TRIỂN LÃM THẠCH THIỀN - * Nhà nghiên cứu HUỲNH NGỌC TRẢNG: “Nếu được tâm như đá...”

Mục lục
TRIỂN LÃM THẠCH THIỀN
Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN: Nghĩ về bộ sưu tập Thạch Thiền
* Nhà nghiên cứu HUỲNH NGỌC TRẢNG: “Nếu được tâm như đá...”
*Nhà báo, nhà sưu tập HÀN TẤN QUANG: Thạch thiền
Tất cả các trang

 

“Nếu được tâm như đá...”

Đá tựa bồ đoàn trải vạn niên,
Tới nay chán kẻ đến tham thiền.
Năm năm nếu được tâm như đá,
Ngồi rách bồ đoàn ngộ đại thiên.

[Trích đề khoản bức vẽ Tắc thiên thạch phổ]

59-THIEN-TAMRRR

 

1.

Cục đá đang bày trước mắt chúng ta đây, nó không to, không hình dáng, không ngôn ngữ, nhưng trong nó hàm chứa một sức sống nghiễm nhiên như một quả núi hùng vĩ... Kỳ thật chúng ta cho nó như một hòn núi cũng không quan trọng gì, quan trọng là cục đá này thể hiện ra cái linh khí của đất trời cùng cái lãng mạn hào phóng của tạo hóa; nó biểu hiện cái “tánh bản nhiên” của nó: trầm định, cương ngạnh, kiên trinh, phác thật. Chúng ta là người giám thưởng đá nếu như không vì hình dáng và sắc màu của cục đá mà mê, cũng không vì nó là cục đá trải đường mà khinh, thì chúng ta hãy trực tiếp khế nhập vào “bản thể sinh mạng” của cục đá hầu tham nhiếp cái “bản lai diện mục” của nó mà quay về nhìn lại “bản lai diện mục” của mỗi chúng ta.

Đúng là cục đá này không có dáng vẻ, vô hình tướng nhưng không chỗ nào không hình dáng; đúng là cục đá này không ngôn ngữ nói năng nhưng không chỗ nào là không ngôn ngữ; nội hàm của nó phảng phất như cái dáng vẻ thuần khiết, hồn nhiên, giản phác và tỉnh lược từ trong cái dáng vẻ phức tạp mà ra, hoặc từ cái tuyệt đối không hình tướng nhưng với một điểm “tình vị” vô tướng nơi Tâm chúng ta thêm vào... một điểm thôi - một điểm mà thêm hơn ắt quá nhiều, ít hơn ắt quá không, thì cái cảnh giới của chút “tình vị” mà Tâm chúng ta thêm vào với đá: cảnh giới người tìm đến với đá, mà đá khế ngộ cùng người - khó nói nên lời được, hoặc nó phảng phất như một câu “thoại đầu’’ mà chúng ta quy kết từ trong văn chương ngữ lục ra, hoặc từ trong cái vô ngôn tuyệt đối chúng ta tụng lên một câu Phật kệ. Câu “thoại đầu” hoặc “Phật kệ” là để tự chúng ta: những “thức giả” tự thức, “bất thức giả” tự bất thức vậy. Đó là bản lý để chúng ta biết tại sao cục đá này “vô hình nhi vô sở bất hình; vô ngôn nhi vô sở bất ngôn”. Chơi đá là một thú tiêu nhàn, một diệu dược và cũng có thể tạm coi như một phẩm trợ đạo thân dẫn chúng ta trở về với tánh bản nhiên của chúng ta.

2.

Thạch ngoạn là một phương pháp phi nghệ thuật vì phương pháp thưởng ngoạn đá không có bất cứ chuẩn tắc nào để thể hiện cái đúng về sự vật cả vì chúng thuộc vào tri kiến cá nhân được thể hiện qua cái nhìn của họ về khối đá. Tuy nhiên, từ nghệ thuật đến phi nghệ về mặt hình thức (chỉ cho sự), dẫu thấy chúng có sự ngăn cách với bản thể (lý), nhưng tựu trung, sự ngăn cách đó là một sự cần thiết để nhờ đó chúng ta mới có khả năng bước đến bước thứ hai hầu thể nhập vào bản thể của sự vật. Do sự cần thiết này nên hình tướng cục đá cũng dự phần quan trọng vào tính quyết định của việc thấu đạt bản thể sự vật, mặc dù chúng chỉ là phương tiện.

Ở đây, chính vì sự không hoàn thiện của việc thưởng lãm đá đến nơi cùng tận của nó, cho nên sự giới hạn của chúng được đặt ra trên bình diện tương đối, theo một giới hạn nào đó, trong cách thưởng lãm theo tri kiến của người đó. Do đó, chúng không có tiếng nói chung cuộc như Thiền tông khi vượt qua khỏi những tắt công án, hay những câu thoại đầu được đặt ra cho hành giả. Các thiền thạch này, nếu đem trình diện trước nhãn quan của các hành giả Thiền tông, thì chúng sẽ trở thành những tắt công án. Nhờ vậy mà chúng luôn luôn ở trong dạng tự tại, lúc nào cũng hấp dẫn mọi người. Vì chúng tự tại cho nên không ai có thể bắt được chúng: khi mà một vật càng không thể thủ đắc thì vật thể ấy càng hấp dẫn hơn. Nhưng chính nhờ sự không thủ đắc được mà chúng lay động được tâm thức mọi người, để từ đó chúng trở thành cái bị vượt qua. Vì thế, các cục đá trong sưu tập này, trước hết chúng ta chỉ được coi như những vật đã được thủ đắc trong cái diện tương đối qua những tên đặt của chúng và chúng luôn luôn tùy thuộc vào trực cảm của những người thưởng lãm.

Chúng ta không cần phải đọc những dòng chữ được ghi dưới mỗi cục đá mà chúng ta có quyền nhìn chúng qua cảm nhận riêng của mình, chứ không nhất định là phải như thế này hay thế nọ theo cái nhìn chung. Chính vì sự không có tiếng nói chung về mặt tương đối cho nên từ đây chúng hình thành cái nhìn khác về sự, với con mắt của nhà Thiền là “từ đâu đến và sẽ về đâu” chúng sẽ biến thành khối nghi, và từ những khối nghi này, nếu biết đẩy chúng đến chỗ tận cùng, thì ngay dưới chân những khối đá này sẽ vỡ tung, biến thành hư không trong cái nhìn thực hữu.

Huỳnh Ngọc Trảng



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com