Lâm Bích Thủy: Ông "Tây tiến" QUANG DŨNG đến nhà tôi

 

Những năm sau cơn bão tố vụ “Nhân văn giai phẩm” cuộc sống của những con người nằm trong danh sách đen ấy cũng chưa hẳn bình yên. Lẫn khuất đâu đó vẫn còn tư tưởng sợ liên lụy đến bản thân, chứ không phẳng lặng như hồi gia đình tôi còn ở trong cái thị trấn An Nhơn đìu hiu thuộc tỉnh Bình Định thưở nào.

quangdungR

Nhà thơ Quang Dũng

 

Ký ức đưa tôi về lại ngày xưa ấy; nhà tôi lúc nào cũng có khách; lúc thì chú Nguyễn Thành Long ở dưới Qui Nhơn lên, chú Khánh Cao ở trong xóm Lò Rèn ra, hay chú Tế Hanh ở Quãng Ngãi vào, hoặc chú Hoàng Châu Ký đi công cán ghé lại bốn năm hôm, hoặc qua đêm để sáng tiếp tục việc công v.v…Các chú đến nhà để tranh luận cùng ba nhiều vấn đề về thơ, kịch, về việc sống còn của dân tộc. Nhưng giờ đây, tại số nhà 37 Phố Hàng Quạt - Hà Nội, tôi chỉ còn gặp chú Nguyễn Thành Long, chú Phạm Hổ và vài ông bạn người Bắc, cùng làm việc tại Hội Nhà Văn Việt Nam, ở số nhà 51 Trần Hưng Đạo. Một trong số đó là bác Quang Dũng.

Những năm tháng đó, tôi còn bé, không để ý gì đến chuyện thời cuộc, nhưng thấy chất lượng cuộc sống nhà mình vô cùng khó khăn, bạn bè cũ đến nhà để bàn chuyện thơ văn với ba cứ vắng dần. Trong không khí nặng nề đó, tôi lại hay gặp người đàn ông to, béo; tôi ngỡ là người Pháp hay người Liên Xô (cũ.); thực ra bác giống người Ấn Độ hơn.

Vào cái thời tranh tối tranh sáng ấy, nếu ai có quan hệ với người nước ngoài mà hàng xóm thấy, đi báo Công an Khu vực, bị theo dõi ngay. Ông Tây đến nhà tôi lại nói tiếng Việt sõi hơn người Việt mới lạ. Tôi thấy lo trong lòng, sợ ba bị gán tội làm gián điệp, nên lần sau thấy ông, tôi liền rỉ vào tai ba, nói nhỏ: “Sao ba cứ cho ông Tây này vào nhà mình, hàng xóm biết, báo công an, ba bị tù cho mà coi”. Ba tôi phì cười hì hì hì, rồi nheo mắt nhìn ông “Tây”; ông Tây hiểu ngay, con bé đang nói về mình, nên âu yếm nhìn tôi vẻ thân thiện. Sau đó, ba chỉ vào người ông, giới thiệu: “Đây là bác Quang Dũng, không phải ông Tây đâu mà con lo”. Lẽ ra tôi gọi là chú Dũng, vì so tuổi thì ba lớn hơn những 4 -5 tuổi. Tính ba khác người, ông xưng hô không theo tuổi tác mà theo sự tôn trọng về tài năng của họ. Và tôi cứ theo đó mà quen- gọi là bác Quang Dũng!

Thế là việc phân loại hình Thần kinh được thực thi. Tôi xếp bác vào loại hình “thô săn”, bởi bác cao, to song chắc, khỏe, mạnh mẽ chứ không bệu rệu, rã rời như chú Xuân Diệu. Thần kinh bác cân bằng tốt, chậm nhưng không trì trệ; tóc màu muối tiêu; mắt bác hình như là màu của tro bếp, bác to nhưng hiền lành, gây được cảm tình trong tôi tức khắc. Vốn dĩ hay tò mò về các mối quan hệ giữa ba và các bạn thơ. Tôi thấy hai người này như có sợi dây ràng, ghịt chặt hai tâm hồn một béo một gầy lại với nhau.

Theo lời ba, bác Dũng là người đa tài, nhưng không gặp thời, tội lắm! Gia đình bác lúc nào cũng túng bấn, vậy mà bị phê bình là mang tư tưởng tiểu tư sản. Nghe ba nói do bài thơ Tây tiến của bác thể hiện rõ tư tưởng ấy; đã đi kháng chiến mà còn vương vấn thứ tư tưởng lãng mạn tiểu tư sản”.

