TRIỂN LÃM THẠCH THIỀN

Mục lục
TRIỂN LÃM THẠCH THIỀN
Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN: Nghĩ về bộ sưu tập Thạch Thiền
* Nhà nghiên cứu HUỲNH NGỌC TRẢNG: “Nếu được tâm như đá...”
*Nhà báo, nhà sưu tập HÀN TẤN QUANG: Thạch thiền
Tất cả các trang

Mừng Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2014 (PL.2558), Trung tâm Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Ban Phật học Chùa Xá Lợi (TP.HCM) phối hợp cùng nhà sưu tập Hàn Tấn Quang tổ chức triển lãm "Thạch thiền" với 75 hiện vật bằng đá tự nhiên không có bàn tay con người can thiệp. Triển lãm khai mạc lúc 9g sáng ngày 06/05/2014 và diễn ra đến ngày 13/05/2014 (nhằm ngày 08.04 – 15.04, Giáp Ngọ) tại Chùa Phật học Xá Lợi (89, Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, Thành phố Hồ Chí Minh). Triển lãm dành tặng 500 bản sách “Thạch thiền” cho người tham dự triển lãm.

55-LY-HY-DIEU-LACRR


6-AM-MAYRR




 

Nghĩ về bộ sưu tập Thạch Thiền

52-HANH-THIEN--2RRR


Từ xa xưa, con người đã biết thưởng thức vẻ đẹp của đá nên đã đưa đá vào tận trong vườn, trong nhà của mình. Từng bước đã hình thành nghề chơi đá cảnh. Và một khi đã nói đến “nghề chơi”, thì nói như Nguyễn Du: Nghề chơi cũng lắm công phu. Nhưng để biết cho tường tận để chơi quả không dễ chút nào, bởi tùy vào sự cảm nhận của mỗi người về viên đá, hòn đá trước mặt mà có những lý giải riêng. Lúc ấy, mỗi viên đá, hòn đá trước mặt chúng ta như có linh hồn riêng, cảm giác riêng…

Nhìn những viên đá của nhà sưu tập Hàn Tấn Quang, tôi lại thấy anh có cách chơi riêng, và ít người sưu tập như anh. Bộ sưu tập đá này, anh gọi là Thạch Thiền. Đây là thuật ngữ riêng có của anh, và bộ sưu tập đá này tôi tin cũng riêng có của anh. Đạo Phật lấy thanh tịnh làm gốc nên chữ Thiền có nghĩa là yên lặng. Từ xưa, Việt Nam cùng với một số nước đồng văn đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Do đó, nói đến Thiền, nhiều người nghĩ đến Thiền tông xuất phát từ Trung Hoa do Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma sáng lập.

Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mạnh nhất mọi nghi thức tôn giáo và mọi lí luận về giáo pháp. Thiền tông chỉ khuyên hành giả tọa thiền (ja. zazen) để kiến tánh, được coi là con đường ngắn nhất, đồng thời cũng là con đường khó nhất. Những nét đặc trưng của Thiền tông có thể tóm tắt như sau:

教外別傳    Giáo ngoại biệt truyền    Truyền giáo pháp ngoài kinh điển
不立文字    Bất lập văn tự                    Không lập văn tự
直指人心    Trực chỉ nhân tâm            Chỉ thẳng tâm người
見性成佛    Kiến tánh thành Phật      Thấy chân tính thành Phật.

Qua bài kệ này, chúng ta càng hiểu thêm và quý trọng bộ sưu tập Thạch Thiền. Với tôi, cơ duyên đã đến với anh và đã đến lúc hội đủ điều kiện mới có được bộ sưu tập Thạch Thiền này, chứ không phải ai muốn cũng được, ai có tiền cũng mua được. Nhân dân ta có tục thờ đá từ rất sớm. Qua Việt điện u linh, ai cũng biết tục thờ đá có từ thời An Dương Vương. Thần Cao Lỗ là Thạch Thần. Khi đạo Phật vào Việt Nam đã hòa trộn với tín ngưỡng dân gian, nên tín ngưỡng phụng thờ vẫn ghi đậm tục thờ đá: Thạch Quang Phật… Do vậy, khi nhìn bộ sưu tập Thạch Thiền của anh Hàn Tấn Quang, tôi cứ như bị cuốn hút và mặc sức tưởng tượng nghĩ về chư Phật, chư Bồ Tát đã hiển hiện trên từng viên đá riêng có của anh. Từ bộ sưu tập Thạch Thiền này, cùng với lời dạy của ngài Sơ Tổ Thiền tông Trung Hoa vừa dẫn trên, tôi nghĩ đá vô ngôn nhưng lại ẩn chứa sức sống diệu kỳ của tạo hóa, của nhân sinh… bởi bộ sưu tập này không hề có bàn tay can thiệp của con người.

