TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ Lê Minh Quốc nói về: Sức quyến rũ của phụ nữ là gì?

Nhà thơ Lê Minh Quốc nói về: Sức quyến rũ của phụ nữ là gì?

Mục lục
Nhà thơ Lê Minh Quốc nói về: Sức quyến rũ của phụ nữ là gì?
Kỳ 1: “Hai thương ăn nói mặn mà…”
Kỳ 2: Sự tinh tế của phụ nữ trong ứng xử
Kỳ 3: Giữ hoa hồng thế nào cho khỏi héo?
Tất cả các trang

 

Trong mắt các chàng si tình, nàng của mình luôn quyến rũ. Bởi họ đẹp ư? Đúng, và cũng… không đúng. Cái vế “không đúng” này là trong trường hợp ngoại hình của nàng, không hẳn là xuất sắc. Nhưng vẫn là đúng một khi có yếu tố tình yêu xen vào, bởi sắc đẹp chưa là tất cả trong tình yêu: Thi hào Ấn Độ Tagore từng chỉ rõ: “Hỡi sắc đẹp, hãy tự tìm thấy mình trong tình yêu, chứ không phải trong những lời nịnh hót của chiếc gương soi”. Nếu yêu người đơn thuần vì sắc đẹp thì sẽ đến lúc ta bẽ bàng nhận ra “những nếp nhăn là mồ chôn của tình yêu” (tục ngữ Tây Ban Nha), nhan sắc đã phai thì tình cũng nhạt. Theo tôi, sắc đẹp chỉ là lời hứa hẹn về hạnh phúc, chứ chưa chắc đem lại hạnh phúc.

noi-ve-tnh-yu


Vậy phụ nữ quyến rũ vì họ giàu có và thành đạt ư? Dĩ nhiên, nếu người yêu của mình vừa giàu, vừa đẹp thì vẫn thích hơn là “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Nhưng tựu trung, cả sắc đẹp lẫn sự giàu có (hoặc quyền lực) đều có thể mất đi. Và ngay những người nghèo và ngoại hình chẳng hề xuất sắc cũng vẫn có thể mang lại hạnh phúc ngập tràn cho ta trong tình yêu. Yếu tố cốt lõi của hạnh phúc hoàn toàn không phải tùy thuộc vào sự giàu có hay sắc đẹp ngoại hình. Với suy nghĩ của một trong những người (làm thơ) vốn được coi là “chân không chạm đất; hồn treo ngược cành cây”, tôi nhận thấy phụ nữ quyến rũ nhờ những “bí quyết” sau.


Kỳ 1:

“Hai thương ăn nói mặn mà…”

 

Ông bà ta từng nói “mật ngọt chết ruồi” hoặc “nói ngọt lọt đến xương”. Ca dao thì tấm tắc khen:

Một thương tóc bỏ đuôi gà

Hai thương ăn nói mặn mà có duyên

Bây giờ quan niệm về cái đẹp đã thay đổi, không còn là “tóc đuôi gà” chẳng hạn. Nhưng “ăn nói mặn mà có duyên” vẫn còn ý nghĩa… thời sự chứ chẳng hề lỗi thời, ít nhất là tôi tin như vậy (trong một bài thơ của tôi mình):

Dịu dàng em nói dạ thưa

Đôi môi lễ độ nghìn xưa vọng về

Cảm tình sâu nặng phu thê

Thoáng nghe nhưng đã hẹn thề núi non

Một lần nghe lại âm vang

Một thời đâu dễ vội vàng quên ngay

Dạ thưa mưa nắng gió mây

Thiên nhiên gìn giữ cho đầy nết na

Mà đâu phải chỉ có tôi nghiêng ngả vì hai tiếng “dạ thưa” từ giọng nói ngọt ngào của nữ giới. Vua thơ tình Việt Nam Xuân Diệu cũng còn ngẩn ngơ vì giọng nói của … em, nữa là tôi. Bạn còn nhớ bài thơ “Giọng nói” của Xuân Diệu có những câu sâu lắng thế này:

Ôi! Giọng sao mà rất mến thương

Êm như giếng mát đến soi gương

Dù ai tốt tiếng như ca hát

Cũng chẳng bằng em giọng nói thường


Gió thổi nhiều khi giọng nói bay

Không cần nghĩa chữ vẫn nghe hay

Sau xe, những tiếng em phơ phất

Cởi hết ưu phiền gửi gió mây


Ước gì ngàn năm nghe giọng ấy

Đèo em đi mãi cuối không gian

Và khi không nói, em im lặng

Anh vẫn nghe hay tựa tiếng đàn.

