Nhà biên kịch điện ảnh ĐOÀN TUẤN: Nước Nga vẫn bình yên

Mục lục
Nhà biên kịch điện ảnh ĐOÀN TUẤN: Nước Nga vẫn bình yên
1. Vào bảo tàng, xem kịch, nghe nhạc và…
2. Maxcova, nhìn gần…
3. Những người bạn Việt và Nga
Tất cả các trang

tuan

Nhà thơ, nhà biên kịch Đoàn Tuấn

 

Từ ngày 29/11/2014 đến 17/12/ 2014, nhà biên kịch Đoàn Tuấn có chuyến công tác tại Maxcova giữa lúc tình hình nước Nga có nhiều biến động. Thâm nhập vào đời sống của người dân Nga và cộng đồng Việt, tác giả có nhiều ý kiến khác với những tin tức mà truyền thông đưa tin. Trang web www.leminhquoc.vn xin giới thiệu bút ký còn nóng hơi thở của Maxcova của anh.


imagesDAN_TUAN

Nhà thơ, nhà biên kịch Đoàn Tuấn


1.
Vào bảo tàng, xem kịch, nghe nhạc và…

 

Sáng  qua, 17 tháng Mười Hai, tôi bay từ Maxcova đến Hà Nội. Chiều vội đến nhà mấy người bạn để chuyển quà. Thật thông cảm là ai cũng hỏi: “Nước Nga bây giờ ra sao? Nghe nói sắp nguy đến nơi phải không?”. Tôi lại nhớ đến câu thường nói trong chương trình “Dự báo thời tiết” là “Vùng hội tụ gió trên cao’’ ảnh hưởng phần nào đối với một vài tầng lớp nào đó chứ đời sống người dân, theo cảm nhận của tôi, vẫn rất đỗi bình yên.

Tôi đến Maxcova để tìm thêm tư liệu về đời sống người dân cùng Hồng quân và những người lính tình nguyện trong cuộc chiến bảo vệ Maxcova mùa đông năm 1941-1942.

Những lần trước chỉ quen đến sân bay Seremechievo, nhưng lần này, máy bay của Vietnam Arlines hạ cánh xuống sân bay Domodedovo nên tôi có cảm giác mình như người xa lạ. (Maxcova có hơn 10 sân bay). Nếu tôi  bay với Hãng hàng không của Nga Aeroflot thì xuống sân bay cũ. Sự thay đổi sân bay cũng có lý do của nó. Số là, những năm 90 của thế kỷ trước,  nhân viên sân bay Seremechivo thường đối xử không tốt với người Việt nên Hàng không của ta quyết định đổi sân bay. Nhưng bây giờ, sân bay Seremechievo lại ra chiêu cạnh tranh. Họ cho mỗi người Việt được mang hai kiện hàng, mỗi kiện 23 kg, còn xách tay thì mặc sức. Chứ không như sân bay mới, chỉ đúng 30 kg và xách tay 7 kg mà thôi.

Vừa xuống sân bay, không ai ra đón nên cũng hơi lo. Lại vừa ra cửa, thấy hàng chục cò taxi đón. Tôi nghe tiếng một người đàn bà Nga nhìn thẳng vào mình và nói với đám tay chân: “Tóm lấy người này!”. Nhưng tôi vội xua tay và  đáp: “Cảm ơn!’’. Ra khỏi đám đông, hỏi người Nga, bến taxi ở đâu? Ông ta chỉ về một hướng, ngỡ rất gần mà đi rất xa vẫn chưa đến. May quá, gặp hai nam nữ thanh niên người Việt. Một chàng trai giọng Sài Gòn hối hả dẫn tôi ra bến. Vừa ra cửa, cái lạnh âm 10 độ ban đêm khiến tuổi U60 của mình tê cóng. Chàng trai dẫn đến chiếc taxi gần nhất. Chào hỏi đàng hoàng rồi mặc cả giúp tôi. Ông lái cũng đứng tuổi nên tôi yên lòng. (Tâm lý vẫn sợ trấn lột). Tôi hỏi chàng trai, cháu học ở trường nào? Cậu ta trả lời, không, cháu sang đây bán hàng ngoài chợ. Tôi thật ngạc nhiên về thái độ ứng xử và trình độ tiếng Nga của cậu. Cảm ơn rồi chia tay trong giá rét nhưng tôi thấy ấm áp.  

Dọc đường về qua chuyện trò, được biết, ông lái xe người Armeni. Tôi khoe rằng đã đến thủ đô Erevan của ông từ hơn 20 năm trước. Ông nói, 20 năm mới quay lại thì Maxcova thay đổi nhiều lắm rồi. Ông kể tên nhiều người Armeni thành đạt tại Nga, trong đó có Tổng giám đốc Mosfilm Karen Sakhnazarov (một đạo diễn mà tạp chí Thế giới Điện ảnh của chúng tôi dịch nhiều bài của ông). Chiếc taxi của ông có bộ phận chỉ dẫn những con đường không bị kẹt xe và đi thế nào cho ngắn nhất. Dù ban đêm, nhưng ông vẫn giới thiệu nhiều công trình giao thông đang mở. Đến vành đai 3, nhiều xe chạy chậm vì họ đang xây một vòng xoay trên cao. Ông cho tôi biết, từ trung tâm Maxcova đến  đường vành đai 3 này có chu vi là 100 km. Chà, bằng từ Hà Nội đến Hải Phòng. Thảo nào Maxcova rộng thế. Lúc về, nghe một bạn người Việt còn nói, họ sắp mở đến vành đai 4.

