THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa

ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa

Mục lục
ĐOÀN TUẤN - Những người không gặp nữa
Ngày 7 tháng 10 năm 2000
Ngày 25 tháng 8 năm 2001
Thứ sáu 30 tháng 3 năm 2000
Ngày 19 tháng 6 năm 1999
Thứ ba 27 tháng 3 năm 1999
Thứ ba mùng 5 tháng 3 năm 1997
Ngày 21 tháng 8 năm 1998
Ngày 17 tháng 11 năm 2001
Thứ ba 17 tháng 4 năm 2001
Thứ tư ngày 25 tháng 4 năm 2001
Ngày 22 tháng 11 năm 1999
Thứ năm mùng 7 tháng 3 năm 1999
Chủ nhật ngày 25 tháng 2 năm 2001
Thứ sáu 20 tháng 4 năm 2000
Thứ hai ngày 12 tháng 3 năm 2001
Chủ nhật 18 tháng 3 năm 2001
Thứ tư 21 tháng 4 năm 2000
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Tất cả các trang

DOAN_TUAN

Lời thưa,

Khi tôi viết tiểu thuyết Thời của mỗi người là viết về kỷ niệm của đời sông quân ngũ của chính mình. và Đoàn Tuấn viết tập ký Những người không gặp nữa cũng nắm trong suy tư đó. Cuộc chiến tranh Tây Nam không "khai sinh" ra nhiều nhà văn, nhà thơ. Chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay với Phạm Sỹ Sáu, Huỳnh Kim, Đoàn Tuấn, Lê Minh Quốc, Thành Nguyễn... Còn ai nữa? Đó là điều may mắn, bởi cuộc chiến kết thúc sớm. Hơn nữa, người ta cũng muốn lãng quên nó.  Sau tập thơ in chung Đất bên ngoài Tổ quốc, chúng tôi tự nhủ phải viết thêm một cái gì đó. Rồi thời gian lại cuốn tôi chìm xuống cơm áo gạo tiền... May mà Tuấn có viết tập sách này.

Lê Minh Quốc

VI.2012

 

DOAN_TUAN

Một buổi sáng, ngồi uống trà bên quán cóc trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội, tôi bỗng nghe thấy một người nói:
- Cứ mỗi lần nghe buổi phát thanh “Nhắn tìm đồng đội” là mình lại ứa nước mắt.
Tôi nhìn sang. Một nhà văn đàn anh, thoắt ẩn thoắt hiện.
Vì nhiều lý do, bản thân tôi cũng thường theo dõi buổi phát đó.
Song, về mỗi liệt sỹ, sau khi đọc quê quán, năm sinh, cuối cùng, ai cũng có chung một dòng : “Hy sinh tại mặt trận phía nam ngày… tháng… năm…”
Quá đơn giản!
Những liệt sỹ đó, khi sống, họ sống thế nào? Chơi với đồng đội ra sao? Họ linh cảm những gì trước khi chết? v.v và v.v…
Ai chết rồi cũng đều tuyệt đẹp. Chết trẻ càng xót thương. Nhớ mãi.
Ngày 15 tháng 9 năm 2001
Mùa thu năm 1998, trong một lần ra Hà Nội công tác, Lê Minh Quốc rủ tôi:
- Lúc nào rỗi đến thăm gia đình Hoàng An đi?
- Nhà nó bán lâu rồi.
- … ?
- Nghe tin nó hy sinh, ông già nó mất. Rồi bà mẹ cũng qua đời. Chị em gái lấy chồng. Nhà 66 Ngô Thì Nhậm bây giờ là cửa hàng bánh kẹo của người khác rồi.
Tôi thấy thương Quốc. An là lính C7, thuộc đại đội Quốc. Quốc quý An, coi An như thằng em. Ra Hà Nội nhiều lần, mỗi lần Quốc nhờ tôi dẫn đi thăm một chiến hữu ở đại đội cũ. Khi là Dũng 41, khi là Huần, khi là Dân “lùn”… Đối với tôi, Hoàng An mãi mãi là một hình ảnh đẹp.
