Mục lục |
---|
Nhà biên kịch điện ảnh ĐOÀN TUẤN: Nước Nga vẫn bình yên |
1. Vào bảo tàng, xem kịch, nghe nhạc và… |
2. Maxcova, nhìn gần… |
3. Những người bạn Việt và Nga |
Tất cả các trang |
1.
Vào bảo tàng, xem kịch, nghe nhạc và…
Sáng qua, 17 tháng Mười Hai, tôi bay từ Maxcova đến Hà Nội. Chiều vội đến nhà mấy người bạn để chuyển quà. Thật thông cảm là ai cũng hỏi: “Nước Nga bây giờ ra sao? Nghe nói sắp nguy đến nơi phải không?”. Tôi lại nhớ đến câu thường nói trong chương trình “Dự báo thời tiết” là “Vùng hội tụ gió trên cao’’ ảnh hưởng phần nào đối với một vài tầng lớp nào đó chứ đời sống người dân, theo cảm nhận của tôi, vẫn rất đỗi bình yên.
Tôi đến Maxcova để tìm thêm tư liệu về đời sống người dân cùng Hồng quân và những người lính tình nguyện trong cuộc chiến bảo vệ Maxcova mùa đông năm 1941-1942.
Những lần trước chỉ quen đến sân bay Seremechievo, nhưng lần này, máy bay của Vietnam Arlines hạ cánh xuống sân bay Domodedovo nên tôi có cảm giác mình như người xa lạ. (Maxcova có hơn 10 sân bay). Nếu tôi bay với Hãng hàng không của Nga Aeroflot thì xuống sân bay cũ. Sự thay đổi sân bay cũng có lý do của nó. Số là, những năm 90 của thế kỷ trước, nhân viên sân bay Seremechivo thường đối xử không tốt với người Việt nên Hàng không của ta quyết định đổi sân bay. Nhưng bây giờ, sân bay Seremechievo lại ra chiêu cạnh tranh. Họ cho mỗi người Việt được mang hai kiện hàng, mỗi kiện 23 kg, còn xách tay thì mặc sức. Chứ không như sân bay mới, chỉ đúng 30 kg và xách tay 7 kg mà thôi.
Vừa xuống sân bay, không ai ra đón nên cũng hơi lo. Lại vừa ra cửa, thấy hàng chục cò taxi đón. Tôi nghe tiếng một người đàn bà Nga nhìn thẳng vào mình và nói với đám tay chân: “Tóm lấy người này!”. Nhưng tôi vội xua tay và đáp: “Cảm ơn!’’. Ra khỏi đám đông, hỏi người Nga, bến taxi ở đâu? Ông ta chỉ về một hướng, ngỡ rất gần mà đi rất xa vẫn chưa đến. May quá, gặp hai nam nữ thanh niên người Việt. Một chàng trai giọng Sài Gòn hối hả dẫn tôi ra bến. Vừa ra cửa, cái lạnh âm 10 độ ban đêm khiến tuổi U60 của mình tê cóng. Chàng trai dẫn đến chiếc taxi gần nhất. Chào hỏi đàng hoàng rồi mặc cả giúp tôi. Ông lái cũng đứng tuổi nên tôi yên lòng. (Tâm lý vẫn sợ trấn lột). Tôi hỏi chàng trai, cháu học ở trường nào? Cậu ta trả lời, không, cháu sang đây bán hàng ngoài chợ. Tôi thật ngạc nhiên về thái độ ứng xử và trình độ tiếng Nga của cậu. Cảm ơn rồi chia tay trong giá rét nhưng tôi thấy ấm áp.
Dọc đường về qua chuyện trò, được biết, ông lái xe người Armeni. Tôi khoe rằng đã đến thủ đô Erevan của ông từ hơn 20 năm trước. Ông nói, 20 năm mới quay lại thì Maxcova thay đổi nhiều lắm rồi. Ông kể tên nhiều người Armeni thành đạt tại Nga, trong đó có Tổng giám đốc Mosfilm Karen Sakhnazarov (một đạo diễn mà tạp chí Thế giới Điện ảnh của chúng tôi dịch nhiều bài của ông). Chiếc taxi của ông có bộ phận chỉ dẫn những con đường không bị kẹt xe và đi thế nào cho ngắn nhất. Dù ban đêm, nhưng ông vẫn giới thiệu nhiều công trình giao thông đang mở. Đến vành đai 3, nhiều xe chạy chậm vì họ đang xây một vòng xoay trên cao. Ông cho tôi biết, từ trung tâm Maxcova đến đường vành đai 3 này có chu vi là 100 km. Chà, bằng từ Hà Nội đến Hải Phòng. Thảo nào Maxcova rộng thế. Lúc về, nghe một bạn người Việt còn nói, họ sắp mở đến vành đai 4.