Giữa ban đêm, tìm được khách sạn Đồng Hương thật khó. Tôi đưa lá thư mà người bạn Nga A. Socolov đặt trước phòng ở cho tôi. Hóa ra anh bạn Nga viết nhầm. Nhà số 3 thành nhà số 10. Mà mỗi ngôi nhà ở Maxcova mới lớn làm sao. Có ngôi nhà dài chiếm hơn nửa phố với hơn chục cửa ra vào. Hai người hết lùi xe ra, lại quay xe lại trong đêm tuyết lạnh. Tôi thì không có điện thoại của Nga, tất cả nhờ người lái taxi gọi cho người quản lý khách sạn. Mà người này thì lại nói tiếng Nga chưa sõi lắm. Cuối cùng, loanh quanh mất hơn một tiếng trong đêm mới tìm thấy. Ông giúp tôi đỡ va ly xuống mà không đòi thêm một đồng nào. Trong túi mình cũng chỉ còn 1.000 rúp vì lúc đi, tôi chỉ  đổi 3.000. Trả cho ông ấy 2.000 rúp mà lòng còn áy náy.

Hóa ra khách sạn Đồng Hương nằm trong khu ngoại giao đoàn. Một người Việt mua mấy căn hộ và cải tạo thành những căn phòng nhỏ cho thuê. Phòng sạch sẽ. Ngày nào cũng có người dọn. Trong khách sạn có bếp ăn do người Việt nấu. Giá cả rất phải chăng. Bạn bè cứ rủ tôi ăn cơm Việt. Nhưng lại nhớ câu chuyện của giáo sư Phạm Vĩnh Cư. Khi ông sang Nga, các học trò cũ mời ông ăn cơm Việt. Ông cười hiền hậu: “Các anh lạ thật. Đi Nga phải thưởng thức món Nga chứ?”.

Trong hai tuần ở Maxcova, tôi cảm nhận bao câu chuyện ân tình. Khi đến Bảo tàng phòng thủ Maxcova ở ngoại ô, đích thân ông Giám đốc Bảo tàng  D.K. Aleksandrovich dẫn tôi đi thăm và trực tiếp thuyết minh cho tôi.  Ông còn nói, mấy năm trước, đã có phóng viên truyền hình Việt Nam đến đây rồi. Trong khi tôi ở đó, có một tốp học sinh cấp II cũng đến tham quan .(Nhìn lũ trẻ khiến tôi nhớ lại, tháng trước, khi còn ở Hà Nội, tôi có đưa sinh viên đến Bảo tàng Dân tộc học, tôi thấy các cô mẫu giáo cũng đưa các cháu đến bảo tàng này và thuyết minh cho các cháu bằng những lời người lớn! Nhìn các cháu bé đi còn chưa vững, tôi thấy ái ngại vô cùng!). Có mấy người phụ nữ đến mua sách và huy hiệu. Tôi cũng mua mấy cuốn làm tư liệu. Không khí trong bảo tàng thật trang nghiêm và ấm áp. Các phòng đều trải thảm. Đám học sinh không đùa nghịch mà hết sức chăm chú xem.

Vào đây, dù mùa đông  đường bẩn, nhưng mọi người không phải bỏ giầy. Mỗi người được phát một đôi ủng rộng bằng nilon. Giầy của mình cứ xỏ vào đó rồi đi thăm các phòng. Xem xong, tháo đôi ủng nilon đó, bỏ vào thùng rác. Trên lối đi, chỗ nào có vết bẩn và nước, một anh công nhân áo xanh cầm chổi đến lau sạch ngay.

Khi đến Trung tâm lưu trữ Quân đội, tôi phải xếp hàng khá lâu. Người Nga làm thủ tục rất chặt chẽ. Vào nơi mình cần, đã thấy bao người khách Nga đến trước. Họ mượn tư liệu nghiên cứu. Tất cả đều im lặng làm việc. Tôi ghi phiếu yêu cầu. Một cô gái và một chàng trai vội đi tìm sách. Lát sau, họ đưa cho tôi xem những chồng hồ sơ đã cũ, đánh máy. Những dòng nào đã mờ, những trang nào bị rách, họ đều viết lại bằng tay, chữ rất sắc nét. Chỉ được phép xem và ghi chép, không được chụp ảnh. Các nhân viên làm việc rất cần mẫn, nhiệt tình. Ai cần gì cứ ghi phiếu. Nhân viên sẽ mang tài liệu đến.

