TRIỂN LÃM THẠCH THIỀN - Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN: Nghĩ về bộ sưu tập Thạch Thiền

Mục lục
TRIỂN LÃM THẠCH THIỀN
Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN: Nghĩ về bộ sưu tập Thạch Thiền
* Nhà nghiên cứu HUỲNH NGỌC TRẢNG: “Nếu được tâm như đá...”
*Nhà báo, nhà sưu tập HÀN TẤN QUANG: Thạch thiền
Tất cả các trang

 

Nghĩ về bộ sưu tập Thạch Thiền

52-HANH-THIEN--2RRR


Từ xa xưa, con người đã biết thưởng thức vẻ đẹp của đá nên đã đưa đá vào tận trong vườn, trong nhà của mình. Từng bước đã hình thành nghề chơi đá cảnh. Và một khi đã nói đến “nghề chơi”, thì nói như Nguyễn Du: Nghề chơi cũng lắm công phu. Nhưng để biết cho tường tận để chơi quả không dễ chút nào, bởi tùy vào sự cảm nhận của mỗi người về viên đá, hòn đá trước mặt mà có những lý giải riêng. Lúc ấy, mỗi viên đá, hòn đá trước mặt chúng ta như có linh hồn riêng, cảm giác riêng…

Nhìn những viên đá của nhà sưu tập Hàn Tấn Quang, tôi lại thấy anh có cách chơi riêng, và ít người sưu tập như anh. Bộ sưu tập đá này, anh gọi là Thạch Thiền. Đây là thuật ngữ riêng có của anh, và bộ sưu tập đá này tôi tin cũng riêng có của anh. Đạo Phật lấy thanh tịnh làm gốc nên chữ Thiền có nghĩa là yên lặng. Từ xưa, Việt Nam cùng với một số nước đồng văn đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Do đó, nói đến Thiền, nhiều người nghĩ đến Thiền tông xuất phát từ Trung Hoa do Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma sáng lập.

Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lí luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả tọa thiền (ja. zazen) để kiến tánh, được coi là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt như sau:

教外別傳    Giáo ngoại biệt truyền    Truyền giáo pháp ngoài kinh điển
不立文字    Bất lập văn tự                    Không lập văn tự
直指人心    Trực chỉ nhân tâm            Chỉ thẳng tâm người
見性成佛    Kiến tánh thành Phật      Thấy chân tính thành Phật.

Qua bài kệ này, chúng ta càng hiểu thêm và quý trọng bộ sưu tập Thạch Thiền. Với tôi, cơ duyên đã đến với anh và đã đến lúc hội đủ điều kiện mới có được bộ sưu tập Thạch Thiền này, chứ không phải ai muốn cũng được, ai có tiền cũng mua được. Nhân dân ta có tục thờ đá từ rất sớm. Qua Việt điện u linh, ai cũng biết tục thờ đá có từ thời An Dương Vương. Thần Cao Lỗ là Thạch Thần. Khi đạo Phật vào Việt Nam đã hòa trộn với tín ngưỡng dân gian, nên tín ngưỡng phụng thờ vẫn ghi đậm tục thờ đá: Thạch Quang Phật… Do vậy, khi nhìn bộ sưu tập Thạch Thiền của anh Hàn Tấn Quang, tôi cứ như bị cuốn hút và mặc sức tưởng tượng nghĩ về chư Phật, chư Bồ Tát đã hiển hiện trên từng viên đá riêng có của anh. Từ bộ sưu tập Thạch Thiền này, cùng với lời dạy của ngài Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa vừa dẫn trên, tôi nghĩ đá vô ngôn nhưng lại ẩn chứa sức sống diệu kỳ của tạo hóa, của nhân sinh… bởi bộ sưu tập này không hề có bàn tay can thiệp của con người.

Mừng Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2014 (Phật Lịch 2558), nhà sưu tập Hàn Tấn Quang triển lãm bộ sưu tập Thạch Thiền tại Chùa Phật học Xá Lợi (TPHCM) và ấn hành bộ sưu tập này, tôi ghi lại mấy lời cảm nghĩ và trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa.

Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com