Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ? - HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON

Mục lục
Tọa đàm làm gì để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?
XÂY DỰNG THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO TRẺ TRONG GIA ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG
TỪ NHỮNG CÂU CHUYỆN ẤU THƠ Nguyễn Nhật Ánh*
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON
GẮN VĂN HÓA ĐỌC VỚI GIẢNG DẠY TẠI TRƯỜNG TIỂU HỌC TRẦN VĂN ƠN, QUẬN 11, TP. HCM
PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC TRONG TRƯỜNG TIỂU HỌC ĐÔNG HÒA B – THỊ XÃ DĨ AN – TỈNH BÌNH DƯƠNG
MỘT VÀI CHIA SẺ TRONG VIỆC TỔ CHỨC TIẾT ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH TẠI TRUNG HỌC CƠ SỞ NGUYỄN HIỀN, QUẬN 7, TP. HCM
DỰ ÁN LỚN LÊN CÙNG SÁCH TRƯỜNG SONG NGỮ QUỐC TẾ HORIZON
CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN “VĂN HÓA ĐỌC” TẠI TRƯỜNG THCS VÀ THPT ĐINH THIỆN LÝ
HÌNH THÀNH THÓI QUEN ĐỌC SÁCH HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG VĂN HOÁ ĐỌC TẠI HỆ THỐNG GIÁO DỤC TTC EDU
TIẾT ĐỌC SÁCH THƯỜNG XUYÊN TẠI THƯ VIỆN, LỚP HỌC TẠO THÓI QUEN ĐỌC SÁCH CHO HỌC SINH LỢI ÍCH CỦA ĐỌC SÁCH VÀ PHẢN HỒI TÍCH CỰC TỪ HỌC SINH
SINGAPORE KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH NHƯ THẾ NÀO?
ĐỌC NHIỀU, ĐỌC RỘNG VÀ ĐỌC CÙNG NHAU BÀI HỌC TỪ SINGAPORE
Tất cả các trang


HÀNH TRÌNH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU SÁCH CHO HỌC SINH BẬC MẦM NON

ThS. Lê Thị Liên*

1. Lời mở đầu

Văn hào người Nga M. Go-rơ-ki nói: "Sách mở rộng trước mắt tôi một chân trời mới". Sách chứa đựng rất nhiều kiến thức trong cuộc sống, giúp chúng ta tư duy, nhận thức sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy được vốn từ ngữ phong phú. Đọc sách là một biện pháp tự học hữu hiệu nhất, thiết thực nhất và ai cũng có thể làm được. Rèn luyện thói quen đọc sách sẽ mang lại những lợi ích vô cùng to lớn bởi sách là người bạn gần gũi, hữu ích nhất giúp mỗi người chúng ta nâng cao tri thức, tầm hiểu biết, góp phần tự hoàn thiện bản thân.

Tuy nhiên, văn hóa đọc ở Việt Nam đang dần “nhạt phai”. Người đọc, nhất là trẻ em có xu hướng “lười đọc”, đọc ít, đọc nhanh. Tâm lý chung của họ là ngại đọc sách dày, ngại đọc sách in, ngại đọc sách về vấn đề lý luận – ngại đọc vì không có thời gian. Bên cạnh đó cách mà thế hệ trẻ hướng đến đó là các kiểu đọc mới, phương thức tiếp nhận phù hợp hơn trong thời đại cuộc sống số và công nghệ 4.0.

Hình thành thói quen đọc sách cho người lớn đã khó, nuôi dưỡng tình yêu đọc sách với những đứa trẻ còn chưa biết chữ lại càng khó hơn, điều này đòi hỏi sự kiên trì, linh hoạt và cả một nghệ thuật của nhà giáo dục cũng như gia đình. Bởi đối với trẻ nhỏ bạn không thể giảng giải lý thuyết cho chúng về tầm quan trọng của sách trong cuộc sống, lại càng không thể bắt trẻ đọc sách như một quy định trong trường mầm non. Thói quen đọc sách phải được hình thành từ niềm yêu thích và sự hứng thú với những trang sách qua hình ảnh sinh động, nội dung hấp dẫn đến cách mà giáo viên truyền cảm hứng khi đọc sách cho trẻ mỗi ngày.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến cách thức mà giáo viên ở dưới trường mầm non nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của những đứa trẻ từ khi chúng mới 12 tháng tuổi đến khi chúng có thể tự tin để tự đọc cuốn sách mà mình thích. Đó là hành trình hạnh phúc đáng tự hào trên con đường đồng hành với trẻ khám phá thế giới.

