Dân gian thường nói “đẹp như tiên”’. Sau này lại thêm’ “đẹp như Tây”. Liệu điều đó có chính xác không? Trong thời đại ngày nay, khi điện ảnh không còn biên giới về tính đại chúng, nhưng trong quan niệm thẩm mỹ, giữa phương Đông và phương Tây, vẫn còn những khoảng cách không dễ xóa.
Tuyệt tác của Leonardo da Vinci: Mona Lisa - Tiếng Ý: La Gioconda, Tiếng Pháp: La Joconde
Trong cuốn’ “Con đường của nhà huyền môn”, thiền sư Osho nói: “Không ai trong số những phụ nữ đẹp nhất được chọn ở phương Tây có thể được thừa nhận đẹp nhất ở phương Đông. Phương Tây quan niệm về cái đẹp của phụ nữ rất máy móc. Tỷ lệ cơ thể được tính theo đơn vị inch, cân nặng của họ - những thông số chưa chắc được những người khác cho rằng đó là đẹp. Mỗi phần đều có một vài dấu ấn - vẻ mặt đẹp, tỷ lệ cơ thể, cân nặng cơ thể… nhưng trước khi yêu người phụ nữ, liệu có ai tính toán, sắp xếp về cân nặng và đo kích thước rồi sau đó quyết định cô ta là đẹp không?”
Vâng, trong các cuộc thi hoa hậu, số đo ba vòng của các cô gái luôn được coi là một trong những chuẩn mực đầu tiên - sau đó mới đến các yếu tố khác. Đương nhiên, chuẩn mực vẻ đẹp của phương Tây không chắc đã lôi cuốn được phương Đông. Chẳng hạn, trong những năm 50-60 thế kỷ trước, nữ diễn viên Mỹ Audrey Hepburn rất nổi tiếng trong các phim như “Sabrina’’,‘’Breakfast at Tiffany’s’’ v.v…Thậm chí phong cách thời trang sang trọng của cô còn được hãng đồng hồ Longines chọn làm biểu tượng quảng cáo. Nhưng một người phụ nữ có dáng hình mảnh khảnh, tóc cắt ngắn như vậy chưa chắc đã hấp dẫn với công chúng phương Đông.
Chúng ta lắng nghe Osho phân tích tiếp: “Tôi đã nhìn những bức ảnh của những người phụ nữ đó, tôi không thể tin điều đó. Bởi vì ở phương Đông, quá nhẹ cân không được chấp nhận là vẻ đẹp. Phương Đông có khái niệm khác về phụ nữ. Bạn có thể nhìn thấy những bức tượng của Khajuraho (nơi có khu đền bên ngoài trang trí bằng những bức phù điêu nam nữ giao hoan - NV). Điều đó sẽ cho bạn ý tưởng phương Đông về vẻ đẹp như thế nào. Người phụ nữ phải hơi đẫy đà, bởi vì chức năng cơ bản của phụ nữ là làm mẹ. Ở phương Tây, cô ấy ăn kiêng để tham gia cuộc thi sắc đẹp. cho nên tất cả thịt biến mất khỏi cơ thể và cô ấy chỉ là bộ xương”.
Ngay từ thế kỷ 17, một nhà văn Trung Quốc là Lý Ngư đã viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng tên là “Nhục bồ đoàn’’ có nghĩa là “cái nệm thịt’’ với nhiều triết lý sâu sắc về đời người và cuộc sống. Tiểu thuyết này đã được các nhà làm phim Hoa ngữ đưa lên màn ảnh. Ở nước ta, Nguyễn Du tả nàng Kiều khi tắm: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên’’. Qua đó, có thể cảm nhận, nhà thơ thưởng lãm vẻ đẹp cơ thể đàn bà phải đầy đặn, có những đường cong quyến rũ, và gợi cảm, không thể mảnh mai như phụ nữ phương Tây. Ông Osho nói tiếp: “Ở phương Đông, phụ nữ hơi đẫy đà một chút sẽ được chấp nhận, bởi vì mỡ béo là nguồn dự trữ, là thực phẩm và chức năng cơ bản của người phụ nữ là làm mẹ. Nếu cô ấy là bộ xương, dù bất kỳ tỷ lệ cơ thể thế nào thì cũng không thể trở thành người mẹ. Cô ấy không đủ mỡ, bởi vì trong chin tháng, việc ăn uống của cô ấy sẽ rất khó khăn; cô ấy phải sống bằng nguồn dự trữ mỡ của mình. Nếu cô ấy không có mỡ thì việc cô ấy trở thành người mẹ là điều không thể. Vì cô ấy cần bầu vú để cho con ăn. Đó là một phần vẻ đẹp của cô ấy, theo quan niệm phương Đông”.