Giữa ban đêm, tìm được khách sạn Đồng Hương thật khó. Tôi đưa lá thư mà người bạn Nga A. Socolov đặt trước phòng ở cho tôi. Hóa ra anh bạn Nga viết nhầm. Nhà số 3 thành nhà số 10. Mà mỗi ngôi nhà ở Maxcova mới lớn làm sao. Có ngôi nhà dài chiếm hơn nửa phố với hơn chục cửa ra vào. Hai người hết lùi xe ra, lại quay xe lại trong đêm tuyết lạnh. Tôi thì không có điện thoại của Nga, tất cả nhờ người lái taxi gọi cho người quản lý khách sạn. Mà người này thì lại nói tiếng Nga chưa sõi lắm. Cuối cùng, loanh quanh mất hơn một tiếng trong đêm mới tìm thấy. Ông giúp tôi đỡ va ly xuống mà không đòi thêm một đồng nào. Trong túi mình cũng chỉ còn 1.000 rúp vì lúc đi, tôi chỉ đổi 3.000. Trả cho ông ấy 2.000 rúp mà lòng còn áy náy.
Hóa ra khách sạn Đồng Hương nằm trong khu ngoại giao đoàn. Một người Việt mua mấy căn hộ và cải tạo thành những căn phòng nhỏ cho thuê. Phòng sạch sẽ. Ngày nào cũng có người dọn. Trong khách sạn có bếp ăn do người Việt nấu. Giá cả rất phải chăng. Bạn bè cứ rủ tôi ăn cơm Việt. Nhưng lại nhớ câu chuyện của giáo sư Phạm Vĩnh Cư. Khi ông sang Nga, các học trò cũ mời ông ăn cơm Việt. Ông cười hiền hậu: “Các anh lạ thật. Đi Nga phải thưởng thức món Nga chứ?”.
Trong hai tuần ở Maxcova, tôi cảm nhận bao câu chuyện ân tình. Khi đến Bảo tàng phòng thủ Maxcova ở ngoại ô, đích thân ông Giám đốc Bảo tàng D.K. Aleksandrovich dẫn tôi đi thăm và trực tiếp thuyết minh cho tôi. Ông còn nói, mấy năm trước, đã có phóng viên truyền hình Việt Nam đến đây rồi. Trong khi tôi ở đó, có một tốp học sinh cấp II cũng đến tham quan .(Nhìn lũ trẻ khiến tôi nhớ lại, tháng trước, khi còn ở Hà Nội, tôi có đưa sinh viên đến Bảo tàng Dân tộc học, tôi thấy các cô mẫu giáo cũng đưa các cháu đến bảo tàng này và thuyết minh cho các cháu bằng những lời người lớn! Nhìn các cháu bé đi còn chưa vững, tôi thấy ái ngại vô cùng!). Có mấy người phụ nữ đến mua sách và huy hiệu. Tôi cũng mua mấy cuốn làm tư liệu. Không khí trong bảo tàng thật trang nghiêm và ấm áp. Các phòng đều trải thảm. Đám học sinh không đùa nghịch mà hết sức chăm chú xem.
Vào đây, dù mùa đông đường bẩn, nhưng mọi người không phải bỏ giầy. Mỗi người được phát một đôi ủng rộng bằng nilon. Giầy của mình cứ xỏ vào đó rồi đi thăm các phòng. Xem xong, tháo đôi ủng nilon đó, bỏ vào thùng rác. Trên lối đi, chỗ nào có vết bẩn và nước, một anh công nhân áo xanh cầm chổi đến lau sạch ngay.
Khi đến Trung tâm lưu trữ Quân đội, tôi phải xếp hàng khá lâu. Người Nga làm thủ tục rất chặt chẽ. Vào nơi mình cần, đã thấy bao người khách Nga đến trước. Họ mượn tư liệu nghiên cứu. Tất cả đều im lặng làm việc. Tôi ghi phiếu yêu cầu. Một cô gái và một chàng trai vội đi tìm sách. Lát sau, họ đưa cho tôi xem những chồng hồ sơ đã cũ, đánh máy. Những dòng nào đã mờ, những trang nào bị rách, họ đều viết lại bằng tay, chữ rất sắc nét. Chỉ được phép xem và ghi chép, không được chụp ảnh. Các nhân viên làm việc rất cần mẫn, nhiệt tình. Ai cần gì cứ ghi phiếu. Nhân viên sẽ mang tài liệu đến.
(Tôi lại nhớ một chuyện ở Hà Nội. Người bạn Nga của tôi vào một thư viện mượn sách. Nhân viên nói không có. Anh nói chuyện đó với tôi. Mách nước cho bạn Nga, tôi nói, anh cử cho vào phong bì ít tiền. Hôm sau, anh bạn Nga làm theo. Quả nhiên có sách. Ang bạn Nga ngạc nhiên: Tôi cũng vào thư viện của Pháp và Mỹ, cần gì có đó. Tại sao ở Việt Nam lại khác? Tôi nói, anh có nhớ câu ông Hoàng Ngọc Hiến của chúng tôi đã nói không? Anh nói có. Thế thì hỏi làm gì? Tôi trả lời).