Xuân Diệu quả là tài tình khi hạ bút “Và khi không nói, em im lặng”. Bởi cánh đàn ông chúng tôi sợ nhất ở chỗ phụ nữ nói… quá nhiều, nên phụ nữ im lặng cũng là một cách… biết nói.

Vì vậy, bạn đừng quên lời cảnh báo hết sức chí lý: “Im lặng là món nữ trang đẹp nhất của người đàn bà, nhưng ít khi họ mang theo” (danh ngôn Anh). Nói cách khác, phụ nữ vẫn đầy quyến rũ khi họ… chừng mực trong phát ngôn.

Ngoài giọng nói, theo bạn, phụ nữ còn bí quyết gì nữa để trở thành người quyến rũ. Hẹn gặp bạn trong lần trao đổi khác nhé.

Thục Oanh ghi

(nguồn: Báo Thể thao TP.HCM ngày 10.9.2004)


 

Kỳ 2:

Nhà thơ Lê Minh Quốc trò chuyện về:

Sự tinh tế của phụ nữ trong ứng xử

Một chiều lộng gió, hàng bạch đàn run rẩy trong bóng nắng. Từ giảng đường trở về ký túc xá, tiếng cười nói của các nữ sinh viên ríu rít như chim non. Có một chàng trai lẽo đẽo bước theo sau, với lá thư tình nằm gọn trong tay. Nàng yểu điệu thục nữ. Nàng xinh đẹp. Và hắn đang say đắm. Lấy hết sự dũng cảm, hắn bước vội lên phía trước và trao thư cho nàng. Rồi hắn lùi lại phía sau, hồi hộp chờ đợi, vì nghĩ rằng hẳn nàng sẽ quay lại “đá lông nheo” với hắn, hoặc sẽ “hồi âm” cho hắn. Thế nhưng, chỉ dăm phút sau, trên đường đi hắn thấy lá thư tình của mình bị xé vụn và thả bay trong gió.

Hắn chính là tôi của năm thứ hai ở làng Đại học Thủ Đức. Cách ứng xử “thô bạo” của người bạn gái ấy khiến “vết thương lòng” tôi đau nhói nhiều năm liền. Sau này gặp lại, dù hai chúng tôi đã có đời sống khác, đã có vợ có chồng, nhưng cũng khó giữ được sự thân thiện.

Lần khác, tôi mời người yêu vào nhà hàng “hát với nhau” và tình cờ gặp một bạn gái khác (cũng là chỗ thân tình), chúng tôi liền ngồi cùng bàn. Khi âm nhạc lên tiếng, dường như mọi ngập ngừng, lúng túng rớt lại phía sau. Theo phép lịch sự, tôi mời cô bạn lả lướt theo điệu valse… Có lẽ lúc ấy tôi vô tình nên không thấy người yêu nhìn mình bằng “cặp mắt hình viên đạn”. Và bỗng nhiên, cô ấy hất tung mọi thứ trên bàn. Từng âm thanh vỡ toang khiến mọi người xung quanh kinh ngạc và nhốn nháo. Mười năm sau, nàng mới kể lại cảm giác gì khiến nàng cư xử điên rồ như thế: “Khi anh khiêu vũ với cô kia lần đầu, tôi thấy bình thường. Lần thứ hai, tôi thấy trái tim mình run rẩy. Lần thứ ba, tim tôi như bị siết chặt. Nghẹt thở. Đích thị là tôi… ghen”. Ứng xử khi… ghen của nàng đã đẩy chúng tôi vào tình thế vô phương cứu chữa!

Lại nói đến bạn bè, một người bạn ở báo Người Lao Động thường về khuya vì… ham nhậu. Lúc anh ta về nhà, vẫn thấy vợ ngồi đợi với nét mặt (cố gắng) thản nhiên và ân cần chăm sóc; ân cần đến mức mời anh dùng cơm chiều. Chỉ dăm lần được chăm bẵm như thế, bạn tôi phải tự giác thay đổi giờ giấc sinh hoạt của mình vì không… thích ứng được sự dịu dàng đến mức ấy của vợ. Nhưng một người bạn khác lại phải mắc cỡ với hàng xóm vì vợ thường “tiếng bấc, tiếng chì” những khi anh về muộn. Lần nọ, anh liề lĩnh ngủ lại nhà bạn do sợ vợ “làm cho một trận”. Sáng hôm sau, vợ đã thu xếp… vali cho anh và bảo “thích bạn hơn vợ thì theo bạn mà sống. Trước cách ứng xử quyết liệt ấy, không ngờ anh ta… đi luôn.