Tội lắm! rãnh lúc nào bác lại xách cái túi bằng vải thừa đuôi thẹo, trong có cây bút chì và bút máy Trường sơn, có sổ công tác đã ghi chi chít chữ và dấu gạch bỏ, lem nhem. Bác tới với ba tôi để trao đổi, sẻ chia chỉ với ba mà thôi, những nỗi niềm sâu kín trong lòng. Mỗi lần đến, thấy có gì mới, bác ngắm nghía rất lâu như để ghi vào óc. Nhìn kệ sách ba tôi vừa đóng trên tường, làm bằng 5 cái pot-ba-ga xe đạp hỏng, bác khen lấy, khen để. Khoái lắm, rồi lục túi, lấy bút, sổ vẽ lại kiểu dáng và nói: “Về nhà, mình cũng làm một cái để chất sách vở dưới gầm giường lên cho đỡ muỗi, chuột.” Không biết sau này bác có làm được gì từ việc học hỏi ở ba tôi không mà chăm lắm, gặp gì cũng ghi ghi, chép chép cả.  Với bác Quang Dũng, ba tôi có bài thơ :

Họa mi trong lồng:

Tàu điện xa dần phía chợ  Mơ

Phòng văn được phút lặng không ngờ

Họa mi ai nhốt sau lồng trúc

Vọng tiếng rừng sang góp ý thơ

(10/1973)

Giải bày tình cảm của mình đối với bác Dũng, ba tôi chia sẽ cùng Báo “Tuổi trẻ”: “Gia đình tôi rất thân với anh Quang Dũng. Dũng người to lớn, trông như võ sĩ nhưng tính thì hiền, nghe chuyện buồn lại hay mau nước  mắt. Thời đó, mỗi  tháng cán bộ chỉ được mua 13 ký gạo, tôi và vợ tôi ăn ít, nên vừa đủ. Còn anh Quang Dũng to, khỏe, ăn nhiều, nên anh thường xuyên bị đói. Mỗi lần anh đến nhà chơi bà nhà tôi đều lặng lẽ đong cho anh túi gạo chừng dăm ba cân, để anh ăn thêm, lần nào nhận gạo anh cũng khóc.”

Nếu so sánh giữa gia đình tôi và gia đình bác ở mọi góc cạnh trong cuộc sống: nhà tôi cũng chật, cũng đông con, má thì mất sức không làm ra tiền; nhưng má tôi biết sắp xếp và biết tính toán “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, cộng với sự chung vai gánh bớt khó khăn của ba tôi, nên cuộc sống ổn hơn gia đình bác .

Tôi còn biết hoàn cảnh nhà bác: Cũng như bao cán bộ khác ở Hà Nội trong thời chiến; song hoàn cảnh nhà bác khó khăn gấp bội, vì vợ là người Tày, vụng việc nội trợ và tính toán nên cái khổ càng kiên trì đeo bám vào tới tận ngóc ngách nhà bác. Thật trớ trêu, bác thì to lớn, con đông, thế mà hàng ngày chỉ chui ra chui vào ở căn phòng nhỏ, trên gác ba của ngôi nhà cuối phố Bà Triệu. Cầu thang lên xuống vốn đã hẹp mà còn đèo bồng đủ thứ linh tinh, nào chai lọ, rổ rá dọc lối lên xuống, nên việc đi lại rất rầy rà bức bách. Thế mà bác chăm lắm. Việc nước, việc nhà bác đều chỉnh chu : Được cái nhà gần công viên Thống nhất, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, cứ ngày hai buổi sáng, chiều bác tranh thủ ra đó quét lá về đun cho đỡ tốn tiền mua chất đốt. Tối về, bác bảo con sắp hàng lấy nước. Nước đầy, con gọi, bác xuống lầu một, mỗi tay một thùng xách lên tới lầu ba nhà bác...

Má tôi kể lại: Cuối năm 1957, ba tôi nhận được 80đ tiền nhuận bút tập thơ “Những ngọn đèn”. Nhân hôm bác Dũng đến, ba đưa biếu bác Dũng 40 đồng, liền dặn: “Anh cầm chút tiền này mua gạo  cho các cháu ăn thêm, đừng để chúng đói, tội, vì chúng đang tuổi lớn...”. Việc làm này, má tôi cũng đồng tình vì bà thương gia cảnh bác Dũng. Cầm tiền của người bạn cũng khổ như mình, hai hàng nước mắt bác lăn dài trên má. Bác chẳng nói được nên lời, chỉ nhìn ba tôi chằm chằm rồi lau nước mắt và chào ba má   về để mua gạo.