An có nước da trắng hồng như da con gái. Trắng đến nỗi mái tóc cũng hoe vàng. Cặp mắt nâu lúc nào cũng long lanh sáng. Đôi môi đỏ tươi. Hàm răng trắng bóng. Cái tên An “bột” trở nên thân thiết với mọi người.
Cái ngày An hy sinh, tôi không thể nào quên được. Chiều đó, tôi vừa tắm ở suối lên thì gặp An đi tới. Hai thằng nói chuyện vài câu. Tôi định về thì An đứng dưới suối gọi vọng lên:
- Này Tuấn, cho mình cái khăn mặt đi.
Tôi lưỡng lự.
- Mấy khi xin nhau đâu. Ông hết, còn kiếm dễ hơn mình.
Tôi thương An, lính bộ binh phải đi tuần, đi phục liên miên. Quần áo, giầy, mũ, khăn mặt… đều rách sớm. Tôi ném cho An cái khăn ẩm mầu trắng đã vắt nước. An chộp lấy và cười rất tươi.
- Cảm ơn. Mình chỉ xin lần này là thôi đấy!
Tôi về trước, và dặn An tắm xong qua chỗ tôi ăn cơm.
Đơn vị An không có suối, phải qua chỗ tôi tắm nhờ. Mỗi lần tắm phải đi bộ chừng 700 mét, qua nghĩa trang tiểu đoàn. Mời An về chỗ tôi ăn cơm vì tôi biết, anh Liễm, trợ lý tác chiến tiểu đoàn người sống chung hầm cùng tôi, trước là đại đội phó của đơn vị An. Anh Liễm cũng rất quý An.
Anh Liễm mới nấu được nồi rượu đã mang ra đãi khách. Mỗi lần nâng bát, An đều vừa cười vừa nói: “Uống đi, chỉ lần này thôi. Lần cuối cùng đấy!”
An cười rất tươi. Giọng nói giòn tan. Chúng tôi nói nhiều thứ chuyện. Anh Liễm lại là cây tiếu lâm nên bữa ăn dưới ánh dầu khộp khá vui.
Sau đó An ngồi chơi trong hầm tôi hồi lâu. Nó mấy lần nhắc tôi:
- Tuấn viết thư cho chị Hương hộ mình nhé. Chị Hương mình xinh lắm!
- Xinh thì phải có ảnh. Nói mồm ai tin - Anh Liễm đùa. - An cười.
- Đi bây giờ tối lắm. Lính gác tưởng địch, nó bắn chết chả bõ. - Anh Liễm lại đùa.
- Thôi, Tuấn viết thư hộ mình nhé. Nói nghiêm đấy, chị Hương mình xinh lắm.
Tuy tôi chưa xem ảnh chị Hương của An, song tôi biết thể nào chị Hương cũng rất xinh bởi An đẹp trai, trắng hồng đến thế kia mà. Tôi hình dung ra tấm ảnh chị Hương và vừa mong vừa tin sẽ được An cho xem. Tôi gật đầu cho An yên tâm. Nó bắt tôi thề. Tôi khẳng định là sẽ viết.
Chừng 9 giờ An về để sáng mai còn đi phục.
Sáng hôm sau, An cùng đơn vị phải đi rải đường sớm. Nghĩa là đơn vị An phải rải quân ở những điểm quan trọng trên con đường từ tiểu đoàn tôi đến phum Cam Tuất, nơi C14 đóng, để đảm bảo an toàn cho chúng tôi sẽ đi gùi gạo và đạn.
Khoảng 7 giờ, tôi đang gói cơm nắm và con cá khô vào ba lô thì nghe tiếng mìn nổ phía đường. Dạo đó, cứ nghe tiếng mìn nổ phía đường, chúng tôi lại bàng hoàng, sửng sốt vì biết chắc rằng lính mình, ai đó, đã bị thương hoặc hy sinh.