(Tôi lại nhớ một chuyện ở Hà Nội. Người bạn Nga của tôi vào một thư viện mượn sách. Nhân viên nói không có. Anh nói chuyện đó với tôi. Mách nước cho bạn Nga, tôi nói, anh cử cho vào phong bì ít tiền. Hôm sau, anh bạn Nga làm theo. Quả nhiên có sách. Ang bạn Nga ngạc nhiên: Tôi cũng vào thư viện của Pháp và Mỹ, cần gì có đó. Tại sao ở Việt Nam lại khác? Tôi nói, anh có nhớ câu ông Hoàng Ngọc Hiến của chúng tôi đã nói không? Anh nói có. Thế thì hỏi làm gì? Tôi trả lời).

Trong hai tuần ở Maxcova, tôi được các thầy giáo, cô giáo ở trường Đại học Điện ảnh mời đi xem hai vở kịch. Bởi họ vẫn nhớ tôi, ngày trước, sau giờ học, thường đi xem kịch Nga và nước ngoài để luyện tiếng Nga. Hôm xem vở Bản sonat ở Kreutzer của Lep Tolxtoi ở nhà hát kich mang tên A. Chekhov, tôi đến nhầm một nhà hát đang sửa chữa. Hỏi đường, một chàng trai dẫn tôi đi. Anh giới thiệu tên mình là Xasa, cầu thủ bóng đá. Anh chỉ cho tôi nhà hàng, nơi anh làm lễ cưới mấy năm trước. Anh dẫn tôi đi rất tận tình. Đến tận nơi, anh mới rời đi theo hướng của mình.

Tôi đến trước. Ít phút sau, bà giáo mới đến. Bà lấy vé cho tôi ngồi chỗ gần nhất, sát sân khấu. Trong nhà hát, họ trưng bày lịch sử nhà hát thật trang trọng. Chân dung các diễn viên của các thế hệ, những bức ảnh của các vở lớn được trình bày thật nghệ thuật, tạo cảm giác yêu nghệ thuật cho người xem. Có những cô gái bán tờ rơi về vở kịch, giá khoảng 1USD/ 1tờ. Trong kios của Nhà hát còn bán rất nhiều sách nghệ thuật sân khấu.  Khán giả thật lý tưởng. Đa phần là thanh niên và người đứng tuổi. Nhà hát có 1000 chỗ mà không còn ghế nào trống. Khi vở kịch kết thúc, khán giả lên tặng hoa cho diễn viên. Đặc biệt, người xem đứng vỗ tay đến hơn 10 phút. Khi ra về, việc lấy áo và mũ hết sức trật tự. Trước gương, dù đã khuya, nhưng những phụ nữ vẫn còn đứng trang điểm.

Hôm đến Nhà hát Iunosti (Tuổi Trẻ) để xem vở Lão hà tiện của Molie, tôi ngạc nhiên thấy có rất nhiều người già đi xem. Sau đó lại thấy khá đông khán giả trẻ. Mùa đông mà họ vẫn ăn kem. Nhà hát này thiết kế chỗ ngồi cho khán giả thật lạ. Thường thì diễn viên biểu diễn trên sân khấu, mắt nhìn về phía  người xem. Nhưng nhà hát này không làm thế. Họ mở cả phía sau sân khấu, xếp được đến chục hàng  ghế. Như vậy, họ diễn ở giữa, khán giả từ hai phía nhìn thấy họ hết, chẳng cần giấu diếm gì mà trở nên rất gần gũi. Giờ giải lao, khán giả và diễn viên trò chuyện với nhau hết sức thân tình. Là người làm phim, tôi cảm nhận, rằng nghề diễn viên điện ảnh, diễn một lần rồi thôi. Còn diễn viên sân khấu, họ hàng ngày, hàng tháng, có khi hàng năm, phải sống cuộc đời thứ hai của vai mình đóng. Như vậy, trong họ ắt có một đời sống tâm linh khác, rất thiêng liêng.

Ngày thứ Bẩy, 13/12, một người bạn Việt Nam lấy vé cho tôi đi xem chương trình ca nhạc Retro FM tại sân vận động Olipich. Đây là chương trình ca nhạc rất thành công ở Nga. Mời những ban nhạc và ca sỹ của Nga và trên toàn thế giới đến biểu diễn những bài hát hay của các thập niên 70-80-90 của thế kỷ trước. Buổi biểu diễn kéo dài từ 19h30 cho đến 0 giờ 30 phút hôm sau mà vẫn không ai bỏ ra về.

Sân vận động hôm ấy có khoảng hơn 15000 người. Mà giá vé nào có rẻ. ít nhất là 20 dollar, nhiều nhất là 500.  Sân khấu bài trí hết sức hiện đại và ấn tượng.  Deco chỉ là những vòng tròn mà biến hóa ra hàng trăm hình cách điệu. Khán giả trẻ đến rất đông. Họ cầm cờ Nga, cờ búa liềm cùng hàng trăm đạo cụ khác để cổ vũ. Họ đứng nhảy múa theo nhịp điệu nhưng rất trật tự. Trên các khán đài, người xem có thể đứng lên, nhún nhảy thoải mái nhưng chỉ trong diện tích của mình. Đặc biệt, gần sân khấu có một khoảng trống kê cao, dành riêng cho những khán giả ngồi xe lăn. Tôi cảm động khi thấy những người ngồi tren xe lăn cũng như muốn nhảy và phất cao cờ Nga.  Chỉ hình ảnh đó thôi, đã thấy nước Nga và người Nga vĩ đại vô cùng.  Những ca sỹ lừng danh một thời như A.Leonchiep, Iuri Satunov, những ban nhạc nước ngoại như ChinghitKhan (Đức), Otawan (Mỹ) v.v…trình diễn tưng bừng. Hết phần của mình, một ca sỹ của ban nhạc Đức nói rất hào sảng: “Dù  năm tháng trôi qua, dù thời thế thay đổi, nhưng tình bạn của chúng ta vẫn mãi mãi bên nhau. Chúng tôi yêu nước Nga! Chúng tôi yêu Maxcova!”.