2. Thực trạng việc đọc sách của trẻ ở các trường mầm non

Nếu như những câu chuyện cổ tích, những bài ca dao, tục ngữ, thơ ca được ví như dòng sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồm ngây thơ của trẻ. Thì sách chính là người bạn hiệu quả để truyền tải các thông điệp đó đến với trẻ hàng ngày.

Việc tổ chức cho trẻ đọc sách ở trường mầm non là nội dung quan trọng được quy định trong khung chương trình giáo dục, được thể hiện dưới hình thức giờ đọc sách ở phòng thư viện, góc đọc sách trong mỗi lớp và việc cô đọc sách cho trẻ mỗi ngày. Tuy nhiên, việc đọc sách của trẻ trong trường mầm non còn mang tính hình thức, làm cho có, cho đủ theo yêu cầu của khung chương trình mà chưa thực sự mang lại giá trị cho trẻ. Đã gọi là đọc sách thì trẻ cần phải học từ những thói quen đơn giản nhất như:

*Công ty Cổ Phần giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu)

 - Sách được phân loại theo nội dung và thể loại nên lấy ở đâu thì phải được đặt về đúng vị trí đó sau khi đọc xong. - Trước khi học đọc thì phải học cách lật mở đúng cách, đọc từ trên xuống, trái qua phải và phải biết cách giữ sách sao cho khỏi bị quăn mép, khỏi bị rách. - Việc đọc được nội dung gì không quan trọng bằng thái độ trân trọng với những cuốn

sách đó. - Đọc sách với trẻ nhỏ không đơn thuần chỉ là ngồi xem mấy bức hình bắt mắt mà còn là cơ hội để trẻ tăng lượng từ vựng, phát triển ngôn ngữ mạch lạc, khả năng ghi nhớ và năng lực diễn đạt.

Vì vậy, để đạt được điều trên thì người giáo viên cần phải kiên nhẫn hướng dẫn, quan sát và điều chỉnh quá trình đọc sách của trẻ. Không nên chỉ tập trung vào việc đọc sách cho trẻ nghe một cách thụ động, cũng không nên thả mặc trẻ tự đọc sách dẫn đến cảm giác nhàm chán sau một vài lần đọc. Đó cũng chính là lý do vì sao mà sách ở các phòng thư viện hoặc các góc đọc sách trong lớp thường bị rách, rơi rụng, vẽ bậy hoặc để lộn xộn không theo một quy định nhất định. Bởi với trẻ, nếu một cuốn sách chỉ có giá trị để xem tranh vẽ trong đó thì chỉ cần một lần là nhàm chán và khi bị nhốt trong phòng thư viện 45 phút thì chắc chắn là chúng sẽ biến sách thành một mớ giấy lộn và thích thú với trò chơi tô màu trên đó. Do đó, nếu giáo viên không giúp trẻ hiểu và cảm nhận rằng sách chính là người bạn giàu tri thức cần được tôn trọng, giữ gìn thì việc đọc sách sẽ không khác gì so với việc chơi với một món đồ chơi nhàm chán.

Hiểu được rằng, đọc sách ở trường mầm non không đơn giản chỉ là xếp lịch để trẻ dùng hết thời gian trong phòng thư viện, không chỉ dừng ở việc trẻ coi cuốn sách là một món đồ chơi có nhiều hình ảnh bắt mắt mà điều quan trọng hơn cả là nuôi dưỡng được tình yêu và hứng thú đọc sách cũng như có được các kỹ năng cần thiết trong văn hóa đọc để tạo nền tảng cho thói quen sau này của mỗi một con người.