Đến khoảng 8 giờ, tôi vừa qua đi được một quãng thì thấy An đang nằm vật trên đường. Vội chạy tới, tôi kinh hoàng thấy một bên chân An đẫm máu. Người đầy bụi đất. Ánh mặt trời chiếu thẳng vào mặt. An vẫn nằm thẳng cẳng, đầu dính bết đất. Một tay đặt ngang mắt che nắng.
Tôi cúi xuống gọi An. Nhưng nó không mở mắt, không trả lời. Hình như An đã ngất.
Tôi vội xin phép anh Lê Quỳnh Lang, trung đội trưởng thông tin, người phụ trách quân số tiểu đoàn bộ đi gùi gạo hôm đó, cho tôi được phép đưa An về phẫu tiểu đoàn. Nể tình tôi trước cùng là lính thông tin giờ đã chuyển về tác chiến tiểu đoàn nên anh Lang đồng ý.
Chúng tôi khiêng An về phẫu tiểu đoàn. Y sĩ Hiền vội truyền huyết thanh cho An. Chỗ ga rô ở chân An đã tím ngoét. Phần bị thương, thịt nhầy nhụa, xương vỡ vụn lởm chởm. Đất cát bám vào trông rất ghê rợn. Anh Hiền quyết định cắt một bên chân. Kiếm gỗ kê, dùi đục, dao rựa. Người giữ. Người chặt. Tiếng dùi đục đập vào sống dao, xương gẫy. Tôi nghiến răng, nhắm mắt, quay mặt ra phía bãi cỏ.
Sau đó tôi cùng Tuấn quản, nhà ở phường Thanh Lương, cầm xẻng và xách cái chân bị cắt của An đi chôn. Cũng chẳng chôn đâu xa. Gần chỗ giếng đào nhưng không sử dụng được vì nước quá đục. Cạnh đó còn có hố chôn bông băng. Chúng tôi chôn chân An xuống một hố đạn vì đất rất khó đào.
Hai chúng tôi thay nhau ở bên An, chẳng có gì gọi là tẩm bổ. Tôi chạy khắp nơi tìm mãi mới được quả trứng gà bé tí xíu. Tuấn quản luộc quả trứng, bẻ từng miếng nhỏ, cho vào miệng An, nhưng nó đùn ra. Mồm kêu: “Ước! Ước!” Tôi đổ nước cho An. Nuốt được hai thìa, đến thìa thứ ba thì nước tràn ra cổ, không nhận nữa.
Khoảng 12 giờ trưa, anh Hiền vành mí mắt An ra “Nhìn này. Sống sao được”. Tôi nhìn vào. Trắng nhờ, không còn mầu hồng đỏ như mắt người sống. Không nói gì thêm, anh Hiền bỏ sang hầm y sĩ.
Khoảng 1 giờ chiều, An lên cơn co giật.
Hai giờ chiều, tôi đổ sữa cho An, sữa tràn ra cổ.
Anh Liễm nhìn, bần thần:
- Sắp đi rồi!
Tôi rối rít lay gọi:
- An ơi! An nhắn gì cho gia đình, nói cho mình đi. Mình sẽ chuyển!
An không nói gì. Bất động.
Khoảng 20 phút sau, An nói. Ôi, nói không ra lời, nói ngọng, giọng phều phào đứt quãng.
Tôi bối rối ghé sát tai xuống nghe. Nhưng không thể hiểu được lời nào. Tôi nói như van lạy:
- Anh Hiền ơi, anh tiêm ít thuốc trợ tim hay trợ lực cho bạn em, để nó nhắn lời cuối cho gia đình!
Tôi như quỳ xuống, nói như khóc. Anh Hiền vẫn không nói gì.
Bỗng toàn thân An rung chuyển, lên cơn co giật dữ dội.
Tôi kêu gào thảm thiết, mong An nói một câu gì đó cho gia đình.
Rồi An thở bằng mồm. Tôi đau đớn nhìn. Bất lực. Lúc đó tôi mới bắt đầu hiểu thế nào là thở hắt ra.
Tôi lấy ít bông đặt trên mũi An. Bông không động đậy.
Hoàng An đã ra đi. Bốn giờ kém 15 ngày 29-12-1980.