2.

Maxcova, nhìn gần…

Thành phố Maxcova có dân số khoảng 12 triệu người và khoảng 2 triệu khách vãng lai. Điều khiến mọi người yêu mến Maxcova là thành phố rất sạch. Dù đi trong tầu điện ngầm, dù đi trên phố hay rẽ vào một ngõ nhỏ nào đó, tôi hầu như không thấy rác vứt bừa bãi. Trên phố, có những thùng rác, nhưng đó là nơi người dân để thùng giấy, túi đã dung hay chai lọ đã sử dụng. Đặc biệt, đù đi ngang qua những thùng rác này, tôi không hề thấy bóng dáng một con ruồi nào hoặc ngửi thấy hôi hám.

Khi tôi sang, đúng mùa tuyết đang rơi. Cpos những đêm, tuyết rơi ngập thành phố. Nhưng khoảng 4-5 giờ sáng, tôi đã thấy những xe xúc tuyết đang dọn sạch thành phố.  Sáng ra, đi trên các con đường, đã thấy tuyết được dọn sang một bên, lối người đi bộ đã gọn gàng, Đem chuyện hỏi làm thế nào Maxcova sạch thế, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng cho biết, Maxcova có khoảng 72.000 máy dọn tuyết và hàng chục nghìn công nhân xúc tuyết. Đa số họ đều là dân nhập cư từ nước cộng hòa Tatzikistan. Chính điều này đã gây nên sự xụng đột nội tâm trong lòng người dân Thủ đô. Tức là người Nga có vẻ không thích người nhập cư. Song chính những người nhập cư lại làm cho Thủ đô Nga sạch đẹp. Đó là một lý do. Song lý do quan trọng là do chính ý thức người dân.

Đến nhà một người bạn Nga chơi, tôi thấy cháu nhỏ học lớp 4. Vừa đi học về, cháu chưa bỏ cặp sách mà chạy ngay đến thùng rác, lấy những cục giấy từ trong túi áo mình ra, bỏ vào đó. Hôm khác, qua thăm nhà một người bạn Việt Nam sống và làm việc ở đây đã lâu. Người bố ăn chuối, nhặt sợi nhỏ của vỏ  còn dính trên trái, ném qua cánh cửa khép hờ xuống khu vườn sau nhà. Cô con gái lớp 9 liền phê bình bố, rằng tại sao bố lại vứt vỏ chuối qua cửa sổ? Ông bố cãi, đó không phải là vỏ, mà là sợi xơ nhỏ. Nhưng cô con gái nói, dù là cái gì cũng không nên vứt như thế! Người bố đành phải xin lỗi con gái. Sau đó, người vợ nói với tôi, rằng ở bên này, các thầy cô giáo dạy trẻ  kỹ năng sống với sự kiên trì liên tục. Để trẻ con nhớ và biến thành nguyên tắc sống của mình cũng như của cộng đồng.

Hai tuần ở đây, tôi không hề nghe thấy một tiếng còi xe ô tô. Tất cả đều dùng  đèn tín hiệu. Xin vượt, nháy đèn. Vượt xong, cảm ơn, cũng nháy đèn. Một nguyên tắc tối thượng của các lái xe là tôn trọng tính mạng con người. Dù bạn sang đường ở nơi quy định hay sang ở bất cứ chỗ nào, các tài xe đều tự nguyện dừng lại, dành phần đường cho bạn đi qua. Điều này tôi cũng thấy ở Phnom Pênh hay ở Viên Chăn, nhưng ở Hà Nội thì chưa bao giờ thấy! Dù trên kênh truyền hình Nga NTV thường có chuyên mục “Chiến tranh trên đường’’ với nội dung phân tích những tình huống xảy ra tai nạn giao thông trên khắp các ngả đường nước Nga, nhưng tôi thấy, ý thức lái xe của người dân, chẳng hạn, ở Thủ đô, rất tốt.

Luật pháp Nga cho phép cảnh sát giao thông, nếu phát hiện lái xe có mùi rượu, sẽ phạt  khoảng 40.000 dollar và tịch thu bằng lái trong 2 năm. Thảo nào, khi dẫn tôi cùng một đồng nghiệp Nga đi chiêu đãi tại nhà hàng Tarac Bumba, ông đạo diễn Efim không hề uống giọt rượu nào, dù rượu vang vì lý do “tôi ngồi sau tay lái’’. Những người Việt trẻ tuôi mà tôi gặp, dù hôm trước là chủ nhật, có uống chú rượu cùng đồng hương, nhưng hôm sau vẫn không dám lái xe đi làm vì sợ trong miệng mình còn hơi rượu. Thà đi làm bằng tàu điện ngầm còn hơn vị phạt. Tôi hỏi, tại sao ông tôn trọng luật pháp như vậy? Anh bạn trả lời: “Cái chính là chế tài nghiêm ông ạ!”.

