GS - TS Nguyễn Khánh Trạch: GIÁO SƯ PHẠM KHUÊ - NGƯỜI THẦY HOÀN HẢO

 

GS Phạm Khuê (1925-2003) là người con thứ tám trong số 16 người con của học giả Phạm Quỳnh. Khi nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Tám thì Phạm Khuê đang là sinh viên Trường Đại học Y khoa, sống cùng gia đình chị cả Phạm Thị Giá (1913-2000) tại nhà số 5 Phố Hàng Da, Hà Nội.

Được tin cha bị bắt ngày 23/8/1945, Phạm Khuê đã viết bức thư kêu oan gửi Hồ Chủ tịch để hai chị lớn đem lên Bắc Bộ phủ khi được Hồ Chủ tịch tiếp trưa ngày 31/8.

Vừa kéo đàn phong cầm phụ giúp gia đình chị tại rạp chiếu bóng Olympia ở gần nhà, Phạm Khuê vừa tiếp tục học. Kháng chiến toàn quốc, Phạm Khuê cùng gia đình chị và các chị, em, cháu tản cư về làng Tràng Cát, thuộc Ba La Bông Đỏ, Thường Tín (Hà Đông). Sau đó, đưa gia đình về làng Vạn Lộc, Xuân Trường Nam Định. Rồi tiếp tục tìm trường đã chuyển đến địa điểm mới và tiếp tục học. Từ đấy, Phạm Khuê tham gia kháng chiến, cứu chữa cho thương binh, gia nhập quân y, đến năm 1954, về lại Hà Nội thăm chị cả, thì đã ở cấp đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam, phụ trách một viện quân y ở Thanh Hóa. Vợ, cũng là đồng đội. Và ông đã được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ.

Sau khi chuyển về công tác tại Trường Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Bạch Mai, Phạm Khuê làm chủ nhiệm bộ môn Nội, rồi từ những năm đầu thập kỷ 1980, ông đề xuất thành lập khoa bệnh riêng cho người cao tuổi, tiền thân của Viện Lão khoa quốc gia Việt Nam và làm Viện trưởng đầu tiên của Viện, cũng làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Người cao tuổi Việt Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Phạm Khuê là người con đầu tiên vô Huế, tìm và viếng mộ Thượng Chi- Phạm Quỳnh.

Ông được phong Nhà giáo Nhân dân và đã trúng cử đại biểu quốc hội khóa X của tỉnh Hải Dương - quê cha với số phiếu cao nhất đơn vị bầu cử số I, đạt tỷ lệ 86,11% trong 332.921 cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Phạm Khuê là Đảng viên Đảng Lao động Việt Nam  từ năm 1958 (PHẠM TÔN).

 

pham-Quynh-tu-lieu-2-R

GS Phạm Khuê (1925-2003)

 

Trong toàn bộ cuộc đời gần 50 năm làm nghề y của tôi, có 2 người mà tôi rất kính trọng và có ảnh hưởng rất nhiều đối với tôi từ kiến thức chuyên môn, nhân cách, tác phong đến phương pháp tư duy, đối nhân xử thế…Đó là GS. Đặng Văn Chung và GS. Phạm Khuê. Tôi mãi mãi nhớ tới họ.