Tuấn quản đun nước nóng, tắm rửa cho An. Mãi sau này, Tuấn quản còn trầm trồ: “Mẹ kiếp! Thân thể thằng An đẹp như con gái!”
Tôi cùng anh Liễm và Nguyễn Đình Huần mặc quần áo và liệm cho An. Đặt An vào quan tài, chúng tôi khiêng An ra nghĩa trang tiểu đoàn, cách đó khoảng 300 mét.
Cùng lính C7, chúng tôi đào một cái huyệt thật sâu, thật đẹp. Sau đó anh em C7 làm đội tiêu binh, bồng súng AK, đứng hai bên huyệt.
Anh Thuận chỉ huy đơn vị An, chủ trì lễ truy điệu. Ngắn gọn, xúc động.
Chúng tôi đắp mộ cho An khá to. Không biết Tuấn quản kiếm đâu ra bát cơm, quả trứng, nhờ anh nuôi Đệ điếc, người Đà Nẵng, mang ra. Tuấn quản đang bận chia cơm ở nhà. Là quản lý, phụ trách bếp ăn tiểu đoàn bộ có khác, Tuấn quản quả chu đáo.
Không có hương hoa gì cả. Mãi tối mịt mới xong.
Đêm hôm đó, tôi không ngủ được. Tìm cây bút bi có màu mực đẹp nhất, xanh biếc như lá mạ, tôi viết lá thư dài gửi cho chị Hương của An.
Tôi vẫn không biết mặt chị Hương của An thế nào. Lúc sang C7 nhận ba lô của An về tiểu đoàn để lập biên bản kiểm nghiệm quân tư trang tử sỹ, tôi không thấy có tấm ảnh nào, chỉ có mấy lá thư cũ của ông bố.
Tư trang không có gì. Bộ quần áo cũ, đôi tất rách.
Cái võng, cái màn, cái chăn, những quân trang ấy, tiểu đoàn thu lại, để cấp cho người khác.
Lá thư viết cho chị Hương hết sức đau đớn. Tôi đã khóc.
Chờ mãi, chờ mãi, không thấy thư chị Hương gửi sang. Tôi đoán chắc quá đau đớn, chị Hương không thể trả lời.
Cũng đêm đó, cách chỗ tôi chừng 700 mét, ở đầu kia nghĩa trang, Lê Minh Quốc, người cùng đơn vị với An, đã viết một bài thơ đầy xúc động, nha đề: “Gởi từ hòm thư 5A-2106” về cái chết của Hoàng An:
Bồng bềnh sợi tóc em bay
Tuổi hồng gửi với cỏ cây lạc loài
Trăng rơi trong mắt ngậm ngùi
Thân gầy guộc đã chôn vùi đất hoang
Thắp cho em nén hương tàn
Gió chiều hiu hắt hồn oan chưa về
Thấy em cười vọng trăng khuya
Đêm dài ma quái như chia nỗi lòng
Quan tài che kín gió đông
Hay mưa gió xuống lạnh lòng em tôi?
Hình hài còn gửi trăm nơi
Ngủ đi em để rong chơi thiên đường
Mộ em trăm hoa hướng dương
Của giọt nắng rụng còn vương mắt người
Vô tình sao thấy đắng môi
Khóc em không nước mắt rơi đầm đìa
Em nằm không có mộ bia
Sinh Việt Nam tử Cam-pu-chia tội tình
Trở về lòng đất vô minh
Thịt da em có hiện hình dương gian
Thắp cho em nắm hương tàn
Chợt nghe súng nổ bàng hoàng tương lai.
Chôn An rồi và mãi đến giờ, tôi vẫn còn ám ảnh bởi câu hỏi: tại sao An, khi xin khăn mặt mình, lại cứ nói là xin lần cuối? Tại sao uống rượu tối hôm đó, mỗi khi nâng cốc, lần nào An cũng cứ nói: “Uống lần này là lần cuối với các đồng hương”. Và tại sao An lại cứ nhắc mãi tới chuyện viết thư cho chị Hương?