Vào mạng, đọc các tin tức của báo mình viết về đồng tiền Nga, chính tôi cũng cảm thấy xa lạ. Vâng, đồng ý là giá đồng rúp có lên, có giật, nhưng điều quan trọng là đời sống hàng triệu người dân không hề bị ảnh hưởng, thậm chí họ còn được hưởng lợi. Bằng chứng là giá cả các mặt hàng đều không tăng. Cài các cửa hàng hay siêu thị, hàng hóa la liệt, mua gì cũng có. Từ những trái hồng vàng tươi hay đỏ rực đến trứng cá bay ba-tê trứng ngỗng, giá cả vẫn đứng nguyên trên kệ. Mà người Nga đâu phải ít mua hàng.  Ngày thường, một người bạn rủ tôi đi siêu thị Asan.

Siêu thị có bãi để xe khoảng 500 chỗ mà tìm được một chỗ đỗ xe là cả một vấn đề không dễ dàng. Tôi thấy một người đàn ông Nga mua một lúc ba xe hàng, xe nào cũng chất cao như núi. Mà túi đựng hàng của Asan thì to như cái bàn, có thể đựng vừa một người lớn! Mà những cửa hàng thực phẩm loại vừa, trưng biển bán hàng 24/24. Vào đó, bạn có thể mua từ quả trứng, gói mì tôm cho đến các loại socola hay rượu ngoại lại hảo hạng. Cạnh đó là những cửa hàng hoa tươi, cũng phục vụ 24/24. Tôi gặp một chàng trai ôm một bó hồng trắng thật tươi đi sinh nhật. Điều hấp dẫn không chỉ bó hồng mà là chất liệu bọc bên ngoài. Nó như được làm từ xơ vỏ cây. Vừa cứng cáp vừa trang nhã. Chàng trai hát một giai điệu của bài quà tặng sinh nhật của nhà thơ, nhạc sỹ và ca sỹ Bulad Okuzava.

Người Maxcova còn có tục lệ, đi thăm người ốm cũng thường mang hoa vào bệnh viện. Không khí bệnh viện vốn u ám. Nếu có những bong hoa nở bên cạnh bệnh nhân, họ thấy đời đẹp hơn. Một người bạn Nga giải thích với tôi như vậy. Vâng, một dân tộc yêu hoa như vậy khiến lòng mình cũng yêu cuộc sống này hơn. Trên đường phố, trong tầu điện ngầm, tôi luôn thấy hoa bên cạnh người trẻ tuổi, thậm chí cả người già. Cách họ cầm hoa cho thấy họ quý trọng  cái đẹp thế nào.

Những ngôi nhà cao tầng của Maxcova thường có ban công. Nhưng tôi để ý, thấy người Nga thường để trống ban công đó. Không như  ban công nhà cao tầng ở ta,  thường chỉ thấy lan con và  các chấn song. Ban công nhà cao tầng ở đây, được bọc kín. Ít ra nó cũng che đi những gid thiếu thẩm mỹ. Nhưng tôi thấy người Nga ít sử dụng ban công. Họ để trống hàn toàn. Có lẽ vì mùa đông nhiều tuyết. Nhưng ở một nhà người Việt, thì tôi lại thấy, cái ban công là nơi chứa những thứ chổi cùn rế rách, như ở Hà Nội! Vâng, ban công để trống, nhưng người Nga lại trồng rất nhiều cây trong nhà. Có gian họ để trống, trồng toàn cây xanh. Họ lý giải, để cây ra ngoài, trời lạnh, cây sẽ chết.

Đến thăm nhà một người bạn gái cũ, cùng lớp ngày trước. Cô ấy trồng một cây hoa giữa phòng, bên chiếc đàn piano cỏ điển. Cô nói, đây là một loại hoa hồng có gốc từ Ấn Độ. Cô ấy  học biên kịch, nhưng nói tiếng Pháp rất tốt, hát tiếng Đức rất hay, chơi piano thường xuyên và có nhiều tập thơ được xuất bản. Ngày trước, chính cô ấy tặng tôi cuốn sách Nga, nhan đề ‘’Phương pháp nghe nhạc giao hưởng’’. Và hơn 20 năm trước, cô ấy cùng bố mẹ cô đã tặng tôi vé đến nhạc viện Traicovski để nghe giao hưởng của ông. Tôi định từ chối. Nhưng cô ấy nói, đây là dịp rất hiếm. Giá vé cao đấy. (Hồi đó khoảng 45 rúp, bằng nửa tháng học bổng của tôi).