Mừng Đại Lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2014 (Phật Lịch 2558), nhà sưu tập Hàn Tấn Quang triển lãm bộ sưu tập Thạch Thiền tại Chùa Phật học Xá Lợi (TPHCM) và ấn hành bộ sưu tập này, tôi ghi lại mấy lời cảm nghĩ và trân trọng giới thiệu với bạn đọc gần xa.

Tỳ kheo THÍCH ĐỒNG BỔN


 

“Nếu được tâm như đá...”

Đá tựa bồ đoàn trải vạn niên,
Tới nay chán kẻ đến tham thiền.
Năm năm nếu được tâm như đá,
Ngồi rách bồ đoàn ngộ đại thiên.

[Trích đề khoản bức vẽ Tắc thiên thạch phổ]

59-THIEN-TAMRRR

 

1.

Cục đá đang bày trước mắt chúng ta đây, nó không to, không hình dáng, không ngôn ngữ, nhưng trong nó hàm chứa một sức sống nghiễm nhiên như một quả núi hùng vĩ... Kỳ thật chúng ta cho nó như một hòn núi cũng không quan trọng gì, quan trọng là cục đá này thể hiện ra cái linh khí của đất trời cùng cái lãng mạn hào phóng của tạo hóa; nó biểu hiện cái “tánh bản nhiên” của nó: trầm định, cương ngạnh, kiên trinh, phác thật. Chúng ta là người giám thưởng đá nếu như không vì hình dáng và sắc màu của cục đá mà mê, cũng không vì nó là cục đá trải đường mà khinh, thì chúng ta hãy trực tiếp khế nhập vào “bản thể sinh mạng” của cục đá hầu tham nhiếp cái “bản lai diện mục” của nó mà quay về nhìn lại “bản lai diện mục” của mỗi chúng ta.

Đúng là cục đá này không có dáng vẻ, vô hình tướng nhưng không chỗ nào không hình dáng; đúng là cục đá này không ngôn ngữ nói năng nhưng không chỗ nào là không ngôn ngữ; nội hàm của nó phảng phất như cái dáng vẻ thuần khiết, hồn nhiên, giản phác và tỉnh lược từ trong cái dáng vẻ phức tạp mà ra, hoặc từ cái tuyệt đối không hình tướng nhưng với một điểm “tình vị” vô tướng nơi Tâm chúng ta thêm vào... một điểm thôi - một điểm mà thêm hơn ắt quá nhiều, ít hơn ắt quá không, thì cái cảnh giới của chút “tình vị” mà Tâm chúng ta thêm vào với đá: cảnh giới người tìm đến với đá, mà đá khế ngộ cùng người - khó nói nên lời được, hoặc nó phảng phất như một câu “thoại đầu’’ mà chúng ta quy kết từ trong văn chương ngữ lục ra, hoặc từ trong cái vô ngôn tuyệt đối chúng ta tụng lên một câu Phật kệ. Câu “thoại đầu” hoặc “Phật kệ” là để tự chúng ta: những “thức giả” tự thức, “bất thức giả” tự bất thức vậy. Đó là bản lý để chúng ta biết tại sao cục đá này “vô hình nhi vô sở bất hình; vô ngôn nhi vô sở bất ngôn”. Chơi đá là một thú tiêu nhàn, một diệu dược và cũng có thể tạm coi như một phẩm trợ đạo thân dẫn chúng ta trở về với tánh bản nhiên của chúng ta.

2.

Thạch ngoạn là một phương pháp phi nghệ thuật vì phương pháp thưởng ngoạn đá không có bất cứ chuẩn tắc nào để thể hiện cái đúng về sự vật cả vì chúng thuộc vào tri kiến cá nhân được thể hiện qua cái nhìn của họ về khối đá. Tuy nhiên, từ nghệ thuật đến phi nghệ về mặt hình thức (chỉ cho sự), dẫu thấy chúng có sự ngăn cách với bản thể (lý), nhưng tựu trung, sự ngăn cách đó là một sự cần thiết để nhờ đó chúng ta mới có khả năng bước đến bước thứ hai hầu thể nhập vào bản thể của sự vật. Do sự cần thiết này nên hình tướng cục đá cũng dự phần quan trọng vào tính quyết định của việc thấu đạt bản thể sự vật, mặc dù chúng chỉ là phương tiện.

Ở đây, chính vì sự không hoàn thiện của việc thưởng lãm đá đến nơi cùng tận của nó, cho nên sự giới hạn của chúng được đặt ra trên bình diện tương đối, theo một giới hạn nào đó, trong cách thưởng lãm theo tri kiến của người đó. Do đó, chúng không có tiếng nói chung cuộc như Thiền tông khi vượt qua khỏi những tắt công án, hay những câu thoại đầu được đặt ra cho hành giả. Các thiền thạch này, nếu đem trình diện trước nhãn quan của các hành giả Thiền tông, thì chúng sẽ trở thành những tắt công án. Nhờ vậy mà chúng luôn luôn ở trong dạng tự tại, lúc nào cũng hấp dẫn mọi người. Vì chúng tự tại cho nên không ai có thể bắt được chúng: khi mà một vật càng không thể thủ đắc thì vật thể ấy càng hấp dẫn hơn. Nhưng chính nhờ sự không thủ đắc được mà chúng lay động được tâm thức mọi người, để từ đó chúng trở thành cái bị vượt qua. Vì thế, các cục đá trong sưu tập này, trước hết chúng ta chỉ được coi như những vật đã được thủ đắc trong cái diện tương đối qua những tên đặt của chúng và chúng luôn luôn tùy thuộc vào trực cảm của những người thưởng lãm.