Và tối hôm đó, tôi đã nổi giận với y sĩ Hiền, khi anh ta nói với Tuấn quản:
- Tao biết thế nào thằng An cũng chết nên không tiêm thuốc trợ tim và trợ lực cho nó. Để dành cho ca khác.
18 năm sau tôi vẫn còn giận anh Hiền. Mãi đến mùa thu năm 1998, khi anh em cựu chiến binh chúng tôi tụ tập kỷ niệm 20 ngày vào lính, y sĩ Hiền từ Sơn Tây cũng đến tham dự. Tay bắt mặt mừng, nhắc lại chuyện cũ, hiểu nhau hơn. Tôi và anh Hiền chụp chung kiểu ảnh làm kỷ niệm.
Song cái chết của An vẫn mãi ám ảnh tôi. Một lần đọc sách, tôi được biết nỗi bất hạnh của những gia đình có người không may bị chết không toàn thây. Lúc đó, chúng tôi còn non dại quá, quên không đào cái chân của An lên để chôn cùng thi thể của nó.
Trong tâm hồn tôi, Hoàng An mãi mãi là một hình ảnh đẹp. Đẹp như một buổi trưa tại phum Cầu Sắt, tôi đang khoác súng đi dọc suối xem có con thỏ nào bị sa bẫy không thì gặp Hoàng An đang tắm. Nó đứng trên những tảng đá đen bóng. Dòng suối trong vắt chảy loang loáng. Suối trong đến nỗi nhìn thấy cả những viên sỏi màu dưới đáy, nhìn thấy cả bàn chân trần sạch trắng của An. Và nó cười đùa với đàn cá nhỏ đang rối rít trước mặt. Những con cá óng ánh đủ sắc mầu nhỏ và dài như những chiếc lá trúc, đang thi nhau đớp mồi. Tôi dừng lại nhìn thì ra An “bột” đang “xóc lọ” cho tinh trùng ra.
- Ê An! Mày làm thế để làm gì?
- Cho sạch chứ còn gì. Đêm ngủ mơ, bắn pháo hoa, bẩn bỏ mẹ! - Nó ngẩng lên cười hồn nhiên.
Và bây giờ, dù không biết gia đình Hoàng An ở đâu, tôi vẫn chở Lê Minh Quốc qua phố Ngô Thì Nhậm. Để tìm sách cũ. Để đứng bên này đường, trang nghiêm nhìn ngôi nhà 66, hình dung lại những ngày thơ ấu, Hoàng An đã đùa chơi trước cửa, như những đứa trẻ con đang mê mải đá cầu.

Trích hồi ức của Nguyễn Đình Huần, lính C7, cùng đại đội với Hoàng An. Hiện Huần ở làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.


Bao tháng năm khổ đau nhưng cũng đầy oanh liệt, tự hào lại hiện về nguyên vẹn trong tôi và thế là tôi viết. Viết không phải để khoe hay kể lể, vì chiến tranh thì làm sao chúng tôi có trọn vẹn Tuổi xuân.
- Hỡi các chiến hữu! Đã cùng tôi với bao đồng đội những người trở về hay những người đã hòa trộn vào lòng đất của xứ sở quạ đen “Chùa Tháp” mang về cho gia đình mình tấm bằng Tổ quốc ghi công, cho Tổ quốc Việt Nam niềm tự hào làm nghĩa vụ quốc tế vẻ vang hay giang tay cứu độ một dân tộc đang bên bờ diệt vong, hay vì cái gì nữa… nữa… Cuối cùng, chúng ta, những người lính tình nguyện đã phải đổi bằng hoa hồng, máu và nước mắt để đem về cho Tổ quốc những hào quang chói lọi vì nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Trước mắt tôi, quá khứ lại trở về nguyên vẹn của thời đáng nhớ. Cũng như mọi người, với cuộc sống hiện thực là tấm áo, bát cơm, vì thế, tôi không có thời gian để giãi bầy cùng mọi người mà chỉ muốn nói về một kỷ niệm trong cuộc chiến hơn 20 năm đã trôi qua của đồng đội tôi đã cùng tôi và bao bè bạn sẵn sàng xả thân mình để cứu vớt một dân tộc láng giềng đang trong cảnh đọa đầy đau khổ.