Lần này thăm lại, ngồi đó khoảng một giờ, bao chuyện chưa nói hết thì vợ chồng cô rủ tôi đến Sứ quán Đức nghe vợ chồng cô ấy trình diễn  cùng dàn đồng ca Đức. Trong khi giữa bà Thủ  tướng Đức Merken và ông Tổng thống Nga Putin còn nhiều vấn đề thì chính người dân lại làm ấm lên thời tiết quan hệ ngoại giao giữa mùa đông băng giá.

Đến thăm máy khu chợ của người Việt, tôi thấy cảnh buôn bán vẫn tấp nập diễn ra. Chẳng hạn ở chọ Liublino, người Việt đi chợ từ 3 giờ sáng. Tôi ngạc nhiên. Thử theo anh bạn đến xem. Trong đêm, người Việt từ các thành phố xa xôi như  Kurs, Orion v.v…, đánh xe đến lấy hàng rồi phóng về cho kịp trời sáng. Một người bạn, học cùng khóa với tôi, sau ở lại đây, cho biết; trung bình, mỗi sạp hàng ở đây, hàng tháng phải đóng thuế từ 20 đến 30 nghìn dollar. Nhưng bù lại, mỗi ngày họ thu lãi với số tiền không những đủ tiền thuế, còn có tiền mua nhà hoặc thuê nhà, cho con ăn học và gửi về xây dựng cơ nghiệp ở trong nước nữa. Đương nhiên, vẫn có những người thời vận chưa đến, có thể không có tiền mua vé.

Ở một nơi khác, gọi là chợ  Ruwbac, hàng hóa của Việt cũng như của Nga, cơ man nào kể. Từ những thùng cá chép tươi quẫy đuôi tung bọt đến những chú chó đã thui, từ trái ớt chỉ thiên đến gói gí vị, mua gì có nấy. Tôi thấy những chàng trai làm nhiệm vụ thu gom, quét dọn rác với gương mặt thanh thản và nụ cười dễ mến, bắt tay chào hỏi khách trong nước sang rất đàng hoàng. Cũng có đêm ở khách sạn, tôi thấy một nhóm bạn trẻ người Việt thức đêm, đùa nghịch ầm ĩ.  Họ nôn thốc nôn tháo từ hành lang vào đến nhà vệ sinh. Tôi ngỡ các cháu từ trong nước mới sang như mình, định giúp đỡ, nhưng các cháu từ chối. Sáng hôm sau, nhóm bạn trẻ biến mất lúc nào. Tôi đi làm về, bụng lo, sợ các cháu lại quậy đêm nay, mình sẽ mệt đây. Nhưng đêm xuống, vẫn không thấy họ về. Hỏi chị dọn phòng. Chị ấy nói, đó là con em một số người Việt ở đây.  Bố mẹ đầu tắt mặt tối ngoài chợ. Con xin đi dự sinh nhật. Rồi thuê khách sạn, sống bầy đàn.


3.
Những người bạn Việt và Nga

Tình cảm của người Nga đối với người Việt, theo cái nhìn của tôi, thì cơ bản vẫn là những  trái tim nhân hậu. Không có quốc gia nào mà người Việt  vào Nga dưới đủ hình thức rồi tìm cách hợp pháp hóa ở lại đông như ở Nga. Riêng ở “ốp’’ (chung cư) Rưbac(Người đánh cá) có khoảng 500 người Việt tập trung. Gọi là “ốp’’ nhưng tiền thân của nó là một khách sạn cũ. Một người Việt Nam mua lại khách sạn này rồi cải tạo thành chung cư cho đồng bào mình thuê lại.  Con số 500 người Việt là mấy trăm gia đình. Họ tổ chức thành một xã hội Việt Nam thu nhỏ ngay giữa Maxcova, mua và bám đủ các thứ như chợ Đồng Xuân. Đặc biệt, phở ở đây có tiếng là ngon nhất. Hôm tôi đến đây ăn phở, cũng có hai cảnh sát Nga đang ăn. Họ trả tiền đàng hoàng.

Ở những chỗ khác tôi đến như nhà hàng Saigon, nhà hàng Hương Giang, khách Nga lúc nào cũng rất đông. Các cô gái tiếp tân người Việt trong trang phục dân tộc, nói và nghe tiếng Nga rất thân tình khiến khách Nga rất dễ chịu. Người Việt bán hàng ở đây cũng có nguyên tắc. Hôm tôi đến nhà hàng Saigon của một ông chủ người Nghệ An, có một thanh niên Nga dẫn bạn đên ăn chịu. Nhà hàng không bán. Anh chàng Nga kia, chắc sĩ diện với bạn, nổi khùng. Nhưng ông chủ vẫn bình tĩnh ngồi tiếp khách. Chỉ có người phụ trách lễ tân. Một người đàn ông đứng tuổi, chìa ra cho anh ta những biên lai còn ghi nợ. Người bạn Nga đi cùng cũng khuyên nhủ anh ta. Cuối cùng, hai vị khách Nga lặng lẽ ra khỏi nhà hàng. Tôi nghe cô tiếp tân nói; anh này trước đây hiền và ngoan lắm. Chỉ từ ngày mắc nghiện hút mới hung hăng như vậy. Cô còn cho biết, anh ta làm việc ở quán cắt tóc gần đấy.