Chúng ta không cần phải đọc những dòng chữ được ghi dưới mỗi cục đá mà chúng ta có quyền nhìn chúng qua cảm nhận riêng của mình, chứ không nhất định là phải như thế này hay thế nọ theo cái nhìn chung. Chính vì sự không có tiếng nói chung về mặt tương đối cho nên từ đây chúng hình thành cái nhìn khác về sự, với con mắt của nhà Thiền là “từ đâu đến và sẽ về đâu” chúng sẽ biến thành khối nghi, và từ những khối nghi này, nếu biết đẩy chúng đến chỗ tận cùng, thì ngay dưới chân những khối đá này sẽ vỡ tung, biến thành hư không trong cái nhìn thực hữu.

Huỳnh Ngọc Trảng


 

Thạch thiền


Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội ngắm một cái gì đẹp, bởi cái đẹp chính là kỳ công của tạo hoá đấy.
(Ralph Waldo Emerson)

 

7-VO-MINH-TIEM-ANRRR-1


Có những lúc lòng người tiếc nhớ bâng khuâng một cái gì thoáng còn thoáng mất, có những lúc lặng im để nhìn lại một chốn xưa nào đó. Nơi mọi bắt đầu hình như không một lời giải thích nào thoả đáng, cho mọi sự đến, đi trên cõi đời này.

Trong tất cả các loại hình nghệ thuật thì nghệ thuật biểu cảm bằng khoảng lặng của tạo hoá chính là chân lý dìu dắt con người tìm về với chân, thiện, mỹ. Cầm trên tay một viên đá đã lặng thầm trôi dạt từ đời này sang đời khác, từ dòng nước này sang dòng sông khác, ai mà không ngạc nhiên trước sự kỳ diệu của bàn tay mưa nắng. Đá từ một bận vô ngôn, Nghìn năm biến thể vẫn còn nguyên khai.

Đá đã tạo cho mình một ẩn ngữ, để những tâm hồn đồng điệu có cơ may nhận ra thông điệp “Thạch Thiền” mà suốt cuộc hành trình trôi lăn, đá đã chứng kiến và cất giữ mọi biểu tượng của con người và tạo hoá. Từ xưa đá vẫn cao đầu, Nằm nghe trăng hát trên bầu trời xanh, Trùng phùng duyên ngộ vô thanh, Đá từ vô tận yến oanh vô tình.

Tôi tìm đá và đá cũng tìm tôi, như một duyên kỳ ngộ giữa con người và thiên nhiên. Không biết tự bao giờ trong tôi đã hình thành một ấn tượng đẹp về các tác phẩm “Thạch Thiền”, những hình tượng tạo nên hạt mầm hạnh phúc cho đời sống bằng sự giản dị và tinh tế bởi những hành trạng của mình.

Trưng bày và giới thiệu đến người thưởng ngoạn những tác phẩm “Thạch Thiền” lần này như một niềm ước mong nho nhỏ để cân bằng giữa sự ồn ào, xô bồ của cuộc sống với sự tĩnh lặng của nội tâm, giữa những giá trị nhất thời với chân lý vĩnh cửu, giữa niềm đam mê thời thượng với thú vui tao nhã.

Những tác phẩm “Thạch Thiền” được trưng bày như một lời nhắc nhớ về những giá trị khai ngộ từ âm thanh của các công án thiền, như một sự hiển hiện khơi dậy những giá trị tâm linh mà dòng thời gian đã vô tình che lấp. “Thạch Thiền” - những tác phẩm do sự xói mòn của nắng mưa, sóng gió, đẩy đùa của tạo hoá - đã đem lại một vẻ đẹp thanh khiết, một nguồn vui vô tận, đối với ai đã hơn một lần trầm mặc trước lặng im để nghe ra những điều mà đất trời không nói.

Trưng bày và giới thiệu những tác phẩm “Thạch Thiền”, tôi chỉ chú trọng đến cái tình vị, cái kỳ diệu mà tạo hoá đã tạc vào trong đá, hơn nữa, chơi với đá là tìm đến cái nhiên tánh của đất trời, được hoà cái tình của mình vào cái tâm tĩnh lặng của vũ trụ để cảm nhận biết bao điều từ nắng mưa, sông suối...

Hàn Tấn Quang


(nguồn: Ban Tổ chức Triển lãm Thạch thiền)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com