Tôi viết về Hoàng An.
Người chiến sỹ hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế vẻ vang, người đồng chí của chúng tôi và là đồng hương Hà Nội của tôi. Nên tôi nhớ và viết về sự hy sinh của Hoàng An trong cuộc chiến mà không bao giờ tôi quên được. Câu chuyện tôi viết là hoàn toàn có thật, một sự thật phũ phàng nhưng rất vinh quang. Ước muốn của tôi là viết ra đây để anh em của HT 5A.2106. PLEIKU (đoàn 330 chuyển) xem và nhớ lại một thời đã qua.
Khoảng 9 giờ sáng một ngày đầu tháng 12-1980, tôi đang cùng tổ phục bảo vệ đường dọc tuyến giao thông An-lung-viêng đi Cam Tuất thuộc cứ điểm đồi Con Cá, bỗng nghe tiếng mìn KP2 nổ chát chúa cùng tiếng hét man dại bên kia đồi Con Cá, bên đó tổ phục đến giờ thay ca trở về chốt nghỉ ngơi. Tổ phục của tôi được lệnh cơ động đến chỗ có tiếng nổ hỗ trợ cho tổ bạn, mấy phút sau chúng tôi có mặt. Một sự thật đau lòng đập vào mắt tôi, một thây người đẫm máu đang quằn quại cùng cỏ cây và đất cát. Tôi nhận ra Hoàng An, đồng đội tôi và là đồng hương Hà Nội. Tâm hồn tôi tê dại, tôi đứng lặng nhìn đồng đội mình đau đớn mà không làm được gì để giúp bạn. Chúng tôi hiểu mọi chiến sĩ, ai đã vướng mìn KP2 thì đều không cứu được. Bởi mìn KP2 chứa 20% chất độc hóa học. Sau phút đau đớn đó chúng tôi sơ cứu băng bó cho An và chuyển về ngầm An lung, đó là phẫu của tiểu đoàn. Với trách nhiệm và nghề nghiệp, y sĩ Hiền người Sơn Tây lúc đó là phẫu trưởng đã hết lòng cứu chữa hòng đem lại cuộc sống cho Hoàng An. Tôi ngồi cạnh An động viên và múc từng thìa nước đổ cho bạn uống thầm cầu mong cho bạn mình tai qua nạn khỏi, dù khi trở về trên đôi nạng gỗ thì cũng là hạnh phúc. Gần trưa An rất tỉnh, kêu đau ở vết thương. Nhìn ống chân bạn lủng lẳng chỉ còn dính một mảng da từ bàn chân lên gần đầu gối mà lòng tôi quặn đau. Tôi hiểu sự sống của An chỉ là một phàn ngàn. Tôi hỏi An có nhắn gì cho 6g không, An nói với tôi là: “Em chỉ còn mỗi chiếc khăn quàng cổ bằng sợi dệt mà trước khi sang K chiến đấu, mẹ em đã nhét vào ba lô cho An vì mẹ sợ những đêm dài giá lạnh con của mẹ sẽ viêm họng. Nếu trở về được thì Huần mang về cho mẹ hộ em”.
