông An Kiều nói: Chuyện gần nửa thế kỷ nay rồi, không biết các con bà Trâm có nhớ chuyện này không?”.
Chuyện đến đây tạm dừng. Chắc chắn, lần chuyện sau sẽ thú vị. Bởi vì, Nam Sơn thuộc người lớp cổ, kín tiếng và thường chỉ kể mọi chuyện quan trọng cho con trai. Hơn nữa, trong lời đề tặng cuốn sách bằng giấy dó “Hội họa Trung Hoa” vào ngày 1/1/1957, Nam Sơn viết: “Tặng con trai thứ ta là Nguyễn An Kiều. Mong con sẽ nối được chí ta”.
Từ Khôi
(NGUỒN:
http://kinhtedoisong.com.vn/van-hoa/ngon-nui-hoi-hoa-nuoc-nam-870.html
Add comment