Cảm kích tấm lòng bạn, mấy ngày sau, bác khệ nệ mang bức tranh “Đường làng” đến tặng ba tôi. Nếu ai có óc thẩm mỹ về hội họa thì nhìn xa, nhìn gần đều thấy tranh vẻ tặng ba vẻ cảnh một làng quê có cuộc sống rất yên bình; bất cứ ở đâu trên đất Việt cũng có cảnh như vậy. Nó không chỉ đơn thuần là cánh đồng, con trâu, cây chuối v.v… mà đó là cả ký ức về tuổi thơ, về tâm tư tình cảm trong mỗi con người xa quê, để rồi có lúc trong ta chợt sống lại bao kỷ niệm của những ngày có cha mẹ trong cái làng quê êm đềm ấy!...

Sau giải phóng ba tôi mang bức tranh về Nam, treo tại phòng khách. Bọn trẻ chúng tôi không am hiểu về lĩnh vực hội họa, càng không có thời gian để ngắm cái xa, cái gần của bức tranh, vì còn phải “tìm đường cứu nhà” trong thế giới đầy biến động và mưu sinh thời hiện tại. Chính vì thế ba tôi có bài thơ:

Cảm tác về một bức tranh treo ở nhà

Treo lâu sơn thủy cảnh thu suông

Bụi bặm thời gian đã phủ dồn

Để đó vào ra không kẻ ngắm

Cất đi còn ngại mặt tường trơn

Ở Hà Nội, đọc bài thơ đăng trên báo, vì không hiểu ẩn ý của ba tôi, bác Dũng trách: “Yến Lan chê tranh mình không đáng treo nhà ông ấy”, bác buồn lắm! Qua bạn bè ở Hà Nội, ba tôi biết, liền thư ra, giải bày tâm sự về ẩn ý của bài thơ: Rằng bây giờ lớp trẻ chúng nó không biết cái đẹp, thờ ơ với nghệ thuật, rằng, chúng “đa vô” mà “tiểu hữu”, chỉ chăm chăm kiếm tiền, lúc nào cũng chỉ tiền tiền mà thôi! Và bác Dũng đã hiểu ra cái tình ẩn của ông bạn già dành cho mình, vẫn nguyên vẹn như xưa, không hề phai nhạc, dù cách xa nghìn dặm.

Ba tôi không phải là họa sĩ nhưng ông nhận biết cái thần hồn và khát vọng hoài bảo của người họa sĩ phả vào bức tranh ấy. Thỉnh thoảng tôi còn nghe hai người vừa cười vừa khen bài thơ của ông này hay, bài thơ của chú kia có chỗ cần sửa lại vài từ v.v... Chẳng là vì hai người làm chung phòng và cùng làm biên tập...

Đôi lần tôi nghe ba khen thơ bác Dũng có hình ảnh, có nhạc điệu, dung dị nhưng rất sâu đậm và nặng tình người. Đời thơ của bác cứ âm thầm, lặng lẽ bất ngờ  v.v... Vì thế thơ bác Dũng luôn được bạn đọc yêu thích, họ nhận ra nguồn cảm xúc vô tận từ trái tim của bác. Thật vậy, có người nhận xét giống như ba tôi, rằng "Cái ông ấy, viết chữ nào ra chữ ấy. Nó như kẹo bột, như nước chè xanh, đố mà lẫn được!".

Bác Dũng hiền khô, nhưng có lẽ chưa hoặc ít ai chứng kiến cái duyên hài ở bác. Thế mà tôi vô tình chứng kiến được. Lần nọ, tôi về thăm nhà, đúng lúc bác đến chơi. Vừa bước chân vào bậc cửa, bác vui vẻ khoe:

“Anh chị Yến Lan biết không, tôi vừa được uống cả quả dừa mà không tốn xu nào”, và bác khà khà kể lại: “Thấy bà bán dừa đi qua, tôi trêu: Trời ơi! cau nhà bác trồng cách nào mà tốt trái vậy, bác đứng lại cho hỏi thăm chút kinh nghiệm. Ở quê, nhà tôi cũng có vài cây mà quả chỉ bằng ngón chân cái thôi”. Bà bán dừa đặt gánh xuống, vẻ quê mùa thật thà:
- Không phải cau đâu bác ạ, đây là quả dừa của Miền Nam đấy!

Tôi quyết không nghe:

- Quả này mà bác bảo là dừa ư? Bác muốn giấu nghề thì chớ!”.

Thế là tôi và bà ấy bắt đầu cãi: Cau - dừa; dừa  - cau”.  Thấy tôi to lớn mà không phân biệt được cau hay dừa, bà ức cái bụng lắm, đành cúi xuống, cầm lên một quả, lấy dao vạt miếng vỏ ở đầu trái, rồi dúi vào bụng tôi: “Này! Bác uống đi, xem nó là cau hay dừa mà cứ cãi lấy được.

Đấy! Bác Dũng là người như thế. Chẳng ai lạ lẫm cái cơ cực mà bác đã nếm trong suốt mấy thập niên trước đây!

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com