Nhìn lại điện ảnh Việt Nam, thậm chí ngay cả trong những năm chiến tranh gian khổ, hình ảnh những nhân vật đẹp luôn là những người phụ nữ gợi cảm một cách khỏe mạnh như Trà Giang trong các phim Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày Lễ Thánh…, như Đức Hoàn trong Vợ chồng A Phủ, Đi bước nữa…hoặc như Lê Vân trong Bao giờ cho đến tháng Mười… Không những vẻ đẹp của phụ nữ phải khỏe mạnh mà người Việt chúng ta còn quan niệm, đàn ông cũng phải to mập mới tốt. Bằng chứng là ông Phật Di Lặc, biểu tượng của Thần Tài có cái bụng rất to, nụ cười sảng khoái. Nếu ông Di Lặc mà ở tư thế đứng thì không đẹp. Dân gian đặt ông ở tư thế ngồi, khoe bụng bự. Quan niệm về người béo mập, bụng to là “tốt bụng” đã thấm sâu vào nếp nghĩ của người dân từ xưa.
Ông Osho nhận xét: “Cho nên phương Đông và phương Tây sẽ không đồng quan điểm về cái đẹp của người phụ nữ. Và nếu bạn tính đến những quốc gia khác và những lục địa khác như Trung Quốc, thì sẽ có những điều khác biệt xuất hiện. Hoặc Nhật Bản, thế thì một vài thứ khác - sự duyên dáng của phụ nữ… bây giờ phụ nữ trình diễn gần như khỏa thân trước hàng nghìn người là không duyên dáng. Cô ấy gần như bán cơ thể mình. Tất cả những cuộc thi sắc đẹp gần như là khiêu dâm. Nhiều người đến đó để xem những phụ nữ khác nhau khỏa thân; họ không quan tâm đến cuộc thi”. Những người nữ duyên dáng như diễn viên Nhật Bản Setsuko Hara trong các phim như Xuân muộn, Chớm thu hay Câu chuyện Tokyo của đạo diễn Ozu, như Chương Tử Di trong phim Đường về nhà của Trương Nghệ Mưu, ngoài tài năng diễn xuất, họ còn bộc lộ những nét duyên mà các diễn viên phương Tây không thể có. Những sự duyên dáng ấy rất khó phân tích mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm hồn phương Đông. Điều này cũng luôn có trong các phim melodrama của Ấn Độ với những diễn viên , ngoài tài năng diễn xuất còn hát hay múa giỏi và đặc biệt, có một có thể tỏa đầy hương vị gợi cảm.
Mỗi nơi hầu như đều có tiêu chuẩn về cái đẹp của mình. Phụ nữ Việt Nam và phụ nữ phương Đông đều ước có một làn da trắng mịn. Nhưng phụ nữ phương Tây lại mơ có một nước da rám nắng. Chúng ta ví “mắt đẹp như mắt bồ câu”. Nhưng trong thần thoại xưa, người Hy Lạp lại coi mắt đẹp là mắt “mơ mộng như mắt bò cái”. Có thể dẫn ra nhiều ví dụ khác. Qua đó để thấy, để có quan niệm về cái đẹp một cách chính xác, bạn không nên phụ thuộc vào đánh giá của ai mà hãy bằng trái tim, bằng tâm lý, cảm nhận theo cách của riêng mình.
Đ.T
Tác phẩm của nhà biên kịch, nhà thơ Đoàn Tuấn:
Kịch bản ĐI TÌM CHỖ NGỦ (bản 1)
Kịch bản ĐI TÌM CHỖ NGỦ (bản 2)
Ký sự NHỮNG NGƯỜI KHÔNG GẶP LẠI NỮA
CÁC TƯỢNG CHÂU PHI Ở BẢO TÀNG LOUVRE (PARIS)
Tập thơ ĐẤT BÊN NGOÀI TỔ QUỐC (in chung với Lê Minh Quốc)
Truyện dài MÙA THU ĐẾN MUỘN (viết chung với Lê Minh Quốc)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|