Chắc bạn còn nhớ mấy câu ca dao sau:

“Chị kia bới tóc đuôi gà

Nắm tay chị lại hỏi nhà chị đâu?

Nhà tôi ở dưới đám dâu

Ở trên đám đậu, đầu cầu ngó qua

Ngó qua bụi bắp trở cờ

Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông”.

Rõ ràng, cách chỉ đường này kỳ cục. Hãy nghe nhà văn Mai Văn Tạo lý giải sự kỳ cục này: “Thực ra, người hỏi rất ba gai - mới gặp đã hỏi nhà, lại còn nắm tay người ta mà hỏi. Người con gái đàng hoàng tất nhiên không nói chỗ ở của mình cho người ba gai như thế. Không trả lời thì không tiện, nặng lời thì bất lợi (biết đâu hắn nổi khùng thì sao)… Vậy nên, cô gái điềm nhiên chỉ mà không… chỉ”. Thế đấy, càng thông minh, khôn khéo bao nhiêu thì phụ nữ càng tỏ rõ bản lĩnh của mình.

Thay cho lời kết, tôi mượn chuyện của một nhà văn Pháp. Người ta “làm mai” cho ông một người, và giới thiệu “cô ấy đẹp”, nhà văn liền viết số 0; “cô ấy giàu”, nhà văn lại viết số 0; “cô ấy đầy quyền lực”, nhà văn cũng viết số 0. Nhưng khi người mai mối nói là “cô ấy rất dịu dàng” thì lập tức nhà văn viết số 1 trước một dãy số 0 kia.

Thục Oanh ghi

(nguồn: Báo Thể thao TP.HCM ngày 17.9.2004)



 

Kỳ 3:

Nhà thơ Lê Minh Quốc trò chuyện về:

Giữ hoa hồng thế nào cho khỏi héo?

Từ bao giờ người ta đã lấy hoa hồng làm biểu tượng cho tình yêu? Chẳng rõ. Nhưng khi chọn loài hoa này, nghĩ cho cùng thì cũng là một điều hợp lý. Bởi lẽ, ngoài sắc đỏ rực rỡ đến nhói lòng, nó còn hấp dẫn hơn vì có… gai nhọn. Đã một lần tôi viết: :

Hoa hồng đỏ lạnh lùng như máu ứa

Tôi cúi hôn gai nhọn lãng quên người

Ấy là tâm trạng bất thường, nói như giới trẻ hiện nay là không biết “nuôi dưỡng tình yêu” nên mới xảy ra nông nỗi ấy. Thời trẻ, ai không có một lần khờ khạo và nông nổi như thế? Chỉ sau này, khi tỉnh táo họ mới nhận ra rằng, nếu lúc ấy chỉ cần cả hai biết nghĩ lại một chút thì “tình hình chiến sự” đã khác. Bạn tôi, nhà thơ Đoàn Vị Thượng cũng từng tiếc nuối:

Bỗng nhớ lại mọi điều sao giản dị

Tôi như em - vụng dại đến nao lòng

Chỉ cần một trong hai người biết nghĩ

Lúc bấy giờ ta dễ mất nhau không?

Thực ra, trong tình yêu không thể đem kinh nghiệm của người này áp dụng cho người kia. Nhưng để giữ cho hoa hồng khỏi héo (hay cho tình yêu lâu bền) thì người ta vẫn có “nghệ thuật” đấy chứ… Theo tôi, trong thời gian đang yêu nên có nhiều cơ hội… va chạm nhau, gây gổ nhau, hoặc… xa nhau! Mới nghe đến đây chắc bạn sẽ bĩu môi “Ứ thèm! Nhà thơ nói tầm phào!”. Nhưng mà thật đấy! Vì đó chính là lúc “người này” bộc lộ tính cách để “người kia” có cơ hội nhận xét, đánh giá. Điều này quan trọng lắm. Bởi lẽ, ta từng nghe “mắt con trai, tai con gái” nên dễ xiêu lòng và không ít người ngộ nhận mình yêu và được yêu.