BẬC THẦY VỀ PHƯƠNG PHÁP VÀ PHONG CÁCH GIẢNG DẠY


Trong sự nghiệp đào tạo của Nhà giáo nhân dân, GS.Phạm Khuê, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nội của Trường Đại học Y Hà Nội, có thể nói về số lượng là không thể tính xuể, không biết bao nhiêu sinh viên, bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu thạc sĩ, bác sĩ (BS) nội trú, bao nhiêu BS chuyên khoa I, chuyên khoa II… Nhiều người trong số họ, nay đã trở thành Giáo sư, Phó giáo sư lãnh trách nhiệm chủ chốt trong ngành Y. Những người đó dù ở cương vị nào, học trò cũ đã lâu hay mới đều nhắc đến giáo sư với tấm lòng ngưỡng mộ, đều coi giáo sư là một người thầy hoàn hảo, hoàn hảo về nhân cách, về phương pháp sư phạm, về phong cách giảng dạy… Thầy thường nói với tôi: giảng dạy là một công việc nhọc nhằn, nghiêm túc, không thể dễ dãi qua loa được. Cho nên mỗi khi giảng một bài lý thuyết hay một bài giảng lâm sàng, thầy đều chuẩn bị rất kỹ có khi cả tuần hoặc cả tháng. Điều quan trọng là phải có cái mới dù ít dù nhiều, nếu không thì mình chỉ là chiếc máy quay đĩa, quay đi quay lại không hơn không kém. Muốn vậy cần phải đọc, đọc thật nhiều, rồi ghi chép lại, chụp hình. Việc đó ở ta vào thời của thầy là hết sức khó khăn, có khi còn phải chụp hình màu nữa, lại càng khó khăn hơn, mặc dù vậy, thầy vẫn phải chuẩn bị đầy đủ ở mức tối đa để bài giảng được sinh động hấp dẫn.

Có lần tôi được cử cùng thầy chấm thi tốt nghiệp BS cho sinh viên về môn Nội khoa. Khi kết thúc buổi chấm, tôi và thầy ngồi lại ít phút trò chuyện vui. Trong lúc trò chuyện, thầy hỏi tôi: nếu là bộ đội, anh thích làm pháo binh hay công binh. “Pháo binh tất nhiên là oai hơn công binh rồi”, tôi trả lời. Ấy vậy mà hôm nay tôi thấy thầy là một người lính công binh, chứ không có chút mùi thuốc súng nào của lính pháo binh. Thầy giải thích thêm: nhiệm vụ lính công binh là mở đường cho xe qua, đối với sinh viên cũng vậy, ta phải mở đường cho họ có lối thoát, nếu ta lại là anh lính pháo binh chắn mọi đường thì sinh viên nào thoát nổi, riêng tiếng nổ cũng đã làm cho họ hoảng hốt rồi. Trong giảng dạy cho sinh viên, không những thầy tận tình, mẫu mực thị phạm mà còn là người giảng rất thực tế, không cao xa viển vông. Trong hỏi thi và kiểm tra cũng vậy, thầy chỉ hỏi những gì mà các em đã được dạy và được học, không đòi hỏi kiến thức cao xa mà ít gặp trong thực tế, không đòi hỏi sinh viên phải bằng mình. Thầy còn là một nhà sư phạm mẫu mực, các bài giảng của thầy đều dễ hiểu, dễ áp dụng, chỗ nào cần nhấn mạnh phải nhấn mạnh. Thầy thường nói với tôi: giảng bài cũng giống như chơi đàn vậy, có lúc lên bổng xuống trầm, lại có cả điệp khúc nữa, tất nhiên là không thể hát trên bục giảng được. Không nên giảng đều đều, đó là điều tối kị.

Trong nhà thầy tài sản quý giá nhất, nhiều nhất cũng là những tủ gỗ đầy ních sách báo, chung quanh tường phòng ông làm việc toàn sách là sách, chất từ mặt sàn lên đến đụng trần nhà. Thầy thường tâm sự với tôi, đọc sách là một nhu cầu, một thói quen hằng ngày không thể thiếu được, còn quan trọng hơn cả ăn, ngủ. Thầy nói thêm, tất nhiên mình già rồi, thời oanh liệt đã trôi qua, bây giờ chỉ là thời “liệt” nên không còn thú vui nào khác nữa. Một ngày không đọc thì không chịu được, mỗi ngày phải thu nhận được một cái gì đó mới đối với mình. Đọc đã trở thành niềm say mê, là tình yêu, là nỗi nhớ, là hạnh phúc của mình. Hình phạt nặng nhất với mình là không được đọc sách.

Theo thầy, đầu tiên là phải đọc để biết người ta làm gì, làm đến đâu. Sau đó mới nghiên cứu khoa học, giảng dạy hoặc điều trị. Những kiến thức khi còn đi học trong nhà trường rất ít ỏi, chỉ là một ốc đảo nhỏ để từ đó ta nhảy vào biển cả mênh mông của kiến thức nhân loại. Không thể hình dung được một người không đọc hoặc ít đọc sách báo mà lại có thể làm tốt giảng dạy, nghiên cứu khoa học và điều trị bệnh nhân được, người đó nhất định sẽ tụt hậu như người xuống dốc không phanh. Đọc chính là chìa khóa, là cái phanh ngăn người ta tụt dốc và thúc đẩy người ta tiếp tục đi lên.