Phải nói rằng, người Việt đang có chỗ đứng ngày càng vững vàng trong xã hội Nga. Tôi gặp một chị là Giám đốc mấy xưởng may “trắng’’ (những xưởng hợp pháp). Chị lái xe con đi giao dịch rất đàng hoàng trên đường phố Maxcova. Tôi hỏi chị, đã gặp nguy hiểm bao giờ chưa? Chị cho biết, hơn 10 năm trước, có một lần chị bị cướp túi tiền. Vừa lái xe đến công ty bạn, bước ra ngoài, thấy mấy thanh niên Nga, chị tưởng đó là những cửu vạn, cứ bình thản đi vào. Bỗng một cú đấm như trời giáng đập vào mắt chị. Ngã xuống giữa những lớp tuyết dày, chưa kịp kêu thì cái tui đã bị cướp. Mãi 10 ngày sau mắt mới lành. Nhưng chị cho biết, một thời gian sau, đã kiếm lại số tiền bị mất.

Tôi cũng gặp nhưng công nhân ở một xưởng may đen (bất hợp pháp). Cô gái quê ở Đô Lương (Nghệ An), trên đường về phép, ngồi cạnh tôi trên máy bay. Chặng đường 10 tiếng đồng hồ bao nhiêu chuyện. Cô cho biết, xưởng may của cô làm việc từ 9 giờ sáng. Đến 10g30 ăn sáng. Làm việc tiếp. Đến 18g ăn  chiều. Lại làm tiếp Đến 23g ăn bữa phụ. Có hôm phải làm việc đến 3 giờ sáng. Cô đã ở bên này 4 năm rưỡi. Nhìn gương mặt trắng trẻo và rạng rỡ của cô, tôi đoán cô làm ăn cũng không đến nỗi nào. Cô cho biết, về nhà để cưới chồng. Nếu thấy khó làm ăn trong nước, lại tìm đường sang Nga. Ông chủ xưởng của cô cũng là người Nghệ An, người huyện kế bên. Có sự tin tưởng giữa chủ và thợ như vậy, làm sao có chuyện bóc lột và lừa đảo được. Tôi hỏi cô xưởng may đen ở đâu. Cô nói ngay bên đường. Xung quanh toàn nhà người Nga. Tôi lại hỏi, cô lên Maxcova bằng đường nào? Cô nói, nhờ ông chủ mua vé. Ông chủ cho xe đưa mình ra sân bay. Cô kể với tôi bằng giọng bình thản, tự tin, luôn nở nụ cười tươi. Thật quý trọng những người trẻ tuổi ra đi “cứu nước cứu nhà” như cô gái này.

Biết tôi sang đây tìm tư liệu làm phim, Khanh và Giang, hai anh bạn người Việt, giới thiệu cho tôi gặp Paven, một nhà làm phim người Nga. Anh này làm việc ở một trong 10 hãng phim lớn nhất nước Nga. Hãng phim của anh đã chuẩn bị gần như xong một dự án làm phim truyền hình nhiều tập về người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nga. Mục đích của bộ phim là làm giảm bớt những sự hiểu lầm của người Nga đối với người Việt, bẻ gẫy những định kiến không tốt về người Việt trong người Nga (vừa nói anh vừa làm động tác bẻ gãy chiếc thìa bạc) và nâng cao vị thế người Việt tại Nga. Chúng tôi cùng trao đổi với nhau về những dự án của mình và hứa hẹn sẽ cộng tác với nhau một cách cụ thể.

Những ngày tôi ở đây, trên keenhg TV “Piatnhitsa’’ (Thứ Sáu) của Nga lien tục chiếu phóng sự về những điều kì lạ ở Việt Nam, từ đồng bằng sông Cửu Long đến miến núi phía Bắc. Tôi nghĩ, đó cũng là cách khích lệ những ai có tư duy ưa khám phá tìm đến với nước mình. Buổi chiều, kênh này giới thiệu về Ấn Độ và Trung Quốc. Về những người Nga mà tôi có dịp cộng tác, phải nói, họ luôn truyền vào tôi những cảm hứng sống tốt lành. Tôi rời nước Nga đã 23 năm. Nhưng suốt 23 năm đó, đặc biệt là trong những ngày chưa có internet, anh Anatoly Socolov, một nhà Việt Nam học, vẫn thường xuyên gửi cho tôi những bào báo Nga, những cuốn sách Nga viết về điện ảnh cùng những bộ phim Nga. Sang Nga lần này, tôi tặng mẹ anh chiếc khăn có thêu  những bông sen. Nhưng hôm sau, thấy anh mang trả lại với lý do “mẹ tôi già rồi, không thích hợp’’. Tôi nói, anh có thể tặng bạn gái của anh. Nhưng anh nói: “Tôi nghĩ, anh có nhu cầu tặng nhiều người khác hơn tôi!”. Đấy, tâm hồn Nga  không gợn tì vết  như  thế đấy. Tôi nghĩ đến truyện ngắn “Thứ hai trong sạch’’ của I. Bunhin.