Trong khi yêu, lúc giao tế và gặp gỡ thường có những làn sương lãng đãng quanh ta, ít nhiều làm “nhòe” đi sự chính xác trong cảm nhận về người đối diện. “Làn sương” ấy chính là ảo giác của tình yêu, bất cứ ai đang yêu cũng dễ… vướng vào. Vì thế, tình yêu cần được thử thách. Nói có sách, mách có chứng, tôi xin kể lại mối tình của nhà phê bình Hoài Thanh (tác giả Thi nhân Việt Nam) với nhà báo Phan Thị Nga. Ở “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, cả hai thường viết thư cùng trao đổi về quan niệm sống, về tình yêu… để tình bạn biến thành tình yêu… Mùa đông năm 1933, nghe tin chàng bị sưng phổi nặng, có lúc hôn mê, nàng từ Hội An ra Huế thăm chàng, dù hai người chưa biết mặt nhau. Sau này, Hoài Thanh kể với các con mình: “Ý định của mẹ ra Huế là cốt có một đứa con với cha, vì nếu cha chết đi mà vẫn còn một đứa con thì cũng là điều an ủi”.

Suy nghĩ của nàng đáng khâm phục biết chừng nào, mà chỉ khi yêu, và thật sự yêu người ta mới có được suy nghĩ ấy. Nhờ “sự cố” ấy mà Hoài Thanh xác tín được tình cảm của “người ấy” dành cho mình. Sự xác tín ấy, ở người này thường không giống người kia. Nhưng có lẽ phổ biến nhất vẫn là sự thử thách lúc xa nhau. Thiên hạ thường nói “Xa mặt, cách lòng” kia mà… Và trong ca dao thì:

Xa anh đã mấy trăng tròn

Nhớ anh, em khóc đã mòn con ngươi

Tình yêu diễn biến thiên hình vạn trạng, khó có người nào giống người nào. Nhưng tôi nghĩ, chất keo liên kết giữa hai người phải được bộc lộ qua nhiều thử thách. Tôi lại nhớ đến mối tình đầu của quái kiệt NSND Ba Vân. Cuối năm 1927, khi mới 20 xuân, ông theo gánh hát Nghĩa Hiệp, mỗi tháng lãnh lương 26 đồng, có thương thầm một cô hát cùng gánh. Vì tình yêu, ông tận tình giúp đỡ người bạn gái ấy trong nghề nghiệp. Năm 1930, gánh Nghĩa Hiệp vào Sài Gòn. Nhưng rồi có một thử thách dẫn đến tan vỡ mối tình của Ba Vân, như ông viết trong hồi ký: “Miền Nam đang cơn kinh tế khủng hoảng, làm nghề rất khó khăn. Chúng tôi quen tiêu pha hoang đàng, mà kiếm không ra tiền nên sống chật vật. Có một số gánh vẫn hát tốt như gánh Trường Sanh chuyên hát cải lương tuồng Tàu”. Và khi người yêu của ông qua coi gánh ấy hát đã bị “một thằng bên đó phỉnh nên theo liền”.

Ông lại tâm sự: “Nghe bạn bè phô (kể lại), tôi thấy đúng vậy, và đã định trả thù. Có lần tôi dắt dao, định cho mỗi đứa một dao xong đời. Nhưng tôi nghĩ mình có giết họ cũng không lấy lại được gì. Lại nghĩ, mình chiều chuộng, nâng niu cô ta như thế, hết lòng bảo ban và hướng dẫn nghề nghiệp cho cô ta như thế, mình là kép hát chánh, thằng kia cũng có hạng, sao nó “cướp” được người mình yêu thương… Nỗi đau cứ đeo đẳng mãi”. Thực ra, đây là điều may cho Ba Vân, nếu không xảy ra chuyện ấy mà sau này - khi đã “xe duyên cầm sắt” phải đối đầu với tình huống oái oăm như thế thì quả là… rối.

Vậy bản chất đích thực của tình yêu là gì? Không phải chỉ “nghe” và “thấy” mà cả hai cùng phải có chung một lý tưởng, hòa hợp trong một quan niệm sống… như văn hào Saint Exupery (tác giả của Hoàng tử bé) thì: “Yêu không phải chỉ nhìn nhau mà cùng nhìn về một hướng”. Bạn đừng cho là nhà thơ (như tôi) nói chuyện tình yêu cứ như chuyện… chính trị. Không đâu! Mà cũng chưa hẳn suy nghĩ của tôi hoàn toàn đúng. Bạn có quyền tranh luận… Tôi nghĩ, nuôi dưỡng tình yêu cũng giống như nghệ thuật trồng hoa hồng. Nếu hoa hồng được giấu trong bóng râm cũng như tình yêu được phủ dụ bằng những lời mật ngọt thì đều dễ chết yểu. Bạn nghĩ sao về điều này?

Thục Oanh ghi

(nguồn: báo Thể thao TP.HCM ngày 20.9.2004)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com