Nghe bạn nói mà tự nhiên nước mắt tôi cứ lăn dài xuống hai gò má vốn đã xanh xao vì sốt rét. Thỉnh thoảng bàn chân bị gẫy cứ giật lên từng đợt theo tiếng nấc ngắt quãng. Tôi gọi anh Hiền y sĩ, nói nhỏ: “Thôi anh xem cắt cái bàn chân gẫy đi cho bạn em, biết nó chả sống được nhưng cứ nhìn thấy là em xót xa cho nó quá”. Không biết là do sự khẩn cầu của tôi hay vì chuyên môn, anh Hiền đã cắt bỏ bàn chân đó và giao cho Đoàn Tuấn là đồng hương Hà Nội đem đi chôn. Tôi hỏi An có ăn gì không? Thú thật là chúng tôi cũng chẳng có gì ngoài nắm cơm vắt ướt đẫm mồ hôi vì từ sáng đến giờ chưa kịp ăn. Thấy An gật đầu, tôi chạy vào bếp tiểu đoàn thấy anh nuôi đang dùng xẻng đảo nồi cơm bốc hơi nghi ngút. Tôi xin ít nước cơm mang về chỗ An định đổ cho An uống. Thật tội nghiệp, nếu có thìa đường hòa vào vào với nước cơm thì tốt biết bao. Nhưng với điều kiện hoàn cảnh chiến trường như vậy kiếm đâu ra thìa đường cho bạn bây giờ? Tôi lại chạy đi gặp anh em nào cũng hỏi xem có gì có thể cho bạn ăn uống được không, để mong kéo dài cuộc sống cho bạn. Cuối cùng tôi lại gặp Đoàn Tuấn vừa đi chôn chân bạn về. Tôi nói với Tuấn “Thằng An nó đòi ăn, mình xin được ít nước cơm, song chả có đường… ước gì có tí đường hay quả trứng đánh vào nước cơm cho nó uống may ra nó còn tỉnh nữa”. Tuấn thần mặt ra một phút rồi vội vàng quay đi vừa nói “Huần đợi mình một tí”. Tuấn chạy đi một lát và quay lại trên tay cầm một quả trứng gà nhỏ thó dúi vào tay tôi và giục tôi về trước. Tôi như nằm mơ vì giữa chốn này mà Tuấn kiếm được trứng gà thì thật là tuyệt. Về đến chỗ An nằm tôi vội đập trứng vào bát nước cơm rồi múc từng thìa đổ vào mồm cho bạn, mong sao An uống hết chỗ nước cơm và trứng. Uống được hai thìa, An thôi không uống nữa. Ngừng một lát tôi lại động viên và múc đổ cho bạn, nhưng An đã không uống được nữa và nói ngọng. Trên khuôn mặt trắng nhợt vì mất máu đã bắt đầu có những dấu hiệu vô thức của kẻ sắp vĩnh viễn ra đi. Tôi lay gọi bao nhiêu thì phản ứng tự nhiên của con người An cứ chậm chạp và mất dần. Sau mấy lần oằn người và nấc lên một cách khó nhọc, người An từ từ mềm ra. Đôi mắt thì cứ trừng trừng nhìn vô hồn vào khoảng không, trống vắng như oán hận một điều gì. Tôi vuốt mắt cho An bằng bàn tay còn dính đầy máu từ vết thương của bạn. Đoàn Tuấn đun nước nóng mang lên thay quần áo và tắm rửa cho An. Đó là nhiệm vụ của ban chính sách tiểu đoàn. Nhưng là đồng đội và lại là đồng hương, tôi cùng Đoàn Tuấn đều làm hết sức mình, dù rằng việc thay quần áo và tắm rửa cho An không có gì là khó khăn, thế mà tôi và Tuấn cứ phải gượng nhẹ thật nhẹ nhàng. An chết rồi mà lấy khăn lau thi thể bạn tôi vẫn như sợ thấy bạn mình bị đau.