Trong hai tuần ở Maxcova, tôi được các thầy giáo, cô giáo ở trường Đại học Điện ảnh mời đi xem hai vở kịch. Bởi họ vẫn nhớ tôi, ngày trước, sau giờ học, thường đi xem kịch Nga và nước ngoài để luyện tiếng Nga. Hôm xem vở Bản sonat ở Kreutzer của Lep Tolxtoi ở nhà hát kich mang tên A. Chekhov, tôi đến nhầm một nhà hát đang sửa chữa. Hỏi đường, một chàng trai dẫn tôi đi. Anh giới thiệu tên mình là Xasa, cầu thủ bóng đá. Anh chỉ cho tôi nhà hàng, nơi anh làm lễ cưới mấy năm trước. Anh dẫn tôi đi rất tận tình. Đến tận nơi, anh mới rời đi theo hướng của mình.
Tôi đến trước. Ít phút sau, bà giáo mới đến. Bà lấy vé cho tôi ngồi chỗ gần nhất, sát sân khấu. Trong nhà hát, họ trưng bày lịch sử nhà hát thật trang trọng. Chân dung các diễn viên của các thế hệ, những bức ảnh của các vở lớn được trình bày thật nghệ thuật, tạo cảm giác yêu nghệ thuật cho người xem. Có những cô gái bán tờ rơi về vở kịch, giá khoảng 1USD/ 1tờ. Trong kios của Nhà hát còn bán rất nhiều sách nghệ thuật sân khấu. Khán giả thật lý tưởng. Đa phần là thanh niên và người đứng tuổi. Nhà hát có 1000 chỗ mà không còn ghế nào trống. Khi vở kịch kết thúc, khán giả lên tặng hoa cho diễn viên. Đặc biệt, người xem đứng vỗ tay đến hơn 10 phút. Khi ra về, việc lấy áo và mũ hết sức trật tự. Trước gương, dù đã khuya, nhưng những phụ nữ vẫn còn đứng trang điểm.
Hôm đến Nhà hát Iunosti (Tuổi Trẻ) để xem vở Lão hà tiện của Molie, tôi ngạc nhiên thấy có rất nhiều người già đi xem. Sau đó lại thấy khá đông khán giả trẻ. Mùa đông mà họ vẫn ăn kem. Nhà hát này thiết kế chỗ ngồi cho khán giả thật lạ. Thường thì diễn viên biểu diễn trên sân khấu, mắt nhìn về phía người xem. Nhưng nhà hát này không làm thế. Họ mở cả phía sau sân khấu, xếp được đến chục hàng ghế. Như vậy, họ diễn ở giữa, khán giả từ hai phía nhìn thấy họ hết, chẳng cần giấu diếm gì mà trở nên rất gần gũi. Giờ giải lao, khán giả và diễn viên trò chuyện với nhau hết sức thân tình. Là người làm phim, tôi cảm nhận, rằng nghề diễn viên điện ảnh, diễn một lần rồi thôi. Còn diễn viên sân khấu, họ hàng ngày, hàng tháng, có khi hàng năm, phải sống cuộc đời thứ hai của vai mình đóng. Như vậy, trong họ ắt có một đời sống tâm linh khác, rất thiêng liêng.
Ngày thứ Bẩy, 13/12, một người bạn Việt Nam lấy vé cho tôi đi xem chương trình ca nhạc Retro FM tại sân vận động Olipich. Đây là chương trình ca nhạc rất thành công ở Nga. Mời những ban nhạc và ca sỹ của Nga và trên toàn thế giới đến biểu diễn những bài hát hay của các thập niên 70-80-90 của thế kỷ trước. Buổi biểu diễn kéo dài từ 19h30 cho đến 0 giờ 30 phút hôm sau mà vẫn không ai bỏ ra về.
Sân vận động hôm ấy có khoảng hơn 15000 người. Mà giá vé nào có rẻ. ít nhất là 20 dollar, nhiều nhất là 500. Sân khấu bài trí hết sức hiện đại và ấn tượng. Deco chỉ là những vòng tròn mà biến hóa ra hàng trăm hình cách điệu. Khán giả trẻ đến rất đông. Họ cầm cờ Nga, cờ búa liềm cùng hàng trăm đạo cụ khác để cổ vũ. Họ đứng nhảy múa theo nhịp điệu nhưng rất trật tự. Trên các khán đài, người xem có thể đứng lên, nhún nhảy thoải mái nhưng chỉ trong diện tích của mình. Đặc biệt, gần sân khấu có một khoảng trống kê cao, dành riêng cho những khán giả ngồi xe lăn. Tôi cảm động khi thấy những người ngồi tren xe lăn cũng như muốn nhảy và phất cao cờ Nga. Chỉ hình ảnh đó thôi, đã thấy nước Nga và người Nga vĩ đại vô cùng. Những ca sỹ lừng danh một thời như A.Leonchiep, Iuri Satunov, những ban nhạc nước ngoại như ChinghitKhan (Đức), Otawan (Mỹ) v.v…trình diễn tưng bừng. Hết phần của mình, một ca sỹ của ban nhạc Đức nói rất hào sảng: “Dù năm tháng trôi qua, dù thời thế thay đổi, nhưng tình bạn của chúng ta vẫn mãi mãi bên nhau. Chúng tôi yêu nước Nga! Chúng tôi yêu Maxcova!”.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|