3. Những kinh nghiệm trên hành trình nuôi dưỡng tình yêu với sách cho học sinh bậc mầm non tại các trường mầm non của Hệ thống Giáo dục TTC 3.1. Đọc sách gắn liền với các dự án học tập theo phương pháp giáo dục sớm (Glenn doman; Montessori)

Ở trường mầm non, các dự án học tập được thay đổi linh hoạt và rất hấp dẫn với trẻ như: mùa hè năm châu; sự kỳ diệu của cơ thể; những người yêu thương; ước mở của bé; những người bạn trên mọi nẻo đường; khám phá vũ trụ và các hành tinh; thảm thực vật; muôn màu kỳ thú; ...Với mỗi dự án giáo viên sẽ thiết kế các bộ Flashcard bao gồm có thẻ hình và thẻ từ gắn với từng bài học.

Đồng thời, thông qua phương pháp giáo dục sớm Glenn doman và quá trình làm việc với các giáo cụ của Montessori trẻ sẽ nhớ và tiếp thu được một lượng vốn từ mới phong phú gần gũi theo chủ đề đang học. Tiếp theo trẻ sẽ tìm thấy những từ đã học ở trong các cuốn sách được cô chuẩn bị phù hợp với lứa tuổi, với những câu chuyện gần gũi, đơn giản, hấp dẫn. Đây là cách giúp trẻ biết đọc sớm mà không phải vất vả ép trẻ học các từ mới theo kiểu học chính tả theo phương pháp truyền thống.

Cuối mỗi dự án có thể tổ chức cuộc thi “Bé thiết kế bìa sách” hoặc cùng trẻ viết sách theo chủ đề tự chọn (có hình ảnh minh họa) để giúp trẻ thể hiện sự sáng tạo và giúp trẻ hứng thú hơn đối với việc đọc sách. Sản phẩm của bé sẽ được trưng bày trong buổi tổng kết dự án.

3.2. Trẻ đọc sách theo mô hình cây sách “My reading tree”

Trước hết sách được sắp xếp ngăn nắp, bắt mắt theo từng lĩnh vực khác nhau như: thực hành cuộc sống; toán và ngôn ngữ; văn hóa – khoa học; tự nhiên, xã hội và phù hợp với nội dung của các dự án trẻ đang học ở trường.

Phòng đọc sách cần có không gian thoải mái, thuận tiện, thoáng mát, đủ ánh sáng và yên tĩnh cho trẻ có tâm thế tốt nhất trong quá trình đọc sách. Kệ sách và sách đầy đủ các thể loại, bao gồm sách tiếng Anh và tiếng Việt; Ký hiệu sách (bằng chữ viết tắt, màu sắc, hình dạng); Cây “Reading tree”; Hình ảnh bìa sách thu nhỏ. Các bước thực hiện theo mô hình cây sách “My reading tree” - Giáo viên cho trẻ chọn sách muốn đọc (chọn hình ảnh bìa sách trong album). - Cho trẻ cầm thẻ sách, đến kệ lấy sách đúng theo kí hiệu, tên sách và hình ảnh trên thẻ. - Trẻ mang sách về bàn hoặc vị trí bé thích để đọc. - Sau khi trẻ đọc, giáo viên hướng dẫn trẻ cầm thẻ sách dán lên cây Reading tree để có thể theo dõi trẻ đã đọc được những sách nào, đã đọc được bao nhiêu cuốn sách, thể loại sách nào được trẻ yêu thích nhất... - Khuyến khích trẻ kể lại một câu chuyện hoặc nội dung nào đó mà trẻ thích trong những cuốn sách mà trẻ đã đọc được cho các bạn cùng nghe (trẻ kể lại bằng ngôn ngữ của trẻ).