 

TRÁI TIM NHÂN HẬU VÀ ĐẦY CHẤT NGHỆ SĨ


Trong mấy chục năm làm việc với GS. Phạm Khuê, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ ân cần, chân thành. Tôi nhận thấy ở thầy một con người khiêm tốn, điềm đạm, hóm hỉnh và dí dỏm, thận trọng, mẫu mực thị phạm trong tất cả các mặt như: cư xử, giảng dạy, nghiên cứu khoa học cũng như công việc cứu chữa bệnh nhân. Tôi chưa bao giờ thấy thầy tỏ ra kiêu căng, hách dịch, coi thường người khác. Thầy thường nói với tôi: mình muốn người ta tôn trọng mình, thì mình phải tôn trọng người ta, hãy đến với mọi người bằng cả tấm lòng và trái tim mình, rồi thầy lại hóm hỉnh nói thêm vào: “Tôi nói đến trái tim không phải vì tôi là chuyên gia tim mạch đâu nhé, hơn nữa trái tim tôi nó cũng bé nhỏ thôi, không to bằng những người khác được”. Thầy rất ghét thói ba hoa, huênh hoang, khoe khoang, khoác lác, thổi phồng thành tích để được khen thưởng, mình làm việc đâu có phải để được khen.

Khối kiến thức khổng lồ từ sách vở kết hợp với bề dày kinh nghiệm trong thực tế của mình, thầy đã cho ra đời gần 70 công trình nghiên cứu khoa học, trong đó 2/3 là những đề tài về người cao tuổi, trên 20 đầu sách về bệnh học người cao tuổi. Trong nghiên cứu khoa học, thầy là người hết sức nghiêm túc và khách quan, hầu hết những công trình nghiên cứu khoa học và những cuốn sách của thầy đều nhằm phục vụ cho việc chăm sóc, nâng cao và bảo vệ sức khỏe người cao tuổi. Không biết bao nhiêu người bệnh đã được thầy chữa chạy với tất cả lương tâm và trách nhiệm, cũng như sự thông cảm chia sẻ. Thầy thường nói, điều trị cho người cao tuổi khó hơn cho những lứa tuổi khác, cần phải thông cảm thấu hiểu nỗi đau của họ.

Có một lần bộ môn Nội tổ chức liên hoan, đến phần văn nghệ thầy xung phong đầu tiên với chiếc phong cầm đeo trước ngực, không cần ai giới thiệu, thầy nói: “Ca sĩ “Thúy Khuê” xin cống hiến một bài, xin mọi người cố gắng lắng nghe”. Mọi người cười rộ lên về cái tên Thúy Khuê, buổi liên hoan trở nên hết sức vui nhộn. GS. Phạm Khuê không những là một thầy giáo mẫu mực thị phạm, một thầy thuốc nhân từ, tận tụy mà còn là một nghệ sĩ chơi đàn phong cầm rất hay, mọi người rất khâm phục, Cái tính cách hóm hỉnh dí dỏm của ông đã xóa đi sự ngăn cách giữa người thủ trưởng và nhân viên, giữa thầy với trò. Thầy luôn sống chan hòa với mọi người nên ai cũng quý mến. Tôi không hề nghe thấy một ai phàn nàn về cách đối nhân xử thế của thầy.

GS. Phạm Khuê là người đầu tiên đề xuất thành lập một khoa bệnh riêng cho người cao tuổi ở bệnh viện Bạch Mai ngay từ những năm đầu của thập kỷ 80, mà sau này là Viện Lão khoa quốc gia Việt Nam ngày càng vững mạnh và phát triển, niềm tin của những người cao tuổi.

 

pham-quynh-1R

GS Phạm Khuê và vợ là bà Đỗ Thị An về Bạc Liêu thăm chị cả Phạm Thị Giá (ngồi giữa) năm 1995

 

N.K.T.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com