VĂN XUÔI Truyện dài Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN

Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN

Mục lục
Lê Minh Quốc & Đoàn Tuấn - MÙA THU ĐẾN MUỘN
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Tất cả các trang
muathudenmuon

Nhân vật Phi ở ngoài đời là mẫu người như thế!

Đây là một câu chuyện có thật trong đời. Và từ một câu chuyện có thật, một cuốn sách được viết ra trong yêu thương của tình bạn. Khoảng năm 1997, tôi viết đề cương Mùa thu đến muộn gửi cho Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh. Họ đồng ý dựng thành phim sau khi tôi hoàn thành bản thảo. Thế nhưng, chỉ viế được vài trang là tôi bỏ dở, không viết nữa. Lý do duy nhất là bấy giờ tôi đã chuyển qua viết tiểu thuyết lịch sử  cho NXB Văn Học. Cụ thể là sau khi xuất bản tiểu thuyết Nguyễn Thái Học, được sự động viên cùa nhiều người, tôi lại bắt tay vào viết Tướng quân Hoàng Hoa Thám và đang lấy tư liệu để sau đó viết Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại. Những sách này đều được NXB Kim Đồng tái bản.

Lúc đó, không thể ôm đồm một lúc nhiều việc, tôi nghĩ đến nhà biên kịch Đoàn Tuấn - một người bạn đã từng sống chung với tôi những năm tháng ở chiến trường Kampuchia. Cả hai chúng tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó từ thời tuổi trẻ nên hiểu nhau, thương nhau như cật ruột. Vì thế tôi chuyển đề cương và phần viết dở dang ra Hà Nội để Tuấn hoàn thành bản thảo theo đúng kế hoạch của Đài Truyền hình. Dù đang bận viết kịch bản Đi tìm chỗ ngủ http://www.leminhquoc.vn/lmq/le-minh-quoc/905-doan-tuan-di-tim-cho-ngu.html (sau này đạo diễn Lê Hoàng đổi tựa là Chiếc chìa khóa vàng) nhưng vì tôi, Tuấn gác hết qua một bên để viết tiếp Mùa thu đến muộn và gửi vào cho tôi.

Lúc đó nhà biên kịch Nguyễn Hồ và nhà thơ Lê Điệp đọc xong tác phẩm này thì ưng ý lắm, đồng ý đưa vào sản xuất phim. Nhưng cả hai người đều đề nghị với tôi phải sửa lại một số đoạn. Tôi không đồng ý. Chính vì thế, Mùa thu đến muộn cất kỹ vào ngăn kéo.

Gần đây, NXB Kim Đồng mở thêm tủ sách Tuổi mới lớn và ưu ái mời tôi tham gia cộng tác. Tôi nhận lời vì thầm nghĩ trong tay đã có sẵn bản thảo này nhưng đến khi ngồi đọc lại thì tôi mới thấy quả là có những tình tiết cần phải sửa lại như trước đây đã có người góp ý. Thế là, Mùa thu đến muộn được tôi viết lại lần thứ hai, tất nhiên cũng trên cơ sở những gì mà Tuấn đã thể hiện trước đó nhưng lần này thay đổi như thế nào thì chúng tôi tiếp tục trao đổi qua điện thoại.

Và bây giờ, các bận cầm tập sách trên tay…

Điều sung sướng nhất của tôi và Tuấn là được đứng tên chung với nhau một tập sách, cũng như trước đây chúng từng in chung với nhau tập thơ Đất bên ngoài Tổ quốc http://www.leminhquoc.vn/lmq/tho/tap-tho/643-dat-ben-ngoai-to-quoc.html (NXB Văn Học). Điều này cho thấy tình bạn của chúng tôi thời mười tám, đôi mươi cho đến giờ vẫn còn nguyên vẹn và đáng quý biết bao!

Với Mùa thu đến muộn, chúng tôi muốn đề cập đến những số phận từ miền quê xa xôi vào kiếm sống tại đô thị lớn. Ở đó, họ gặp nhiều chuyện khó lường như trường hợp của Lan. Nhưng rồi, ở đó cũng có những người tốt sẵn sàng chia sẻ với cảnh ngộ của họ, mà Phi là một ví dụ. Có thể nhiều người sẽ cho rằng, tại sao Phi lại hoàn lương chóng vánh ngay sau khi gặp Lan? Điều này có vô lý không?  Nhưng tôi và Tuấn cùng nghĩ là hợp lý, bởi trong mỗi con người đều có mầm thiện, nếu biết khơi lại lòng nhân ái thì họ sẽ hướng thiện. Mà thật ra, nhân vật Phi ở ngoài đời là một mẫu người như thế. Chính tình yêu với Lan và những đau đáu khi nghĩ về mẹ già nơi quê đã dần dần thay đổi tâm tính của anh. Sau trận đòn thù của đám đàn em, Phi “rửa tay gác kiếm” và sống yên lành như mọi người lương thiện khác. Đó là điều mà chúng tôi xin “bật mí” cùng bạn đọc.

Riêng về tủ sách Tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng, qua những đầu sách đã in, tôi nghĩ rằng đó là những cuốn sách hết sức cần thiết cho bạn đọc tuổi chập chững vào đời. Ở đó các nhà văn có điều kiện để gửi gắm đến bạn đọc của mình những vấn đề mà họ đang tâm đắc. Tuy nhiên, tôi đồng ý với ý kiến nhà văn Đoàn Thạch Biền khi anh cho rằng: “NXB Kim Đồng nên tổ chức chcho các em tuổi mới lớn viết về mình. Có thể bắt đầu từ nhữn tập truyện ngắn, các em cùng viết chung về một đề tài như: biển, rừng, mùa  xuân, mùa hạ, cha mẹ, thầy cô… Các em cần biết những người cùng lứa tuổi đã nghĩ và viết như thế nào. Nếu cứ để các em đọc nhiều, đọc mãi tác phẩm của những người “tuổi hết lớn”, như vậy là “lấn sân” của các em.

Ngẫm lại, lời góp ý này nghe ra khá thuyết phục.

LÊ MINH QUỐC

(nguồn: Mùa thu đến muộn - NXB Kim Đồng ấn bản tháng 9.2002)

 

 



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com