Chiều hôm đó, một buổi chiều thật buồn. Ban chính sách, chúng tôi những người lính Hà Nội và Quảng Nam lặng lẽ tiễn đưa thi thể Hoàng An ra nghĩa trang An-lung-viêng chôn cất. Trong nỗi đau nhưng cũng thật vinh quang vì ở chiến trường mà bạn tôi được chôn cất theo nghi lễ nhà binh. Hai bên huyệt là chúng tôi – những người lính bồng súng nghiêm trang, chính trị viên Thuận đứng giữa đọc điếu văn nêu những thành tích và sự hy sinh oanh liệt của bạn tôi. Thế cũng oai đấy chứ phải không các chiến hữu? Ngày tháng tiếp theo chúng tôi lại tiếp tục bổn phận của người lính đầy gian khổ và cũng đầy vinh quang. Được rảnh rỗi lúc nào tôi lại ra mộ Hoàng An cắm cho bạn vài bông hoa dại cùng bát cơm rời rạc xúc vội ở nhà bếp rồi thầm khấn Hoàng An phù hộ cho tôi cùng đội được bình An để hy vọng một ngày về…
Một năm sau tôi đi viện cũng vì cuộc chiến. Sáu tháng nằm điều trị tôi được trở về quê hương. Về đến Hà Nội, nhớ bao đồng đội còn đang chiến đấu trên chiến trường K, bao bạn bè đã nằm lại bên nghĩa trang An-lung-viêng, đến chiếc khăn của An và lời hứa của tôi. Tôi tìm đến gia đình Hoàng An ở 66 Ngô Thì Nhậm Hà Nội. Tôi gặp bố mẹ và em gái An. Tôi đã kể lại sự hy sinh của An cho bố mẹ và em gái An nghe chiếc khăn quàng cổ. Ôi chiếc khăn. Cầm chiếc khăn đã chớm bạc màu trao tận tay mẹ Hoàng An mà lòng tôi đau thắt. Đôi môi tôi mặn chát, không biết hương vị mặn của mồ hôi hay nước mắt. Hai tai tôi ù đặc. Tôi như thấy mình có tội với bố mẹ và em gái của An. Sau đó, tôi xin phép ra về. Tôi không biết mình ra về với niềm tự hào hay mình trốn chạy trước sự thật nghiệt ngã.
Thời gian cứ thế trôi, tôi lao vào cuộc sống để giành lấy miếng cơm manh áo. Tưởng rằng mọi cái đã lãng quên nhưng không, nó đã trở về trong tôi sau 20 năm quên lãng và tôi viết ra đây một kỷ niệm tuy nhỏ nhoi nhưng đáng nhớ gửi tới tất cả anh em đồng đội của HT 5A.2106.PLEIKU (đoàn 330 chuyển) để nhớ về một thời đã qua!
Khi nhớ lại một thời cầm súng
Thấy hồn ta bay bổng trời cao
Hà Nội 1-4-2001
Nguyễn Đình Huần


Theo sự chỉ dẫn của người hàng xóm với nhà An, tôi đến khu Hào Nam, tìm chị Điệp, chị cả của An. Chị kể:
Dạo nhà chị còn ở bên Giảng Võ. Một hôm, buổi trưa, chị nằm ngủ gần cửa sổ. Thiếp đi. Chị mơ thấy mưa hắt vào chân. Lạnh qua! Chị gặp An cùng mấy người bạn đang ngồi ở chợ. Thấy chị đi qua, An gọi: “Chị Điệp ơi, em đói quá!” - “Ô sao em lại ở đây?” Chị hỏi rồi giật mình tỉnh dậy. Em biết không, từ dạo An mất, bữa nào mẹ chị cũng cúng một bát cơm cho cậu ấy, toàn khấn về nghĩa trang ở biên giới Cam-pu-chia - Thái Lan. Sau này, gặp mấy đứa bạn An trở về, thông báo mộ An đã chuyển về Tây Nguyên. Chị khấn lại. Từ đó không thấy cậu về nữa. Em biết không, năm 90, ba chị bán nhà 66 Ngô Thì Nhậm, chia cho các con, có để dành phần cho An là hai cây vàng. Dạo ba chị mất, cụ có ước nguyện là mua bốn chỗ dưới Văn Điển để ba chị, mẹ chị, chồng chị, cùng cậu An được nằm bên nhau. Song đến giờ, hài cốt cậu An vẫn chưa mang về được. Chị thì bị bệnh tim. Năm ngoái tưởng đã chết rồi…
Tôi an ủi và hứa với chị sẽ tổ chức quyên góp tiền của đồng đội, sớm đưa hài cốt An về Hà Nội.
(Hình)
Hoàng An giờ giải lao trên thao trường (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình, tháng 10/1978)
(Hình)
Mộ liệt sĩ Hoàng An tại nghĩa trang thị xã Plâyku - ảnh do người em rể chụp được trong một chuyến công tác xa.



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com