Biết tôi sang Nga với mục đích này, Đài phát thanh  “Tiếng nói nước Nga’’ liền cử một phóng viên đến gặp tôi để phỏng vấn. Nghe giọng nói qua điện thoại, tôi đoán phóng viên này khoảng 40 tuổi. Nhưng khi gặp, anh Alexey S. Syunnerberg giới  thiệu mình đã 70 tuổi. Trời, một người lớn tuổi như vậy mà đi làm một công việc cỏn con thế này ư? Tôi thú thật và xin lỗi.  Bỏ qua những lời xã giao, anh vào việc ngay. Anh tặng tôi bài báo mà anh đã bỏ 40 năm để đi tìm tên tuổi những người Việt đã chiến đấu và hy sinh trong trận đánh bảo vệ Maxcova mùa đông năm 1941. Cũng những tư liệu của anh E. Cobelep, của ông N. Xolnsev (đã mất) và cuốn sách của anh A. Socolov, tôi đã hình dung được hạt giống của câu chuyện.

Điều mình muốn tìm hiểu thêm là đời sống cũng như những thứ liên quan đến người dân và binh lính Nga và những người tình nguyện trong Trung đoàn cơ động quốc tế trong những năm tháng chiến tranh thế nào. Câu chuyện này, tôi lại được nhiều Viện bảo tàng Nga, bảo tàng Maxcova, Viện lưu trữ Quân đội  Nga v.v… cung cấp rất nhiều.

Đến thăm trường cũ, thực sự cảm nhận ân tình Nga. Khoa ngoại quốc, khoa biên kịch tiếp đón rất nồng nhiệt. Họ liên tục gọi điện cho thầy hiệu trưởng báo tin có sinh viên cũ từ Việt Nam sang. Rồi các thầy giáo, cô giáo cũ mở tiệc tại các nhà hàng, đánh xe đưa đi. Các bạn học cũ kéo đến. Tiệc kéo dài đến nửa đêm. Các thầy cô và bạn đồng nghiệp cũ lại tặng cho tôi bao nhiêu sách và phim - những tác phẩm của họ. Đến lúc trả tiền, một thầy giáo cũ đòi trả vì hôm nay thầy mới nhận nhuận bút của một bộ phim TV cũ của thầy được phát lại trên truyền hình. Thầy hỏi tôi, ở Việt Nam có trả thế không? Tôi xấu hổ nói rằng không.

Trên máy bay, tôi cầm những tờ báo Nga và báo Việt lên xem. Tờ báo Nga, “Izveschia’’ có khổ chiều rộng 30 cm, chiều dài 63cm, rất thích hợp đối với người đọc. Vì khi mở báo ra, không làm phiền những người bên cạnh, khác hẳn những tờ báo khổ to của mình. Tờ này còn có hai phụ trương, in trên giấy tốt, khổ cũng vừa cho người ngồi chỗ đông người đọc. Một tờ về giá dầu với những ý kiến của các chuyên gia nhìn từ các góc độ. Một tờ về sức khỏe. Phải nói, ngay từ những năm còn là sinh viên, tôi đã hay la cà vào những hàng báo quanh nơi mình ở. Có tờ phải đọc hàng tháng mới hết vì báo Nga, nhiều bài rất có sức nặng. Tôi cũng thường ghé vào những hiệu sách Nga. Trời, sách Nga đắt kinh khủng. Mỗi quyển, quy ra tiền Việt, phải đến 600-700 ngàn. Nhưng đều đáng giá. Mình ham quá. Hôm đến trường VGIK và Hội Điện ảnh, mua bao nhiêu sách, phải đến hơn chục kg. Đến nỗi, lúc về, va ly nặng quá, phải gửi lại một thùng.

Tiễn tôi về nước, vợ chồng một người bạn phải vội đến đăng ký để chuẩn bị  được vào Điện Kremli, dự cuộc họp báo của Tổng thống Putin. Máy bay cất cánh. Tôi nhìn xuống nước Nga. Lòng cảm thấy bình yên. Vì nước Nga và  người Nga  luôn cho mình cảm giác yêu quý và tin cậy.

Đ.T

 

Thông tin liên quan đến nhà biên kịch, nhà thơ Đoàn Tuấn:

Kịch bản ĐI TÌM CHỖ NGỦ (bản 1)

Kịch bản ĐI TÌM CHỖ NGỦ (bản 2)

Ký sự NHỮNG NGƯỜI KHÔNG GẶP LẠI NỮA

CÁC TƯỢNG CHÂU PHI Ở BẢO TÀNG LOUVRE (PARIS)

VẺ ĐẸP PHỤ NỮ PHƯƠNG ĐỘNG KHÁC PHƯƠNG TÂY

ĐOÀN TUẤN VIẾNG ĐỒNG ĐỘI CŨ NHÂN 27.7.2014

Thơ MÙA ĐÔNG HÀ NỘI

CÙNG ĐOÀN TUẤN TẠI TẠP CHÍ THẾ GIỚI ĐIỆN ẢNH

ĐOÀN TUẤN VÀI HÌNH ẢNH HỌP MẶT ĐỒNG ĐỘI D8, E 29,F307

Tập thơ ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC (in chung với Lê Minh Quốc)

Truyện dài MÙA THU ĐẾN MUỘN (viết chung với Lê Minh Quốc)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com