3.3. Triển khai chương trình “Đọc sách cùng con” đối với phụ huynh

Nếu như các trường hiện nay đều dừng lại ở việc là động viên, khuyến khích phụ huynh cùng đọc sách với con ở nhà thì điều đó sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào sự hiểu biết và nhận thức của mỗi ba mẹ. Để việc đọc sách trở thành hoạt động thường nhật của mỗi gia đình thì cần có cách để gắn kết phụ huynh tham gia một cách tích cực, thường xuyên và tự nguyện.

Các hoạt động gắn kết với phụ huynh trong chương trình “Đọc sách cùng con” theo các bước sau:

- Gửi thư ngỏ cho phụ huynh “Kingdergarten Reading” để hướng dẫn phụ huynh về việc cho trẻ đọc sách ở nhà. - Giáo viên gửi cho phụ huynh tờ giấy in màu rất cẩn thận “My reading log”

- Khuyến khích phụ huynh dành thời gian đọc sách cùng trẻ mỗi ngày. - Sau khi đọc xong một quyển sách nào đó, phụ huynh điền thông tin: Tên sách, tên tác giả, ngày tháng... giúp trẻ. Trẻ tự tô màu vào cột “How do you feel” (Nếu trẻ cảm thấy cuốn sách đó hay, hấp dẫn thì tô màu vào hình mặt cười; nếu trẻ không thích thì tô màu vào hình mặt mếu; nếu trẻ thấy bình thường thì tô màu vào hình còn lại. - Nếu trẻ tự đọc thì đánh dấu vào ô Student read, nếu ba mẹ đọc cho trẻ nghe thì đánh dấu vào ô Parent read. Sau đó phụ huynh kí tên và cất giữ để gửi lại cho cô cuối tháng. Giáo viên khuyến khích trẻ kể lại một câu chuyện hoặc nội dung nào đó mà trẻ thích trong những cuốn sách mà trẻ đã đọc được ở nhà cho các bạn cùng nghe theo ngôn ngữ riêng của trẻ. Cuối tháng hoặc khi kết thúc dự án, phụ huynh cho bé mang tờ “My reading log” đã ghi chép lại quá trình đọc sách của bé ở nhà lên cho giáo viên, giáo viên tổng kết với số sách trên cây “My reading tree” và có thể tặng quà hoặc sách cho những bé đọc được nhiều sách nhất để khích lệ trẻ và những bạn trong lớp. 3.4. Xây dựng môi trường đọc sách mở

Đối với trẻ mầm non việc xây dựng một không gian đọc sách tiện lợi, yên tĩnh và thoải mái rất quan trọng. Bởi vậy, nếu giáo viên cứ đóng khung tất cả các cuốn sách ở trên kệ thì sẽ khó thu hút trẻ tìm đến với sự hứng thú bền vững. Ở trường mầm non, sách phải được đặt ở nhiều nơi khác nhau, trong không gian mở, trong tầm quan sát và sử dụng của trẻ. Nếu có thể thì thư viện sách nên gần gũi với thiên nhiên, chan hòa cùng cuộc sống và trở thành món ăn tình thần hiện hữu trong từng góc học tập, nơi sinh hoạt của trẻ.

4. Kết luận:

Nuôi dưỡng tình yêu sách của học sinh bậc mầm non là một hành trình ươm mầm hạnh phúc và giá trị cho cuộc sống. Thói quen đọc sách được hình thành từ khi còn bé sẽ là nền tảng vững chắc cho kỹ năng tìm kiếm thông tin của thời đại công nghệ số trong tương lai. Tuy nhiên, việc đọc sách với trẻ nhỏ phải được bắt đầu từ sự hứng thú và tâm thế sẵn sàng, tự nguyện. Thể loại sách đa dạng, gần gũi với các dự án học tập, hình thức tổ chức đa dạng trong không gian mở hấp dẫn và thoải mái. Đồng thời đòi hỏi người giáo viên phải là một tấm gương về tinh thần ham đọc sách, là người truyền cảm hứng đến với trẻ và biến những cuốn sách thực sự trở thành người bạn của trẻ ở trường mầm non.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com